Người già Việt Nam sướng hơn người già Nhật Bản?

Thứ Sáu, 28 Tháng Chín 20181:00 SA(Xem: 5232)
Người già Việt Nam sướng hơn người già Nhật Bản?
Báo chí nước ta thường đưa tin về cuộc sống cô đơn của người già ở những nước phát triển như Nhật Bản. Người Việt cũng thường đem chuyện này ra để chứng minh cuộc sống ở nước ngoài cũng chẳng hơn gì Việt Nam, nếu không muốn nói là kém hơn, và rằng người phương Tây (bao gồm cả những nước sống kiểu phương Tây như Nhật Bản) không có hiếu bằng người Việt. Vậy cách sống nào hay hơn?
_103504227_2
Nhật Bản có tỉ lệ sinh con thấp và rơi vào tình trạng 'lão hoá dân số'
Sống kiểu phương Đông
Người già, ai cũng muốn được sống cạnh người thân, được quây quần bên con cháu. Nhưng đổi lại là rất nhiều bất tiện: Tuổi tác khiến cho thói quen sinh hoạt khác, giờ giấc khác, sở thích khác, ăn uống khác. Đó là những người già còn sức khỏe, nếu đến lúc không thể tự phục vụ được mình nữa thì càng khó khăn.
Việc chăm sóc cha mẹ già tất nhiên là tốt nhưng không phải ai cũng có điều kiện để làm việc đó. Người trẻ thì phải đi làm để kiếm miếng ăn nuôi bản thân và con cái, không thể ở nhà để chăm được. Việc chăm sóc thật ra cũng phải thuê người giúp việc.
Người giúp việc thì vẫn chỉ là người giúp việc, những gia đình này gần như chẳng bao giờ dám đi đâu xa, vì còn vướng cha mẹ già ở nhà.
Để đổi lấy cảm giác được gần người thân của người già thì phải đánh đổi hy sinh rất nhiều thứ, trong đó lớn nhất là sự tự do và cả sức khỏe của con cái.
Cuộc sống kiểu này giống như cái vòng luẩn quẩn: Lúc còn trẻ thì lo đi làm kiếm tiền, đồng thời nuôi con, chăm sóc cha mẹ già; đến khi già không còn phải lo nữa thì lại chẳng còn sức khỏe để tận hưởng điều gì mà lại tiếp tục phiền đến con cháu.
Sống kiểu phương Tây
_103504231_3
Có ý kiến cho rằng về già sống ở Việt Nam là 'sướng nhất'
Việt Nam: Nhịn và giới hạn chịu đựng
Người phương Tây ít nhất có một khoảng thời gian tự do, đó là sau khi con cái đã lớn thì họ được sống cho bản thân mình.
Ngay kể cả việc con cái, họ cũng không phải chăm lo nhiều như người phương Đông. Có người nước ngoài nhận xét rằng: "Người Việt Nam: Trẻ con thì để tự do, không dạy dỗ nhiều, nhưng khi lớn lên lại phải can thiệp, lo lắng đủ thứ chuyện như cưới xin, nhà cửa…".
Nhận xét đó rất đúng, nó cho thấy lối sống còn nhiều bất hợp lý của người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung.
Mỗi thế hệ cần có sự độc lập riêng, một khoảng trời riêng để tránh những va chạm, những khó chịu không cần thiết. Mỗi người có cuộc sống của mình, ít phải nhờ cậy đến người khác, ít ảnh hưởng đến người khác. Người già không làm mệt mỏi thêm cuộc sống vốn đã nhiều phiền phức của con cái, thanh niên tự lập sớm không nhờ cậy cha mẹ.
Tất nhiên cái gì cũng có giá của nó, cái giá phải trả ở đây là sự ít tiếp xúc, gặp gỡ; nhưng sự gặp nhau thường xuyên, ở gần nhau có đảm bảo cho một quan hệ nồng ấm?
Có báo Việt Nam đưa ảnh phóng sự về cuộc sống trong một khu nhà dành riêng cho người già ở Nhật. Những người ở đây rất cô đơn, gần như sống chỉ để chờ chết. Nhưng có một điều mà chúng ta không nhìn thấy, đó là những người này đã có một tuổi trẻ tự do, sống cho bản thân mình, họ đã từng sống như chính con cái họ bây giờ vậy, nên họ không trách ai cả. Một điều ít người để ý nữa, là mỗi người ở đây sống trong một căn hộ riêng, dù có quen cũng không dọn sang ở chung cho có bầu bạn; vì ở chung tuy có vui hơn, nhưng có thể phát sinh nhiều điều phức tạp. Muốn có tự do cá nhân thì phải trả giá.
Người phương Đông có hiếu hơn?
Người Việt hay người Trung Quốc nghĩ rằng mình có hiếu hơn người phương Tây, nhưng theo nhà Phật: Bất hiếu là tội nặng nhất. Chiểu theo điều đó, người Nhật, người Mỹ hay người của những quốc gia phát triển khác phải bị trừng phạt nhiều nhất mới phải, sao họ vẫn có cuộc sống tốt hơn, giàu có hơn, khỏe mạnh, đẹp đẽ hơn?
Có lẽ phải nhìn sự việc theo một cách khác. Người Việt Nam có câu: "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Người Việt coi công cha nghĩa mẹ như trời bể, nhưng khi cha mẹ sinh con ra mà không nuôi nấng thì lại coi là "vô trách nhiệm".
Nếu nuôi con là một việc to lớn khủng khiếp nhường ấy, thì không nuôi cũng phải coi là việc bình thường chứ, sao lại là "vô trách nhiệm", là "việc hiển nhiên nhất mà cũng không làm được". Giống như được làm Thủ tướng là một việc vĩ đại to tát, thì không được làm Thủ tướng cũng là điều bình thường thôi.
Có nghĩa là khi đã sinh con ra, thì trách nhiệm của cha mẹ là phải nuôi nấng, không có cách nào khác, không thể vứt bỏ ra đường. Chính vì thế mà người phương Tây không tính công cho việc ấy, họ sinh con ra là vì thích trẻ con, không phải vì lý do gì khác, không kể công sinh thành, vì đứa trẻ kia chắc gì đã muốn được sinh ra, nó không quyết định được việc đó.
Việc coi cha mẹ là thần thánh của người phương Đông có rất nhiều mặt trái, trong đó tiêu biểu là quan niệm: "Đã là cha mẹ thì không bao giờ sai cả"; trong khi ai cũng biết rằng không ai hoàn hảo, ai cũng phải mắc sai lầm, ai cũng cần phải sửa đổi bản thân. Việc không bao giờ nghĩ mình sai khiến cho những bậc cha mẹ không bao giờ nhận ra khuyết điểm để trở nên tốt hơn, việc này cứ lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người phương Tây nhìn chung chỉ định hướng, đưa ra những lời khuyên, chứ quyết định vẫn là con cái. Vì số phận của mỗi người chỉ tự mình quyết định được, thành công là do mình, nếu thất bại cũng không trách ai được.
Những đứa trẻ sinh ra ở phương Tây không được giáo dục phải chăm sóc cha mẹ là vì những lý do trên. Người Việt Nam hay Trung Quốc vẫn chưa chấp nhận được điều này. Nhưng hãy nhìn xem văn hóa con người ở đâu tốt hơn, cuộc sống ở đâu đáng mơ ước hơn?
Cuộc đời này không thể hoàn hảo, được cái này thì mất kia. Sống kiểu phương Đông hay phương Tây thì đều có cái hay và cái không hay, có được và có mất. Nhưng thực tiễn cho thấy vẫn cách sống được nhiều hơn, và mất ít hơn. Bạn chọn cách nào?
Hoài Giang 
Gửi đến BBC từ Hà Nội
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
(BBC)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn