Nhật Bản sẵn sàng cho sứ mệnh chinh phục mặt trăng của sao Hỏa

Chủ Nhật, 19 Tháng Mười Một 20233:00 SA(Xem: 669)
Nhật Bản sẵn sàng cho sứ mệnh chinh phục mặt trăng của sao Hỏa

Sứ mệnh đầy tham vọng của cơ quan vũ trụ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc và sự tiến hóa của sao Hỏa nói riêng, và Hệ Mặt trời nói chung.

Trong bối cảnh sao Hỏa là điểm đến được nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến, thì Nhật Bản lại chọn cho mình một mục tiêu khá thú vị, đó là Phobos và Deimos - hai trong số những mặt trăng của hành tinh Đỏ.

 Hình ảnh sao Hỏa và 2 mặt trăng Deimos (ở trên) và Phobos (ở dưới).
Hình ảnh sao Hỏa và 2 mặt trăng Deimos (ở trên) và Phobos (ở dưới). Nguồn gốc của những mặt trăng này vẫn còn là một bí ẩn. (Ảnh: DLR).

Theo Space, quốc gia này đang ráo riết chuẩn bị cho sứ mệnh mang tên "Nhiệm vụ thám hiểm Mặt trăng sao Hỏa" (MMX), bao gồm việc lấy mẫu đất đá ở mặt trăng Phobos, rồi mang chúng về Trái đất.

Sứ mệnh MMX của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đánh dấu sự hợp tác của cơ quan này với châu Âu và Mỹ, bao gồm việc phát triển các thiết bị và phần cứng khoa học trên tàu.

Tàu bao gồm 9 thiết bị, với 7 trong số đó được dành riêng cho việc viễn thám và quan sát tại chỗ các mặt trăng của sao Hỏa. Tàu cũng sở hữu một cánh tay robot, có nhiệm vụ thu thập vật liệu từ dưới bề mặt và đưa chúng vào một viên nang.

Nếu mọi thứ diễn ra đúng tiến độ, MMX sẽ được triển khai vào năm 2024, và tới đích vào năm 2025. Tại đây, tàu vũ trụ của sứ mệnh sẽ bắt đầu nhiệm vụ đường dài, khi thu thập các mẫu đất đá, và thực hiện một số thí nghiệm khoa học trên mặt trăng của sao Hỏa.

Những mẫu này dự kiến sẽ được chuyển về Trái đất vào năm 2029. Tuy nhiên, việc triển khai sứ mệnh trên Phobos được xem là không hề dễ dàng.

 Nhật Bản đang hướng tới sứ mệnh tham vọng nhằm chinh phục mặt trăng của sao Hỏa.
Nhật Bản đang hướng tới sứ mệnh tham vọng nhằm chinh phục mặt trăng của sao Hỏa. (Ảnh: JAXA).

Phobos vốn dĩ là mặt trăng lớn nhất của sao Hỏa, với bán kính xấp xỉ 27km. Trên bề mặt của nó tồn tại rất nhiều miệng hố và địa hình phức tạp, khiến cho việc di chuyển trở nên khó khăn.

Được biết, mặc dù lực hút ở mặt trăng này chỉ bằng 1/2000 trọng lực của Trái đất, nhưng các yếu tố khác vẫn còn là ẩn số. Ngoài ra, lớp bề mặt của Phobos cũng chưa được xác định là có đủ "mềm và mịn" để việc hạ cánh diễn ra một cách an toàn.

Terik Daly, nhà khoa học hành tinh tại phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng (APL) của Đại học Hopkins, Mỹ, thừa nhận MMX là một sứ mệnh đầy tham vọng, và tồn tại rất nhiều rủi ro. Dẫu vậy, sứ mệnh này được kỳ vọng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nguồn gốc và sự tiến hóa của sao Hỏa nói riêng, và Hệ Mặt trời nói chung.

"Hiện tại, chúng ta biết rất ít, hay gần như không có bất kỳ thông tin nào về thành phần nguyên tố của Phobos", Daly chia sẻ. "Nếu Phobos được hình thành thông qua một vụ va chạm lớn ở sao Hỏa, nó có thể sẽ có nhiệt độ khá ấm và đốt cháy các nguyên tố bay hơi. Trái lại, nếu mặt trăng này là một vật thể bị "bắt giữ", nó có thể sẽ có nguồn gốc từ ngoài Hệ Mặt trời, và tiềm ẩn những nguyên tố mới".

Với việc có tới 2 sứ mệnh đưa mẫu vật tiểu hành tinh trở lại Trái đất thành công, Nhật Bản hy vọng đây sẽ là bước tiếp theo để JAXA thể hiện năng lực của họ trong việc thực hiện các sứ mệnh khoa học ngoài không gian.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn