Phan Thúy Hà - Nghe bác Phan Khánh nhắc chuyện đời sơ

Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 20236:00 SA(Xem: 629)
Phan Thúy Hà - Nghe bác Phan Khánh nhắc chuyện đời sơ

pth_01 

Bác nhớ bảy, tám nhà có người chết đói trong làng năm bốn lăm, bây giờ họ sống lại bác vẫn nhớ ra từng tên.

Hai lăm tết, cha bác mang sang nhà anh chắt Lục một xâu thịt bò. Mùng một tết anh sang xin bữa cơm, mẹ bác xới cho một bát, anh xin đem về, mùng bảy tết mấy cha con anh chết cả rồi.

Nhà anh đồ Cận cũng chết cả ba cha con, người mẹ trước đó đã bỏ đi. Nhà dái Sáu chết ba, bốn người. Nhà ông Đậu Chín, chết hai vợ chồng, mấy đứa con, có một đứa con gái đầu vẫn sống. Đau nhất là nhà ông Đậu Ngân, em ông Đậu Chín, nhà tám người chết cả tám, chết trong nhà không ai biết, thối um lên, người ta phải đốt nhà cho bớt thối rồi đưa đi chôn.

Nạn đói vừa qua thì đi phá hoại. Nông dân hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An được lệnh ra Vinh phá hoại, ai đi theo đoàn phá hoại sẽ được chia một số đồ. Suốt mấy tháng người làng đi đò dọc từ Hương Sơn ra Vinh tham gia phá hoại. Dỡ được cái gì lấy cái đó, chở về, bốc lên sân làng. Hết đồ rồi thì đục cả tấm nhựa đường chở về, các nhà lấy về lót chỗ rửa bát, chuồng lợn, cầu ao. Vinh tiêu thổ xong thì xuống thị xã Hà Tĩnh, rồi cuối cùng là các trung tâm huyện, thị trấn, cứ nhà gạch, nhà xây nào là đập.

Kháng chiến trên đà thắng lợi.

Bọn bác đi ra Vinh coi bắn Lương Văn Phổ. Anh này người Bình Trị Thiên. Lúc đó anh bị giam trong chùa Diệc, đang ăn bữa cơm cuối cùng. Bác lại sát chỗ anh đang ngồi ăn nhìn cho rõ mặt. Thấy đám con nít nhòm sát quá, anh giơ tay lên, nói, chốc nữa bắn, bắn vô đây này (anh lấy tay chỉ vào ngực), máu phun ra coi mới hay, chứ giờ anh ăn thì cũng như các em ăn có chi đâu mà coi.

Nghe cũng phải, bác với mấy đứa ra ngoài trường bắn xí chỗ trước, bọn bác chọn chỗ ngồi sát cọc. Lát sau họ dẫn anh ra. Anh mặc áo sơ mi trắng, quần kaki màu vàng. Có cả cha đạo Vương Đình Ái và ông sư Thích Mật Thể đi rửa tội cho người chết. (Bác từng thấy ông đi rửa tội cho 18 thầy trò Đội Cung).

Xử bắn hồi đó lịch sự chứ không phải như sau này. Họ đọc quyết định thi hành án. Năm anh cảnh vệ mang năm khẩu súng trường ra. Anh Phổ mặt rất bình thản, bác ngồi sát nên nghe anh nói rất rõ: Bà con gọi tôi là Việt gian, tôi không bao giờ nhận tôi là Việt gian nhưng tôi đối địch với bà con, đối địch với kháng chiến, vì lý tưởng tôi khác. Bây giờ kháng chiến giết tôi, cũng như tôi bắt được kháng chiến tôi cũng giết cho nên tôi không oán trách gì hết. Tôi không phải là Việt gian, nhưng tôi khuyên bà con đừng ai đi con đường của tôi. Tôi cũng cảm ơn kháng chiến, những ngày giam cầm tôi đối xử với tôi nhân đạo.

Sang năm bốn tám thì có chủ trương đập chùa, đền, miếu... thực hiện “phản phong”. Họp dân thì không nói như thế, cán bộ xã giải thích với dân: Bây giờ nông dân đang hợp tác xã (ngày đó hợp tác xã không phải như hợp tác xã sau này) nên các thần thánh cũng phải hợp tác lại, gọi là Hợp tự. Các đạo phật, đạo lão, đạo nho, đạo thờ cha mẹ hợp nhau lại, mỗi làng chỉ được để một ngôi thờ, rước hết bài vị về đó, các cụ hợp lại như hợp tác.

Xã cho mỗi làng một con bò và hai tạ nếp ăn liên hoan làm lễ rước kiệu. Mấy ngày hôm đó làng vui như hội, múa may, chèo thuyền. Kiệu, ngai, lộng, gươm dáo, bài vị... rước hết về chất một đống.

Xong hợp tự là đi đập phá chùa, đền, miếu. Bác cũng trong đội đập phá.

Chả nghĩ gì, chi bộ bảo làm thì làm, lúc đó bảo phá nhà bác thì bác cũng phá, ai mà dám lý sự.

Đến chùa Bụt Mọc, hai bà sư khóc lóc, van xin.

Khi bác lớn lên đã thấy chùa Bụt Mọc. Nghe cha bác kể lại, rú mòn dần thì nhô lên hòn đá, người dân nói là đá mọc lên, cho rằng là đá khôn, gọi hòn đá là ông bụt. Có một ông nhà giàu gần rú, xây ngôi chùa ở đó, gọi là chùa Bụt Mọc, để thờ đá bụt. Chùa ba gian, xây gạch, lợp lá gianh. Có hai bà cầu bơ cầu bất ở Nghệ An sang, xin ở đó trông chùa, hai bà cấy ba sào ruộng và làm hai sào vườn đất chùa, sống lặng lẽ. Mẹ bác và các bà trong làng thỉnh thoảng cũng mang vài thẻ hương, cây sáp lên chùa đi lễ.

Hai bà sư khóc, xin ủy ban đừng đập chùa, chúng em ở đây trông coi chùa, cày bừa kiếm ăn, không làm gì trái. Không. Phá. Ông cán bộ trừng mắt. Đuổi hai bà ra khỏi chùa.

Chùa phá xong, lấy được ít gỗ, tre, chỗ đó thành bãi hoang chăn bò, năm 2000 có ai đó về xây lại chùa mới.

Sau đó là đả phá liên tôn chống cộng. Họ lý luận là ba tôn giáo liên hiệp với nhau để chống cộng (Công giáo, phật giáo, đảng viên phản động ly khai), đầu sỏ là công giáo. Toàn dân tập trung, một ông đứng lên tuyên bố, hiện nay có liên tôn chống cộng, bà con tố cáo, vạch mặt xem có đứa liên tôn nào trong chúng ta không.

Có một người đứng lên, (theo bài đã soạn trước), tố cáo một ai đó, đại khái, hôm trước tôi đi chợ Thượng với hắn, dọc đường hắn chửi.... Được rồi. Ai có ý kiến gì nữa không. Một thằng nói, con đấy hôm nọ đi chợ Choi với tui hắn nói thuế nông nghiệp là ăn cướp. Được, ai có ý kiến gì nữa không. Có, con nớ nói thuế công thương là... Thôi, bắt nó lên, vạch mặt con liên tôn giấu măt. Truy hỏi, đánh cho một trận. Đồng đảng mi là ai. Đau quá khai đại một ai.

Tự nhiên dạo đó mấy o học sinh con nhà giàu có nổi hứng lên theo phật giáo, đọc kinh lầm rầm ở nhà nhưng người ta biết. Hôm trường cấp ba đấu tố liên tôn, một o bị lôi lên, một thằng nâng cằm o ta ghé tai bảo, cho anh hun cấy nha, o nói, tổ cha mi, hắn tát cho ba tát nảy đom đóm. Có con Phương, cỡ tuổi bác, vì theo phật giáo mà sau khổ sở không tưởng tượng nổi.

Mấy o nớ nếu còn sống thì thành cố hết rồi.

——-

Bác Phan Khánh là một nhân vật trong Đoạn đời niên thiếu. Ảnh, bác đang kể chuyện và mọi người chăm chú nghe.

PHAN THÚY HÀ 26.12.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn