Biểu tình ở Ba Lan, chỉ giải nhiệm, chưa thỏa đáng

Thứ Ba, 14 Tháng Ba 20238:00 SA(Xem: 1159)
Biểu tình ở Ba Lan, chỉ giải nhiệm, chưa thỏa đáng

Blog VOA

Trân Văn

13-3-2023

1-14-300x169
Người Việt đã từng biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan ngày 12/6/2016. Nguồn: UWAGA

Chuyện Bộ Ngoại giao Việt Nam hối hả cử ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – dẫn một phái đoàn sang Ba Lan trước khi biểu tình tại ĐSQ VN ở Ba Lan bùng phát… không làm người Việt Nam ở Ba Lan hạ hỏa.

Tuy Đại sứ quán Việt Nam (ĐSQ VN) tại Ba Lan đã hối hả phát hành “Thông báo về kết quả buổi trao đổi giữa Đoàn công tác Bộ Ngoại giao, ĐSQ VN tại Ba Lan với đại diện cộng đồng người Việt tại Ba Lan” ngay sau khi “buổi trao đổi” kết thúc vào chiều 11/3/2023 và nội dung thông báo đáp ứng gần như toàn bộ các yêu cầu mà nhiều người Việt cư trú tại Ba Lan dự tính sẽ nêu ra ở cuộc biểu tình trước ĐSQ VN tại Ba Lan vào sáng 12/3/2023 (Bố trí cán bộ lãnh sự đủ phẩm chất, đạo đức và trình độ nghiệp vụ, hướng dẫn tận tình, chu đáo cho bà con về hồ sơ, thủ tục, giải thích rõ ràng các khoản thu phí, lệ phí và cấp biên lai đúng quy định. Nghiêm cấm việc lạm thu phí, lệ phí lãnh sự, có thái độ cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, thờ ơ, vô cảm đối với nhu cầu chính đáng của người dân. Triển khai ngay việc tăng tối đa buổi tiếp khách theo nhu cầu thực tế về giấy tờ của bà con và phù hợp với năng lực xử lý hồ sơ của Đại sứ quán. Công khai số điện thoại đường dây nóng và địa chỉ email của Đại sứ quán, địa chỉ email của các đơn vị chức năng của Bộ Ngoại giao. Tuyên truyền rộng rãi việc triển khai khảo sát mức độ hài lòng của người đến làm thủ tục lãnh sự để thực hiện thực chất, hiệu quả, phản ánh chính xác dư luận, ý kiến đóng góp của bà con. Giải nhiệm một cán bộ lãnh sự của ĐSQ VN tại Ba Lan về nước để giải trình, xác minh, làm rõ những vấn đề khiến dư luận bất bình) [1] nhưng hơn 300 người Việt ngụ ở nhiều nơi trên lãnh thổ Ba Lan vẫn về Warsaw (thủ đô Ba Lan) để bày tỏ suy nghĩ, mong muốn của họ (2)…

Nói cách khác, chuyện Bộ Ngoại giao Việt Nam hối hả cử ông Mai Phan Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – dẫn một phái đoàn sang Ba Lan trước khi biểu tình tại ĐSQ VN ở Ba Lan bùng phát… “để lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của bà con về công tác cộng đồng và các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng trong giải quyết các thủ tục lãnh sự của Đại sứ quán” (3) không làm người Việt Nam ở Ba Lan hạ hỏa.

Làm sao có thể hạ hỏa khi gần như toàn bộ người Việt cư trú ở Ba Lan đều đã từng bị ĐSQ VN tại Ba Lan hành hạ, thậm chí nhục mạ khi có việc cần đến ĐSQ VN tại Ba Lan (ĐSQ VN tại Ba Lan chỉ mở cửa tiếp khách hai ngày/tuần. Không ai biết các thứ giấy tờ cần thiết để khai sinh, đổi hộ chiếu, đăng ký kết hôn,… bao gồm những gì vì chuẩn bị kỹ lưỡng kiểu nào thì cũng bị hoạch họe rồi đuổi về và phải tìm “dịch vụ” cậy làm giúp với mức thu lao gấp năm, mười lền lệ phí chính thức. Viên chức ngoại giao đối xử với đồng bào – những công dân Việt Nam cư trú ở Ba Lan – như chủ nô với nô lệ, trên UWAGA – trang facebook của người Việt ở Ba Lan, nhiều người kể rằng họ không thể quên cảm giác khi có việc đến ĐSQ VN tại Ba Lan, viên chức làm việc ở nơi này gọi họ bằng cách hất hàm, vẫy tay, có người còn bị gọi là “mày” [4]. Nếu có thắc mắc hay muốn khiếu nại, không ai biết phải gọi số điện thoại, gửi email cho ai vì Đại sứ quán không cung cấp…) và lúc nước đã tràn ly, chỉ thấy ĐSQ VN tại Ba Lan rồi Bộ Ngọai giao Việt Nam sử dụng các… động tác kỹ thuật (Tổ chức thân ĐSQ VN tại Ba Lan có tên là Hội người Việt Nam tại Ba Lan thông báo ĐSQ VN tại Ba Lan mời đồng bào “đối thoại”. Khi nhận ra buổi “đối thoại” sẽ có một số cá nhân thuộc loại không kiêng dè gì cả tham dự thì loan báo… “tạm hoãn” vì… “ít người tham dự”. Tuy đã loan báo… “tạm hoãn” nhưng sau đó lại có… thông báo về một cuộc… “đối thoại” giữa ĐSQ VN tại Ba Lan với đại diện của Hội người Việt Nam tại Ba Lan). Thậm chí Đoàn công tác do Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang cũng thế…

Cho dù loan báo Bộ Ngoại giao thành lập “Đoàn công tác” rồi cử sang Ba Lan “để lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của bà con về công tác cộng đồng và các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng trong giải quyết các thủ tục lãnh sự của Đại sứ quán” nhưng “Đoàn công tác” chỉ chịu tiếp… 25 người và ai muốn có một “” thì phải… “đăng ký” để “Đoàn công tác”… “lựa chọn”… Dẫu đã “chọn lựa” nhưng nội dung “buổi trao đổi” vẫn có nhiều chuyện dễ làm người ta ngỡ ngàng.

Thông báo về kết quả buổi trao đổi giữa Đoàn công tác Bộ Ngoại giao, ĐSQ VN tại Ba Lan với đại diện cộng đồng người Việt tại Ba Lan” của ĐSQ Việt Nam tại Ba Lan không có chi tiết nhưng ông Phan Châu Thành, một trong ba thành viên của UWAGA – vốn là tâm của trận bão dư luận về ĐSQ VN tại Ba Lan – đã tường thuật khá cặn kẽ về “buổi trao đổi” này. Xin trích một phần và nếu độc giả muốn biết cặn kẽ hơn nữa thì có thể dùng link trong phần chú thích (5):

Bà Hà Phương Linh kể về việc xin gia hạn hộ chiếu cho con còn nhỏ nhưng bị hẹn tới hẹn lui nhiều lần, cuối cùng phải nhờ dịch vụ, mẹ bà đi làm giấy ủy quyền bị thu 500 Zł trong khi giá niêm yết chỉ có 67,5 Zł. Ông Mạc Đăng Vinh kể chuyện bị nạt nộ khi đi làm hộ chiếu cho con mới sanh và phải nộp 1.000 Zł (khoảng 230 USD) thay vì 70 USD như quy định, ông Vinh kể thêm, phí theo quy định đối với mỗi tờ giấy hợp pháp hóa lãnh sự chỉ có 10 USD nhưng người có nhu cầu bị thu 300 Zł (khỏang 68 USD) và không hề có hóa đơn, chứng từ. Ông Lê Trí Việt kể ông cần đổi hộ chiếu nhưng chờ cả năm không xong, hỏi thăm “dịch vụ” thì có nơi đòi 1.800 Zł (khoảng 409 USD), có nơi đòi 2.000 Zł (khoảng 454 USD) và họ khẳng định không thể tự đổi được đâu. Ông Trí cho biết thêm những người Việt chạy từ Ukraine sang Ba Lan lánh nạn cần đổi hộ chiếu bị đòi từ 4.500 Zł (khoảng 1023 USD) tới 5.000 Zł (khoảng 1136 USD)/ hộ chiếu. Đáng lưu ý có một phụ nữ mà ông Thành không nêu tên để bảo vệ danh tiết của bà kể bà có chồng Ba Lan, có con năm tuổi, khi đến ĐSQ VN làm hộ chiếu, ngoài việc bị hành hạ phải đi lại nhiều lần trong một thời gian dài còn bị viên chức ngoại giao gạ gẫm bằng những đề nghị khiếm nhã, khi bà đưa chuyện này lên mạng xã hội thì hộ chiếu cho con mới xong nhưng bà phải trả 2.500 Zł (khoảng 568 USD) trong khi quy định chỉ có 70 USD. Bà cũng đã đến đổi hộ chiếu cho chính bà nhưng bị viên chức ngọai giao đòi phải có “Căn cước công dân”… Sau đó viên chức ngoại giao cũng chịu đổi nhưng ngoài 70 USD còn thu thêm 200 Zł tiền sửa đổi tên nhưng bà vẫn chưa nhận được hộ chiếu. Bà hiện đang giữ một giấy hẹn nhưng không ghi phải chờ tới khi nào…

***

Trời lạnh nhưng hơn 300 người Việt vẫn đến và đứng phía trước ĐSQ VN trưng ra các biểu ngữ và nhấn mạnh bằng lời của chính họ: Phản đối lạm thu lãnh sự. Stop tham nhũng… Những câu chuyện của rất nhiều người trong cuộc về đủ thứ chuyện không chỉ trái tai, gai mắt mà còn tới mức không thể tưởng tượng được là lý do nhiều người Việt cư trú ở Ba Lan không chấp nhận chỉ giải nhiệm một Lãnh sự. Đó là lý do các biểu ngữ, khẩu hiệu còn nhấn mạnh: Lãnh sự sai, Đại sứ chịu. Đại sứ Hùng phải chịu trách nhiệm. Đại sứ Hùng từ chức,… Không chỉ có ĐSQ VN đóng cửa, cài then mà cả Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài lẫn Cục trưởng Cục Lãnh sự tuy cất công sang tận Ba Lan “để lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của bà con về công tác cộng đồng và các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng trong giải quyết các thủ tục lãnh sự của Đại sứ quán” cũng mất dạng (6).

Bởi ĐSQ VN ở Ba Lan không phải là trường hợp cá biệt nên trên trang facebook “Tôi và sứ quán”, ông Xuan Vuong Nghiem – một trong những người điều hành trang facebook này – tâm sự: Từ ngày nổ ra cuộc biểu tình trước Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt am Main (Đức) năm 2016, tôi đã thai nghén một chương trình biểu tình trên toàn thế giới, khắp các châu lục, tất cả các múi giờ trong cùng một ngày trước toàn bộ các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và ngày đó sẽ lấy làm ngày “Tôi và sứ quán”. Cảm ơn những người tiên phong đã tạo ra bước ngoặt trong đấu tranh chống tham nhũng lãnh sự. Khi chúng ta không hài lòng, không đồng ý hay phản đối hoặc ủng hộ một chính sách nào đó của nhà nước chúng ta có quyền biểu tình và quyền này chỉ có kẻ không hiểu biết gì mới gọi là phản động. Tôi đã không ít lần nghe thấy, đọc được và được nhiều người nặc danh nhắn tin dọa nạt là quy vào phản động do có các hành động chống đối sứ quán. Nhưng thực tế tôi cũng như anh chị em, bà con ở đây đang dùng pháp luật Việt Nam, cơ sở văn bản pháp quy của chính phủ Việt Nam quy định về thủ tục lãnh sự tại các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để đấu tranh với những kẻ lợi dụng danh nghĩa sứ quán, chà đạp lên các văn bản pháp luật, khước từ các quyền phổ quát của người dân để tham nhũng, nặn bóp từng đồng xu lẻ của đồng bào. Đây là những hành động ngang nhiên trái pháp luật của nhà nước Việt Nam và làm suy yếu đi tình cảm của bà con kiều bào với đất nước. Tất cả các chính sách của chính phủ đối với kiều bào mà chính phủ đã gọi là “khúc ruột ngàn dặm” đều bị đám người bất tuân pháp luật này phá bỏ, tạo nên những căm phẫn, thù hận không đáng có với đất nước, những thành phần này tuyệt nhiên không thể có đất sống ở nơi gọi là đại diện của đất nước ở nước ngoài. Nhưng tại sao những người này, những cơ quan đại diện ngoại giao này đã tham nhũng hàng thập niên, lứa này thay lứa khác vẫn thế, người này ăn xong người khác đến lại ăn tiếp, “ăn không từ thứ gì của dân”, nặn bóp, nạo vét từng đồng xu lẻ của kiều bào? Đó là chính phủ làm ngơ, Bộ Ngoại giao bật đèn xanh cho những người này tham nhũng như vậy nên trong chuyện này đừng đổ lỗi riêng cho nhân viên sứ quán hay sứ quán. Chuyện không thể của riêng sứ quán mà là chuyện hệ thống, chỉ là bị lộ và chưa bị lộ mà thôi.

Sau khi cuộc biểu tình dự định tổ chức ở Hàn Quốc năm 2017 thất bại tôi cũng đã nghĩ rằng sẽ còn lâu mới có lại được. Tuy nhiên, việc nổ ra cuộc biểu tình vào chủ nhật 12/3/2023 tại Ba Lan làm cho kế hoạch tổ chức ngày “Tôi và sứ quán” trở lại mạnh mẽ và chúng ta sẽ bàn tiếp về việc này trong những ngày tới (7).

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn