Công lý trong nhà xí

Thứ Sáu, 28 Tháng Sáu 20192:00 SA(Xem: 7015)
Công lý trong nhà xí
rfa.org

Công lý trong nhà xí

Gió Bấc

Khi bị áp bức, bị đối xử bất công, rơi vào tình trạng nguy hiểm, người ta tìm đến sự che chở của công lý. Ngày 25-6 vừa qua, trước khi phiên tòa khai mạc, bị cáo Nguyễn Hữu Linh tức Linh “Nựng”, nguyên Phó Viện trường VKSND TP.Đà Nẵng đã tìm đến công lý trong nhà xí TAND quận 4. TP HCM để lẩn tránh những ống kính chụp ảnh quay phim của báo chí. Ngay lập tức mạng xã hội tràn ngập clip ghi lại hình ảnh Linh Nựng chạy như nhà vô địch đua nước rút vượt qua hàng trăm bậc thang để chui vào nhà xí. Dư luận có phần hả hê trước hành vi chạy trốn nhục nhã của Linh nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc truy cùng đuổi tận để quay phim chụp ảnh là thiếu nhân văn. Vấn đề là tại sao trên xứ sở thiên đàng XHCN, ngay tại pháp đình tôn nghiêm, công lý lại nằm trong nhà xí.

Ngày 25-6, Tòa án quận 4 dã tuyên trả hồ sơ vụ Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng VKSND Đà Nẵng dâm ô trẻ em cho VKS để bồ sung về kết quả giám định clip quay cảnh Linh có hành vi hôn và sờ soạng bé gái trong thang máy ở chung cư quận 4.

Dư luận chừng như không quan tâm đến kết quả đã được báo trước từ kiến nghị của Luật sư Trần Bá Học bào chữa cho Linh. Ngược lại, báo chí chính thống lề phải và các trang mạng xã hội cùng hào hứng khai thác đăng tải hình ảnh và clip quay cảnh Linh chạy trốn sự săn đuổi của báo chí phải chạy vào toilet của Tòa án quận 4 nằm tít trên tầng 4.

Không nên truy cùng đuổi tận?

Nhiều người và thậm chí một vài tờ báo như Phụ Nữ, Người Lao động đã lên tiếng phê phán cách tác nghiệp quá hung hăng này, xem đây là hành vi truy cùng đuổi tận của báo chí. Báo Người Lao động đăng bài viết của bạn đọc Kim Phượng có đoạn viết “Với cái cách "săn ảnh" như sáng nay, cá nhân người viết không đồng tình, bởi nó rất phản cảm theo kiểu "truy cùng, đuổi tận". Bởi lẽ, ngay cả trường hợp ông Linh bị tòa án kết án về hành vi "dâm ô với người dưới 16 tuổi" thì cũng không thể "truy cùng, đuổi tận" như thế. Nói một cách nào đó, chụp ảnh theo kiểu trên cũng là hành vi thiếu chuẩn mực.

Ông Nguyễn Hữu Linh đến tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/6/2019

Ông Nguyễn Hữu Linh đến tòa án ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/6/2019 Courtesy of nld.com.vn and infonet.vn

icon-zoom

Theo pháp luật dân sự hiện nay, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; không ai được phép đăng tải, phát tán hình ảnh của cá nhân khi không được sự đồng ý của họ. Đối với các cơ quan báo chí cũng chỉ được đăng ảnh của bị can, bị cáo tại các phiên tòa xét xử. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, một người chưa bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Về nguyên tắc, đến giờ này, ông Linh vẫn chưa bị xác định là có tội. Cộng đồng mạng không thể vì bất cứ lý do để nhân danh công lý, nhân danh đám đông đăng tải hình ảnh, kết tội ông ta khi chưa bị tòa kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Việc kết án là quyền của tòa án chứ không phải của đám đông và mạng xã hội.

Một câu hỏi đặt ra, trong số những người "săn ảnh" sáng nay ở TAND quận 4, có bao nhiêu người là phóng viên báo chí, bao nhiêu người hiếu kỳ, chụp ảnh để đưa lên mạng xã hội để câu like, câu view? Họ có thật sự vì một xã hội văn minh, vì đòi công lý cho những nạn nhân bị xâm hại tình dục hay chỉ mong muốn đăng hình ảnh của tội phạm nhằm phục vụ cho lợi ích của mình?”{1}

Tương tự, báo Phụ nữ TP. HCM viện dẫn nguyên tắc suy đoán vô tội, quyền hình ảnh của công dân và cho rằng báo chí cần có thái độ văn minh khi hành xử với bị cáo. Bài báo viết Theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Và cho đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Hữu Linh vẫn chưa bị buộc tội bởi một bản án có hiệu lực nào và trong phiên xử sáng hôm qua tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ.

Vậy chúng ta, khi hành động nhân danh việc tuyên truyền, bảo vệ pháp luật, đòi hỏi sự công bằng thiết nghĩ cũng nên dành cho ông Nguyễn Hữu Linh cái nhìn công bằng theo nguyên tắc “suy đoán vô tội” này. Hãy để các cơ quan tiến hành tố tụng thực thi quyền và nghĩa vụ của mình trong vụ án, để ông Linh được đảm bảo quyền của mình theo khuôn khổ pháp luật”{2}

Luật nước không nghiêm, luật đời thay thế?

Quan điểm của các báo Người Lao động và Phụ Nữ TP. HCM hoàn toàn đúng về pháp luật đạo lý, khó có thể biện bác, đó là một nguyên tắc khá phổ biến mà ai cũng biết và nhiều tờ báo tiến bộ, giới luật sư đã phải đấu tranh một thời gian dài mới được luật pháp ghi nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, số đông công chúng trong đó có nhiều người làm báo lại có thái độ khác.

Trên Fb, diễn đàn Góc Nhìn Báo Chí và Công Dân (có 73.302 thành viên, đa số là nhà báo và những người có liên quan đến báo chí) nhà báo Mai Phan Lợi đã mở cuộc thăm dò về việc Linh Nựng bị các nhà báo rượt đuổi quay phim phải chui vào nhà xí. Vào lúc 23 giờ đêm 25-6, sau 10 giờ đăng tải có 184 ý kiến cho là đáng đời, 22 ý kiến đáng tiếc, 19 ý kiến đáng thương, 3 người không có ý kiến. (Hiện giờ cuộc thăm dò không tìm thấy trên diễn đàn) Điều này cho thấy thái độ của dư luận xã hội nói chung trong trường hợp cụ thể của Linh Nựng đã không còn tuân thủ theo quy định pháp luật và quy tắc văn minh.

Báo Phụ Nữ Việt Nam đã có bài Cuộc 'bám đuổi' Nguyễn Hữu Linh và 'vũ khí' từ sự phẫn nộ của cộng đồng”: chính thức lên tiếng lý giải, cho hành vi sai luật nhưng hợp lòng dư luận này.

Hình ảnh trích xuất từ camera ở thang máy quận 4 cho thấy ông Nguyễn Hữu Linh đang có hành vi sàm sỡ với em nhỏ hôm 1/4/2019

Hình ảnh trích xuất từ camera ở thang máy quận 4 cho thấy ông Nguyễn Hữu Linh đang có hành vi sàm sỡ với em nhỏ hôm 1/4/2019 Hình CCTV

Bài báo đã viện dẫn từ khi sự việc Linh “nựng” em bé trong thang máy, dư luận đã phẫn nộ lên án bằng ý kiến lẫn hành động nhưng mãi đến 20 ngày sau, cơ quan pháp luật mới khởi tố vụ án, sự chậm trễ này càng làm dư luận bất bình. Bài báo cũng viện dẫn trường hợp bị cáo Nguyễn Khắc Thủy nguyên Giám Đốc Ngân Hàng nhà nước Bà Rịa Vũng Tàu ấu dâm với nhiều trẻ em, bị tố cáo một thời gian dài mới bị khởi tố, trường hợp Đỗ Mạnh Hùng cưỡng hôn trong thang máy chỉ bị phạt 200.000 đồng, … cho thấy pháp luật quy định bảo vệ phụ nữ, trẻ em đã lòng lẻo, người thực thi pháp luật càng lỏng lẻo hơn. Bức xúc trước sự bất lực của luật pháp, dư luận đã phải có hành xử khác để trừng phạt Hùng trên mạng xã hội.

Bài báo đã kết luận: “Với sự thiếu hoàn thiện của luật pháp, những vụ án quá khó khăn để khởi tố và những mức phạt quá nhẹ, đương nhiên cộng đồng có lý do để bức xúc. Và không phải tất cả mọi cá nhân đều có cách biểu lộ quan điểm một cách ôn hòa, đúng pháp luật. Và "bản án" mà cộng đồng đưa ra thường nặng nề hơn cả chính bản án của những phiên tòa chính thức.

Luật pháp là những quy tắc xử sự chung của cộng đồng được Nhà nước công nhận, ủng hộ và nâng lên thành quy tắc xử sự chung trong lãnh thổ mà Nhà nước quản lý. Nhưng khi quy tắc xử sự chung đó vì lý do nào đó, chưa hoàn thiện hoặc cơ chế thực hiện nó chưa đầy đủ dẫn tới những hành vi vi phạm không được xử lý nghiêm minh triệt để, một bộ phận dân chúng sẽ tìm đến những cách xử sự của riêng họ. Dân gian gọi đó là “luật đời”. Về cơ bản "luật đời" thường vượt ra ngoài quy định của pháp luật và nó cũng không được ủng hộ trong xu thế chung của xã hội văn minh. Nhưng để triệt tiêu "luật đời", Nhà nước chỉ cần làm một việc không thể đơn giản hơn: Hoàn thiện các quy định pháp luật và cơ chế để thực hiện nó một cách nghiêm minh” {3}

Còn lãnh đạo, công lý còn trong nhà xí!

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Chu Vĩnh Hải đồng tình với cách dùng luật đời thay cho luật pháp của các nhà báo “Cách Mạng” nhưng tiếc rằng những bức xúc, phẫn nộ ấy chỉ cá biệt trong vài vụ việc cụ thể. Báo chí hoặc chưa đủ sức hoặc né tránh những vấn đề, những sự kiện xã hội lớn hơn, quan trọng hơn. Chu Vĩnh Hải đã viết “Sáng nay, các nhà báo của nền báo chí cách mạng rất năng nổ trong việc săn đuổi kẻ ấu dâm Nguyễn Hữu Linh khiến ông Linh phải chui vào toilet để tránh các thể loại ống kính của các nhà báo cách mạng. Không hề nản chí, các nhà báo cách mạng kiên nhẫn chờ đợi, và hình ảnh, video clip kẻ ấu dâm ngập tràn báo chí cách mạng. Rất tốt thôi. Báo chí đã thực hiện đúng chức năng của mình.

Nhưng, trong những vấn đề gây bức xúc khác, báo chí cách mạng đã lẩn tránh. Những mảnh đời đầy trắc ẩn của các dân oan khắp mọi miền của đất nước đang vạ vật ở Hà Nội không hề được báo chí tìm hiểu và thông tin. Hay núi rác thải khổng lồ ở đại dự án tai tiếng Formosa Hà Tĩnh cũng không hề được báo chí cách mạng đề cập đến.

Việt Nam không những tràn ngập bất công trong cuộc sống mà còn tràn ngập bất công trong cách mà báo chí thông tin”. {4}

Trong góc nhìn của mình chúng tôi hoàn toàn đồng tình với ba loại ý kiến trái chiều này vì cả ba đều có lý của mình. Với quan điểm suy đoán vô tội và tôn trong quyền nhân thân về hình ảnh của cá nhân, là quan điểm thượng tôn pháp luật của xã hội loài người tiến bộ, công lý đang ngự trị và thể hiện qua bản án của tòa, hành xử công minh của cơ quan công quyền. Rất tiếc trong xã hội hiện nay, tiền bạc, quyền lực đang lấn áp. Sau thời gian đầu kêu cứu, tố giác, gia đình nạn nhân, cha mẹ em bé “bỗng dưng” đồng lõa với bị cáo cho rằng Linh chỉ hôn em bé vì tình cảm. Cách điều tra khởi tố rất nhát gừng, cáo buộc lỏng lẻo với một bị cáo từng là Phó Viện trưởng VKS cấp tỉnh cho thấy trước kết quả xét xử sẽ nhẹ như lông hồng. Ở đây, không chỉ em bé bi ấu dâm mà chính công lý cũng bị cưỡng dâm.

Với nền báo chí cách mạng được Trưởng ban tuyên giáo định hướng “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” hay Thủ tướng Phúc “niễng” ra giá  Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển… thì việc nhà báo thoát ra khỏi cái váy của Ngọc Trinh đã là một sự tiến bộ.

Khi luật nước không nghiêm thì “luật đời” lên tiếng như báo Phụ Nữ Việt Nam lý giải cũng hoàn toàn hợp lý. Nói luật đời là chữ nghĩa nhẹ nhàng thực ra đó là luật giang hồ hay là luật của sức mạnh, là phản ứng đáp trả tự phát. Đó là dấu hiệu, là cội nguồn của sự bất ổn xã hội.

Tâm trạng bức xúc của nhà báo Chu Vĩnh Hải đáng trân trọng khi bức xúc của các nhà báo cách mạng chỉ dừng lại ở những điều cá biệt. Nhưng dù sao đi nữa đó vẫn là sự tiến bộ đáng mừng khi pháp luật nhà nước chuyên chính vô sản chỉ dồn hết sức mạnh kinh khiếp của mình để trừng trị những người dân mất đất như Đoàn Văn Vương ở Hải Phòng hay Đặng Văn Hiến ở ĐắcNông. Pháp luật cũng kiên định đến mức bác sĩ Hoàng Công Lương phải từ chối sáu luật sư hết lòng bào chữa vô tội cho mình để nhận tội giết người. Pháp luật cũng kiên định tuyên án tử cho Hồ Duy Hải với vật chứng giết người được mua ngoài chợ. Pháp luật cũng thẳng tay nghiệt ngã đấm dưới thắt lưng những trí thức phản biện hết sức ôn hòa như Trần Huỳnh Duy Thức, Cù Huy Hà Vũ…

Với nền báo chí cách mạng được Trưởng ban tuyên giáo định hướng “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” hay Thủ tướng Phúc “niễng” ra giá Chính phủ sẽ tạo cơ chế mới cho báo chí phát triển… thì việc nhà báo thoát ra khỏi cái váy của Ngọc Trinh đã là một sự tiến bộ.

Ngày nào còn sự lãnh đạo của đảng thì việc tìm công lý trong nhà xí sẽ còn là điều bình thường, tất yếu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
VIDEO HNPD
Video HNPD 

"Vietnam ! Việtnam !", tài liệu được giải mã. (phụ đề Việt ngữ)

          (muốn phóng hình lớn, click vào ô vuông bên phải phía dưới khung hình)



n đài VOA (Bấm để xem thêm)
Giao Kèo
Web tham khảo