Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 07 -4 -2024

Chủ Nhật, 07 Tháng Tư 20244:53 SA(Xem: 936)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 07 -4 -2024
HoaLuc 7
**************
rfi.fr

Thể thao Nga bị loại khỏi Thế vận hội Paris 2024 hay thất bại của quyền lực mềm Putin

Anh Vũ

Chỉ được tham dự với số lượng hạn chế, thi đấu dưới màu cờ trung lập, không được dự lễ khai mạc ... với những điều kiện như vậy thể thao Nga coi như đã bị loại khỏi Thế vận hội Paris 2024. Một đòn nặng nề cho tham vọng của chính quyền Putin muốn xây dựng thể thao thành một thứ quyền lực mềm cho Nga, đồng thời cũng là một thiệt thòi lớn cho các vận động viên Nga khát khao chinh phục đỉnh cao thể thao.

Cuối tháng Ba vừa qua, Ủy ban Olympic Quốc tế (OIC) đã thông qua các quy định ngặt nghèo về việc các vận động viên Nga và Belarus tham dự Thế vận hội mùa hè Paris 2024 : Số lượng không quá 55 vận động viên, chỉ được thi đấu ở các nội dung cá nhân, dưới màu cờ trung lập, không quốc ca và không được diễu hành trong lễ khai mạc trên sông Seine.

Đây là quyết định có ý nghĩa quan trọng nhất của định chế thể thao lớn nhất thế giới trong nỗ lực loại Nga ra khỏi trường thể thao quốc tế sau khi nước này phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina hồi tháng 2/2022.

Đây không phải là lần đầu tiên các biểu tượng quốc gia Nga bị loại khỏi đấu trường Olympic. Từ kỳ Thế vận hội mùa đông 2018 rồi đến Thế vận hội mùa hè Tokyo 2022, sau phát giác sử dụng doping có tổ chức từ cấp chính phủ, thể thao Nga đã phải chịu án phạt nặng nhưng các vận động viên vẫn được tham dự dưới tên gọi đoàn « Ủy ban Olympic Nga ». Khi đó Matxcơva vẫn hài lòng và không cảm thấy bị mất hình ảnh trên đấu trường thế giới. Nhưng lần này Nga coi như không còn hiện diện ở Thế Vận hội Paris 2024.

Đây là một thất bại cay đắng của ngoại giao thể thao Nga, một lĩnh vực đã được điện Kremlin đặc biệt quan tâm đầu tư từ nhiều năm qua nhằm tạo ra hình ảnh một nước Nga hùng cường, đặc biệt cần thiết trong bối cảnh đối đầu không khoan nhượng với phương Tây hiện nay. Với Kremlin, thể thao trên đấu trường quốc tế là một công cụ gây ảnh hưởng, một thứ quyền lực mềm vô đối.

Cho đến thời điểm này, vẫn chưa biết có bao nhiêu vận động viên Nga và Belarus sẽ đến dự Paris 2024. Và cũng không có gì bảo đảm chính quyền Nga sẽ cử một đoàn thể thao khoảng năm chục vận động viên không được phép mang một biểu tượng nào đại diện cho nước Nga đến Thế vận hội Paris. Nhưng dưới góc độ thuần túy thể thao thì những vận động viên là những người bị thiệt thòi nhất khi chính trị xen vào thể thao.

Trao đổi với chương trình thể thao hôm nay, ông Dương Đức Thủy, chuyên gia điền kinh, cựu danh thủ nhảy xa ba bước của Việt Nam, từng tham dự kỳ Thế vận hội mùa hè Matxcơva 1980 lấy làm tiếc về việc thể thao ngày càng bị chính trị hóa. Ông cho biết những suy nghĩ của bản thân xung quanh những quy định của IOC đối với các vận động viên Nga dự Olympic Paris 2024 sắp tới :


***********
rfi.fr

Mỹ : Trung Quốc cung cấp thông tin tình báo địa-không gian cho Nga

Thu Hằng

Bắc Kinh gia tăng hỗ trợ cho Matxcơva để duy trì cuộc chiến ở Ukraina. Theo nhiều nguồn tin được Bloomberg trích dẫn ngày 06/04/2024, Hoa Kỳ cảnh báo các đồng minh rằng Trung Quốc cung cấp cho Nga hình ảnh vệ tinh phục vụ quân sự, cũng như các thiết bị vi điện tử, linh kiện để sản xuất xe tăng, nhiên liệu đẩy cho tên lửa và tăng cường hợp tác trong không gian.

Đăng ngày:

2 phút

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc Gia Nhà Trắng Adrienne Watson cho biết tổng thống Joe Biden đã bày tỏ quan ngại với chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm ngày 02/04 về việc Bắc Kinh hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga, bao gồm việc cung cấp máy công cụ, quang học, vi điện tử, động cơ phản lực và hóa chất công nghiệp (nitrocellulose).

Sau đó, tại Bruxelles, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thông báo cho các đồng minh châu Âu về phạm vi, tầm quan trọng của sự hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Nga và kêu gọi hành động chống lại các thực thể và doanh nghiệp Trung Quốc tham gia giao dịch với Nga. Vẫn theo Bloomberg, Mỹ và các đồng minh lo ngại về liên minh Trung-Nga phát triển mạnh trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị « không giới hạn » giữa hai nước. Trao đổi thương mại song Trung-Nga kỷ lục 240 tỉ đô la trong năm 2023.

Trung Quốc và Hồng Kông là những con đường quan trọng để Matxcơva tiếp cận các công nghệ vũ khí bị hạn chế. Dù không có bằng chứng cụ thể nào về việc Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga nhưng Mỹ đang tăng cường nỗ lực nhằm hạn chế sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga và cuộc xung đột ở Ukraina.

Trong khi đó, tổng thống Volodymyr Zelensky tiếp tục cảnh báo nguy cơ Ukraina sẽ bị thiếu tên lửa phòng không nếu Nga tiếp tục tấn công ồ ạt như hiện nay. Thành phố Kharkiv, nằm giáp Nga, liên tục bị bắn phá, khiến ít nhất 7 người thiệt mạng trong đợt oanh kích sáng 06/04. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, tổng thống Zelensky cho biết Ukraina đang phát triển một loại bom dẫn đường để chống bom lượn của Nga. Ông cũng hy vọng trong những ngày tới sẽ ấn định được với tổng thống Thụy Sĩ về ngày tổ chức thượng đỉnh hòa bình cho Ukraina với khoảng 80-100 nước tham gia nhưng Nga không được mời.


************

Vụ tòa lãnh sự Iran tại Syria bị oanh kích: Mỹ trong tình trạng « báo động cao »

Thanh Hà

Teheran hôm nay 06/04/2024 nhắc lại đe dọa trả đũa Israel về vụ tấn công nhắm vào tòa lãnh sự Iran tại thủ đô Damas, Syria hôm đầu tuần, làm 16 người thiệt mạng, trong đó có 7 thành viên của Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran. Hoa Kỳ nay được đặt trong tình trạng « báo động cao », « chuẩn bị » đối phó với kịch bản Iran tiến hành « một vụ tấn công quy mô lớn ».

Đăng ngày:

2 phút

Trong tuyên bố sáng nay 06/04/2024, tổng tham mưu trưởng quân đội Iran, tướng Mohammad Bagheri, khẳng định lại : « Chiến dịch trả đũa sẽ được tiến hành vào thời điểm thích hợp, với mức độ chính xác và mức độ chuẩn bị cần thiết ». Mục tiêu của Teheran nhằm « gây thiệt hại tối đa, để kẻ thù của Iran phải hối hận vì hành động họ đã gây nên ». Hãng tin Pháp AFP cho biết tuyên bố này được đưa ra vào lúc tướng Bagheri đến Ispahan, miền trung, dự tang lễ chỉ huy trưởng một đơn vị tinh nhuệ của Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, Mohammad Reza Zahedi, thiệt mạng trong vụ oanh kích hôm 01/04/2024. Đây là sĩ quan cao cấp nhất của Iran thiệt mạng từ sau vụ tướng Qasam Soleimani bị sát hại hồi năm 2020.

Hôm qua, chỉ huy lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran, tướng Hossein Salami, đã tuyên bố « quyết tâm trừng phạt Israel », và nhắc lại lập trường của lãnh đạo tối cao Iran. Giáo chủ Ali Khamenei hôm Thứ Tư 03/04/2024 đã đe dọa « trừng trị » nhà nước Do Thái.

Tại Washington, đài truyền hình CNN hôm qua trích lời nhiều quan chức Mỹ xin được giấu tên cho biết Hoa Kỳ đang được đặt trong tình trạng « báo động cao » do khả năng Iran trả đũa « mạnh mẽ ». Đây là kịch bản « không tránh khỏi ». Do vậy chính quyền Biden dường như đang « chuẩn bị đối phó trong trường hợp Iran nhắm vào lợi ích của Israel hay của Mỹ » trong khu vực Trung Cận Đông.

Theo các nguồn tin thông thạo được CNN trích dẫn, khả năng Iran tấn công « đã chiếm một phần lớn » cuộc điện đàm hôm Thứ Năm 04/04/2024 giữa tổng thống Joe Biden và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Washington và Tel Aviv tuy nhiên chưa thể xác định về thời điểm và cách thức Teheran sẽ ra tay.

Cũng trong ngày 05/04/2024, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cảnh báo Iran không nên « khai thác vụ lãnh sự quán ở Damas bị tấn công như một cái cớ để Teheran nhắm vào các cơ sở và nhân viên Hoa Kỳ » tại Trung Cận Đông.


*************
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina: Quân Nga gia tăng tấn công một thành phố trọng yếu ở miền đông

Thanh Phương

Hôm qua, 05/04/2024, quân đội Nga đã gia tăng các chiến dịch về hướng Tchassiv Iar, một thành phố có vị trí trọng yếu, mà nếu chiếm được lực lượng của Matxcơva sẽ có thể tiến sâu hơn vào miền đông Ukraina.

Đăng ngày:

2 phút

Theo hãng tin AFP, chính quyền địa phương do Nga dựng lên cho biết quân Nga đang từng bước tiến đến Tchassiv Iar, thành phố quan trọng cuối cùng trước thành phố lớn Kramatorsk. Kramatorsk là thành phố chính của khu vực còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraina và là đầu mối đường sắt và hậu cần quan trọng đối với quân đội Ukraina.

Lãnh đạo chính quyền quân sự của Tchassiv Iar, ông Serguiï Tchaous, thừa nhận từ một tuần qua, thành phố này nằm dưới hỏa lực liên tục của quân Nga. Trước chiến tranh, tại Tchassiv Iar có đến 13.000 dân, nay chỉ còn khoảng hơn 770 người sống ở thành phố bị phá hủy gần như hoàn toàn này.

Còn tại Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina, một cuộc tấn công của Nga bằng drone của Iran trong đêm qua đã khiến 6 người thiệt mạng và 10 người bị thương, theo thông báo của thị trưởng thành phố trên mạng Telegram.

An ninh Ukraina: Phá hủy 6 phi cơ Nga ở Rostov

Mặc dù gặp khó khăn trên các mặt trận, quân Ukraina vẫn tiếp tục oanh kích vào lãnh thổ Nga. Một nguồn tin quốc phòng Ukraina khẳng định với hãng tin AFP là cơ quan an ninh Ukraina SBU và quân đội Ukraina trong đêm thứ Năm đã tiến hành một “chiến dịch đặc biệt” nhắm vào một căn cứ không quân của Nga ở vùng Rostov, miền tây nam nước Nga, phá hủy được 6 phi cơ quân sự của Nga và gây hư hại đáng kể cho 8 phi cơ khác. Thông tin này hiện chưa được các nguồn độc lập xác nhận.

Trong những tháng gần đây, quân Ukraina đã gia tăng các chiến dịch quân sự trong lãnh thổ Nga, sử dụng các drone cũng như các tên lửa để tấn công các cơ sở quân sự hoặc cơ sở năng lượng, đôi khi cách biên giới hàng trăm km.

***********

Bầu cử tổng thống: Chiến tranh Ukraina chia rẽ cử tri Slovakia

Thanh Hà

Slovakia hôm nay 06/04/2024 bầu lại tổng thống, với cuộc đua vòng hai giữa ông Ivan Korcok, cựu ngoại trưởng Slovakia 60 tuổi, có lập trường thân phương Tây và ông Peter Pellegrini, 48 tuổi, ứng cử viên của chính phủ Bratislava, có xu hướng thân Nga.

Đăng ngày:

2 phút

Chiến tranh Ukraina chia rẽ sâu rộng cử tri Slovakia. Ở vòng nhì, kết quả được dự báo « sít sao nhất từ trước đến nay ». Theo các thăm dò mới nhất, ứng cử viên thân Nga Peter Pellegrini có triển vọng thu được 51% phiếu.

Thông tín viên Alexis Rosenzweig trong khu vực Trung Âu đã có dịp tiếp xúc với cử tri Slovakia trong kỳ bầu cử mang tính quyết định này :

«  Mối nguy hiểm ở đây là chính sách của Slovakia sẽ nghiêng về Đông hơn là về Tây ». Trên đây là nhận định của bà Daniela, một nhân viên trong ngành marketing. Như hàng ngàn người Slovakia khác, bà sống và làm việc tại Cộng Hòa Séc nhưng đã trở về nước để bỏ phiếu. Bà sẽ bầu cho Ivan Korcok.

Một tổ chức phi chính phủ với lập trường chống chính quyền Slovakia thân Nga hiện nay đã chuẩn bị sẵn xe đưa rất nhiều sinh viên đi bầu. Có những người xuống xe ngay ở Kuty, trạm dừng đầu tiên sát đường biên giới. Một số khác tiếp tục cuộc hành trình đến tận thủ đô Bratislava. Ở trung tâm thành phố, tại một quán cà phê sát cạnh phủ tổng thống mang tên U Prezidenta, ông Oliver, một người về hưu, giải thích : « Tôi ủng hộ Pellegrini như tất cả mọi người ở đây. Tại Ukraina đang có một cuộc nội chiến do chính những người Ukraina khơi nên. Đấy không phải là chuyện của chúng tôi ». Ông nói thêm Ivan Korcok, cũng như tổng thống mãn nhiệm Caputova, « bị nhà tỷ phú Mỹ George Soros thao túng ».

« Fico là vị thủ tướng tốt nhất của chúng tôi và ông ấy ủng hộ Pellegrini, do vậy tôi sẽ bỏ phiếu cho Pellegrini ». Zuzana, làm việc trong một phòng thí nghiệm, cho biết như vậy và nói thêm là cô đồng tình với thủ tướng Fico, mong muốn « Slovakia và Nga có một mối quan hệ êm thắm ».

Cách đấy vài trăm thước, thủ tướng Robert Fico hôm Thứ Năm vừa qua đã chủ trì lễ kỷ niệm 79 năm thành phố được Hồng Quân Liên Xô giải phóng. Thủ tướng Slovakia đã ngả mũ chào đại sứ Nga và Bélarus hiện diện trên khán đài và chỉ trích việc đại diện ngoại giao các nước trong Liên Hiệp Châu Âu vắng mặt ».


************

Mỹ và Trung Quốc đồng ý thảo luận về « tăng trưởng cân đối »

Thanh Hà

Sau hai ngày làm việc đầu tiên tại Trung Quốc của bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen, bộ Tài Chính Mỹ hôm nay, 06/04/2024 ra thông cáo cho biết Washington và Bắc Kinh đồng ý « trao đổi sâu rộng » để hướng tới một mô hình « tăng trưởng cân đối ». Các cuộc đàm phán sắp tới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ được coi là một nỗ lực mới nhằm « ổn định quan hệ đang căng thẳng » giữa hai siêu cường. 

Đăng ngày:

3 phút

U.S. Treasury Secretary Janet Yellen meets China's Vice Premier He Lifeng at the Guangdong Zhudao Guest House, in Guangzhou, Guangdong province, China, April 6, 2024. REUTERS/Tingshu Wang
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen (T) gặp phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng), Quảng Đông, ngày 06/04/2024. REUTERS - Tingshu Wang

Hãng tin Pháp AFP trích lời bà Yellen cho biết tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, lá phổi công nghiệp của Trung Quốc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ đã có một cuộc trao đổi « trong hai giờ đồng hồ » với phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng). Đôi bên đã « đạt được một số tiến bộ » về vấn đề dư thừa sản xuất công nghiệp của Trung Quốc và về những « điều kiện lao động và tiếp cận thị trường Trung Quốc công bằng hơn ». Đây sẽ vẫn là trọng tâm của các cuộc trao đổi sắp tới giữa bộ trưởng Tài Chính Mỹ với các đối tác Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh. 

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết :

Trong ngoại giao có vấn đề về phương pháp : thường thì phải lặp đi lặp lại một thông điệp với hy vọng thông điệp đó sẽ được lắng nghe. Janet Yellen một lần nữa đã áp dụng phương pháp này hôm qua khi bà tiếp xúc với giới lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, ở miền đông nam Trung Quốc. Không phải tình cờ mà bộ trưởng Tài Chính Mỹ chọn địa điểm này. Bà Yellen lưu ý cử tọa đây là nơi mà cho đến tận năm 1992 ông Đặng Tiểu Bình đã nhắc lại cam kết của Trung Quốc về cải tổ và mở cửa thị trường.

Trong phát biểu hôm qua, bộ trưởng Tài Chính Mỹ chủ trương một chính sách cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện để hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cạnh tranh một cách công bằng. Bà Janet Yellen muốn nhắm tới vấn đề sản xuất dư thừa của Trung Quốc về công nghiệp. Tại Phòng Thương Mại Mỹ ở Quảng Đông, bà tuyên bố : « Sản xuất dư thừa không phải là một vấn đề mới, nhưng hiện tượng này càng lúc càng mạnh và chúng ta đang trông thấy nhiều nguy cơ dấy lên trong những lĩnh vực mới. Đặc biệt là những biện pháp hỗ trợ trực tiếp hay gián tiếp từ phía chính quyền đã dẫn đến dư thừa sản xuất hiện nay. Sản xuất của Trung Quốc cao hơn rất nhiều so với nhu cầu tiêu thụ nội địa và so với khả năng tiêu thụ của thế giới ». 

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ trên nguyên tắc sẽ thảo luận với các đối tác ở Bắc Kinh về vấn đề dư thừa sản xuất trong lĩnh vực ô tô điện và pin mặt trời. Bà Janet Yellen công du Trung Quốc trong bốn ngày, ngay sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc vào thời điểm mà Bắc Kinh kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài trở lại Hoa Lục.

Hôm nay, trước khi lên đường đến Bắc Kinh tiếp tục chuyến công du Trung Quốc, bộ trưởng Tài Chính Mỹ chỉ trích việc các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tay với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Janet Yellen nhấn mạnh « không nên cung cấp trang thiết bị giúp Nga trong cuộc chiến chống Ukraina, hay hỗ trợ ngành công nghiệp quốc phòng của Nga ». Thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ cảnh báo các công ty vi phạm sẽ lãnh những « hậu quả nghiêm trọng ».


************
voatiengviet.com

Iran tuyên bố bắt thành viên cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Reuters

Cảnh sát Iran hôm 6/4 tuyên bố bắt giữ một thành viên cấp cao của Nhà nước Hồi giáo cùng với hai thành viên khác của nhóm bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công tự sát trong lễ kỷ niệm vào tuần tới, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan của người Hồi giáo.

Cảnh sát cho biết, Mohammad Zaker, được biết đến với tên gọi "Ramesh", và hai người khác đã bị bắt tại Karaj, phía tây thủ đô Tehran, sau các cuộc đụng độ, theo truyền thông Iran. Họ cho biết, 8 người khác đi cùng những người đàn ông này cũng bị bắt giữ.

Nhà nước Hồi giáo, vốn nuôi dưỡng lòng căm thù sâu sắc đối với giáo phái Shi'ite thống trị ở Iran, đã nhận trách nhiệm về hai vụ nổ ở Iran vào tháng 1 khiến gần 100 người thiệt mạng và nhiều người bị thương tại đài tưởng niệm đánh dấu kỷ niệm 4 năm vụ ám sát chỉ huy hàng đầu Qassem Soleimani ở Iraq vào năm 2020 bởi một máy bay không người lái của Hoa Kỳ.

Iran đã bắt giữ 35 người vào tháng 1, trong đó có một chỉ huy của nhánh ISIS-Khorasan (ISIS-K) của Nhà nước Hồi giáo có trụ sở tại Afghanistan, người mà nước này cho rằng có liên quan đến vụ đánh bom kép vào ngày 3 tháng 1 tại thành phố Kerman phía đông nam.

Vào ngày 22 tháng 3, trong vụ tấn công đẫm máu nhất ở Nga trong 20 năm, các tay súng đã dùng vũ khí tự động xả súng tại một nhà hát gần Moscow, giết chết ít nhất 144 người trong một vụ tàn sát mà Nhà nước Hồi giáo tuyên bố nhận trách nhiệm.

Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, ISIS-K đã thực hiện cả vụ tấn công ngày 3/1 ở Iran và vụ xả súng ngày 22/3 ở Moscow.

Các nguồn tin nắm vấn đề này nói với Reuters rằng Iran đã thông báo cho Nga về khả năng xảy ra một cuộc tấn công lớn vào lãnh thổ nước này.


************
voatiengviet.com

Mỹ, Nhật, Úc và Philippines xác nhận tổ chức diễn tập ở Biển Đông

Reuters

Các lực lượng quốc phòng của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Philippines sẽ tiến hành "hoạt động hợp tác hàng hải" vào ngày 7 tháng 4 để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, các nước cho biết hôm 6/4, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khẳng định chủ quyền trên tuyến đường thủy này.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói với các phóng viên rằng cuộc tập trận hàng hải kéo dài một ngày sẽ bao gồm các hoạt động liên lạc và diễn tập của sĩ quan canh gác trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila ở Biển Đông.

Ông Andolong cho biết, tàu chiến Mỹ USS Mobile, tàu khu trục HMAS Warramunga của Australia và tàu khu trục JS Akebono của Nhật Bản sẽ tham gia cùng hai tàu chiến Philippines.

Tuyên bố chung cho biết, hoạt động này sẽ tăng cường khả năng tương tác giữa các học thuyết, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của lực lượng vũ trang các nước.

Bốn quốc gia đã tái khẳng định quan điểm của mình rằng Phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016 là phán quyết cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Hoạt động hàng hải này diễn ra vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Philippines, trong đó sẽ bao gồm cuộc thảo luận về các sự cố gần đây ở Biển Đông.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác, đồng thời áp dụng đường lối cứng rắn chống lại điều mà ông coi là sự thù địch của Trung Quốc, quay lưng lại với lập trường thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm.

Philippines và Trung Quốc đã có một số xung đột trên biển vào tháng trước, trong đó có việc sử dụng vòi rồng và khẩu chiến, gây lo ngại về leo thang căng thẳng trên biển.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.


*********

Tám người chết trong hai cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv

Reuters

Các quan chức khu vực cho biết, hai cuộc tấn công của Nga vào Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã làm 8 dân thường thiệt mạng và ít nhất 10 người bị thương hôm 6/4.

Cảnh sát quốc gia Ukraine nói rằng cuộc tấn công được thực hiện bằng máy bay không người lái, trong khi các quan chức khu vực nói rằng lực lượng Nga đã sử dụng tên lửa và bom.

Cảnh sát và chính quyền địa phương công bố hình ảnh các đám cháy bùng phát trên đường phố và bên cạnh các tòa nhà.

Thị trưởng Kharkiv Ihor Terekhov cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram: “Tính đến sáng nay, có 6 người chết và 10 người bị thương do cuộc tấn công ban đêm ở quận Shevchenkivskyi”. Sau đó số người chết tăng lên bảy.

Ông nói thêm: “Cuộc tấn công xảy ra tại các khu dân cư – ít nhất 9 tòa nhà cao tầng, 3 ký túc xá, một số tòa nhà hành chính, một cửa hàng, trạm xăng, trạm dịch vụ và ô tô bị hư hại”.

Các tin tức cho biết rằng cuộc tấn công xảy ra vào ban đêm.

Một cuộc tấn công mới diễn ra sau đó hôm 6/4 và Terekhov cho biết ít nhất một người đã thiệt mạng.

Terekhov cho biết trên Telegram: “Có thông tin về một người chết do cuộc tấn công vào khu dân cư của thành phố. Ngoài ra còn có người bị thương”.

Kharkiv, ở phía đông bắc Ukraine, là mục tiêu thường xuyên của Nga, với các cuộc tấn công gia tăng trong những tuần gần đây. Hôm 3/4, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào thành phố đã khiến 4 người thiệt mạng và các khu chung cư bị hư hại nặng.


************

Tin tức thế giới 7-4: Ukraine muốn mua chịu vũ khí Mỹ sớm nhất có thể

NGỌC ĐỨC

Ông Zelensky thị sát một chiến lũy gần biên giới Nga hôm 4-4 - Ảnh: REUTERS

Ông Zelensky thị sát một chiến lũy gần biên giới Nga hôm 4-4 - Ảnh: REUTERS

Ông Zelensky chấp nhận mua chịu vũ khí từ Mỹ

Theo Hãng tin Reuters, ngày 6-4 (giờ địa phương), truyền hình Ukraine phát sóng chương trình phỏng vấn với Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky.

Khi được hỏi về thông tin gói viện trợ vũ khí sắp tới của Mỹ có thể đến dưới dạng khoản vay, ông Zelensky khẳng định Kiev sẽ "chấp nhận mọi phương án".

Tổng thống Ukraine chia sẻ: "Một thượng nghị sĩ Mỹ đã đến Ukraine gần đây và hỏi 'Sẽ ra sao nếu họ (Washington) nói với các bạn gói viện trợ sắp tới sẽ là khoản vay hoặc các bạn sẽ không nhận gì cả?'. Tôi đã nói 'Chúng tôi có thể lựa chọn gì nếu từ đầu đã không có sự lựa chọn?'. Chúng tôi sẽ đồng ý mọi phương án viện trợ".

Ông Zelensky khẳng định mấu chốt sự việc là Ukraine cần được tăng viện trong khoảng thời gian sớm nhất. Ông cho biết quân đội của mình đang không có đủ vũ khí để phản công mặc dù đã được một số nước đồng minh cung cấp trong thời gian qua.

Đặc biệt, tổng thống Ukraine cảnh báo nước này có thể cạn kiệt năng lực phòng không nếu Nga vẫn tiếp tục chiến dịch oanh tạc và Kiev không nhận thêm viện trợ.

"Nếu họ tiếp tục tấn công Ukraine hằng ngày như trong tháng vừa qua, chúng tôi sẽ cạn kiệt tên lửa, và các đối tác của chúng tôi hiểu rõ điều đó", ông tuyên bố.

Người đứng đầu chính quyền Kiev cho rằng kho tàng vũ khí nước này vẫn còn đủ cho hiện tại, song nước này đã đang phải cân nhắc bảo vệ hoặc bỏ rơi nơi nào, đồng thời nhấn mạnh Kiev sẽ cần ít nhất 25 hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất.

100.000 người Israel biểu tình chống chính phủ

100.000 người Israel đổ xuống đường phố Tel Aviv biểu tình chống chính phủ tối 6-4 - Ảnh: REUTERS

100.000 người Israel đổ xuống đường phố Tel Aviv biểu tình chống chính phủ tối 6-4 - Ảnh: REUTERS

Tối 6-4 (giờ địa phương), hàng vạn người Israel đã xuống đường phố Tel Aviv biểu tình phản đối chính phủ do Thủ tướng Bejamin Netanyahu lãnh đạo.

Sự kiện diễn ra chỉ vài giờ trước khi Israel kỷ niệm tròn 6 tháng từ cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào lãnh thổ nước này hôm 7-10-2023.

Đơn vị tổ chức cuộc biểu tình cho biết khoảng 100.000 người đã tề tựu về "Quảng trường Dân chủ" - giao lộ đã được các bên phản đối chính quyền Tel Aviv sử dụng làm nơi biểu tình trong nhiều tháng qua.

Theo phóng viên Hãng tin AFP, dòng người biểu tình liên tục hô khẩu hiệu "Bầu cử ngay" và yêu cầu ông Netanyahu từ chức.

Ngoài Tel Aviv, phe phản đối chính phủ tại nhiều thành phố khác cũng tổ chức biểu tình. Ông Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập, phát biểu khi tham gia biểu tình ở thành phố Kfar Saba: "Họ (chính phủ Israel) chưa học được gì cả, họ chưa thay đổi. Trừ khi chúng ta buộc họ về nhà, họ vẫn sẽ không cho đất nước cơ hội tiến về phía trước".

Trước khi xung đột tại Dải Gaza bùng nổ hồi tháng 10-2023, chính trường Israel đã sôi sục khi ông Netanyahu và các đồng sự kiên quyết thực hiện cải cách pháp lý nước này với những chính sách bị người dân phản đối kịch liệt.

Thủ tướng thân Nga của Slovakia thắng lớn với kết quả bầu tổng thống

Tối 6-4 (giờ địa phương), ông Peter Pellegrini được công bố chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Slovakia diễn ra cùng ngày. Ông Pellegrini giành 53,26% số phiếu bầu, nhỉnh hơn con số 46,73% số phiếu của ứng viên thân phương Tây Ivan Korcok.

Dù chức vụ tổng thống Slovakia không nắm nhiều thực quyền, chiến thắng của ông Pellegrini vẫn được xem là sự củng cố quyền lực to lớn cho Thủ tướng nước này, ông Robert Fico.

Đảng Hlas của ông Pellegrini là thành viên trong liên đảng cầm quyền tại Slovakia do ông Fico lãnh đạo.

Kể từ khi nắm quyền hồi tháng 10-2023, ông Fico đã ban hành nhiều chính sách ngoại giao mới theo hướng thân thiện với Nga, trong đó có việc hoãn các lô hàng viện trợ cho Ukraine.

Đích thân vị thủ tướng từng công khai khẳng định sự ảnh hưởng của phương Tây lên cuộc chiến tại Ukraine sẽ chỉ dẫn đến việc các quốc gia Slavic (nhóm nước sử dụng ngữ tộc Slavs trên thế giới, bao gồm Nga, Ukraine, Ba Lan, CH Czech, Slovakia...) tàn sát nhau.

Mexico đình chỉ quan hệ ngoại giao với Ecuador sau vụ cảnh sát lao vào đại sứ quán

Lực lượng chức năng Ecuador tập trung trước cổng Đại sứ quán Mexico tại Quito nhằm áp giải cựu phó tổng thống Jorge Glas tối 5-4 - Ảnh: REUTERS

Lực lượng chức năng Ecuador tập trung trước cổng Đại sứ quán Mexico tại Quito nhằm áp giải cựu phó tổng thống Jorge Glas tối 5-4 - Ảnh: REUTERS

Ngày 6-4 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena tuyên bố nước này "lập tức" đình chỉ quan hệ ngoại giao với Ecuador và sẽ cho các nhân viên ngoại giao của mình về nước.

Sự việc diễn ra chưa đầy 24 tiếng sau khi cảnh sát Ecuador ập vào khuôn viên Đại sứ quán Mexico tại Quito nhằm bắt cựu phó tổng thống Ecuador Jorge Glas hôm 5-4.

Ông Glas (54 tuổi) bị tòa án Ecuador tuyên hai án phạt tham nhũng. Từ tháng 12-2023 đến nay, ông sống trong tòa Đại sứ quán Mexico tại Quito trong thời gian xin tị nạn chính trị ở quốc gia này. Đơn xin tị nạn của ông được Mexico chấp thuận ngay ngày 5-4.

Vụ bắt bớ trên là đỉnh điểm của các căng thẳng ngoại giao vốn đã kéo dài nhiều tuần qua giữa hai quốc gia. Chính quyền Ecuador chỉ trích việc Mexico cho phép ông Glas tị nạn chính trị là bất hợp pháp.

Ngày 4-4, Quito đã tuyên bố đại sứ Mexico tại nước này là persona non grata (tạm dịch: người không được chào đón) - đồng nghĩa với việc sẽ trục xuất nhà ngoại giao này về nước.

Ngay sau vụ bắt bớ, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã chỉ trích hành động này trên X là hành vi "độc đoán", vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền Mexico. Ông cũng đồng thời cho biết đã lệnh cho bà Barcena đình chỉ quan hệ ngoại giao với Ecuador.

Hàng không Anh điêu đứng vì bão

Hãng tin Reuters cho biết một loạt chuyến bay ở Vương quốc Anh và Ireland đã bị hủy sau khi bão Kathleen bao trùm cả hai nước. Điều này khiến các hãng hàng không tại đây điêu đứng.

Gió mạnh do cơn bão này gây ra cũng khiến nhiều khu vực ở Ireland bị mất điện. Công ty cung cấp điện của nước này ESB Networks cho biết khoảng 34.000 hộ dân, nông trại và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Thi… vác than

Các thí sinh đang tham gia cuộc thi đặc biệt có tên Giải vô địch vác than thế giới được tổ chức hôm 1-4 vừa qua tại làng Gawthorpe, hạt West Yorkshire (Anh). Đây là môn thể thao có truyền thống lâu đời và không phải ai cũng có thể đủ sức thi đấu - Ảnh: REUTERS

Các thí sinh đang tham gia cuộc thi đặc biệt có tên Giải vô địch vác than thế giới được tổ chức hôm 1-4 vừa qua tại làng Gawthorpe, hạt West Yorkshire (Anh). Đây là môn thể thao có truyền thống lâu đời và không phải ai cũng có thể đủ sức thi đấu - Ảnh: REUTERS

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn