Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 06 -4 -2024

Thứ Bảy, 06 Tháng Tư 20244:43 SA(Xem: 931)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 06 -4 -2024
HoaLuc 7

************

Tin riêng của Reuters: Tesla hủy dự án xe giá rẻ giữa lúc xe Trung Quốc cạnh tranh ác liệt

Reuters

Tesla đã hủy bỏ dòng xe giá rẻ được hứa hẹn lâu nay mà giới đầu tư hy vọng sẽ thúc đẩy cho hãng tăng trưởng và trở thành nhà sản xuất ô tô dành cho thị trường đại chúng, Reuters đưa tin, trích dẫn 3 nguồn tin nắm vấn đề này và các tin nhắn mà Reuters xem được.

Các nguồn tin nói rằng Tesla sẽ tiếp tục phát triển xe chở khách tự lái trên cùng thân xe cơ bản của loại xe nhỏ, gọi là robotaxi.

Quyết định này thể hiện việc từ bỏ mục tiêu lâu dài mà Tổng Giám đốc (CEO) của Tesla là Elon Musk từng coi là sứ mệnh chính của hãng: đó là làm ra ô tô điện giá cả phải chăng cho đại chúng.

Gần đây nhất là hồi tháng 1, ông Musk còn nói với các nhà đầu tư rằng Tesla có kế hoạch bắt đầu sản xuất mẫu xe giá cả phải chăng tại nhà máy ở Texas vào nửa cuối năm 2025.

Mẫu xe rẻ nhất hiện nay của Tesla, xe sedan Model 3, có giá bán lẻ khoảng 39.000 đô la ở Mỹ. Loại xe phổ thông mà giờ đây đã bị bãi bỏ, đôi khi được gọi là Model 2, từng được dự kiến có giá khởi điểm khoảng 25.000 đô la.

Động thái quay ngoắt này xảy ra khi Tesla phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường với những chiếc xe có giá thấp tới 10.000 đô la. Kế hoạch về robotaxi không người lái, có thể mất nhiều thời gian hơn để thực hiện, đặt ra thách thức kỹ thuật còn khó khăn hơn và nhiều rủi ro pháp lý hơn.

Hai nguồn tin nói với Reuters rằng họ biết về quyết định của Tesla loại bỏ Model 2 trong một cuộc họp có rất nhiều nhân viên tham dự, và một trong hai nguồn tin nói rằng cuộc họp diễn ra vào cuối tháng 2.

Nguồn thứ ba xác nhận việc hủy bỏ và cho hay có các kế hoạch mới đề nghị sản xuất robotaxi, nhưng với số lượng thấp hơn nhiều so với con số dự kiến về Model 2.

Một số tin nhắn của công ty mà Reuters xem được về quyết định này bao gồm một tin nhắn vào ngày 1/3 từ viên quản lý chương trình ô tô giá thấp không rõ danh tích, người này bàn về việc chấm dứt dự án với các nhân viên kỹ thuật và khuyên họ đừng nói với các nhà cung cấp “về việc hủy bỏ chương trình”.

Người thứ tư biết rõ về các kế hoạch của Tesla bày tỏ sự lạc quan về quyết định chuyển từ chiến lược ô tô giá rẻ sang sử dụng taxi tự hành, một phân khúc mà ông Musk đã hình dung sẽ là tương lai của phương tiện di chuyển. Nguồn tin này cũng lưu ý rằng kế hoạch về sản phẩm của Tesla vẫn có thể còn thay đổi nữa tùy theo các điều kiện kinh tế.

Việc hủy bỏ dự án ô tô giá cả phải chăng diễn ra trong bối cảnh Tesla và các nhà sản xuất ô tô lâu đời khác đang bị ảnh hưởng nặng nề vì nhu cầu về xe hơi điện không tăng nhiều ở Hoa Kỳ và Châu Âu, cũng như vì sự cạnh tranh gay gắt ở Trung Quốc.

Hãng BYD của Trung Quốc đã cung cấp một loạt mẫu xe có mức giá ở tầm trung bình và thấp, bao gồm cả mẫu xe hatchback Seagull với giá dưới 10.000 đô la. Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này hiện có kế hoạch xuất khẩu loại xe đó với mức giá cao gấp đôi - nhưng vẫn thấp hơn mức giá mục tiêu của loại xe giá rẻ mà Tesla đã tính sẽ sản xuất.


************
rfi.fr

Mêhicô cắt đứt bang giao với Ecuador

Thanh Phương

Tối qua, 05/04/2024, Mêhicô thông báo “cắt đứt ngay lập tức” quan hệ ngoại giao với Ecuador sau khi cảnh sát Ecuador xông vào đại sứ quán Mêhicô để bắt giữ cựu phó tổng thống Ecuador, Jorge Glas, đang tị nạn tại đây.

Đăng ngày:

1 phút

Police and military officials walk outside the Mexican embassy from where they forcibly removed the former Ecuador Vice President Jorge Glas in Quito, Ecuador April 5, 2024. REUTERS/Karen Toro
Cảnh sát và quân nhân Ecuador tại khu vực bên ngoài đại sứ quán Mêhicô, thủ đô Quito, ngày 05/04/2024. REUTERS - Karen Toro

Từ Quito, thủ đô Ecuador, thông tín viên Eric Samson tường trình:

« Chính là nhân danh chính sách không khoan dung với tội phạm mà Ecuador đã biện minh cho hành vi vi phạm nguyên tắc ngoại giao tối thượng, đó là quyền bất khả xâm phạm của một đại sứ quán. Trên mạng xã hội, hình ảnh và video cho thấy cảnh sát Ecuador phá cửa đại sứ quán bắt giữ cựu phó tổng thống Jorge Glass, người vừa xin tị nạn chính trị tại đây. 

Trong những hình ảnh này, người ta thấy đại biện của Mêhicô phản đối sự xâm nhập của các cảnh sát Ecuador, đối xử không khoan nhượng với ông. Trong một tuyên bố với giọng điệu không ngoại giao chút nào, chính quyền Quito cáo buộc chính phủ Mêhicô ''đã lạm dụng các quyền miễn trừ và đặc quyền của mình'' khi cấp quyền tị nạn ngoại giao cho một ''tội phạm'' đã bị ngành tư pháp Ecuador kết án. 

Sau vụ Quito trục xuất đại sứ Mêhicô, nay bị tuyên bố là ''nhân vật không được hoan nghênh'', vụ đột nhập vào khuôn viên đại sứ quán làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giữa hai nước. Hôm thứ Năm vừa qua, tổng thống Daniel Noboa tuyên bố không chấp nhận những bình luận của tổng thống Mêhicô ám chỉ rằng vụ ám sát ứng cử viên Fernando Villavicencio vào tháng 8 năm ngoái đã được tiến hành nhằm khiến cho ứng cử viên tổng thống cánh tả thuộc đảng của cựu tổng thống Rafael Correa bị thất cử. »


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

3 phút

(Yonhap) – Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên. Theo thông báo ngày 05/04/2024 của bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, các bên thảo luận để ấn định ngày tổ chức thượng đỉnh, có thể trong tháng tới. Trước đó, theo Kyodo, lãnh đạo ba nước dự kiến sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế và các vấn đề trong khu vực, như các mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên.

(AFP) – Seoul chuẩn bị phóng vệ tinh dọ thám thứ hai. Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc hôm nay, 05/04/2024, cho biết thêm, vệ tinh này được sản xuất trong nước và sẽ được đưa lên quỹ đạo từ lãnh thổ Hoa Kỳ. Theo các nguồn tin báo chí Hàn Quốc ngày phóng dự kiến là 07/4.

(Reuters) – Serbia muốn hợp tác quốc phòng với Pháp. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, hôm qua, 04/04/2024, bày tỏ mong muốn này nhân chuyến thăm của tổng thống Emmanuel Macron, vào ngày 08/4. Serbia muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Pháp, dự trù mua 12 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, hợp tác với Airbus để bảo trì trực thăng H125M cũng như là khả năng hợp tác sản xuất chung drone chiến đấu. Hồi tháng Giêng 2024, tổng thống Serbia loan báo một khoản ngân sách 740 triệu euro, tương đương 2% GDP, để mua sắm trang thiết bị quân sự mới.

(AFP) – Động đất ở Đài Loan : 9 người được cứu, khoảng 10 người mất tích. Lực lượng cứu hộ Đài Loan, hôm nay 05/04/2024, đã giải cứu 9 người bị mắc kẹt trong một đường hầm và vẫn đang tìm kiếm khoảng 10 người mất tích sau trận động đất mạnh nhất ở hòn đảo trong 25 năm qua. Theo nhà chức trách, trận động đất mạnh 7,4 độ richter xảy ra hôm 03/04 đã khiến 10 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

(RFI) – Số người nhập cư vào Pháp tăng do chiến tranh Ukraina. Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (INSEE), hôm qua 04/04/2024, công bố bản báo cáo về dòng người di cư tới Pháp vào năm 2022 với tổng cộng 431.000 người đến xứ lục lăng, tăng 35% so với năm 2021. Chiến tranh Ukraina, bắt đầu vào tháng 02/2022, cũng như sự chấm dứt của các biện pháp hạn chế phòng chống đại dịch Covid-19 giải thích cho hiện tượng này.

(RFI) – Phần Lan tiếp tục đóng biên giới với Nga. Thông báo trên được chính quyền Helsinki đưa ra vào hôm qua 04/04/2024. Chính phủ Phần Lan từ nhiều tháng qua đã lên án Nga khuyến khích di dân tràn vào quốc gia Bắc Âu này để gây bất ổn cho đất nước. Helsinki chưa ấn định ngày mở lại biên giới.

(AFP) – Thủ tướng Áo tặng quà Macron găng tay đấm bốc. Đến thăm Paris ngày hôm qua, 04/04/2024, thủ tướng Áo Karl Nehammer, đã tặng nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron một đôi găng đấm bốc mầu đỏ.  Theo phát ngôn viên phủ thủ tướng Áo, đôi bên có những trao đổi thân tình, chia sẻ đam mê về môn đấm bốc. Đây là chuyến công du Paris đầu tiên của thủ tướng Áo kể từ sau chính phủ bảo thủ cầm quyền Sebastian Kurz năm 2018.

(AFP) – Vụ cướp táo bạo ở Los Angeles : Ba mươi triệu đô la bị đánh cắp. Cảnh sát Los Angeles và FBI đang điều tra về một vụ trộm bí ẩn, theo đó, gần 30 triệu đô la đã bị đánh cắp bằng cách khoan thủng mái một kho cất trữ tiền mặt trước khi đột nhập vào két sắt. Vụ trộm táo bạo này giống như trong phim « Ocean’s Eleven ». Vụ việc xảy ra hôm Chủ Nhật 31/3 và theo David Cuellar, cảnh sát ở Los Angeles, đây là một trong những vụ trộm lớn nhất trong lịch sử thành phố.

*************

Thông tin tình báo: Iran có thể phóng tên lửa tầm xa vào Israel

BÌNH AN

Theo Axios, các quan chức Israel tuyên bố họ nắm thông tin tình báo cho thấy Iran có thể tấn công Israel từ lãnh thổ Iran, bằng cách dùng 'tên lửa đạn đạo tầm xa, tên lửa hành trình hoặc drone'.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã cảnh báo "Israel sẽ bị trừng phạt" vì vụ tấn công san phẳng Lãnh sự quán Iran ở Syria - Ảnh: FINANCIAL TIMES

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đã cảnh báo "Israel sẽ bị trừng phạt" vì vụ tấn công san phẳng Lãnh sự quán Iran ở Syria - Ảnh: FINANCIAL TIMES

Ngày 4-4, trang tin tức Axios (Mỹ) đăng tải thông tin: "Giới chức Israel tuyên bố họ nắm thông tin tình báo cho thấy Iran có thể tấn công Israel từ lãnh thổ Iran, bằng cách sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa, tên lửa hành trình hoặc máy bay không người lái (drone)".

Theo một quan chức Israel, vấn đề này đã được thảo luận chi tiết trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 3-4.

Tiết lộ với trang Axios, các quan chức Mỹ và Israel nói hai bên đã thảo luận về cách thức phối hợp tốt hơn và chuẩn bị cho các kịch bản leo thang do Iran trả đũa.

Trước đó, Iran tuyên bố sẽ trả đũa sau khi nước này cáo buộc Israel tấn công tòa nhà lãnh sự quán trong khu phức hợp Đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria hôm 1-4.

Cuộc không kích này khiến một số quan chức thiệt mạng, trong đó có Chuẩn tướng Mohammed Reza Zahedi, chỉ huy cấp cao Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cảnh báo Tehran "duy trì quyền thực hiện các biện pháp đáp trả và sẽ quyết định hình thức đáp trả cũng như hình phạt đối với kẻ gây hấn".

Theo thông tin mà các quan chức Israel cung cấp cho Axios, Israel đã nói với Mỹ rằng nếu Iran tiến hành một cuộc tấn công từ lãnh thổ Iran nhằm vào Israel để trả đũa vụ việc ở Syria, thì điều đó sẽ "gây ra phản ứng mạnh từ Israel và đẩy cuộc xung đột hiện tại lên một mức khác".

Các quan chức cho biết Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, đặc biệt là các đơn vị phòng không và tình báo. 

Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, IDF và Văn phòng thủ tướng Israel hiện chưa bình luận về các thông tin trên Axios.


**************
voatiengviet.com

Nửa năm sau cuộc chiến ở Gaza, Israel ngày càng bị cô lập

Reuters

Sáu tháng sau cuộc chiến ở Gaza, cái chết của một nhóm nhân viên cứu trợ vì không kích của Israel cho thấy một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc và thiếu một lối thoát rõ ràng để thoát khỏi cuộc xung đột đang khiến Israel ngày càng bị cô lập.

Vụ tấn công vào tối ngày 1/4 khiến 7 nhân viên của nhóm viện trợ World Central Kitchen (WCK) thiệt mạng, trong đó có 6 người nước ngoài, đã khiến ngay cả một số đồng minh thân cận nhất của Israel tức giận, làm tăng thêm áp lực yêu cầu chấm dứt giao tranh.

Quân đội Israel thừa nhận cuộc tấn công do lực lượng của họ thực hiện vì nhầm lẫn và xin lỗi về cái chết “ngoài ý muốn” của 7 người, trong đó có công dân Anh, Úc, Ba Lan, một công dân Canada gốc Mỹ và một đồng nghiệp người Palestine.

Nhưng lời xin lỗi hầu như không xoa dịu nỗi lo lắng ngày càng tăng ở nước ngoài, nơi dư luận ngay cả ở các quốc gia thân thiện truyền thống như Anh, Đức hay Úc, đã quay lưng lại với chiến dịch của Israel ở Gaza, vốn được phát động sau cuộc tấn công đẫm máu của Hamas vào miền nam Israel vào ngày 7/10/2023.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đang chịu áp lực ngày càng tăng từ chính những người ủng hộ ông để yêu cầu chấm dứt giao tranh, cho biết ông rất phẫn nộ trước cuộc tấn công vào đoàn xe cứu trợ. Hôm 4/4, sau cuộc gọi với ông Netanyahu, Toà Bạch Ốc đã yêu cầu Israel phải có “các bước cụ thể và có thể đo lường được để giảm thiểu tổn hại cho dân thường” và cho biết sự hỗ trợ trong tương lai của Mỹ sẽ được quyết định bởi hành động của Israel.

Tăng khả năng tiếp cận viện trợ

Ngày 5/4, ông Netanyahu đã ra lệnh mở lại cửa khẩu Erez vào phía bắc Gaza và cho tạm thời sử dụng cảng Ashdod ở miền nam Israel cũng như tăng cường khả năng tiếp cận cho viện trợ từ Jordan thông qua cửa khẩu Kermen Shalom ở phía nam Gaza.

Gaza bị tàn phá, hầu hết trong số 2,3 triệu dân buộc phải rời bỏ nhà cửa và hiện phải phụ thuộc vào viện trợ để sinh tồn.

Bà Um Nasser Dahman, 33 tuổi, hiện đang sống cùng gia đình 5 người trong một lều tị nạn ở thành phố Rafah phía nam nơi hơn phân nửa dân số Gaza hiện đang trú ẩn, cho biết: “Chúng tôi đã có một số hy vọng trước tháng chay Ramadan, nhưng hy vọng đó đã tan biến vào đêm trước khi tháng kiêng ăn bắt đầu”.

Bà nói: “Chúng tôi từng khá giả trước chiến tranh, nhưng giờ đây chúng tôi lệ thuộc vào nguồn viện trợ hạn chế và phụ thuộc vào bà con họ hàng”.

Ngay cả trước cuộc tấn công vào đoàn xe viện trợ, Israel đã bị cô lập về mặt ngoại giao, với việc Đại hội đồng Liên hiệp quốc liên tục kêu gọi ngừng bắn nhân đạo và Israel cũng chịu áp lực nặng nề về việc tăng cường chuyển hàng viện trợ cho Gaza, nơi các nhóm viện trợ cho biết nạn đói sắp xảy ra.

Trong khi Israel nói lực lượng của họ đã tiêu diệt hàng nghìn chiến binh Hamas và tiêu diệt hầu hết các đơn vị chiến đấu của Hamas, nhiều tháng sau cuộc chiến, quân đội Israel vẫn đang chiến đấu với các nhóm chiến binh ở miền bắc và miền trung Gaza, tại những khu vực dường như đã được dọn sạch trong giai đoạn đầu của chiến tranh.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho đến nay vẫn chống lại áp lực yêu cầu thay đổi đường hướng, nhấn mạnh rằng Hamas vẫn là mối đe dọa hiện hữu đối với Israel và phải bị tiêu diệt trước khi hòa bình lâu dài có thể trở lại.

“Chiến thắng đang trong tầm tay, rất gần và không có gì thay thế được,” ông nói với phái đoàn gồm các thành viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ ở Jerusalem hôm 4/4, kêu gọi hỗ trợ thêm ngân sách, vài giờ trước cuộc điện đàm với Tổng thống Biden.

Chu kỳ lặp lại

Công chúng Israel phần lớn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến nhằm tiêu diệt Hamas và đưa 134 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza về nhà. Nhưng bản thân ông Netanyahu phải đối mặt với phong trào phản kháng ngày càng gia tăng và yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử mới mà các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông sẽ thua đậm.

Bà Wendy Carol, nhà văn 73 tuổi và người sáng lập công ty khởi nghiệp đến từ Jerusalem, nói: “Tôi cảm nhận sâu sắc rằng tất cả những người bên ngoài Israel kêu gọi ngừng bắn đều không hiểu tình hình ở đây”. “Chúng tôi đã có rất nhiều cuộc tấn công và xâm lược và chúng tôi sẽ đứng vững như một quốc gia Do Thái dân chủ.”

Tuy nhiên, bà nói: “Tôi không tin tưởng vào thủ tướng. Ông ấy là một thế lực gây chia rẽ trong đất nước này và rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp cảm thấy như vậy.”

Trong khi các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra, hy vọng về một bước đột phá có thể đảm bảo tạm dừng giao tranh và cho phép trao trả các con tin đã nhiều lần bị tiêu tan và các thủ lĩnh Hamas cho biết họ có thể tiếp tục chiến đấu lâu hơn nữa.

Quan chức cấp cao của Hamas, Sami Abu Zuhri, nói: “Sáu tháng đã trôi qua và Lữ đoàn Al-Qassam vẫn có thể tiếp tục cuộc chiến chống lại quân đội chiếm đóng của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái”.

Cuộc chiến của Israel được phát động sau cuộc đột kích của Hamas vào miền nam Israel hôm 7/10 năm ngoái khiến hơn 250 người bị bắt làm con tin và khoảng 1.200 người thiệt mạng, theo thống kê của Israel, trong một ngày thiệt hại nhân mạng tồi tệ nhất trong lịch sử Israel.

Theo cơ quan y tế Gaza, chiến dịch của Israel là chiến dịch đẫm máu nhất từ trước đến nay đối với người Palestine, với hơn 33.000 người thiệt mạng cho đến nay.

Hơn 250 binh sĩ Israel đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ và gần 350 lính thiệt mạng hôm 7/10/2023.

Các con số thương vong của người Palestine thường không phân biệt giữa chiến binh Hamas và dân thường, và Israel cho biết hơn 10.000 chiến binh Hamas đã thiệt mạng, một con số chưa được các phần tử hiếu chiến Hamas xác nhận. Nhưng hơn một phần ba số người chết là trẻ em, theo số liệu của Liên hiệp quốc.

Quy mô thương vong đã gây ra cảnh báo toàn cầu ngày càng tăng và yêu cầu dừng lại nhưng đối với người dân ở Gaza, sự chờ đợi vẫn tiếp tục.

Ông Um Nasser Dahman ở Gaza nói: “Tôi tin rằng mọi thứ đều kết thúc, chiến tranh sẽ kết thúc”. “Nhưng chừng nào?”


*************
voatiengviet.com

Hà Nội phạt một cựu quân nhân 5 năm tù vì làm nổ tượng Lenin

VOA Tiếng Việt

Một tòa án ở Hà Nội vừa tuyên phạt 5 năm tù đối với một cựu quân nhân đã chế tạo vật liệu nổ làm hư hỏng tượng đài Lenin với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 3/4, Tòa án Nhân dân Hà Nội xét xử và tuyên phạt mức án tù kể trên đối với ông Nguyễn Chí Dũng, 57 tuổi, một cựu quân nhân thuộc lĩnh vực rà phá bom mìn, truyền thông trong nước đưa tin. Tuy nhiên, các tờ báo trong nước không nêu rõ ông từng công tác ở đơn vị quân đội nào và vào thời gian ra sao.

Hồi tháng 6/2023, nhờ có kiến thức về chế tạo quả nổ, ông Dũng nảy sinh ý định tự tạo thiết bị này và cho phát nổ tại khu vực tượng đài Lenin thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, “với mục đích gây sự chú ý của dư luận”, trang VietnamNet tường thuật.

Trang này cho biết vào sáng sớm ngày 9/8/2023, thiết bị của ông Dũng chế tạo phát nổ “tạo thành tiếng động lớn, làm hư hỏng, rách phần chân, đế của tượng đài Lenin”, và đến ngày hôm sau thì ông bị bắt.

Tượng Lenin tại Vườn hoa Lenin, khánh thành vào năm 1985, làm bằng đồng cao 5,2m do chính phủ Liên Xô tặng chính quyền Việt Nam “để ghi nhớ học thuyết của Lenin đã mở ra con đường cho cách mạng Việt Nam”, theo báo Hà Nội Mới.

Từ trước đến nay, chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản cai trị không dung thứ đối với các hành động phỉ báng lãnh tụ cộng sản hay xúc phạm, hủy hoại các tượng đài của các lãnh tụ của chế độ, mặc dù trên thế giới nhiều bức tượng Lenin ở các nước thuộc Liên Xô cũ bị giật đổ kể từ khi khối này tan rã vào năm 1991.

Hồi tháng trước, như VOA đã đưa tin, công an tỉnh Lâm Đồng bắt giam ông Hoàng Việt Khánh, cáo buộc rằng ông sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết, hình ảnh “bôi nhọ” Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền và “xúc phạm” ông Hồ Chí Minh, người sáng lập ra đảng này.
***********

Philippines tổ chức tập trận hải quân chung với Mỹ, Nhật, Úc ở Biển Đông

AFP

Philippines sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ, Nhật và Úc, giữa lúc bốn nước tăng cường quan hệ quân sự nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai nguồn tin ngoại giao cho AFP biết hôm 4/4.

Cuộc tập trận sẽ được tổ chức vào ngày 7/4 tại Biển Đông tranh chấp– nơi mà Bắc Kinh gần như tuyên bố chủ quyền hoàn toàn – vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên với các nhà lãnh đạo Philippines và Nhật Bản.

Các nguồn tin ngoại giao chia sẻ thông tin với điều kiện giấu tên vì cuộc tập trận vẫn chưa được công bố chính thức.

Đầu tuần này, tàu chiến HMAS Warramunga của Úc đã đến tỉnh đảo Palawan của Philippines, địa điểm vốn đối diện Biển Đông.

Quân đội Philippines nói chuyến thăm này “nhằm tăng cường quan hệ quân sự với các quốc gia đối tác”.

Căng thẳng khu vực đã leo thang trong năm qua khi Trung Quốc ngày càng tự tin khẳng định các yêu sách của mình đối với các vùng biển mà Philippines và Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và đối với hòn đảo tự trị Đài Loan.

Để đáp lại, Mỹ đã tìm cách tăng cường liên minh trong khu vực, bao gồm cả với các đồng minh hiệp ước Nhật Bản và Philippines.

Hội nghị thượng đỉnh dự kiến vào ngày 11 tháng 4 của ông Biden với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tòa Bạch Ốc sẽ là hội nghị mới nhất trong một loạt cuộc gặp với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Biden cũng sẽ tổ chức các cuộc gặp song phương riêng với ông Marcos và ông Kishida.

Một nguồn tin ngoại giao nói với AFP rằng các cuộc tuần tra chung giữa lực lượng tuần duyên Mỹ, Nhật Bản và Philippines dự kiến sẽ được công bố trong hội nghị thượng đỉnh, sau khi cuộc tập trận chung lần đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái.

‘Sắt đá’

Cuộc tập trận và hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau các cuộc đối đầu liên tục giữa các tàu Trung Quốc và Philippines gần các rạn san hô tranh chấp ngoài khơi Philippines trong những tháng gần đây.

Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã nhiều lần tuyên bố cam kết “sắt đá” của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines trước một cuộc tấn công vũ trang ở Biển Đông.

Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã xấu đi dưới thời ông Marcos, người có lập trường mạnh mẽ hơn người tiền nhiệm Rodrigo Duterte trước các hành động của Trung Quốc trên biển.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn hải lộ này, nơi hàng nghìn tỷ đô la thương mại đi qua hàng năm, bất chấp tuyên bố của các quốc gia khác và bất chấp phán quyết quốc tế rằng tuyên bố của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.

Ông Marcos đã đưa ra một tuyên bố có lời lẽ mạnh mẽ vào ngày 28/3, cam kết Philippines sẽ không bị Trung Quốc “làm cho im lặng, khuất phục hoặc vâng lời”.

Ông cũng nói Philippines sẽ phản ứng với các sự kiện gần đây bằng các biện pháp đối phó “tương xứng, có chủ ý và hợp lý”.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Philippines và Nhật Bản về một hiệp ước quốc phòng cho phép hai bên triển khai quân trên lãnh thổ của nhau “đang diễn ra”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines nói với các phóng viên hôm 4/4.

Manila đã có thỏa thuận tương tự với Úc và Mỹ.


***********
voatiengviet.com

Mỹ: Bất đồng trong đảng Cộng hòa ở Hạ viện khiến viện trợ cho Ukraine trì trệ thêm

Reuters

Cuộc đấu đá giữa các đảng viên Cộng hòa kiểm soát Hạ viện Hoa Kỳ và mối đe dọa lật đổ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson áp lực ông phải trì hoãn thêm hành động đối với dự luật viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh quan trọng khác.

Với việc Kyiv đang thiếu đạn dược trong cuộc chiến chống Nga xâm lược, các đồng minh của Ukraine trong Đảng Cộng hòa ở Washington hy vọng sẽ thấy ông Johnson công bố một gói viện trợ có thể nhanh chóng được thông qua Hạ viện và Thượng viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo, và đến bàn làm việc của Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden sau khi các nhà lập pháp sẽ họp lại vào ngày 9/4 sau hai tuần nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, các đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn đang yêu cầu các điều khoản về an ninh biên giới Mỹ và cắt giảm chi tiêu để bù đắp viện trợ cho các đồng minh của Mỹ. Và họ muốn ông Johnson trì hoãn cho đến khi có được văn kiện luật được sự ủng hộ từ hầu hết đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện.

Dân biểu Cộng hòa Marjorie Taylor Greene - một đồng minh trung thành của ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, người nhiệt tình phản đối viện trợ cho Ukraine - đã tăng cường những lời lẽ đe dọa về một cuộc biểu quyết loại ông Johnson ra khỏi vị trí Chủ tịch Hạ viện.

“Ông Mike Johnson không làm việc cho Đảng Cộng hòa, ông không giúp Đảng Cộng hòa, ông ấy thậm chí không lắng nghe đảng viên Cộng hòa,” bà Greene nói trên X. “Chúng tôi cần một Chủ tịch Hạ viện mới!”

Ông Johnson nói với Reuters: “Tôi tôn trọng bà Marjorie… Đôi khi chúng tôi thực sự có những khác biệt về chiến lược nhưng có chung niềm tin bảo thủ”.

Gần hai tháng đã trôi qua kể từ khi Thượng viện thông qua gói viện trợ trị giá 95 tỷ đô la cho Ukraine, Israel, và cho các đồng minh khác trong cuộc biểu quyết 70-29 của lưỡng đảng. Cho đến nay, ông Johnson vẫn từ chối đưa dự luật đó ra Hạ viện để biểu quyết, điều mà một số nhà lập pháp cho rằng có thể sẽ đảm bảo đủ số phiếu để thông qua bất chấp sự phản đối của một số đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn cũng như mối lo ngại ngày càng tăng của đảng Dân chủ trong việc cung cấp thêm tiền cho Israel trong cuộc chiến chống lại Hamas ở Gaza.

Chiến lược gia thuộc đảng Cộng hòa Ron Bonjean, cựu phụ tá cấp cao của Hạ viện, nói: “Điều này có thể bị trì hoãn”, đồng thời cho biết thêm ông sẽ không ngạc nhiên nếu các cuộc đàm phán kéo dài đến đầu tháng 7.

Quốc hội dự kiến sẽ còn vài tuần làm việc hiệu quả trước khi các nhà lập pháp chuyển phần lớn sự chú ý sang vận động cho cuộc bầu cử ngày 5 tháng 11 tại Mỹ.

Và họ có những ưu tiên khác, bao gồm cung cấp kinh phí để xây dựng lại cây cầu Francis Scott Key bắc qua cảng Baltimore bị sập và gia hạn quyền cho một trong những chương trình giám sát nội địa gây tranh cãi gắt gao nhất của Mỹ.

Toà Bạch Ốc tin rằng các biện pháp chi tiêu này nhận được sự ủng hộ lớn của lưỡng đảng, nhưng biết rằng ông Johnson cũng phải làm hài lòng các thành viên có đường lối cứng rắn trong cuộc họp kín của mình, theo hai quan chức quen thuộc với các cuộc trò chuyện, những người không muốn nêu tên khi nói về các cuộc thảo luận nội bộ.

Các đảng viên Dân chủ sẽ giải cứu ông Johnson?

Một số đảng viên Dân chủ gợi ý rằng họ có thể bác bỏ đề nghị phế truất ông Johnson, nếu gói viện trợ của Ukraine cung cấp đủ cứu trợ cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries đã công khai đưa ra ý tưởng này.

Có rất ít bằng chứng ủng hộ lời đe dọa lật đổ của bà Greene trong số các đảng viên Cộng hòa.

Hạ viện đã thông qua một dự luật viện trợ nhỏ trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine vào tháng 9 năm ngoái.

Dân biểu Don Bacon cho biết ông tin rằng sự ủng hộ của các đảng viên Cộng hòa đối với hành động nhanh chóng cho gói viện trợ Ukraine đã tăng lên trong những tuần gần đây khi vị thế của Kyiv trở nên tồi tệ hơn vì thiếu sự trợ giúp mới của Mỹ.

“Chúng ta muốn đứng về phía đúng của lịch sử trong vấn đề này,” ông Bacon nói.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn