Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 04 -4 -2024

Thứ Năm, 04 Tháng Tư 20244:36 SA(Xem: 424)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 04 -4 -2024



HoaLuc 5

*************

Đối thoại về chống khủng bố: Pháp, Nga vẫn bất đồng sâu sắc

Thanh Hà

Lần đầu tiên từ tháng 10/2022 bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu điện đàm với đồng cấp Nga Sergei Shoigu vào chiều hôm qua, 03/04/2024. Paris và Matxcơva đưa ra những thông cáo trái ngược về nội dung cuộc trao đổi giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước.

Đăng ngày:

2 phút

France's Minister for the Armed Forces Sebastien Lecornu leaves after the weekly cabinet meeting the presidential Elysee Palace in Paris on March 6, 2024.
Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu sau cuộc họp nội các tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 06/03/2024. © Stéphane de Sakutin / Reuters

Theo thông cáo của bộ Quân Lực Pháp, trong cuộc trao đổi với đồng cấp Nga, ông Lecornu đã tuyên bố « để ngỏ khả năng mở rộng những trao đổi » với phía Matxcơva trong nỗ lực chống khủng bố. Song « không có bất kỳ thông tin nào cho thấy vụ tấn công khủng bố tại Matxcơva có liên quan đến Ukraina ». Ngoài ra, Pháp yêu cầu Nga ngừng khai thác vụ khủng bố này để tuyên truyền hay biện minh cho cuộc xâm lược Ukraina. Paris vẫn mạnh mẽ lên án Matxcơva tiến hành cuộc chiến tại Ukraina.

Thế nhưng, trong thông cáo về cuộc điện đàm kéo dài một tiếng đồng hồ với bộ trưởng Quân Lực Pháp, bộ Quốc Phòng Nga cắt đứt mọi khả năng đối thoại song phương.

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri từ Matxcơva tường thuật :

Ngay từ những câu chữ đầu tiên trong thông cáo, bộ Quốc Phòng đã có giọng điệu rất cứng rắn. Cuộc đối thoại, xin trích, chính là do « phía Pháp đã khẩn khoản yêu cầu ». Tài liệu ghi nhận Pháp gửi lời chia buồn đến các nạn nhân vụ tấn công vào nhà hát Crocus City Hall nhưng phía Nga vẫn giữ lập trường  về nguyên nhân dẫn tới sự việc, có nghĩa là quy trách nhiệm cho Ukraina và phương Tây.

Ông Sergei Shoigu viết : « Chính quyền Kiev không làm bất kỳ điều gì mà không được các ông chủ phương Tây của họ cho phép ». Luận điểm này đã được các giới chức Nga nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thế nhưng bộ trưởng Quốc Phòng Nga viết thêm: « Hy vọng rằng tình báo Pháp không liên quan gì đến vụ khủng bồ này ». Thông cáo của phía Matxcơva nhắc lại việc tổng thống Macron nêu lên khả năng điều quân quốc tế sang Ukraina. Nga đe dọa nếu kịch bản đó thành hiện thực thì « Pháp sẽ gặp vấn đề ». Tuy chỉ nói một cách chung chung, nhưng lời lẽ này đầy tính đe dọa. Đương nhiên là bộ Quốc Phòng Nga tuyệt đối không đả động đến đề nghị của Pháp mở rộng hợp tác chống khủng bố ».


************
rfi.fr

Khối NATO sẽ trực tiếp hỗ trợ Ukraina

Thu Hằng

Ngày 04/04/2024, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO kỷ niệm  75 năm thành lập trong bối cảnh chiến tranh trở lại châu Âu. Trong bài diễn văn đọc trước 32 ngoại trưởng của liên minh ở Bruxelles (Bỉ), tổng thư ký Jens Stoltenberg khẳng định châu Âu và Bắc Mỹ cần nhau trong NATO, nhờ đó mà hai bên đều « mạnh hơn và được an toàn hơn ».

Đăng ngày:

2 phút

Ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh « châu Âu cần châu Mỹ để bảo đảm an ninh »« đồng thời Bắc Mỹ cũng cần châu Âu » về đóng góp quân sự, mạng lưới tình báo và sức mạnh ngoại giao. Ông lưu ý « với NATO, Hoa Kỳ có nhiều bạn hữu và đồng minh hơn so với bất kỳ cường quốc nào ».

Theo AFP, lãnh đạo NATO đưa ra những phát biểu trên trong bối cảnh châu Âu quan ngại về khả năng cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Cũng vì lý do này, ngày 03/04, NATO quyết định trực tiếp hỗ trợ Ukraina thông qua Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraina, còn được gọi là « Nhóm Ramstein », từ giờ sẽ được các đồng minh cùng nhau điều hành, thay vì chỉ riêng Washington như cho đến nay.

Thông tín viên RFI Pierre Bénazet tại Bruxelles giải thích :

Sáng thứ Năm (04/04), buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, còn được gọi là Hiệp ước Washington, được tổ chức tại trụ sở ở Bruxelles. Theo tổng thư ký Jens Stoltenberg, chiến tranh ở Ukraina đã kéo liên minh vào cuộc đối đầu xa xưa với Nga. Đó là lý do để các nước đồng minh NATO quyết định chuẩn bị tiếp quản Nhóm Ramstein để yểm trợ cho Ukraina.

Ông Jens Stoltenberg phát biểu : « Vào lúc chúng ta kỷ niệm những thành quả của NATO trong 75 năm qua, chúng ta không được ngủ quên trên những thành tựu đó. Hiện giờ, châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc chiến quy mô lớn mà chúng ta vẫn nghĩ đã vùi trong lịch sử. Vì vậy, tăng cường vai trò của NATO về mặt điều phối và hỗ trợ là cách để chấm dứt cuộc chiến này và để Ukraina giành chiến thắng. 99% hỗ trợ cho Ukraina đến từ các nước đồng minh NATO nhưng cần phải đặt sự yểm trợ này trong một cơ chế vững chắc hơn để bảo đảm cho khả năng dự đoán và can thiệp lâu dài ».

Khi chiến tranh Ukraina mới nổ ra, các nước đồng minh đã không muốn giao cho NATO nhiệm vụ hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Ukraina vì sợ kích động leo thang từ phía Nga. Từ giờ, NATO đi theo hướng đối đầu .


*************
voatiengviet.com

Quan chức Mỹ: Hiệp ước AUKUS có thể ngăn hành động của Trung Quốc với Đài Loan

Reuters

Nhà ngoại giao số 2 của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/4 cho rằng dự án tàu ngầm AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ có thể giúp ngăn chặn bất kỳ động thái nào của Trung Quốc chống lại Đài Loan.

Dự án này được ba nước công bố vào năm 2023, liên quan đến việc Úc mua các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân như một phần trong nỗ lực của các đồng minh nhằm đẩy lùi sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nhưng ba nước không muốn công khai liên kết AUKUS với căng thẳng ngày càng gia tăng đối với Đài Loan, hòn đảo được quản lý dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình. Australia cho biết họ không hứa hỗ trợ Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào ở Đài Loan.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã đưa ra mối liên hệ hiếm hoi giữa Đài Loan và AUKUS, khi phát biểu trước Trung tâm An ninh Mỹ Mới của Washington rằng khả năng của tàu ngầm mới sẽ tăng cường hòa bình và ổn định, bao gồm cả ở eo biển ngăn cách Trung Quốc và Đài Loan.

Khả năng tàu ngầm của AUKUS “có ý nghĩa to lớn trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả tình huống xuyên eo biển”, ông Campbell nói.

Ông nói thêm: “Tôi cho rằng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác, không chỉ về mặt ngoại giao mà cả về mặt quốc phòng, sẽ mang lại kết quả là củng cố hòa bình và ổn định nói chung”.

Trung Quốc gọi hiệp ước AUKUS là nguy hiểm và cảnh báo nó có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh ở châu Á, bao gồm Nhật Bản và Philippines, trong bối cảnh Trung Quốc đang xây dựng quân đội và sự quyết đoán về lãnh thổ ngày càng tăng của nước này.

Ông Biden sẽ đón Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Washington vào ngày 11 tháng 4, và gặp ông Kishida trong hội nghị thượng đỉnh song phương một ngày trước đó.

Ông Campbell cho biết các cuộc gặp sẽ đánh dấu sự “hiện đại hóa to lớn” mối quan hệ Mỹ-Nhật và sự gắn kết nhiều hơn giữa ba nước, bao gồm cả vấn đề Biển Đông, nơi Washington chỉ trích việc lực lượng tuần duyên Trung Quốc sử dụng vòi rồng vào các tàu Philippines gần vùng tranh chấp Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas).

Ông Campbell nói: “Sẽ có sự tham gia ba bên chưa từng có… bạn sẽ thấy các cam kết của cả ba quốc gia liên quan đến sự phối hợp và can dự chặt chẽ hơn ở Biển Đông và các nơi khác”.

Ông cho biết điều đó sẽ bao gồm các bước cho phép Mỹ và Nhật cùng phát triển thiết bị quân sự.

Chính phủ Mỹ đánh giá rằng Trung Quốc đã giúp Moscow “trang bị lại” và Nga “gần như xây dựng lại hoàn toàn về mặt quân sự” sau những thất bại ban đầu trong cuộc chiến Ukraine, ông Campbell nói.


**********

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

3 phút

(AFP) – Động đất chưa từng có ở Đài Loan từ 25 năm nay : Ít nhất 7 người chết, hơn 700 người bị thương. Động đất 7,2 độ Richter, ở độ sâu 15 km, ngoài khơi đảo Đài Loan hôm nay khiến nhiều tòa nhà cao tầng sụp đổ. Hiện tại, ít nhất 77 người còn bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

(Reuters) – Tổng thống tân cử Indonesia thăm Nhật ngay sau khi đi Trung Quốc. Hôm nay, 03/04/2024, tổng thống tân cử Indonesia Prabowo hội kiến với thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Tokyo. Tổng thống tân cử Indonesia tuyên bố muốn siết chặt hợp tác kinh tế và an ninh với Nhật. Trung Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia mà ông Prabowo chọn đến trong chuyến ra nước ngoài đầu tiên sau khi đắc cử.

(AFP) – Tòa Bảo hiến Thái Lan thụ lý yêu cầu giải tán đảng đối lập chính Move Forward. Hôm nay, 03/04/2024, Tòa Bảo hiếnchấp nhận yêu cầu giải táng đảng đối lập của Ủy ban bầu cử, với cáo buộc đảng Move Forward nỗ lực nhằm lật đổ nhà nước với đòi hỏi cải cách luật khi quân, bộ luật trừng phạt khắc nghiệt các chỉ trích nhắm vào vua và hoàng gia Thái Lan.  Ở Thái Lan, nơi vua Maha Vajirusongkorn được coi gần như thần thánh, việc đảng Move Forward công khai chủ trương cải cách luật liên quan đến chủ đề cấm kỵ này, có thể dẫn đến việc người chủ trương bị buộc tội khi quân.

(SCMP) - Biển Đông : Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc tập trận vào Chủ nhật để "kiềm chế" Trung Quốc. Các nguồn tin chính phủ, hôm qua 02/04/2024, thông báo hải quân Nhật Bản, Mỹ, Úc và Philippines dự kiến tổ chức một cuộc tập trận chung vào 07/04 tới ngoài khơi đảo Palawan của Philippines ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trong khu vực. Đây sẽ là cuộc tập trận đầu tiên có sự tham gia của 4 nước nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng của họ, huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm…

(AFP) - Việt Nam : 4 người chết trong vụ nổ mỏ than. Truyền thông Nhà nước, hôm nay 03/04/2024, đưa tin vụ tai nạn nói trên xảy ra ở Quảng Ninh, miền đông bắc đất nước. Vụ tai nạn khiến 4 thợ mỏ hít phải khói độc thiệt mạng và 7 công nhân khác bị thương. Theo báo Công an Nhân dân, đám cháy đã được khống chế.

(AFP) - Gaza : Thủ tướng Netanyahou bị người biểu tình Israel coi là "kẻ phản bội" . Gia đình của các con tin Israel bị tổ chức Hamas giam cầm ở dải Gaza, hôm qua 02/04/2024, đã lên án thủ tướng Benyamin Netanyahou là "kẻ phản bội" trong đêm biểu tình rầm rộ thứ tư liên tiếp, với việc người dân bày tỏ sự phẫn nộ trước cách xử lý cuộc chiến chống Hamas của ông Netanyahou. Hàng nghìn người tụ tập trước tòa nhà Quốc Hội Israel, trong đó có cựu thủ tướng Ehud Barak, cáo buộc ông Netanyahou về "thảm họa" ngày 07/10/2023 và yêu cầu chính quyền tổ chức bầu cử lại. 

(AFP) - Taylor Swift gia nhập CLB tỉ phú. Theo bảng xếp hạng được tạp chí Forbes đăng ngày 02/04/2024, nữ ca sĩ Mỹ sở hữu 1,1 tỉ đô la sau năm 2023 thành công đặc biệt và trở thành nghệ sĩ đầu tiên - cả nam và nữ - có khối tài sản đạt 10 con số chỉ trong hoạt động âm nhạc. Chỉ trong một năm, tài sản của Taylor Swift đã tăng 360 triệu đô la nhờ tour lưu diễn vòng quanh thế giới The Eras Tour với 152 ngày biểu diễn kín chỗ với giá vé cao. 

(AFP) - Cụ ông già nhất thế giới qua đời, thọ 114 tuổi. Cụ Juan Vicente Pérez Mora, người Venezuela, được ghi vào sách kỷ lục thế giới Guinness năm 2022, "về cõi vĩnh hằng" ngày 02/03/2024, theo thông báo trên mạng X của tổng thống Nicolas Maduro. Người nông dân sinh ngày 27/05/1909 ở El Cobre, bang Táchira (phía tây), có 11 con, đến năm 2022 có 41 cháu, 18 chắt và 12 chút.


***********

Đài Loan từ chối hỗ trợ của Trung Quốc sau động đất, chưa phản hồi Mỹ

Ngay sau động đất, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ hòn đảo nhưng Đài Loan đã từ chối bằng một tuyên bố ngắn gọn.

Một tòa nhà bị nghiêng sau động đất ở Hoa Liên, Đài Loan - Ảnh: AFP

Một tòa nhà bị nghiêng sau động đất ở Hoa Liên, Đài Loan - Ảnh: AFP

Theo báo SCMP, Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục (MAC) của Đài Loan đã tuyên bố rất ngắn gọn rằng họ không cần giúp đỡ.

"Chúng tôi nhận thấy rằng Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về trận động đất ở ngoài khơi Hoa Liên sáng nay. Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của họ, nhưng đại lục không cần thiết phải hỗ trợ chúng tôi trong việc cứu trợ thiên tai", Hội đồng phụ trách các vấn đề đại lục của Đài Loan cho hay.

Trong khi đó, Mỹ cho biết họ "sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết" cho Đài Loan sau trận động đất.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết thêm: "Chúng tôi đang theo dõi các báo cáo về trận động đất và theo dõi tác động tiềm tàng đối với Nhật Bản".

Hiện Đài Loan chưa lên tiếng về đề nghị giúp đỡ từ phía Mỹ.

Tính tới tối 3-4, trận động đất có cường độ 7,2 độ đã khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 930 người bị thương ở Đài Loan.

Tâm chấn của trận động đất nằm cách huyện Hoa Liên khoảng 25km về phía Nam và cách thành phố Đài Bắc 138km. Toàn bộ hòn đảo đều cảm nhận được cú sốc mạnh, khiến nhiều tòa nhà đổ sập.

Cảnh báo sóng thần đã được ban hành tại Đài Loan cũng như ở Trung Quốc đại lục và các khu vực lân cận, nhưng đã nhanh chóng được gỡ bỏ.

Các đoạn phim do truyền thông địa phương đăng tải cho thấy cảnh tượng kinh hoàng khi các tòa nhà rung lắc mạnh rồi đổ sập xuống đất trong khi người dân hoảng loạn bỏ chạy. Ngoài 9 người thiệt mạng, ít nhất 56 người vẫn đang mắc kẹt trong đống đổ nát.

Theo Nikkei Asia, trận động đất đã ảnh hưởng tới ngành công nghiệp bán dẫn quan trọng của Đài Loan. Tập đoàn TSMC đã phải sơ tán các nhà máy và đóng cửa một phần dây chuyền sản xuất để phòng ngừa.

TSMC cho biết tất cả nhân viên đều an toàn, một số đã trở lại làm việc và các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy không có hư hại nghiêm trọng.


***********
rfi.fr

Viện trợ quân sự cho Ukraina: NATO bàn lập quỹ 100 tỉ euro

Trọng Thành

Các ngoại trưởng thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp tại Bruxelles, Bỉ, trong hai ngày 03/04 và 04/04/2024, nhân dịp kỉ niệm 75 năm thành lập khối. Một nội dung chính của hội nghị là xem xét lập quỹ 100 tỉ euro viện trợ quân sự cho Ukraina. Cho đến nay, NATO không trực tiếp viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev, do lo ngại căng thẳng bùng phát với Nga.

Đăng ngày:

2 phút

Sáng kiến lập quỹ 100 tỉ euro nói trên, được tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất, có mục tiêu huy động các nguồn lực nhằm hỗ trợ quân sự ‘‘mạnh mẽ hơn, ổn định và dài hạn’’ cho Ukraina, theo một giới chức NATO.

Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao cho hay, theo sáng kiến này, NATO sẽ có thể đảm đương một số nhiệm vụ của Nhóm Tiếp xúc Quốc phòng Ukraina, tập hợp hơn 50 quốc gia đồng minh, đối tác của Kiev. Nhóm Tiếp xúc được thành lập tháng 4/2022, chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối các nỗ lực hậu thuẫn Kiev về quân sự.

Chủ trương lập quỹ 100 tỉ euro, do NATO điều phối, được xem như một biện pháp chuẩn bị cho khả năng Mỹ thay đổi chính sách với Ukraina, đặc biệt nếu Donald Trump đắc cử tổng thống. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao ẩn danh cho biết ‘‘sẽ không có một quyết định nào được đưa ra trong các cuộc họp cấp bộ vào tháng Tư này, các thảo luận sẽ tiếp tục cho đến thượng đỉnh NATO tại Washington vào tháng 7/2024.’’ Quyết định của NATO cần phải được tất cả 32 thành viên chấp thuận. 

Theo AFP, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong cuộc họp báo với đồng cấp Pháp Stéphane Séjourné tại Paris ngày hôm qua, 02/04, tuyên bố, thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO sẽ là dịp để ‘‘xác định một cách cụ thể và rõ ràng’’ lộ trình gia nhập khối của Ukraina.

Cho đến nay, NATO thường nhấn mạnh là Ukraina sẽ gia nhập NATO trong tương lai, nhưng Kiev chỉ có thể được kết nạp một khi chiến tranh kết thúc.


***********
rfi.fr

Hai lãnh đạo Mỹ, Trung điện đàm: Xử lý ‘‘có trách nhiệm’’ các tranh chấp là trọng tâm

Trọng Thành

Hôm qua, 02/04/2024, lần đầu tiên kể từ thượng đỉnh tháng 11/2023, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm. Cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ đồng hồ là dịp để hai bên điểm lại một số lĩnh vực hợp tác song phương hiếm hoi, và đặc biệt là tìm cách xử lý các cạnh tranh ‘‘một cách có trách nhiệm’’, tránh để xung đột bùng phát.

Đăng ngày:

4 phút

Hoa Kỳ kêu gọi ‘‘hòa bình và ổn định’’ tại eo biển Đài Loan, trong lúc Trung Quốc coi việc ủng hộ Đài Loan ‘‘độc lập’’ là điều không thể chấp nhận được, ‘‘lằn ranh đỏ quan trọng nhất’’ trong quan hệ Mỹ - Trung. Ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ tân tiến đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ, các hoạt động Trung Quốc đe dọa ‘‘quyền tự do hàng hải ở Biển Đông’’ cũng như việc Bắc Kinh tăng cường hỗ trợ ‘‘cỗ máy chiến tranh Nga’’, là các hồ sơ nóng khác.

Thông tín viên Guillaume Naudin từ Washington cho biết thêm chi tiết:

“Đối thoại thẳng thắn và mang tính xây dựng” là cách các nhà ngoại giao dùng để mô tả về những cuộc họp mà ở đó các đồng thuận thừa nhận về những bất đồng. Cuộc điện đàm kéo dài gần hai tiếng đồng hồ giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Trung Quốc đã diễn ra trên tinh thần đó.

Đây là cuộc điện đàm đầu tiên kể từ cuộc thượng đỉnh tháng 11 năm ngoái, gần San Francisco, với kết quả là hai bên cam kết duy trì liên lạc và quản lý một cách có trách nhiệm các cạnh tranh. Trước cuộc thượng đỉnh tháng 11 nói trên, đây không phải là điều luôn diễn ra, đặc biệt là các liên lạc giữa giới quân sự hai nước trước đó đã bị gián đoạn trong một thời gian dài. 

Trong cuộc điện đàm hôm qua, hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden đã điểm lại các lĩnh vực hợp tác song phương hiếm hoi trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy, chống biến đổi khí hậu, những rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo và việc duy trì các đường dây liên lạc.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và ngoại trưởng Anthony Blinken sẽ sớm đến Trung Quốc. Họ sẽ có thể thảo luận với phía Trung Quốc về tất cả những gì mà Washington đang chỉ trích Bắc Kinh, như các hoạt động thương mại bị coi là ‘‘bất chính’’, áp lực của Bắc Kinh đối với Đài Loan, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ngày càng trở thành mối đe dọa đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, các nỗ lực can thiệp vào năm bầu cử Mỹ đang diễn ra, việc Trung Quốc hậu thuẫn cỗ máy chiến tranh của Nga ở Ukraina, và những nỗ lực nhằm chiếm lĩnh các công nghệ tiên tiến mà Hoa Kỳ đang làm mọi cách để ngăn chặn. 

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Janet Yellen tới Trung Quốc ngày mai, 04/04, lần thứ hai kể từ 8 tháng nay. Theo AFP, trong chuyến công du kéo dài đến ngày 09/04, lãnh đạo bộ Tài Chính Mỹ dự kiến sẽ tập trung thảo luận với phía Trung Quốc về ‘‘các hậu quả đối với nền kinh tế toàn cầu của việc Trung Quốc sản xuất hàng hóa quá mức cần thiết’’, cũng như giá cả hàng hóa quá thấp trong các lĩnh vực như xe ô tô điện, bình điện lithium - ion, pin mặt trời, cản trở sự trỗi dậy của công nghiệp Mỹ về các mặt này.

Báo chí Nhà nước Trung Quốc tỏ thái độ thiện cảm với bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen. Nhật báo China Daily, trong một bài viết hồi tuần trước, đặt hy vọng vào chuyến công du của bộ trưởng Tài Chính Mỹ, người vốn được tiếng là ‘‘có lập trường thực tiễn và cởi mở’’, và được nhiều đối tác Trung Quốc tin cậy. Tuy nhiên, theo chuyên gia Patricia Kim, viện Brookings Institution, ít tháng cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội Mỹ, ‘‘cả hai bên đều không dự kiến khởi động các đàm phán và các sáng kiến song phương nào’’.


***********

Tòa Hiến pháp Thái Lan thụ lý vụ kiện yêu cầu giải tán đảng đối lập

Reuters

Tòa Hiến pháp Thái Lan hôm 3/4 đã thụ lý vụ kiện yêu cầu giải tán Đảng Tiến bước đối lập, và đây được coi là một đòn khác giáng vào phong trào chống chính quyền nhằm thúc đẩy các cải cách thể chế lớn ở nước này.

Tòa án đã đồng ý tiếp nhận đơn khiếu nại của ủy ban bầu cử, yêu cầu giải tán Đảng Tiến bước vì chiến dịch gây tranh cãi nhằm cải cách luật bảo vệ chế độ quân chủ đầy quyền lực khỏi bị chỉ trích, vốn khiến ít nhất 260 người đã bị truy tố trong vài năm qua.

Động thái này diễn ra sau phán quyết vào tháng 1 của tòa án trên, nói rằng kế hoạch sửa đổi luật của Đảng Tiến bước vi hiến và giống với một nỗ lực nhằm lật đổ hệ thống chính quyền với nhà vua là nguyên thủ quốc gia.

Đảng Tiến bước đã bác bỏ rằng đó không phải là ý định của đảng này. Người phát ngôn Parit Wacharasindhu hôm 3/4 cho biết sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.

Đảng này đã đạt được thành tích đáng kinh ngạc khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái nhưng đã bị các nhà lập pháp liên minh với quân đội bảo hoàng ngăn cản thành lập chính phủ.

Cương lĩnh tiến bộ của đảng này đã gây được tiếng vang trong giới cử tri trẻ và thành thị, bao gồm cả kế hoạch sửa đổi luật bảo vệ nhà vua, vốn có hình phạt lên tới 15 năm tù cho mỗi hành vi xúc phạm hoàng gia.


***********
voatiengviet.com

Một phụ nữ ở California tử vong sau khi dùng thuốc bôi trị trĩ gửi sang từ Việt Nam

VOA Tiếng Việt

Các giới chức y tế bang California, Hoa Kỳ, hôm thứ Ba đưa ra cảnh báo người tiêu dùng sau khi một phụ nữ địa phương sử dụng thuốc mỡ trị trĩ từ Việt Nam gửi sang và đã tử vong vì ngộ độc chì.

Thông cáo báo chí của quận Sacramento cho biết một phụ nữ địa phương đã bị nhiễm độc chì “nghiêm trọng” và qua đời vào tháng 3 sau khi sử dụng thuốc trị trĩ có tên là Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu.

Hình ảnh được các quan chức chia sẻ cho thấy hộp thuốc có nhãn màu xanh lá cây và thuốc bôi bên trong có màu xanh đậm.

Tin cho hay nạn nhân đã mua loại thuốc mỡ này trên Facebook và được một người họ hàng sống ở Việt Nam gửi sang Mỹ.

Theo các giới chức y tế Quận Sacramento, Bộ Y tế Công cộng California đã thử nghiệm một mẫu thuốc bôi này và phát hiện ra nó có chứa 4% chì, là “mức độ nguy hiểm”.

Người dân ở bang California được yêu cầu ngừng sử dụng loại thuốc mỡ bôi trĩ này nếu đang sử dụng và không mua thêm nữa.

Các giới chức y tế Mỹ cho biết bất kỳ lượng chì nhỏ nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Họ khuyến cáo những người đã sử dụng loại cao bôi trĩ trên nên đến gặp bác sĩ và xét nghiệm chì trong máu. Ngoài ra, các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo đi xét nghiệm máu, đặc biệt là trẻ em.

Những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ của ngộ độc chì bao gồm mệt mỏi, khó chịu, thay đổi tâm trạng, khó tập trung, khó ngủ, đau cơ hoặc khớp, buồn nôn, chán ăn, co thắt dạ dày, táo bón, tiêu chảy, nhức đầu, run. Ngộ độc chì nặng có thể gây đau bụng dữ dội, ngứa, nóng rát, tê tay, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Các giới chức y tế Mỹ yêu cầu những người đang trữ loại cao bôi này trong nhà hay bỏ ngay vào túi nhựa đóng kín và gửi đến cơ quan y tế địa phương hoặc email đến toxoutbreak@cdph.ca.gov để được hướng dẫn chi tiết.

Vào đầu năm ngoái, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã ra lệnh thu hồi một loại kem trị chàm sữa phổ biến của Việt Nam có tên Diệp Bảo được bán rộng rãi trên Facebook sau khi hai đứa trẻ ở Mỹ bị phát hiện có lượng chì trong máu cao.


**********

Nga nói lệnh trừng phạt mới của Hàn Quốc 'không thân thiện', sẽ đáp trả

Reuters

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/4 nói rằng Nga coi quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt của Hàn Quốc đối với các cá nhân và tổ chức của Nga là một động thái "không thân thiện" và sẽ đáp trả theo cách thích hợp.

Hàn Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai tàu Nga mà nước này cho rằng chở hàng hóa quân sự tới Triều Tiên. Seoul hôm 2/3 cho biết họ cũng đã trừng phạt hai tổ chức của Nga và hai công dân Nga có liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

"Đây là một động thái không thân thiện của Seoul và vô cùng đáng tiếc. Việc áp đặt - tôi nhấn mạnh - các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ với Nga", bà Zakharova nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hàng tuần.

Bà nói thêm: “Nga đang phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Triều Tiên thân thiện theo các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế mà không gây tổn hại đến an ninh quốc gia của (Hàn Quốc)”.

Mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng đã được tăng cường sau chuyến thăm của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tới vùng Viễn Đông của Nga vào năm ngoái.

Tuần trước, Nga đã phủ quyết việc gia hạn hàng năm đối với một nhóm chuyên gia giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên về các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh có cáo buộc do Mỹ dẫn đầu rằng Triều Tiên đã chuyển vũ khí cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Cả Moscow và Bình Nhưỡng đều phủ nhận cáo buộc nhưng năm ngoái cam kết sẽ tăng cường quan hệ quân sự.


***********

Phần Lan ký thỏa thuận an ninh với Ukraine

Reuters

Tổng thống Phần Lan hôm 3/4 đã ký một thỏa thuận an ninh 10 năm với Ukraine tại Kyiv, nơi Tổng thống Volodymyr Zelenskyy nói ông tin rằng tới tháng Sáu, Nga có kế hoạch huy động 300.000 binh sĩ mới cho cuộc chiến.

Hiệp ước được ký bởi Tổng thống Alexander Stubb và ông Zelenskyy đã đưa Phần Lan trở thành thành viên NATO thứ tám trong năm nay cam kết hợp tác an ninh lâu dài và hỗ trợ quốc phòng cho Kyiv trong khi nước này chiến đấu chống lại lực lượng Nga.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga, đã gia nhập NATO một năm trước.

Ông Stubb nói rằng Phần Lan cũng sẽ gửi 188 triệu euro (203 triệu USD) viện trợ quân sự bổ sung, bao gồm phòng không và đạn dược hạng nặng. Số tiền đó đã nâng tổng đóng góp quốc phòng của Phần Lan lên khoảng 2 tỷ euro trong thời kỳ chiến tranh.

Ông Stubb nói trong một cuộc họp báo chung ở Kyiv: “Chúng tôi không hỗ trợ quân sự này chỉ để Ukraine tự vệ, chúng tôi đang hỗ trợ quân sự này để Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.

Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào các hệ thống phòng không của phương Tây và gần đây phải đối mặt với sự gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga khiến hệ thống năng lượng của nước này bị ảnh hưởng.

Trên chiến trường, Ukraine đang ở thế yếu khi sự hỗ trợ quân sự từ Hoa Kỳ bị đình trệ và quân đội Kyiv thấy mình bị áp đảo bởi một kẻ thù lớn hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn. Nga đã nhích về phía trước.

Mặc dù không đưa ra bằng chứng nào chứng minh cho khẳng định của mình, ông Zelenskyy nói trong cuộc họp báo: “Tôi có thể nói rằng tới ngày 1/6, Nga đang chuẩn bị huy động 300.000 nhân viên quân sự”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 12 phủ nhận rằng Moscow cần phải tiến hành một làn sóng huy động khác, một điều có thể nhạy cảm về mặt chính trị.

Hôm 3/4, Bộ Quốc phòng Nga cho biết rằng hơn 100.000 người đã ký hợp đồng với quân đội kể từ đầu năm, bao gồm khoảng 16.000 người trong 10 ngày sau vụ tấn công chết người vào nhà hát gần Moscow.


**********

Tin thế giới 4-4: Iran tuyên bố Israel sẽ 'bị vả mặt' vì đánh lãnh sự quán

NGUYÊN HẠNH

Trẻ em Palestine chờ nhận thức ăn do một nhà bếp từ thiện nấu tại Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS

Trẻ em Palestine chờ nhận thức ăn do một nhà bếp từ thiện nấu tại Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 5-3 - Ảnh: REUTERS

* Canada muốn điều tra cái chết của nhân viên cứu trợ ở Gaza

Ngày 3-4, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về vụ sát hại các nhân viên cứu trợ ở Dải Gaza, do cuộc không kích của Israel.

Theo Hãng tin Reuters, phát biểu bên lề cuộc họp ngoại trưởng NATO tại Brussels, bà Joly tuyên bố Israel cần tôn trọng luật pháp quốc tế. Bảy nhân viên cứu trợ đã thiệt mạng trong vụ không kích ngày 1-4 của Israel, trong đó có một công dân mang hai quốc tịch Mỹ và Canada.

Tại Toronto, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết các quan chức đã nói chuyện với đại sứ Israel Iddo Moed để bày tỏ "sự thất vọng của chúng tôi trước cái chết không thể chấp nhận được của một nhân viên cứu trợ người Mỹ gốc Canada cùng với những người khác".

* Thủ tướng Tây Ban Nha: Phản ứng của Netanyahu là không đủ

Ngày 3-4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói phản ứng của người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu trước cuộc không kích giết chết 7 nhân viên cứu trợ là "không đủ" và "không thể chấp nhận được".

"Chúng tôi đang chờ đợi chi tiết về nguyên nhân vụ việc được làm rõ hơn, xin lưu ý rằng chính phủ Israel đã biết về hoạt động và hành trình của tổ chức phi chính phủ này trên thực địa ở Dải Gaza", ông Sanchez nói trong cuộc họp báo ở Doha.

"Đối với tôi, điều đó dường như hoàn toàn không thể chấp nhận được, không đủ", ông nói thêm khi được hỏi về những tuyên bố của ông Netanyahu về thảm kịch trên.

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei quan sát trong cuộc họp ở Tehran, Iran, ngày 3-4 - Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei quan sát trong cuộc họp ở Tehran, Iran, ngày 3-4 - Ảnh: REUTERS

* Iran nói Israel sẽ 'bị vả mặt' vì tấn công lãnh sự quán

Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố Israel sẽ "bị vả mặt" sau cuộc không kích vào khu lãnh sự quán Iran ở Damascus khiến 7 vệ binh cách mạng, trong đó có 2 tướng, thiệt mạng.

"Sự thất bại của chế độ theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ở Gaza sẽ tiếp tục và chế độ này sẽ gần suy tàn và tan rã", ông Khamenei nhấn mạnh trong bài phát biểu trước các quan chức ở Tehran hôm 3-4.

Ông Khamenei nói thêm: "Những nỗ lực tuyệt vọng như những gì họ đã thực hiện ở Syria sẽ không cứu họ khỏi thất bại. Tất nhiên, họ cũng sẽ bị trừng phạt vì hành động đó".

* Fatah cáo buộc Iran cố gieo rắc hỗn loạn ở Bờ Tây

Nhóm Fatah, lực lượng kiểm soát của người Palestine ở Bờ Tây, cáo buộc Iran cố gắng gieo rắc hỗn loạn trên lãnh thổ của họ.

Ngày 3-4, Fatah tuyên bố phản đối các hoạt động từ bên ngoài không liên quan gì đến chính nghĩa của người Palestine.

Fatah cũng khẳng định sẽ không cho phép "sự nghiệp thiêng liêng và máu của người dân chúng tôi bị khai thác", cũng như sẽ hành động chống lại bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài nào.

* Đan Mạch sa thải lãnh đạo quốc phòng vì không báo cáo trục trặc hệ thống vũ khí

Ngày 3-4, Đan Mạch sa thải lãnh đạo quốc phòng Flemming Lenfter, sau khi ông này không báo cáo về hệ thống vũ khí bị trục trặc trong cuộc tấn công hồi tháng 3-3024. Lãnh đạo quốc phòng là cố vấn quân sự chính cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Quốc phòng.

Trước đó, trang tin quốc phòng địa phương Olfi đã trích dẫn một báo cáo bí mật của thuyền trưởng một tàu khu trục Đan Mạch được triển khai tới Biển Đỏ, cho biết hệ thống radar và tên lửa của tàu đã bị lỗi trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng Houthi vào ngày 9-3. Vụ tấn công khiến thủy thủ đoàn gồm 175 người gặp nguy hiểm.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen nói trong một cuộc họp báo rằng ông chưa được thông báo chi tiết về vụ việc.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: REUTERS

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Ảnh: REUTERS

* NATO cảnh báo liên minh châu Á của Nga gây ra hậu quả an ninh

Ngày 3-4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sự hỗ trợ quân sự của Triều Tiên và Iran dành cho Nga gây ra những hậu quả an ninh toàn cầu nghiêm trọng mà NATO không thể bỏ qua.

"Những người bạn của Nga ở châu Á rất quan trọng" đối với chiến dịch quân sự của Nga, ông Stoltenberg nói.

Ông Stoltenberg cũng khẳng định Trung Quốc đang "hỗ trợ nền kinh tế chiến tranh của Nga".

"Điều này gây ra hậu quả cho an ninh khu vực và toàn cầu", ông Stoltenberg nói và cho biết thêm rằng các bộ trưởng sẽ thảo luận về cách giải quyết vấn đề.

* Pháp phủ nhận tuyên bố của Nga đối thoại về Ukraine

Một nguồn tin chính phủ Pháp cho biết Pháp không thể hiện bất kỳ sự sẵn sàng đối thoại nào về Ukraine trong cuộc hội đàm giữa bộ trưởng quốc phòng Pháp và Nga vào ngày 3-4.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc đàm phán giữa bộ trưởng hai nước cho thấy "sự sẵn sàng đối thoại về Ukraine".

"Điều đó không đúng", nguồn tin Pháp cho biết sau khi Bộ Quốc phòng Nga đưa ra tuyên bố trên.

Nguồn tin trên cũng cho hay trọng tâm của cuộc gọi do Pháp khởi xướng là để thảo luận về mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng.

Thu hoạch lúa mì

Một nữ nông dân đang cầm trên tay những bó lúa mì vừa thu hoạch trên một cánh đồng làng ở vùng ngoại ô thành phố Ajmer của bang Rajasthan, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Một nữ nông dân đang cầm trên tay những bó lúa mì vừa thu hoạch trên một cánh đồng làng ở vùng ngoại ô thành phố Ajmer của bang Rajasthan, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn