Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 03 -4 -2024

Thứ Tư, 03 Tháng Tư 20243:21 SA(Xem: 963)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 03 -4 -2024
Hoaluc 4
*************

Ukraina hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25

Phan Minh

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, hôm qua 02/04/2024, đã ký phê duyệt dự luật hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 để đáp ứng nhu cầu của quân đội trong cuộc chiến chống Nga. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 03/04.

Đăng ngày:

2 phút

Dự luật này đã được các dân biểu Ukraina bỏ phiếu ủng hộ cách đây một năm và chỉ còn chờ tổng thống Zelensky phê duyệt. Trong 6 tháng tới, chính phủ Ukraina sẽ phải ban hành các văn bản mới về quy định hạ tuổi nhập ngũ.

Chủ đề nhập ngũ đã được tranh luận nhiều tháng ở Ukraina trong bối cảnh quân đội nước này phải chịu nhiều tổn thất, nhưng mức độ thiệt hại vẫn được giữ bí mật.

Tháng 12/2023, Volodymyr Zelensky cho biết quân đội đã đề nghị huy động thêm tới 500.000 người, tuy nhiên, tổng tư lệnh quân đội Ukraina, Oleksandr Syrsky, đã giảm con số này.

Về tình hình chiến sự, quân đội Ukraina, hôm nay, đã nhận trách nhiệm về vụ oanh kích các nhà máy sản xuất vũ khí và lọc dầu tại vùng Tatarstan của Nga. Cuộc tấn công được Kiev tiến hành hôm qua đã khiến 13 người bị thương.

Từ Kiev, thông tín viên Pierre Alonso cho biết thêm chi tiết :

Các drone của Ukraina đã di chuyển hơn 1.000 km trên lãnh thổ Nga trước khi nhắm trúng mục tiêu : một nhà máy sản xuất vũ khí ở thị trấn Yelabuga và một nhà máy lọc dầu ở Nizhnekamsk.

Tình báo quân đội Ukraina, cơ quan thực hiện chiến dịch này, khẳng định nhà máy sản xuất vũ khí nói trên được sử dụng để lắp ráp drone Shahed, vũ khí mà Nga sử dụng hàng ngày để tấn công các thành phố của Ukraina.

Chính quyền Tatarstan phủ nhận mọi thiệt hại nghiêm trọng, nhưng ghi nhận 13 người bị thương.

Nhà máy lọc dầu Nizhnekamsk là một trong năm nhà máy lớn nhất ở Nga. Với việc tấn công nhà máy này, Ukraina thể hiện quyết tâm đánh vào hầu bao của Nga. Tuần trước, cánh tay phải của tổng thống Zelensky đã tố cáo “hàng tỷ đô la lợi nhuận từ dầu mỏ thúc đẩy chủ nghĩa đế quốc của điện Kremlin”.

Bài viết của ông được đăng trên báo chí dường như nhằm đáp lại những phản đối do Washington đưa ra trong các cuộc gặp riêng, vốn lo ngại về tác động của những chiến dịch của Kiev đối với ngành dầu mỏ của Nga gây ảnh hưởng đến giá dầu thế giới.

Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba thông báo người dân Ukraina đã bắt đầu yêu cầu Nga bồi thường thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong 2 năm chiến tranh giữa Kiev và Matxcơva. Yêu cầu bồi thường được gửi tới cơ quan tiếp nhận đơn đòi bồi thường thiệt hại chiến tranh Ukraina, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan.


***********
voatiengviet.com

Các bộ trưởng NATO cân nhắc viện trợ quân sự 100 tỷ euro cho Ukraine

Reuters

Các ngoại trưởng NATO nhóm họp vào ngày 3/4 để thảo luận về cách trợ giúp quân sự cho Ukraine một cách lâu dài, bao gồm đề xuất về quỹ 5 năm trị giá 100 tỷ euro (khoảng 107 tỷ USD), theo Reuters.

Các nhà ngoại giao nói rằng đề xuất của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ làm cho khối liên minh phương Tây có vai trò trực tiếp hơn trong việc điều phối hoạt động cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Các kế hoạch này sẽ được thảo luận trong cuộc họp kéo dài hai ngày tại Brussels nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo liên minh tại Washington vào tháng 7.

Cuộc họp sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc các đồng minh châu Âu của Ukraine sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Kyiv đến mức nào giữa lúc gói viện trợ quân sự cho Ukraine trị giá khoảng 60 tỷ USD vẫn bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ.

Theo kế hoạch này, NATO sẽ đảm nhận một số công việc điều phối từ liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu được gọi là nhóm Ramstein - một động thái được thiết kế một phần để đề phòng bất kỳ sự cắt giảm hỗ trợ nào của Mỹ nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các nhà ngoại giao cho biết.

Cho đến nay, NATO với tư cách là một tổ chức đã tập trung vào viện trợ phi sát thương cho Ukraine vì lo ngại rằng vai trò trực tiếp hơn có thể gây ra căng thẳng leo thang với Nga. Các thành viên của tổ chức này đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD vũ khí trên cơ sở song phương.

Các nhà ngoại giao cho hay ngày càng có quan điểm trong NATO rằng đã đến lúc đặt viện trợ quân sự cho Ukraine trên một nền tảng bền vững hơn và NATO là nơi tốt nhất để làm điều đó.

Một số người nói rằng lời đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc coi các bước đi khác nhau của các đồng minh NATO là sự leo thang - chẳng hạn như cung cấp xe tăng và các hệ thống vũ khí tiên tiến khác - đã không dẫn tới sự trả đũa đối với họ.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người sẽ tham dự cuộc họp ở Brussels, nói tại Paris hôm 2/4 rằng NATO đang xem xét các biện pháp có thể đóng vai trò là “cầu nối cần thiết” để Ukraine trở thành thành viên của liên minh.

NATO tuyên bố rằng Ukraine không thể tham gia khi đang có chiến tranh với Nga nhưng sẽ trở thành thành viên vào một thời điểm nào đó.

Các nhà ngoại giao lưu ý rằng các cuộc thảo luận về đề xuất này vẫn đang ở giai đoạn đầu và chưa rõ liệu con số 100 tỷ euro có được chấp nhận hay nó sẽ được tài trợ như thế nào. Các quyết định của NATO đòi hỏi sự đồng thuận giữa 32 thành viên của liên minh.


***********

Philippines nói đã bàn với Mỹ về hành động ‘uy hiếp, hung hăng’ của Trung Quốc ở Biển Đông

Reuters

Philippines ngày 2/4 loan báo cố vấn an ninh quốc gia của họ và người đồng cấp Mỹ đã thảo luận về “các hành động uy hiếp, hung hăng và bịp bợm” của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong lúc căng thẳng ngoại giao ngày càng gia tăng giữa hai nước láng giềng châu Á.

Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cho biết trong một tuyên bố rằng Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano “bày tỏ sự đánh giá cao đối với việc Hoa Kỳ tiếp tục đảm bảo và tái khẳng định cam kết sắt đá” đối với liên minh Mỹ-Philippines.

Cuộc điện đàm hôm 1/4 diễn ra ngay sau một loạt các vụ va chạm trên biển và khẩu chiến nảy lửa giữa Trung Quốc và Philippines, gây ra lo ngại về sự leo thang trên biển.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tuần trước cho biết sẽ có “biện pháp đối phó” chống lại sự xâm lược của lực lượng tuần duyên Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Philippines phản bội và không giữ lời hứa kéo một tàu hải quân cũ cố tình neo đậu trên bãi cạn tranh chấp. Manila nói chưa từng bao giờ đưa ra cam kết đó.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro nói với người dân Philippines trong một bức thư ngỏ ngày 2/4 rằng “chớ rơi vào cái bẫy do tuyên truyền của Trung Quốc giăng ra”.

Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của họ mà họ kiểm soát bởi một đội tàu tuần duyên, cách đất liền khoảng hơn 1.000 km.

Tranh chấp xảy ra vào thời điểm Philippines và Mỹ đang tăng cường quan hệ quân sự, khiến Trung Quốc bực bội vì coi Washington đang can thiệp vào sân sau của mình.

Philippines khẳng định họ chưa bao giờ đồng ý kéo tàu BRP Sierra Madre đi chỗ khác, vốn được một số binh sĩ canh gác kể từ khi nó neo đậu ở Bãi Cỏ Mây (Bãi cạn Second Thomas) 25 năm trước. Trung Quốc bị cáo buộc ngăn chặn các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines cho những người lính đồn trú trên con tàu đó.

Cựu phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, người tiền nhiệm của ông Ferdinand Marcos Jr, khẳng định đã có “thỏa thuận bất thành văn” không chính thức với Trung Quốc về việc giữ nguyên hiện trạng ở bãi cạn nhưng không kéo tàu đi.

Phát ngôn viên của Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Jonathan Malaya cho biết chính phủ của ông Marcos chưa thấy bất kỳ tài liệu nào ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc về lời hứa của Philippines sẽ di dời con tàu.


*************

Động đất mạnh 7,2 độ richter làm rung chuyển Đài Loan; Nhật ra cảnh báo sóng thần

Reuters

Một trận động đất ngoài khơi Đài Loan với cường độ 7,2 độ richter làm rung chuyển thủ đô Đài Bắc vào sáng ngày 3/4, gây mất điện ở một số khu vực của thành phố, theo Reuters. Trận động đất gần Đài Loan khiến Nhật Bản, Philippines phát cảnh báo sóng thần.

Các đài truyền hình Đài Loan chiếu cảnh một số tòa nhà bị sập ở Hoa Liên, gần tâm chấn trận động đất, và truyền thông đưa tin một số người bị mắc kẹt.

Theo một nhân chứng của Reuters, trận động đất có thể được cảm nhận ở xa tới tận Thượng Hải.

Cơ quan thời tiết trung ương Đài Loan cho biết tâm chấn nằm ngay ngoài khơi hạt Hoa Liên ở miền đông của đảo Đài Loan.

Sau trận động đất ở Đài Loan, chính phủ Nhật Bản đưa ra khuyến cáo sơ tán đối với các khu vực ven biển của tỉnh Okinawa thuộc miền nam, vẫn theo Reuters.

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), sóng thần cao tới 3 mét dự báo sẽ tràn tới các khu vực rộng lớn ở bờ biển phía Tây Nam Nhật Bản.

JMA cho hay một làn sóng cao 30 cm đã ập vào đảo Yonaguni lúc 9h18 sáng giờ địa phương.

Cơ quan Địa chấn Philippines cũng đưa ra cảnh báo với người dân ở khu vực ven biển của một số tỉnh, kêu gọi họ sơ tán đến vùng đất cao hơn.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, trận động đất được cảm nhận thấy ở Phúc Châu, Hạ Môn, Tuyền Châu và Ninh Đức thuộc tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc.

Chính quyền thành phố Đài Bắc chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về thiệt hại và hệ thống tàu điện ngầm của thành phố đã hoạt động trở lại ngay sau đó.

Hãng thông tấn trung ương chính thức của Đài Loan nói rằng trận động đất này là trận động đất lớn nhất xảy ra trên đảo kể từ năm 1999 khi trận động đất mạnh 7,6 độ richter khiến khoảng 2.400 người thiệt mạng.


***********

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(Time) – Đa số người dân ASEAN ủng hộ Trung Quốc hơn Mỹ. Trả lời câu hỏi « nếu buộc phải liên kết với một trong những đối thủ chiến lược thì nên chọn nước nào ? », thì có đến 50,5% trong số 2.000 người được hỏi đã chọn Trung Quốc, và 49,5% là theo Mỹ. Đây là kết quả một khảo sát do Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore thực hiện, được công bố hôm nay, 02/04/2024. Và đây cũng là lần đầu tiên trong năm năm thực hiện khảo sát gần đây, số người ủng hộ Trung Quốc tại 10 nước ASEAN vượt qua Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhận thấy tỷ lệ người dân ủng hộ Trung Quốc tại bảy nước là Brunei, Cam Bốt, Indonesia, Lào, Malaysia, Miến Điện và Thái Lan có xu hướng tăng lên so với năm 2023. Trong khi ở ba nước còn lại là Philippines, Singapore và Việt Nam tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc đã bị giảm.

(AFP) – Indonesia mua tầu ngầm Scorpène của Pháp. Naval Group, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Pháp hôm nay, 02/04/2024, cho biết Indonesia đặt mua hai tầu ngầm Scorpene. Hợp đồng này dựa trên một thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Paris và Jakarta, được đúc kết vào tháng 8/2021. Vào thời điểm này, Indonesia cũng thông báo mua 42 chiến đấu cơ Rafale của Pháp.

(AFP) – Philippines : Nhiệt độ tăng cao, hàng trăm trường học đóng cửa. Sức nóng trên 35°C cùng với hơi ẩm khiến nhiệt độ cảm nhận tại nhiều nơi ở Philippines hôm nay, 02/04/2024, tăng cao, chẳng hạn như ở thủ đô Manila là 42°C. Một cấp độ được cho là « nguy hiểm » theo như Viện Khí tượng Quốc gia. Trước những rủi ro cho sức khỏe, hàng trăm trường học ở Philippines, chủ yếu là đảo chính Luzon, các đảo miền trung, đảo Mindanao và ở Manila buộc phải đóng cửa.

(Reuters) – Tai tiếng đồng hồ Rolex ở Peru, 6 bộ trưởng từ chức. Nữ tổng thống Peru, Dina Boluarte, đang bị nhấn chìm trong vụ tai tiếng đồng hồ Rolex sang trọng của bà hôm qua, 01/04/2024, buộc phải thay 6 bộ trưởng sau khi đột ngột đệ đơn từ chức. Loạt từ nhiệm này, trong đó có bộ trưởng Nội Vụ, đã xảy ra sau thông báo mở điều tra liên quan đến những nghi ngờ làm giầu bất chính của bà Dina Boluarte. Nhiều cuộc lục soát của cảnh sát đã diễn ra tại tư dinh và văn phòng nữ tổng thống nhằm tìm kiếm chứng cớ về xuất xứ của ít nhất ba chiếc đồng hồ Rolex của bà. Vụ việc có nguy cơ gây bất ổn chính trị trong nước. 

(Reuters) – Philippines và Mỹ thảo luận về « các hành động cưỡng bức và hung hãn » của Trung Quốc ở Biển Đông. Thông báo trên được Philippines đưa ra sau cuộc điện đàm ngày hôm qua, 01/04/2024, giữa cố vấn An ninh Quốc gia của nước này, ông Eduardo Ano và người đồng cấp Hoa Kỳ. Phía Philippines đánh giá cao việc Mỹ tái cam kết ủng hộ liên minh giữa hai nước. Cuộc điện đàm diễn ra sau một loạt xung đột hàng hải và căng thẳng ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh tại Biển Đông trong thời gian gần đây.

(Reuters) – Thượng viện Thái Lan thông qua dự luật hôn nhân đồng giới. Dự luật được thông qua hôm nay, 02/04/2024 với số phiếu ủng hộ áp đảo : 147 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Văn bản sẽ được nghiên cứu chi tiết ở cấp tiểu ban, trước khi được bỏ phiếu lần thứ hai và thứ ba vào tháng 7. Nếu như được chấp thuận, bản dự thảo sẽ được trình lên vua Maha Vajiralongkorn trước khi chính thức có hiệu lực. Thái Lan có thể sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và là quốc gia thứ ba tại châu Á, sau Đài Loan và Nepal, cho phép kết hôn đồng giới.

(AFP) – Donald Trump nộp 175 triệu đô la tiền bảo lãnh nhằm tránh bị tịch thu tài sản. Khoản tiền trên đã được nộp lên toà án Mỹ hôm qua 01/04/2024, trong khi chờ kháng cáo. Trước đó, ông Trump đã bị kết án gian lận tài chính và được yêu cầu phải trả 454 triệu đô la tiền phạt. Số tiền bảo lãnh này do một công ty bảo hiểm chi trả và nhằm bảo đảm ông Trump vẫn nộp phạt đầy đủ nếu phán quyết được giữ nguyên. Trong trường hợp đó, vị tỷ phú 77 tuổi sẽ phải nộp hơn 464 triệu đô la, chưa tính lãi suất. Nhưng nếu giành chiến thắng sau khi kháng cáo, ông sẽ không phải trả bất cứ tiền khoản nào, đồng thời được nhận lại 175 triệu tiền bảo lãnh đã nộp. 

(AFP) – Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ « hành động ngay lập tức » để cấm phát sóng kênh truyền hình Qatar al-Jazeera tại nước này. Theo một tuyên bố trên mạng xã hội của Israel ngày hôm qua, 01/04/2024, ông Netanyahu đã khẳng định « kênh khủng bố al-Jazeera sẽ không còn được phát sóng ở Israel nữa ». Thông báo trên được đưa ra sau khi luật cấm các phương tiện truyền thông nước ngoài có mục đích phá hoại an ninh của Nhà nước được Quốc hội nước này thông qua. Trước đó, quân đội Israel đã nhiều lần khẳng định các nhà báo của Al Jazeera là « điệp viên khủng bố » có liên kết với Hamas và là đồng minh Hồi giáo Jihad ở Gaza. Về phần mình, kênh truyền hình Al Jazeera đã tố cáo bình luận của thủ tướng là những « lời nói dối nguy hiểm và lố bịch ».


************
voatiengviet.com

LHQ tố cáo Nga vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế tại Ukraine

VOA News

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hiệp quốc OHCHR tố cáo Nga vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế trong cuộc chiến chống Ukraine.

Một phúc trình mới của OHCHR cảnh báo cuộc tấn công vũ trang của Nga và chiếm đóng lãnh thổ Ukraine sẽ gây ra hậu quả lâu dài cho Ukraine và người dân nước này vào thời điểm sự chú ý của toàn cầu về tình hình nghiêm trọng dường như đang phai dần.

Ông Volker Türk, Cao ủy Liên hiệp quốc về nhân quyền, ngày 2/4 tuyên bố: “Bất chấp những câu chuyện đau lòng về sự đau khổ của con người diễn ra hàng ngày ở Ukraine, tôi sợ rằng thế giới đã trở nên không còn cảm xúc trước cuộc khủng hoảng này”.

Trong một đánh giá ảm đạm về tình hình, ông Türk nói với Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc: “Đã hơn hai năm kể từ khi Liên bang Nga tiến hành cuộc tấn công vũ trang toàn diện vào đất nước Ukraine. Hai năm vô cùng đau khổ, đổ máu, mất mát và đau buồn. Vô số gia đình đã bị chia cắt.”

Ông lưu ý rằng hơn 10.500 thường dân đã thiệt mạng và hơn 20.000 người bị thương.

Ông nói: “Con số thực tế có thể cao hơn đáng kể”.

Phúc trình, về khoảng thời gian từ ngày 1/12/2023 đến ngày 29/2/2024, cho biết cuộc chiến tiếp tục gây ra tổn hại nghiêm trọng cho dân thường trong các cuộc tấn công quy mô lớn bằng “phi đạn và đạn dược bay khắp nơi do lực lượng vũ trang Nga phóng trên khắp Ukraine”.

Phúc trình nói rằng điều này đang gây ra sự gia tăng đột biến về thương vong dân sự, “đảo ngược xu hướng giảm chung về thương vong dân sự trong suốt năm 2023”.

Theo phúc trình, năm nay đánh dấu 10 năm kể từ khi Nga sáp nhập trái phép Bán đảo Crimea, khoảng thời gian mà người dân ở Crimea “bị buộc tội và kết án… vì những hành vi không phải là tội phạm theo luật Ukraine”.

Ông Türk nói: “Quyền công dân của Liên bang Nga đã được áp đặt rộng rãi.” “Chính quyền Nga đã bắt nam giới ở Crimea gia nhập lực lượng vũ trang Nga, cuối cùng buộc họ phải chiến đấu chống lại chính đất nước của mình.”

Ông cho biết trẻ em Ukraine đã bị tước quyền được giáo dục bằng ngôn ngữ của mình và người dân bị từ chối quyền tự do bày tỏ quan điểm.

Ủy viên nhân quyền nói: “Những vi phạm mà chúng tôi ghi nhận ở Crimea đã báo trước những gì chúng tôi thấy đang phát triển trên lãnh thổ Ukraine bị Liên bang Nga chiếm đóng sau cuộc tấn công vũ trang toàn diện của nước này”.

Ông nói: “Trong hai năm qua, các lực lượng vũ trang Nga đã vi phạm rộng rãi các quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, bao gồm giết người trái pháp luật, tra tấn, cưỡng bức mất tích và giam giữ tùy tiện”, ông cho biết thêm rằng những vi phạm này đã xảy ra mà không bị trừng phạt.

Ông nói: “Không có nơi nào để tìm kiếm công lý, không có nơi nào để tìm kiếm một biện pháp khắc phục hiệu quả”. “Hiệu quả tích lũy của những hành động này là tạo ra bầu không khí sợ hãi lan rộng, cho phép Liên bang Nga củng cố quyền kiểm soát của mình.”

Trong thời gian ghi chép báo cáo, các quan chức OHCHR đã phỏng vấn 60 tù nhân Ukraine vừa được thả khỏi nơi giam giữ của Nga trong một cuộc trao đổi tù binh. Họ cho biết các tù binh đã cung cấp những lời kể chi tiết, đáng tin cậy về việc bị tra tấn, bị đánh đập, điện giật, đe dọa hành quyết, bạo lực tình dục và các hình thức đối xử khắc nghiệt khác.

OHCHR ghi nhận 12 trường hợp hành quyết ít nhất 32 tù binh Ukraine bị bắt. OHCHR đã xác minh ba trong số những vụ việc này, trong đó quân nhân Nga đã hành quyết bảy quân nhân Ukraine.

Ông Türk nói: “Trong cùng thời gian này, văn phòng của tôi đã phỏng vấn 44 tù binh Nga bị Ukraine giam giữ. “Mặc dù họ không phàn nàn về cách đối xử và điều kiện ở những nơi giam giữ đã được thiết lập sẵn, nhưng một số người trong số họ đã mô tả những trường hợp bị tra tấn và bị đối xử tệ bạc ở những nơi quá cảnh sau khi họ được sơ tán khỏi chiến trường.”

Cao ủy cho biết thảm kịch ở Ukraine đã diễn ra quá lâu và kêu gọi Liên bang Nga chấm dứt các cuộc tấn công vũ trang.

Ông nói: “Việc vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế của các lực lượng vũ trang và quan chức hành chính Nga trên lãnh thổ chiếm đóng phải chấm dứt ngay lập tức”.

Nga đã tẩy chay cuộc họp và thông báo với chủ tịch hội đồng rằng họ “không muốn phát biểu với tư cách là một quốc gia có liên quan”.

Đại sứ Ukraine tại Liên hiệp quốc ở Geneva, Filipenko Yevheniia, chỉ trích gay gắt Nga và việc nước này “tước đoạt một cách có hệ thống các quyền và tự do cơ bản ở Crimea cũng như các khu vực chiếm đóng ở Donbas và các vùng lãnh thổ khác của Ukraine”.

Bà nói: “Bằng cách gây ra những thay đổi đáng kể về nhân khẩu học thông qua việc buộc phải di dời và cố ý thay thế dân số, Nga đang cố tình thay đổi cơ cấu xã hội để củng cố sự chiếm đóng của mình, vi phạm trắng trợn luật nhân đạo quốc tế”.

“Bằng cách tra tấn, giam giữ tùy tiện thường dân, bắt cóc và nhồi sọ trẻ em Ukraine, Nga đã phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại một cách công khai và đáng xấu hổ.”

Đại sứ Ukraine kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc “lên án các cuộc tấn công khủng bố của Nga” và gửi một thông điệp rõ ràng tới Điện Kremlin “rằng cộng đồng quốc tế sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước hành động xâm lược một quốc gia có chủ quyền, giết hại thường dân và tàn phá các cơ sở hạ tầng quan trọng.”


***********

Nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga bị drone của Ukraine tấn công

Reuters

Máy bay không người lái (drone) của Ukraine đã tấn công nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga hôm thứ Ba, cách tiền tuyến khoảng 1.300 km (800 dặm), đánh trúng vào một đơn vị nhà máy chính, nơi xử lý khoảng 155.000 thùng dầu thô mỗi ngày.

Các quan chức Nga cho biết các thiết bị gây nhiễu của họ đã phát hiện một máy bay không người lái của Ukraine gần nhà máy lọc dầu Taneco của Tatneft, nơi có công suất hơn 17 triệu tấn một năm (340.000 thùng mỗi ngày).

Hãng thông tấn nhà nước RIA cho biết một đám cháy đã bùng phát tại nhà máy lọc dầu và được dập tắt trong vòng 20 phút, đồng thời cho biết thêm rằng hoạt động sản xuất không bị gián đoạn.

Hình ảnh từ hiện trường cho thấy máy bay không người lái đã đâm vào đơn vị lọc dầu chính, CDU-7, tại nhà máy lọc dầu Taneco. Đơn vị này chiếm khoảng một nửa tổng công suất sản xuất hàng năm của nhà máy.

“Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã được thực hiện nhằm vào một trong những doanh nghiệp ở Nizhnekamsk”, Ramil Mullin, thị trưởng Nizhnekamsk, nói.

“Không có thương vong hay thiệt hại nghiêm trọng. Quy trình công nghệ của doanh nghiệp không bị gián đoạn”.

Vụ tấn công là một trong nhiều vụ xảy ra ở Tatarstan, một khu vực công nghiệp hóa cao ở phía đông nam Moscow, vào rạng sáng thứ Ba.

Một nguồn tin tình báo Ukraine nói với Reuters ở Kyiv rằng Ukraine đã tấn công một cơ sở dầu mỏ lớn của Nga ở Tatarstan để làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga.

Nguồn tin cũng cho biết các máy bay không người lái do Ukraine sản xuất đã tấn công vào một cơ sở sản xuất drone tác chiến tầm xa “Shahed”, gây ra “thiệt hại đáng kể”. Không có bình luận ngay lập tức từ Moscow.

Trong những tháng gần đây, Ukraine đã bắt đầu tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại sinh lời cao của Moscow đối với các sản phẩm lọc dầu.

Theo tính toán của Reuters, khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga đã bị ngừng hoạt động do các cuộc tấn công bằng drone. Nhu cầu về các sản phẩm dầu đã tinh chế cao hơn so với dầu thô của Nga.

Các cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu của Nga - nhiều nhà máy nằm sâu bên trong quốc gia lớn nhất thế giới - đã làm dấy lên lo ngại ở Washington về khả năng leo thang với Nga, cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Ukraine nói các cuộc tấn công bằng drone của họ nhắm vào Nga là hợp lý vì họ đang chiến đấu để sinh tồn và đã phải chịu thiệt hại trên diện rộng về cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các nhà máy điện, do các cuộc không kích của Nga.


*********

Ấn Độ phản đối Trung Quốc đổi tên 30 địa điểm ở bang biên giới Himalaya

Reuters

Ấn Độ hôm thứ Ba bác bỏ việc Trung Quốc đổi tên khoảng 30 địa điểm ở bang Arunachal Pradesh, phía đông bắc dãy Himalaya, gọi động thái này là “vô nghĩa” và tái khẳng định rằng tỉnh biên giới này là một phần “không thể tách rời” của Ấn Độ.

Bắc Kinh nói Arunachal Pradesh, nơi họ gọi là Tạng Nam, là một phần của Nam Tây Tạng, một tuyên bố mà New Delhi đã nhiều lần bác bỏ. Trung Quốc cũng đã làm gia tăng căng thẳng tương tự cách đây một năm bằng cách đặt tên tiếng Trung cho 11 địa điểm trong bang.

Quân đội của hai nước láng giềng có vũ khí hạt nhân đã tham gia vào các cuộc ẩu đả nhỏ dọc theo biên giới tranh chấp của họ ở bang này vào tháng 12/2022 và căng thẳng đã giảm bớt sau các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự sâu rộng.

Tuy nhiên, bang biên giới vẫn là nguyên nhân thường xuyên gây ra xích mích giữa hai quốc gia khổng lồ châu Á, mà mối quan hệ của họ đã rạn nứt kể từ cuộc đụng độ biên giới đẫm máu giữa quân đội hai nước ở phía tây dãy Himalaya vào năm 2020.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Trung Quốc nói họ đã tiêu chuẩn hóa tên của khoảng 30 địa điểm ở nơi mà họ gọi là Nam Tây Tạng, “phù hợp với các quy định liên quan về quản lý địa danh của Hội đồng Nhà nước”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Randhir Jaiswal, hôm thứ Ba nói: “Việc đặt những cái tên được sáng chế ra sẽ không làm thay đổi thực tế rằng Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần thuộc về và không thể tách rời của Ấn Độ”.

Hôm thứ Hai, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói với các phóng viên rằng “việc đổi tên sẽ không có tác dụng gì”.

“Nếu tôi đổi tên nhà của bạn thì nó có trở thành nhà của tôi không?”, ông nói.

Tháng trước, sau chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới bang này để khánh thành các dự án cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã tuyên bố phản đối các hoạt động của ông trong khu vực. Ấn Độ gọi những lập luận này là “vô căn cứ”.

Hoa Kỳ cũng cân nhắc về vấn đề này, nói rằng họ công nhận Arunachal Pradesh là lãnh thổ của Ấn Độ và “phản đối mạnh mẽ” bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm đưa ra yêu sách đối với khu vực này bằng “việc xâm nhập hoặc xâm lấn” quân sự hoặc dân sự.

Trung Quốc đã phản đối những bình luận này, nói rằng vấn đề này “không liên quan gì đến Mỹ”.

Ấn Độ và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 3.800 km (2.400 dặm), phần lớn được phân định không rõ ràng. Hai bên cũng đã xảy ra một cuộc chiến đẫm máu vào năm 1962 vì tranh chấp biên giới.

Hai mươi binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong trận chiến tay đôi vào năm 2020, khiến cả hai nước phải củng cố các căn cứ và triển khai thêm binh lính, thiết bị dọc biên giới.


*********

Máy bay không người lái lần đầu tấn công vào sâu lãnh thổ Nga

UYÊN PHƯƠNG

Giới chức Nga ghi nhận vụ tấn công bằng máy bay không người lái (drone) nhằm vào khu vực nằm sâu trong lãnh thổ nước Nga lần đầu tiên.

Hiện trường vụ tấn công bằng drone ở thành phố Yelabuga, thuộc Cộng hòa Tatarstan, nằm giữa lòng nước Nga sáng 2-4 - Ảnh: VK

Hiện trường vụ tấn công bằng drone ở thành phố Yelabuga, thuộc Cộng hòa Tatarstan, nằm giữa lòng nước Nga sáng 2-4 - Ảnh: VK

Hãng thông tấn RIA (Nga) đưa tin về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (drone) tại Cộng hòa Tatarstan, khu vực nằm sâu trong lòng lãnh thổ nước Nga và cách Ukraine hơn 1.100km, vào sáng sớm 2-4.

Hình ảnh máy bay không người lái lần đầu tấn công vào sâu lãnh thổ Nga - Nguồn video: RIA - RBC

Cụ thể, một số drone được cho của Ukraine đã tấn công các nhà máy ở hai thành phố Yelabuga và Nizhnekamsk, thuộc Cộng hòa Tatarstan, cách thủ đô Matxcơva hơn 800km về phía đông.

Đài RBC đưa tin các vụ nổ được nghe thấy từ đặc khu kinh tế Alabuga. Trong khi đó, một số ký túc xá của một trường cao đẳng bách khoa tại Yelabuga bị hư hại, khiến các sinh viên phải sơ tán.

Đây là lần đầu tiên nước Nga ghi nhận các vụ tấn công bằng drone nằm sâu bên trong lãnh thổ như vậy. Trước đó, Matxcơva được cho là khu vực sâu nhất trong lãnh thổ Nga bị drone tấn công nhưng thủ đô Nga chỉ cách Ukraine hơn 500km.

“Không có thiệt hại nghiêm trọng trong vụ tấn công. Tuy nhiên, một số dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp bị gián đoạn”, giới chức Tatarstan thông báo.

Cơ quan Y tế Cộng hòa Tatarstan xác nhận có sáu người bị thương, trong đó ba người đã được xuất viện.

“Bây giờ điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh để không hoảng sợ trong thời điểm ‘những kẻ phạm tội’ đang tung hoành” - ông Rustam Minnikhanov, lãnh đạo Cộng hòa Tatarstan, phát biểu sáng cùng ngày (theo giờ địa phương).

Hãng thông tấn RIA nhận định quân đội Ukraine vẫn luôn cố gắng tấn công khu vực biên giới và khu vực miền trung nước Nga mỗi ngày bằng các thiết bị không người lái (UAV).

Tuy nhiên, mức độ cảnh báo khủng bố được duy trì mở mức cao hơn tại khu vực biên giới Nga - Ukraine như vùng Belgorod hoặc Kursk.


***********
voatiengviet.com

Moscow cáo buộc chủ tịch ủy ban Olympic ‘âm mưu’ loại trừ vận động viên Nga

Reuters

Nga hôm thứ Ba cáo buộc Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach tham gia vào một “âm mưu” với Ukraine nhằm loại các vận động viên mạnh nhất của Nga khỏi Thế vận hội Paris năm nay.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra cáo buộc này sau khi hai người chơi khăm người Nga là Vovan và Lexus công bố đoạn ghi âm cuộc trò chuyện với ông Bach, trong đó ông bị lừa để tin rằng mình đang nói chuyện với một quan chức thể thao châu Phi.

Ông Bach nói trong cuộc gọi rằng IOC đã thành lập một ủy ban đặc biệt để giám sát các phương tiện truyền thông và internet, đồng thời đảm bảo rằng những vận động viên người Nga từng đưa ra các tuyên bố chính trị ủng hộ chính phủ của họ sẽ không được tham gia Thế vận hội.

“Chúng tôi cũng đã đề nghị phía Ukraine - không chỉ đề nghị mà còn yêu cầu họ - cung cấp cho chúng tôi những thông tin về hành vi của các vận động viên hoặc quan chức (Nga) như vậy”, ông Bach nói bằng tiếng Anh trong đoạn ghi âm.

Bà Zakharova đăng trên Telegram rằng ông Bach đã “tham gia vào một âm mưu chính trị-hành chính và rõ ràng phạm tội với một bên cụ thể” - nghĩa là Ukraine – “để loại các đối thủ thể thao mạnh khỏi các cuộc thi quốc tế”.

Bà nói thêm: “Mối quan hệ của Chủ tịch IOC Bach với Ủy ban Olympic quốc gia Ukraine và các quan chức của ủy ban này cũng như việc thừa nhận ‘yêu cầu giám sát các vận động viên Nga’ phải là đối tượng của một cuộc điều tra kỹ lưỡng”.

Mối quan hệ giữa Nga và IOC đã trở nên xấu đi đáng kể trong thời gian chuẩn bị cho Thế vận hội, khi các vận động viên Nga và Belarus sẽ thi đấu với tư cách trung lập, không có cờ và quốc ca vì cuộc chiến ở Ukraine. Họ cũng bị cấm tham gia lễ diễu hành khai mạc.

Trước khi cuộc gọi chơi khăm được công bố, IOC vào tháng trước cho biết ông Bach là nạn nhân của một trò lừa bịp.

IOC đã công khai tuyên bố thành lập một hội đồng đánh giá để đánh giá tư cách của mọi vận động viên Nga hoặc Belarus hội đủ điều kiện tham dự Paris. Để được phép thi đấu, các vận động viên không được tích cực ủng hộ cuộc chiến ở Ukraine và không được ký hợp đồng với bất kỳ cơ quan quân sự hoặc an ninh nào.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn