Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 11-03 -2024

Thứ Hai, 11 Tháng Ba 20244:03 SA(Xem: 1585)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 11-03 -2024
HoaLuc 2
************
rfi.fr

Bầu cử tổng thống Nga : Nhà nước đặt hàng các phim tuyên truyền cho Putin

Chi Phương

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Nga cuối tuần này, (15-17/03/2024), Vladimir Putin đã tài trợ một chiến dịch truyền thông khổng lồ nhằm định hướng dư luận, thúc đẩy cử tri đi bỏ phiếu cho ông, thông qua những bộ phim do nhà nước đặt hàng với nội dung tuyên truyền về chủ nghĩa dân dộc, ủng hộ « chiến dịch quân sự đặc biệt » của điện Kremlin ở Ukraina.

Tuần báo Pháp L’Express liệt kê ra các bộ phim do nhà nước Nga đặt hàng, như phim “Hành khách”, kể về một nhà văn nổi tiếng ở Matxcơva, Nikolai Ryabinin, lang thang qua các chiến hào để tìm kiếm người anh trai đi lính và mất tích ở Donbass vào mùa hè năm 2015. Tại những vùng chiếm đóng, bộ phim miêu tả cảnh những người lính Nga sống hòa thuận với những người Ukraina nói tiếng Nga, nhưng lại bị quấy rối bởi quân đội Ukraina “tàn nhẫn” “khát máu”. Nhà văn được hình tượng hóa thành vị anh hùng, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cầm súng chiến đấu. Phim dự kiến sẽ được phát hành tại tất cả các rạp ở Nga vào ngày 15/03/2024, đúng ngày bắt đầu bầu cử tổng thống.

"Chiến dịch văn hóa đặc biệt"

Đây chỉ là một trong những bộ phim về những câu chuyện thời thời chiến, đã tràn ngập khắp các rạp tại Nga suốt sáu tháng qua. Nhiều bộ phim tập trung vào “chiến dịch quân sự đặc biệt” của điện Kremlin ở Ukraina, trong đó có phim "Nhân chứng", được quay tại Donbass, theo chân một nhạc sĩ người Bỉ đi lưu diễn ở Ukraina và sau đó bị bắt làm tù binh. Đứng sau song sắt nhà tù, ông trở thành nhân chứng, chứng kiến tội ác của “bọn phát xít Ukraina”. Trong phim, quân đội Ukraina được mô tả với những hành động dã man, như hiếp dâm hay giết những người già ngay giữa đường phố. Sau khi trốn thoát, nhạc sĩ này đã ra làm chứng trên một kênh truyền hình Mỹ, “để đưa sự thật ra trước ánh sáng”.

Theo L’Expess, các bộ phim trên là do nhà nước Nga đặt hàng và tài trợ, bảo đảm “100 % là phù hợp với tư tưởng của điện Kremlin, thể hiện sự dũng cảm của những người lính Nga trước một phương Tây hủ hóa”.

Những tài liệu nội bộ của điện Kremlin bị rò rỉ vào cuối tháng Hai nhờ công của các nhà báo Estonia, được nhật báo Anh The Guardian trích dẫn, chỉ ra rằng việc thực hiện các bộ phim tuyên truyền là một phần trong “chiến dịch văn hóa đặc biệt” nhằm thúc đẩy lòng yêu nước trước kỳ bầu cử tổng thống Nga (15-17/03/2024). Tài liệu chỉ ra rằng chính quyền Nga đã bơm hàng trăm tỷ rúp vào các mạng lưới tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp, nhằm tạo ra các nội dung tuyên truyền, qua các bộ phim hay các kênh Telegram, các lễ hội cho giới trẻ và thành lập các phương tiện truyền thông tại những vùng chiếm đóng ở Ukraina.

Hồ sơ bị rò rỉ, được The Guardian trích dẫn, mô tả : “Thông qua số phận các anh hùng, các tác giả cho thấy việc đánh mất bản sắc dân tộc, đánh mất nền độc lập đã dẫn đến một bi kịch lớn lao như thế nào đối với con người”.

Ngoài ra, còn có các bộ phim tuyên truyền thể loại viễn tưởng ít bạo lực hơn, nhưng lại đạt được thành công hơn. Những phim này tôn vinh các giá trị truyền thống của nước Nga và sự vĩ đại của Nga. Ví dụ như phim hài với tựa dịch sang tiếng Pháp là Au gré de l’humeur du brochet, thu về 8,5 triệu lượt khán giả vào năm ngoái, nói về một câu chuyện mà nhiều người Nga biết : Cá hồ Baikal có sức mạnh siêu nhiên đã cứu người đồng hành, cứu vương quốc của một sa hoàng Nga bị người Anh đe dọa. Bộ phim nhiều tập Slova Patsana thì nói về những cuộc sống bấp bênh, về các cuộc chiến băng đảng ở Kazan ( thủ đô Cộng Hòa Tatarstan ) trong những năm 1980. Bộ phim có thể được coi là phương tiện giúp nhân cao nhận thức về sự phát triển rõ rệt của Nga từ khi Liên Xô tan rã.

Hay một bộ phim khác được Nhà nước Nga tài trợ, kể về Danila, một người lính Nga gia nhập một công ty quân sự tư nhân, mà ai cũng nghĩ ngay đến tập đoàn Wagner. Danila đã tham gia cuộc chiến ở Mariupol. Bạn gái của anh là Alisa, có tư tưởng phản chiến, đã đến vùng chiến sự để tìm bạn trai. Phim được quay tại ở Mariupol vào năm ngoái, giữa những tòa nhà bị phá hủy bởi cuộc tấn công của Nga, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Các tập phim đầu tiên đã được phát trên kênh Channel One của Nga vào ngày 23/02, một ngày trước kỷ niệm hai năm cuộc xâm lược Ukraina.

Theo The Guardian, bộ phim trên được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Phát triển Internet (IRI) và là một trong loạt phim được lên kế hoạch cho năm nay để đưa nội dung yêu nước lên truyền hình trước cuộc bầu cử. IRI được điều hành bởi Alexey Goreslavsky, một giám đốc truyền thông có liên hệ với điện Kremlin. Việc bổ nhiệm ông Goreslavsky đã khiến nhiều nhà báo theo xu hướng tự do rời khỏi Nga. Cơ quan này đã được cấp 22 tỷ rúp từ ngân sách nhà nước vào năm 2023, bao gồm 18 tỷ rúp cho các dự án liên quan đến bầu cử. Tính đến năm 2023, IRI đã sản xuất hơn 40% tổng số nội dung phim ảnh tại thị trường Nga. Vào tháng trước, ông cho biết : “Chúng tôi sở hữu một thị phần nhất định trong thị trường này, để truyền đạt một cách khá đơn giản và rõ ràng những gì nhà nước cần”.

Nhật báo Anh cho rằng “nước Nga dưới thời Putin đã thúc đẩy việc thực hiện các phim tuyên truyền.” Ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée, bị quốc tế phản đối, bộ Văn Hóa đã tài trợ thực hiện bộ phim “Crimée” nhằm biện minh cho việc chiếm giữ hòn đảo. Những người thực hiện phim cho biết chính bộ trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu là người đặt hàng.

Những phim tuyên truyền thất bại

Tuy nhiên, vấn đề là các bộ phim như vậy lại không đạt được thành công tại các phòng vé. Phim Nhân chứng ra mắt vào năm ngoái và thất bại tràn trề, chỉ được 50.000 lượt xem. Các bộ phim khác về chiến tranh có chút tiếng tăm hơn, nhưng cũng khó khăn lắm mới đạt được 500.000 lượt xem, vì “kịch bản kém, dàn dựng cũng kém”, theo nhận định của nhà phê bình điện ảnh Anton Dolin, hiện tị nạn ở Latvia, được L’Express trích dẫn.

Tại sao các bộ phim đó lại không ăn khách ? Nhà phê bình văn học Mikhail Kozyrev, trả lời The Guardian, cho rằng “những người theo văn hóa Z , quy tụ những người ủng hộ chiến tranh Nga, thiếu những người có tài năng. Trình độ và tính chuyên nghiệp của các nghệ sĩ ở lại và làm việc tại Nga là rất thấp”. Người xem có thể cảm nhận được đó là một bộ phim “làm theo yêu cầu của nhà nước và không chân thực”.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, hàng trăm nhà làm phim, nhà văn, ca sĩ nổi tiếng đã rời khỏi nước. The Guardian so sánh cuộc di cư này với những con tàu chở những nhà trí thức lớn của Nga đi lưu vong vào năm 1922.

Tuy nhiên, phải kể đến một trường hợp ngoại lệ. Đạo diễn Mikhail Lokshin, người Mỹ gốc Nga, với lập trường phản chiến, đã chuyển thể xuất sắc cuốn tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov. Truyện được coi là một trong những thành tựu của văn học thế kỷ 20, mô tả một cách châm biếm thời Liên Xô, với những bình luận gay gắt và phê phán thẳng thắn chế độ độc tài Stalin.

Vì sao phim lại được cấp phép phát hành hồi tháng 1 năm nay, đó vẫn là điều bí ẩn, vì nội dung của phim mâu thuẫn với đường lối chính thức của điện Kremlin. Không giống như những câu chuyện chiến tranh, bộ phim này đã nhanh chóng lôi cuốn khán giả, thu về hơn 600 triệu rúp. Trước thành công đó, chỉ trong vài ngày, các blogger ủng hộ chính phủ, các nhân vật thân điện Kremlin trong giới truyền thông bắt đầu đả kích dữ dội đạo diễn Mikhail Lockshin, (hiện đang sống tại Los Angeles), cố làm mất uy tín của bộ phim.

Không chỉ qua phim ảnh, các chiến dịch tuyên truyền của Nga còn tràn ngập các kênh truyền hình của nhà nước, khắp các mạng xã hội, với các nội dung đề cao chủ nghĩa dân tộc và hô hào đi bỏ phiếu là “yêu nước” và không bầu cho ai khác ngoài Vladimir Putin.


************
rfi.fr

Mỹ và Đức rút đại diện ngoại giao khỏi Haiti

Phan Minh

Vào lúc thủ đô Port-au-Prince của Haiti vẫn chìm sâu trong bạo lực với những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các băng đảng yêu cầu thủ tướng Ariel Henry phải từ chức, Hoa Kỳ hôm qua, 10/03/2024, tuyên bố đã sơ tán một phần nhân viên đại sứ quán khỏi nước này.

Đăng ngày:

2 phút

Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki tường trình :

"Chiến dịch được thực hiện vào lúc nửa đêm theo yêu cầu của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Trực thăng của quân đội Mỹ đã sơ tán các nhân viên không thiết yếu khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ ở Port-Au-Prince.

Theo thông cáo của quân đội Mỹ, chiến dịch này nằm trong khuôn khổ các hoạt động tăng cường an ninh cho đại sứ quán. Thông cáo nêu rõ đại sứ quán vẫn mở cửa và hoạt động, nhưng hệ thống an ninh ở xung quanh đã được siết chặt.

Cuộc sơ tán này diễn ra sau khi Washington cách đây vài ngày kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi Haiti, trong bối cảnh Port-Au-Prince đang là nơi diễn ra những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và các băng đảng vũ trang yêu cầu ông Ariel Henry phải từ chức. Thủ tướng Haiti hiện vẫn bị mắc kẹt ở nước ngoài.

Washington gần đây cho biết rất quan ngại về tình hình ở Haiti, nhưng loại trừ khả năng triển khai quân đội vào lúc này."

Nối gót Washington, Berlin cũng quyết định rút các nhân viên ngoại giao khỏi Haiti. Phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Đức nói với AFP, "do tình hình an ninh rất căng thẳng ở Haiti, đại sứ và đại diện thường trực của Đức tại Port-au-Prince đã rời Haiti để sang Cộng hòa Dominica và sẽ làm việc từ đó cho đến khi có thông báo mới".

Tổ chức Cộng đồng Caribê (Caricom) đã mời các đại diện của Hoa Kỳ, Pháp, Canada và Liên Hiệp Quốc đến dự cuộc họp khẩn ở Jamaica để thảo luận về tình hình ở Haiti.


*************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

3 phút

(AFP) - Ấn Độ và 4 nước châu Âu ngoài Liên Âu ký thỏa thuận tự do mậu dịch trị gia 100 tỉ đô la. Bốn nước này gồm Na Uy, Island, Thụy Sĩ và Liechtenstein, đều là thành viên của Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (AELE). Bộ trưởng Thương Mại Ấn Độ Piyush Goyal hôm nay 10/03/2024 thông báo, theo thỏa thuận 4 nước châu Âu nói trên sẽ đầu tư 100 tỉ đô la vào Ấn Độ trong vòng 15 năm. Thỏa thuận đối tác kinh tế và thương mại giữa New Delhi và AELE được đúc kết sau nhiều vòng đàm phán kéo dài 16 năm. Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và trong những năm qua đã ký thỏa thuận thương mại với Úc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và hiện đang đàm phán về thỏa thuận với Anh Quốc.

(Yonhap) - Phái đoàn ngoại giao Bắc Triều Tiên lên đường sang Mông Cổ. Nhật báo Bắc Triều Tiên Rodong Sinmun hôm nay 10/03/2024 cho biết dẫn đầu phái đoàn là thứ trưởng Ngoại Giao Pak Myong Ho. Đây là chuyến đi đầu tiên của phái đoàn ngoại giao Bắc Triều Tiên đến Mông Cổ kể từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra hồi đầu năm 2020. Mông Cổ được xem là 1 trong những nước có quan hệ chặt chẽ với Bình Nhưỡng.

(Le Monde) - Quân đội Nga phá hủy hệ thống phòng không Patriot hay S- 300 ở miền đông Ukraina ? Bộ Quốc Phòng Nga hôm 09/03/2024 đăng tải một video trên Telegram về một cuộc tấn công phá hủy « bệ phóng tên lửa phòng không S-300 của lực lượng vũ trang Ukraina » gần làng Pokrovsk, thuộc tỉnh Donetsk mà Nga sáp nhập của Ukraina. Tuy nhiên, theo một tài khoản trên mạng X sử dụng thông tin tình báo nguồn mở (OSINT), video của bộ Quốc Phòng Nga cho thấy tên lửa đạn đạo Iskander của Nga phá hủy « ít nhất 2 » xe bọc thép từ hệ thống tên lửa đất đối không Patriot mà Đức cấp cho Ukraina, chứ không phải S-300. Nếu đúng như vậy thì đây là lần đâu tiên Nga phá hủy được một bệ phóng tên lửa Patriot tại Ukraina.

(Yonhap) - Mỹ, Nhật, Hàn họp ba bên về tài chính trong tháng Tư. Trong thông cáo, bộ Tài Chính Hàn Quốc hôm nay, 10/03/2024, cho biết bộ Tài Chính của ba nước đã thống nhất mở một cuộc họp trong tháng Tư. Ngày giờ, địa điểm và chương trình nghị sự đang được thảo luận giữa ba nước.

(AFP) - Bồ Đào Nha bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn. Hôm nay, 10/03/2024, khoảng 10,3 triệu cử tri Bồ Đào Nha được mời gọi tham gia bầu Quốc Hội trước kỳ hạn. Theo thăm dò, đảng Liên minh Dân chủ, xu hướng trung hữu dù được cho là chiếm ưu thế có nguy cơ phải kết hợp với phe dân túy hiện đang trên đà tiến. Bầu cử quốc hội Bồ Đào Nha diễn ra ba tháng trước cuộc bầu cử châu Âu có thể khẳng định xu thế trỗi dậy của cánh cực hữu trên khắp châu lục.

(AFP) - Gaza : Hàng chục người chết sau loạt oanh kích của Israel. Một ngày trước mùa lễ chay Ramadan của người Hồi Giáo, và vào lúc quốc tế đang được huy động để gởi hàng viện trợ nhân đạo, quân đội Israel hôm nay, 10/03/2024, lại thả bom xuống Gaza, làm nhiều chục người chết, nâng tổng số nạn nhân lên hơn 31 ngàn người, theo số liệu do bộ Y tế Hamas đưa ra.

(AFP) - Gaza, Ukraina : Giáo hoàng kêu gọi « can đảm » đàm phán. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RTS của Thụy Sĩ ngày 09/03/2024 về tiến triển cuộc chiến ở Ukraina, giáo hoàng Phanxicô cho rằng các bên nên « can đảm giương cờ trắng và đàm phán » để chấm dứt giao tranh « trước khi mọi việc trở nên tồi tệ ». Về xung đột ở dải Gaza, lãnh đạo Tòa thánh Vatican quy trách nhiệm cho cả hai phía khi tuyên bố « chiến tranh là do hai bên tiến hành, chứ không phải chỉ từ một phía. Cả hai phe đều là những kẻ vô trách nhiệm ».


************

Ấn Độ đạt thỏa thuận trị giá 100 tỉ USD với 4 nước châu Âu

NGUYÊN HẠNH

Ấn Độ sẽ dỡ bỏ hầu hết thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm công nghiệp từ 4 nước châu Âu để đổi lấy khoản đầu tư trị giá 100 tỉ USD trong 15 năm.

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal - Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA), bao gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein, sẽ đầu tư 100 tỉ USD trong 15 năm vào thị trường đang phát triển nhanh chóng với 1,4 tỉ dân của Ấn Độ.

Cũng theo ông Goyal, hiệp định mới bao gồm một số yếu tố mới như quyền trí tuệ và bình đẳng giới. "Đó là một hiệp định thương mại hiện đại, công bằng, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi cho cả năm quốc gia", ông khẳng định.

Đổi lại, Chính phủ Thụy Sĩ thông báo Ấn Độ sẽ dỡ bỏ hoặc loại bỏ một phần thuế hải quan rất cao đối với 95,3% hàng công nghiệp nhập khẩu từ Thụy Sĩ ngay lập tức hoặc theo thời gian.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Na Uy Jan Christian Vestre tuyên bố: "Các công ty Na Uy xuất khẩu sang Ấn Độ hiện phải chịu mức thuế nhập khẩu cao lên tới 40% đối với một số mặt hàng. Với thỏa thuận mới, chúng tôi đảm bảo thuế nhập khẩu bằng 0 đối với hầu hết mọi hàng hóa của Na Uy".

Theo Reuters, sau khi ký kết, cả 5 thành viên phải phê chuẩn thỏa thuận này trước khi nó có hiệu lực. Thụy Sĩ dự định sẽ thực hiện công tác phê chuẩn vào năm 2025.

Ấn Độ đã có hai thỏa thuận tương tự với Úc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) trong vòng 2 năm qua, cũng như đang chuẩn bị ký thêm một thỏa thuận nữa với Anh. Quốc gia Nam Á này đặt mục tiêu đưa xuất khẩu hàng năm lên mức 1.000 tỉ USD vào năm 2030.

Tin tức này xuất hiện trước cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 5 tới. Đây cũng là lần thứ ba Thủ tướng Narendra Modi tranh cử.

Quan chức kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin cho biết thị trường Ấn Độ mang đến những cơ hội to lớn cho thương mại và đầu tư, đồng thời lưu ý hiệp định mới là kết quả của 21 vòng đàm phán.

Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ năm của nhóm EFTA sau Liên minh châu Âu, Mỹ, Anh và Trung Quốc.

Bộ Thương mại Ấn Độ ước tính tổng thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và EFTA đạt 25 tỉ USD vào năm 2023.

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết: "Thỏa thuận mới bao gồm một chương toàn diện và ràng buộc về mặt pháp lý về thương mại và phát triển bền vững... Điều này sẽ cho phép các quốc gia EFTA nói riêng giải quyết các cân nhắc về tính bền vững liên quan đến thương mại".

Các nhà phân tích đánh giá hiệp định trên không lập tức giúp Ấn Độ cắt giảm khoảng cách thương mại lớn với EFTA, nhưng có thể giúp thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ chốt.


**********

Ukraine đáp trả: Cờ chúng tôi màu vàng và xanh, không phải 'cờ trắng'

BÌNH AN

Ngoại trưởng Ukraine đã đáp trả lời kêu gọi của Giáo hoàng Francis về việc 'có dũng khí giương cờ trắng' và đàm phán kết thúc xung đột với Nga.

Cờ Ukraine tại quảng trường Thánh Peter khi Giáo hoàng Francis phát biểu tại Vatican hôm 10-3 - Ảnh: AFP

Cờ Ukraine tại quảng trường Thánh Peter khi Giáo hoàng Francis phát biểu tại Vatican hôm 10-3 - Ảnh: AFP

"Cờ của chúng tôi (Ukraine) có màu vàng và xanh. Chúng tôi sống, chết và chiến thắng cùng với lá cờ này. Chúng tôi sẽ không bao giờ giương bất kỳ lá cờ nào khác" - Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên mạng xã hội X (Twitter) tối 10-3.

Cuối tuần qua, Giáo hoàng Francis - người hướng dẫn tinh thần của 1,2 tỉ giáo dân Công giáo - khiến Kiev giận dữ sau khi Ngài nêu quan điểm trong một cuộc phỏng vấn về việc Ukraine có nên đầu hàng trước Nga hay không. Nhà báo thật ra đã dùng cụm từ "cờ trắng" khi đặt câu hỏi.

"Tôi tin người mạnh nhất là những người thấy được tình hình, suy nghĩ về dân chúng, có dũng khí giương cờ trắng và đàm phán" - Giáo hoàng Francis nói trong cuộc phỏng vấn với Đài RTS (Thụy Sĩ) ghi từ đầu tháng 2 và được tiết lộ một phần nội dung vào cuối tuần qua.

Người phát ngôn Vatican Matteo Bruni giải thích Giáo hoàng Francis đã mượn cụm từ "cờ trắng" của nhà báo "để chỉ việc chấm dứt chiến sự và đạt được lệnh ngừng bắn bằng dũng khí đàm phán".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định Kiev sẽ không bao giờ giương cờ trắng.

Trong tuyên bố đáp trả trên X, ông Kuleba viết thêm: "Trong cuộc chiến giữa tốt và xấu, người mạnh mẽ nhất là người chọn đứng về phe tốt thay vì cố đặt hai bên ngang hàng và gọi đó là 'đàm phán'.

Đồng thời, khi nói đến cờ trắng, chúng ta biết chiến lược này của Vatican từ nửa đầu thế kỷ 20. Tôi kêu gọi Vatican tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ và ủng hộ Ukraine cũng như người dân Ukraine trong cuộc đấu tranh chính đáng vì cuộc sống của mình".

Dẫu vậy, Ngoại trưởng Kuleba cũng cảm ơn Giáo hoàng Francis vì đã luôn cầu nguyện cho hòa bình và hy vọng Ngài sẽ có cơ hội đến thăm Ukraine.

Đến nay mặc dù Ukraine chưa thể đẩy lùi các lực lượng Nga ra khỏi lãnh thổ nước này, nhưng Kiev vẫn từ chối đàm phán.

Theo Hãng tin Reuters, trong suốt cuộc xung đột Nga - Ukraine, Giáo hoàng Francis đã vài lần khiến các quan chức Ukraine khó chịu. Trong đó có lời kêu gọi của Ngài vào năm ngoái về việc giới trẻ Nga hãy tự hào là người thừa kế của các Sa hoàng như Peter Đại đế.


**************

Ai Cập liên lạc với Hamas và Israel để mưu tìm thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Reuters

Hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, Ai Cập đã liên lạc với các nhân vật cấp cao của Hamas và Israel cũng như các nhà hòa giải khác hôm 10/3 trong nỗ lực khởi động lại các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 11 hoặc 12/3.

Các cuộc tiếp xúc của Ai Cập với Hamas và cơ quan tình báo Mossad của Israel hôm 10/3 được thực hiện theo chỉ thị của tổng thống Ai Cập nhằm nỗ lực gắn kết các quan điểm khác nhau của hai bên lại với nhau, các nguồn tin cho biết nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Qatar, Ai Cập và Hoa Kỳ đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn trong tháng Ramadan để đổi lấy việc thả các con tin Israel bị bắt trong cuộc tấn công mà Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái, châm ngòi cho cuộc chiến ở Gaza.

Vòng đàm phán mới nhất không có sự tham dự của Israel đã kết thúc ở Cairo trong tuần này.

Mossad của Israel hôm 9/3 cho biết rằng những nỗ lực nhằm đảm bảo một thỏa thuận vẫn đang được tiến hành, mặc dù hy vọng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trước khi tháng Ramadan bắt đầu đang mờ dần.


***********

Quân đội Mỹ đưa nhân viên đại sứ quán rời Haiti, tăng cường an ninh

Reuters

Quân đội Hoa Kỳ hôm 10/3 cho biết đã thực hiện một chiến dịch không vận ở Haiti để đưa các nhân viên đại sứ quán không cần thiết ra khỏi nước này và bổ sung lực lượng Hoa Kỳ tăng cường an ninh cho đại sứ quán, trong khi quốc gia Caribe này bị đặt trong tình trạng khẩn cấp.

Hoạt động này là dấu hiệu mới nhất cho thấy các khó khăn của Haiti khi bạo lực băng đảng đe dọa lật đổ chính phủ và khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

“Việc không vận nhân sự vào và ra khỏi đại sứ quán phù hợp với thông lệ tiêu chuẩn của chúng tôi về tăng cường an ninh cho đại sứ quán trên toàn thế giới và không có người Haiti nào trên máy bay quân sự”, Bộ Tư lệnh miền Nam của quân đội Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Haiti đã rơi vào tình trạng khẩn cấp vào Chủ nhật tuần trước sau khi giao tranh leo thang trong khi Thủ tướng Ariel Henry đang ở Nairobi để tìm kiếm một thỏa thuận cho sứ mệnh do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn đã bị trì hoãn từ lâu.

Kenya tuyên bố vào năm ngoái rằng họ sẽ lãnh đạo lực lượng này nhưng nhiều tháng tranh chấp pháp lý trong nước đã khiến sứ mệnh này phải tạm dừng.

Hôm 9/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết rằng Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói chuyện với Tổng thống Kenya William Ruto về cuộc khủng hoảng Haiti và hai người đã nhấn mạnh cam kết của họ đối với sứ mệnh an ninh đa quốc gia nhằm lập lại trật tự.

Trong tuyên bố của Bộ Tư lệnh miền Nam, Bộ cho biết rằng Washington vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu đó.

"Đại sứ quán của chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy các nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ người dân Haiti, bao gồm huy động sự hỗ trợ cho Cảnh sát Quốc gia Haiti, đẩy nhanh việc triển khai sứ mệnh Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia (MSS) được Liên Hợp Quốc ủy quyền và đẩy nhanh quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng”, Bộ nói.


************

Một người bị bắt sau khi ôtô đâm vào cổng Cung điện Buckingham

Reuters

Cảnh sát Anh hôm 10/3 cho biết rằng một người đàn ông đã bị bắt sau khi một chiếc ôtô đâm vào cổng Cung điện Buckingham ở trung tâm London.

Những hình ảnh mờ trên mạng xã hội cho thấy một chiếc ôtô ở cổng trước của cung điện. Truyền thông Anh dẫn lời một nhân chứng cho biết họ đã nghe thấy "một tiếng động lớn".

Cảnh sát cho biết rằng vụ việc xảy ra vào đầu giờ sáng 9/3.

"Các nhân viên vũ trang đã bắt giữ một người đàn ông tại hiện trường vì nghi ngờ gây ra thiệt hại hình sự. Ông ta được đưa đến bệnh viện. Không có báo cáo về bất kỳ thương tích nào", cảnh sát London cho biết trong một tuyên bố.

"Các cuộc điều tra đang được tiến hành để xác định hoàn cảnh”.

Cung điện Buckingham cho biết rằng không có thành viên hoàng gia nào cư trú tại đó vào thời điểm xảy ra vụ việc và việc sửa chữa cổng đang được tiến hành.​


***********

Hoa Kỳ và Jordan thả thêm viện trợ xuống cho người dân ở Gaza


Lực lượng Không quân Hoa Kỳ thả các kiện hàng thực phẩm và nước uống viện trợ nhân đạo xuống Gaza ngày 2/3/2024.
Lực lượng Không quân Hoa Kỳ thả các kiện hàng thực phẩm và nước uống viện trợ nhân đạo xuống Gaza ngày 2/3/2024.

Quân đội Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ và Jordan đã thực hiện một đợt thả hàng viện trợ nhân đạo mới cho người Palestine ở Gaza hôm 10/3 với hơn 11.500 bữa ăn.

Cuộc tấn công của Israel vào Gaza, được Mỹ hậu thuẫn, đã khiến phần lớn 2,3 triệu người dân ở khu vực này phải di dời và dẫn đến tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men nghiêm trọng.

Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Hoa Kỳ cho biết đợt thả dù mới nhất được tiến hành ở phía bắc Gaza và bao gồm gạo, bột mì, mì ống và thực phẩm đóng hộp.

Theo dữ liệu của Lầu Năm Góc, Hoa Kỳ đã thả khoảng 135.000 bữa ăn trong tháng này.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ xây dựng một hệ thống cảng tạm thời để đưa viện trợ vào Gaza bằng đường biển.

Lầu Năm Góc cho biết hôm 8/7 rằng có thể mất tới 60 ngày để thiết lập và vận hành cảng tạm này.

Các nhóm viện trợ cho rằng mốc thời gian như vậy là quá dài do nguy cơ nạn đói sắp xảy ra.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn