Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 08-03 -2024

Thứ Sáu, 08 Tháng Ba 20244:37 SA(Xem: 1590)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 08-03 -2024
HoaLuc 6
*************

Nga lên án Pháp « can thiệp sâu hơn » vào xung đột Ukraina

Thanh Hà

Tại Paris hôm qua, 07/03/2024, tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập lãnh đạo các chính đảng để khẳng định « không có giới hạn », « không có lằn ranh đỏ » trong việc hỗ trợ Ukraina. Tại Matxcơva, phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh Nga, Dmitri Medvedev, liền đáp trả trên mạng xã hội X : Đã thế thì « Nga cũng không có giới hạn đối với Pháp ».

Đăng ngày:

2 phút

Le président russe Vladimir Poutine, lors de la conférence de presse donnée avec son homologue français Emmanuel Macron après leur entrevue, le 7 février 2022 à Moscou.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau cuộc họp với tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 07/02/2022, tại Matxcơva, Nga. © AP/Thibault Camus

Cùng ngày, một nhà báo Nga phát trên mạng Telegram một đoạn video với tuyên bố của phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov đánh giá : Tổng thống Macron tin vào khả năng Nga sẽ « thất bại về mặt chiến lược » và « tiếp tục nâng cao mức độ can thiệp của Pháp » vào cuộc chiến tại Ukraina. Phát ngôn viên của tổng thống Putin đồng thời nhấn mạnh đến « mâu thuẫn » trong quan điểm của Pháp với các đồng minh trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO về khả năng đưa quân sang Ukraina, bởi đề xuất này đã bị nhiều nước trong Liên Âu, đứng đầu là Đức, Tây Ban Nha, bác bỏ.

Để nhắc lại quan điểm đã đưa ra hôm 26/02/2024 nhân hội nghị quốc tế tại Paris về yểm trợ cho Ukraina, tổng thống Macron hôm qua đã triệu tập lãnh đạo các chính đảng của Pháp tại điện Elysée. Trong cuộc gặp này, ông Macron tái khẳng định « không có giới hạn »« không có lằn ranh đỏ » trong chính sách yểm trợ Ukraina.

Sau cuộc họp kín kéo dài 2 giờ 30 phút tại phủ tổng thống, lãnh đạo các đảng đối lập đã đồng loạt chỉ trích quan điểm « vô trách nhiệm » của chủ nhân điện Elysée về hồ sơ Ukraina. Đại diện của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất LFI đả kích lập trường « yểm trợ Ukraina bằng mọi giá » của ông Macron. Lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN cũng chỉ trích lập trường của tổng thống Pháp. Đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR thì cho rằng quan điểm của Pháp « không thích hợp, thậm chí là vô trách nhiệm ».

Một cố vấn của tổng thống Macron được hãng tin Pháp AFP trích dẫn nhấn mạnh  Paris không muốn đổ thêm dầu vào lửa trên hồ sơ Ukraina như đánh giá của các phe đối lập. Chính lập trường của các đảng đối lập mới là khó hiểu và đầy « mâu thuẫn ». Khi tất cả đều khẳng định « ủng hộ mạnh mẽ Ukraina » thì điều đó có nghĩa là các bên đồng ý Pháp phải luôn sát cánh với Ukraina và « làm tất cả để Nga không giành được chiến thắng, tức là không thể gạt qua một bên » bất kỳ một giải pháp nào.

Cuộc họp với lãnh đạo các chính đảng tại phủ tổng thống hôm qua là nhằm chuẩn bị cho một cuộc tranh luận tại Quốc Hội trong hai ngày 12 và 13/03/2024 về chiến tranh Ukraina. 


**************
rfa.org

Bị phạt 7,5 triệu vì đăng ảnh chồng với dòng chữ "bọn dốt nát xử người vô tội"

RFA

Bị phạt 7,5 triệu vì đăng ảnh chồng với dòng chữ "bọn dốt nát xử người vô tội"

Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Công an tỉnh Bến Tre ngày 6/3 xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Châu đăng ảnh chồng là một tù nhân lương tâm lên mạng xã hội từ năm 2019 với dòng chữ "bọn dốt nát xử người vô tội."

Chồng bà là ông Nguyễn Ngọc Ánh, sinh năm 1980, hiện đang thụ án tù sáu năm tại Trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai). Ông bị bắt ngày 30/8/2018 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

Ngày 06/3, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Công an tỉnh Bến Tre ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Châu với lý do cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 101 của Nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông,..

Bà Châu cho biết bà bị mời lên đồn công an thị trấn Bình Đại để ký nhận văn bản xử phạt. Bà nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 07/3:

Thc cht đó là schp mũ thôi chvan ninh mng thì (ch) có đưa tin vchng thôi chcó đưa tin gì vxã hi đâu mà nó chp mũ vy! Tôi thy trên mng có hình ca chng tôi vi dòng chữ ‘kdt nát xngười vô tivà nghĩ chng mình vô ti nên mình ti vmình lâu lâu mình đưa hình lên thôi còn bn dt nátthì không nói (ám ch) cơ quan nào hoc là tchc nào đâu!

Trước đó, ngày 28/2, công an huyện Bình Đại đã mời bà lên để tra hỏi về bức hình ông Nguyễn Ngọc Ánh đứng trong phòng xử án giữa năm 2019, trong ảnh có dòng chữ màu đỏ với nội dung “bọn dốt nát xử người vô tội.” Bức hình này bà đã đăng trên trang Facebook của mình nhiều năm trước nhưng không hiểu tại sao giờ công an lại lôi ra.

Bà Châu là một trong những thân nhân của tù nhân lương tâm thường xuyên đưa thông tin về việc chồng mình bị đối xử hà khắc trong trại giam lên mạng xã hội Facebook. Nhiều lần, bà bị công an địa phương mời lên làm việc về việc đăng tải thông tin trên mạng.

Bà cho rằng mục tiêu của công an địa phương là không muốn bà đưa thông tin về chồng, chia sẻ và bình luận về các vấn đề xã hội trên Facebook.

Theo bà, việc xử phạt của công an Bến Tre vi phạm quyền tự do ngôn luận vốn được ghi trong Hiến pháp Việt Nam hiện hành và có trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.

“Điu lut ca Vit Nam xpht mơ h, ging như (nhà chc trách- PV) mun làm gì thì làm, người dân nói cái gì cũng không được. Quyn tdo ngôn lun cũng không có thì làm gì mà có chữ ‘độc lp tdo hnh phúc’ ở Vit Nam!" 

Theo quyết định xử phạt, bà Châu còn phải gỡ bỏ “thông tin sai sự thật” trên danh khoản “An Duong Nguyen Phu” trong vòng bảy ngày nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Trong bài viết về việc bị xử phạt trên Facebook cá nhân, bà cho biết sẽ ký nhận biên bản xử phạt vì có nghĩa là "các anh (công an-PV) tnhn mình là kdt nát, chtrong dòng chữ đó không nói đến tên ai hay cơ quan nhà nước nào c."


***********
rfi.fr

Trung Quốc thắt chặt các luật về an ninh để « bảo vệ chủ quyền »

Thu Hằng

Hàng loạt luật mới liên quan đến an ninh quốc gia sẽ được Trung Quốc thông qua trong năm 2024. Phát biểu trước Quốc Hội ngày 08/03, nhân vật số 3 của chế độ Bắc Kinh thông báo kế hoạch cải tổ nhiều đạo luật liên quan đến giáo dục quốc phòng, an ninh mạng, ổn định tài chính và y tế để « bảo vệ chủ quyền ». Cùng ngày, Hồng Kông công bố dự thảo luật mới trừng phạt nặng các tội « phản bội, nổi dậy ».

Đăng ngày:

3 phút

Chủ tịch Quốc Hội Triệu Lạc Tế (Zhao Leji), ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ, (gồm khoảng 170 đại biểu có nhiệm vụ soạn thảo và thông qua các đạo luật) cho biết rất nhiều luật, trong đó có luật về quản lý các vấn đề cấp bách, năng lượng, năng lượng hạt nhân… sẽ được thông qua « để hiện đại hóa hệ thống và khả năng của Trung Quốc về mặt an ninh ». Ông khẳng định Quốc Hội và các cơ quan đoàn thể sẽ « kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc ».

Tuy nhiên, theo giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về chính trị Trung Quốc, Quốc Hội thể hiện quyết tâm « củng cố khuôn khổ pháp lý » các lĩnh vực « giáo dục quốc phòng và an ninh mạng », nhưng thực ra đây là « những ưu tiên của ông Tập Cận Bình » bởi vì trên thực tế Quốc Hội phụ thuộc vào đảng Cộng Sản cầm quyền.

Theo AFP, lãnh đạo Trung Quốc luôn tìm cách loại trừ mọi mối đe dọa đối với quyền lực của ông. Năm 2023, Trung Quốc đã thông qua luật chống gián điệp sửa đổi, trao thêm quyền cho Bắc Kinh trừng phạt mọi hành động bị coi là « đe dọa an ninh quốc gia ». Đến tháng 02/2024, luật về bí mật Nhà nước được bổ sung nhiều loại thông tin nhạy cảm mới, trong đó có « bí mật nghề nghiệp ».

Từ năm 2014, hơn 10 văn kiện liên quan đến an ninh quốc gia đã được Trung Quốc thông qua, trong đó có các luật về chống khủng bố, tình báo, bảo mật dữ liệu. Theo ông Changhao Wei, sáng lập trang web NPC Observer chuyên theo dõi Quốc Hội Trung Quốc, « củng cố các đạo luật liên quan đến an ninh quốc gia »« một trong những đặc trưng công tác của Quốc Hội dưới thời Tập Cận Bình (từ cuối năm 2012) ».

Đặc khu hành chính Hồng Kông cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi phải áp dụng luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt từ năm 2020, chính quyền Hồng Kông siết chặt trừng phạt mọi hành vi bị coi là « phản bội và nổi loạn » với mức án có thể lên đến tù chung thân. Luật được chính thức trình trước Nghị Viện Hồng Kông (LegCo) sáng 08/03 và chờ được thông qua.

Theo cảnh sát trưởng đặc khu Hồng Kông Đặng Bính Cường ( Chris Tang ), luật mới đáp ứng « nhu cầu thực tế và cấp bách ». Còn chủ tịch LegCo Andrew Leung khẳng định các dân biểu « sẽ nỗ lực phối hợp để bịt những lỗ hổng tồn đọng về mặt an ninh quốc gia ».


*****************

Ông Biden ra lệnh cho quân đội Mỹ xây cảng ở Gaza để chuyển hàng cứu trợ

VOA News

Tổng thống Joe Biden sử dụng bài diễn văn Thông điệp Liên bang tối ngày 7/3 để loan báo rằng ông đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ xây dựng một cảng ở Gaza để tạo điều kiện chuyển hàng viện trợ cực kỳ cần thiết cho người Palestine đang bị bao vây bởi chiến dịch quân sự của Israel chống lại Hamas.

Một quan chức chính quyền cấp cao cho các phóng viên biết trong cuộc họp báo buổi trưa cùng ngày và nói rằng đây là một bến tàu tạm thời, có sức chứa thêm hàng trăm xe tải viện trợ mỗi ngày. Các chuyến hàng ban đầu đến qua đảo Síp với sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ và liên minh các đối tác và đồng minh.

Quan chức này nói: “Chúng tôi sẽ phối hợp với người Israel về các yêu cầu an ninh trên đất liền và làm việc với Liên hiệp quốc cũng như các tổ chức nhân đạo phi chính phủ về việc phân phối viện trợ ở Gaza”.

“Khả năng quan trọng mới này sẽ mất vài tuần để lập kế hoạch và thực hiện. Các lực lượng cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ này đều đã có mặt trong khu vực hoặc sẽ sớm di chuyển đến đó.”

Quan chức này nói rằng sẽ không có sự hiện diện của quân Mỹ trên mặt đất ở Gaza. Thay vào đó, quân đội Mỹ sẽ sử dụng “khả năng độc đáo” của mình để thiết lập các cơ sở từ ngoài khơi.

Một quan chức quốc phòng cấp cao trong cùng một cuộc họp báo nói: “Ý tưởng đã được lên kế hoạch liên quan đến sự hiện diện của quân nhân Hoa Kỳ trên các tàu quân sự ngoài khơi nhưng không yêu cầu quân nhân Hoa Kỳ phải lên bờ để lắp đặt bến tàu hoặc cơ sở đường sá cho phép vận chuyển viện trợ nhân đạo vào bờ”.

Tuần trước, ông Biden đã ra lệnh cho quân đội Hoa Kỳ tham gia cùng các nước khác để thả dù hàng viện trợ xuống Gaza.

Trong nội bộ chính quyền Biden, mọi người ngày càng thất vọng trước việc Israel khăng khăng tiến hành các cuộc thanh tra khiến việc cung cấp viện trợ bị chậm lại, ngay cả khi các chuyên gia của Liên hiệp quốc cảnh báo rằng tình hình ở Gaza rất thảm khốc và sắp xảy ra nạn đói.

“Chúng tôi không chờ người Israel. Đây là thời điểm dành cho sự lãnh đạo của Mỹ và chúng tôi đang xây dựng một liên minh gồm các quốc gia để giải quyết nhu cầu cấp thiết này”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden thông báo với các phóng viên.

Các quan chức cho biết ông Biden cũng sẽ sử dụng bài phát biểu của mình trước Quốc hội để nêu bật hoàn cảnh khó khăn của các con tin Israel do Hamas bắt giữ, đồng thời thúc đẩy một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trước tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu vào cuối tuần này. Chính quyền Biden nói trách nhiệm của thỏa thuận này nằm trong tay Hamas, nhóm bị Mỹ liệt kê vào danh sách khủng bố.

“Chúng tôi nhận ra rằng những kẻ cực đoan có thể cố gắng lợi dụng tháng Ramadan để châm ngòi cho điều gì đó vô cùng đáng tiếc trong tháng thiêng liêng đó và chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta có một thời kỳ hòa bình để mọi người có thể thờ phượng,” quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói, nhấn mạnh rằng vẫn chưa chắc chắn liệu có thể đạt được thỏa thuận vào thời điểm đó hay không.


**********

NÓNG: Thụy Điển chính thức gia nhập NATO sau 200 năm trung lập

NGUYÊN HẠNH

Thụy Điển chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 7-3, hai năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson - Ảnh: REUTERS

Tại Washington, Mỹ, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã bàn giao tài liệu cuối cùng cho Chính phủ Mỹ, hoàn thành bước cuối cùng trong quy trình nhằm đảm bảo sự ủng hộ của tất cả các thành viên NATO.

"Những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói sau khi nhận được tài liệu gia nhập của Thụy Điển từ ông Kristersson.

"Đây là một thời điểm lịch sử đối với Thụy Điển, đối với liên minh của chúng tôi và đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương", ông Blinken chia sẻ.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Blinken, Thủ tướng Kristersson ca ngợi một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Thụy Điển, sau khi nước này trở thành thành viên thứ 32 của NATO.

"Sự đoàn kết và đoàn kết sẽ là ánh sáng dẫn đường cho Thụy Điển với tư cách là thành viên NATO", ông Kristersson nói.

Thủ tướng Kristersson khẳng định Thụy Điển "sẽ chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm và rủi ro với các đồng minh của mình".

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh này là một cột mốc "lịch sử".

"Sau hơn 200 năm không liên kết, Thụy Điển hiện được hưởng sự bảo vệ theo điều 5, sự đảm bảo cuối cùng cho tự do và an ninh của đồng minh (NATO)", ông Stoltenberg tuyên bố trên mạng xã hội X.

"Thụy Điển mang theo lực lượng vũ trang có năng lực và ngành công nghiệp quốc phòng hạng nhất. Việc Thụy Điển gia nhập giúp NATO mạnh hơn, giúp Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ liên minh an toàn hơn", Tổng thư ký NATO chia sẻ.

Đối với NATO, sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan - hai quốc gia có chung đường biên giới 1.340km với Nga - là sự bổ sung quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Thụy Điển sẽ được hưởng lợi từ sự bảo đảm phòng thủ chung của liên minh trên, theo đó, một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là tấn công vào tất cả.

Theo Reuters, quốc gia Bắc Âu này sẽ bổ sung các tàu ngầm tiên tiến và một phi đội máy bay chiến đấu Gripen sản xuất trong nước khá lớn cho lực lượng NATO. Thụy Điển cũng trở thành một mắt xích quan trọng giữa Đại Tây Dương và khu vực Baltic.


************

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(Yonhap) – Kim Jong Un kêu gọi quân đội gia tăng cường độ tập trận. Ngày 07/03/2024, hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cho biết lãnh đạo Kim Jong Un đã đi thị sát một căn cứ quân sự ở miền tây hôm 06/03 và chỉ đạo một số đơn vị tập trận. Chuyến thăm diễn ra chỉ hai ngày sau khi Seoul và Washington bắt đầu cuộc tập trận thường niên Freedom Shield nhằm tăng cường năng lực răn đe trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cùng với 3 quan chức cao cấp khác, xuất hiện thường xuyên hơn từ tháng 12/2023 đến tháng 02/2024. Theo báo cáo của Viện Thống Nhất Tiều Tiên, trực thuộc chính phủ Hàn Quốc, bốn quan chức này tham gia 54 sự kiện, tăng 50% so với cùng kỳ hai năm trước.

(Reuters) – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các lực lượng trong quân đội phối hợp hành động chuẩn bị cho một cuộc xung đột trên biển. Trong phát biểu hôm nay, 07/03/2024, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến phòng thủ trên biển, kêu gọi các lực lượng quân sự sẵn sằng « bảo vệ quyền chủ quyền của Trung Quốc trên biển » và lợi ích phát triển kinh tế liên quan đến giao thương hàng hải của quốc gia này. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc cần phát triển các hệ thống phòng thủ không gian và nâng cấp các hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia.

(AFP) – An ninh : Hồng Kông mở rộng khái niệm "nổi loạn". Tòa án Hồng Kông hôm nay, 07/03/2024, đã mở rộng các tiêu chí có thể dẫn đến việc bị kết án về tội "nổi loạn", một phán quyết có thể ảnh hưởng đến các phiên tòa đang xét xử các phương tiện truyền thông ủng hộ nền dân chủ. Kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc vào năm 2020, chính quyền Hồng Kông đã sử dụng tội danh xúi giục nổi loạn, có từ thời thuộc địa của Anh, để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

(RFI) – Một kĩ sư Trung Quốc làm việc cho Google bị cáo buộc ăn cắp công nghệ AI. Ngày 06/03/2024, bộ Tư Pháp Mỹ cho biết Linwei Ding, 38 tuổi, bị bắt tại nhà riêng ở Newark, bang California, vì bị cáo buộc tải trái  phép, từ tháng 05/2022, hơn 500 tài liệu nghiên cứu của Google về trí thông minh nhân tạo, kể cả khi đang ở Trung Quốc. Nhân viên này làm việc đồng thời cho hai công ty Trung Quốc chuyên về AI, trong đó có công ty do chính ông thành lập. Giám đốc FBI cho rằng những cáo buộc này là minh chứng mới nhất cho thấy các chi nhánh công ty đóng tại Trung Quốc sẵn sàng đánh cắp công nghệ của Mỹ, gây tác động nghiêm trọng đối với việc làm, nền kinh tế và an ninh quốc gia.

(RFI) – Đức bị rung chuyển trước làn sóng đình công kéo dài nhiều tuần trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cuộc đình công bắt đầu hôm nay, 07/03/2024. Các công đoàn yêu cầu nhận được tiền bù đắp cho lạm phát. Đường sắt và hàng không là hai trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề.

(Reuters) – Đảng bảo thủ PPE chỉ định bà Ursula von der Leyen ra tranh cử chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thêm một nhiệm kỳ. Trong đại hội hôm nay, 07/03/2024, của đảng PEE tại thủ đô Bucarest, Roumanie, bà von der Leyen được 400 phiếu ủng hộ và 89 người chống đối việc bà tái tranh cử để điều hành Ủy Ban Châu Âu. 

(RFI) – Quy định châu Âu về thị trường công nghệ bắt đầu có hiệu lực. Kể từ ngày 07/03/2024, sáu đại tập đoàn công nghệ, trong đó có Amazon, Apple và Alphabet (công ty mẹ của Google), sẽ phải tuân thủ những quy định đặc biệt mà Liên Hiệp Châu Âu đề ra để ngăn chận cạnh tranh không công bằng và tránh để các đại tập đoàn này lạm dụng thế độc quyền…

(AFP) – Kiện tướng cờ vua Nga Garry Kasparov bị Matxcơva liệt vào danh sách khủng bố. Theo nguồn tin của cơ quan tình báo Nga hôm qua, 06/03/2024, Matxcơva đã đưa cựu vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov vào danh sách "những kẻ khủng bố và cực đoan". Sinh năm 1963 tại Azerbaijan, khi đó là một trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô, ông Kasparov, sống lưu vong tại Hoa Kỳ từ năm 2013, là một trong những kỳ thủ cờ vua vĩ đại nhất lịch sử trước khi trở thành nhà đối lập với tổng thống Vladimir Putin.

(Reuters) – Thêm công dân 6 nước được Trung Quốc miễn thị thực. Kể từ ngày 14/03/2024, công dân 6 nước Thụy Sĩ, Ireland, Hungary, Áo, Bỉ và Luxembourg có thể nhập cảnh Trung Quốc mà không cần thị thực. Biện pháp được ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo ngày 07/03, trong buổi họp báo bên lề kỳ họp Quốc Hội tại Bắc Kinh. 


************

Xung đột Israel-Hamas tại Gaza bước sang ngày thứ 150

Phan Minh

Hôm nay, 07/03/2024, xung đột ở Gaza giữa Israel và Hamas đã bước sang ngày thứ 150, và vẫn chưa có thỏa thuận ngừng bắn nào được ký kết. Người dân ở vùng lãnh thổ Palestine này phải sống trong tình trạng hết sức khắc nghiệt, luôn phải hứng chịu những cuộc oanh tạc của Israel.

Đăng ngày:

2 phút

Israeli soldiers operate in the Gaza Strip amid the ongoing conflict between Israel and the Palestinian Islamist group Hamas, in this handout picture released on February 14, 2024
Binh lính Israel đang hoạt động tại dải Gaza. Ảnh được công bố ngày 14/02/2024. via REUTERS - ISRAEL DEFENSE FORCES

Trả lời RFI Pháp ngữ, Jean-Pierre Delomier, phó giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Handicap International cho biết về tình hình tại chỗ :

"Điều gây ấn tượng đầu tiên là người đi bộ. Họ đi bộ dưới lòng đường vì lều bạt nằm ngổn ngang trên vỉa hè. Tất cả các không gian đều bị sử dụng để đặt lều, đặt nơi trú ẩn, khiến mọi người phải đi bộ dưới lòng đường. Không còn xe cộ qua lại vì nhiên liệu khan hiếm. Xăng và dầu diesel nay rất đắt. Một số ít ô tô lưu thông được sử dụng làm taxi, và chở đến khoảng mười người trên một ô tô năm chỗ. Mọi người tìm mua thực phẩm tại các cửa hàng nhỏ được xây dựng ở đó. Những cửa hàng này bán đồ hộp, trái cây và rau củ, nhưng với số lượng rất ít. Thấy người nước ngoài ở Rafah, người dân lại gần chúng tôi, đặc biệt là trẻ em hay thanh thiếu niên, để tìm cách thu thập thông tin. Đó là điều rất ấn tượng.

Việc phân phát thực phẩm cũng được thực hiện một cách ngẫu nhiên... Nghĩa là xe tải vào đến nơi, nhưng vì lý do an toàn, không thể tiến xa hơn nữa, vì vậy, chúng tôi phân phát thực phẩm ở "đuôi xe tải". Điều này có nghĩa là việc phân phát diễn ra ngay khi xe tải vào đến nơi, thay vì hàng được dỡ xuống trước rồi mới phân phát cho mọi người. Tôi không muốn dùng từ "cướp bóc", vì tôi không chứng kiến điều đó, nhưng đó là một sự phân phát vô tổ chức. Những thanh niên đói khát ngay lập tức lao đến giành giật thực phẩm viện trợ."


***********

Nhiều lực lượng phương Tây ‘‘không trực tiếp tham chiến’’ đã có mặt ở Ukraina

Trọng Thành

Tuyên bố của tổng thống Pháp ngày 26/02/2024 không loại trừ các đồng minh ‘‘chính thức’’ gửi lực lượng quân sự đến Ukraina để hỗ trợ Kiev chống xâm lược Nga, đã gây bất đồng sâu sắc tại nhiều nước phương Tây, đặc biệt là tại Đức, do lo ngại căng thẳng với Nga bùng phát thành xung đột giữa NATO và Nga. Tuy nhiên, theo giới quan sát, tuyên bố gây sốc của tổng thống Pháp làm nổi bật lên thực tế là đã có nhiều lực lượng quân sự phương Tây có mặt tại Ukraina.

Trước hết về phía nước Pháp, trả lời đài France Info, tướng Jérôme Pellistrandi, giám đốc tạp chí Quốc phòng (Revue Défense Nationale), nhận định : ‘‘Hiện tại, nước Pháp không có các đơn vị trực tiếp tham chiến, hay tham gia vào các hoạt động tác chiến tại Ukraina. Nhưng ngược lại, khi Paris cung cấp vũ khí cho Ukraina, chúng ta cần hình dung là người Pháp phải có mặt tại chỗ để hỗ trợ sử dụng các thiết bị quân sự này, để giúp bảo dưỡng, để cung cấp thông tin’’. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Pháp giải thích : ‘‘Hiện tại bộ Quân Lực Pháp không thể chính thức khẳng định điều này, cũng như không thể nói gì về các nhân viên thuộc lực lượng tình báo đối ngoại DGSE (trực thuộc bộ Quân Lực) hiện diện tại Ukraina.’’

Theo tướng Pháp Jérôme Pellistrandi, không chỉ có Pháp, mà Mỹ và Anh cũng cử các nhân viên tình báo đến Ukraina. Trả lời báo Le Monde, một nguồn tin ngoại giao Ukraina khẳng định ‘‘tất cả các quốc gia đồng minh’’ đều có lực lượng quân sự tại Ukraina, tuy không phải ‘‘các đơn vị trực tiếp tham chiến’’.

Tình báo và đặc nhiệm phương Tây đã hiện diện

Thông tin mật rò rỉ từ nội bộ giới quân sự Đức, mà Nga công bố hôm 01/03/2024, cho thấy, ngoài phương án chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Ukraina, trao đổi giữa các sĩ quan Đức còn để lộ ra nhiều chi tiết về sự hiện quân sự Pháp và Anh trên đất Ukraina, ‘‘gây phản ứng dữ dội hiếm thấy tại Luân Đôn’’. Trên thực tế, Anh là quốc gia được coi là công khai nhất trong việc khẳng định sự hiện diện của các lực lượng nước này. Cuối tháng 2022, một cựu chỉ huy Thủy Quân Lục Chiến Hoàng gia Anh, ông Robert Magowan, thừa nhận, ‘‘một số lực lượng đặc nhiệm Anh đã tiến hành các hoạt động bí mật trong một môi trường cực kỳ nhạy cảm.’’ Đây là lần đầu tiên một quan chức quân sự Anh thừa nhận điều này. Ngày 27/02/2024, tức một ngày sau tuyên bố gây sốc của tổng thống Pháp, phát ngôn viên của thủ tướng Anh thừa nhận ‘‘có một số lượng nhỏ’’ người Anh có mặt tại chỗ ‘‘để hỗ trợ các lực lượng vũ trang Ukraina’’.

Cuối tháng 2/2024 vừa qua, báo Mỹ New York Times công bố nhiều thông tin hiếm có về các hoạt động của cơ quan tình báo Mỹ CIA tại Ukraina, trong một bài viết dài mười trang khổ A4, với tiêu đề ‘‘CIA bí mật giúp Ukraina chiến đấu chống Putin như thế nào.’’ Nhiều thông tin được coi là lần đầu tiên được giải mật. New York Times cho biết, kể từ sau cuộc cách mạng Maidan 2014, CIA bắt đầu hợp tác với chính quyền Kiev để đối phó với các tham vọng của Nga.

12 căn cứ của CIA

Các hợp tác trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm do các biến động chính trị rất lớn tại Ukraina. Trước thời điểm Nga tấn công Ukraina, cơ quan tình báo Mỹ có tổng cộng 12 căn cứ, được bố trí dọc theo biên giới với Nga, giúp Washington dự báo trước được cuộc xâm lăng ngày 24/02/2022 của Nga. Phóng viên New York Times đã trực tiếp đến thăm một trong các căn cứ nói trên.

Theo New York Times, trong cuộc chiến tranh chống xâm lược Nga hai năm vừa qua, các lực lượng tình báo Mỹ đã cung cấp cho phía Ukraina nhiều thông tin quý giá ‘‘về các địa điểm Nga chuẩn bị tấn công, các vũ khí có thể được sử dụng’’, ‘‘một số sĩ quan CIA cũng được cử đến các căn cứ của quân đội Ukraina, để phối hợp xem xét các mục tiêu của Nga mà Ukraina chuẩn bị tấn công, đối chiếu các thông tin tình báo hai bên có được để bảo đảm xác định chính xác mục tiêu’’.

Hướng dẫn sử dụng vũ khí tại chỗ

Việc sử dụng các phương tiện vũ khí hiện đại, đặc biệt là tên lửa tầm xa, mà các nước phương Tây viện trợ cho Ukraina, cũng đòi hỏi sự có mặt tại chỗ của các nhân viên quân sự các nước cung cấp phương tiện, để giúp cho việc hiệu chỉnh mục tiêu. Đây là điều mà thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra để giải thích vì sao Đức không muốn viện trợ cho Ukraina tên lửa Taurus, có tầm bắn hơn 500 km. Phát biểu ngụ ý khẳng định các nước như Anh và Pháp đã cử người đến hỗ trợ Ukraina sử dụng các tên lửa tầm xa do Luân Đôn và Paris cung cấp. Đây là điều mà Anh đã bác bỏ, nhưng Pháp thì không, theo Le Monde.

Về sự hiện diện của các lực lượng quân sự phương Tây tại Ukraina, báo mạng Mediapart có một bài viết đáng chú ý, đăng tải hôm 29/02/2024, cho biết thêm về hoạt động của các đơn vị vũ trang, chịu trách nhiệm bảo vệ các sứ quán. Cuối năm 2022, Lầu Năm Góc xác nhận đã cử một số đơn vị nhỏ, thuộc lực lượng Thủy Quân Lục Chiến, ngoài việc bảo vệ sứ quán, còn có nhiệm vụ ‘‘giám sát’’ các vũ khí phương Tây viện trợ cho Kiev. Mediapart nhắc lại là, ngay từ tháng 4/2022, báo chí Anh đã tiết lộ việc Luân Đôn cử các sĩ quan huấn luyện Anh đến đào tạo các lực lượng Ukraina tại khu vực gần thủ đô Kiev.

Macron chuẩn bị cholực lượng phương Tây chính thức hiện diện ?

Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây đã có lực lượng ‘‘không trực tiếp tham chiến’’ tại Ukraina để hỗ trợ Kiev chống xâm lược Nga, tuyên bố không loại trừ khả năng cử các lực lượng phương Tây đến Ukraina của tổng thống Pháp có ý nghĩa gì ? Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Vincent Tourret, Viện Nghiên cứu Chiến lược (Fondation de recherche stratégique), Đại học Montréal, Canada, nhấn mạnh đến một thông điệp ít được công chúng chú ý trong tuyên bố của tổng thống Pháp, nhưng có thể là ‘‘rất rõ ràng’’ đối với Nga.

Ngoài việc mở đường cho việc chính thức hóa sự hiện diện của các lực lượng quân sự phương Tây không trực tiếp tham chiến, tuyên bố của tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh đến vấn đề ‘‘an toàn của các lực lượng phương Tây’’. Theo chuyên gia Vincent Tourret, điện Elysée muốn khẳng định với Matxcơva rằng tính mạng của các binh sĩ phương Tây được cử đến Ukraina là ‘‘lằn ranh đỏ’’, cho thấy quyết tâm của đồng minh Ukraina sẵn sàng đối mặt với chế độ Putin.

Theo chuyên gia quân sự Olivier Schmitt, Đại học Nam Đan Mạch, được Mediapart trích dẫn, vấn đề cử công binh cũng như nhân viên quân sự phụ trách khâu hậu cần, nhân viên chiến tranh điện tử… đã được các nước châu Âu bắt đầu bàn đến từ tháng 11/2023. Ngày 05/03, tổng thống CH Séc Petr Pavel là lãnh đạo châu Âu đầu tiên chính thức ủng hộ quan điểm của tổng thống Pháp, khẳng định ‘‘đồng tình với việc tìm kiếm các biện pháp mới, bao gồm thảo luận về việc đưa lực lượng đến Ukraina’’ cho dù không phải là ‘‘các lực lượng tác chiến’’, vốn vẫn được coi là ‘‘lằn ranh đỏ’’ giữa NATO và Nga.

Khối NATO, mà Pháp là một thành viên, không đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, không cử quân đội tham chiến trực tiếp chống Nga tại Ukraina, nhưng ‘‘các lực lượng quân sự không trực tiếp tham chiến’’ thì có thể được triển khai, để không cho Nga chiến thắng tại Ukraina. Đó là cảnh cáo mạnh mẽ của tổng thống Pháp gửi đến Matxcơva, và cũng là lời hiệu triệu của Paris gửi đến các đồng minh, đối tác của Kiev. 


********
voatiengviet.com

Một thủy thủ Việt thiệt mạng trong vụ tấn công của Houthi ở Biển Đỏ, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án

VOA Tiếng Việt

Một cuộc tấn công bằng tên lửa của phiến quân Houthi đã giết chết ba thủy thủ, bao gồm một người Việt và 2 người Philippines, trên một tàu buôn ở Biển Đỏ hôm thứ Tư (7/3), Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên được báo cáo kể từ khi nhóm phiến quân của Yemen liên kết với Iran bắt đầu các cuộc tấn công nhắm vào tàu bè ở một trong những tuyến thủy lộ thương mại sầm uất nhất thế giới, nhằm phản đối cuộc chiến của Israel với Hamas ở Dải Gaza.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng hôm 7/3 đã xác nhận thông tin này với các phóng viên. Bà Hằng cho biết Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út kiêm nhiệm Yemen và Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Djibouti liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị cung cấp thông tin về tình trạng các công dân Việt Nam trên tàu, tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân, xử lý các vấn đề hậu sự cho thuyền viên tử vong nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.

“Việt Nam cực lực lên án hành vi tấn công bạo lực, vô nhân đạo nhằm vào dân thường vô tội và các phương tiện dân sự trên các tuyến hàng hải quốc tế. Chúng tôi yêu cầu các bên liên quan chấm dứt ngay lập tức các hành động sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do cho các tuyến hàng hải quốc tế trên cơ sở phù hợp luật pháp quốc tế”, báo Dân Trí dẫn lời bà Hằng nói.

Houthi đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công khiến tàu True Confidence, mang cờ Barbados thuộc sở hữu của Hy Lạp, bốc cháy cách bờ biển Aden của Yemen khoảng 50 hải lý.

Theo Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, một tên lửa đạn đạo chống hạm được phóng từ khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen đã bắn trúng tàu True Confidence, gây thiệt hại đáng kể cho con tàu. Ngoài 3 người thiệt mạng, còn có ít nhất 4 thành viên thủy thủ đoàn bị thương, trong đó có 3 người trong tình trạng nguy kịch. Hai bức ảnh chụp từ trên không do quân đội Mỹ công bố cho thấy cầu tàu và hàng hóa trên tàu bốc cháy, AP đưa tin.

Sau khi tên lửa bắn trúng, thủy thủ đoàn đã bỏ tàu và triển khai xuồng cứu sinh. Một tàu chiến Mỹ và hải quân Ấn Độ đã có mặt tại hiện trường, cố gắng hỗ trợ cứu hộ.

Các nhà quản lý và chủ tàu cho biết thủy thủ đoàn gồm 20 người, trong đó có 1 người Ấn Độ, 15 người Philippines và 4 người Việt Nam. Ba vệ sĩ có vũ trang, hai người từ Sri Lanka và một người từ Nepal, cũng có mặt trên tàu. Con tàu chở thép từ Trung Quốc đến Jeddah, Ả Rập Saudi.

“Một thành viên thủy thủ đoàn người Việt Nam và hai người Philippines đã thiệt mạng”, AP dẫn một tuyên bố từ chủ sở hữu và người quản lý của tàu True Confidence cho biết vào đầu ngày thứ Năm. “Thêm hai thành viên thủy thủ đoàn người Philippines bị thương nặng. Tất cả thành viên thủy thủ đoàn đã được đưa đến Djibouti”.

Cục Lao động nhập cư Philippines xác nhận số người chết và số người bị thương trong vụ tấn công.

Philippines “kêu gọi tiếp tục nỗ lực ngoại giao để giảm căng thẳng và giải quyết các nguyên nhân của cuộc xung đột hiện nay ở Trung Đông”, Cục này nói, vẫn theo AP.

“Những cuộc tấn công liều lĩnh này của Houthi đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu và cướp đi sinh mạng của những người đi biển quốc tế chỉ đang làm công việc của họ, một trong những công việc khó khăn nhất trên thế giới và là những công việc mà công chúng toàn cầu dựa vào để duy trì chuỗi cung ứng”, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ nói.

Thiếu tướng Yahya Saree, phát ngôn viên của Houthi, sau khi lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công trong một tin nhắn được ghi âm trước, nói rằng các cuộc tấn công của nhóm phiến quân sẽ chỉ dừng lại khi nào “cuộc bao vây người Palestine ở Gaza được dỡ bỏ”.

Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết LHQ đã lên tiếng kêu gọi Houthi “chấm dứt mọi cuộc tấn công nhằm vào tàu bè quốc tế ở Biển Đỏ”, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc tấn công đang tiếp diễn, bao gồm cả vụ việc mới nhất.

Ông Dujarric nói rằng các cuộc tấn công đang gây ra rủi ro “đối với tài sản, tính mạng và hệ sinh thái trong khu vực”.

Tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, người phát ngôn Matthew Miller đã lên án vụ tấn công.

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi những cuộc tấn công liều lĩnh vốn dĩ không quan tâm đến sự an toàn của thường dân vô tội đang đi qua Biển Đỏ. Và bây giờ, thật đáng tiếc và bi thương, chúng đã giết hại thường dân vô tội”, ông nói với các phóng viên.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cảnh báo riêng rằng “Mỹ sẽ tiếp tục hành động”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Washington sẽ tiếp tục quy trách nhiệm cho người Houthi và kêu gọi các chính phủ trên thế giới cũng làm như vậy.

Ngoại trưởng Anh Lord Cameron nói ông “kinh hoàng khi nghe biết về những cái chết” và lên án “các cuộc tấn công liều lĩnh và bừa bãi” của Houthi. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng lên vì tự do hàng hải và củng cố lời nói bằng hành động”.

Phiến quân Houthi đã nhiều lần nhắm mục tiêu tấn công vào các tàu ở Biển Đỏ và các vùng biển xung quanh từ khi xảy ra cuộc chiến Israel-Hamas, nhưng cho đến ngày 7/3 vẫn chưa giết chết bất kỳ thành viên thủy thủ đoàn nào.

Bất chấp các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu đã kéo dài hơn một tháng rưỡi, phiến quân Houthi vẫn có khả năng tiến hành các cuộc tấn công đáng kể, bao gồm vụ tấn công vào tháng trước nhằm vào tàu Rubymar chở phân bón, khiến tàu bị chìm hôm thứ Bảy sau khi trôi dạt trong vài ngày, và vụ bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ trị giá hàng chục triệu đô la.

Mặc dù lực lượng dân quân luôn tuyên bố họ sẽ tấn công các tàu có liên kết với Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Israel, nhưng các nguồn tin trong ngành vận tải biển nói với Reuters rằng tất cả các tàu đều có thể gặp rủi ro.

Hiện chưa rõ lý do Houthi nhắm tấn công vào tàu True Confidence.

Con tàu thuộc sở hữu của công ty True Confidence Shipping đã đăng ký tại Liberia và được điều hành bởi Third January Maritime có trụ sở tại Hy Lạp, Reuters dẫn tuyên bố chung của cả hai công ty cho biết. Họ nói rằng con tàu không có mối liên hệ nào với Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, theo AP, trước đây tàu True Confidence thuộc sở hữu của Oaktree Capital Management, một quỹ có trụ sở tại Los Angeles chuyên tài trợ trả góp cho các tàu thuyền. Oaktree từ chối bình luận với hãng tin Mỹ.

Các cuộc tấn công của Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu, buộc các công ty phải định tuyến lại đi vòng quanh châu Phi khiến cho các hành trình dài hơn và đắt đỏ hơn. Chi phí bảo hiểm cho chuyến đi bảy ngày qua Biển Đỏ đã tăng lên hàng trăm nghìn đô la.

Stephen Cotton, tổng thư ký Liên đoàn Công nhân Vận tải Quốc tế (ITF), hiệp hội thuyền viên hàng đầu thế giới, kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ các thành viên của mình.

“Chúng tôi đã liên tục cảnh báo cộng đồng quốc tế và ngành hàng hải về những rủi ro ngày càng gia tăng mà những người đi biển ở Vịnh Aden và Biển Đỏ phải đối mặt. Giờ đây chúng tôi thấy những cảnh báo đó đã được xác nhận một cách bi thảm”, Reuters dẫn lời ông Cotton nói.


************

Litva: Nga có khả năng chiến đấu ở Ukraine ít nhất 2 năm nữa

Reuters

Giá dầu cao, việc trốn tránh các lệnh trừng phạt và đầu tư nhà nước đang cung cấp cho Nga đủ nguồn lực để chiến đấu ở Ukraine với cường độ hiện tại trong ít nhất hai năm nữa, các cơ quan tình báo Litva cho biết trong một báo cáo hôm 7/3.

Trong đánh giá hàng năm về các mối đe dọa mà đất nước vùng Baltic phải đối mặt, cơ quan này cho biết Nga đã cải tổ và tăng cường quân đội ở Ukraine vào năm 2023 và đang trên đà mở rộng khả năng quân sự dọc biên giới với NATO, bao gồm cả phần giáp với Phần Lan, quốc gia đã gia nhập liên minh này vào năm ngoái.

“Moscow có thể đánh giá các bài học kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả chiến đấu của mình”, các cơ quan của Litva cho biết thêm trong báo cáo bị cấm công bố cho đến sáng ngày 7/3.

Báo cáo chung này là sự hợp tác của hai cơ quan: Cục An ninh phản gián Nhà nước và Cục An ninh và Tình báo Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng Litva.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga hôm 5/3 cho biết nước này đã tăng cường lực lượng quân sự ở phía bắc và phía tây đất nước để đáp trả việc NATO tăng cường lực lượng dọc biên giới nước này.

Litva, nước láng giềng của cả Nga và đồng minh Belarus của họ, từng nằm dưới sự cai trị của Moscow nhưng hiện là thành viên của NATO và Liên minh châu Âu.

Các cơ quan của Litva viết trong báo cáo rằng tình báo Nga đang thúc đẩy các nỗ lực trốn tránh các lệnh trừng phạt áp đặt lên ngành công nghiệp quốc phòng của nước này sau khi xâm chiếm Ukraine.

Vẫn theo các cơ quan này, trong khi Nga chỉ được cung cấp vũ khí và đạn dược một cách công khai bởi Iran và Triều Tiên, Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp vi mạch lớn nhất và đồng nhân dân tệ đã trở thành đồng tiền chính trong các giao dịch quốc tế của Nga.

Họ nói thêm rằng kể từ khi Nga triển khai đầu đạn quân sự ở Belarus vào năm 2023, nước này đã liên tục xây dựng cơ sở hạ tầng để sử dụng ở đó.

Báo cáo cho biết các cơ quan tình báo Nga và Belarus đã tăng cường nỗ lực tuyển dụng những người Litva vượt biên và Litva đã bắt giữ một số công dân của mình vào năm 2023, những người mà họ cáo buộc cung cấp dữ liệu cho tình báo Belarus để lấy tiền mặt.

Đối với Trung Quốc, các cơ quan này cho biết Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực do thám ở Litva vào năm 2023, sau quyết định của Litva cho phép Đài Loan mở đại sứ quán trên thực tế trên lãnh thổ của họ vào năm 2021.

Theo báo cáo, những kẻ tấn công mạng “có liên kết với Trung Quốc” thường xuyên thăm dò các lỗ hổng bảo mật của các tổ chức chính phủ Litva “nhằm mục đích xâm nhập mạng của họ và lấy cắp dữ liệu”.


************
voatiengviet.com

Moldova ký hiệp ước quốc phòng với Pháp vì lo ngại về Nga

Reuters

Tổng thống Moldova hôm 7/3 ký hiệp định hợp tác quốc phòng với Pháp, cảnh báo rằng Nga đang tiếp tục những âm mưu gây bất ổn cho đất nước của bà và rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ tiếp tục nếu không bị ngăn lại ở Ukraine.

Chuyến thăm của bà Maia Sandu tới Paris, cũng nhằm để ký kết một lộ đồ kinh tế, diễn ra trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đang tìm cách tăng cường năng lực cho Moldova, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ, giữa những mối lo ngại về âm mưu gây bất ổn ngày càng tăng của Nga.

“Nếu kẻ xâm lược không bị dừng lại, hắn ta sẽ tiếp tục tiến lên và tiền tuyến sẽ tiếp tục bị đẩy đến gần hơn. Gần chúng tôi hơn. Gần các bạn hơn,” bà Sandu nói. "Châu Âu do đó phải thể hiện một mặt trận thống nhất."

Moldova, nước láng giềng phía Tây của Ukraine với ngân sách quốc phòng nhỏ bé, đã chứng kiến mối quan hệ vốn căng thẳng từ lâu với Moscow trở nên tồi tệ hơn khi nước này ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

Nga có quân đội và lực lượng gìn giữ hòa bình đóng tại Transdniestria, một vùng ly khai của Moldova vốn duy trì quyền tự trị trong ba thập kỷ qua với sự hỗ trợ của Điện Kremlin.

Moscow cho biết họ buộc phải can thiệp vào Ukraine hai năm trước để tự bảo vệ mình trước sự xâm lược và đe dọa từ liên minh quân sự NATO và rằng những tuyên bố về tham vọng lãnh thổ xa hơn là sự hù dọa vô căn cứ của phương Tây.

‘Áp lực’ từ Nga

Hiệp định quốc phòng giữa Pháp và Moldova đặt ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đào tạo, đối thoại thường xuyên và chia sẻ thông tin tình báo trong tương lai.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết sẽ mở một văn phòng phái bộ quốc phòng ở thủ đô Chisinau của Moldova vào mùa hè này để giúp đánh giá nhu cầu và các cuộc đàm phán đã bắt đầu về các hợp đồng cung cấp vũ khí.

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết thỏa thuận này đánh dấu quyết tâm của Pháp trong việc bảo vệ và giúp Moldova.

Giám đốc tình báo Moldova tuần này nói rằng Nga đang lên kế hoạch cho những âm mưu can thiệp mới bằng cách kích động biểu tình, can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và phá vỡ kế hoạch gia nhập Liên minh châu Âu của Moldova.

“Chế độ ở Moscow tìm cách kiểm soát đất nước của chúng tôi thông qua tống tiền năng lượng, tài trợ cho các cuộc biểu tình, thực hiện các chiến dịch thông tin sai lệch, tiến hành các cuộc tấn công mạng, can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi, đổ tiền bẩn vào và thậm chí tìm cách đảo chính,” bà Sandu nói.

"Nhưng chúng tôi không lùi bước."


***********

Đảng Dân chủ ở Hạ viện Mỹ điều tra cáo buộc Nga sử dụng mạng Starlink

Reuters

Các thành viên Đảng Dân chủ ở Hạ viện Hoa Kỳ đang điều tra xem liệu SpaceX có làm đủ để ngăn Nga sử dụng dịch vụ internet vệ tinh Starlink cho cuộc chiến xâm lược Ukraine hay không, hai nhà lập pháp Mỹ cho biết hôm 7/3.

Trong một lá thư gửi SpaceX, hai đảng viên Đảng Dân chủ cho biết cáo buộc của các quan chức tình báo Ukraine rằng lực lượng quân sự Nga sử dụng thiết bị đầu cuối của Starlink ở miền đông Ukraine là đáng báo động và rằng việc triển khai này có thể vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Dân biểu Jamie Raskin và Robert Garcia viết trong thư gửi Chủ tịch SpaceX Gwynne Shotwell rằng việc Nga bị cáo buộc “sử dụng sai mục đích các thiết bị đầu cuối Starlink bên ngoài biên giới được quốc tế công nhận của Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh Ukraine, tính mạng của người Ukraine và an ninh quốc gia Hoa Kỳ”.

Điện Kremlin phủ nhận việc quân đội Nga sử dụng Starlink, một công ty con của SpaceX thuộc sở hữu của tỷ phú Mỹ Elon Musk.

Đại diện của SpaceX đã không trả lời yêu cầu bình luận về bức thư, được tờ The Washington Post đăng tải đầu tiên.

Các thiết bị đầu cuối Starlink cung cấp kết nối Internet tốc độ cao, được đưa vào hỗ trợ Ukraine sau khi Nga đưa quân xâm lược nước này vào tháng 2 năm 2022, và chứng tỏ được tầm quan trọng đối với hệ thống liên lạc trên chiến trường của Kyiv.

Vào tháng 2 vừa qua, các quan chức Ukraine cáo buộc rằng Nga đã mua các thiết bị đầu cuối từ các nước Ả Rập và đã triển khai chúng tại các khu vực mà Nga chiếm của Ukraine. Kyiv đã yêu cầu SpaceX ngăn chặn Moscow sử dụng chúng ở những khu vực bị Nga chiếm đóng.

Starlink đã tuyên bố rằng họ không kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào với chính phủ hoặc quân đội Nga, và ông Musk, trong một bài đăng trên X vào tháng trước, nói rằng các thông tin cho rằng công ty đang bán thiết bị đầu cuối cho Nga là sai sự thật.

Cuộc điều tra của các nhà lập pháp Mỹ diễn ra trong bối cảnh các quốc gia phương Tây đang nỗ lực giúp Ukraine có thêm vũ khí và tài chính sau cuộc phản công thất bại của Kyiv vào mùa hè năm ngoái và sau khi lực lượng Nga giành lại thế chủ động trên chiến trường.

Trong bức thư đề ngày 6/3, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ đã yêu cầu SpaceX trả lời trước ngày 20 tháng 3.

***********

Tin tức thế giới 8-3: Sĩ quan Mỹ bán bí mật quốc phòng cho Trung Quốc; 'Nữ tướng' EU được tín nhiệm

NHẬT ĐĂNG

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ đọc thông điệp liên bang

Tối 8-3, theo giờ Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đọc thông điệp liên bang năm 2024.

Thường bị xem là một bài diễn văn nhàm chán, thông điệp năm nay của ông Biden lại rất được chờ đợi. Giới quan sát cho rằng đây là thời điểm để ông Biden chứng tỏ nhiều điều.

Đầu tiên, bài diễn văn dài này sẽ là lúc người xem đánh giá liệu ông Biden còn đủ sắc bén để lãnh đạo nước Mỹ thêm 4 năm nữa hay không. Hiện nay vị tổng thống 81 tuổi này đang là ứng viên số một của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2024.

Thứ hai, trên đường cạnh tranh để ở lại Nhà Trắng, ông Biden được kỳ vọng sẽ đưa ra những thông điệp quan trọng về sự khởi sắc của kinh tế Mỹ sau giai đoạn khó khăn, quan điểm của ông về tình hình biên giới, cũng như các chính sách khác.

Quan trọng nhất, đây được đánh giá là thời cơ để ông Biden chuyển hướng sang những mặt yếu của đối thủ tiềm năng Donald Trump.

Ông Trump giờ cũng là ứng viên gần như chắc suất được đề cử bên Đảng Cộng hòa và có thể tái đấu ông Biden tại tổng tuyển cử tháng 11 tới.

Sĩ quan Mỹ bị bắt vì bán bí mật quốc phòng, nghi bán cho Trung Quốc

Một nhà phân tích tình báo quân đội Mỹ vừa bị bắt vào hôm 7-3, với cáo buộc cung cấp thông tin quốc phòng cho Trung Quốc.

Theo AFP, người vừa bị bắt là trung sĩ Korbein Schultz, người đã được kiểm tra và cho phép nắm thông tin tối mật. Ông Schultz bị bắt tại căn cứ quân sự Fort Campbell ở khu vực giáp ranh giữa Kentucky và Tennessee. Bộ Quốc phòng Mỹ không nói rõ ông Schulz gửi thông tin cho quốc gia nào, nhưng truyền thông Mỹ rộ tin ông đã cung cấp bí mật cho Trung Quốc.

Cáo trạng ghi ông Schultz đã chuyển tài liệu cho một đầu mối tại Hong Kong từ tháng 6-2022, trong đó có bản đồ, hình ảnh liên quan tới lĩnh vực quốc phòng ở Mỹ. Người này bị cáo buộc nhận tổng cộng 42.000 USD cho các thông tin trên.

Bộ Tư pháp Mỹ nói thông tin bị rò rỉ bao gồm các kế hoạch tiềm năng trong trường hợp Đài Loan bị tấn công. Cáo trạng của ông Schultz cũng được đưa ra sau khi hai thành viên hải quân Mỹ bị bắt giữ tại bang California với cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.

Ông Trump không được hoãn phán quyết về vụ "bôi nhọ"

Hôm 7-3, một thẩm phán liên bang đã từ chối yêu cầu hoãn thi hành phán quyết nhằm vào cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, liên quan tới vụ việc bôi nhọ nhà văn E. Jean Carroll.

Phán quyết này do thẩm phán Lewis Kaplan ở Manhattan đưa ra, trong đó ông Trump phải bồi thường 83,3 triệu USD. Vào tháng 6-2019, bà Carroll, cây bút của tạp chí Elle trước đây, cáo buộc ông Trump bôi nhọ bà khi bác bỏ thông tin nói ông cưỡng hiếp bà từ những năm 1990.

Ông Kim Jong Un thị sát cuộc tập trận của Triều Tiên

Ngày 7-3, truyền thông Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã thị sát một cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn ở Triều Tiên, giữa lúc Bình Nhưỡng phản đối cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, vốn đã bắt đầu từ tuần này.

Theo KCNA, cuộc diễn tập pháo binh của Triều Tiên hôm 7-3 nhằm tăng cường mức độ sẵn sàng tác chiến và khả năng chiến đấu trên thực tế của quân đội. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi quan sát cuộc tập trận này đã thể hiện sự hài lòng khi quân đội "hoàn toàn sẵn sàng cho việc huy động liên tục trước các trận chiến".

Trước đó, Triều Tiên cảnh báo Hàn Quốc và Mỹ phải trả giá đắt cho việc tập trận - vốn thường bị Triều Tiên nhìn nhận như một hành động khiêu khích.

Bà von der Leyen được đề cử tiếp tục làm chủ tịch Ủy ban châu Âu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - Ảnh: REUTERS

Hôm 7-3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã được Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) đề cử tiếp tục một nhiệm kỳ nữa.

Tại đại hội thường niên của EPP, đảng này đã bỏ phiếu thông qua quyết định trên. Bà von der Leyen nhận 400 phiếu tán thành trên tổng số 489 phiếu, qua đó dẫn đầu danh sách EPP trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Trong bài phát biểu đưa ra trước đó cùng ngày, bà cam kết đem lại hòa bình, thịnh vượng và an ninh cho người dân châu Âu.

Bà von der Leyen nhậm chức chủ tịch Ủy ban châu Âu từ năm 2019, là người được mô tả có uy tín trong mắt giới lãnh đạo châu Âu. Người phụ nữ này đã nắm quyền tại châu Âu trong thời điểm Liên minh châu Âu (EU) đối diện nhiều khó khăn về chính trị, an ninh, và cả đại dịch COVID-19.

Liên Hiệp Quốc lên tiếng vụ tấn công tàu hàng ở Biển Đỏ

Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về vụ tấn công nhằm vào tàu hàng True Confidence trên Biển Đỏ khiến ba người thiệt mạng. Ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cho rằng vụ tấn công tàu hàng True Confidence trên Biển Đỏ làm dấy lên mối lo về sự an toàn của người chở hàng thương mại, cũng như làm gián đoạn kinh tế toàn cầu.

Các tàu hàng trên Biển Đỏ thời gian qua trở thành đích ngắm của lực lượng Houthi ở Yemen. Houthi tấn công các tàu chở hàng như một cách phản đối Mỹ và Israel về chuyện Israel mở chiến dịch tấn công Dải Gaza, nơi tổ chức Hồi giáo Hamas của người Palestine đang kiểm soát.

Chiến dịch tấn công Gaza của Israel đã làm chết khoảng 30.000 người kể từ đầu tháng 10-2023 đến nay.

Cạn khô nguồn sống

Một chiếc thuyền nhỏ nằm trên phần đáy đã cạn khô của hồ Cuitzeo (bang Michoacán, Mexico). Theo các nhà khoa học, cái hồ lớn thứ 2 của Mexico này đã mất gần 75% lượng nước, gây ra biết bao khốn khó cho các ngư dân địa phương. (Enrique Castro/AFP)

Một chiếc thuyền nhỏ nằm trên phần đáy đã cạn khô của hồ Cuitzeo (bang Michoacán, Mexico). Theo các nhà khoa học, cái hồ lớn thứ 2 của Mexico này đã mất gần 75% lượng nước, gây ra biết bao khốn khó cho các ngư dân địa phương. (Enrique Castro/AFP)


**************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn