Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 05-03 -2024

Thứ Ba, 05 Tháng Ba 20244:09 SA(Xem: 1579)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 05-03 -2024

Hoaluc 4

************
rfi.fr

Crimée bị sáp nhập: Sự ra đời của chủ nghĩa đế quốc Nga mới

Phan Minh

Mười năm trước, gần như không cần phát súng nào, Liên Bang Nga đã chiếm được bán đảo Crimée từ tay Ukraina chỉ trong vòng 3 tuần. Với vụ sáp nhập ngoạn mục này, Vladimir Putin thực sự thách thức phương Tây, lúc đó vừa bàng quan, vừa bất lực. 

Rạng sáng ngày 27/02/2014, khoảng 50 “binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây” đã xuất hiện ở Quốc Hội Crimée tại thành phố Simferopol. Cầm vũ khí, đội mũ trùm đầu và không đeo phù hiệu, nhóm lính này treo cờ Liên Bang Nga lên đỉnh tòa nhà Quốc Hội.

Ukraina lúc đó đang trong tình trạng hỗn loạn sau nhiều tháng bị khủng hoảng chính trị đi kèm với những cuộc biểu tình. Tổng thống Ukraina thân Nga Viktor Yanukovych bị phế truất hai ngày trước đó, và không ai biết nhóm binh sĩ này là ai và có ý đồ gì.

Buổi tối cùng ngày, trước sự chứng kiến của nhóm lính vũ trang này, Sergei Axionov được bầu làm thủ tướng Crimée. Axionov là một doanh nhân bị nghi ngờ có dính líu đến tội phạm có tổ chức, là lãnh đạo đảng “Thống nhất Nga”. Ngay lập tức, Axionov yêu cầu sự hỗ trợ từ phía Matxcơva và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập bán đảo vào Nga.

Ngày hôm sau, 28/02/2014, lực lượng biên phòng Ukraina thông báo về sự xuất hiện của trực thăng quân sự Nga không đáp lại các cuộc gọi của họ. Xuống trực thăng, nhóm lính này ngay lập tức nắm quyền kiểm soát các sân bay Sevastopol và Simferopol. Họ cũng không đeo phù hiệu và tự nhận là “tình nguyện viên, có mặt để ngăn chặn cuộc đổ bộ của những kẻ phát xít hoặc những kẻ cực đoan đến từ miền Tây Ukraina”.

Ngày 01/03/2014, hai ngày sau sự xuất hiện của “nhóm binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây”, Vladimir Putin yêu cầu Duma, Hạ Viện Nga, bật đèn xanh cho việc đưa quân đến Crimée. Tại Kiev, chính phủ mới lên nắm quyền sau phong trào Maidan thân châu Âu hiểu rằng đó là một “cuộc xâm lược” và một “cuộc chiếm đóng vũ trang” và ra lệnh đóng không phận, nhưng đã quá muộn.

Ngày 06/03/2014, Quốc Hội Crimée yêu cầu được sáp nhập với Nga. 10 ngày sau đó, hai triệu cư dân Crimée bỏ phiếu về việc sáp nhập với Nga, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo 96,77%, trong một cuộc trưng cầu dân ý mà cả Ukraina lẫn cộng đồng quốc tế đều không công nhận.

Hoa Kỳ, Pháp và Đức đều lên án “mạnh mẽ” hành động sáp nhập bất hợp pháp, chiếu theo luật pháp quốc tế. Phương Tây ban hành những lệnh trừng phạt đầu tiên, chủ yếu nhắm vào các nhà tài phiệt và ngân hàng Nga. Tuy nhiên, mọi người tỏ ra vui sướng ở Matxcơva. Arnaud Dubien, giám đốc đài quan sát Pháp-Nga ở Matxcơva, giải thích rằng uy tín của Vladimir Putin đã tăng vọt, “bởi đối với người dân Nga, việc Crimée thuộc về Ukraina luôn bị coi là sự phi lý tột cùng”.

Dubien nói thêm : “Vào thời điểm đó, tôi có thể khẳng định toàn bộ nước Nga phấn khởi. Tôi thấy những người chống Putin cũng tán thành việc sáp nhập Crimée. Có một cảm giác hưng phấn kéo dài vài tháng.”

Xung đột Nga-Ukraina và chiến lược đế quốc

Theo Arnaud Dubien, “hành động sáp nhập Crimée là một phản ứng trực tiếp của Matxcơva đối với việc tổng thống Yanukovych bị Kiev lật đổ. Nếu không xảy ra phong trào Maidan, Crimée sẽ không bị Nga sáp nhập. Đây là bước đầu của phản ứng từ Nga đối với điều mà Putin coi là một cuộc đảo chính do phương Tây tiến hành”.

Tuy nhiên, theo Michel Foucher, đại sứ Pháp tại Latvia vào những năm 2000, tốc độ và phương thức hành động của vụ sáp nhập Crimée cho thấy đó không phải là quyết định được đưa ra một cách chóng vánh. Kế hoạch tái chiếm Ukraina từng bước một, là dự án của Vladimir Putin kể từ khi ông trở thành tổng thống năm 2000. Ông Foucher cho rằng tổng thống Nga, người đã đặt tượng bán thân của sa hoàng Pierre Đại Đế và Ekaterina II trong văn phòng ở điện Kremlin, luôn mơ ước “khôi phục nước Nga vĩ đại, hay chính xác hơn là giành lại quyền kiểm soát cái gọi là thế giới Nga (Russkiy Mir), tức là tất cả các vùng lãnh thổ có người Nga nói tiếng Nga”.

Cho dù sáp nhập Crimée là phản ứng trước chiến thắng của phe thân phương Tây ở Kiev, hay là một kế hoạch nung nấu từ lâu của chính quyền Matxcơva, “thì đối với Nga, Ukraina là một quốc gia rất đặc biệt mà họ chia sẻ lịch sử lâu đời”, theo Arnaud Dubien. “Viễn cảnh Ukraina ngả theo phương Tây, cụ thể là gia nhập Liên Hiệp châu Âu (EU) và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), là một lằn ranh đỏ khiến Putin phải đưa ra những quyết định quyết liệt vào năm 2014, và sau đó là vào năm 2022. Đối với chính quyền Nga, tầm quan trọng của Ukraina biện minh cho việc chấp nhận rủi ro lớn.”

Sự mù quáng của phương Tây

Năm 2014, việc Nga sáp nhập Crimée đã khiến chính phủ Ukraina bất ngờ và phương Tây cũng không có phản ứng gì. Chỉ 2 tháng sau đó, Matxcơva phát động một chiến dịch tương tự ở Donbass của Ukraina. Tháng 04/2014, Nga huy động các nhóm lính địa phương tiếp quản các vùng (khu vực) Donetsk và Luhansk, lấy lý do hỗ trợ những người dân nói tiếng Nga đang bị “phát xít” ở Kiev đàn áp. Michel Foucher cho biết “nhóm lính này cũng không có phù hiệu, và không thể chứng minh đó là lực lượng đặc biệt của Nga, khi họ tự nhận là lực lượng tự vệ địa phương, một sự dàn dựng hoàn hảo”.

Tuy nhiên, Kiev đã có phản ứng với chiến dịch ở Donbass, nhằm hạn chế sự kiểm soát của lực lượng thân Nga và “nhóm binh sĩ mặc quân phục xanh lá cây” đối với hai nước cộng hòa ly khai khỏi Ukraina. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, từ năm 2014 đến năm 2022, cuộc chiến ở Donbass giữa Kiev và Matxcơva đã khiến 15.000 người thiệt mạng ở cả hai phe.

Ngày 24/02/2022, 8 năm sau hai cuộc tấn công ở Crimée và Donbass, Vladimir Putin quyết định xua quân tấn công toàn bộ Ukraina. Matxcơva có ý định đánh chiếm Kiev trong vài ngày và sau đó là phần còn lại của đất nước. Từ Crimée, quân đội Nga nắm quyền kiểm soát phần lớn miền nam Ukraina và đe dọa thành phố Odessa. Đó là cú sốc rất lớn đối với phương Tây, bởi điều mà họ coi là xung đột Nga-Ukraina năm 2014 đã trở thành mối đe dọa ở sát biên giới của họ.

MicheL Foucher tỏ ra tiếc nuối : “Phương Tây đã thể hiện sự yếu kém vào năm 2014. Chúng ta đã nói với Ukraina, 'mọi chuyện đã kết thúc, hãy quên Crimée đi, bán đảo này chưa bao giờ thuộc về Ukraina', với hy vọng mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Đối với Đức, chính vì phụ thuộc vào khí đốt của Nga mà thủ tướng Angela Merkel lẫn Gerhard Schroeder đã chấp nhận Nordstream (cả hai đều ủng hộ việc xây dựng hai đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho Đức dưới biển Baltic). Về phía Pháp, chúng ta vẫn bị mê hoặc bởi một nước Nga thần thánh và văn hóa Nga, nghĩa là chúng ta có một tầm nhìn quá lãng mạn về nước Nga. Chỉ có Anh Quốc là tỏ ra sáng suốt. Sau khi Nga sáp nhập Crimée, Luân Đôn đã bắt đầu huấn luyện một phần binh sĩ Ukraina. Bởi đối với Anh Quốc, Nga vẫn luôn là một đối thủ ở Địa Trung Hải và châu Á.”

Tham vọng địa chính trị của Nga tái sinh

Việc sáp nhập Crimée 10 năm trước đã làm thay đổi đáng kể bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Thay cho một nước Nga tàn tạ thời hậu Xô Viết là một cường quốc chống phương Tây dường như quyết tâm sắp xếp lại bàn cờ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Từ năm 2006, Vladimir Putin đã lên án việc NATO và Liên Âu liên tục mở rộng tới đường biên giới Nga. Theo chủ nhân điện Kremlin, đó là kết quả của sự sỉ nhục về chính trị và kinh tế mà đất nước ông đã hứng chịu trong những năm 1990.

Arnaud Dubien giải thích : “Việc sáp nhập Crimée vào năm 2014 là thành quả của một quá trình được khởi động từ trước đó rất lâu, và có thể bắt nguồn ở Kosovo từ năm 1999. Đối với Nga, việc NATO can thiệp vào Kosovo thể hiện sự hai mặt của phương Tây và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào Irak trong năm 2003 sau đó đã củng cố suy nghĩ này.”

Sau khi sáp nhập Crimée, Vladimir Putin đã điều quân can thiệp vào Syria hồi tháng 09/2015, một lần nữa tạo điều kiện cho Nga có tiếng nói về mặt quân sự và ngoại giao ở Trung Đông. Matxcơva cũng xuất hiện trở lại ở châu Phi, tại Libya, Cộng Hòa Trung Phi, Mali và Madagascar.

Đối với Arnaud Dubien, “việc sáp nhập Crimée là một bước ngoặt lớn. Kể từ đó, chính quyền Nga cảm thấy tự tin và mạnh mẽ hơn. Điện Kremlin cho rằng họ không cần phải thuyết phục phương Tây hưởng ứng về lập luận hay tính chính đáng của những lợi ích của họ. Nga giờ đây hành động mà không màng đến ý kiến của phương Tây”.

Nguồn : France 24


**********
rfi.fr

Liên Hiệp Châu Âu đẩy mạnh mua sắm và chế tạo vũ khí

Anh Vũ

Sau hai năm chiến tranh tại Ukraina và trước mối đe dọa của Nga, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tăng cường khả năng quốc phòng. Hôm nay, 05/03/2024, Ủy Ban Châu Âu công bố đề xuất chương trình mua sắm vũ khí chung cho 27 nước thành viên, cũng như nhiều biện pháp mới để tăng cường năng lực cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí của Liên Âu. 

Đăng ngày:

1 phút

Thông tín viên RFI tại Bruxelles Pierre Benazet tường trình:

Liên Hiệp Châu Âu đã triển khai hai công cụ, một để mua chung vũ khí thông qua các hợp đồng đầu tư công và một để hỗ trợ sản xuất đạn dược. Tuy nhiên, cả hai chương trình này, được khởi động từ năm ngoái, chủ yếu nhằm giúp các nước trong Liên Âu hậu thuẫn cho Ukraina, ví dụ như thay thế kho vũ khí đạn dược.

Trong chương trình công nghiệp được công bố hôm nay, Ủy Ban Châu Âu đề xuất hợp nhất hai công cụ nói trên và bảo đảm tính lâu bền của chương trình.

Từ giờ trở đi, 27 nước thành viên muốn nhìn về lâu dài và sửa chữa những khiếm khuyết trong ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Âu do 30 năm ảo tưởng về nền hòa bình sau khi Liên Xô sụp đổ hồi đầu những năm 1990.

Theo ủy viên Châu Âu phụ trách chương trình, ông Thierry Breton, « cần phải chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, một phần để giúp Ukraina, một phần để bảo đảm an ninh cho Liên Hiệp Châu Âu ».

Châu Âu cần khoảng một trăm tỷ euro trong 5 năm tới với mục tiêu đạt 40% các khoản mua sắm vũ khí chung. Phải bảo đảm cho các nhà công nghiệp chế tạo vũ khí rằng các đơn hàng sẽ có đủ cho nhiều thập kỷ tới.


*************
rfi.fr

Trung Quốc tăng ngân sách quân sự hơn 7%, cứng rắn hơn với Đài Loan

Trọng Thành

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) thông báo Bắc Kinh sẽ giữ mức tăng ngân sách quân sự 7,2% trong năm nay, tương tự như năm 2023. Thông báo được đưa ra trong bản báo cáo của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc Hội hôm nay, 05/03/2024. Bắc Kinh cũng tỏ ra cứng rắn hơn với Đài Bắc : Mục tiêu thống nhất ‘‘hòa bình’’ đã không được nhắc đến.

Đăng ngày:

4 phút

Theo báo cáo của chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến sẽ dành 1,6% GDP cho quân đội, tức là hơn 1.600 tỉ nhân dân tệ, tương đương với hơn 230 tỉ đô la. Ông Lâu Cần Kiệm (Lou Qinjian), phát ngôn viên của kỳ họp Quốc Hội 2024, khẳng định mục tiêu của ‘‘việc duy trì mức tăng hợp lý’’ này là ‘‘để bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển quốc gia’’.

Dữ liệu về ngân sách quân sự của Trung Quốc, hiện đứng thứ hai thế giới, bằng gần một phần ba của Hoa Kỳ, được Washington và các nước láng giềng của Trung Quốc theo dõi sát. Trả lời AFP, ông James Char, chuyên gia về quân đội Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, lưu ý trong năm ngoái, Trung Quốc ‘‘đã gia tăng đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân.’’ Theo chuyên gia này, nếu như trong hiện tại, ‘‘thực lực của quân đội Trung Quốc khó lòng cho phép Bắc Kinh trực tiếp đụng độ với Mỹ, hay tấn công Đài Loan, điều đặc biệt đáng lo ngại là các tranh chấp với quân đội các nước khác trong khu vực có thể vượt tầm kiểm soát, khiến xung đột bùng phát’’.

Về Đài Loan, báo cáo của chính phủ Trung Quốc khẳng định mục tiêu tái thống nhất, đi kèm với thái độ ‘‘kiên quyết’’. Tuy đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh không nhắc đến mục tiêu thống nhất ‘‘hòa bình’’ với Đài Loan, lập trường này được giới quan sát xem như là một chỉ dấu cho thấy Trung Quốc sẽ cứng rắn hơn với hòn đảo mà Bắc Kinh coi là vùng lãnh thổ ly khai, cần phải thu hồi.

Tăng trưởng 5%, mức thấp nhất từ nhiều thập niên

Tại cuộc họp Quốc Hội, chính phủ Trung Quốc cũng chính thức thông báo mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, đạt được tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất từ nhiều thập niên này cũng không phải là điều dễ dàng.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

Ba nghìn đại biểu tham dự cuộc họp Quốc Hội tại Đại Sảnh đường Nhân Dân vỗ tay theo nhịp đón mừng chủ tịch Trung Quốc và phái đoàn ủy viên trung ương Đảng. Không khí chào đón tưng bừng tương phản với trận tuyết xám đang rớt xuống quảng trường Thiên An Môn bên ngoài. 

Như thường lệ, thủ tướng Lý Cường lên diễn đàn trình bày báo cáo của chính phủ, với tỉ lệ tăng trưởng dự kiến 5%, mức thấp nhất kể từ nhiều thập niên nay. Tuy nhiên, đây đã là mục tiêu ở mức cao, trong lúc chúng ta biết không phải tất cả chỉ tiêu đề ra năm ngoái đều đã được thực hiện.

Thủ tướng Trung Quốc thừa nhận các khó khăn trong thời điểm hiện tại, trước khi thông báo các biện pháp nhằm khuyến khích các tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao, dỡ bỏ các rào cản đối với đầu tư và kích thích các nhu cầu trong nước. Ông Lý Cường nói : ‘‘Cần phải thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ một cách ổn định với các biện pháp vĩ mô, như tăng thu nhập, xác lập các chiến lược cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu khách hàng, và giảm bớt các giới hạn nhằm thúc đẩy tiềm năng tiêu thụ. Có những lĩnh vực mới có thể tăng trưởng, như ‘‘ngôi nhà thông minh’, giải trí, du lịch, thể thao, hàng nội’’.

Tận dng các năng lực cách tân, hàng nội, đặc biệt là ô tô điện, để chấn hưng nền kinh tế thứ hai thế giới. Thủ tướng Trung Quốc được trông đợi sẽ đưa ra nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế đang rơi vào tình trạng ảm đạm, với cuộc khủng hoảng địa ốc, thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ, xuất khẩu sụt giảm, lạm phát... Các biện pháp trên dường như là không đủ, căn cứ theo các phản ứng của thị trường chứng khoán ở Hồng Kông và Hoa lục.


**********
voatiengviet.com

Chuyên gia Mỹ: Comac của TQ sẽ khó thâm nhập thị trường hàng không

VOA Tiếng Việt

Một chuyên gia tư vấn hàng không Mỹ nêu nhận định với VOA rằng thị trường hàng không rất khó thâm nhập cho những tên tuổi mới và việc này đối với tập đoàn Máy bay Thương Mại Trung Quốc (Comac) thì càng khó hơn.

Ông Bob Mann, chủ tịch công ty tư vấn hàng không R.W. Mann & Company có trụ sở Mỹ, cho VOA biết rằng Comac sẽ gặp phải các thách thức trong việc thâm nhập thị trường giữa lúc tập đoàn này vừa ra mắt và bay trình diễn hai mẫu máy bay mới tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Hai máy bay C919 và ARJ21 của Comac vừa rời sân bay Tân Sơn Nhất và đến Vientiane, Lào hôm 3/3 để tiếp tục trình diễn tại các quốc gia Đông Nam Á, theo trang Saigon Aviation.

Sau khi triển lãm tại sân bay quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh từ ngày 26-29/2, hai chiếc máy bay của Comac đã bay trải nghiệm đến Đà nẵng, thành phố Hố Chí Minh và Côn Đảo.

“Comac, cũng như các nhà sản xuất mới, sẽ gặp phải nhiều khó khăn để thâm nhập vào thị trường máy bay vận tải toàn cầu vì lý do thiếu thành tích về độ tin cậy của đội bay và sự hạn chế trong dịch vụ hỗ trợ sản phẩm”, ông Bob Mann, chủ tịch công ty tư vấn hàng không R.W. Mann & Company, nêu nhận với VOA qua email.

Chuyên gia hàng không Mỹ nêu điển hình hai công ty tầm cỡ Nhật và Nga đã từ bỏ các dự án máy bay thương mại trước đây. “Hãy nhìn vào những khó khăn của công ty Mitsubishi với chương trình MRJ/SpaceJet mà họ đã xóa bỏ sau hơn mười năm ra mắt”, ông Mann nêu ý kiến. “Tương tự như vậy, những khó khăn trong quá trình hoạt động và sự hỗ trợ của chương trình Sukhoi Superjet 100, bất chấp các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu hiện tại”.

Ông Mann cho rằng thậm chí ngay cả các hãng Airbus, Boeing và Embraer cũng gặp phải những khó khăn này.

Máy bay C919 của Trung Quốc ra mắt quốc tế tại Triển lãm hàng không Singapore vào cuối tháng 2, thu hút đông đảo du khách và hàng trăm đơn đặt hàng, nhưng các nhà phân tích cho rằng nó vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể cạnh tranh với các máy bay dẫn đầu thị trường Boeing và Airbus, theo AP.

Tập đoàn Comac đến nay đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng cho dòng máy bay C919, chủ yếu từ các hãng hàng không Trung Quốc. Việc thiếu chứng nhận quốc tế khiến máy bay này không thể hoạt động thương mại ở hầu hết các quốc gia mà chưa công nhận chứng nhận của cơ quan quản lý hàng không dân dụng Trung Quốc.

Người Việt bay trải nghiệm

Hôm 2/3, Comac và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh tổ chức chuyến bay trải nghiệm tuyến TP.HCM - Đà Nẵng cho hành khách Việt Nam, tổng cộng 50 người, trên máy bay phản lực hai động cơ ARJ21, theo truyền thông trong nước.

Bà Đỗ Hương Lan, viết trên Facebook sau khi trải nghiệm máy bay “made in China”, máy bay ARJ21 tuyến TP.HCM - Đà Nẵng: “Cảm nhận cá nhân thấy máy bay nhỏ nhưng rất êm, chỗ ngồi rộng rãi và thoải mái”.

Trang Tuổi Trẻ Online dẫn lời ông Hà Tuấn Minh, giám đốc Công ty Winner - doanh nghiệp lữ hành chuyên đón các đoàn du khách từ Trung Quốc, Đài Loan sang Phú Quốc, nhận xét máy bay ARJ21 “vận hành êm ái, không ồn”.

“Trước mắt, tôi thấy người Trung Quốc đón nhận máy bay này khá tốt. Trong tương lai, nếu máy bay Comac được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, có thể tôi sẽ cân nhắc thuê máy bay của họ để đưa khách ra Phú Quốc du lịch”, ông Minh nói.

Trước đó, hôm 29/2, Comac trình diễn chuyến bay chặng TP.HCM – Côn Đảo – TP.HCM chở 60 hành khách trên máy bay thương mại ARJ21, theo trang web Cục cảng Hàng không Việt Nam.

“Các máy bay này thực chất chỉ có vỏ là do Trung Quốc chế tạo, còn lại động cơ và các thiết bị đều của các công ty của Mỹ và các nước tư bản khác”, ông Phan Bùi Hùy, một người làm việc trong ngành hàng không, viết trên Facebook hôm 3/3.

Truyền thông trong nước cho rằng với giá bán chỉ bằng 3/4 so với mẫu tương đương của hãng Airbus hay Boeing, hãng Comac tham vọng có thể nhận được đơn đặt hàng C919 của các hãng hàng không Việt Nam và Đông Nam Á. Hãng cũng dự định sẽ dùng máy bay này để khai thác các tuyến du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam.


************

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(AFP) – Pháp : Quốc Hội lưỡng viện bỏ phiếu ghi quyền phá thai vào Hiến Pháp. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào lúc 15 giờ 30 ngày 04/03/2024, tại phòng Hội Nghị  ở Cung điện Versailles. Khoảng 925 nghị sĩ của Thượng và Hạ Viện được mời ghi câu : « Luật quy định các điều kiện để thực hiện quyền tự do được bảo đảm cho phụ nữ trong việc tự nguyện chấm dứt thai kỳ », vào trong điều luật số 34. Với câu này Pháp trở thành quốc gia đầu tiên đưa việc tự nguyện chấm dứt thai kỳ (IVG) vào Hiến Pháp, một quyền đang bị suy giảm mạnh tại Mỹ hay các nước Đông Âu.

(AFP) – Ukraina phá hủy một cầu đường sắt của Nga. Tình báo quân sự Ukraina (GUR) hôm 04/03/2024 cho biết đã cho phá hỏng một cây cầu đường sắt trong vùng Samara (Volga) của Nga, cách biên giới Ukraina 750 km. Trong thông cáo, tình báo Ukraina khẳng định « tuyến đường sắt này được kẻ gây hấn sử dụng để chuyên chở các thiết bị quân sự, đặc biệt là chất nổ từ nhà máy Polimer của thành phố Tchapaievsk ». 

(AFP) – Kiev hối thúc phương Tây chuyển giao tài sản phong tỏa của Nga. Thủ tướng Ukraina Denys Chmygal ngày 04/03/2024 thúc giục các nước phương Tây chuyển cho Kiev 300 tỷ đô la tài sản Nga bị phong tỏa, trước nguy cơ các cuộc bầu cử ở nhiều nước đồng minh ảnh hưởng đến sự hậu thuẫn cho Ukraina. Phát biểu trong cuộc họp báo, thủ tướng Ukraina một lần nữa nhắc lại chi viện của phương Tây là một « công cụ quan trọng », nhưng Kiev « cần khả năng dự đoán và ổn định bất kể thời gian, biến động chính trị, chu kỳ bầu cử sẽ diễn ra trên khắp thế giới ». Ông nói thêm : « Việc tịch thu tài sản của Nga sẽ trở thành nguồn hỗ trợ đáng tin cậy cho nhà nước của chúng tôi ».

(AFP) – Đài Loan tố cáo Trung Quốc cử 6 đến 11 tàu chiến « bao vây đảo Kim Môn ». Tại một cuộc họp của ủy ban Quốc Hội Đài Loan, lãnh đạo lực lượng tuần duyên Chu Mỹ Vũ (Chou Mei-wu) hôm 04/03/2024, cho biết sau sự cố hàng hải ngày 14/02, Trung Quốc đã cố tình điều động trung bình 6 đến 7 tàu mỗi ngày và có ngày lên đến 11 tàu: « Đó không chỉ là tàu của hải cảnh Trung Quốc mà còn là các tàu giám sát, ý định của họ là bao vây Kim Môn ». Ông Chu nói thêm rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan đã « trục xuất » các tàu xâm nhập mà không cho biết thêm thông tin chi tiết. Nằm cách thành phố Hạ Môn của Trung Quốc khoảng 5km. Kim Môn từng là nơi xảy ra giao tranh ác liệt giữa lực lượng Quốc dân đảng và cộng sản vào năm 1949.

(AFP) – Thái Lan xóa án cho cựu thủ tướng Yingkuck Shinawatra. Quyết định này được tư pháp Thái Lan công bố hôm nay, 04/03/2024. Bà Yingluck Shinawatra, cầm quyền trong giai đoạn 2011-2014, hiện sống ở nước ngoài, năm 2016 đã bị điều tra tham nhũng trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 6,2 triêu euro.

(AFP) – Haiti ban hành tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ở thủ đô. Thông báo được chính phủ Haiti đưa ra ngày 03/03/2024 nhằm kiểm soát trở lại tình hình ở thủ đô Port-au-Prince, sau vụ nhiều ngàn tù nhân tại một trại giam bị các băng đảng vũ trang tấn công khiến gần một chục người chết. Quốc gia nghèo vùng biển Caribê đang phải đối mặt với khủng hoảng chính trị, an ninh và nhân đạo nghiêm trọng sau vụ tổng thống Jovenel Moise bị ám sát năm 2021.

(AFP) – Space X đưa phi hành đoàn mới lên ISS. Hôm qua, 03/03/2024, phi thuyền của Space X đã cất cánh từ Florida đưa bốn phi hành gia, gồm ba người Mỹ và một người Nga, lên Trạm Không Gian Quốc Tế (ISS) cho một nhiệm vụ kéo dài sáu tháng. NASA và Cơ quan Không gian Nga Roscosmos, cùng điều hành ISS, đã thiết lập một chương trình trao đổi phi hành gia, mỗi bên thay phiên nhau đưa một thành viên phi hành đoàn từ quốc gia khác. Bất chấp chiến tranh Ukraina, chương trình này vẫn được duy trì và ISS là một trong số các lĩnh vực hợp tác hiếm hoi giữa Washington và Matxcơva.

(AFP) – 20 % loài cá ở sông Mê Kông bị đe dọa tuyệt chủng. Thông tin này được đưa ra trong một báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), công bố hôm 04/03/2024. Sông Mê Kông được coi là một trong những vựa cá nước ngọt lớn nhất thế giới, với 1148 loài cá. Từ năm 2003 đến 2019, lượng cá tại hồ nước ngọt Tonlé Sap ở Cam Bốt đã sụt giảm 88 %. Giá trị kinh tế thu được từ việc đánh bắt cá trên sông Mê Kông cũng đã giảm đi một phần ba từ năm 2015 đến 2020. Các lý do dẫn đến tình trạng này là xây các đập thủy điện, khai thác cát bừa bãi, do ô nhiễm, kiểm soát không tốt nghề đánh cá, hay thay đổi môi trường sống do biến đổi khí hậu.


***********
voatiengviet.com

LHQ: Có thể đã xảy ra bạo lực tình dục, hiếp dâm tập thể khi Hamas đột kích Israel

Reuters

Một toán chuyên gia của Liên hiệp quốc ngày 4/3 cho biết có “cơ sở hợp lý để tin rằng” bạo lực tình dục, bao gồm cưỡng hiếp và hiếp dâm tập thể, đã xảy ra tại một số địa điểm trong cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào miền nam Israel.

Toán này - do đặc phái viên Liên hiệp quốc về bạo lực tình dục trong xung đột, bà Pramila Patten dẫn đầu - đã đến thăm Israel từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 14 tháng 2 trong một nhiệm vụ nhằm thu thập, phân tích và kiểm chứng thông tin về bạo lực tình dục liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10/2023.

Phúc trình dài 24 trang của Liên hiệp quốc cho biết: “Thông tin tình tiết đáng tin cậy, có thể là dấu hiệu của một số hình thức bạo lực tình dục, bao gồm cắt xén bộ phận sinh dục, tra tấn tình dục hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo và hạ nhục, cũng được thu thập”.

Nhóm chủ chiến Hamas của người Palestine đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc bạo lực tình dục.

Theo thống kê của Israel, các tay súng Hamas đã giết chết khoảng 1.200 người và bắt giữ 253 con tin trong cuộc đột kích vào Israel hôm 7/10/2023. Các cơ quan y tế ở Gaza, vùng đất do Hamas điều hành, cho biết cuộc tấn công trả đũa của Israel đối với Hamas ở Dải Gaza đã giết chết khoảng 30.000 người Palestine kể từ đó.

Phúc trình của Liên hiệp quốc nói: “Toán đã tìm thấy thông tin rõ ràng và thuyết phục rằng một số con tin bị đưa về Gaza đã phải chịu nhiều hình thức bạo lực tình dục liên quan đến xung đột và có cơ sở hợp lý để tin rằng bạo lực như vậy có thể đang diễn ra”.

Toán nghiên cứu cho biết cần phải có một “cuộc điều tra đầy đủ” để xác định mức độ, phạm vi tổng thể và quy kết cụ thể.

Toán của Liên hiệp quốc nói họ cũng nhận được thông tin từ các tổ chức và xã hội dân sự cũng như các cuộc phỏng vấn trực tiếp về “bạo lực tình dục đối với đàn ông và phụ nữ Palestine trong các cơ sở giam giữ, trong các cuộc đột kích vào tư gia và tại các trạm kiểm soát” sau ngày 7/10/2023. Các trung tâm giam giữ đều ở Israel.

Toán của Liên hiệp quốc cho biết họ đã đưa ra các cáo buộc với Bộ Tư pháp và Cơ quan thực thi Luật pháp của quân đội Israel, nhưng các cơ quan này nói họ không nhận được khiếu nại nào về bạo lực tình dục nhắm vào các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Israel.

Israel đã chỉ trích phản ứng của Liên hiệp quốc đối với vụ tấn công ngày 7/10/2023. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres vào cuối năm ngoái nói bạo lực tình dục xảy ra vào ngày 7/10/2023 “phải được điều tra và truy tố mạnh mẽ”. Ông nhấn mạnh: “Bạo lực trên cơ sở giới tính phải bị lên án. Mọi lúc, mọi nơi”.

“Liên hiệp quốc tuyên bố quan tâm đến phụ nữ, nhưng như chúng tôi đang nói lúc này, phụ nữ Israel đang bị những kẻ khủng bố Hamas hiếp dâm và lạm dụng. Tiếng nói của Liên hiệp quốc ở đâu? Tiếng nói của quý vị ở đâu?” Đại sứ Israel tại Liên hiệp quốc Gilad Erdan đã phát biểu trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc gồm 193 thành viên vào sáng ngày 4/3.

Ông nhấn mạnh: “Hamas phải bị áp lực không ngừng để chấm dứt bạo lực tình dục và thả tất cả con tin ngay lập tức”.​


**********
rfi.fr

Philippines và Úc lên án những hành động gây bất ổn ở Biển Đông

Minh Anh

Hôm nay, 04/03/2024, lãnh đạo các nước Đông Nam Á và Úc có cuộc họp cấp cao tại thành phố Melbourne của Úc. Bên lề cuộc họp, ngoại trưởng Philippines hối thúc Trung Quốc ngừng « sách nhiễu » Philippines ở Biển Đông.

Đăng ngày:

2 phút

Trả lời hãng tin Pháp AFP bên lề thượng đỉnh ASEAN – Úc nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Úc, được tổ chức tại Melbourne, ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo khẳng định chính phủ Manila mong muốn có một giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Manalo bảo vệ chính sách của chính phủ cho công bố các hành động của Trung Quốc tại những vùng biển có tranh chấp ( gần đây nhất là vụ tầu chiến của Trung Quốc lai vãng gần bãi cạn Scarborough ) nhằm « cung cấp thông tin cho mọi người biết chuyện gì đang xảy ra ». Cũng bên lề thượng đỉnh Melbourne, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tái khẳng định « không bao giờ nhượng một centimet vuông lãnh thổ và quyền tài phán lãnh hải ».

Ngay sau phát biểu của ngoại trưởng Philippines, bộ Ngoại Giao Trung Quốc, thông qua phát ngôn viên Mao Ninh, đã tuyên bố « lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là chặt chẽ và rõ ràng », đồng thời tố cáo Philippines có những « hành động khiêu khích », « vi phạm các quyền » của Bắc Kinh.

Còn theo trang mạng Japan Times, phát biểu trong cuộc họp, ngoại trưởng Úc, bà Penny Wong, tuy không nêu tên Trung Quốc, đã đánh giá rằng các nước vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và Đông Nam Á đang phải đối mặt với « các hành động gây bất ổn, khiêu khích và cưỡng ép, bao gồm cả những hành vi không an toàn trên biển và trên không ». Cũng theo bà, những gì đang diễn ra ở Biển Đông, tại eo biển Đài Loan, tiểu vùng sông Mêkông… đều ảnh hưởng đến các nước trong khu vực.

Nhân dịp này, ngoại trưởng Úc thông báo khoản tài trợ 286,5 triệu đô la Úc (tương đương với khoảng 186,7 triệu đô la Mỹ) cho các dự án ở ASEAN trong các lĩnh vực bao gồm cả an ninh hàng hải, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có những hành động quyết đoán và các yêu sách gây tranh cãi ở Biển Đông.

Chủ đề này đặc biệt được nêu bật trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh. Trong dự thảo tuyên bố chung mà AFP tham khảo được, ASEAN và Úc sẽ lên án hành vi « đe dọa hay dùng vũ lực » để giải quyết các tranh chấp. Dự thảo văn bản có đoạn: « Chúng tôi phấn đấu vì một khu vực mà chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được tôn trọng (…) và những bất đồng được giải quyết thông qua đối thoại, chứ không bằng dọa dẫm hay dùng vũ lực. »


***********

Lộ tin mật quân sự của Đức: Berlin tố cáo Nga mở chiến tranh thông tin

Chi Phương

UKRAINA - NGA - ĐỨC

Hôm qua, 03/03/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Đức đã cáo buộc tổng thống Nga tìm cách gây bất ổn chia rẽ nội bộ, mở một « cuộc chiến tranh thông tin », tiết lộ nội dung một cuộc họp trực tuyến giữa các sĩ quan Đức về việc chuyển giao vũ khí cho Kiev.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius trả lời báo chí vụ lộ tin quân sự về cấp vũ khí cho Ukraina, Berlin, Đức, ngày 03/03/2024.
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius trả lời báo chí vụ lộ tin quân sự về cấp vũ khí cho Ukraina, Berlin, Đức, ngày 03/03/2024. AP - Michael Kappeler

Hôm 01/03/2023, đoạn hội thoại dài hơn 30 phút giữa các quan chức quân sự cấp cao của Đức trong một cuộc họp trực tuyến đã được đăng tải từ Nga và loan truyền trên các mạng xã hội. Nội dung của đoạn hội thoại bị Nga nghe lén nói về khả năng chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus do Đức sản xuất cho Kiev, và những điều cần thiết để lực lượng Ukraina sử dụng loại vũ khí này. Ví dụ như làm sao Kiev có thể phá hủy cầu Crimée, hay Anh và Pháp đã chuyển giao tên lửa Scalp cho Ukraina như thế nào. 

Vụ việc không chỉ khiến quân đội Đức bị chỉ trích vì thiếu các biện pháp bảo mật, mà còn vì lập trường do dự của liên minh cầm quyền đối với việc chuyển giao vũ khí cho Ukraina. Cho đến nay, thủ tướng Olaf Scholz vẫn công khai từ chối chuyển giao tên lửa Taurus cho Kiev. Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius tố cáo cuộc chiến thông tin mà Putin đang tiến hành « rõ ràng là nhằm mục đích phá hoại sự đoàn kết (...), gây chia rẽ nội bộ và tôi hy vọng rằng Putin sẽ không thành công. »

Về vụ này, sáng hôm nay, 04/03, Nga đã triệu đại sứ Đức tại Matxcơva. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov đã lên án phương Tây « cùng nhau can dự trực tiếp » vào cuộc chiến ở Ukraina, và đoạn băng ghi âm chỉ rõ "quân đội Đức đã thảo luận chi tiết và cụ thể các kế hoạch tấn công vào lãnh thổ của Nga".


***********
rfi.fr

Việt Nam : Đảng “quyết liệt” diệt tham nhũng do tình trạng sức khỏe của tổng bí thư? - Tạp chí Việt Nam

Thu Hằng

Đảng và Nhà nước coi tham nhũng là "giặc nội xâm". "Công cuộc đốt lò" năm 2023 đã buộc "9 cán bộ diện Trung ương quản lý thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác" (1), trong đó có chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ba bộ trưởng liên quan đến các vụ Việt Á, “chuyến bay giải cứu” tại Cục lãnh sự, bộ Ngoại Giao. Năm 2023, số vụ phạm tội tham nhũng và chức vụ được phát hiện tăng 51,63%, theo số liệu được bộ trưởng Công An Tô Lâm công bố (2).

Năm 2024 được đánh dấu với đại án Trương Mỹ Lan - tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đưa ra xét xử trong hai tháng 3 và 4 liên quan đến nhiều cán bộ Nhà nước. Báo mạng Gavroche-thailande nhận định vụ Vạn Thịnh Phát, với số tiền chiếm đoạt lên tới 304.000 tỷ đồng (12,4 tỷ đô la), có lẽ là vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á, vượt qua cả vụ biển thủ 4,4 tỷ đô la từ quỹ 1MDB ở Malaysia.

Tình trạng tham nhũng và chống tham nhũng tại Việt Nam được thể hiện qua hai ý trong câu hỏi được nêu trong hội thảo ngày 18/10/2023 của Ban Nội chính Trung ương ở Hà Nội : "Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng lớn ?". Chủ trương chống tham nhũng trong năm 2024 sẽ "tiếp tục tinh thần của tổng bí thư" là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai", với chủ trương 6 "hơn", trong đó có "năm nay phải tốt hơn năm trước".

Tuy nhiên, một số nhà quan sát e rằng chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt tác động đến ổn định về kinh tế. Nhiều lãnh đạo địa phương hoặc cán bộ "ngại" ký các hợp đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng do sợ bị cáo buộc tham nhũng. Một số khác, được trang Gavroche trích dẫn, cho rằng các cuộc điều tra tham nhũng trong lĩnh vực tư nhân tác động đáng kể đến lòng tin của các doanh nghiệp ở Việt Nam, dẫn đến tâm lý lo ngại chung về các cuộc điều tra và giám sát của đảng Cộng sản (3).

Một hệ quả khác của "công cuộc đốt lò" là hiện giờ, dường như ông Nguyễn Phú Trọng chưa tìm được người thay thế dù đã già yếu và giữ chức tổng bí thư ba nhiệm kỳ liên tiếp. Đây là một trong những nhận định của giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp, khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.


RFI : Trong cuộc họp ngày 01/02/2024, Ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực : Năm nay phải tốt hơn năm trước”. Ngay đầu năm đã có hàng loạt đại án tham nhũng. Liệu 2024 sẽ là “năm chống tham nhũng” của Việt Nam ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên, việc gia tăng chống tham nhũng ở Việt Nam cho thấy một điều, đó là cuộc chiến kế thừa vị trí của ông Nguyễn Phú Trọng giờ đã được khởi động. Thường thì cuộc đua diễn ra vào năm trước kỳ Đại hội Đảng, giờ còn đến hai năm nữa, nhưng điều này diễn ra trong bối cảnh tình trạng sức khỏe khó lường của tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như những tin đồn về sức khỏe của ông.

Năm trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, thay đổi thành phần lãnh đạo Nhà nước, là năm đầy những chiến dịch chống tham nhũng. Cũng cần biết là khi chính quyền Việt Nam tung một chiến dịch chống tham nhũng thì ẩn sau những phát biểu tốt đẹp thường còn có ý đồ làm mất uy tín hoặc bỏ tù những nhân vật chủ chốt của phe cạnh tranh chính trị.

Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 dự kiến tổ chức tháng 01/2026. Hiện có nhiều thắc mắc về tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, cho nên, nếu nhìn từ khía cạnh này thì chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ hiện nay là chuyện bình thường. Nhưng để hiểu thực sự về việc tăng cường mạnh mẽ chiến dịch này, câu hỏi đặt ra : Ai là người kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng ?

Chúng ta thấy tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 13 tháng 10/2023, ông Nguyễn Phú Trọng quyết định đứng đầu Tiểu ban Nhân sự (chuẩn bị Đại hội lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương đảng). Điều vô cùng ngạc nhiên là ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu tiểu ban này. Việc này có thể diễn giải là thứ nhất, sức ảnh hưởng của ông vẫn rất lớn ; thứ hai là ông chưa tìm được những người kế nhiệm rõ ràng tại hội nghị tháng 10/2023.

Cuối cùng, tôi cho rằng việc gia tăng chống tham nhũng trong năm 2024 còn cho thấy, vì chưa có người kế nhiệm nên ông Nguyễn Phú Trọng cần khẩn trương tìm ra một lãnh đạo tương lai nếu nhìn vào tình trạng sức khỏe của ông hiện nay. Nói một cách khác, những gì diễn ra trong năm nay (2024) là điều lẽ ra đến năm tới (2025) mới diễn ra.

RFI : Trong một hội thảo được Ban Nội chính Trưng ương tổ chức ngày 18/10/2023 tại Hà Nội, một câu hỏi đã được đặt ra : "Chúng ta đã quyết liệt xử lý cán bộ, vì sao vẫn xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận ?" Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này ?

Benoît de Tréglodé : Tôi không muốn sa vào đánh giá chung hoặc mang tính khiêu khích, nhưng ở Việt Nam là "phải tham nhũng". Để làm chính trị ở Việt Nam thì phải có tiền, phải có sự hậu thuẫn của một doanh nhân, phải có ngân sách lớn để có thể thăng tiến trong môi trường chính trị.

Ngược lại, để làm ăn, để kinh doanh ở Việt Nam thì cũng cần sự ủng hộ của một chính trị gia. Nhìn chung, giống như ở Trung Quốc, người ta thường thấy trong guồng máy chính trị hiện tượng mua quan bán chức và phải có tiền. Hiện tượng này làm lưu thông những khối lượng tiền lớn và gây bức bối bên trong hệ thống chính trị.

Tôi muốn nói đến hệ quả thứ hai của hiện tượng này, đó là những tranh cãi trên thượng tầng Nhà nước cho thấy cạnh tranh về lợi ích kinh tế giữa các cá nhân, giữa các phe phái, các nhóm nhưng không hẳn thể hiện rằng hệ thống bị suy yếu. Không phải vì có những chiến dịch chống tham nhũng, vì có những trường hợp tham nhũng, mà hệ thống kinh tế bị suy yếu. Ngược lại, ở một khía cạnh nào đó và đây cũng là điều nghịch lý, chế độ chính trị lại được củng cố hơn nhờ những vụ tham nhũng này.

Công cuộc "hiện đại hóa đất nước" diễn ra thông qua việc tham nhũng đại trà ở mọi tầng lớp trong xã hội. Mức lương vẫn còn thấp trong khu vực hành chính và tư nhân, số người giàu trong xã hội đã tăng lên, cho nên tiền phải đến từ đâu đó.

RFI : Chiến dịch chống tham nhũng có quy mô lớn này mang lại những kết quả nào cho Đảng và Nhà nước ?

Benoît de Tréglodé : Khi theo dõi đời sống chính trị Việt Nam, người ta nhận thấy có một khái niệm quan trọng, đó là các cuộc khủng hoảng được coi là có lợi cho chính quyền để có thể tiếp tục tồn tại, vững mạnh hơn và trường tồn.

Nhìn từ khía cạnh này, trên bình diện quốc tế, từ lâu người ta vẫn nhắc đến những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Đây là một cuộc khủng hoảng có lợi cho chính quyền Việt Nam, bởi vì những vụ tranh chấp đó làm tăng tính chính đáng của đảng Cộng sản, được coi là người đang bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân khỏi những vụ tấn công của nước ngoài.

Về chính trường trong nước, các chiến dịch chống tham nhũng thực sự là một cuộc khủng hoảng có lợi cho lãnh đạo Nhà nước, cho tổng bí thư đảng Cộng sản, để thể hiện với nhân dân rằng đảng Cộng sản đang ở đây bảo vệ họ, đảng ở đây để thường xuyên tóm những con cá lớn, bảo vệ lợi ích của những người thấp cổ bé họng, dù đều là ảo tưởng. Rất ít người Việt Nam tin hoàn toàn vào thực tế của những chiến dịch chống tham nhũng trong giới chính trị.

RFI : Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng tại vị cho đến năm 2026. Tương lai của chiến dịch chống tham nhũng sẽ ra sao, trong khi dường như ông hiện là người đấu tranh nhiệt thành duy nhất ?

Benoît de Tréglodé : Trước hết, rất khó đưa ra được bất kỳ dự đoán nào trong bầu không khí bí hiểm như hiện nay. Điều gần như chắc chắn hiện nay là ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giữ chức tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam cho đến hơi thở cuối cùng. Khi đứng đầu Tiểu ban Nhân sự ở Đại hội tháng 10/2023, ông đã cho thấy rằng kế nhiệm ông là một vấn đề nhạy cảm và nhân vật đó chưa được chọn.

Ông Nguyễn Phú Trọng thực sự muốn đích thân tác động đến việc lựa chọn người lãnh đạo tương lai của Đảng. Như vậy, khi kiểm soát các chiến dịch chống tham nhũng mới, hiện rất mạnh mẽ trong năm 2024, ông còn cho thấy chính ông là người sẽ quyết định tương lai của Việt Nam.

Điểm tương đối mới hiện nay, đó là chúng ta chưa thấy những gương mặt nổi trội có tiềm năng kiêm nhiệm cùng lúc 3, 4 chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thứ nhất, đó là vì ông Nguyễn Phú Trọng vẫn có trọng lượng và ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị Việt Nam. Tiếp theo, cũng là vì ngày càng có ít thông tin rò rỉ ở Việt Nam kể từ khi luật an ninh mạng được áp dụng năm 2019. Luật này rất linh hoạt và quản lý rất nghiêm ngặt mọi rò rỉ chính trị về vấn đề nhân sự này.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược (IRSEM), Trường Quân sự Pháp.


**********
voatiengviet.com

Dự luật chi tiêu của chính phủ Mỹ bao gồm tiền để chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương

VOA News

Các nhà đàm phán tại Quốc hội Hoa Kỳ công bố một dự luật hôm 3/3 mà qua đó sẽ tài trợ cho các bộ phận quan trọng của chính phủ trong suốt thời gian còn lại của năm tài chính vốn bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái đến cuối tháng 9 năm nay.

Trong số các điều khoản trong gói phân bổ ngân sách có các khoản quỹ quan trọng để chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương trong khuôn khổ thỏa thuận được ký năm ngoái có tên là Hiệp ước Liên kết Tự do, hay COFA.

Theo thỏa thuận, Micronesia, Palau và Quần đảo Marshall sẽ nhận được 7 tỷ đô la viện trợ kinh tế trong vòng 20 năm. Đổi lại, Washington sẽ cung cấp khả năng phòng thủ cho họ và có thể từ chối không cho Trung Quốc tiếp cận vùng lãnh hải của họ, một khu vực hàng hải rộng hơn lục địa Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ đã có các thỏa thuận tương tự có hiệu lực với Micronesia và Marshalls từ năm 1986 và với Palau từ năm 1994. Công dân từ các quốc gia này được phép đi lại, sống và làm việc tại Hoa Kỳ với tư cách không di dân.

Dân biểu Aumua Amata Coleman Radewagen, người đại diện cho lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, nói với đài VOA hôm 3/3 rằng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã báo tin cho hay sáng sớm ngày 2/3.

Bà Radewagen nói sau đó bà đã gọi điện cho tổng thống của ba đồng minh Thái Bình Dương để chia sẻ thông tin chi tiết.

Bà nói với VOA trong một email: “Các thỏa thuận COFA gửi đi một thông điệp rõ ràng về cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Thái Bình Dương và thể hiện lập trường quốc tế mạnh mẽ rất cần thiết cho các lý tưởng dân chủ và tự do”.

Thượng nghị sĩ Mazie Hirono, một đảng viên Đảng Dân chủ, người từ lâu đã ủng hộ việc tài trợ toàn bộ cho thỏa thuận này, đưa ra một tuyên bố vào tối ngày 3/3: “Khi chúng ta nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, những thỏa thuận này cực kỳ quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta và các đồng minh của chúng ta, cũng như đối với hàng chục nghìn công dân COFA đang sống, làm việc và nộp thuế ở Hoa Kỳ”.

Động thái này được đưa ra sau khi 26 thượng nghị sĩ, bao gồm Thượng nghị sĩ Joe Manchin, đảng viên Đảng Dân chủ và John Barrasso, đảng viên Đảng Cộng hòa, kêu gọi lãnh đạo Thượng viện đưa ra những nội dung mà trước đó đã bị loại khỏi dự luật chi tiêu an ninh của Thượng viện vào ngày 12 tháng 2.

Các thượng nghị sĩ viết: “Việc không hành động về COFA sẽ mở ra cơ hội cho ảnh hưởng và tài trợ tham nhũng nhiều hơn của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trong khu vực”.

Lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương vẫn thận trọng.

Theo trang tin Islands Business, Tổng thống Hilda Heine của Quần đảo Marshall đã phát biểu hôm 1/3 rằng: “Đất nước của chúng ta là một đồng minh kiên định của Hoa Kỳ, nhưng điều đó không nên xem nhẹ”.

Tổng thống Palau Surangel Whipps, Jr. nói với VOA: “Chúng tôi rất vui mừng khi các nhà lãnh đạo của cả hai viện Quốc hội và Tòa Bạch Ốc đã đạt được sự đồng thuận...Chúng tôi cảm ơn bạn bè của chúng tôi ở cả hai đảng vì đã tiếp tục hỗ trợ và hợp tác.”​


*********
voatiengviet.com

HRW kêu gọi Australia nêu vấn đề nhân quyền ở Việt Nam; người gốc Việt tuần hành ở Melbourne

VOA Tiếng Việt

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa bày tỏ lo ngại rằng các vấn đề nhân quyền sẽ không được xem xét đầy đủ tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới với các nhà lãnh đạo Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có sự tham gia của thủ tướng Việt Nam, dự kiến diễn ra từ ngày 4-6 tháng 3/2024 tại Melbourne.

“Chúng tôi nhận thấy rằng chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh bao gồm bốn lĩnh vực hợp tác chính: kinh doanh, các nhà lãnh đạo mới nổi, khí hậu và năng lượng sạch, và hợp tác hàng hải”, bà Daniela Gavshon, Giám đốc Australia của HRW, viết trong bức thư gửi Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ngày 27/2.

“Tuy nhiên, tình hình nhân quyền ở các nước ASEAN đã trở nên tồi tệ hơn trong những năm gần đây và ASEAN với tư cách là một tổ chức đã nhiều lần thất bại trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng quan trọng”, bà cho biết thêm.

Liên quan tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, bà Gavshon đánh giá: “Chính phủ đàn áp một cách có hệ thống các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, hoạt động ôn hòa và tự do tôn giáo”.

“Đảng Cộng sản Việt Nam đã cai trị toàn bộ đất nước trong gần năm thập kỷ qua và trừng phạt nghiêm khắc bất cứ ai mà họ cho là thách thức sự độc quyền quyền lực của Đảng”, bà Gavshon nhấn mạnh.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và đề nghị họ cho ý kiến về bức thư của HRW, nhưng chưa được phản hồi.

Ngoài ra, HRW đồng thời kêu gọi chính phủ Australia nêu lên tình hình vi phạm nhân quyền ở các nước ASEAN khác như Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Philippines, Malaysia và Myanmar.

Tổ chức này cho rằng chính quyền quân quản Myanmar đang thực hiện các hành vi lạm dụng rộng rãi và có hệ thống đối với người dân - bao gồm bắt giữ tùy tiện, tra tấn, giết người phi pháp, không kích bừa bãi và các cuộc tấn công khác nhằm vào dân thường.

HRW thúc giục chính quyền Australia nên thúc đẩy các cam kết quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh này và nêu các vấn đề cụ thể với từng chính phủ.

“Với tư cách là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh, chính phủ Australia nên chỉ đạo các cuộc đối thoại tập trung vào vấn đề nhân quyền. Điều này có thể xảy ra tại các sự kiện chính thức và trong các cuộc gặp song phương không chính thức”, HRW kiến nghị.

Ngoài ra, HRW còn kêu gọi chính phủ Australia nên liên kết các lợi ích thương mại, an ninh và ngoại giao một cách rõ ràng hơn với những cải thiện cụ thể về nhân quyền.

Hôm 2/3, các cộng đồng người gốc Việt, Campuchia, Myanmar tại Australia biểu tình chống chế độ độc tài tại quê nhà trước thềm hội nghị ASEAN-Australia, theo đài SBS Tiếng Việt.

Các nhóm này lên tiếng phản đối các chính phủ độc tài, đàn áp người dân tại các quốc gia quê nhà.

Theo một đoạn video đăng trên YouTube, phái đoàn người Việt tại Australia tuần hành từ quảng trường Federal square đến Quốc Hội tiểu bang Victoria để biểu tình phản đối phái đoàn chính phủ Việt Nam đến Melbourne, và đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

“Chúng ta không thể quên rằng đồng bào của chúng ta ở trong nước vẫn bị sự kìm kẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Duy, lãnh đạo Cộng đồng người Việt Tự do Victoria, phát biểu tại cuộc tuần hành. “Khi chúng ta tới đây, chúng ta không phải thù oán gì đối với Cộng sản, mà chúng ta tới đây để đòi họ phải trả lại tất cả quyền tự do cho người dân Việt Nam”.

Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.

Như VOA đưa tin, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa đến Melbourne vào tối ngày 4/3 (giờ địa phương) để tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Australia và bắt đầu chuyến thăm chính thức Australia từ ngày 5/3-9/3 theo lời mời của Thủ tướng Albanese, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong cương vị thủ tướng của ông Phạm Minh Chính tới Australia và kể từ khi hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2018. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Australia vừa kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm ngoái.


*********

Tin tức thế giới 5-3: NATO tập trận lớn; Ukraine chưa nhận được 17 tỉ USD tiền ủng hộ

NGỌC ĐỨC

Tháp Eiffel, một trong những biểu tượng thủ đô Paris (Pháp), thắp sáng với biểu ngữ "Cơ thể tôi, lựa chọn của tôi" nhằm hoan nghênh việc Quốc hội nước này đưa quyền phá thai vào hiến pháp - Ảnh: AFP

Tháp Eiffel, một trong những biểu tượng thủ đô Paris (Pháp), thắp sáng với biểu ngữ "Cơ thể tôi, lựa chọn của tôi" nhằm hoan nghênh việc Quốc hội nước này đưa quyền phá thai vào hiến pháp - Ảnh: AFP

Pháp đưa quyền phá thai vào hiến pháp

Theo Hãng tin AFP, ngày 5-3, Quốc hội Pháp đã thông qua việc đưa quyền phá thai của phụ nữ vào hiến pháp. Điều này biến Pháp trở thành quốc gia đầu tiên bảo vệ quyền chấm dứt thai kỳ với tư cách là quyền hiến định.

Quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp lưỡng viện của Quốc hội. Tại đây, đề xuất đưa quyền phá thai vào hiến pháp đã được thông qua dễ dàng với 780 phiếu thuận và chỉ 72 phiếu chống.

Việc Quốc hội Pháp họp chung cả Thượng viện và Hạ viện là điều tương đối hiếm. Sự kiện này chỉ xảy ra vào những dịp quan trọng như thay đổi hiến pháp. Lần cuối Hiến pháp Pháp được sửa đổi là từ năm 2008.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mô tả quyết định vừa rồi là dịp "niềm kiêu hãnh của người Pháp" đưa ra một "thông điệp luôn đúng".

"Đây là một bước đi nền tảng. Một bước đi sẽ được ghi vào sử sách", Thủ tướng Pháp Gabriel Attal phát biểu trước các nghị sĩ sau khi kêu gọi họ thông qua quyết định trên.

Ông Attal cũng nhấn mạnh chính quyền nợ "khoản nợ đạo đức" với tất cả những người phụ nữ từng chịu thiệt thòi trước khi việc nạo phá thai được hợp pháp hóa.

Ukraine nhận trách nhiệm vụ nổ đường tàu Nga

Theo Hãng tin AFP, ngày 4-3, lực lượng tình báo thuộc quân đội Ukraine tuyên bố nhận trách nhiệm với vụ nổ đường tàu trước đó cùng ngày tại vùng Samara ở tây nam Nga.

"Một cầu đường sắt bắc qua sông Chapayevka ở vùng Samara của Nga đã bị đánh nổ. Vào ngày 4-3, vào khoảng 6h sáng, cây cầu trên đã bị hư hại bằng cách làm nổ các cấu trúc nâng đỡ", lực lượng này khẳng định.

Quân đội Ukraine cho biết tuyến đường sắt bị tấn công được Nga sử dụng để vận chuyển đạn dược từ một nhà máy thuộc thành phố Chapayevsk. Vụ tấn công kể trên sẽ vô hiệu hóa đường tàu này "trong thời gian dài".

Cuộc tấn công trên là sự kiện mới nhất trong một loạt cuộc tấn công vào mạng lưới đường sắt Nga của Kiev. Ukraine cho rằng Matxcơva sử dụng các tuyến đường bị tấn công để vận chuyển binh lính và trang thiết bị phục vụ chiến sự ở Ukraine.

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal khẳng định Kiev chưa nhận 17 tỉ USD tiền ủng hộ từ hai sự kiện gây quỹ hồi năm 2022 - Ảnh: AFP

Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal khẳng định Kiev chưa nhận 17 tỉ USD tiền ủng hộ từ hai sự kiện gây quỹ hồi năm 2022 - Ảnh: AFP

Ukraine nói chưa nhận 17 tỉ USD tiền ủng hộ

Ngày 4-3, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal thông báo Kiev chưa nhận hơn 17 tỉ USD tiền ủng hộ được gây quỹ bởi hai sự kiện kêu gọi nhà tài trợ ở Ba Lan hồi đầu năm 2022.

Ông Shmygal cho biết: "Ukraine chưa nhận được đồng nào. Khoản tiền nêu trên được gây quỹ bởi Ba Lan cùng Ủy ban châu Âu nhằm hỗ trợ Ukraine. Về việc chúng đã đổ về đâu, giúp đỡ ai..., Ukraine không nhận được gì cả".

Tháng 4-2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố một sự kiện gây quỹ quốc tế cho những người tị nạn Ukraine ở thủ đô Warsaw (Ba Lan) đã gây quỹ được 10,1 tỉ euro (10,9 tỉ USD).

Đến tháng 5-2022, một sự kiện cũng được Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn khác ở Warsaw đã kêu gọi được 6,3 tỉ euro (6,8 tỉ USD).

Tuyên bố trên của ông Shmygal được đưa ra trong bối cảnh Ukraine và láng giềng Ba Lan "cơm không lành, canh không ngọt" trong nhiều tháng do tranh cãi trong vấn đề nhập khẩu ngũ cốc và yêu cầu ngăn nông sản Ukraine tràn vào Ba Lan của các nông dân nước này.

NATO tập trận lớn "Phản ứng lạnh"

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4-3 thông báo cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên lãnh thổ Bắc Âu của liên minh này đã bắt đầu cùng ngày để đối phó tình hình căng thẳng leo thang ở châu Âu, khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ 3.

Theo thông báo trên, cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của hơn 20.000 binh sĩ, tới từ 13 quốc gia. Cuộc tập trận do Na Uy dẫn đầu mang tên "Phản ứng của Bắc Âu 2024" đánh dấu sự tham gia lớn nhất từ trước đến nay của Phần Lan trong một cuộc tập trận quân sự ở nước ngoài, với hơn 4.000 binh sĩ Phần Lan tham gia. Động thái này diễn ra sau quyết định lịch sử của Phần Lan gia nhập NATO vào tháng 4 năm ngoái.

Từng được biết tới với tên gọi "Phản ứng lạnh", cuộc tập trận 2 năm một lần này mở rộng sang lãnh thổ Phần Lan và tiếp đó là Thụy Điển.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho hay Matxcơva đang theo dõi cuộc tập trận mà Matxcơva coi là mang tính khiêu khích này.

Cựu quân nhân phát tán tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ nhận tội

Jack Teixeira trong quân phục trên mạng xã hội - Ảnh: REUTERS

Jack Teixeira trong quân phục trên mạng xã hội - Ảnh: REUTERS

Ngày 4-3, trước tòa án liên bang Mỹ, cựu quân nhân từng phục vụ trong Lực lượng Phòng không quốc gia bang Massachusetts Jack Teixeira (23 tuổi) đã nhận có tội đối với 6 cáo buộc cố tình phát tán thông tin quốc phòng.

Với việc này, Teixeira sẽ đối diện án tù lên đến 16 năm 8 tháng, đồng thời phải trả khoản tiền phạt 50.000 USD và hợp tác với cán bộ tình báo nhằm xác định mức độ tác động của các thông tin bị lộ.

Việc Teixeira nhận tội là một phần thỏa thuận giữa đội ngũ luật sư của cựu quân nhân này với phía công tố. Bằng cách nhận tội cố tình phát tán thông tin quốc phòng, Teixeira sẽ không phải đối diện cáo buộc gián điệp, vốn có thể khiến ngồi tù chung thân.

Teixeira bị bắt hồi tháng 4-2023 sau khi phát tán một loạt tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ lên nền tảng mạng xã hội Discord. Các thông tin này sau đó được phát tán rộng rãi trên mạng và trở thành một trong những vụ rò rỉ tài liệu mật tai hại nhất lịch sử xứ cờ hoa.

Ông Elon Musk bị cựu lãnh đạo Twitter kiện vì quỵt tiền chấm dứt hợp đồng

Ngày 4-3, một nhóm cựu lãnh đạo mạng xã hội Twitter, hiện đã được đổi tên thành X, kiện tỉ phú Elon Musk vì đã không trả họ 130 triệu USD tiền chấm dứt hợp đồng.

Tháng 10-2022, ông Musk hoàn tất thương vụ mua lại Twitter. Từ đó đến nay, ông đã sa thải một loạt nhân viên cấp cao của công ty này, bao gồm cựu giám đốc điều hành (CEO) Parag Agrawal và cựu giám đốc tài chính (CFO) Ned Segal.

Cả hai người này đều tham gia vào nhóm cựu lãnh đạo kiện ông chủ X kể trên. Hồ sơ khởi kiện khẳng định ông Musk nợ ông Agrawal 57,4 triệu USD và ông Segal 44,5 triệu USD.

"Ông Musk không trả tiền mình nợ và tin rằng luật lệ không áp dụng lên ông ấy. Ông ấy dùng tài sản và quyền lực để hành xử thô lỗ với bất kỳ ai bất đồng với ông ta", đơn kiện nêu rõ.

Hiện ông Musk chưa đưa ra phản hồi chính thức về vụ việc trên.

Cuộc đua kỳ thú

Người Kyrgyzstan tham gia Kok-boru, một trò thi đấu thể thao phổ biến của người Trung Á, tại làng Uch-Emchek, cách thủ đô Bishkek khoảng 30km. Luật chơi của môn này tại làng Uch-Emchek là giành lấy một miếng lông cừu và quăng vào một cái giếng. Ảnh: AFP

Người Kyrgyzstan tham gia Kok-boru, một trò thi đấu thể thao phổ biến của người Trung Á, tại làng Uch-Emchek, cách thủ đô Bishkek khoảng 30km. Luật chơi của môn này tại làng Uch-Emchek là giành lấy một miếng lông cừu và quăng vào một cái giếng - Ảnh: AFP

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn