Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 24-02 -2024:Lãnh đạo phương Tây tề tựu về Kyiv, cam kết hỗ trợ

Thứ Bảy, 24 Tháng Hai 20241:13 CH(Xem: 1647)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 24-02 -2024:Lãnh đạo phương Tây tề tựu về Kyiv, cam kết hỗ trợ
Hoaluc 2
************
voatiengviet.com

Vương quốc Anh giúp bổ sung đạn pháo cho Ukraine với ngân khoản 311 triệu USD

Reuters

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Bảy 24/2 rằng quốc gia này sẽ chi 245 triệu bảng Anh (311 triệu đô la) trong năm tới để tăng lượng đạn pháo dự trữ cho Ukraine, tuyên bố này được đưa ra đúng dịp tròn 2 năm Nga xâm lược đất nước láng giềng.

Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng và đang kêu gọi thêm trợ giúp quân sự từ các nước phương Tây trong cuộc chiến chống lại Nga. Triển vọng có thêm viện trợ quân sự của Mỹ, đất nước tài trợ lớn nhất cho Ukraine, hiện phụ thuộc vào một cuộc bỏ phiếu của quốc hội Mỹ.

"Họ không thể thắng cuộc chiến này nếu không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế - và đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục làm những việc cần thiết để đảm bảo Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu hướng tới chiến thắng", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nói trong một bản tuyên bố.

Anh đã cam kết trợ giúp quân sự hơn 8,8 tỷ đô la cho Ukraine kể từ tháng 2/2022.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay đã cung cấp 44 tỷ đô la qua các khoản trợ giúp an ninh cho Ukraine và hiện đang chờ quốc hội phê duyệt để đảm bảo sẽ có 60 tỷ đô la.

Đức, nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, cho hay họ đã cung cấp và cam kết viện trợ quân sự khoảng 28 tỷ euro (30,2 tỷ đô la) cho đến nay.

Liên hiệp châu Âu đã cam kết viện trợ quân sự khoảng 6 tỷ euro thông qua Quỹ hòa bình châu Âu.

Một số quốc gia phương Tây đã cam kết viện trợ quân sự kể từ tháng 2/2022, trong đó có Canada cam kết 2,4 tỷ đô la.


**************
voatiengviet.com

Ukraine nói đã tấn công nhà máy thép lớn của Nga nhân ngày kỉ niệm cuộc xâm lược

Reuters

Các máy bay không người lái (drone) của Ukraine đã tấn công một nhà máy thép lớn của Nga gây ra hỏa hoạn lớn, một nguồn tin ở Kyiv cho biết vào ngày thứ Bảy, nhân kỉ niệm hai năm ngày Nga xâm lược toàn diện Ukraine.

Thống đốc vùng Lipetsk của Nga xác định nhà máy này nằm ở thành phố Lipetsk, cách biên giới Ukraine khoảng 400 km về phía bắc, cung cấp khoảng 18% sản lượng thép của Nga.

Ông cho biết đám cháy dường như gây ra bởi một cuộc tấn công bằng drone đã được dập tắt tại nhà máy do hãng sản xuất thép Novolipetsk (NLMK) của Nga điều hành và không có thương vong.

Nguồn tin Ukraine nói với Reuters rằng cuộc tấn công, một hoạt động chung của cơ quan tình báo quân sự GUR và cơ quan an ninh SBU, đã gây ra hỏa hoạn lớn và các nhân viên đã được di tản.

"Nguyên liệu thô từ xí nghiệp này được sử dụng để sản xuất phi đạn, pháo, drone của Nga. Vì vậy, đó là mục tiêu chính đáng của Ukraine," nguồn tin nói nhưng không nêu rõ địa điểm nhà máy.

NLMK cho biết vào tháng 10 năm 2022 rằng các hoạt động tại Nga của họ không có khả năng sản xuất thép nặng cấp quân sự và không cung cấp hàng hóa cho quân đội mà chỉ là thép đai cuộn cho mục đích dân sự thông thường.

Video đăng trên mạng xã hội được nói là từ Lipetsk cho thấy một vụ nổ, với ngọn lửa màu cam thắp sáng bầu trời đêm.

NLMK nói trên mạng xã hội rằng đám cháy bùng lên lúc 1giờ 40 phút sáng (22:40 GMT ngày thứ Sáu). Công ty không phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Hoạt động sản xuất của nhà máy đã bị đình chỉ trong khi một nhóm điều tra làm việc tại chỗ, theo một nguồn tin nắm rõ sự việc. Nguồn tin nói thêm thiệt hại có thể nhìn thấy là không đáng kể.

Nhà máy Lipetsk chuyên về thép dẹt, sản xuất 80% sản phẩm thép của NLMK.

Các cuộc tấn công bằng drone của Ukraine nhắm vào các mục tiêu quân sự và công nghiệp của Nga ngày càng trở nên phổ biến trong những tháng gần đây, đặc biệt là nhắm vào các cơ sở dầu mỏ mà Kyiv cho là thiết yếu đối với nỗ lực chiến tranh của Nga, nhưng các nguồn tin Ukraine trước đó chưa tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào một nhà máy thép.

Nhà chức trách Nga nói các drone của Ukraine đã bị bắn rơi trên khu vực Lipetsk, Kursk và Tula trong đêm.


*************
voatiengviet.com

Lãnh đạo phương Tây tề tựu về Kyiv, cam kết hỗ trợ Ukraine nhân kỉ niệm chiến tranh

Reuters

Các thủ tướng của Ý và Canada kí các hiệp ước an ninh với Ukraine vào ngày thứ Bảy khi các nhà lãnh đạo phương Tây tề tựu về Kyiv nhân kỉ niệm hai năm cuộc xâm lược quân sự của Nga, trong khi chiến sự chưa thấy hồi kết.

Sau những thành công ban đầu trong việc đẩy lùi quân đội Nga, Ukraine gần đây đã vấp phải những trở ngại trên chiến trường ở miền đông, khi các tướng lĩnh của nước này than phiền về tình trạng vũ khí và binh lính ngày càng thiếu hụt.

Nhằm xua tan lo ngại rằng phương Tây đang thờ ơ về cuộc xung đột, Thủ tướng Giorgia Meloni của Ý và Justin Trudeau của Canada đến Kyiv vào sáng sớm ngày thứ Bảy cùng với Chủ tịch Ủy hội Châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo.

"Thông điệp mà tôi muốn gửi hôm nay tới... tất cả người dân Ukraine là họ không đơn độc. Tôi muốn các bạn biết rằng chúng tôi vô cùng biết ơn," bà Meloni nói khi kí hiệp ước quốc phòng 10 năm với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Ông Trudeau đã kí một hiệp ước tương tự và cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự khoảng 2,25 tỉ đôla trong năm nay.

“Chúng tôi sẽ sát cánh với Ukraine bằng bất cứ cách nào, cho đến khi nào còn cần thiết,” ông Trudeau nói.

Người dân Ukraine đã tổ chức các buổi lễ tưởng niệm, đặt hoa tưởng nhớ nhiều người đã thiệt mạng, giữa lúc có những lo ngại rằng chiến tranh sẽ tiếp diễn nhiều năm và Tổng thống Nga Vladimir Putin không tỏ dấu hiệu lùi bước.

“Tôi là người thực tế và hiểu rằng rất có thể chiến tranh sẽ kéo dài ba hoặc bốn năm nữa. Tôi hi vọng xã hội sẽ huy động, tôi hi vọng chúng tôi có thể bằng cách nào đó đánh bại Nga,” một cư dân tên Denys Symonovskiy ở Kyiv nói.

Ông Zelenskyy đưa các nhà lãnh đạo nước ngoài đi tham quan sân bay Hostomel - nơi diễn ra trận chiến ác liệt vào đầu cuộc xâm lược khi Nga cố gắng đưa lính nhảy dù tới nhằm chiếm thủ đô Kyiv cách đó vài kilômét.

“Hai năm trước chúng ta đón quân địch ở đây bằng hỏa lực, và hai năm sau chúng ta đón bạn bè, đối tác của mình ở đây,” ông Zelenskyy nói trong phát biểu trên truyền hình trước xác máy bay làm hậu cảnh.

“Bất cứ người bình thường nào cũng muốn chiến tranh kết thúc. Nhưng không ai trong chúng ta sẽ cho phép Ukraine của chúng ta kết liễu.” ông nói thêm. “Từ 'độc lập' sẽ luôn đứng cạnh từ ‘Ukraine’ trong lịch sử tương lai.”

Bên ngoài Kyiv, chiến tranh vẫn tiếp diễn không ngớt.

Drone của Nga đã tấn công cảng Odesa trong đêm thứ hai, bắn trúng một tòa nhà chung cư khiến một người thiệt mạng, thống đốc khu vực cho biết. Ở Dnipro, một drone của Nga tấn công một tòa nhà chung cư và lực lượng cứu hộ tìm thấy hai người chết.

Trong khi đó, một nguồn tin ở Kyiv cho biết drone của Ukraine đã gây ra hỏa hoạn tại một nhà máy thép của Nga. Một quan chức Nga xác định đó là nhà máy ở Lipetsk, cách Ukraine khoảng 400 km, và sản xuất khoảng 18% sản lượng của Nga.

Các hiệp ước an ninh của Canada và Ý giống các hiệp ước tương tự được kí kết gần đây với Pháp và Đức.

Tuy nhiên, khoản viện trợ 61 tỉ đôla mà Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa cấp đang bị các nghị sĩ Đảng Cộng hòa chặn lại tại Quốc hội, phủ bóng đen lên hi vọng của Kyiv trong việc đẩy lùi quân đội Nga đông hơn nhiều và được cấp vũ khí đầy đủ hơn.

Ông Biden dự kiến sẽ tham dự một cuộc họp qua video gồm các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ lớn thuộc Nhóm Bảy Cường quốc (G7) vào ngày thứ Bảy mà ông Zelenskyy cũng góp mặt.

Phương Tây coi cuộc xâm lược này là hành động gây hấn phi lý cần phải bị đẩy lùi và Ý, chủ tịch hiện tại của G7, nói điều thiết yếu là phải thách thức những nhận thức cho rằng nước này đã mệt mỏi vì cuộc xung đột và Nga đang chiến thắng.

Khi xe tăng và bộ binh Nga tràn qua biên giới trước bình minh vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, 40 triệu người Ukraine đã gây bất ngờ khi họ làm chậm lại và chặn bước tiến của quân Nga.

Nhưng khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba, những trở ngại ở phía đông khiến quân đội Ukraine lâm vào thế dễ bị tổn thương.


***********
rfi.fr

Nga : Giáo viên trường công bỏ dạy hàng loạt vì chính quyền gia tăng tuyên truyền

Chi Phương

Trong bối cảnh, cuộc chiến mà Nga tiến hành tại Ukraina chính thức bước sang năm thứ ba, tại đất nước của Vladimir Putin, một số kênh truyền thông độc lập cho biết khoảng 200 000 giáo viên tại các trường công nghỉ việc vì chính quyền gia tăng các tuyên truyền về chính trị tại trường học.

Đăng ngày:

2 phút

Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri tường trình :

 « Tại một số vùng ở Nga, lương của giáo viên (tại trường công) đôi khi chỉ gần bằng mức lương tối thiểu, tức là khoảng 130 euro, trong khi phải gánh khối lượng công việc lớn, cơ sở hạ tầng thì không được đầu tư. Trước chiến tranh, giới nhà giáo tại Nga đã bày tỏ nhiều bất bình, nhưng chính việc gia tăng tuyên truyền đã khiến giáo viên từ chức hàng loạt. Người giáo viên  xin ẩn danh này, hiện giờ giảng dạy ở một trường tư, từ nhiều tháng qua, đã nhận được những cuộc gọi từ các đồng nghiệp cũ, kể về những gì họ đang trải qua.

Ông cho biết : « Từ chào cờ và hát quốc ca mỗi tuần một lần cho đến tất cả các loại hoạt động như tham quan các địa điểm liên quan đến chính sách hiện nay của Nga. Điều này khiến nhiều người thấy đơn giản là không thể chấp nhận được vì lý do đạo đức. Thêm vào đó là những đoàn như linh mục, hay các cựu chiến binh, đến thăm trường và các giáo viên, học sinh phải hoan nghênh nồng nhiệt nhất bằng mọi cách có thể. Họ phải chấp nhận mọi phát biểu, diễn văn dù các nhân vật đó có nói sai về mặt khoa học hoặc không thể chấp nhận được về mặt đạo đức.

Mạng Internet Nga tràn ngập những thông tin về cách mà các cựu chiến binh đến trường nói chuyện, về cách mà họ đã từng chiến đấu, giết người ra sao. Họ coi đó là một thành tích lớn của mình, khuyến khích các học sinh noi gương. Điều tồi tệ hơn, đó là trước khi tham chiến, nhiều người trong số họ từng là những thành phần bất hảo. Và bây giờ, những tù nhân đó lại đến trường rao giảng đạo đức cho học sinh. Những chuyện này được xem là « không thể chấp nhận được và hoàn toàn tiêu cực ».

Vị giáo viên này cho biết là hiện giờ ông tránh được bầu không khí đó nhờ dạy ở trường tư nhưng cũng tự hỏi là sẽ được bao lâu »


**********
voatiengviet.com

Chính quyền Nga bị tố gây áp lực về chuyện mai táng lãnh đạo đối lập Navalny

Reuters

Phát ngôn viên của nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexey Navalny hôm 23/2 cho biết chính quyền Nga đã bảo thân mẫu của ông rằng ông sẽ được chôn cất tại trại giam nơi ông qua đời trừ phi bà đồng ý, trong vòng ba giờ, chôn cất ông mà không tổ chức tang lễ công khai.

Ông Navalny, đối thủ chính trị của Tổng thống Vladimir Putin được nhiều người biết tiếng, đột ngột qua đời cách đây một tuần tại trại giam hình sự Bắc Cực, nơi ông ta thụ án tổng cộng hơn 30 năm.

Mẹ của ông, bà Lyudmila, 69 tuổi, trong nhiều ngày qua đã yêu cầu chính quyền giao thi thể ông để chôn cất theo cách mà bạn bè, gia đình và những người ủng hộ ông có thể đến viếng.

Phát ngôn viên của ông Navalny, bà Kira Yarmysh, đăng trên X: “Một giờ trước, một điều tra viên đã gọi điện cho mẹ của Alexey và ra tối hậu thư. Hoặc bà ấy đồng ý, trong vòng 3 giờ, tổ chức một đám tang bí mật mà không có tang lễ công khai, hoặc Alexey sẽ được chôn trong trại giam.”

Bà Yarmysh cho biết mẹ của ông Navalny đã từ chối và tiếp tục đòi trao trả thi thể con trai.

Không có bình luận ngay lập tức từ chính quyền.

Gia đình ông Navalny và những người ủng hộ ông cáo buộc Tổng thống Putin đã giết ông, một cáo buộc mà Điện Kremlin đã giận dữ bác bỏ. Ông đã sống sót sau một vụ đầu độc vào năm 2020 và nhiều năm bị đối xử khắc nghiệt trong tù, bao gồm cả những thời gian biệt giam dài hạn.

Ông Putin không bao giờ nhắc đến tên Navalny và không bình luận trước công chúng về vấn đề này kể từ khi ông qua đời. Điện Kremlin cho biết họ không liên quan đến cái chết của ông và các tình tiết đang được điều tra.

Bế tắc về việc trao trả thi thể ông dường như phản ánh mối lo ngại của Điện Kremlin rằng một đám tang công khai lớn dành cho tiếng nói chỉ trích Putin hàng đầu có thể trở thành tâm điểm cho tình trạng bất ổn, vài tuần trước cuộc bầu cử mà nhà lãnh đạo Điện Kremlin đang tìm kiếm thêm sáu năm nắm quyền. Ông Putin đang đối mặt với ba ứng cử viên khác, không ai trong số họ chỉ trích Putin.

Nhóm nhân quyền OVD-Info cho biết 400 người đã bị giam giữ trong những ngày sau cái chết của ông Navalny vì tìm cách tưởng niệm ông ở nơi công cộng.

Video của người mẹ

Trong đoạn video dài 95 giây được phát hành hôm 22/2, bà Lyudmila Navalnaya cho biết chính quyền đang cố gắng “dằn mặt” và đe dọa bà phải đồng ý chôn cất âm thầm, điều mà bà nói rằng bà sẽ không chấp nhận.

“Họ muốn việc (chôn cất) này được thực hiện một cách bí mật, không từ biệt. Họ muốn đưa tôi đến rìa nghĩa trang, đến một ngôi mộ mới và nói: con trai bà nằm đây. Tôi không đồng ý chuyện này.”

“Tôi muốn các bạn, những người quan tâm đến Alexey và những người xem cái chết của con tôi là một bi kịch cá nhân, có cơ hội nói lời tạm biệt với con tôi,” bà nói thêm khi phát biểu trước những người ủng hộ Navalny ở Nga.

Phụ tá của ông Navalny, Ivan Zhdanov, cho biết các luật sư của bà Lyudmila đã đệ đơn kiện với cáo buộc “xâm phạm thi thể của một người đã khuất”.

Phụ tá ông Navalny cũng treo thưởng cho các thành viên của cơ quan an ninh để đổi lấy thông tin về cái mà ông gọi là vụ sát hại ông Navalny.

‘Chớ quấy rầy thân mẫu của Navalny’

Cảnh tượng người mẹ già của ông Navalny đối đầu với quyền lực và sự quan liêu của nhà nước để đòi quyền chôn cất con trai đã khiến nhiều người trong và ngoài nước Nga cảm động và tức giận. Hàng chục nghìn người đã ký đơn thỉnh nguyện yêu cầu giao thi thể của ông Navalny.

Bà Evgenia Kara-Murza, vợ của chính trị gia đối lập Vladimir Kara-Murza, người đang thụ án 25 năm ở Siberia về các cáo buộc, bao gồm cả tội phản quốc, mà ông đã phủ nhận, nói: “Nếu bạn vẫn còn chút nhân tính, hãy ngừng đùa cợt thân mẫu ông ấy mà hãy trả lại thi thể con trai bà cho bà”.

Nhà báo Dmitry Muratov, người đoạt giải Nobel Hòa bình, đăng trên X, “Hãy trả lại con trai cho bà Lyudmila Ivanovna. Chỉ cần trả lại con cho mẹ.”

Người đoạt giải Nobel văn học người Belarus, Svetlana Alexievich, viết: “Tôi không chỉ muốn kêu gọi Điện Kremlin. Tôi muốn yêu cầu tất cả mọi người, tất cả chúng ta - hãy tiếp tục nói rằng họ phải trả lại thi thể cho mẹ ông.”

Một tổ chức kiểm tra thực tế của Nga cho biết họ đã phát hiện ra một tin nhắn âm thanh giả đang được lan truyền trên mạng xã hội có nội dung là lời tuyên bố của mẹ ông Navalny cáo buộc con dâu Yulia về những hành vi không đúng mực kể từ khi ông qua đời.

Bà Yulia, vợ ông Navalny, và con gái Dasha của họ hôm 22/2 đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, người đã gọi ông Navalny là “một người đàn ông có lòng dũng cảm đáng kinh ngạc”.

Tổng thống Biden nói ông Putin phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Navalny.


*************
voatiengviet.com

Vương quốc Anh giúp bổ sung đạn pháo cho Ukraine với ngân khoản 311 triệu USD

Reuters

Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Bảy 24/2 rằng quốc gia này sẽ chi 245 triệu bảng Anh (311 triệu đô la) trong năm tới để tăng lượng đạn pháo dự trữ cho Ukraine, tuyên bố này được đưa ra đúng dịp tròn 2 năm Nga xâm lược đất nước láng giềng.

Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng và đang kêu gọi thêm trợ giúp quân sự từ các nước phương Tây trong cuộc chiến chống lại Nga. Triển vọng có thêm viện trợ quân sự của Mỹ, đất nước tài trợ lớn nhất cho Ukraine, hiện phụ thuộc vào một cuộc bỏ phiếu của quốc hội Mỹ.

"Họ không thể thắng cuộc chiến này nếu không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế - và đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục làm những việc cần thiết để đảm bảo Ukraine có thể tiếp tục chiến đấu hướng tới chiến thắng", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps nói trong một bản tuyên bố.

Anh đã cam kết trợ giúp quân sự hơn 8,8 tỷ đô la cho Ukraine kể từ tháng 2/2022.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay đã cung cấp 44 tỷ đô la qua các khoản trợ giúp an ninh cho Ukraine và hiện đang chờ quốc hội phê duyệt để đảm bảo sẽ có 60 tỷ đô la.

Đức, nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, cho hay họ đã cung cấp và cam kết viện trợ quân sự khoảng 28 tỷ euro (30,2 tỷ đô la) cho đến nay.

Liên hiệp châu Âu đã cam kết viện trợ quân sự khoảng 6 tỷ euro thông qua Quỹ hòa bình châu Âu.

Một số quốc gia phương Tây đã cam kết viện trợ quân sự kể từ tháng 2/2022, trong đó có Canada cam kết 2,4 tỷ đô la.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(Reuters) – Anh, Mỹ ủng hộ thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tranh chức tổng thư ký NATO. Một quan chức Hoa Kỳ hôm 22/02/2024 cho biết tổng thống Biden « mạnh mẽ » tán đồng việc ông Rutte kế nhiệm Jens Stoltenberg lãnh đạo liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương. Cùng ngày bộ Ngoại Giao Anh đánh giá thủ tướng Hà Lan có uy tín và nhiều kinh nghiệm về an ninh và quốc phòng để đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo NATO ở vào thời điểm đầy biến động hiện tại. Theo một nguồn tin thông thạo, đơn ra ứng cử chức vụ tổng thư ký NATO của Mark Rutte hiện đã được 20 trong số 31 thành viên khối này ủng hộ. 

(AFP) – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế giải ngân 880 triệu đô la cho Ukraina. Thông cáo của IMF chiều qua 22/02/2024 nói rõ số tiền nói trên là đợt giải ngân thứ ba trong kế hoạch hỗ trợ 15,6 tỷ đô la đã được thông qua từ tháng 3/2023. Trước mắt IMF thẩm định, Ukraina cần gần 450 tỷ đô la trong công cuộc tái thiết một khi chấm dứt chiến tranh. 

(AFP) – Căng thẳng được báo trước tại Hội Chợ Nông Nghiệp Paris. Vài tuần sau phong trào biểu dương lực lượng của nông dân Pháp, Salon de l’Agriculture lần thứ 60 mở ra tại khu triển lãm Porte de Versailles từ ngày 24/02 đến 04/03/2024. Tổng thống Macron trong ngày khai mạc dự trù đối thoại trực tiếp với các nông gia. Giới quan sát chờ đợi đây sẽ là một cuộc tranh luận « sôi nổi ». Chính quyền khó dung hòa được những đòi hỏi của các nông dân Pháp với những tiêu chí giảm sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân. 

(AFP) – Điện ảnh Pháp : Lễ trao giải César được báo trước là đầy sóng gió vì phong trào #MeToo. Vài giờ trước lễ trao giải đêm nay 23/02/2024 truyền thông Paris ít nhắc đến những tác phẩm được cho là có nhiều triển vọng ra về với nhiều phần thưởng nhất mà chỉ chờ đợi những phát biểu của nữ diễn viên Judith Godrèche. Cách nay vài ngày cô đệ đơn kiện hai đạo diễn Benoît Jacquot và Jacques Doillon sách nhiễu tình dục khi còn vị thành niên. 

(AFP) – Một người Pháp vào tù vì tội ăn trộm hơn 7.000 chai rượu vang, trị giá hơn nửa triệu euro. Các giới chức tư pháp hôm 22/02/2024 nói đến vụ trộm cắp « chưa từng có trong lịch sử của nền công nghiệp cất rượu. Nghi can là một người đàn ông 56 tuổi, bị bắt tại vùng Bourgogne, nổi tiếng với các loại vang trắng và đỏ của Pháp. Theo điều tra sơ khởi « trong nhiều năm » đương sự đã lấy trộm của chủ « cả ngàn chai » rượu vang. 

(AFP) – Hungary chuẩn bị mua 4 chiến đấu cơ của Thụy Điển. Thông báo được đưa ra vào hôm nay 23/02/2024, ba ngày trước khi Quốc Hội biểu quyết về việc kết nạp Thụy Điển vào NATO. Đến nay Hungary là thành viên duy nhất còn chưa chấp thuận mở rộng Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương đến nước bắc Âu này. Để xoa dịu tình hình, trong cuộc họp báo sáng thủ tướng Viktor Orban cho biết Budapest sẽ trang bị chiến đấu cơ Grippen, tăng cường khả năng phòng thủ của Hungary. Hiện tại Không Quân Hungary đã sử dụng máy bay chiến đấu do Thụy Điển chế tạo, nhưng dưới dạng « thuê bao ».

(Reuters) – Nghị viện Mỹ kêu gọi Volkswagen rời Tân Cương, Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ về Trung Quốc và người đầu Dân chủ tại Ủy ban đã thúc giục hãng xe hơi Volkswagen dừng hoạt động ở Tân Cương sau khi hàng ngàn xe có linh kiện do Trung Quốc sản xuất bị giữ lại tại các cảng của Hoa Kỳ vì có chứa linh kiện liên quan đến lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Báo Financial Times tuần trước loan báo khoảng 1.000 xe Porsche, vài trăm xe Bentley và vài ngàn xe Audi đã bị giữ tại các cảng của Hoa Kỳ vì có sự vi phạm luật chống lao động cưỡng bức.

(AFP) – Lần đầu phi thuyền của một công ty tư nhân của Mỹ đáp thành công xuống Mặt Trăng. Đây là phi thuyền Nova-C của công ty Intuitive Machines, chủ yếu chở các thiết bị khoa học của NASA, được phóng lên từ tuần trước, tại bang Florida. Tim Crain, một lãnh đạo công ty cho biết hôm qua 22/02/2024 phi thuyền này đã truyền được những dữ liệu đầu tiên về từ Mặt Trăng. Đây được xem là một bước tiến lớn cho ngành công nghiệp không gian vũ trụ, và là chuyến đáp đầu tiên của phi thuyền Mỹ xuống Mặt trăng tính từ 50 năm trở lại đây.  

(Bloomberg/Reuters) – Philippines tiếp tục có thái độ cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông. Phát biểu tại diễn đàn với các thông tín viên nước ngoài hôm 22/02/2024, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Philippines Jay Tarriela cho biết, bất luận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, Manila tin tưởng ở liên minh song phương và sẽ tiếp tục phản đối những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Cụ thể, Philippines phản đối việc Trung Quốc cáo buộc một tầu Philippines « xâm phạm trái phép » vùng biển gần bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc kiểm soát từ năm 2012.

(Yonhap) – Mỹ - Nhật - Hàn tập trung hợp tác đối phó Bắc Triều Tiên. Trong cuộc hội đàm ngày 22/02/2024 bên lề hội nghị G20 tại Brazil, ngoại trưởng ba nước đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phối hợp ba bên để đáp trả các hành động gây hấn của Bắc Triều Tiên, cũng như sự ủng hộ quân sự của nước này trong cuộc chiến của Nga tại Ukraina. Đây là cuộc họp ba bên đầu tiên của ngoại trưởng Cho Tae Yul kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 01. 


*********
voatiengviet.com

Quá cần lính, Ukraine xem xét kế hoạch mở rộng quân dịch không được lòng dân

AP

Khi quân đội Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine cách đây hai năm, những người đàn ông Ukraine đã nhiệt tình đổ xô đến các trung tâm tuyển quân trên khắp đất nước để nhập ngũ, sẵn sàng chết để bảo vệ tổ quốc của họ.

Ngày nay, với việc Nga kiểm soát khoảng 1/4 lãnh thổ Ukraine và hai quân đội gần như bế tắc dọc theo chiến tuyến dài 1.000 km, tinh thần nhập ngũ đó đã phai nhạt: Nhiều đàn ông Ukraine trốn quân dịch bằng cách trốn ở nhà hoặc cố gắng hối lộ để khỏi phải ra trận.

Dọc theo chiến tuyến lạnh lẽo và lầy lội, các chỉ huy Ukraine cho biết quân đội của họ quá nhỏ và có quá nhiều binh lính kiệt sức và bị thương. Khi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ ba, thách thức cấp bách và nhạy cảm nhất về mặt chính trị đang đè nặng lên Ukraine là liệu nước này có thể tập hợp đủ binh sĩ mới để đẩy lùi kẻ thù có nhiều chiến binh hơn trong tay hay không.

Dân số Nga đông gấp ba lần Ukraine và Tổng thống Vladimir Putin đã chứng tỏ sẵn sàng ép nam giới ra mặt trận nếu không có đủ tình nguyện viên.

Việc thiếu binh lính không phải là tình trạng khó khăn duy nhất của Ukraine - nước này cũng đang rất cần viện trợ quân sự của phương Tây, vốn khó có được hơn khi chiến tranh kéo dài. Nhưng huy động đủ quân là một vấn đề chỉ Ukraine mới giải quyết được.

Để bổ sung thêm hàng ngũ của mình, chính phủ Ukraine đang nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng giữa ép buộc và thuyết phục.

Quốc hội đang xem xét dự luật nhằm tăng số tân binh tiềm năng lên khoảng 400.000 người, một phần bằng cách giảm độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25. Tuy nhiên, đề nghị này rất không được ưa chuộng, buộc các quan chức phải vật lộn với những câu hỏi liên quan đến tinh thần dân tộc: Liệu họ có thể thuyết phục đủ công dân hy sinh mạng sống của mình không? Và nếu không, họ có sẵn sàng chấp nhận giải pháp thay thế không?

Một người lính Ukraine đang chiến đấu gần thành phố Avdiivka - nơi binh lính rút lui vào tuần trước để đỡ thiệt hại về nhân mạng - cho biết đơn vị của anh gần đây đã bị áp đảo về quân số khoảng 5 trên 1 khi hàng chục lính Nga xông vào vị trí của họ, giết chết tất cả mọi người trừ anh và hai người khác.

Anh Dima, người từ chối cung cấp họ của mình vì lý do an ninh, cho biết: “Chúng tôi gần như bị đánh bại hoàn toàn.”

Cách đó khoảng 800 km, một người đàn ông 42 tuổi Andrii, người khăng khăng chỉ sử dụng tên của mình để nói về việc trốn quân dịch, đang trốn trong nhà bên ngoài Kyiv, lo lắng nói: “Tôi cảm thấy tội lỗi khi là một người đàn ông… Tôi không thể cảm thấy mình được tự do”.

Ước tính có hàng chục nghìn đàn ông Ukraine đủ điều kiện nhập ngũ đang trốn quân dịch, dù ở trong hay ngoài nước.

Ai sẽ đào chiến hào?

Vì không có đủ tân binh nên binh sĩ ở tiền tuyến không được nghỉ ngơi đầy đủ giữa các đợt luân chuyển. Hai năm chiến đấu khốc liệt đã khiến họ mệt mỏi và dễ bị chấn thương hơn. Theo các cuộc phỏng vấn với hai chục binh sĩ Ukraine, trong đó có sáu chỉ huy, khi có những tân binh, họ quá ít, được đào tạo quá kém và thường quá già.

Các chỉ huy nói rằng họ không có đủ binh lính để tiến hành các cuộc tấn công và hầu như không đủ để giữ các vị trí trong bối cảnh các cuộc tấn công ngày càng gia tăng của Nga.

Theo ông Vadym Ivchenko, một nhà lập pháp thuộc ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo của quốc hội, các lữ đoàn gồm 3.000-5.000 binh sĩ thường chỉ chiến đấu với 75% toàn bộ sức mạnh. Ông nói thêm, một số lữ đoàn chỉ có 25%.

Anh Dima, người lính chiến đấu gần Avdiivka, nằm trong số hàng chục người được điều trị gần đây tại một bệnh viện dã chiến gần mặt trận. Các bác sĩ ở đó cho biết công việc của họ giống như một chu kỳ hoạt động: Những người lính được gửi trở lại chiến đấu sau khi được điều trị thường xuất hiện trở lại vài tuần sau đó với những vết thương mới.

Anh Igor Ivansev, 31 tuổi, đã bị thương hai lần trong vòng bốn tháng. Cơ thể anh đau nhức khi mang súng máy, nhưng các bác sĩ cho rằng anh đủ sức khỏe để phục vụ. Ivansev nói rằng trong số 17 người cùng nhập ngũ với anh, hầu hết đều đã chết; những người còn lại giống anh ta, bị thương.

Chỉ huy của Ivansev, người chỉ cho biết tên, Dmytro, cho biết đại đội đang kiệt quệ và thiếu người của ông đang làm việc ngoài giờ để đào hào sâu hơn và xây dựng các địa điểm tốt hơn để chống lại pháo binh Nga liên tục. Ông Dmytro nói: “Chúng tôi không có người, không biết đào đâu ra.”

Ông nói khi bắt đầu chiến tranh binh lính được luân chuyển hai tuần một lần để nghỉ một tuần. Nhưng bây giờ quân lính của ông chiến đấu trong một tháng, sau đó được nghỉ bốn ngày.

Anh Ivantsev nói: “Chúng tôi không phải là người thép.”

Theo các quan chức phương Tây, quân nhân Ukraine trung bình ở độ tuổi 40. Các chỉ huy cho biết binh sĩ càng lớn tuổi thì càng mắc nhiều bệnh mãn tính như loét bao tử, thoát vị và dây thần kinh bị chèn ép.

Đại đội tấn công của anh Dima gần đây đã nhận được bảy tân binh từ 55 đến 58 tuổi.

“Họ sẽ tấn công vào những vị trí nào?” Anh hỏi một cách mỉa mai. “Nếu anh ta đi bộ 4 km với một chiếc ba lô đầy đồ đạc và vũ khí, anh ta sẽ bị ngã giữa đường.”

Gần đó, bà Alyona Yalunka, một bác sĩ, đang chăm sóc cho một người lính bị thương 42 tuổi có tên chiến trường là Kolmyk. Bà cho ông ăn một miếng sô cô la.

Ông Kolmyk ngước nhìn bà với đôi mắt đờ đẫn khi thuốc giảm đau bắt đầu phát huy tác dụng. “Bây giờ, tôi có thể nghỉ ngơi,” ông nói.

Kế hoạch động viên thêm

Ở Kyiv, quốc hội đang vật lộn với luật cho phép quân đội tuyển thêm quân để những người đã tham chiến có thể được nghỉ ngơi nhiều hơn hoặc thậm chí được miễn nhiệm.

Các nhà lập pháp cho biết ước tính có khoảng 300.000 binh sĩ Ukraine hiện đang chiến đấu dọc tiền tuyến, trong khi những người khác phục vụ ở nơi khác. Ông Putin từng tuyên bố quân đội Nga hiện diện ở Ukraine nhiều gấp đôi.

Quân đội Ukraine đang tìm cách huy động thêm tới 500.000 quân, nhưng nhận thấy động thái như vậy sẽ không được ưa chuộng, các nhà lập pháp đang phải thận trọng. Hơn một nghìn sửa đổi đã được đính kèm vào dự thảo luật mà ngay cả Tổng thống Volodymyr Zelenskyy vẫn chưa công khai tán thành.

Theo dự thảo luật, bất kỳ cá nhân nào không phản hồi thông báo triệu tập đều có thể bị đóng băng tài khoản ngân hàng và hạn chế khả năng đi ra nước ngoài - những điều khoản mà thanh tra nhân quyền Ukraine gọi là vi hiến.

Các nhà lập pháp chỉ trích dự luật này, trong đó có Ivchenko, nói rằng quân đội chưa giải thích thỏa đáng việc gia tăng quân số sẽ thay đổi đáng kể kết quả của cuộc chiến như thế nào. Hai nước gần như bế tắc trong nhiều tháng sau cuộc phản công thất bại của Ukraine vào mùa hè. Nhưng người Nga gần đây đã chủ động.

“Liệu luật này có đủ để lực lượng vũ trang thay đổi cục diện trên chiến trường?” ông Ivchenko hỏi.

Bà Oksana Zabolotna, nhà phân tích của Trung tâm Hành động Thống nhất, cơ quan giám sát của chính phủ ở Kyiv, cho biết, mặc dù luật pháp dự kiến sẽ có ít nhất 400.000 tân binh, nhưng con số thực tế hơn có thể chỉ bằng một nửa sau khi tính đến những người trốn quân dịch và những người có yêu cầu chính đáng về việc trì hoãn nhập ngũ.

Những người trốn lính

Đạo luật này khó thuyết phục nhất đối với những người như chàng trai 35 tuổi lập trình web này, người khăng khăng giấu tên khi nói về quyết định trốn ở nhà ở ngoại ô Kyiv thay vì tham gia nỗ lực chiến tranh.

Anh nói, anh từ chối chiến đấu vì không muốn giết người; kế hoạch của anh là quyên góp đủ tiền để trốn khỏi Ukraine, nơi hiện cấm đàn ông dưới 60 tuổi đi ra nước ngoài.

Về lý thuyết, đạo luật đang được quốc hội xem xét sẽ siết chặt cơ hội cho những người như anh lẩn trốn bằng cách yêu cầu tất cả các công dân đủ điều kiện tham gia quân dịch phải liên hệ với chính phủ thông qua hệ thống theo dõi điện tử. Hệ thống này cũng có thể giúp cân bằng sự chênh lệch trong đó các cuộc tuyển dụng lưu động nhắm mục tiêu vào các khu vực nông thôn nghèo, để buộc những người trốn quân dịch phải nhập ngũ.

Nhà lập pháp Ivchenko nói: “Mọi người đều hiểu rằng điều đó không bình đẳng.”

Ông Ivchenko nói, trong khi một số người hối lộ để thoát hoàn toàn khỏi quân dịch, những người khác tìm cách thỏa thuận để tránh xa cuộc chiến. Sau một cuộc điều tra về tham nhũng, ông Zelenskyy năm ngoái đã sa thải tất cả những người đứng đầu bộ phận tuyển dụng khu vực.

Người sáng lập trang web đang trốn bên ngoài Kyiv cho biết anh cảm thấy chính phủ đang áp sát anh, như thể chính quyền đang truy bắt anh, bằng cách này hay cách khác.

“Có cảm giác như mọi người đều muốn ném bạn vào máy xay thịt,” anh nói.

Tân binh

Tại một trung tâm tuyển dụng ở Kyiv, nam giới được bác sĩ kiểm tra sức khỏe để phục vụ.

Ông Rustem Mineev, một công nhân đường sắt 36 tuổi, cho rằng ông sẽ được miễn nghĩa vụ vì công việc của ông rất cần thiết cho nỗ lực chiến tranh. Ông đã bị sốc khi nơi làm việc yêu cầu ông phải đi kiểm tra. “Tất nhiên là tôi rất sợ,” ông nói trong khi chờ chụp X-quang.

Bác sĩ Olga Yevchenko, người chịu trách nhiệm kiểm tra y tế cho các tân binh, cho biết một số người đã cố gắng hối lộ để thoát thân.

Bà nói: “Thật khó để đưa ra quyết định. Nếu một chàng trai trẻ (đến) và anh ấy hoàn toàn khỏe mạnh, bạn biết là mọi chuyện sẽ kết thúc như thế nào.”


**********
voatiengviet.com

Tư lệnh không quân Ukraine tuyên bố các chiến sĩ vừa diệt máy bay do thám Nga

Reuters

Tư lệnh Không quân Mykola O Meatchuk cho biết quân đội Ukraine hôm thứ Sáu 23/2 đã tiêu diệt một máy bay do thám A-50 của Nga, đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng Ukraine nói họ bắn rơi loại máy bay tinh vi này.

"Chiếc A-50 với ký hiệu 'Bayan' đã bay chuyến cuối cùng!", Oleshchuk viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Hãng thông tấn Interfax Ukraine dẫn nguồn tin quân sự cho hay chiếc A-50 bị bắn hạ trên lãnh thổ Nga, ở khoảng giữa hai thành phố Rostov-on-Don và Krasnodar. Hãng tin nói rằng lực lượng không quân và ban giám đốc tình báo đã tác chiến.

Các hãng thông tấn Nga dẫn lời cơ quan cứu hộ khẩn cấp ở khu vực Krasnodar thuộc miền nam nước Nga cho biết người ta tìm thấy các mảnh vỡ của một máy bay ở vùng đầm lầy thuộc quận Kanevskoy và lực lượng cứu hỏa đã dập tắt được đám cháy. Bản tin không đề cập đến máy bay A-50.

Quân đội Ukraine hồi tháng 1 tuyên bố lực lượng không quân của họ đã diệt một máy bay do thám Beriev A-50 của Nga và một chiếc Ilyushin Il-22 có chức năng là một sở chỉ huy trên không ở Biển Azov.

A-50, lần đầu tiên được đưa vào sử dụng gần cuối thời kỳ Xô Viết, là máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không cỡ lớn, có thể quét radar xa hàng trăm km để phát hiện máy bay, tàu và tên lửa của đối phương.

Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nói với Financial Times cách đây một tháng rằng Nga có 8 chiếc A-50 vào thời điểm đó.


**********
voatiengviet.com

Mỹ nhắm vào Nga với hàng trăm chế tài vì chiến tranh Ukraine và cái chết của ông Navalny

Reuters

Hoa Kỳ hôm 23/2 áp đặt các chế tài sâu rộng đối với Nga, nhắm vào hơn 500 cá nhân và thực thể để đánh dấu hai năm ngày Moscow xâm chiếm Ukraine và trả đũa cho cái chết của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexey Navalny.

Tổng thống Joe Biden cho biết các biện pháp này nhằm đảm bảo Tổng thống Nga Vladimir Putin “phải trả giá đắt hơn cho hành động gây hấn ở nước ngoài và đàn áp trong nước”.

Các chế tài nhắm vào hệ thống thanh toán Mir của Nga, các định chế tài chính và cơ sở công nghiệp quân sự của nước này, nhắm vào việc trốn tránh lệnh trừng phạt, sản xuất năng lượng trong tương lai và các lĩnh vực khác. Các chế tài cũng nhắm vào các quan chức nhà tù mà Mỹ cho rằng có liên quan đến cái chết của ông Navalny.

Hãng thông tấn RIA dẫn lời đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng các lệnh trừng phạt mới là cuộc tấn công vào lợi ích cốt lõi của Nga nhưng Moscow sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình.

Chính quyền Biden đang tìm cách tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược trầm trọng và gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ đã bị trì hoãn trong nhiều tháng tại Quốc hội Hoa Kỳ. Liên hiệp châu Âu, Anh và Canada cũng có hành động chống lại Nga hôm 23/2.

Tuy nhiên, nền kinh tế trị giá 2,2 nghìn tỷ đô la tập trung vào xuất khẩu của Nga đã tỏ ra kiên cường trong hai năm Nga bị các lệnh trừng phạt chưa từng có, kiên cường hơn so với dự đoán của Moscow hoặc phương Tây. Nga xâm chiếm nước láng giềng Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 và cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và các thành phố bị phá hủy.

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã nhắm mục tiêu vào gần 300 người và các thực thể Nga hôm 23/2, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ nhắm vào hơn 250 người và thực thể và Bộ Thương mại Mỹ đã thêm hơn 90 công ty vào danh sách chế tài.

Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng nghìn mục tiêu Nga trong hai năm qua.

Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen nói trong một tuyên bố: “Chúng ta phải duy trì sự ủng hộ của mình dành cho Ukraine ngay cả khi chúng ta làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga. Điều quan trọng là Quốc hội phải tăng cường hợp tác với các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới trong việc cung cấp cho Ukraine các phương tiện để tự vệ”.

Ông Brian O'Toole, cựu quan chức Bộ Ngân khố, cho biết hành động này, mặc dù nhắm vào rất nhiều tên, nhưng không có tác động nhiều.

Ông O'Toole nói: “Các chế tài này sẽ không có tác động lớn”, bởi vì phần lớn các thực thể được liệt kê là của Nga chứ không phải các công ty nước ngoài và có thể dễ dàng thay thế khi Moscow tìm cách lách các lệnh trừng phạt.”

Tuy nhiên, ông Peter Harrell, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết các động thái chống lại mạng lưới né tránh lệnh trừng phạt ở các nước thứ ba đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẵn sàng hành động chống lại hành vi lách luật.

Ông nói về gói chế tài này: “Tôi thấy đây là một bước đi có giá trị nhưng mang tính gia tăng nằm trong chiến lược mà họ đã triển khai trong hai năm qua”.

Hệ thống thanh toán

Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã áp đặt các chế tài đối với Hệ thống Thẻ Thanh toán Quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, nhà điều hành hệ thống thanh toán Mir.

Thẻ thanh toán Mir đã trở nên quan trọng hơn kể từ khi các đối thủ Mỹ đình chỉ hoạt động ở Nga sau khi Moscow gửi hàng chục nghìn quân vào Ukraine và thẻ thanh toán được phát hành ở Nga này đã ngừng hoạt động ở nước ngoài.

Bộ Ngân khố Mỹ nói trong một tuyên bố: “Việc phổ biến Mir của Chính phủ Nga đã cho phép Nga xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính cho phép Nga nỗ lực trốn tránh các chế tài”.

Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào hơn chục ngân hàng, công ty đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và các công ty công nghệ tài chánh của Nga.

Hoa Kỳ cũng nhắm mục tiêu vào sản xuất và xuất khẩu năng lượng trong tương lai của Nga, nhắm xa hơn vào dự án LNG 2 Bắc Cực ở Siberia. Vào tháng 11/2023, Washington đã áp đặt các chế tài đối với một thực thể lớn liên quan đến dự án khổng lồ này.

Hôm 23/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắm mục tiêu vào công ty đóng tàu Zvezda của Nga, công ty được cho là có liên quan đến việc đóng tới 15 tàu dầu LNG chuyên dụng cao nhằm mục đích sử dụng để hỗ trợ xuất khẩu của LNG 2 ở Bắc Cực.

Thứ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Wally Adeyemo nói với các phóng viên rằng Bộ Ngân khố có kế hoạch đưa ra các chế tài bổ sung vào cuối ngày 23/2 liên quan đến mức trần giá dầu của G7 đối với dầu Nga. Ông cho biết các biện pháp này sẽ làm tăng chi phí cho Nga khi sử dụng đội tàu chở dầu cũ kỹ để đưa dầu tới các thị trường chủ yếu ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Hoa Kỳ cũng áp đặt chế tài đối với các thực thể có trụ sở tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kazakhstan và Liechtenstein vì trốn tránh các chế tài của phương Tây đối với Nga.

Hành động này diễn ra trong bối cảnh Washington ngày càng tìm cách trấn áp việc Nga vi phạm các chế tài của Mỹ.

Động thái này cũng nhắm vào một mạng lưới mà qua đó Nga, hợp tác với Iran, đã mua và sản xuất máy bay không người lái.

Chính quyền Biden cũng áp đặt các hạn chế thương mại mới đối với 93 thực thể từ Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các nơi khác vì ủng hộ những nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraine.

Cái chết của ông Navalny

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/2 cũng nhắm mục tiêu vào ba quan chức của Cơ quan Cải tạo Liên bang Nga mà họ cáo buộc có liên quan đến cái chết của ông Navalny, bao gồm cả phó giám đốc, người được cho là đã chỉ đạo nhân viên nhà tù đối xử khắc nghiệt hơn với ông Navalny.

Cơ quan quản lý nhà tù cho biết, ông Navalny, 47 tuổi, bất tỉnh và đột ngột qua đời vào tuần trước tại trại giam “Sói Bắc Cực”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã trực tiếp quy trách nhiệm cho ông Putin về cái chết của ông Navalny, đã gặp vợ và con gái của ông Nalvany ở California hôm 22/2. Tổng thống gọi nhà lãnh đạo đối lập Nalvany của Nga là “một người đàn ông có lòng dũng cảm đáng kinh ngạc”.

Hành động của Hoa Kỳ cũng nhắm vào những người có liên quan đến cái mà Bộ Ngoại giao gọi là cưỡng bức chuyển giao hoặc trục xuất trẻ em Ukraine.

Nền kinh tế Nga đã hoạt động trên mức mong đợi, với việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 1 dự báo mức tăng trưởng GDP 2,6% cho năm 2024 - tăng 1,5 điểm phần trăm so với ước tính tháng 10 - sau mức tăng trưởng vững chắc 3,0% vào năm 2023.

Một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết: “Con số GDP hiện tại của Nga không phải là tốc độ tăng trưởng kinh tế tự bền vững có thể đưa nền kinh tế Nga vào quỹ đạo hướng tới một tương lai thịnh vượng hơn. Mà chính việc chi tiêu thời chiến đang tiêu tốn tương lai để phục vụ cho cuộc chiến hiện tại”.


***********
voatiengviet.com

Việt Nam nhắm mục tiêu đến năm 2030 sản xuất 100.000-500.000 tấn hydro/năm

VOA Tiếng Việt, Reuters

Việt Nam đặt ra mục tiêu là đến năm 2030 sẽ sản xuất 100.000-500.000 tấn hydro mỗi năm, là một phần trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, theo nội dung bản chiến lược phát triển hydro của đất nước này vừa được phê duyệt trong tháng và công bố ở Hà Nội hôm thứ Năm 22/2, các trang web của Reuters và H2 View cho hay.

Reuters và H2 View dẫn lại văn bản của chính phủ Việt Nam cho biết rằng chiến lược phát triển năng lượng hydro của đất nước này hy vọng sẽ đưa Việt Nam tiến đến sản xuất được 10-20 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050, sử dụng cả năng lượng tái tạo lẫn thu hồi carbon.

Văn bản có đoạn viết rằng việc sản xuất, phân phối và sử dụng hydro sẽ giúp "đáp ứng các mục tiêu quốc gia của đất nước về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và đạt được mục tiêu về phát thải bằng 0 vào năm 2050".

Hydro được xếp loại là năng lượng 'xanh' khi nó được tách ra từ nước bằng phương pháp điện phân dùng năng lượng tái tạo và được coi là rất quan trọng để giúp khử carbon của hoạt động công nghiệp, tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn đắt đỏ và đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Vẫn theo văn bản của chính phủ Việt Nam, được Reuters và H2 View trích dẫn, nếu đạt được sản lượng hydro đầy tham vọng như nêu trên, nguồn năng lượng đó sẽ phần nào thay thế khí đốt tự nhiên và than tại các nhà máy điện vào năm 2030. Bên cạnh đó, văn bản viết rằng hydro cũng sẽ được sử dụng trong ngành vận tải, sản xuất phân bón, thép và xi măng.

Bản chiến lược của Việt Nam cũng nêu ra rằng đến năm 2050, hydro sẽ đóng vài trò trong 10% hoạt động phát điện của đất nước cùng lúc Việt Nam phấn đấu đáp ứng mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào giữa thế kỷ.

Chính phủ Việt Nam nói rằng mục tiêu tổng thể của chiến lược là phát triển hệ sinh thái hydro của đất nước trong một loạt các lĩnh vực sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam sẽ huy động cả nguồn vốn công lẫn tư để sản xuất hydro, bao gồm ngân khoản từ việc phát hành trái phiếu xanh và từ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một chương trình tài trợ được tạo thành bằng các khoản đầu tư cổ phần, viện trợ và các khoản vay ưu đãi từ các nước thành viên Nhóm G7, các ngân hàng đa phương và các bên cho vay tư nhân.

Ngoài ra, chiến lược còn đặt ra kế hoạch xây dựng và bổ sung các quy định về phát triển năng lượng tái tạo nhằm thiết lập “nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch và thuận lợi, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của năng lượng mới và tái tạo”.

Việt Nam cũng tỏ ý khuyến khích các bên hiện đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch “tích cực chuyển đổi” sang sản xuất và sử dụng hydro bằng cách phát triển các cơ chế thu hút đầu tư vào hydro.


*********

Tin tức thế giới 24-2: Nga, Trung Quốc phản ứng trước lệnh trừng phạt của Mỹ



* Mỹ, Trung Quốc ra tuyên bố khác nhau sau cuộc thảo luận về hợp tác quân sự Nga, Triều Tiên
* Nga thách thức các lệnh trừng phạt mới của Mỹ
* Thụy Sĩ sẽ tổ chức hội nghị hòa bình Ukraine vào mùa hè

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Hôm 23-2 là ngày có nhiều hoạt động liên quan tới cột mốc đánh dấu tròn 2 năm chiến sự Ukraine - Nga.

* Mỹ áp lệnh trừng phạt hơn 500 đối tượng Nga vì Ukraine, Navalny

Hôm 23-2, Mỹ chính thức áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm tới hơn 500 cá nhân và tổ chức Nga. Đây là loạt trừng phạt liên quan tới việc Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine cũng như cái chết của ông Alexei Navalny.

Mỹ phản đối hành động của Nga với Ukraine, đồng thời cáo buộc Matxcơva có vai trò trong cái chết của Navalny, nhà hoạt động đối lập chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định đợt trừng phạt trên nhằm khiến Tổng thống Putin "trả cái giá đắt hơn nữa" cho hành động của Nga ở trong và ngoài nước.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào hệ thống thanh toán Mir của Ngân hàng trung ương Nga, các tổ chức tài chính và ngành công nghiệp quân sự, hành động né trừng phạt, việc sản xuất năng lượng, và một số lĩnh vực khác. Các quan chức bị Mỹ cáo buộc có liên quan tới cái chết của ông Navalny cũng nằm trong danh sách trừng phạt lần này.

* Nga, Trung Quốc phản ứng trước lệnh trừng phạt của Mỹ

Phản ứng trước động thái trừng phạt của Mỹ hôm 23-2, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đặt dấu hỏi: "Phải chăng Washington không nhận ra rằng các lệnh trừng phạt sẽ không hạ được chúng tôi?".

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov - Ảnh: REUTERS

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington gọi lệnh trừng phạt lên các công ty Trung Quốc là "động thái điển hình của việc cưỡng bức kinh tế, chủ nghĩa đơn phương và hành động bắt nạt".

Các công ty có trụ sở ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kazakhstan và Liechtenstein cũng nằm trong danh sách trừng phạt với cáo buộc né lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga.

* CH Czech, Canada, Đan Mạch tài trợ mua đạn pháo cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Cộng hòa (CH) Czechngày 23-2 thông báo đã nhận được sự hỗ trợ từ Canada, Đan Mạch và các quốc gia khác nhằm tài trợ mua gấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo từ các nước thứ 3 để gửi đến Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng CH Czech Jana Cernochova xác nhận thông tin trên khi tiết lộ: “Có những quốc gia khác (cùng tham gia tài trợ) với điều kiện là họ sẽ không được đề cập đến”.

Truyền thông châu Âu đưa tin các quốc gia ở “Lục địa già” đang tìm cách huy động 1,5 tỉ USD tài trợ khẩn cấp để cung cấp đạn dược cho Ukraine theo kế hoạch của CH Czech.

Còn đài CBC của Canada trích dẫn các nguồn tin xác nhận Ottawa có thể đóng góp tới 30 triệu CAD (22,3 triệu USD).

* Mỹ lại chặn khinh khí cầu

Hôm 23-2, quân đội Mỹ chặn một khinh khí cầu do thám nhỏ ở bang Utah, nhưng cho hay dụng cụ này không gây đe dọa cho hàng không dân dụng cũng như an ninh quốc gia. Trao đổi với Reuters, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết khinh khí cầu này không có khả năng tự thao tác.

Khinh khí cầu trở nên nhạy cảm đối với an ninh quốc gia Mỹ hơn sau nhiều sự vụ gần đây. Hồi năm ngoái, một máy bay Mỹ ngoài khơi South Carolina bắn hạ một khinh khí cầu nghi là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc.

* Mỹ và Trung Quốc thảo luận về hợp tác quân sự Nga, Triều Tiên

Ngày 23-2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay một quan chức cấp cao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên đã có cuộc họp qua video với đặc sứ Trung Quốc về quan hệ với bán đảo Triều Tiên. Hai bên đã thảo luận về mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Triều Tiên và Nga.

Theo tuyên bố từ phía Mỹ, Washington và Bắc Kinh đã đề cập tới "hành vi ngày càng leo thang và gây bất ổn" của Triều Tiên. Hai bên cũng nói rằng quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa Bình Nhưỡng và Matxcơva "vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc".

Trong khi đó, một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh "có lợi ích chung trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định ở bán đảo Triều Tiên", đồng thời có lợi ích trong việc thúc đẩy tiến trình của cho giải pháp chính trị.

* Lãnh đạo Thượng viện Mỹ thăm Ukraine, kêu gọi Quốc hội thông qua gói viện trợ

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer kêu gọi Chủ tịch Hạ viện nước này "làm điều đúng đắn", giúp thông qua dự luật có khoản chi tiêu viện trợ cho Ukraine.

Ông Schumer là thành viên phái đoàn gồm 5 thượng nghị sĩ bên Đảng Dân chủ của Mỹ thăm thành phố Lviv (Ukraine), gặp gỡ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23-2. Chuyến đi này là một phần trong hoạt động đánh dấu hai năm chiến sự Ukraine, thời điểm Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Tại cuộc họp báo hôm 23-2, ông Schumer khẳng định đã được ông Zelensky và các quan chức Mỹ, Ukraine nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ thất bại nếu không có viện trợ của Mỹ.

Mỹ là nước ủng hộ nhiều nhất cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên gói viện trợ mới của chính quyền Tổng thống Biden đang "mắc kẹt" ở Quốc hội. Đảng Cộng hòa ở Hạ viện ngăn dự luật này vì cho rằng các điều khoản chi tiêu chưa thỏa đáng, không giải quyết mối lo ngại của họ về an ninh biên giới. Ngoài ra, quan điểm của phe Cộng hòa về viện trợ Ukraine cũng cứng rắn hơn phe Dân chủ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer - Ảnh: REUTERS

* Thụy Sĩ sẽ tổ chức hội nghị hòa bình Ukraine vào mùa hè

Ngày 23-2, Thụy Sĩ nói với Liên Hiệp Quốc rằng họ muốn tổ chức một hội nghị cấp cao về hòa bình Ukraine trong mùa hè năm nay. Liên Hiệp Quốc đã có một cuộc họp nhằm đánh dấu tròn hai năm ngày Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

Hiện nay, Ukraine đang vận động ủng hộ cho kế hoạch hòa bình 10 điểm của Tổng thống Zelensky. Mong muốn này đang chịu ảnh hưởng theo nhiều hướng, từ tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh cho tới thực tế rằng cuộc xung đột Israel - Hamas ở Dải Gaza đang thay thế Ukraine trở thành tâm điểm chính trị quốc tế.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn