Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 08-02 -2024

Thứ Năm, 08 Tháng Hai 20245:39 SA(Xem: 1610)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 08-02 -2024

HoaLuc 5
**************
rfi.fr

Citizen Lab: Hơn 100 trang mạng tại 30 nước tuyên truyền cho Trung Quốc

Trọng Thành

Theo hãng tin Reuters, một viện nghiên cứu chuyên giám sát thông tin trên mạng thuộc Đại học Toronto, Canada, hôm qua, 07/02/2024, đã công bố báo cáo về một công ty Trung Quốc, có quan hệ gần gũi với chính quyền Bắc Kinh, đứng sau 123 trang mạng, ‘‘giả danh  báo chí địa phương’’, hoạt động tại 30 quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Những trang mạng này bị cáo buộc phổ biến các quan điểm có lợi cho chính quyền Trung Quốc, với nhiều thủ đoạn, trong đó có việc tung tin bịa đặt.

Đăng ngày:

3 phút

Báo cáo của viện giám sát kỹ thuật số và thông tin trên mạng Citizen Lab chỉ đích danh công ty Trung Quốc Haimai (Hải Mại) chuyên về ‘‘quan hệ công chúng’’ đứng sau chiến dịch tuyên truyền này. Báo cáo của Citizen Lab nhấn mạnh đến việc các trang mạng nói trên tự giới thiệu là các trang thông tin địa phương, ví dụ như trang mạng mang tên Roma Journal, bề ngoài giống một hãng tin địa phương của Ý, với các thông tin nổi bật như ‘‘triển vọng chính trị của thủ tướng Ý", "hội khinh khí cầu ở một tỉnh phía bắc nước Ý" hay "một buổi ra mắt sách.’’ Tuy nhiên, mục ‘‘Thông cáo báo chí’’ ở một góc trang chủ đăng lại một loạt bài viết trên truyền thông nhà nước Trung Quốc về các chủ đề, như đóng góp của Trung Quốc cho phục hồi kinh tế toàn cầu và nỗ lực đổi mới công nghệ của Trung Quốc. Theo báo Ý Il Foglio, trang mạng Roma Journal không phải là một cơ quan báo chí hợp pháp tại Ý.  

Công ty Haimai đã không trả lời câu hỏi của Reuters. Hãng tin Anh cũng không thể liên lạc được với số điện thoại của công ty đăng tải trên trang nhà.  

Tuyên truyền trước mắt ít gây hại, nhưng hậu quả có thể ‘‘vô cùng lớn’’  

Phần lớn nội dung trên các trang mạng, mà Citizen Lab tìm thấy, có nguồn gốc từ dịch vụ thông tin báo chí mang tên Times Newswire, dịch vụ mà các chuyên gia công ty an ninh mạng Mandiant năm ngoái xác nhận là một trung tâm của chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc nhắm vào người dân Mỹ. Trong số các nội dung có lợi cho Bắc Kinh, có nhiều ‘‘thuyết âm mưu’’ chống Mỹ và các đồng minh, chẳng hạn như đổ lỗi cho các nhà khoa học Mỹ làm rò rỉ virus gây bệnh Covid-19.  

Viện nghiên cứu Citizen Lab cho biết chiến dịch này đã bắt đầu từ giữa năm 2020. Theo Reuters, rất hiếm khi các nhà điều tra liên kết được các hoạt động tuyên truyền như vậy với một cơ sở cụ thể của Trung Quốc. Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Hàn Quốc (NCSC), một bộ phận của cơ quan tình báo quốc gia, trong một báo cáo vào tháng 11/2023, cũng ghi nhận các liên hệ giữa 18 trang mạng thông tin với công ty Haimai nói trên.  

Báo cáo của Viện Citizen Lab kết luận ‘‘chiến dịch mà công ty Haimai đứng sau là một ví dụ về hoạt động gây ảnh hưởng sâu rộng phục vụ cả lợi ích kinh tế và chính trị của Bắc Kinh’’. Citizen Lab kêu gọi cảnh giác, vì đằng sau các thông tin về cơ bản được đánh giá là ‘‘vô hại’’, các cơ sở mạo danh báo chí địa phương đang âm thầm gieo rắc các thông tin sai lệch, ‘‘rút cục sẽ gây ra các ảnh hưởng vô cùng lớn khi một trong số các thông tin sai lệch đó được truyền thông chủ lưu hoặc một số nhân vật chính trị hàng đầu chấp nhận’’. 


**************
voatiengviet.com

Lực lượng Israel tăng cường tấn công Rafah ở miền nam Gaza

Reuters

Lực lượng Israel đã ném bom các khu vực ở Rafah, thành phố biên giới nằm ở phía nam, nơi hơn một nửa dân số Gaza đang tạm trú hôm 8/2, một ngày sau khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ chối đề xuất chấm dứt chiến tranh ở vùng đất của người Palestine.

Hôm 7/2, ông Netanyahu nói rằng các điều khoản do Hamas đề xuất về lệnh ngừng bắn, vốn cũng liên quan đến việc thả con tin do nhóm chiến binh Palestine bắt giữ, là "ảo tưởng" và thề sẽ tiếp tục chiến đấu, đồng thời nói rằng chiến thắng đã đến trong tầm tay, trong chỉ vài tháng nữa.

Việc từ chối được đưa ra sau nỗ lực ngoại giao tăng cường nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 4 tháng rưỡi trước đe dọa của Israel nhằm tấn công vào Rafah, hiện là nơi sinh sống của hơn một triệu người, nhiều người trong số họ ở trong những căn lều tạm bợ và thiếu lương thực và thuốc men.

Các cơ quan viện trợ đã cảnh báo về một thảm họa nhân đạo nếu Israel thực hiện lời đe dọa tiến vào một trong những khu vực cuối cùng còn lại của Dải Gaza mà quân đội của họ chưa di chuyển vào trong cuộc tấn công trên bộ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 7/2 nói rằng việc tiến vào Rafah ở biên giới với Ai Cập sẽ "làm tăng thêm cơn ác mộng nhân đạo với những hậu quả chưa từng thấy trong khu vực".

Israel cho biết họ thực hiện các bước để tránh thương vong cho dân thường và cáo buộc các chiến binh Hamas ẩn náu giữa dân thường, kể cả tại các nơi tạm trú ở trường học và bệnh viện, dẫn đến nhiều thường dân thiệt mạng hơn. Hamas đã phủ nhận điều này.

Người dân cho biết máy bay Israel đã ném bom các khu vực ở Rafah vào sáng 8/2, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào hai ngôi nhà. Xe tăng cũng pháo kích vào một số khu vực ở phía đông Rafah, làm tăng thêm nỗi lo sợ của người dân về một cuộc tấn công trên bộ sắp xảy ra.


*************
rfi.fr

Nghị Viện Châu Âu biểu quyết nghị quyết chống can thiệp từ Nga

Phan Minh

Nghị Viện Châu Âu hôm nay, 08/02/2024, biểu quyết một nghị quyết chống lại sự can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga, sau vụ việc một dân biểu người Latvia được cho là đã cộng tác với Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) trong vòng 15 năm. Vụ việc được tiết lộ vào tuần trước, cho thấy sự lỏng lẻo của các định chế châu Âu trong việc kiểm soát những hành vi lạm dụng này.

Đăng ngày:

2 phút

Từ Strasbourg, đặc phái viên Romain Lemaresquier cho biết cụ thể :

Nghị Viện Châu Âu hôm nay sẽ biểu quyết một nghị quyết một lần nữa lên án sự can thiệp của Nga vào các định chế châu Âu, cũng như vào tiến trình dân chủ ở châu Âu. Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ không chấm dứt được những hành vi lạm dụng phổ biến.

Nghị viên châu Âu Raphaël Glucksmann, chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về những Hoạt động Can thiệp từ Nước ngoài, tuyên bố : « Định chế của chúng ta đang bị nhiều tác nhân nước ngoài tấn công. Và một lần nữa, chúng ta cảm thấy xấu hổ về hành vi của một số nghị viên châu Âu. Tôi phải nhấn mạnh rằng hoạt động nhằm phục vụ lợi ích của Nga là phản bội châu Âu và phản bội nền dân chủ. »

Mặc dù càng ngày càng có nhiều vụ bê bối được tiết lộ, Nghị Viện Châu Âu dường như không tiến được xa hơn trong việc ngăn chặn những hành vi lạm dụng này. Manon Aubry, nghị viên thuộc đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) của Pháp nhận định : « Đã có một số biện pháp được đưa ra, chẳng hạn như nghị viên phải khai báo nhiều hơn về những chuyến đi của họ, nhưng các chuyến đi do nước thứ ba tài trợ vẫn không bị cấm. Và trên hết, các nghị sĩ vẫn được quyền nhận thù lao từ các nhà vận động hành lang, từ các thế lực nước ngoài và từ những tổ chức khác. Nói chung, vẫn còn rất nhiều sự mập mờ. »

Hôm nay, các nghị viên châu Âu chắc chắn sẽ thông qua với đa số áp đảo nghị quyết một lần nữa lên án sự can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nga. Nhưng văn bản này một lần nữa sẽ không thể giải quyết triệt để một vấn đề liên tục tái diễn.


**************

Quốc Hội Ukraina tạm thông qua dự luật động viên để tăng quân số chống Nga

Thanh Hà

Vào lúc Ukraina không còn nhận được viện trợ của Hoa Kỳ từ cuối 2023, Kiev thẩm định cần thêm nửa triệu lính cho cuộc chiến tranh chống xâm lược Nga. Quốc Hội Ukraina chiều qua, 07/02/2024, đã thông qua dự luật gây nhiều tranh cãi cho phép chính phủ huy động thêm quân. Trong cuộc biểu quyết lần thứ nhất, dự luật đã được 243 phiếu ủng hộ. Nhưng để được tổng thống phê chuẩn, văn bản còn phải được điều chỉnh, và phải được Quốc Hội Ukraina thông qua lần hai. 

Đăng ngày:

2 phút

Thông tín viên RFI từ Kiev Emmanuelle Chaze giải thích :

« Đây mới chỉ là chặng đầu tiên hướng tới một đạo luật mới cho phép tuyển thêm quân. Trong cuộc biểu quyết lần thứ nhất vào hôm qua tại Quốc Hội, dự luật này đã được thông qua. Nhưng sau đó một số sửa đổi sẽ được bổ sung trước khi văn bản này lại được xem xét lần thứ hai, rồi sẽ được thổng thống phê chuẩn. Dự luật này chủ yếu nhằm đơn giản hóa thủ tục tuyển quân, đồng thời quy định một số các biện pháp trừng phạt trong trường hợp thanh niên Ukraina trốn nghĩa vụ quân sự.

Dự luật nói trên nhằm tăng quân số sau hai năm Ukraina bị Nga xâm lược. Theo văn bản mới, tất cả thanh niên phải có ít nhất 5 tháng huấn luyện quân sự. Quy định này từ trước đến nay chỉ giới hạn ở độ tuổi từ 18 đến 24.

Tuy nhiên, dự luật đang gây chia rẽ trong hàng ngũ chính trị và xã hội Ukraina. Đành rằng chính quyền Kiev có một số những quy định rõ ràng hơn về việc cho lính nghỉ phép, thế nhưng, vẫn có nhiều tiếng nói chỉ trích một sự thiếu minh bạch, đặc biệt là về điều khoản khi nào thì cho những người lính đã có hai năm chiến đấu được giải ngũ ».

Kiev cần được tiếp tế đạn dược khẩn cấp

Tiếp lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell sáng nay tại Kiev, cả tổng thống lẫn ngoại trưởng Ukraina đồng thanh kêu gọi Bruxelles tăng tốc viện trợ những vũ khí như « đạn dược, drone và các hệ thống phòng không » cho Ukraina. Ông Borrell nhắc lại cam kết Liên Âu cung cấp 1,15 triệu đạn pháo cho Ukraina từ nay đến cuối năm. Quan chức này đồng thời nhấn mạnh « an ninh của Ukraina cũng là an ninh của toàn khối Liên Hiệp Châu Âu ». Từ đầu chiến tranh Ukraina đến nay, Liên Âu đã cấp tổng cộng 28 tỷ euro viện trợ quân sự cho Ukraina.


****************
voatiengviet.com

Thượng viện Mỹ bác bỏ dự luật về an ninh biên giới

Reuters

Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 7/2 đã đánh bại nỗ lực lưỡng đảng nhằm tăng cường an ninh biên giới vốn phải mất nhiều tháng để đàm phán, nhưng cho biết họ vẫn có thể chấp thuận viện trợ cho Ukraine và Israel vốn đính kèm trong thỏa thuận.

Với tỷ lệ bỏ phiếu 49-50, Thượng viện đã không thông qua được gói viện trợ trị giá 118 tỷ đô la của lưỡng đảng nhằm thắt chặt di trú, giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga và hỗ trợ Israel trong cuộc chiến với Hamas.

Dự luật này cần 60 phiếu tại Thượng viện để tiến tới. Đảng Dân chủ đang kiểm soát Thượng viện với tỷ số 51-49.

Trong nhiều tháng, Đảng Cộng hòa đã nhấn mạnh rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cho hai đồng minh của Mỹ cũng phải giải quyết được số lượng lớn di dân đang tràn vào biên giới Mỹ, mối quan tâm hàng đầu của cử tri.

Chỉ có 4 trong số 49 đảng viên Cộng hòa của Thượng viện bỏ phiếu tán thành dự luật.

Tuy nhiên, việc dự luật thất bại vẫn để ngỏ khả năng Quốc hội vẫn có thể cung cấp viện trợ cho các đồng minh của Hoa Kỳ. Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu vào cuối ngày về gói trị giá 96 tỷ đô la loại bỏ các điều khoản di trú nhưng vẫn giữ nguyên viện trợ nước ngoài.

Ngay cả khi được thông qua ở Thượng viện, khoản viện trợ đó vẫn phải đối mặt với những triển vọng không chắc chắn tại Hạ viện, vì đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện đã ngần ngại hỗ trợ thêm cho Ukraine.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson từng tuyên bố dự luật này sẽ “chết khi đến” Hạ viện.

Ông Johnson cho biết hôm 7/2 rằng ông sẽ tổ chức thêm một cuộc biểu quyết nữa để luận tội Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, sau khi nỗ lực đầu tiên thất bại trong cuộc bỏ phiếu 214-216 hôm 6/2.


***********
voatiengviet.com

Mỹ đánh vào Baghdad, diệt một chỉ huy của Kataib Hezbollah

Reuters

Một viên chỉ huy của Kataib Hezbollah, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn ở Iraq mà Lầu Năm Góc cáo buộc đã tấn công vào binh sĩ Mỹ, vừa mất mạng trong một cuộc tấn công của Mỹ hôm thứ Tư 7/2, quân đội Mỹ cho biết.

Một tuyên bố của quân đội nói rằng: “Các lực lượng (Mỹ) đã tiến hành không kích đơn phương ở Iraq để đáp trả các cuộc tấn công vào quân nhân Mỹ, giết chết một chỉ huy của Kataib Hezbollah có trách nhiệm trực tiếp trong việc lên kế hoạch và tham gia các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ trong khu vực”. Bản tuyên bố không nêu tên của viên chỉ huy đó.

Vẫn bản tuyên bố nói thêm rằng không có dấu hiệu về thương vong dân sự.

Hai nguồn tin an ninh giấu tên nói rằng viên chỉ huy đó là Abu Baqir al-Saadi, đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một chiếc xe ở phía đông Baghdad.

Một trong hai nguồn tin cho hay 3 người đã thiệt mạng và chiếc xe bị nhắm mục tiêu từng được Lực lượng Huy động Nhân dân Iraq (PMF) sử dụng, đó là một cơ quan an ninh nhà nước bao gồm hàng chục nhóm vũ trang, trong số đó có nhiều nhóm thân thiết với Iran. Các chiến binh và chỉ huy của Kataib Hezbollah là một phần trong PMF.

3 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng hồi tháng 1 trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần biên giới Jordan-Syria mà Lầu Năm Góc cho rằng mang nét đặc trưng của Kataib Hezbollah. Nhóm này sau đó tuyên bố sẽ đình chỉ các hoạt động quân sự nhằm vào quân đội Mỹ trong khu vực.

Iraq và Syria đã chứng kiến các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng gần như hàng ngày giữa các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn và lực lượng Mỹ đồn trú trong khu vực kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Gaza vào tháng 10/2023.

Hoa Kỳ đã tấn công các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria vào cuối tuần trước mà họ nói đó mới chỉ là bước khởi đầu trong phản ứng của họ về việc 3 binh sĩ Mỹ tử trận.

Vào tháng 1, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt 1 chỉ huy dân quân cấp cao ở trung tâm Baghdad, một đòn đánh mà Washington nói là nhằm đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào lực lượng của Mỹ.

Một nguồn tin an ninh cho biết hôm 7/2 rằng các lực lượng đặc biệt của Iraq đã được đặt trong tình trạng báo động cao ở Baghdad và các đơn vị khác đã được triển khai bên trong Vùng Xanh, nơi có các cơ quan ngoại giao quốc tế, bao gồm cả đại sứ quán Mỹ.


**************
voatiengviet.com

Israel bác đề nghị ngừng bắn của Hamas, quyết xóa sổ Hamas

Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 7/2 tuyên bố chiến thắng hoàn toàn ở Gaza là trong tầm tay và bác bỏ đề nghị mới nhất từ Hamas về ngừng bắn để đảm bảo trao trả các con tin còn bị giam giữ ở Gaza.

Ông Netanyahu tái cam kết tiêu diệt Hamas, nói rằng không có lựa chọn nào khác cho Israel ngoài việc xóa sổ Hamas.

Ông nhấn mạnh rằng chiến thắng hoàn toàn trước Hamas là giải pháp duy nhất cho cuộc chiến ở Gaza.

Hamas đề nghị ngừng bắn ở Gaza kéo dài 4 tháng rưỡi, trong thời gian đó tất cả các con tin sẽ được trả tự do, Israel sẽ rút quân khỏi Dải Gaza và sẽ đạt được một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.

Đề nghị của Hamas là phản hồi trước đề nghị do các chỉ huy tình báo Mỹ và Israel đưa ra và được các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập chuyển cho Hamas vào tuần trước.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã thảo luận đề nghị này với ông Netanyahu sau khi đến Israel sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Qatar và Ai Cập, những quốc gia đóng vai trò hòa giải. Ông Blinken sau đó đã gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Ramallah.

Israel bắt đầu cuộc tấn công quân sự sau khi các phần tử hiếu chiến Hamas đột kích vào miền Nam Israel hôm 7/10/2023 giết chết 1.200 người và bắt 253 con tin, theo thống kê của Israel.

Bộ y tế Gaza cho biết ít nhất 27.585 người Palestine được xác nhận đã thiệt mạng, và hàng nghìn người khác có thể đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Cho đến nay chỉ có một thỏa thuận ngừng bắn duy nhất, chỉ kéo dài một tuần vào cuối tháng 11/2023.

Israel trước đây nói sẽ không rút quân khỏi Gaza hoặc chấm dứt chiến tranh cho đến khi Hamas bị xóa sổ.

Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết phản hồi của Hamas không yêu cầu đảm bảo lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ngay từ đầu, nhưng việc chấm dứt chiến tranh sẽ phải được đồng ý trước khi con tin cuối cùng được giải thoát.


**********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(AFP) – Sạt lở đất và động đất tại miền nam Philippines: Ít nhất 7 người chết, 31 người bị thương. Theo các giới chức địa phương, chiều qua, 06/02/2024, hai chiếc xe đò với gần 30 hành khách bị chôn vùi sau vụ lở đất xảy ra chiều qua tại tỉnh Davao de Oro trên đảo Mindanao. Công tác cứu hộ đã tạm dừng vào đêm qua. Tại các thị trấn sát cạnh, gần 300 hộ gia đình phải sơ tán, hàng ngàn người phải tạm di dời do mưa lũ. Tuần trước, 18 người Philippines đã thiệt mang do đất lở.

(Reuters) – Thủ tướng Đức quay lại Trung Quốc vào tháng 4/2024. Báo chí Berlin ngày 07/02/204 tiết lộ ông Olaf Scholz sẽ đến Bắc Kinh trong hai ngày 15-16/04/2024 theo lời mời của đại diện các doanh nghiệp Đức trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Scholz sẽ dẫn đầu một phái đoàn các doanh nhân. Tháng 11/2022, Olaf Scholz đã là lãnh đạo đầu tiên của khối G7 công du Trung Quốc trong giai đoạn hậu Covid. Tin thủ tướng Đức trở lại Trung Quốc được đưa ra vào lúc Olaf Scholz chuẩn bị lên đường đến Washington hội kiến tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. 

(AFP) – Tư pháp Thụy Điển « không đủ thẩm quyền » xét xử vụ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream bị phá hoại hồi tháng 9/2022. Viện công tố Thụy Điển hôm 07/02/2024 cho biết « khép lại vụ điều tra ». Ngày 26/09/2022, bốn vụ rỏ rỉ đường ống dẫn khí đốt xảy ra gần như cùng lúc liên quan đến Nord Stream 1 và 2, nối liền Nga với Đức. Kèm theo đó là nhiều vụ nổ dưới lòng biển. Các sự cố nói trên diễn ra ở « vùng biển quốc tế » ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch và ngoài khơi các vùng duyên hải phía nam của Thụy Điển. Đức, Thụy Điển và Đan Mạch lập tức cho mở điều tra về khả năng các đường ống nói trên bị « phá hoại ». Một số điều tra của báo giới quy trách nhiệm khi thì cho Nga, khi thì cho Ukraina và thậm chí cho cả Hoa Kỳ trong các vụ phá hoại này. Matxcơva, Kiev và Washington đã đồng loạt phủ nhận những cáo buộc nói trên.

(Reuters) – Gần hai năm sau chiến tranh Ukraina, Nga khẳng định « mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt không thay đổi ». Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov hôm 07/02/2024 nhắc lại Matxcơva vẫn theo đuổi các mục đích « giải trừ quân sự, tiêu diệt chính quyền tân phát xít và bảo đảm an ninh cho các vùng đã được sáp nhập vào lãnh thổ Nga ». Vẫn theo quan chức này, « chiến dịch quân sự đặc biệt » được tổng thống Vladimir Putin khởi động còn nhằm bảo đảm an ninh cho Liên bang Nga trong bối cảnh quy chế trung lập của Ukraina bị đe dọa, NATO đang tiến gần đến các đường biên giới với nước Nga ».

(AFP) – Cựu tổng thống Chilê thiệt mạng trong một tai nạn trực thăng. Ông Sebastian Piñera đã thiệt mạng hôm 06/02/2024. Tai nạn trực thăng xảy ra tại Lago Ranco, cách thủ đô Santiago hơn 900 km về phía nam. Lãnh đạo Chilê trong hai nhiệm kỳ 2010-2014 và 2018-2022, Piñera là vị tổng thống cánh hữu đầu tiên được bầu lên một cách dân chủ sau khi chế độ độc tài Augusto Pinochet chấm dứt năm 1990. Tổng thống Chile đương nhiệm, thuộc cánh tả, đã ban hành quốc tang trong ba ngày.

(Reuters) – Mỹ : Kurt Campbell được bổ nhiệm làm thứ trưởng Ngoại Giao. Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 06/02/2024, đã bỏ phiếu phê chuẩn chuyên gia về châu Á Kurt Campbell, một cố vấn về an ninh quốc gia của tổng thống Joe Biden, làm thứ trưởng ngoại giao, vị trí số 2 tại bộ Ngoại Giao Mỹ, chỉ sau ngoại trưởng Antony Blinken. Ông Campbell hiện là điều phối viên về các vấn đề Ấn Độ - Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh Quốc gia. Trước đây ông từng thành lập và lãnh đạo Asia Group, một tập đoàn tư vấn chiến lược và quản lý vốn. 

(AFP) – Nga triệu tập các nhà ngoại giao Baltic sau khi cáo buộc họ « phá hoại » bầu cử tổng thống. Đại diện ngoại giao của ba nước Estonia, Latvia và Litva bị Nga triệu tập hôm 05/02/2024, sau khi điện Kremlin cáo buộc họ tìm cách « phá hoại » cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng tới. Matxcơva cáo buộc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ phớt lờ yêu cầu của Nga về việc bảo đảm an ninh cho các điểm bỏ phiếu tại đại sứ quán Nga trên lãnh thổ của họ. Mối quan hệ giữa ba nước Baltic và Nga đã xấu đi trầm trọng kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina. 

(AFP) Asian Cup Qatar 2023 : Jordanie lập chiến công lịch sử. Tại Doha tối 06/02/2023, đội tuyển Hàn Quốc, một ứng viên hàng đầu cho chức vô địch ở giải lần này đã bị đội tuyển Jordanie loại với tỷ số 2-0. Tại bán kết, Jordanie gặp lại đối thủ cũ ở vòng bảng mà họ đã cầm hòa bằng tỷ số 2-2, là đội tuyển Hàn Quốc, với thành phần gồm những ngôi sao đang chơi ở các giải lớn châu Âu, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Đức nổi tiếng Jurgen Klinsmann. Đội tuyển Jordanie đã tạo cách biệt tỷ số bằng bàn thắng của Yazan Al Naimat ở phút 53. Sau đó ở phút 66, Tamari nâng tỷ số lên 2-0. Jordanie, lần đầu tiên trong lịch sử vào chung kết giải đấu châu lục, sẽ gặp đội chiến thắng trong trận bán kết giữa Iran và  Qatar diễn ra chiều nay, để tranh chiếc Cúp vô địch bóng đá châu Á vào ngày 10/02/2024.


************
rfi.fr

Chiến lược quân sự mới của Hàn Quốc để đối phó đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên

Trọng Thành

Theo báo chí Hàn Quốc hôm qua, 06/02/2024, quân đội Hàn Quốc có kế hoạch lập một "Bộ chỉ huy chiến lược mới" từ đây đến cuối năm 2024, nhằm ngăn chặn các mối đe dọa quân sự gia tăng từ Bắc Triều Tiên. Cơ quan chỉ huy này được lập ra trên cơ sở nâng cấp cơ quan chống hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bộ chỉ huy mới sẽ được đặt tại Bộ tư lệnh phòng thủ vùng thủ đô, phía nam Seoul.

"Bộ chỉ huy chiến lược mới" trực tiếp phụ trách "Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột" (Three Axis Defense System), một chiến lược mới của chính quyền tổng thống Yoon Suk-Yeol nhằm đối phó với các đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Từ Seoul, thông tín viên Trần Công giải thích.

1/ ‘‘Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột’’ là gì ?

Hệ thống Ba trụ cột này bao gồm thứ nhất là hệ thống tấn công phủ đầu bằng tên lửa ''Kill Chain'' (tạm dịch là Chuỗi Tiêu diệt hay Tấn công để Ngăn chặn). Hệ thống này có khả năng nhắm vào các cơ sở hạ tầng hạt nhân và hệ thống chỉ huy của các cơ sở trực tiếp chuẩn bị tổ chức tấn công của Bình Nhưỡng, nếu Seoul nghi ngờ sắp có các cuộc tấn công. Trục thứ hai là hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không (gọi tắt là KAMD), hệ thống có thể đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo và pháo tầm xa của Bắc Triều Tiên. Và trục thứ ba là "Hệ thống Trừng phạt và Trả đũa" (gọi tắt là KMPR). Đây là hệ thống có khả năng mang đầu đạn nặng từ 8 đến 9 tấn, có thể phá hủy các hầm ngầm sâu dưới lòng đất. Mục tiêu là để tấn công ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên, và các cơ sở chủ chốt của chế độ Bình Nhưỡng, nếu Bắc Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Hai trụ cột đầu tiên "Kill Chain" (Tấn công để Ngăn chặn) và mạng phòng thủ tên lửa Hàn Quốc có mục tiêu là ngăn ngừa, hoặc đánh chặn, nếu Bắc Triều Tiên tấn công hạt nhân. Trụ cột thứ ba, "Hệ thống Trừng phạt và Trả đũa", có mục tiêu hoàn toàn khác: Tiến hành đòn tấn công chiến lược nhằm tiêu diệt chế độ Bắc Triều Tiên. Trụ cột thứ ba này gửi đi một thông điệp răn đe mạnh mẽ. Đó là nếu tấn công Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên sẽ phải chuốc lấy một đòn trừng phạt tàn khốc.

Chiến lược "Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột" không phải là điều mới, mà thực ra đã lần đầu tiên được đưa ra dưới thời tổng thống Lee Myung-bak và được chính quyền kế nhiệm Park Geun-hye hoàn thiện, với việc bổ sung các biện pháp trả đũa trừng phạt hàng loạt, ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Bắc Triều Tiên vào tháng 9/2016, bao gồm cả việc tấn công để loại bỏ lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến lược này từng bị xóa bỏ dưới thời Moon Jae-in, do vị tổng thống này có chính sách khác với Bình Nhưỡng.

Vào đầu năm 2024, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử hàng loạt tên lửa tầm trung, tên lửa bội siêu thanh, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, cụm từ "Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột" thường xuyên được nhắc đến. Vào ngày 15/01/2024, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc tuyên bố đang tăng cường năng lực "Răn đe mở rộng" với Mỹ, và tăng cường khả năng phản ứng của chính Hàn Quốc, như nâng cấp Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột của Hàn Quốc. Việc nhanh chóng thành lập ‘‘Bộ tư lệnh chiến lược’’, để đối phó với đe dọa hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, được xem như là một bước đẩy nhanh tốc độ để đáp ứng với các đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Bắc Triều Tiên.

2/ Chính quyền Hàn Quốc dự kiến đầu tư ra sao cho Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột?

Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc cho biết sẽ đầu tư khoảng 270 tỉ đô la (tương đương 349 nghìn tỉ won) trong vòng 5 năm để hiện đại hóa quân đội theo "Kế hoạch phòng thủ quốc gia trung hạn 2024-2028". Trong số này, ngân sách dành cho Hệ thống Phòng thủ Ba trục là 41,5 nghìn tỷ won trong 5 năm (chiếm hơn 1/10 ngân sách Quốc phòng 5 năm tới), tăng khoảng 2 nghìn tỷ won so với kế hoạch trước đó. 14 dự án được bổ sung, bao gồm cả bom xung điện từ, loại vũ khí làm tê liệt chức năng của các thiết bị điện tử và các thiết bị khác bằng sóng điện từ. Vũ khí này thuộc trụ cột thứ nhất Kill Chain. 

Đối với Kill Chain, với mục tiêu ngăn chặn các cuộc tấn công khi Bắc Triều Tiên chưa kịp ra đòn, vấn đề xác định chính xác mục tiêu là quan trọng bậc nhất. Vào năm 2025, Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 5 vệ tinh trinh sát quân sự có khả năng theo dõi các dấu hiệu khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc dự kiến phóng thêm hàng chục vệ tinh trinh sát siêu nhỏ vào năm 2030. Ngoài ra, cũng trong trục Tấn công để Ngăn chặn này, Hàn Quốc còn quyết định thành lập Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo Quốc phòng vào năm tới để phát triển năng lực tác chiến điện tử (gồm bom xung điện từ).

Về trụ cột lá chắn phòng thủ tên lửa KAMD, Seoul dự kiến triển khai vào năm 2028 hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, có khả năng đánh chặn từ độ cao 30 km đến 60 km, như hệ thống đánh chặn pháo binh và các hệ thống tên lửa đa tầng (như M-SAM-Ⅲ, L-SAM-Ⅱ), sẽ được triển khai vào năm 2028, thay vì năm 2030 như kế hoạch ban đầu.

Về trụ cột thứ ba của Hệ thống Phòng thủ Ba trụ cột, tức "Hệ thống Trừng phạt và Trả đũa" (KMPR), cũng vào năm 2028, Quân đội Hàn Quốc sẽ được trang bị các vũ khí dẫn đường địa đối địa chiến thuật, có khả năng tấn công các đường hầm. Trong trường hợp khẩn cấp, quân đội sẽ được bổ sung thêm các máy bay chiến đấu tàng hình tối tân và các tàu ngầm 3.000 tấn trở lên, được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ​​để tấn công các cơ sở và trung tâm chỉ huy lớn của Bắc Triều Tiên.

3/ Liệu chính quyền Hàn Quốc sẽ coi vũ khí hạt nhân là một thành phần của hệ thống ba trụ cột phòng thủ chống đe dọa Bắc Triều Tiên?

Người dân Hàn Quốc dường như có xu hướng ít tin tưởng hơn vào khả năng được Hoa Kỳ bảo vệ hiệu quả trước đe dọa Bắc Triều Tiên, và ngày càng nhiều người mong muốn Hàn Quốc trang bị vũ khí hạt nhân. Theo một khảo sát của viện nghiên cứu Chey, có hơn 72% người được hỏi đồng tình với việc Hàn Quốc cần tự phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh mối uy hiếp hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên dâng cao. Chỉ có 39% cho rằng Washington sẽ can thiệp vào bán đảo Triều Tiên, nếu xét thấy có khả năng lãnh thổ Mỹ bị tấn công. Tỷ lệ này giảm 12% so với kết quả thăm dò trước đó. Ngoài ra, kết quả thăm dò cũng cho thấy người dân lo ngại cam kết phòng thủ của Mỹ cho Hàn Quốc sẽ có thể bị lung lay, nếu cựu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới.

Hiện tại, quan điểm của Seoul vẫn là không phát triển vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Thống Nhất Kim Young-ho thường xuyên nhấn mạnh "Hàn Quốc hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân thực sự từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về không phổ biến vũ khí hạt nhân và quốc tế cần phải hiểu điều này".

Tuy nhiên, chính quyền của tổng thống Yoon có thái độ cứng rắn trước các khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Ông đã tuyên bố tại cuộc họp nội các ngày 16/01/2024 rằng "một nền hòa bình giả tạo" dựa trên "sự khuất phục trước các đe dọa, khiêu khích, sẽ chỉ đẩy tình hình an ninh của Hàn Quốc tới một cuộc khủng hoảng lớn hơn’’. Trước đó, vào ngày 11/01/2023, ông Yoon cũng từng tuyên bố: "Nếu tình hình xấu đi, Hàn Quốc sẽ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật, hoặc tự thiết lập kho vũ khí cho chính mình".

Chính vì vậy, việc liệu Hàn Quốc có tự phát triển vũ khí hạt nhân hay không sẽ là câu hỏi đáng quan tâm, khi tình hình bán đảo Triều Tiên, cũng như thế giới đang nóng lên từng ngày.


*************
rfi.fr

Gaza : Tổng thống Macron tưởng niệm các nạn nhân Pháp trong vụ tấn công 07/10

Phan Minh

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay, 07/02/2024, chủ trì lễ tưởng niệm các nạn nhân người Pháp trong vụ tấn công đẫm máu của tổ chức Hamas vào Israel ngày 07/10/2023, gây ra cuộc xung đột hiện vẫn tiếp diễn ở dải Gaza.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Lễ tưởng niệm tại sân chính của điện Invalides được tổ chức đúng 4 tháng sau cuộc tấn công của phong trào Hồi Giáo Palestine, khiến hơn 1.160 người thiệt mạng, bị bắn chết, thiêu sống…, phần lớn là thường dân, theo dữ liệu chính thức của Israel.

Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 42 người là công dân Pháp hoặc song tịch Pháp-Israel, 3 người vẫn mất tích và được cho là bị Hamas bắt làm con tin, 4 người được thả và 6 người bị thương. Đây là thiệt hại nặng nề nhất về nhân mạng đối với công dân Pháp kể từ vụ tấn công khủng bố ở Nice vào ngày 14/07/2016 (86 người chết và hơn 400 người bị thương).

Trong bài phát biểu tại lễ tưởng niệm, tổng thống Macron nhận định cuộc tấn công ngày 07/10 của Hamas là « vụ thảm sát chống Do Thái lớn nhất thế kỷ 21 ». Ông Macron nhấn mạnh : « Chúng ta, 68 triệu người dân Pháp đau buồn vì vụ tấn công khủng bố ngày 07/10, 68 triệu người mà trong đó 42 đã bỏ mạng, 6 người bị thương, 4 người bị ám ảnh suốt đời sau nhiều ngày bị giữ làm con tin và 3 người vẫn bị cầm giữ. Chúng ta đang nỗ lực mỗi ngày để tìm cách giải cứu họ. »

Trên khu vực khán đài dành cho gia đình các nạn nhân, có 3 chiếc ghế để trống, tượng trưng cho 3 công dân Pháp còn bị Hamas cầm giữ.

Đối với gia đình các nạn nhân, sự hiện diện tại buổi lễ của một số quan chức thuộc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), những người đã từ chối lên án vụ tấn công của Hamas là « hành động khủng bố », là điều « không thể diễn tả », thậm chí « không thể chấp nhận được ».

Pháp là quốc gia có cộng đồng Do Thái lớn nhất ở châu Âu, với khoảng 500.000 người sinh sống. Pháp cũng có gần 100.000 công dân sống ở Israel, đa số là những người mang hai quốc tịch Pháp-Israel.

Theo chính quyền Israel, tổng cộng 132 con tin vẫn đang bị giam cầm ở Gaza, trong đó 29 người được cho là đã chết. Khoảng một trăm con tin đã được thả vào cuối tháng 11/2023 sau khi hai bên đạt được lệnh hưu chiến.

Theo hãng tin AFP, điện Elysée dự trù cũng sẽ có một lễ tưởng niệm các nạn nhân người Pháp trong các vụ oanh kích của Israel vào Gaza, nhưng ngày giờ và địa điểm chưa được ấn định.


*************
voatiengviet.com

Hamas đề xuất ngừng bắn 135 ngày ở Gaza với điều kiện Israel rút quân hoàn toàn

Reuters

Hamas vừa đề xuất một lệnh ngừng bắn ở Gaza trong 4 tháng rưỡi, trong thời gian đó tất cả các con tin sẽ được thả, Israel rút quân khỏi Dải Gaza và một thỏa thuận sẽ đạt được về việc chấm dứt chiến tranh.

Đề xuất của Hamas là phản hồi cho đề nghị do các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập đưa ra vào tuần trước và được Israel và Mỹ thông qua. Đề xuất này được đưa ra trong nỗ lực ngoại giao lớn nhất từ trước đến nay nhằm có được thời gian tạm giao tranh kéo dài.

Kênh 13 của Israel dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết một số yêu cầu do Hamas đưa ra không được Israel chấp nhận, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết. Israel trước đó tuyên bố sẽ không rút quân khỏi Gaza cho đến khi nào Hamas bị tiêu diệt.

Bản tin dẫn lời quan chức giấu tên cho biết chính quyền Israel sẽ tranh luận xem có nên bác bỏ hoàn toàn các đề xuất của Hamas hay yêu cầu các điều kiện thay thế hay không.

Nhưng đề nghị của Hamas, trong một tài liệu mà Reuters xem được và được các nguồn tin xác nhận, dường như đã đáp ứng yêu cầu lâu nay của Hamas về việc chấm dứt hoàn toàn chiến tranh như một điều kiện tiên quyết trước khi thả các con tin mà họ bắt giữ vào ngày 7/10 trong cuộc đột kích dẫn đến cuộc tấn công của Israel.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã đến Israel trong đêm sau khi gặp lãnh đạo các nước hòa giải Qatar và Ai Cập, đã gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để thảo luận về đề xuất này.

Một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán cho biết đề xuất phản hồi của Hamas không yêu cầu đảm bảo về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ngay từ đầu, nhưng việc chấm dứt chiến tranh sẽ phải được thống nhất trong thời gian ngừng bắn trước khi những con tin cuối cùng được thả.

Nguồn tin thứ hai cho biết Hamas vẫn muốn có sự đảm bảo từ Qatar, Ai Cập và các quốc gia thân hữu khác rằng lệnh ngừng bắn sẽ được duy trì và không sụp đổ ngay khi các con tin được tự do.

“Họ muốn hành động tấn công của Israel phải dừng lại chứ không phải tạm thời, không phải con tin Israel được thả ra và sau đó người dân Palestine tiếp tục sống trong một cái cối xay”.

Ezzat El-Reshiq, một thành viên của văn phòng chính trị Hamas, xác nhận đề nghị đã được chuyển qua Ai Cập và Qatar tới Israel và Hoa Kỳ.

Ông nói với Reuters: “Chúng tôi mong muốn giải quyết vấn đề này trên tinh thần tích cực nhằm ngăn chặn hành động gây hấn chống lại người dân Palestine chúng tôi và đảm bảo một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và lâu dài cũng như cung cấp cứu trợ, viện trợ, nơi ở và tái thiết”.

Theo tài liệu, trong giai đoạn 45 ngày đầu tiên, tất cả các con tin phụ nữ Israel, nam giới dưới 19 tuổi, người già và người bệnh sẽ được thả, đổi lấy phụ nữ và trẻ em Palestine bị giam trong các nhà tù của Israel. Israel sẽ rút quân khỏi các khu vực đông dân cư.

Việc thực hiện giai đoạn thứ hai sẽ không bắt đầu cho đến khi các bên kết thúc “các cuộc đàm phán gián tiếp tiếp theo về các yêu cầu cần thiết để chấm dứt các hoạt động quân sự chung và trở lại trạng thái bình yên hoàn toàn”.

Giai đoạn thứ hai sẽ bao gồm việc thả các con tin nam còn lại và Israel rút toàn bộ lực lượng khỏi Gaza. Các thi thể và hài cốt sẽ được trao đổi trong giai đoạn thứ ba.

Yamen Hamad, cha của 4 đứa con đang trú ẩn tại một trường học của Liên Hiệp Quốc ở Deir Al-Balah, miền trung Dải Gaza, nói với Reuters thông qua một ứng dụng nhắn tin: “Mọi người rất lạc quan, đồng thời họ cầu nguyện rằng hy vọng này sẽ trở thành một thỏa thuận thực sự giúp chấm dứt chiến tranh”.

Tại Rafah, ở rìa phía nam của Dải Gaza, nơi một nửa trong số 2,3 triệu người của khu vực này đã bị dồn vào hàng rào biên giới với Ai Cập, thi thể của 10 người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel trong đêm đã được đặt trong nhà xác bệnh viện. Ít nhất hai trong số những bó vải được bọc có kích cỡ của trẻ nhỏ. Những người thân than khóc bên cạnh người đã khuất.

Quân đội Israel cho biết họ đã tiêu diệt hàng chục phiến quân trong cuộc giao tranh trong 24 giờ qua. Họ cũng đưa ra những tuyên bố tương tự trong suốt cuộc giao tranh ở Khan Younis, nhưng những thông tin này không thể được xác minh độc lập.


voatiengviet.com

Philippines tăng cường hiện diện quân sự tại các đảo đối diện với Đài Loan

Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã ra lệnh cho quân đội tăng số lượng binh sĩ đồn trú tại các đảo cực bắc gần Đài Loan để củng cố khả năng phòng thủ lãnh thổ của Manila.

Hải quân Philippines cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro cũng kêu gọi phát triển thêm công trình trên quần đảo Batanes xa xôi, cách Đài Loan chưa đầy 200 km (125 dặm).

Theo một tuyên bố của hải quân Philippines đưa ra vào cuối ngày thứ Ba, ông Teodoro cho biết: “Bắt đầu từ năm 2024, nhịp độ hoạt động của AFP (Lực lượng vũ trang Philippines) sẽ cao hơn”.

Kênh Bashi giữa các đảo này và Đài Loan được coi là điểm nghẽn đối với các tàu di chuyển giữa Tây Thái Bình Dương và Biển Đông đang tranh chấp. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết quân đội Trung Quốc thường xuyên cử tàu và máy bay đi qua eo biển này.

Vào tháng 11, quân đội Philippines và Mỹ đã tuần tra chung ngoài khơi vùng biển cực bắc của Philippines.

Batanes là “mũi nhọn của Philippines ở ranh giới phía bắc”, ông Teodoro nói trong chuyến thăm cùng với các chỉ huy AFP và hải quân.

Hải quân Philippines nói chuyến thăm của ông Teodoro “biểu thị một thời điểm then chốt trong cam kết của đất nước chúng ta về bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia”.

Reuters đưa tin vào tháng 8 rằng quân đội Hoa Kỳ đang đàm phán để phát triển một cảng dân sự ở Batanes, một động thái nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của Mỹ tới các hòn đảo có vị trí chiến lược đối diện với Đài Loan.

Philippines vào năm 2023 đã cho phép gần gấp đôi số lượng căn cứ quân sự mà lực lượng Mỹ có thể tiếp cận, trong đó có ba căn cứ đối diện với Đài Loan. Trung Quốc, nước tuyên bố Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của mình, nói rằng những động thái đó đang “đổ thêm lửa” vào căng thẳng trong khu vực.

Batanes từng là một trong những địa điểm huấn luyện trong cuộc tập trận quân sự chung năm ngoái, được gọi là Balikatan, với sự tham gia của hơn 17.000 binh sĩ Philippines và Mỹ, khiến nó trở thành cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất từ trước đến nay.


**********
voatiengviet.com

Trung Quốc mở trạm nghiên cứu Nam Cực ở phía nam Australia, New Zealand

Reuters

Trung Quốc hôm thứ Tư (7/2) khánh thành trạm nghiên cứu khoa học biển Ross, hãng tin Tân Hoa Xã chính thức đưa tin, lần đầu tiên bắt đầu hoạt động tại một trạm ở một phần Nam Cực, phía nam Australia và New Zealand.

Giống như hình một cây thập giá, trạm nghiên cứu Tần Lĩnh sẽ có nhân viên quanh năm với các cơ sở đủ chỗ cho 80 người trong những tháng mùa hè, truyền thông chính thức Trung Quốc cho biết trước đó.

Nằm trên bờ biển đầy đá của Đảo Inexpressible của biển Ross băng giá, Tần Lĩnh cũng nằm gần trạm nghiên cứu có nhân viên thường trú McMurdo của Hoa Kỳ.

Trung Quốc có bốn trạm nghiên cứu khác ở các khu vực khác của Nam Cực mà trước đây họ đã xây dựng từ năm 1985 đến 2014, là Trung Sơn, Thái Sơn, Côn Lôn và Vạn Lý Trường Thành, với hai trong số đó cũng là các trạm có nhân viên quanh năm như Tần Lĩnh.

Việc xây dựng Tần Lĩnh lần đầu tiên được khởi công vào năm 2018, nhưng việc khởi công đã bị trì hoãn do bùng phát dịch Covid-19. Vào tháng 11, Trung Quốc đã cử hạm đội Nam Cực lớn nhất của mình với hơn 460 nhân viên đến địa điểm này để giúp hoàn thiện trạm.

Tần Lĩnh dự kiến sẽ bao gồm một đài quan sát với một trạm vệ tinh mặt đất và nó sẽ có vị trí thuận lợi để thu thập tín hiệu tình báo trên khắp Australia và New Zealand, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong một báo cáo hồi tháng Tư.

Những bức ảnh ban đầu về trạm không cho thấy ngay sự hiện diện của trạm vệ tinh mặt đất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói: “Việc xây dựng trạm Nam Cực của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với các quy tắc và thủ tục quốc tế liên quan đến Nam Cực”.

Ông nói thêm: “Nó sẽ có lợi cho việc nâng cao kiến thức khoa học của nhân loại về Nam Cực… đồng thời thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững ở Nam Cực”.

Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Tư đã khen ngợi việc khánh thành trạm và kêu gọi các nhân viên trạm “nên nhận thức, bảo vệ và sử dụng vùng cực” cùng với cộng đồng quốc tế, Tân Hoa Xã đưa tin.


**************

Tổng thống Ukraine ra lệnh thành lập lực lượng drone quân sự

NGUYÊN HẠNH

Ngày 6-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra lệnh thành lập nhánh máy bay không người lái (drone) trong lực lượng vũ trang Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, ông Zelensky đã ký một nghị định kêu gọi chính phủ và tổng tham mưu các lực lượng vũ trang "giải quyết các vấn đề về việc thành lập một lực lượng riêng cho các hệ thống máy bay không người lái trong lực lượng vũ trang Ukraine".

"Tôi vừa ký một sắc lệnh nhằm khởi động việc thành lập một nhánh riêng trong lực lượng vũ trang của chúng tôi - lực lượng hệ thống máy bay không người lái", ông Zelensky nói trong thông điệp hằng đêm của mình.

Tổng thống Ukraine tiếp tục: "Đây không phải là câu hỏi dành cho tương lai. Đúng hơn, nó phải mang lại kết quả cụ thể trong tương lai rất gần. Năm nay phải mang tính quyết định về nhiều mặt. Và rõ ràng là trên chiến trường".

"Các hệ thống máy bay không người lái đã thể hiện tính hiệu quả của chúng trên đất liền, trong bầu trời và trên biển", ông Zelensky chỉ ra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết việc thành lập nhánh riêng chuyên về máy bay không người lái sẽ cung cấp "động lực mạnh mẽ" cho sự phát triển công nghệ của quân đội.

Theo ông Fedorov, máy bay không người lái về cơ bản đã thay đổi tình hình trên chiến trường. "Chúng có hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga và hỗ trợ các cuộc phản công của lực lượng vũ trang Ukraine", ông Fedorov cho hay.

Theo nghị định của ông Zelensky, kết quả của quá trình nghiên cứu sẽ được nộp lên Hội đồng Quốc phòng và An ninh quốc gia.

Tổng thống Zelensky chỉ ra máy bay không người lái, cũng như sản xuất trong nước và với các quốc gia đối tác là yếu tố chính trong việc tiến hành cuộc chiến chống lại Nga, kể từ khi Matxcơva phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" cách đây 2 năm.

Vào tháng 12-2023, ông Zelensky cam kết Ukraine sẽ sản xuất 1 triệu máy bay không người lái vào năm 2024.

Các quan chức chính phủ cho biết Ukraine đặt mục tiêu sản xuất hàng chục nghìn máy bay không người lái mỗi tháng.

Tuy không có số liệu về sản lượng hiện tại, nhưng kể từ khi bắt đầu chiến tranh, việc sản xuất máy bay không người lái ở Ukraine đã tăng vọt. Hàng chục công ty tại đây đang phát triển và sản xuất các mẫu khác nhau.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, ông Valeriy Zaluzhny, trả lời Đài CNN tuần trước rằng máy bay không người lái rất quan trọng trong việc tiến hành chiến tranh.

"Điều quan trọng là những hệ thống không người lái này - chẳng hạn như máy bay không người lái - cùng với các loại vũ khí tiên tiến khác, là cách tốt nhất để Ukraine tránh bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh không có lợi thế", ông Zaluzhny nhấn mạnh
************
voatiengviet.com

Thái Lan nói không trục xuất các nhà hoạt động Campuchia khi Thủ tướng Hun Manet đến thăm

Reuters

Ba nhà hoạt động Campuchia bị bắt ở Thái Lan sẽ không bị trục xuất về quê hương và sẽ được tái định cư ở nơi khác, một phó cảnh sát trưởng Thái Lan cho biết hôm thứ Tư, sau khi các nhóm nhân quyền bày tỏ lo ngại về số phận của họ nếu bị đưa về quê nhà.

Khẳng định này được đưa ra trong chuyến thăm Thái Lan của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, người đã cảm ơn người đồng cấp vì đã ngăn chặn “sự can thiệp vào chính trị nội bộ Campuchia” từ đất Thái Lan.

Áp lực quốc tế đang ngày càng đè nặng lên ông Hun Manet yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp của cha ông cũng là người tiền nhiệm Hun Sen, người tự xem mình là độc tài và gần như quét sạch những phản đối trong nước đối với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của ông.

Các nhà hoạt động và gia đình của họ được Liên Hiệp Quốc công nhận là người tị nạn và đã bị bắt vào tuần trước vì vi phạm luật nhập cư, vài ngày trước chuyến thăm của ông Hun Manet.

Các vụ bắt giữ diễn ra sau một loạt vụ trục xuất khỏi Thái Lan trong vài năm qua đối với những người chỉ trích CPP, đảng đã nắm quyền gần bốn thập niên.

Phó cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng những người bị giam giữ sẽ được đưa đến một quốc gia khác, nhưng không phải quay trở lại Campuchia.

“Hiện tại, UNHCR đang xử lý việc tái định cư sang nước thứ ba”, ông nói về cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi chắc chắn sẽ không gửi trả họ và gia đình trở lại Campuchia.”

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tại cuộc họp báo chung với ông Hun Manet nói đất nước của ông sẽ không cho phép người dân thực hiện “các hoạt động có hại” chống lại các nước láng giềng.

Ông Hun Manet bày tỏ lòng biết ơn và nói rằng “điều này hình thành sự tôn trọng và lợi ích lẫn nhau giữa hai nước chúng ta”.

Thái Lan và Campuchia cũng cam kết tăng cường hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là các mạng lưới lừa đảo trên mạng. Nhiều mạng lưới trong số đó hoạt động từ Campuchia và các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Ông Hun Manet được giáo dục ở phương Tây và đã lên nắm quyền vào năm ngoái sau khi kế thừa chức vụ từ cha ông, người đã cai trị Campuchia gần 4 thập niên, với nét đặc trưng là sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh chóng cùng với tình trạng đàn áp quyền tự do ngôn luận và một chiến dịch kéo dài nhằm loại bỏ các đối thủ.

CPP hầu như không có đối thủ trong cuộc bầu cử thứ hai liên tiếp vào năm ngoái, khi các đảng đối lập có khả năng tồn tại bị giải thể hoặc bị cấm tranh cử. Hàng trăm đối thủ đã bị bỏ tù hoặc phải trốn đi lưu vong.

Các nước phương Tây đang theo dõi chặt chẽ để xem liệu ông Hun Manet, người có bằng tiến sĩ kinh tế ở Anh và tốt nghiệp học viện quân sự West Point danh tiếng của Mỹ, có theo đuổi một chương trình nghị sự tự do hơn và mở lại không gian chính trị cho phe đối lập hay tiếp tục đường lối độc đoán của cha mình.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn