Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 07-02 -2024

Thứ Tư, 07 Tháng Hai 20243:49 SA(Xem: 1608)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 07-02 -2024
HoaLucU
***********
rfi.fr

Tổng thống Biden hối thúc Quốc Hội Mỹ thông qua viện trợ cho Ukraina

Phan Minh

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua, 06/02/2024, tuyên bố Quốc Hội Hoa Kỳ « sẽ làm theo đúng những gì điện Kremlin mong muốn » nếu không tiếp tục tài trợ cho Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga. Đồng thời, chủ nhân Nhà Trắng cáo buộc Donald Trump « dùng chính trị đùa giỡn » với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.

Đăng ngày:

2 phút

Ảnh tư liệu : Tổng thống Joe Biden trước Quốc Hội Mỹ, Washington, Hoa Kỳ, tháng 07/2023.
Ảnh tư liệu : Tổng thống Joe Biden trước Quốc Hội Mỹ, Washington, Hoa Kỳ, tháng 07/2023. AP - Jacquelyn Martin

Theo AFP, ông Joe Biden chỉ trích cựu tổng thống Mỹ đã gây áp lực với các dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa không thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ đô la cho quân đội Ukraina, trong khi đảng này từng ra điều kiện sẽ ủng hộ gói viện trợ cho Ukraina nếu chính quyền Biden thắt chặt chính sách nhập cư và gia tăng kiểm soát biên giới Hoa Kỳ.

Tổng thống Biden tuyên bố : « Chúng ta không thể bỏ rơi Ukraina vào lúc này, Putin đang đặt cược vào điều đó. Ủng hộ gói viện trợ này đồng nghĩa với việc đứng lên chống lại Putin. Ngăn chặn gói viện trợ này tức là hậu thuẫn Putin. »

Nếu Quốc Hội Mỹ không thông qua dự luật ngân sách, ngoài việc Kiev không nhận được sự hỗ trợ thiết yếu của Hoa Kỳ trong khi chiến tranh Ukraina sắp bước vào năm thứ ba, các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát biên giới giữa Mỹ và Mêhicô và ngăn chặn dân nhập cư trái phép có thể sẽ bị hủy bỏ, mặc dù đã nhận được sự chấp thuận ban đầu từ « một số thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ ».

Về tình hình chiến sự, các quan chức ở Kiev cho biết quân đội Nga hôm nay, 07/02, đã bắn hàng chục tên lửa và drone vào Ukraina trong một cuộc tấn công « quy mô lớn » khiến ít nhất bốn người thiệt mạng và hơn chục người bị thương. Cuộc tấn công này đã khiến một số khu vực ở thủ đô Kiev bị mất điện.


***********

Ngoại trưởng Mỹ trở lại Israel bàn về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza

Thanh Hà

Ngày 07/02/2024, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken trở lại Israel để thảo luận với chính quyền Netanyahu về thỏa thuận ngừng bắn trên lãnh thổ Gaza. Thỏa thuận này bao gồm việc trả tự do cho các con tin đổi lấy viện trợ nhân đạo cho thường dân Palestine. Càng lúc càng có nhiều tín hiệu cho thấy phong trào Hồi Giáo Hamas đồng ý về một đợt hưu chiến thứ nhì.  

Đăng ngày:

2 phút

U.S. Secretary of State Antony Blinken arrives at Ben Gurion International airport in Tel Aviv, Israel, February 6, 2024.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến sân bay quốc tế Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel, ngày 6/2/2024. via REUTERS - POOL

Ngoại trưởng Blinken đến Jerusalem vào lúc, theo như ghi nhận của các phóng viên hãng tin AFP, quân đội Israel tiếp tục chiến dịch quân sự tại Khan Younès ở miền nam Gaza. Nhiều nguồn tin thông thạo dự đoán « Rafah sẽ là mục tiêu kế tiếp của quân đội Israel ». Do vậy hôm nay, trên nguyên tắc, bộ trưởng Quốc Phòng Israel Yoav Gallant cũng sẽ có cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ.

Trước khi thảo luận với thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm nay, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã đến Ai Cập và Qatar, hai nhà trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas.

Về phía Hamas, không đi sâu vào chi tiết nhưng phong trào Hồi Giáo Palestine này cho biết họ « đánh giá tích cực » đề xuất về một lệnh ngừng bắn mà « Mỹ, Qatar và Ai Cập » cùng tán đồng. Đề xuất đó đã được đưa ra hồi cuối tháng 1/2024 tại Paris.

Thủ tướng Qatar tỏ ra « lạc quan » về hồ sơ này. Theo hãng tin AFP, những đòi hỏi cụ thể từ phía Hamas đã được chuyển đến cơ quan tình báo đối ngoại của Israel. Văn phòng thủ tướng Netanyahu yêu cầu các giới chức liên quan « xem xét kỹ » những đề xuất của tổ chức Hamas.

Hiện vẫn còn 132 con in Israel bị cầm giữ tại Gaza. Từ sau loạt tấn công của Hamas ngày 07/10/2023, cuộc can thiệp quân sự của Israel vào Gaza đã khiến hơn 27.000 người Palestine thiệt mạng, đa số là thường dân, theo thống kê từ phía chính quyền Hamas.


***********
voatiengviet.com

Houthi nói họ bắn và gây thiệt hại 2 tàu ở Biển Đỏ

Reuters

Hôm 6/2, nhóm Houthi của Yemen có liên kết với Iran cho biết họ đã bắn tên lửa vào 2 tàu ở Biển Đỏ, gây thiệt hại cho cả 2 tàu này, theo Reuters.

Lực lượng Houthi sử dụng máy bay không người lái và tên lửa nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ kể từ giữa tháng 11/2023, việc này được họ mô tả là hành động thể hiện tình đoàn kết với người Palestine chống lại Israel trong cuộc chiến ở Gaza.

Người phát ngôn quân sự của nhóm này cho biết họ bắn tên lửa hải quân vào tàu Star Nasia và tàu Morning Tide, xác định hai tàu này lần lượt là tàu treo cờ Marshall Islands của Mỹ và Barbados của Anh.

Một quan chức của Bộ vận tải biển Hy Lạp cho hay tàu Star Nasia thuộc sở hữu của Hy Lạp, do Star Bulk Carrier quản lý, bị hư hại do vụ nổ lúc 11h15, giờ GMT, đồng thời nói thêm rằng thủy thủ đoàn của tàu không bị thương.

Quan chức này nói tiếp rằng hiện chưa rõ vụ nổ là do thủy lôi hay tên lửa gây ra.

Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Hoa Kỳ (Centcom) thông báo là nhóm Houthi đã bắn 3 tên lửa vào tàu Star Nasia, tàu này báo cáo có thiệt hại nhẹ nhưng không có thương tích. Centcom viết trên trang X, trước đây là Twitter, rằng một tàu Hải quân Hoa Kỳ hoạt động gần tàu Star Nasia đã bắn hạ một trong những tên lửa đó. Centcom cho biết tàu Star Nasia vẫn có thể đi biển và đang tiếp tục hướng tới điểm đến.

Công ty Furadino Shipping của Anh, chủ sở hữu của tàu Morning Tide, nói với Reuters rằng con tàu hiện đang hoạt động bình thường, nhưng không cung cấp thêm thông tin.

US Centcom cho hay 3 tên lửa do Houthi bắn đã rơi xuống biển gần Morning Tide nhưng không gây thiệt hại hay thương tích.

Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ làm gián đoạn hoạt động vận chuyển toàn cầu và buộc các công ty phải chuyển sang hành trình dài hơn và tốn kém hơn vòng qua miền nam châu Phi, đồng thời làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể lan rộng gây bất ổn cho khu vực Trung Đông trên bình diện rộng hơn.

Hoa Kỳ và Anh bắt đầu tấn công các mục tiêu bên phía nhóm Houthi ở Yemen vào tháng trước để trả đũa các cuộc bắn phá nhằm vào tàu thuyền ở Biển Đỏ.


***********
voatiengviet.com

Hamas phản hồi về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Reuters

Nhóm hiếu chiến Hamas hôm 6/2 tuyên bố đã có phản hồi đối với một thỏa thuận ngừng bắn được đề nghị cho Gaza vốn cũng liên quan đến việc thả con tin, và Hoa Kỳ cho biết họ vẫn tin rằng một thỏa thuận là khả thi.

Chưa có chi tiết về phản hồi của nhóm Hamas.

Văn phòng thủ tướng Israel nói vào cuối ngày 6/2 rằng các chi tiết về phản ứng của Hamas đang được “các quan chức tham gia đàm phán đánh giá kỹ lưỡng”.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong chuyến công du chớp nhoáng ở Trung Đông, cho biết Washington đang xem xét phản ứng của Hamas và ông sẽ thảo luận vấn đề này với các quan chức Israel khi ông đến thăm nước này vào 7/2.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, dù thừa nhận “một số chuyển động” trong thỏa thuận, đã mô tả phản ứng của Hamas là “hơi quá đáng” mà không nêu rõ chi tiết. Ông nói tại Washington: “Hiện các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục”.

Tại Doha, ông Blinken nói, “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi tiếp tục tin rằng một thỏa thuận là có thể thực hiện được và thực sự cần thiết.” Ông phát biểu tại cuộc họp báo với Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani sau khi Hamas đưa ra phản hồi.

Ông Sheik Mohammed mô tả phản ứng của Hamas về tổng thể là “tích cực” nhưng cũng từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào.

Trong tuyên bố của mình, Hamas nói họ đã “giải quyết đề nghị này trên tinh thần tích cực, đảm bảo lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ, chấm dứt hành vi gây hấn chống lại người dân của chúng tôi, đảm bảo cứu trợ, nơi trú ẩn và tái thiết, dỡ bỏ cuộc bao vây trên Dải Gaza và hoàn tất việc trao đổi tù nhân.”

Một quan chức Hamas yêu cầu giấu tên đã nhắc lại với Reuters trước đó vào hôm 6/2 rằng phong trào Hồi giáo Palestine sẽ không cho phép bất kỳ con tin nào được thả nếu không đảm bảo rằng chiến tranh không xảy ra và lực lượng Israel sẽ rời khỏi Gaza.

Con tin

Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định srael sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến khi Hamas bị xóa sổ. Nhưng cũng có một phong trào ngày càng gia tăng ở Israel đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để đưa các con tin về nhà, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải đạt được thỏa thuận với Hamas.

Một cuộc thăm dò của Viện Dân chủ Israel, một cơ quan nghiên cứu phi đảng phái, cho thấy 51% số người được hỏi tin rằng việc giải cứu con tin nên là mục tiêu chính của cuộc chiến, trong khi 36% cho rằng nên lật đổ Hamas.

Phát ngôn viên quân sự của Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, hôm 6/2 cho hay 31 người trong số các con tin còn bị cầm giữ ở Gaza được xác nhận đã chết. Israel trước đó cho biết 136 con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza sau khi 110 người được thả theo thỏa thuận ngừng bắn duy nhất cho đến nay, vào tháng 11/2023, khi Israel cũng thả 240 người Palestine mà nước này đang giam giữ.

Israel bắt đầu cuộc tấn công ở Gaza sau khi các phần tử hiếu chiến Hamas đã giết chết 1.200 người và bắt 253 con tin ở miền nam Israel vào ngày 7/10/2023.

Bộ Y tế Gaza cho biết ít nhất 27.585 người Palestine đã được xác nhận thiệt mạng trong chiến dịch quân sự trả đũa của Israel, cùng với hàng nghìn người khác bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Israel, nước đang đẩy mạnh cuộc tấn công sâu vào các khu vực của Dải Gaza, hiện đang cung cấp nơi tạm trú cho hàng trăm nghìn người phải sơ tán khỏi các cuộc giao tranh trước đó, cho biết lực lượng của họ đã tiêu diệt hàng chục tay súng Palestine trong 24 giờ qua.

Người Palestine hy vọng nỗ lực ngoại giao của ông Blinken sẽ đạt được lệnh ngừng bắn trước khi lực lượng Israel tấn công thị trấn Rafah ở phía nam, nơi hơn một nửa trong số 2,3 triệu người của Gaza hiện đang trú ẩn, chủ yếu trong các tòa nhà công cộng và lều bạt làm từ các tấm nhựa cứng tại biên giới Ai Cập.

Thỏa thuận đề nghị, được các lãnh đạo cơ quan tình báo Mỹ và Israel soạn thảo cách đây hơn một tuần trong cuộc gặp với phía Ai Cập và Qatar, sẽ đảm bảo thả các con tin còn lại ở Gaza để đổi lấy việc tạm dừng giao tranh trong một thời gian dài.

Các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết, lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài ít nhất 40 ngày, trong thời gian đó các phần tử hiếu chiến sẽ trả tự do cho dân thường trong số những con tin còn lại mà họ giam giữ. Các giai đoạn tiếp theo sẽ diễn ra, giao nộp binh lính và xác của các con tin, để đổi lấy việc trả tự do cho những người Palestine bị cầm tù ở Israel.

Áp lực không ngừng

Lực lượng Israel hôm 6/2 tiếp tục gây áp lực lên Khan Younis, thành phố chính phía nam mà họ đã cố gắng chiếm trong nhiều tuần. Các cuộc oanh tạc từ trên không và bằng xe tăng vang dội khắp thành phố trong đêm, với ít nhất 14 người thiệt mạng vì các cuộc không kích kể từ trước bình minh, cư dân Palestine và nhân viên y tế nói.

​Rafah, ngay phía nam, cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích và pháo kích của xe tăng. Các quan chức y tế Palestine cho biết những người thiệt mạng ở đó bao gồm 6 cảnh sát khi xe của họ bị trúng đạn.

Các nhà lãnh đạo Israel cho biết Rafah hiện là pháo đài của các đơn vị chiến đấu của Hamas và tuần trước thề sẽ tiến vào thị trấn này, điều này gây báo động cho các cơ quan viện trợ quốc tế vốn cho rằng một triệu thường dân phải di tản sẽ gặp nguy hiểm nếu bị dồn vào hàng rào biên giới.

Một quan chức Israel nói với Reuters rằng các nỗ lực đang được tiến hành để phối hợp bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào với Ai Cập, bao gồm cả kế hoạch sơ tán người Palestine di tản về phía bắc.

Một cư dân Gaza tên Mahmoud Amer và gia đình đã dựng lều tại một nghĩa trang ở Rafah với hy vọng sẽ được sống an toàn hơn giữa những người đã chết, kể cả những nạn nhân của chiến tranh trong những ngôi mộ mới đào.

Ông Amer nói: “Điều đó tốt hơn là sống trong các khu dân cư nơi những ngôi nhà có thể đổ đè lên đầu chúng tôi”. “Không có nước, không có viện trợ thích hợp. Tình hình thật tồi tệ. Người chết thì yên ổn, còn chúng tôi, những người sống thì đau đớn”.


************
voatiengviet.com

Hạ viện Mỹ bác dự luật chỉ viện trợ cho Israel do đảng Cộng hòa giới thiệu

Reuters

Hôm 6/2, Hạ viện Hoa Kỳ bác bỏ dự luật do đảng Cộng hòa chủ xướng về việc cấp 17,6 tỷ USD cho Israel, vì đảng Dân chủ nói rằng họ muốn một dự luật có nội dung rộng hơn để bao gồm cả viện trợ cho Ukraine, tài trợ nhân đạo quốc tế và khoản ngân sách mới cho an ninh biên giới, theo Reuters.

Với 250 phiếu thuận và 180 phiếu chống, dự luật của đảng Cộng hòa thất bại vì nó được trình ra theo quy trình cấp tốc mà cần phải có đa số phiếu thuận chiếm 2/3 mới được thông qua. Cuộc bỏ phiếu hầu như đi theo đường lối đảng phái, mặc dù có 14 đảng viên Cộng hòa phản đối dự luật này và 46 đảng viên Dân chủ ủng hộ.

Viện trợ cho Israel - một trong những nước nhận viện trợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ - lâu nay vẫn thường nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội. Nhưng nhiều người phản đối gọi dự luật này của Hạ viện là một mưu đồ chính trị của đảngCộng hòa nhằm đánh lạc hướng sự phản đối của họ đối với dự luật của Thượng viện trị giá 118 tỷ USD kết hợp việc cải tổ chính sách nhập cư của Hoa Kỳ và tài trợ mới cho an ninh biên giới cùng với hàng tỷ USD viện trợ khẩn cấp cho Ukraine, Israel và các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Mike Johnson, Chủ tịch Hạ viện, thành viên đảng Cộng hòa, nói rằng dự luật của Thượng viện không có bất cứ cơ hội nào ở Hạ viện, thậm chí ngay cả trước khi nó được đưa ra. Và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện hôm 6/2 nói họ không nghĩ rằng dự luật này sẽ nhận được đủ số phiếu để được thông qua.

Dân biểu Rosa DeLauro, đảng viên đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Phân bổ Ngân sách Hạ viện, phát biểu: “Điều này không mang lại kết quả gì và làm chậm trễ việc viện trợ đến các đồng minh của chúng ta và cung cấp cứu trợ nhân đạo”. Bà nói thêm: “Các đồng minh của chúng ta đang đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu và bạn bè cũng như kẻ thù của chúng ta trên toàn cầu đang theo dõi, chờ xem Mỹ sẽ phản ứng thế nào”.

Tổng thống Joe Biden, thành viên đảng Dân chủ, người ủng hộ dự luật của Thượng viện, hứa sẽ phủ quyết dự luật chỉ dành cho Israel của Hạ viện.

Những người ủng hộ dự luật tài trợ cho Israel khẳng định đây không phải là một chiêu trò chính trị, nói rằng điều quan trọng là phải nhanh chóng hành động để hỗ trợ cho Israel khi nước này phản ứng với cuộc tấn công chết chóc ngày 7/10 của các chiến binh từ Gaza do Hamas cai trị.

Dân biểu Ken Calvert, thành viên đảng Cộng hòa, Chủ tịch Tiểu ban Phân bổ Quốc phòng, người giới thiệu dự luật này, nói: “Dự luật này chỉ đơn thuần cung cấp các nguồn lực cần thiết cho đồng minh thân cận nhất của chúng ta trong khu vực và cả quân đội của chúng ta nữa”.

Các thành viên Quốc hội đã loay hoay trong nhiều tháng nay để giải quyết vấn đề đưa viện trợ an ninh ra nước ngoài, đặc biệt là tới Ukraine khi nước này chiến đấu với quân xâm lược Nga. Ông Biden đã hai lần đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự luật chi tiêu khẩn cấp, gần đây nhất là vào tháng 10.

Hạ viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã thông qua dự luật chỉ dành cho Israel vào tháng 11/2023, nhưng nó chưa bao giờ được đưa lên Thượng viện do đảngDân chủ lãnh đạo, vì các nhà đàm phán làm việc theo yêu cầu của ông Biden về một gói an ninh khẩn cấp có quy mô rộng hơn và đảng Cộng hòa yêu cầu mọi hỗ trợ an ninh phải được kết hợp với những thay đổi trong chính sách nhập cư và an ninh ở biên giới với Mexico.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI
Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(RFI) - LHQ : thành lập uỷ ban độc lập đánh giá UNRWA. Hôm qua, 05/02/2024, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố thành lập ủy ban độc lập chịu trách nhiệm đánh giá tính "trung lập" của cơ quan chuyên trách về người tị nạn Palestine (UNRWA) và điều tra các cáo buộc về việc một số nhân viên của cơ quan này có dính líu tới cuộc tấn công của Hamas hôm 07/10 vào Israel. Nhóm đánh giá này sẽ do cựu bộ trưởng Ngoại Giao Pháp, bà Catherine Colonna dẫn đầu, phối hợp với ba viện nghiên cứu ở Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch. Israel ngay sau đó đã khẳng định "sẽ đưa ra tất cả các bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa UNRWA với khủng bố".

(AFP) -Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tiếp tục công du Trung Đông lần thứ năm. Hôm qua 05/02/2024, ông Blinken đã tới Ả Rập Xê Út, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm, nhằm thảo luận về cuộc chiến giữa Hamas và Israel, thúc đẩy lệnh ngừng bắn, trả tự do cho các con tin và ngăn chặn xung đột lan rộng trong khu vực. Ngày mai ông Blinken sẽ tới Ai Cập và Qatar, hai quốc gia giữ vai trò hoà giải quan trọng trong cuộc xung đột, trước khi đến Israel và vùng Cisjordanie bị chiếm đóng.

(SCMP) - Các nhà lập pháp Hàn Quốc kêu gọi chính phủ ban hành luật cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn rò rỉ bí mật quốc phòng. Động thái này được đưa ra sau vụ các kỹ sư Indonesia bị bắt quả tang khi đang cố gắng lấy một ổ đĩa di động chứa dữ liệu liên quan đến máy bay chiến đấu KF-21. Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cho biết các kỹ sư này được Indonesia cử tới làm việc tại tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KAI) và hiện đang bị điều tra vì nghi ngờ lưu thông tin mật trong USB đồng thời bị cấm rời khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.

(AFP) – Con trai cựu lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Ky lần đầu nhận được thư mẹ từ 3 năm nay. Ông Kim Aris, trong cuộc trả lời AFP hôm nay, 06/02/2024, đã thông báo mẹ ông ‘‘tinh thần tốt’’. Bà Aung San Suu Kyi, 78 tuổi, hiện bị tập đoàn quân sự quản thúc tại thủ đô Naypyidaw. Kể từ cuộc đảo chính quân sự đầu năm 2021, hiếm có thông tin về sức khỏe của bà Aung San Suu Kyi lọt ra ngoài. Từ Luân Đôn, ông Kim Aris cho biết bức thư nhận được hồi tháng 1/2024 là ‘‘dấu hiệu thực sự đầu tiên’’ mà ông nhận được cho thấy mẹ ông còn sống.

(AFP) – Thái Lan : Cựu thủ tướng Thaksin bị truy tố về tội khi quân. Theo một đại diện của tư pháp Thái Lan hôm nay, 06/02/2024, cảnh sát Thái đã đưa ra quyết định truy tố, nhưng hiện tại chưa có bất cứ quyết định nào về những gì sẽ diễn ra tiếp theo. Nhà tỉ phú 74 tuổi trở về nước hồi tháng 8/2023, sau 15 năm lưu vong. Án tù 8 năm do cáo buộc tham nhũng và lạm quyền được nhà vua quyết định giảm xuống còn một năm. Hiện tại ông Thaksin Shinawatra đang được hưởng chế độ theo dõi y tế liên tục do sức khỏe yếu, theo gia đình.


**********
voatiengviet.com

Hoa hậu Nhật gốc Ukraine trả danh hiệu vì quan hệ với người đã có vợ

AP

Cô gái gốc Ukraine vừa đoạt giải hoa hậu Nhật Bản trong cuộc thi năm nay và ban tổ chức cuộc thi cho biết cô đã từ bỏ danh hiệu sau khi một tạp chí loan tin về mối tình của cô với một người đàn ông đã có gia đình.

Cô Karolina Shiino đã đăng quang Hoa hậu Nhật Bản vào ngày 22/1, gây ra tranh cãi về ý nghĩa bản sắc người Nhật ở một đất nước mà sự đồng nhất và tuân thủ vẫn được coi trọng.

Trong một tin nhắn đăng trên trang Instagram của mình hôm 5/2, cô Shiino nói rằng sau khi bài báo xuất hiện, cô đã đề nghị từ bỏ vương miện và từ chức ở công ty người mẫu của mình vì việc này.

Cô nói lời đề nghị của cô đã được chấp nhận.

Tạp chí Weekly Bunshun tuần trước đưa tin cô Shiino có quan hệ tình cảm với một bác sĩ đã có gia đình.

Ban đầu, cô dường như xác nhận mối quan hệ nhưng nói cô không biết ông này đã có gia đình.

Sau đó, cô cho biết lời giải thích trước đó của cô là “không đúng sự thật” và rằng cô biết về tình trạng hôn nhân của ông là ông có gia đình.

Cô Shiino nói cô bị sốc và sợ hãi trước bản tin, đồng thời hoảng sợ, đó là lý do tại sao cô không thể nói ra sự thật, và cô xin lỗi.

Cô viết trên Instagram: “Tôi rất lấy làm tiếc vì đã gây ra rắc rối to lớn và hành động như thể phản bội tất cả những người đã ủng hộ tôi”.

Cô Shiino cũng xin lỗi vợ của người đàn ông và gia đình cũng như các bên liên quan khác.

Văn phòng ban tổ chức Hoa hậu Nhật Bản hôm 6/2 cho biết việc từ bỏ danh hiệu của cô Shiino đã được chấp nhận và nói thêm rằng chỗ dành cho người chiến thắng năm 2024 sẽ để trống.

Tổ chức này cũng nói họ “chịu trách nhiệm” về vụ lộn xộn và xin lỗi các nhà tài trợ, giám khảo và những người khác có liên quan.

Tổ chức cho biết ban đầu họ bảo vệ cô Shiino, dựa trên lời giải thích sơ khởi của cô rằng người đàn ông mà cô có quan hệ đã nói với cô rằng ông ta đã ly hôn và cô đã chia tay với ông khi biết được điều ngược lại.

Vụ bê bối làm dấy lên làn sóng chỉ trích cô Shiino trên mạng xã hội nhưng cũng đặt ra một số câu hỏi về việc tại sao cô là người duy nhất bị đổ lỗi cho vụ việc trong khi người đàn ông có quan hệ với cô lại không đưa ra một bình luận nào trước công chúng.

Trong nền văn hóa nam quyền của Nhật Bản, phụ nữ vẫn được kỳ vọng là những người mẹ, người vợ tốt và bị trừng phạt công khai nhiều hơn nam giới trong các trường hợp ngoại tình.

Năm ngoái, công ty quản lý của nữ diễn viên nổi tiếng Nhật Bản Ryoko Hirosue đã đình chỉ hợp đồng làm việc của cô vô thời hạn vì bị cáo buộc ngoại tình với một đầu bếp nổi tiếng đã có gia đình.

Cô Shiino đã sống ở Nhật Bản kể từ khi chuyển đến nước này lúc 5 tuổi.

Thông thạo tiếng Nhật, cô nhập tịch vào năm 2022.

Cô từng làm người mẫu và cho biết cô có ý thức mạnh mẽ về bản sắc Nhật Bản như bất kỳ ai khác, bất chấp vẻ ngoài là người da trắng.


*******

Kenya rúng động vì vụ 400 người bị chôn trong rừng liên quan giáo phái tuyệt thực

Paul Mackenzie, một thủ lĩnh giáo phái ở Kenya, và 29 cộng sự đã bị truy tố ngày 6-2 về tội sát hại 191 trẻ em. Thi thể các em được tìm thấy trong số hơn 400 người bị chôn trong rừng.

Paul Mackenzie, thủ lĩnh giáo phái người Kenya, trong lần bị đưa đến Tòa án Luật Malindi ở Malindi, Kenya ngày 17-1 - Ảnh: REUTERS

Paul Mackenzie, thủ lĩnh giáo phái người Kenya, trong lần bị đưa đến Tòa án Luật Malindi ở Malindi, Kenya ngày 17-1 - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, các bị cáo trên đều không nhận tội khi bị đưa ra trước tòa án ở thị trấn ven biển Malindi, phía đông Kenya. Một nghi phạm được đánh giá không đủ sức khỏe tâm thần để hầu tòa.

Các công tố viên cho biết Mackenzie, người đứng đầu Giáo hội Tin mừng quốc tế, đã ra lệnh cho những người theo mình bỏ đói bản thân và con cái họ đến chết để có thể lên thiên đường trước khi thế giới diệt vong.

Vụ việc được xem là một trong những thảm kịch liên quan đến giáo phái tồi tệ nhất thế giới trong lịch sử gần đây.

Các tín đồ của giáo phái đã đến sống ở một số địa điểm hẻo lánh trên một khu vực rộng hơn 320ha trong rừng Shakahola, phía đông Kenya. Hơn 400 thi thể cuối cùng đã được phát hiện tại khu vực này.

Việc phát hiện các ngôi mộ tập thể cùng các thông tin khác liên quan giáo phái trên đã gây sốc cho người dân quốc gia châu Phi này.

Mackenzie bị bắt vào tháng 4 năm ngoái và đã bị truy tố các tội danh liên quan đến khủng bố, ngộ sát, tra tấn. Tháng 12-2023, ông ta bị kết tội sản xuất và phân phối phim ảnh không có giấy phép và bị tuyên 12 tháng tù.

Mackenzie từng là tài xế taxi trước khi trở thành thủ lĩnh giáo phái tuyệt thực trên. Một số tín đồ kể lại Mackenzie đã cấm các tín đồ đưa con cái đến trường học và đến bệnh viện khi chúng bị ốm, gọi những nơi như vậy là nơi của quỷ Satan.

Luật sư của Mackenzie cho biết ông đang hợp tác với lực lượng chức năng trong cuộc điều tra về những cái chết trên. 

 30 bị cáo sẽ trở lại tòa vào ngày 7-3 tới.


*************
voatiengviet.com

Nhà đối ngoại hàng đầu châu Âu đến Kyiv, khẳng định sự ủng hộ

Reuters

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell đã đến Kyiv hôm thứ Ba trong chuyến thăm nhằm nhấn mạnh “sự ủng hộ kiên định” của EU đối với Ukraine khi cuộc chiến sắp bước sang năm thứ ba.

Ông Borrell cho biết cuộc hội đàm của ông ở Kyiv sẽ thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine về cả quân sự lẫn tài chính, cũng như tiến bộ của Kyiv trên con đường cải cách trong nỗ lực gia nhập khối 27 thành viên.

Sự xuất hiện của ông Borrell diễn ra vào một thời điểm quan trọng của cuộc chiến. Đây là chuyến thăm thứ tư của ông tới Kyiv kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022.

Tuần trước, Liên minh châu Âu đã phê duyệt một gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) trong 4 năm cho Ukraine trong một động thái thúc đẩy mạnh mẽ dành cho Kyiv, vốn phụ thuộc nhiều vào các đồng minh phương Tây về hỗ trợ quân sự và tài chính.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho biết trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng EU đặt mục tiêu bắt đầu giải ngân vào tháng 3. Chính phủ Ukraine cho biết họ dự kiến sẽ nhận được khoảng 4,5 tỷ euro từ EU vào tháng tới.

Tuy nhiên, gói viện trợ lớn từ Hoa Kỳ vẫn đang bị chặn tại Quốc hội giữa bối cảnh đấu đá chính trị nội bộ.

Ukraina bị Nga áp đảo về quân số và hỏa lực trên chiến trường.

Các quan chức quân đội Ukraine cho biết họ phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược và đạn pháo trầm trọng khi lực lượng Nga tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công mới vào một số khu vực ở phía đông và đông nam đất nước.


*************
voatiengviet.com

Hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông

Reuters

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cho biết họ đã tuần tra vùng biển thuộc quần đảo Điếu Ngư vào hôm thứ Ba (6/2), là khu vực ở Biển Hoa Đông mà cả Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền.

Tuần duyên Nhật Bản cũng đưa ra một thông báo cho biết họ liên tục kêu gọi 4 tàu Trung Quốc rời khỏi “vùng lãnh hải của chúng tôi”. Nhật Bản gọi quần đảo này là Senkaku.

Bốn tàu này đã rời khỏi vùng biển trong vòng hai giờ và di chuyển về phía bắc, Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản cho biết trong một bản tin sau đó.

Mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc lâu nay luôn gặp trở ngại bởi tranh chấp lãnh thổ đối với nhóm đảo nhỏ không có người ở này.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã nhắc lại những quan ngại sâu sắc của Nhật về vấn đề này khi ông hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hoa Kỳ vào tháng 11, chính phủ Nhật Bản cho biết vào thời điểm đó.


***********

EU thận trọng với ý tưởng sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga làm tài sản thế chấp

Reuters

Bỉ vừa đề xuất với nhóm G7 về việc sử dụng tài sản bị phong toả của ngân hàng trung ương Nga làm tài sản thế chấp để vay nợ cho việc tái thiết Ukraine, nhưng ý tưởng này không nhận được nhiều sự ủng hộ của châu Âu, các quan chức châu Âu cho biết.

Bỉ không phải là thành viên của G7, vốn bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý, nhưng đã trở thành một phần trong cuộc thảo luận về việc phải làm gì với tài sản của Nga. Phương Tây đã đóng băng tài sản của Nga sau cuộc xâm lược Ukraine của Moscow và phần lớn số tiền này được giữ ở Bỉ.

Theo Ủy ban châu Âu, có hơn 269 tỷ euro (288,85 tỷ USD) tài sản của Nga bị phong toả ở các nước G7, EU và Australia, trong đó có 200 tỷ euro ở EU, chủ yếu là ở Bỉ.

Hoa Kỳ, quốc gia vẫn chưa thể đưa ra quyết định về viện trợ tài chính mới cho Ukraine vì đấu đá chính trị nội bộ, hồi tháng 12 đã đưa ra ý tưởng tịch thu số tiền của Nga và giao nó cho Kyiv.

Tuy nhiên, các quốc gia và tổ chức thuộc Liên minh châu Âu phản đối điều này, cho rằng không có cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản có chủ quyền của một quốc gia khác và làm như vậy có thể khiến các nhà đầu tư rút lui khỏi đồng euro.

Nga cũng cảnh báo rằng nếu phương Tây tịch thu tiền của họ, họ sẽ trả đũa bằng cách tịch thu tài sản của phương Tây vẫn còn ở Nga, trị giá ước tính khoảng 288 tỷ USD.

Các quan chức nói rằng điều này có thể gây ra sự sụp đổ của cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của Bỉ, nơi nắm giữ tiền của Nga.

Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo nói với Reuters vào tháng 1 rằng một trong những lựa chọn thay thế có thể là sử dụng tài sản bị phong toả làm tài sản thế chấp cho trái phiếu mà qua đó phương Tây có thể huy động tiền cho Ukraine.

Nhưng trong lúc ý tưởng của Bỉ được các bộ tài chính G7 đưa ra như một trong những lựa chọn đang được thảo luận thì các nước châu Âu tỏ ra không mấy hào hứng với nó.

Một quan chức châu Âu am hiểu vấn đề này nói: “Điều chúng tôi biết là việc sử dụng tài sản làm tài sản thế chấp cũng gặp phải những lo ngại về pháp lý, kinh tế và tài chính giống như việc tịch thu và hầu hết các cơ quan pháp lý trong G7 đều xem xét điều đó”.

Một quan chức yêu cầu giấu tên nói: “Sử dụng một tài sản làm tài sản thế chấp có nghĩa là sở hữu tài sản đó, vì vậy, trong trường hợp này là tịch thu nó”.

Bốn quan chức châu Âu khác am hiểu vấn đề này cũng đồng tình với quan điểm trên.


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn