Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 28-01 -2024: Ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 34 người bị thương trong vụ tấn công ở Jordan

Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng 202411:24 SA(Xem: 729)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 28-01 -2024: Ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 34 người bị thương trong vụ tấn công ở Jordan


HoaLuc 8
************
voatiengviet.com

Ba binh sĩ Mỹ thiệt mạng, 34 người bị thương trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái ở Jordan

Reuters

Ba quân nhân Hoa Kỳ đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào lực lượng Hoa Kỳ đóng quân ở phía đông bắc Jordan gần biên giới Syria, Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ cho biết hôm 28/1.

Ông Biden đổ lỗi cho các nhóm được Iran hậu thuẫn về vụ tấn công.

“Trong khi chúng tôi vẫn đang thu thập dữ liệu về cuộc tấn công này, chúng tôi biết nó được thực hiện bởi các nhóm chiến binh cực đoan được Iran hậu thuẫn, hoạt động ở Syria và Iraq”, ông Biden nói trong một tuyên bố.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng ít nhất 34 người đang được thăm khám về khả năng bị chấn thương sọ não.

Một quan chức thứ hai cho biết: “Mặc dù chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin, nhưng đây chắc chắn là hành động của một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn”.

Những cái chết này đánh dấu thương vong đầu tiên của quân đội Mỹ trong khu vực kể từ khi chiến tranh bắt đầu ở Gaza. Ông Biden cho biết rằng vụ tấn công xảy ra vào tối 27/1.

Cuộc tấn công này là sự leo thang nghiêm trọng trong khi tình hình vốn đã căng thẳng ở Trung Đông, nơi chiến tranh nổ ra ở Gaza sau cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo Palestine Hamas vào Israel vào ngày 7 tháng 10, khiến 1.200 người thiệt mạng. Theo Bộ Y tế ở Gaza, cuộc tấn công sau đó của Israel vào Gaza đã giết chết hơn 26.000 người Palestine.

Mặc dù cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì quan điểm chính thức rằng Washington không tham chiến trong khu vực, nhưng nước này đã thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của nhóm Houthi ở Yemen, vốn đang tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ.

“Chúng tôi sẽ thực hiện cam kết chống khủng bố. Và không còn nghi ngờ gì nữa - chúng tôi sẽ buộc tất cả những người chịu trách nhiệm phải chịu trách nhiệm vào thời điểm và theo cách mà chúng tôi lựa chọn”, ông Biden nói trong tuyên bố do Nhà Trắng công bố.


*************
rfi.fr

Mỹ- Trung Quốc đối thoại cấp cao tại Bangkok về Đài Loan và Bắc Triều Tiên

Trọng Thành

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi), trong hai ngày 26 và 27/01/2024, đã có 12 giờ đối thoại về hàng loạt vấn đề gai góc trong quan hệ song phương, như cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, Biển Đông, tình hình an ninh ở Hồng Hải hay Miến Điện. Căng thẳng hai bờ eo biển Đài Loan và nguy cơ bùng đột xung đột trên bán đảo Triều Tiên dường như là các chủ đề nổi bật hơn cả. Cuộc đối thoại diễn ra tại Bangkok, thủ đô Thái Lan.

Đăng ngày:

3 phút

Theo AFP, cuộc đối thoại lần thứ ba giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ với lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc trong vòng một năm được cả hai bên đánh giá là ‘‘thẳng thắn’’ và ‘‘thực chất’’. Sau cuộc đối thoại, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ra thông báo cho biết ‘‘các trao đổi về các vấn đề chiến lược diễn ra thực chất, thẳng thắn và có ý nghĩa’’. Về phần mình, Nhà Trắng khẳng định cuộc hội kiến nói trên ‘‘nằm trong khuôn khổ các nỗ lực nhằm duy trì các kênh liên lạc mở, nhằm quản lý một cách có trách nhiệm các cạnh tranh’’ giữa hai đại cường, và Mỹ -Trung ‘‘đang cạnh tranh nhưng cả hai nước cần ngăn chặn việc chuyển sang xung đột hoặc đối đầu’’.  

Theo giới quan sát, Hoa Kỳ và Trung Quốc mong muốn tiếp tục xu thế đối thoại, được mở ra từ đầu năm ngoái, và được lãnh đạo hai bên nhất trí trong cuộc gặp hồi tháng 9 tại California. Ngay sau cuộc đối thoại, Washington cho biết ‘‘vào mùa xuân tới’’, lãnh đạo hai nước có thể sẽ có một cuộc điện đàm.

Cuộc đối thoại giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và ngoại trưởng Trung Quốc tại Thái Lan cho phép hai bên trực tiếp bày tỏ các bất đồng, và tìm kiếm các khả năng hợp tác. Về phía Bắc Kinh, ‘‘thách thức lớn nhất’’ trong quan hệ với Hoa Kỳ là ‘‘phong trào đòi độc lập tại Đài Loan’’, điều đã được ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh, theo thông báo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc. Bắc Kinh kêu gọi phía Mỹ ‘‘thực thi các cam kết không ủng hộ Đài Loan độc lập và ủng hộ việc tái thống nhất hòa bình với Trung Quốc’’.

Về vấn đề Đài Loan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh ‘‘tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định hai bờ eo biển’’, và cam kết thực thi ‘‘chính sách Một nước Trung Hoa, được định hướng bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan của Mỹ, Ba thông cáo Mỹ - Trung và Sáu bảo đảm cho Đài Loan, phản đối thay đổi nguyên trạng, không ủng hộ Đài Loan độc lập, và giải quyết hòa bình giải quyết các khác biệt giữa hai bờ eo biển một cách hòa bình’’. Ngay sau cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung, theo báo chí Đài Loan, chính quyền Đài Bắc đã gửi lời cảm ơn Washington ủng hộ việc ‘‘duy trì nguyên trạng’’, đồng thời nhấn mạnh Đài Loan trên thực tế đã là ‘‘một quốc gia độc lập’’, ‘‘một nền dân chủ trưởng thành’’, và cuộc bầu cử Đài Loan vừa qua đã ‘‘được sự ủng hộ, chúc mừng từ hơn 100 nước trên thế giới’’.

Về tình hình bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, ông Jack Sullivan đã bày tỏ ‘‘mối quan ngại sâu sắc’’ của Washington về các vụ thử vũ khí mới đây của Bình Nhưỡng, và ‘‘quan hệ ngày càng mật thiết giữa Nga và Bắc Triều Tiên’’. Theo Washington, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã ‘‘trực tiếp nêu các lo ngại với Trung Quốc, do ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng, và hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận sâu hơn về chủ đề này’’. Phía Mỹ hy vọng sẽ có các trao đổi với thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông (Sun Wei-dong) , người vừa có chuyến công du Bình Nhưỡng trong tuần này.


************
rfi.fr

Bầu cử tổng thống Phần Lan : Cuộc đua giữa hai ứng viên nhiều triển vọng

Anh Vũ

Hôm nay, ngày 28/01/2024, tại Phần Lan diễn ra vòng một cuộc bầu cử tổng thống. Sau hai nhiệm kỳ liên tiếp, tổng thống mãn nhiệm, Sauli Niinisto không được quyền ra tranh cử nữa dù là người rất được lòng dân, đặc biệt có uy tín với việc đã duy trì một vị trí cứng rắn mà không hiếu chiến đối với nước Nga, quốc gia mà Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km. Để thay thế ông, có 9 ứng cử viên, nhưng chỉ có hai nhân vật được dự báo có nhiều khả năng thắng cử nhất  là : Alexander Stubb và Pekka Haavisto. Cuộc đua của họ dự báo sẽ rất sít sao

Đăng ngày:

2 phút

Thông tín viên Carlotta Morteo từ Stockholm tóm tắt chân dung hai đối thủ có nhiều triển vọng nhất :

Hai ứng cử viên chỉ cách nhau 3% trong các thăm dò ý định bỏ phiếu : Cả hai người đều có trình độ rất cao cao, mỗi người đều là tấm gương theo cách riêng của mình và được người dân Phần Lan đánh giá cao.

Ông Alexander Stubb, từng có thời gian ngắn làm thủ tướng, được đào tạo tại Mỹ. Ông đã làm việc tại Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu, hiện đang là giáo sư đại học tại Ý. Thuộc giới tinh hoa, ông biết nhiều ngoại ngữ, đại diện cho cánh hữu đã lên nắm quyền từ hồi tháng 6 năm ngoái bằng cách liên minh với cánh cực hữu.

Về phần ứng viên Pekka Haavisto, thuộc đảng Xanh, từng công khai mình là người đồng tính và đã từng về nhì trong hai cuộc bầu cử tổng thống trước. Ông có thế mạnh là kinh nghiệm ở Bộ Ngoại Giao. Ông chính là người đã thực thi việc đưa Phần Lan gia nhập NATO khi ở trong chính phủ của thủ tướng Sanna Marin.

Ông cũng là người rất quan tâm tới  các nước đang phát triển, đặc biệt đã từng là nhà đàm phán hòa bình cho cuộc nội chiến ở Ethiopia  ( 2020-2022).

Tổng thống Phần Lan không có quyền hành gì về các công việc đối nội. Trọng tâm nhiệm kỳ tổng thống là chính sách đối ngoại và quốc phòng.

Đây cũng là những chủ đề mà hai ứng viên Alexander Stubb và Pekka Haavisto đồng quan điểm về việc : Cần phải hậu thuẫn Ukraina bằng mọi giá, nước Nga là mối đe dọa sống còn, tương lai của Phần Lan là trong Liên Hiệp Châu Âu.

Như vậy, phong cách và tính cách của hai nhân vật này sẽ tạo sự khác biệt trong lựa chọn của người dân Phần Lan.


************
rfi.fr

Irak: Bắt đầu thảo luận cắt giảm các lực lượng của liên quân quốc tế chống Daech

Trọng Thành

Kể từ hôm qua, 27/01/2024, chính quyền Irak bắt đầu các cuộc thảo luận đầu tiên với Mỹ về mục tiêu ‘‘cắt giảm đáng kể’’ các lực lượng của liên quân quốc tế chống tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi Giáo (gọi tắt là Daech). Chủ trương của Bagdad là Liên minh quốc tế chống Daech, hoạt động từ năm 2014, sẽ phải ngừng hoạt động.

Đăng ngày:

1 phút

Thủ tướng Irak Shia al Sudani, người giữa, chủ trì vòng thảo luận cắt giảm quân số của Liên quân quốc tế chống Daech, tại Badhdad, ngày 27/01/2024.
Thủ tướng Irak Shia al Sudani, người giữa, chủ trì vòng thảo luận cắt giảm quân số của Liên quân quốc tế chống Daech, tại Badhdad, ngày 27/01/2024. AP - Hadi Mizban

Thông tín viên Marie-Charlotte Roupie tường trình từ Bagdad :

‘‘Đây là giai đoạn đầu tiên của cuộc thảo luận.Bagdad khẳng định rõ ràng: Liên minh quốc tế chống Daech cần chấm dứt hoạt động. Để làm được điều này, cần phải thiết lập một lộ trình, bởi các đàm phán sẽ mất thời gian. Ủy ban Quân sự Tối cao, tên của một ủy ban được thành lập để thực thi nhiệm vụ này sẽ xem xét 3 điểm. Thứ nhất là mức độ đe dọa của Daech hiện nay, nhu cầu huy động lực lượng chống Daech, và năng lực thực sự của các lực lượng vũ trang Irak.

Chính quyền Irak khẳng định, một khuôn khổ mới sẽ được thiết lập cho các hợp tác an ninh trong tương lai giữa Irak và mỗi quốc gia thành viên của Liên minh chống Daech. Người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh rằng đây thực sự là vấn đề chuẩn bị cho một quá trình chuyển tiếp chứ không phải là nhắm đến mục tiêu lực lượng Mỹ rời khỏi Irak.

Trong khi đó, các cuộc tấn công tiếp tục nhắm vào các cơ sở của Mỹ ở Irak. Một nhóm vũ trang thân Iran đã tái khẳng định trong một thông cáo báo chí rằng họ chủ trương tiếp tục các cuộc tấn công cho đến khi nào tất cả lính Mỹ rời khỏi đất Irak’’.


**********
rfi.fr

Israel : Biểu tình trên khắp đất nước đòi thủ tướng Netanyahu từ chức

Minh Phương

Tối 27/1/2024, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tại khắp các thành phố ở Israel. Chỉ riêng tại Tel Aviv, ba cuộc biểu tình riêng biệt đã diễn ra với các yêu sách khác nhau: đòi nhanh chóng trả tự do cho các con tin, yêu cầu ngừng bắn và phản đối chiến tranh và cuối cùng, yêu cầu thủ tướng Netanyahu từ chức.

Đăng ngày:

2 phút

Từ Tel Aviv, thông tín viên RFI Alice Froussard tường thuật tình hình :

“Đáng xấu hổ”, “Đáng xấu hổ” những người biểu tình tập trung tại Quảng trường Habima ở Tel Aviv cùng hô vang. Ở tuổi 50, bà Khinaya đã đi từ thành phố Eilat, nơi các con của bà đang sống sau khi rời bỏ khu vực gần Gaza.  Trên tay bà là tấm biểu ngữ bằng tiếng Do Thái.

“Trên đây viết gì ư? Viết rằng chúng tôi muốn có một cuộc bỏ phiếu. Một cuộc bỏ phiếu ngay bây giờ.”

Bà nói rõ là chính phủ không giúp được gì cả. Netanyahu và các bộ trưởng của ông phải từ chức.

Còn ông Manu thì tỏ ra dứt khoát rằng : “Thủ tướng Israel đang bắt chính các con tin làm con tin”. Ông nói : 

“Vì Netanyahu mà họ (các con tin) chẳng có cơ hội nào thoát khỏi sống sót đâu. Nếu họ sống sót thoát khỏi đó, có nghĩa là chức thủ tướng của  Netanyahu sẽ kết thúc. Và đó thực sự là điều cuối cùng mà ông ta mong muốn.”

 Tại quảng trường này, nhiều người đang kêu gọi bầu cử, từ chức... nhưng tất cả đều cùng chung một mong muốn, đó là chấm dứt với Netanyahu, người có biệt danh là Bibi.

“Một ngày mưa lạnh như thế này nhưng người ta vẫn ra khỏi nhà để tới đây, rồi đến cả các thành phố khác nữa, khắp cả nước. Ở Haifa, Jerusalem, BeerSheva, Netanya, rồi cả Hadera, nói chung là khắp mọi nơi. Vì vậy, chúng tôi hy vọng điều đó sẽ đến nhanh. »

Xung quanh đám đông, một số người biểu tình bị những người ủng hộ chính phủ tấn công, dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ trong xã hội Israel. 


**************

Ukraine tiến công trên mặt trận ngoại giao

LỤC MINH TUẤN

Lực lượng cứu hộ Ukraine có mặt tại nơi bị tên lửa tấn công ở thành phố Kharkov vào hôm 23-1 - Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ Ukraine có mặt tại nơi bị tên lửa tấn công ở thành phố Kharkov vào hôm 23-1 - Ảnh: AFP

Nhóm Nam bán cầu (Global South) được phân chia theo trình độ phát triển.

Các nỗ lực trên mặt trận ngoại giao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bên lề Davos (Thụy Sĩ) đang trở thành điểm nhấn được kỳ vọng sẽ tạo được chuyển biến trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine tiếp tục leo thang sau hơn 700 ngày giao tranh.

Hy vọng của Ukraine

Bối cảnh leo thang chiến sự lúc này ở Ukraine tuy có phần bất lợi về phía Ukraine nhưng lại diễn ra trong bối cảnh chính quyền ông Zelensky đang từng bước gặt hái nhiều "tin mừng" trên mặt trận ngoại giao.

Đầu tiên là lộ trình kết nạp Thụy Điển vào khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đạt kết quả rõ ràng khi đạt được sự phê chuẩn chính thức từ Thổ Nhĩ Kỳ và "tín hiệu đèn xanh" từ Hungary.

Động thái này kết hợp với việc NATO triển khai cuộc tập trận quân sự Steadfast Defender 2024 lớn nhất của khối ở gần biên giới Nga với 90.000 quân từ cuối tháng 1-2024 đã khích lệ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu quân đội Ukraine cũng như hy vọng cho lộ trình gia nhập NATO của ông Zelensky.

Tiếp theo là "sự đảm bảo kép" trên mặt trận tài chính, bao gồm: 1. Chuỗi động thái từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đã âm thầm cùng với các nước G7 tìm cách chuyển giao các tài sản tịch thu từ Nga trị giá đến 300 tỉ USD cho phía Ukraine để giảm áp lực cho 61 tỉ USD viện trợ cho Ukraine mà Quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục từ chối phê chuẩn.

Và sau đó là 2. Sự đảm bảo từ Liên minh châu Âu (EU) sẽ thông qua chương trình Cơ sở Ukraine kéo dài bốn năm trị giá 50 tỉ euro để hỗ trợ Ukraine bất chấp cuộc đàm phán đang diễn ra với Hungary - thành viên liên tục phủ quyết chương trình này - có kết quả thuận lợi hay không.

Cuối cùng là lộ trình bốn vòng đàm phán đa phương để hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine đã diễn ra theo kế hoạch từ phía ông Zelensky.

Trong đó, ba cuộc họp đầu tiên theo hình thức này đã diễn ra lần lượt tại Đan Mạch (6-2023), Saudi Arabia (8-2023) và Thổ Nhĩ Kỳ (10-2023). Cuộc họp mới nhất vào tháng 1-2024 diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) với 83 quốc gia tham dự xoay quanh "Công thức hòa bình 10 điểm của Ukraine".

Cách thức tổ chức giúp cho ông Zelensky hội tụ được sự ủng hộ từ các quốc gia ở Nam bán cầu đối với nghị sự hòa bình do Ukraine điều phối.

Đồng thời cũng từng bước phong tỏa ngoại giao khi không mời Nga tham gia vào công tác tái thiết Ukraine sau chiến tranh thuộc khuôn khổ Nền tảng Kinh tế toàn Ukraine mà ông Zelensky vừa công bố ngày 26-1 cho kỳ Thượng đỉnh hòa bình cho Ukraine toàn cầu ở Geneva dự kiến vào tháng 2-2024.

Ứng phó của Nga ra sao?

Mặc dù gặp bất lợi về dư luận sau sự cố bắn rơi máy bay vận tải quân sự Il-76 chở 65 tù binh Ukraine để trao đổi mà Bộ Ngoại giao Nga gọi là "hành động khủng bố" với cáo buộc do Ukraine thực hiện, người phát ngôn của Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Andrey Usov vẫn khẳng định muốn tiếp tục các nỗ lực trao đổi tù binh với Nga.

Đây là một động thái khéo léo để tiếp tục cô lập Nga khỏi thế trận ngoại giao đa phương mà phía Ukraine đang thiết lập, vì dễ khiến cho Nga đánh mất thiện cảm của dư luận nếu chính quyền Tổng thống V. Putin đơn phương từ bỏ các kênh đàm phán hiếm hoi với phía Ukraine dù cho kết quả cuộc điều tra sự kiện Il-76 có thế nào.

Phía Nga hiện đang liên tục bác bỏ các thảo luận về kế hoạch hòa bình do Ukraine đề xuất bên lề Diễn đàn Davos, đồng thời cũng phủ nhận toàn bộ thông tin về những đồn đoán cho rằng ông Putin đang thăm dò khả năng nhờ Mỹ trung gian vận động phía Ukraine.

Tuy nhiên, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov vào ngày 25-1 một lần nữa khẳng định: "Nga đã, đang và sẽ tiếp tục cởi mở cho các cuộc đàm phán về Ukraine".

Đại sứ Nga tại Thụy Sĩ Sergei Garmonin cũng nhấn mạnh về sự "chắc chắn sẽ thất bại" của một Hội nghị Thượng đỉnh hòa bình Ukraine mà không có Nga tham gia.

Do đó, động thái mở đường của Tổng thống Thụy Sĩ V. Amherd cho sự tham gia của cả Nga vừa qua cùng với một loạt các nguyên thủ ở Nam bán cầu như Nam Phi, Ấn Độ, Brazil và Saudi Arabia có ý nghĩa quyết định lúc này.

Bên cạnh lời mời của chính quyền Tổng thống Ukraine V. Zelensky dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự Thượng đỉnh hòa bình toàn cầu cho Ukraine sắp tới, có thể thấy Ukraine đang rất tự tin khi đã "khép vòng" thành công thế trận ngoại giao đa phương của họ.

Mặc dù vẫn giữ khoảng cách rất xa về lập trường giữa Nga - Ukraine nhưng vẫn có thể kỳ vọng vào các nỗ lực hòa giải ở thượng đỉnh hòa bình sắp tới khi cả Nga và Ukraine đều có xu hướng đề cao vai trò và ảnh hưởng của nhóm các quốc gia Nam bán cầu có truyền thống ủng hộ hòa bình.

13 cuộc tấn công vào Ukraine

Quân đội Nga được thống kê đã triển khai 13 cuộc tấn công chính xác vào các khu phức hợp công nghiệp - quân sự của Ukraine bằng tên lửa dẫn đường như S-300, Iskander-M và các drone vũ trang Shahed trong tuần từ 20 đến 26-1.

Phía Ukraine cũng ghi nhận cao điểm giao tranh gần 100 cuộc đụng độ trên bộ trong ngày 26-1 ở khắp các mặt trận phía đông và nam, đồng thời tăng cường triển khai các máy bay không người lái (drone) vũ trang tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga đến tận kho dầu ở vịnh Phần Lan gần thành phố St. Petersburg.


*************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

3 phút

Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(AFP) – Đài Loan tố cáo 33 phi cơ Trung Quốc áp sát đảo. Bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay, 27/01/2024, cho biết 33 phi cơ quân sự và 7 tàu chiến Trung Quốc áp sát đảo Đài Loan trong vòng 24 giờ, số lượng tàu thuyền được huy động để đe dọa Đài Loan cao nhất kể từ cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan ngày 13/01/2024. Hồi tháng 9/2023, Bắc Kinh từng điều 103 phi cơ áp sát đảo, đợt ‘‘kỷ lục’’ theo chính quyền Đài Bắc.

(Nikkei) – Số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục, đứng đầu là lao động người Việt. Theo số liệu do chính phủ Nhật công bố ngày hôm qua 26/1/2024, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản tính đến tháng 10/2023 đã vượt mức 2 triệu, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2022. Xét theo quốc tịch, dẫn đầu là lao động Việt Nam với 518.364 người, chiếm 25,3% tổng số lao động, tiếp đó là Trung Quốc với 397.918 người và Philippines 226.846 người.

(AFP) – Vladimir Putin cho phép xây dựng tàu phá băng sử dụng năng lượng hạt nhân. Thông báo được đưa ra hôm 26/01/2024. Tàu phá băng mới của Nga mang tên Leningrad nhằm phục vụ những tham vọng của Matxcơva tại Bắc Cực. Tàu của Nga sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân và sẽ chủ yếu được dùng vào việc giao năng lượng cho các đối tác châu Á vào lúc Matxcơva đang « chuyển trục sang châu Á ». Nga hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới khai thác tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. 

(AFP) – Lần đầu tiên Apple thống lĩnh thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc. Theo các số liệu thống kê công bố ngày 26/01/2023, tập đoàn Mỹ chiếm 19 % thị trường Trung Quốc, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn so với các nhãn hiệu nội địa như điện thoại của Hoa Vi hay Xiaomi. Apple hiện diện tại Trung Quốc từ năm 1993. Ngoài Mỹ thì Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất và cũng là một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của Apple. 

(AFP) – Tổng thống Macron ký sắc lệnh ban hành luật nhập cư mới sau phán quyết của Hội Đồng Bảo Hiến. Bất chấp những chống đối từ các cánh tả, hữu và cực tả cũng như cực hữu, Công Báo Pháp ngày 27/01/2024 cho biết tổng thống Macron đã ban hành sắc lệnh và đạo luật mới được áp dụng kể từ hôm nay.

(AP) – Thủ tướng Tuvalu thân Đài Loan thất cử ? Theo đài phát thanh New Zealand, sau cuộc bỏ phiếu hôm 26/01/2026 thủ tướng mãn nhiệm Kausea Natano có lập trường ủng hộ Đài Loan mất ghế đại biểu Quốc Hội. Bộ trưởng Tài chính Tuvalu Seve Paeniu giữ được ghế dân biểu và ông mong muốn xét lại quan hệ với cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc. AP chưa thể kiểm chứng tin trên, nhưng nếu như thủ tướng Natano thất cử thì điều này sẽ « đem lại một số thay đổi đối với Trung Quốc, Đài Loan và cả Úc ». Tuvalu trong vùng Nam Thái Bình Dương từng là thuộc địa của Anh Quốc cho đến năm 1978 và hiện là một trong số 12 quốc gia còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.


*************
voatiengviet.com

Thêm nhiều nước dừng tài trợ cho cơ quan người tị nạn của LHQ ở Gaza

Reuters

Sáu quốc gia Châu Âu đã tạm dừng tài trợ cho cơ quan người tị nạn của Liên Hợp Quốc cho người Palestine (UNRWA) vào ngày thứ Bảy, sau khi có những cáo buộc rằng nhân viên của cơ quan này dính líu đến vụ tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 nhắm vào Israel.

Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ và Phần Lan ngày thứ Bảy đã cùng với Mỹ, Úc và Canada tạm dừng tài trợ cho cơ quan viện trợ này, một nguồn hỗ trợ quan trọng cho người dân ở Gaza, sau những cáo buộc của Israel.

“Người Palestine ở Gaza không cần hình phạt tập thể bổ sung này,” Philippe Lazzarini, tổng quản trị viên của UNRWA, nói trên mạng xã hội X. “Việc này làm hoen ố tất cả chúng ta.”

Cơ quan này hôm thứ Sáu nói họ đã mở một cuộc điều tra đối với một số nhân viên và cắt đứt quan hệ với họ.

Khuyến khích thêm các nước đình chỉ tài trợ, Bộ trưởng Ngoại giao của Israel, Israel Katz, nói UNRWA nên được thay thế một khi chiến sự ở khu vực này lắng xuống và cáo buộc tổ chức này có quan hệ với những phần tử chủ chiến Hồi giáo bảo thủ ở Gaza.

“Trong quá trình tái thiết Gaza, @UNRWA phải được thay thế bằng các cơ quan dốc sức vì hòa bình và phát triển thực sự,” ông nói trên X.

Ông Lazzarini nói quyết định của chín nước nói trên đe dọa hoạt động nhân đạo của cơ quan trên toàn khu vực, đặc biệt là ở Gaza.

“Thật sốc khi thấy việc tài trợ cho Cơ quan bị đình chỉ trước những cáo buộc nhắm vào một nhóm nhỏ nhân viên, đặc biệt là trước hành động ngay lập tức mà UNRWA đã thực hiện bằng cách chấm dứt hợp đồng của họ và yêu cầu một cuộc điều tra độc lập minh bạch,” ông nói trong một phát biểu.

Bộ Ngoại giao của người Palestine chỉ trích điều mà họ mô tả là chiến dịch của Israel nhắm vào UNRWA, và nhóm chủ chiến Hamas lên án việc chấm dứt hợp đồng với các nhân viên "dựa trên thông tin bắt nguồn từ kẻ thù theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái."

Được thành lập để giúp người tị nạn trong cuộc chiến năm 1948 khi Israel lập quốc, UNRWA cung cấp các dịch vụ giáo dục, y tế và viện trợ cho người Palestine ở Gaza, Bờ Tây, Jordan, Syria và Lebanon. Họ giúp khoảng hai phần ba trong số 2,3 triệu dân số của Gaza và đóng vai trò viện trợ then chốt trong cuộc chiến mà Israel phát động nhằm tiêu diệt Hamas sau vụ tấn công ngày 7 tháng 10.

Thông báo về cuộc điều tra, ông Lazzarini hôm thứ Sáu cho biết ông đã quyết định chấm dứt hợp đồng với một số nhân viên để bảo vệ khả năng cung cấp hỗ trợ nhân đạo của cơ quan.

Ông Lazzarini không tiết lộ số lượng nhân viên được cho là có dính líu đến các vụ tấn công cũng như bản chất của sự liên quan bị cáo buộc của họ. Tuy nhiên, ông nói rằng "bất kì nhân viên UNRWA nào có liên quan đến các hành động khủng bố" sẽ phải chịu trách nhiệm, bao gồm cả việc bị truy tố hình sự.

Hussein al-Sheikh, người đứng đầu thực thể chính trị Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của người Palestine, nói việc cắt viện trợ mang lại những rủi ro lớn về chính trị và cứu trợ.

“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia đã loan báo ngừng hỗ trợ cho UNRWA ngay lập tức đảo ngược quyết định của họ,” ông nói trên X.


************
rfi.fr

Nghiệp đoàn nông dân Pháp đòi phong tỏa Paris bất chấp nhượng bộ của chính phủ

Thanh Hà

Phong trào đấu tranh của nông dân Pháp không thuyên giảm sau nhiều nhượng bộ của chính phủ. Sáng nay 27/01/2024 một số chiến dịch chiếm đóng đường phố, xa lộ của nông dân Pháp đã được dỡ bỏ sau khi thủ tướng Gabriel Attal thông báo nhiều biện pháp thỏa mãn một số đòi hỏi của giới nông gia. Tuy nhiên nhiều nghiệp đoàn báo trước đây chỉ là việc tổ chức lại để chuẩn bị cho một chiến dịch « quy mô hơn ».

Đăng ngày:

2 phút

Thủ tướng Gabriel Attal gặp gỡ nông dân tại một trai chăn nuôi vùng Haute Garonne. Ảnh ngày 26/01/2024.
Thủ tướng Gabriel Attal gặp gỡ nông dân tại một trai chăn nuôi vùng Haute Garonne. Ảnh ngày 26/01/2024. REUTERS - NACHO DOCE

Chính phủ « không bỏ rơi nông dân », « nông nghiệp là một ưu tiên trên hết ». Thăm một trại nuôi bò ở vùng Haute Garonne, tây nam nước Pháp chiều ngày 26/01/2024, thủ tướng Attal đã tuyên bố như trên và đưa ra nhiều biện pháp « khẩn cấp » để cải thiện đời sống và điều kiện cho giới canh nông. Trong đó bao gồm việc xóa bỏ quyết định tăng thuế xăng, dầu ; trừng phạt các siêu thị hay tập đoàn chế biến lương thực, thực phẩm ép giá nông dân. Chính phủ cũng cam kết là Pháp phản đối kế hoạch mở cửa thị trường chung châu Âu cho các nhà chăn nuôi của châu Mỹ Latinh để giải tỏa lo ngại nông phẩm, thịt bò của Pháp và châu Âu sẽ bị hàng rẻ của các nước châu Mỹ Latinh cạnh tranh. Biện pháp này nhằm tạo điều kiện bình đẳng cho các nông dân Pháp.

Cùng lúc đó, chính phủ hứa tăng trợ cấp cho các doanh trại gặp khó khăn do thiên tai, hay mất mùa … Như để bổ sung thêm cho các thông báo của thủ tướng Attal, sáng nay bộ trưởng Nông Nghiệp Pháp Marc Fesnaeau cam kết trong tuần bộ Nông Nghiệp sẽ đề xuất thêm những biện pháp khác nữa theo chiều hướng này.

Các nông dân trong vùng Occitane miền nam nước Pháp hài lòng với những thông báo nói trên và đã bắt đầu tháo dỡ những rào cản trên xa lộ A64. Nhiều rào cản cũng đã được dỡ bỏ tại vùng Bretagne, khu vực đông bắc nước Pháp. Nhưng một số khác, như nghiệp đoàn nông gia FNSEA hay công đoàn đại diện cho các nông dân trẻ Jeunes Agriculteurs thì vẫn xem những nhượng bộ nói trên là chưa đủ.

Tổng thư ký nghiệp đoàn các Nông Gia trẻ của Pháp Pierrick Horel sáng nay cho biết ngừng chiếm đóng một số địa điểm, lấy sức chuẩn bị cho một « chiến dịch mới » mà mục tiêu là « phong tỏa thủ đô Paris » kể từ Thứ Hai  29/01/2024 để « không một xe tải nào có thể cung cấp lương thực, thực phẩm cho Paris ».


*************
voatiengviet.com

Ukraine loan báo phát hiện gian lận quy mô lớn trong việc mua bán vũ khí

Reuters

Cơ quan an ninh SBU của Ukraine ngày thứ Bảy cho biết họ đã phát hiện một kế hoạch tham nhũng trong việc quân đội nước này mua vũ khí với tổng trị giá tương đương khoảng 40 triệu đôla.

Loan báo về gian lận mua sắm quy mô lớn, được Bộ Quốc phòng Ukraine xác nhận, sẽ có tác động to lớn ở một quốc gia đang hứng chịu cuộc xâm lược kéo dài gần hai năm của Nga.

Cuộc chiến chống tham nhũng thâm căn cố đế vẫn là một vấn đề lớn trong khi Ukraine nỗ lực có được tư cách thành viên trong Liên minh Châu Âu.

SBU cho biết một cuộc điều tra đã "vạch trần các quan chức của Bộ Quốc phòng và những người quản lý của nhà cung cấp vũ khí Lviv Arsenal, những người đã đánh cắp gần 1,5 tỉ hryvnia trong hoạt động mua đạn pháo."

“Theo cuộc điều tra, các quan chức cao cấp tiền nhiệm và đương nhiệm của Bộ Quốc phòng cùng những người đứng đầu các công ty trực thuộc đều có liên quan đến vụ tham ô.”

SBU nói vụ tham ô liên quan đến việc mua 100.000 quả đạn súng cối cho quân đội.

Một hợp đồng cung cấp đạn pháo đã được kí với Lviv Arsenal vào tháng 8 năm 2022 - sáu tháng kể từ khi chiến tranh bắt đầu - và việc thanh toán đã được thực hiện trước, cùng với một số tiền được chuyển ra nước ngoài, theo cơ quan an ninh của Ukraine.

Nhưng không có vũ khí nào được cung cấp, và tiền sau đó được chuyển sang các tài khoản nước ngoài khác, phát biểu của SBU cho biết.

Phát biểu nói năm cá nhân đã nhận được "thông báo tình nghi" - là giai đoạn đầu tiên trong thủ tục pháp lý của Ukraine - cả trong Bộ và nhà cung cấp vũ khí. Cơ quan này cho biết một nghi phạm đã bị bắt giữ khi đang cố gắng vượt biên giới Ukraine.

Tham nhũng trong quân đội là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm ở Ukraine khi nước này cố gắng duy trì sĩ khí của công chúng trong thời chiến và đệ trình hồ sơ gia nhập khối EU gồm 27 quốc gia.

Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov đã bị cách chức vào tháng 9 năm ngoái vì nhiều vụ tham nhũng khác nhau mặc dù được trọng vọng khi ông đại diện Ukraine trong các cuộc thảo luận với các đồng minh phương Tây.

Dù cá nhân ông không bị cáo buộc tham nhũng, một số trường hợp đã xảy ra trong quân đội nằm dưới sự quản lý của ông, một vụ liên quan tới việc cung cấp thức ăn cho binh sĩ, còn một vụ khác liên quan đến việc mua quần áo phù hợp cho quân nhân.


************

Tin tức thế giới 28-1: 9 người Pakistan bị bắn gục ở Iran; Nông dân châu Âu biểu tình lớn

MINH KHÔI

* Nông dân nhiều nước châu Âu nổi giận đòi được bảo trợ tốt hơn
* Tển lửa Nga lại tấn công nhiều thành phố của Ukraine
* Israel nói thẳng Qatar có tài trợ cho Hamas nên phải tham gia mạnh hơn việc giải cứu con tin

Nông dân Pháp Regis Bomy, 61 tuổi, bên chiếc máy kéo trong lúc biểu tình phản đối áp lực giá cả, thuế và quy định về môi trường ở Chamant, gần Paris, ngày 26-1 - Ảnh: REUTERS

Nông dân Pháp Regis Bomy, 61 tuổi, bên chiếc máy kéo trong lúc biểu tình phản đối áp lực giá cả, thuế và quy định về môi trường ở Chamant, gần Paris, ngày 26-1 - Ảnh: REUTERS

* Nông dân Pháp biểu tình toàn quốc. Ngày 27-1, nông dân Pháp tiếp tục các cuộc biểu tình, yêu cầu chính phủ tạo một mức thu nhập xứng đáng cho tất cả nông dân, hỗ trợ thích đáng cho quá trình chuyển đổi sinh thái nông nghiệp và cắt giảm các tiêu chuẩn áp dụng cho lĩnh vực này.

Ngày 26-1, chính phủ của Thủ tướng Gabriel Attal đã hủy bỏ kế hoạch giảm dần trợ cấp của nhà nước đối với dầu diesel trong nông nghiệp và công bố các biện pháp nhằm giảm áp lực tài chính và hành chính mà nhiều nông dân phải đối mặt.

Tuy nhiên, FNSEA, liên đoàn nông nghiệp lớn nhất của Pháp, cho biết họ sẽ tiếp tục biểu tình. Nhiều nông dân vẫn đứng trước các rào chắn được dựng lên trên các đường cao tốc trong ngày 27-1.

Nông dân Vincent Gimneste nói với Đài BFM TV: "Vào thứ hai, chúng tôi sẽ tới Paris", tại một chốt chặn ở miền Nam nước Pháp.

Pháp là nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Liên minh châu Âu và các cuộc biểu tình của nông dân Pháp diễn ra tương tự nông dân các nước châu Âu khác như Đức và Ba Lan. Nhiều người biểu tình nói rằng họ đang bị ảnh hưởng bởi toàn cầu hóa và cạnh tranh nước ngoài.

* 9 người nước ngoài ở biên giới Iran - Pakistan bị sát hại. Các tay súng không rõ danh tính đã sát hại 9 người nước ngoài ở miền Đông Nam Iran, gần biên giới Pakistan ngày 27-1.

Hiện chưa có cá nhân hay nhóm nào đứng ra thừa nhận thực hiện vụ xả súng ở tỉnh Sistan-Baluchestan của Iran.

Một số nguồn tin cho biết những người bị sát hại là lao động Pakistan làm việc cho một xưởng sửa chữa ô tô. Ngoài ra, còn có một số người bị thương.

Vụ nổ súng xảy ra trong bối cảnh Pakistan và Iran đã cho phép đại sứ của mỗi nước trở lại nhiệm sở ở hai thủ đô Tehran và Islamabad sau những căng thẳng giữa hai nước.

Đại sứ Pakistan tại Iran Muhammad Muddasir Tipu đã về nước vào tuần trước ngay sau khi Iran bất ngờ tiến hành vụ không kích vào tỉnh Balochistan ngày 16-1, nhằm ngăn chặn các tay súng khủng bố.

Đại sứ Iran tại Pakistan vốn đang có chuyến công tác về nước, cũng bị Pakistan từ chối cho quay lại địa bàn. Kể từ thời điểm đó, Pakistan tạm dừng quan hệ ngoại giao với nước láng giềng.

* Phần Lan bầu tổng thống mới ngày 28-1. Điều khác biệt là năm nay Phần Lan đã gia nhập NATO, trong bối cảnh Nga và Ukraine xung đột.

Việc quốc gia Bắc Âu này gia nhập NATO vào năm ngoái đã khiến Nga lên tiếng dọa đáp trả. Vào tháng 12-2023, Phần Lan đóng cửa toàn bộ biên giới với Nga để chặn làn sóng người di cư.

Khi đó Nga phủ nhận cáo buộc của Phần Lan rằng Matxcơva cố tình gửi người di cư đến nước láng giềng.

Cả 9 ứng cử viên cho vị trí tổng thống đều hứa hẹn lập trường cứng rắn với Nga nếu được bầu, cùng với vai trò dẫn đầu về đối ngoại và an ninh trong khu vực.

Ứng viên hàng đầu là Alexander Stubb thuộc Đảng Liên minh quốc gia trung hữu. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Stubb được 22-27% ủng hộ. Theo sau là ứng viên Đảng Xanh Pekka Haavisto với 22-23%.

Nếu không có ai nhận được hơn 50% số phiếu bầu vào ngày 28-1, nước này sẽ tổ chức bỏ phiếu vòng hai giữa ứng cử viên thứ nhất và thứ hai.

Tổng thống mới sẽ thay thế ông Sauli Niinisto, 75 tuổi, người phải từ chức sau hai nhiệm kỳ sáu năm.

Alexander Stubb thuộc Đảng Liên minh quốc gia là ứng viên hàng đầu cho ghế tổng thống Phần Lan - Ảnh: REUTERS

Alexander Stubb thuộc Đảng Liên minh quốc gia là ứng viên hàng đầu cho ghế tổng thống Phần Lan - Ảnh: REUTERS

* United Airlines tiếp tục sử dụng Boeing 737 MAX 9. Kể từ ngày 27-1, United Airlines đã cho Boeing 737 MAX 9 bay trở lại sau khi cơ quan chức năng bật đèn xanh.

Trước đó, ngày 5-1, máy bay của hãng Alaska Airlines đang bay trên không thì bị bung cửa. Vụ việc khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải dừng bay 172 chiếc Boeing 737 MAX 9, dẫn đến hàng ngàn chuyến bay phải hủy chuyến.

Ngày 24-1, FAA bỏ lệnh cấm bay với Boeing 737 MAX 9 sau đợt kiểm tra và bảo dưỡng, nhưng cấm Boeing mở rộng sản xuất dòng máy bay thân hẹp này.

Nga - Ukraine

* Tên lửa Nga tấn công khu công nghiệp thành phố Kremenchuk, miền Trung Ukraine. Ông Filip Pronin, thống đốc vùng Poltavac của Ukraine, viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram là 2 tên lửa đạn đạo của Nga đã bắn trúng mục tiêu trong thành phố.

Những bức ảnh đăng tải trên mạng cho thấy các đội cứu hộ khẩn cấp đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa, nhưng ông Pronin không cung cấp thông tin chi tiết về thương vong.

Xa hơn về phía đông nam ở vùng Zaporizhzhia, thống đốc địa phương Yury Malashko cho biết một cơ sở đã bị tấn công bằng máy bay không người lái. Đội cứu hộ khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường nhưng ông Malashko không đưa ra thông tin chi tiết về thiệt hại hoặc thương vong.

Israel - Hamas

* Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tăng cường áp lực công khai lên Qatar để thả các con tin ở Gaza. Ông Netanyahu nói rằng Qatar nên áp dụng đòn bẩy mà họ có với tư cách là chủ nhà và nhà tài trợ cho các chiến binh Hamas đang giam giữ con tin.

Nhận xét của thủ tướng Israel được cho là có phần thẳng thừng, trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp giữa thủ tướng Qatar và các lãnh đạo tình báo của Israel, Mỹ và Ai Cập để thảo luận về một thỏa thuận mới tiềm năng nhằm giải thoát con tin.

Cuộc gặp này dự kiến sẽ diễn ra tại một địa điểm không được tiết lộ ở châu Âu vào ngày 28-1, Tuy nhiên, các quan chức của bốn nước vẫn chưa chính thức xác nhận cuộc gặp.

"Qatar đón tiếp các nhà lãnh đạo của Hamas. Họ cũng tài trợ cho Hamas. Họ có đòn bẩy đối với Hamas", ông Netanyahu nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình ngày 27-1.

Lực lượng an ninh Israel giữ gìn trật tự trong cuộc biểu tình yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza, ở Tel Aviv, Israel, ngày 27-1 - Ảnh: REUTERS

Lực lượng an ninh Israel giữ gìn trật tự trong cuộc biểu tình yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza, ở Tel Aviv, Israel, ngày 27-1 - Ảnh: REUTERS

Qatar và Ai Cập đã mở các kênh hòa giải cho Israel và Hamas, đồng thời làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 11-2023, trong đó Hamas giải thoát một phần trong số 253 người mà họ bắt giữ trong cuộc tấn công ngày 7-10-2023. Đổi lại, Israel chấp thuận tăng cường viện trợ cho Gaza và thả nhiều tù nhân Palestine.

Những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận tiếp theo nhằm trao trả một phần trong số 132 con tin còn lại dường như đang gặp khó khăn và các cuộc biểu tình ở Israel yêu cầu chính phủ phải hành động nhiều hơn đang lan rộng.

Israel từ lâu đã có mối quan hệ căng thẳng với Qatar, quốc gia có mối quan hệ gần gũi với kẻ thù không đội trời chung là Iran.

Sau cuộc chiến tranh gần nhất ở Gaza vào năm 2014, Israel đã đồng ý cho Qatar bơm hàng trăm triệu USD vào công cuộc tái thiết Palestine theo cách mà cả hai nước đều mô tả là một biện pháp ngăn chặn những xung đột tiếp theo.

Làm mì bán Tết

Người dân phơi mì trên cánh đồng, chuẩn bị cho phiên chợ Tết Nguyên đán ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, ngày 25-1 - Ảnh: AFP

Người dân phơi mì trên cánh đồng, chuẩn bị cho phiên chợ Tết Nguyên đán ở Hoài An, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc, ngày 25-1 - Ảnh: AFP


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn