Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 30-12 -2023:

Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Hai 20234:51 SA(Xem: 1741)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 30-12 -2023:
HoaLuc 7
****************
rfi.fr

Liên Hiệp Quốc lên án cuộc oanh kích ồ ạt của Nga nhằm vào Ukraina

Minh Anh

Ngay sau cuộc không kích ồ ạt lớn nhất kể từ đầu cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraina làm 30 người chết, hôm qua, 29/12/2023, Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu cùng nhiều nước khác đã mạnh mẽ lên án « chiến lược gieo rắc khiếp hãi » của Nga.   

Đăng ngày:

3 phút

Theo AFP, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã giận dữ chỉ trích đợt tấn công của Nga nhằm vào các thành phố, làng mạc, là « khiếp hãi », « không thể chấp nhận được», đồng thời kêu gọi Matxcơva « dừng ngay lập tức ».  

Trong cuộc họp khẩn được triệu tập tại Hội Đồng Bảo An hôm qua theo yêu cầu của Ukraina, phần lớn các nước thành viên, trong đó có Anh, Pháp, Mỹ đã đồng loạt lên án cuộc tấn công ồ ạt của Nga. Đại diện của Trung Quốc tại Hội Đồng Bảo An, tuy không lên án Nga, nhưng kêu gọi đưa ra « một giải pháp chính trị ».  

Đại diện ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell xem cuộc oanh kích của Nga là những đòn đánh « hèn hạ », đồng thời cam kết rằng Liên Hiệp Châu Âu sẽ luôn « sát cánh với Ukraina lâu nhất có thể ».  

Nếu như Pháp tố cáo « chiến lược gây sợ hãi » của Nga, thì Ba Lan, quốc gia thành viên của NATO, hôm qua đã tố cáo một tên lửa Nga « vi phạm » không phận nước này, và kêu gọi Matxcơva « ngừng lập tức kiểu chiến dịch tấn công này ». 

Theo quân đội Ukraina, trong cuộc oanh kích lớn hôm thứ Sáu 29/12, Nga đã bắn gần 160 tên lửa hành trình và drone Shaed nhằm vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ít nhất 30 người đã bị thiệt mạng và hơn 160 người bị thương. Sau cuộc tấn công này của Nga, người dân thủ đô Kiev vẫn chưa hết bàng hoàng và bày tỏ tức giận.  

Tại Kiev, thông tín viên đài RFI, Emmanuel Chaze đến gặp gỡ một số người dân tại một khu phố bị trúng tên lửa Nga : 

Sau một đêm đầy lo lắng khi còi báo động reo lên nhiều lần, người dân trung tâm thành phố Kiev đã bất ngờ trước nhiều vụ nổ tên lửa ngay giữa lòng thủ đô Ukraina. Trạm tàu điện ngầm Lukianivska đã bị một trong số cáctên lửa của Nga phá huỷ, hiện giống như nhiều tòa dân cư khác trong khu phố, khiến cảm xúc dâng trào. 

Một người đàn ông cho biết: « Như người Ukraina hay nói, một quả bom không bao giờ rơi hai lần ở cùng một chỗ, nhưng lần này thì đúng là có hai vụ nổ. Lần đầu tiên là vào năm 2022, một chiến đấu cơ đã bay đến đây và cho nổ tung tòa nhà văn phòng của chúng tôi, và hôm nay, chúng tôi vừa nhận "món quà" thứ hai kiểu này. » 

Một người phụ nữ khác cho biết thêm : « Cửa kính đã bị vỡ, tất cả đều bị phá vỡ. Nơi làm việc của tôi cũng vậy. Thật là khủng khiếp ! Quý vị đã biết chuyện gì đã xảy ra không ? Ngay phía sau tòa nhà này, khi chúng tôi bước vào nhà kho, có rất nhiều nạn nhân. Thật kinh hoàng ! » 

Người phụ nữ thứ hai nói thêm : « Chúng tôi nghe nhiều tiếng nổ nên chúng tôi ở trong nhà. Tiếng nổ rất mạnh, ngay trên đầu chúng tôi. Cửa sổ nhà chúng tôi rung bần bật. » 

Ở những nơi khác trên đất nước, một bệnh viện ở Kharkiv, một bệnh viện phụ sản và một trung tâm thương mại ở Dnipro cùng nhiều khu dân cư ở Zaporizhzhia, Odessa hay Lviv đã bị hư hại. Thực tế hàng ngày này gợi nhắc rằng không một nơi nào ở Ukraina mà thường dân được an toàn trước hành động hung hăng của Nga


*************
rfi.fr

Serbia : Giới trí thức và nghệ sĩ biểu tình lớn phản đối bầu cử gian lận

Minh Anh

Hôm nay, 30/12/2023, một cuộc biểu tình lớn diễn ra tại thủ đô Beograd theo lời kêu gọi của một nhóm trí thức, nghệ sĩ và nhiều nhân vật nổi tiếng.  

Đăng ngày:

2 phút

Từ gần một tuần nay, nhiều cuộc biểu tình và các tuyến đường bị chặn, diễn ra liên tục tại Beograd, để tố cáo kết quả bầu cử « gian lận » theo như ghi nhận từ nhiều nhà quan sát quốc tế. Những người biểu tình cũng như phe đối lập và nhiều tổ chức sinh viên đòi hủy kết quả bầu cử và tổ chức lại cuộc bỏ phiếu mới, những đòi hỏi cho đến giờ vẫn bị chính quyền tổng thống Aleksandar Vucic làm ngơ. 

Vài giờ trước cuộc biểu tình lớn hôm nay, giới sinh viên hôm qua đã tụ tập đông đúc ôn hòa tại trung tâm thành phố. Từ Beograd, đặc phái viên đài RFI, Jelena Tomic tường thuật : 

« Không khí như lễ hội và ôn hòa. Hàng chục chiếc lều nằm ngay giữa phố Hoàng tử Michel, trung tâm thành phố. Loa phóng thanh trên tay, Nikola giải thích điều gì đã thúc đẩy cuộc biểu tình ngồi.  

Anh nói : "Chúng tôi muốn tham gia vào tiến trình dân chủ, nhưng chúng tôi liên tục bị cản trở, do vậy, chúng tôi phải tiếp tục gây áp lực lên các định chế bằng những phương tiện hợp pháp và chính đáng. Chúng tôi không sợ bị bắt, cũng không sợ nguy cơ những kẻ gây rối trà trộn, điều thường xảy ra. Chúng tôi sẽ không để họ làm chúng tôi sợ, bởi vì chúng tôi là những người duy nhất có thể thực hiện dự án này đến cùng và chúng tôi đã không có được một cuộc sống đàng hoàng tại đất nước này, vì vậy, chúng tôi chẳng còn gì để mất cả." 

Milica, 23 tuổi, là sinh viên ngành khoa học chính trị cho biết tiếp : 

"Những gì đang xảy ra cho chúng tôi là kết quả của một sự phân hóa ngày càng trở nên nghiêm trọng trong xã hội. Truyền thông cũng có một phần trách nhiệm. Chúng tôi là con cái những bậc phụ huynh bị tuyệt vọng, họ cũng đã xuống đường đấu tranh trước chúng tôi và họ đã hối hận vì đã không làm thay đổi được gì nhiều. Chúng tôi đã trấn an họ khi nói rằng họ đã truyền lại cho chúng tôi nền văn hóa đấu tranh cho các quyền và bầu cử tự do của chúng tôi. Họ chỉ cần truyền ngọn đuốc cho chúng tôi, và chúng tôi sẽ lo phần việc còn lại cho đến chiến thắng sau cùng !" 

Mọi người cùng hẹn nhau tham gia cuộc biểu tình phi chính trị ôn hòa lớn vào chiều thứ Bảy tại trung tâm thủ đô. Các nhà tổ chức lo ngại các hành động khiêu khích của chính quyền. »  


*************

Nga oanh tạc Ukraine, ông Biden nói ông Putin phải bị ngăn chặn

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định đợt không kích quy mô lớn của Nga vào Ukraine mới đây là “lời nhắc nhở rõ ràng” rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “phải bị ngăn chặn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Mỹ là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ sau khi Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" cách đây gần hai năm.

Vào rạng sáng 29-12, theo giờ địa phương, Ukraine ghi nhận hàng loạt vụ nổ trên khắp nước này. Các lãnh đạo Ukraine khẳng định Nga đã thực hiện một cuộc không kích kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái (drone).

Đó được xem là đợt không kích lớn nhất từ trước đến nay của Nga ở Ukraine, với tổng cộng 158 drone và tên lửa phóng ra.

Trong phát biểu ngày 29-12, Tổng thống Mỹ Biden ví đợt tấn công trên của Nga là "lời nhắc nhở rõ ràng" rằng Tổng thống Nga Putin tiếp tục muốn hủy diệt Ukraine, và rằng ông Putin "phải bị ngăn chặn".

Ông Biden nói trong một tuyên bố về vấn đề này: "Đó là lời nhắc nhở rõ ràng cho thế giới thấy rằng, sau gần hai năm cuộc chiến tàn phá này, mục tiêu của ông Putin không hề thay đổi. Ông ta tìm cách xóa sổ Ukraine và khuất phục người dân Ukraine. Ông ta phải bị ngăn chặn".

Theo Hãng tin Reuters, loạt không kích của Nga ngày 29-12 đã làm chết ít nhất 30 người và khiến hơn 120 người khác bị thương trên khắp Ukraine.

Phía Ukraine thừa nhận rất khó đánh chặn tên lửa và drone của Nga, đồng thời đề cập tới mối lo thiếu vũ khí.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ khẳng định Ukraine đã sử dụng các hệ thống phòng không do Mỹ và đồng minh cung cấp để đánh chặn thành công, tiêu diệt nhiều tên lửa và drone của Nga. Ông kêu gọi Quốc hội Mỹ phê duyệt gói viện trợ tiếp theo cho Ukraine.

Chính quyền ông Biden đang đề xuất gói viện trợ khoảng 61 tỉ USD cho Ukraine. Nhưng Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát không chấp nhận việc này, với lý do gói ngân sách mới phải đi kèm ưu tiên vấn đề biên giới với Mexico.


*************
rfi.fr

Venezuela tập trận ở biên giới Guyana vào lúc chiến hạm Anh đến Guyana

Thu Hằng

Tranh chấp chủ quyền đối với vùng Essequibo giầu dầu lửa đẩy quan hệ Venezuela với Anh Quốc và Guyana căng thẳng thêm một nấc. Ngày 28/12/2023, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã điều 5.600 quân nhân đến tập trận « phòng thủ » - theo Caracas, ngay tại biên giới với Guyana, trong bối cảnh tầu chiến của Anh dự kiến đến ngoài khơi Guyana hôm nay 29/12 để « hỗ trợ » đồng minh và là thuộc địa cũ của Anh.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Карта регіону
Bản đồ vùng Essequibo tranh chấp nằm giữa Venezuela và Guyana (Nam Mỹ). © Suriname Central via Wikimedia Commons

Phát biểu trên truyền hình, tổng thống Venezuela chỉ trích gay gắt việc chiến hạm Anh xuất hiện trong khu vực là « vô cùng nghiêm trọng ». Cuộc tập trận là nhằm « đáp trả khiêu khích » của Luân Đôn. Ông yêu cầu Guyana ngừng lôi kéo các cường quốc quân sự vào tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Trước đó, phó tổng thống Guyana khẳng định nước ông không « hề có ý đồ tấn công nhắm vào Venezuela ».

Ngày 29/12, Luân Đôn lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Caracas « phải ngừng » những hành động « vô lý » đối với Guyana. Một người phát ngôn của chính phủ Anh khẳng định Luân Đôn « hợp tác với các đối tác ở trong vùng để tránh leo thang căng thẳng và tiếp tục theo dõi sát sao tình hình ».

Venezuela và Guyana tranh chấp chủ quyền đối với vùng Essequibo giầu khí đốt và dầu lửa từ nhiều thập niên qua. Venezuela muốn dùng dòng sông Essequibo làm biên giới tự nhiên, như đã được ấn định năm 1777 dười thời Tây Ban Nha chiếm đóng. Phía Guyana lập luận rằng đường biên giới có từ thời thuộc địa Anh đã được một tòa trọng tài ở Paris ấn định năm 1899.

Hai phần ba diện tích vùng Essequibo nằm trên lãnh thổ Guyana và là nơi sinh sống của 1/5 dân số Guyana. AFP nhắc lại là căng thẳng giữa Caracas và Georgetown gia tăng sau khi Guyana mời thầu khai thác dầu lửa ở Essequibo vào tháng 09. Ngay sau đó, Venezuela tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vùng đất giầu khí đốt và dầu lửa rộng 160.000 km do Georgetown quản lý.


****************
rfi.fr

Venezuela tập trận ở biên giới Guyana vào lúc chiến hạm Anh đến Guyana

Thu Hằng

Tranh chấp chủ quyền đối với vùng Essequibo giầu dầu lửa đẩy quan hệ Venezuela với Anh Quốc và Guyana căng thẳng thêm một nấc. Ngày 28/12/2023, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã điều 5.600 quân nhân đến tập trận « phòng thủ » - theo Caracas, ngay tại biên giới với Guyana, trong bối cảnh tầu chiến của Anh dự kiến đến ngoài khơi Guyana hôm nay 29/12 để « hỗ trợ » đồng minh và là thuộc địa cũ của Anh.

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

2 phút

Карта регіону
Bản đồ vùng Essequibo tranh chấp nằm giữa Venezuela và Guyana (Nam Mỹ). © Suriname Central via Wikimedia Commons

Phát biểu trên truyền hình, tổng thống Venezuela chỉ trích gay gắt việc chiến hạm Anh xuất hiện trong khu vực là « vô cùng nghiêm trọng ». Cuộc tập trận là nhằm « đáp trả khiêu khích » của Luân Đôn. Ông yêu cầu Guyana ngừng lôi kéo các cường quốc quân sự vào tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Trước đó, phó tổng thống Guyana khẳng định nước ông không « hề có ý đồ tấn công nhắm vào Venezuela ».

Ngày 29/12, Luân Đôn lên tiếng chỉ trích và yêu cầu Caracas « phải ngừng » những hành động « vô lý » đối với Guyana. Một người phát ngôn của chính phủ Anh khẳng định Luân Đôn « hợp tác với các đối tác ở trong vùng để tránh leo thang căng thẳng và tiếp tục theo dõi sát sao tình hình ».

Venezuela và Guyana tranh chấp chủ quyền đối với vùng Essequibo giầu khí đốt và dầu lửa từ nhiều thập niên qua. Venezuela muốn dùng dòng sông Essequibo làm biên giới tự nhiên, như đã được ấn định năm 1777 dười thời Tây Ban Nha chiếm đóng. Phía Guyana lập luận rằng đường biên giới có từ thời thuộc địa Anh đã được một tòa trọng tài ở Paris ấn định năm 1899.

Hai phần ba diện tích vùng Essequibo nằm trên lãnh thổ Guyana và là nơi sinh sống của 1/5 dân số Guyana. AFP nhắc lại là căng thẳng giữa Caracas và Georgetown gia tăng sau khi Guyana mời thầu khai thác dầu lửa ở Essequibo vào tháng 09. Ngay sau đó, Venezuela tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vùng đất giầu khí đốt và dầu lửa rộng 160.000 km do Georgetown quản lý.


*************

Một năm kinh tế khó khăn, Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng

VOA Tiếng Việt

Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,05%, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/12, không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà Quốc hội đề ra.

Nếu không tính hai năm dịch Covid 2020 và 2021 thì tốc độ tăng trưởng 5,05% của Việt Nam là thấp nhất trong vòng 24 năm qua, thấp hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và giai đoạn 2012-2013 khi Việt Nam thắt chặt chính sách tài khóa do lạm phát tăng cao.

Quy mô của nền kinh tế Việt Nam hiện đã đạt 430 tỷ đô la Mỹ, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Nếu so với cách nay 20 năm thì quy mô kinh tế Việt Nam hiện nay đã tăng hơn gấp 10 lần. GDP của Việt Nam vào năm 2003 là 39,55 tỷ đô la.

GDP bình quân đầu người đạt 4.284 đô la, tăng 160 đô la so với năm ngoái, cũng theo số liệu của cơ quan thống kê được báo chí trong nước dẫn lại.

Tuy nhiên, điểm sáng là Việt Nam đã kiểm soát lạm phát thành công với mức chỉ số giá tiêu dùng, tức CPI, trong cả năm được công bố là 3,25%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%.

Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính vào chiều ngày 27/12, phó Thủ tướng Lê Minh Khái được trang mạng VnExpress dẫn lời nói rằng kinh tế Việt Nam ‘chịu tác động chưa từng có từ bên ngoài và những vấn đề nội tại’.

Nền kinh tế Việt Nam vốn thiên về xuất khẩu với thị trường chính là Mỹ và khối EU. Nhu cầu các nước này sụt giảm khiến xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm 6,6% so với năm ngoái, đạt 693 tỷ đô la.

Nhiều doanh nghiệp không còn đơn hàng, phải đóng cửa. Hàng trăm ngàn công nhân bị mất việc, đời sống hết sức khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp. Sức mua giảm, hoạt động kinh doanh buôn bán ế ẩm. Thị trường bất động sản gần như đóng băng.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam có mức tăng thấp nhất trong vòng 13 năm qua ở mức 3,62%, cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, được VnExpress dẫn lời nhấn mạnh kết quả tăng trưởng này của Việt Nam là ‘tốt hơn nhiều nước’ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều khó khăn.

“Chúng ta có thể thấy nỗ lực của Việt Nam qua việc tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước,” bà Hương được dẫn lời nói.


************
voatiengviet.com

Đại sứ Knapper: Mỹ, Việt Nam gắn kết hơn bao giờ hết về kinh tế và chia sẻ tầm nhìn chung

VOA Tiếng Việt

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định lại việc Washington và Hà Nội cùng chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực và cho biết nền kinh tế của hai nước gắn kết hơn bao giờ hết khi điểm lại những thành tựu trong quan hệ Mỹ-Việt trong năm qua.

Trong một video được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam công bố hôm 29/12, ông Knapper, người tiếp quản chức đại sứ Mỹ từ ông Daniel Kritenbrink vào tháng 1 năm ngoái, gọi 2023 là một năm “tuyệt vời” cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, từ cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Knapper nhắc tới chuyến thăm mà ông gọi là “lịch sử” của Tổng thống Joe Biden tới Hà Nội vào tháng 9 như là sự kiện quan trọng nhất trong bang giao giữa hai nước trong năm qua.

Trong chuyến thăm này Tổng thống Biden cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng quan hệ Mỹ-Việt lên tầm đối tác cao nhất. Việc Việt Nam nâng cấp hai bậc, đưa Mỹ lên làm đối tác ngang hàng với Trung Quốc trong hệ thống quan hệ ngoại giao của mình là chưa từng có tiền lệ.

Tuyên bố chung được đưa ra hôm 10/9 nói rằng việc nâng cấp quan hệ mở ra một giai đoạn lịch sử mới của tình hữu nghị và hợp tác song phương giữa Mỹ và Việt Nam.

Việc nâng cấp quan hệ diễn ra trong bối cảnh Washington tìm cách gắn kết hơn với khu vực trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc và mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng “friendshoring” từ các nước bạn bè và đối tác thân thiện của Mỹ.

“Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác chặt chẽ hơn nữa về công nghệ mới nổi,” ĐS Knapper nói bằng tiếng Việt trong video. “Chúng ta đang cùng nhau xây dựng các điều kiện cho các ngành công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn khởi sắc.”

Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, theo Tuyên bố chung. Theo cam kết này, hai nước cũng đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Ông Biden và ông Trọng, theo tuyên bố chung, ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam cũng như phối hợp để nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Đại sứ Knapper cũng đề cập đến các dự án đầu tư lớn của hai nước, trong đó có Amkor Technology ở Việt Nam và VinFast tại Hoa Kỳ.

“Hai nền kinh tế của chúng ta trở nên gắn kết chặt chẽ hơn bao giờ hết,” ĐS Knapper nói. “Amkor Technology đã khai trương cơ sở lắp ráp, kiểm thử và đóng gói chip máy tính (trị giá) 1,6 tỷ đô la Mỹ. VinFast đã ký thỏa thuận xây dựng cơ sở sản xuất xe điện trị giá 4,5 tỷ đô la Mỹ tại North Carolina.”

Ông Knapper cho rằng đây chỉ là hai ví dụ cho thấy “tầm quan trọng của thương mại song phương đối với khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu.”

Đại sứ Mỹ còn cho biết rằng “Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở,” nhắc lại những gì được các lãnh đạo Mỹ nói với các lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp trước đây.

Trong năm nay, Việt Nam đã đón các sỹ quan quân đội cao cấp (của Mỹ) và tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng như hợp tác trong các sáng kiến ứng phó nhân đạo như Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, theo ĐS Knapper.

Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ khi Tổng thống Biden tới Hà Nội nói rằng “Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng và tự cường.”

ĐS Knapper cho biết Mỹ đã hỗ trợ trang thiết bị với tổng giá trị 8,9 triệu USD để tăng cường an ninh hàng hải cho Việt Nam.

Một trong những sự kiện của quan hệ Mỹ-Việt diễn ra trong năm 2023 được ông Knapper nhắc tới là cuộc đối thoại nhân quyền hàng năm giữa hai nước diễn ra ở Washington DC nhằm thảo luận về nhân quyền và quyền lao động cũng như thực hiện các cam kết được nêu trong Tuyên bố chung.

Di sản chiến tranh là một trong những điều khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam mất một thời gian dài mới được bình thường hóa và, theo ĐS Knapper, Hoa Kỳ “cam kết giải quyết những vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh.”

“Hoa Kỳ và Việt Nam đã cập nhật thỏa thuận hợp tác xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, nâng tổng mức đóng góp lên 300 triệu đô la Mỹ,” ĐS Knapper nói.

Theo ông Knapper, Việt Nam trong năm qua tiếp tục là một trong số những nước có lượng sinh viên du học ở Mỹ đông nhất, với khoảng 30.000 du học sinh.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

4 phút

(Reuters) - Trung Quốc kêu gọi công dân rời khỏi khu vực Laukkai, vùng Kokang, miền bắc Miến Điện. Trả lời họp báo hôm 28/12/2023, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) nhấn mạnh « tình hình an ninh hiện nay ở vùng tự trị Kokang rất nghiêm trọng và phức tạp » và kêu gọi « các bên ở Miến Điện kiềm chế » và giảm căng thẳng. Ngày 28/12, Đại sứ quán Trung Quốc ở Miến Điện kêu gọi công dân rời càng sớm càng tốt khu vực này. Quân đội Miến Điện đang phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công, được cho là có quy mô lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2021, do các phe nổi dậy phối hợp tiến hành.

(AFP) - Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại trong năm 2023. Theo số liệu chính thức được công bố ngày 29/12/2023, tăng tưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt tỷ lệ 5,05% trong năm 2023 này, không đạt được chỉ tiêu 6,5% mà chính quyền Việt Nam đề ra, và thấp hơn nhiều so với mức 8% vào năm ngoái. Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, xuất khẩu trong năm nay mang lại 355,5 tỷ đô la, giảm 4,4%, một phần do những trở ngại bắt nguồn từ « cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn » và xung đột ở Ukraina và Trung Đông.

(Reuters) - Hải Quân Indonesia xua đuổi tàu chở người Rohingya. Một phát ngôn viên quân đội Indonesia ngày 28/12/2023 xác nhận rằng một tàu Hải Quân nước này ở vùng Aceh đã xua đuổi một chiếc thuyền chở người Rohingya đến từ Miến Điện. Chiếc thuyền gỗ đã được phát hiện ở vùng biển gần đảo Weh, ngoài khơi Sumatra. Tàu quân sự Indonesia đã « tháp tùng » con tàu mà họ cho là đang chở người Rohingya bị đàn áp ở Miến Điện, cho đến ngoài vùng biển Indonesia.

(Reuters) - Mỹ triển hạn giảm thuế đối với nhôm, thép nhập từ Liên Âu thêm 2 năm. Quyết định được ông Joe Biden công bố trong sắc lệnh ngày 28/12/2023 với mục tiêu là tiếp tục các cuộc đàm phán về một thỏa thuận song phương nhằm giải quyết tình trạng dư thừa sản xuất kim loại của Trung Quốc và thúc đẩy một loại thép « xanh » hơn. Biện pháp giảm thuế hết hạn cuối năm 2023 sẽ được kéo dài đến 31/12/2025. Dưới thời tổng thống Trump, thép của Liên Âu bị đánh thuế 25% và nhôm là 10%. Nhưng biện pháp này đã được đình chỉ vào cuối năm 2021, dưới thời tổng thống Joe Biden.

(AFP) - Nga mở lại sứ quán ở Burkina Faso sau 31 năm ngừng hoạt động. Việc mở lại cửa đại sứ quán hôm 28/12/2023, đánh dấu bước cải thiện quan hệ giữa hai nước kể từ khi tập đoàn quân sự lên nắm quyền vào năm 2022 và cắt đứt quan hệ với Pháp. Thủ tướng Burkina Faso khẳng định tại buổi lễ là hai nước « chưa bao giờ chấm dứt quan hệ trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế ». Trong lúc chờ tổng thống Putin bổ nhiệm tân đại sứ, ông Alexei Saltykov, đại sứ Nga tại Bờ Biển Ngà, kiêm nhiệm điều hành phái đoàn ngoại giao Nga ở Ougadougou.

(AFP) - Mỹ : Thành phố New York muốn hạn chế số di dân đến từ bang Texas bằng xe ca. Để đối phó với số lượng di dân ồ ạt đến từ bang Texas, thị trưởng New York, hôm 27/12/2023, yêu cầu mỗi xe bus chở di dân và người xin tị nạn phải báo trước 32 tiếng trước khi đến New York. Nếu không tuân thủ, công ty vận tải sẽ bị truy tố và phạt nặng. Thị trưởng Eric Adams muốn giữ quyền kiểm soát làn sóng di dân ồ ạt, và thường là bất thường, mà thống đốc bang Texas, thuộc đảng Cộng Hòa, cổ vũ từ một năm rưỡi qua. Theo thị trưởng New York, yêu cầu trên không phải là lệnh cấm mà để chuẩn bị tiếp đón di dân tốt hơn.

(AFP) - Iran tử hình 4 người bị kết án cộng tác với Israel. Chính quyền Iran, hôm 29/12/2023, đã xử tử 4 người bị kết án cộng tác với Israel, kẻ thù không đội trời chung của Teheran. Hãng thông tấn Mizan Online đưa tin rằng 4 người nói trên đã bị treo cổ do phạm tội « chiến tranh chống lại Chúa », « tham nhũng trên trái đất » và « cộng tác với chế độ Do Thái ».

*************

Tin tức thế giới 30-12: Nga không kích lớn nhất vào Ukraine; Ba Lan triệu tập đại biện Nga

NHẬT ĐĂNG

* Ba Lan tuyên bố sẽ bắn hạ tên lửa Nga nếu bay sâu vào trong lãnh thổ
* Chiến sự Nga - Ukraine nóng bỏng trở lại bất chấp sắp bước qua năm mới
* Mỹ phê duyệt bán đạn cho Israel theo quy trình khẩn, không qua Quốc hội

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz trả lời họp báo sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia ở Warsaw vì nghi tên lửa xâm phạm không phận Ba Lan ngày 29-12 - Ảnh: REUTERS

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz trả lời họp báo sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia ở Warsaw vì nghi tên lửa xâm phạm không phận Ba Lan ngày 29-12 - Ảnh: REUTERS

* Ba Lan triệu tập đại biện Nga về vụ tên lửa "xâm nhập không phận"

Trong một tuyên bố tối 29-12, Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết nước này đã triệu tập nhà ngoại giao Nga Andrei Ordash sau vụ tên lửa Nga "xâm phạm không phận Ba Lan". Ông Ordash là đại biện Nga tại Warsaw.

Vụ việc liên quan tới thông tin trước đó của Ba Lan nói rằng một tên lửa dẫn đường của Nga đã đi vào không phận nước này. Phía Ba Lan nói đã yêu cầu ông Ordash giải thích nghi án tên lửa "đi lạc" nêu trên và lập tức chấm dứt các hoạt động này.

Hãng tin Ba Lan PAP dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Wladyslaw Teofil Bartoszewski nói Ba Lan sẽ phản ứng nhanh chóng nếu sự việc tương tự tái diễn.

"Tôi đã nói rõ với đại biện (Nga) rằng việc lặp lại những nỗ lực như vậy sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ hơn từ Ba Lan, vì nó đang kiểm tra tính hiệu quả và cách tiếp cận phòng thủ của chúng tôi. Nếu (một tên lửa) bay sâu hơn một chút vào lãnh thổ Ba Lan, nó sẽ bị bắn hạ", ông Bartoszewski nhấn mạnh.

* Nga nói Ba Lan không có bằng chứng tên lửa xâm phạm không phận

Liên quan tới nghi án tên lửa Nga xâm phạm không phận Ba Lan, đại biện Nga tại Warsaw khẳng định Ba Lan không hề đưa ra bằng chứng cho cái gọi là xâm nhập biên giới.

Hãng tin RIA dẫn lời ông Ordash: "Tôi đã nhận được một công hàm trong đó có tuyên bố vô căn cứ rằng vào sáng ngày 29-12, một vật thể trên không đã xâm phạm không phận Ba Lan, mà các chuyên gia Ba Lan xác định là tên lửa dẫn đường của Nga. 

Không có bằng chứng nào được đưa ra. Yêu cầu của tôi về bằng chứng bằng văn bản về những gì trong bức thư đã bị từ chối".

* 31 người chết trong cuộc không kích lớn nhất của Nga

Theo Hãng tin Reuters, 31 thường dân đã thiệt mạng và hơn 160 người khác bị thương sau cuộc không kích lớn nhất trong cuộc chiến của Nga vào Ukraine hôm 29-12.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết cuộc không kích quy mô lớn vào cuối năm cho thấy "không nên nói chuyện về một thỏa thuận ngừng bắn" với Điện Kremlin hiện nay, thời điểm tương lai sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev vẫn chưa chắc chắn.

* Nga đã bắn hạ nhiều mục tiêu ở vùng Belgorod

Ngày 29-12, thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết các đơn vị phòng không của Nga đã bắn hạ "một số" mục tiêu trên không ở khu vực phía nam Belgorod, khiến một người thiệt mạng và một người bị thương.

Ông Gladkov thông báo trên Telegram: "Trên khu vực Belgorod và thành phố Belgorod, hệ thống phòng không của chúng tôi đã bắn hạ một số mục tiêu trên không... Theo thông tin ban đầu, có một người chết và một người bị thương".

Lực lượng vũ trang Ukraine đã đăng video lên Telegram về bầu trời phía trên Belgorod, cho thấy ít nhất một tòa nhà bốc cháy.

* Ông Zelensky thăm thị trấn Avdiivka

Tổng thống Ukraine Zelensky quay video khi ông đến thăm thị trấn tiền tuyến Avdiivka - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Zelensky quay video khi ông đến thăm thị trấn tiền tuyến Avdiivka - Ảnh: REUTERS

Ngày 29-12, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói ông đã đến thăm thị trấn Avdiivka đang bị bao vây ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng Nga đang cố gắng bao vây trong một số cuộc giao tranh ác liệt nhất ở mặt trận.

"Chúng tôi đã thảo luận về tình hình quốc phòng và các nhu cầu cơ bản với chỉ huy", ông Zelensky viết trên Telegram. Văn phòng tổng thống cho biết ông đã trao huân chương cho các binh sĩ tại đây.

* Anh gửi 200 tên lửa phòng không tới Ukraine

Ngày 29-12, Bộ Quốc phòng Anh cho biết nước này sẽ gửi khoảng 200 tên lửa phòng không tới Ukraine để giúp bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng khỏi máy bay không người lái và ném bom của Nga.

Theo cơ quan này, các tên lửa phòng không do nhà thầu quốc phòng MBDA sản xuất tại Anh, được thiết kế để phóng từ các máy bay bao gồm máy bay chiến đấu Typhoon và F-35.

* Israel bác bỏ kháng cáo diệt chủng của Nam Phi

Ngày 29-12, Israel đã chỉ trích việc Nam Phi đưa ra vụ án diệt chủng chống lại nước này tại Tòa án Công lý quốc tế. Israel ví cáo buộc của Nam Phi như một sự bôi nhọ vô căn cứ đối với người Do Thái, và không có giá trị pháp lý. 

Israel khẳng định họ tuân thủ luật pháp quốc tế trong cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Israel cho biết: "Người dân Gaza không phải là kẻ thù của Israel, quốc gia đang nỗ lực hạn chế gây tổn hại cho những người không tham chiến".

* Mỹ phê duyệt bán đạn 155mm cho Israel

Lầu Năm Góc cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken đã bỏ qua thủ tục Quốc hội xem xét, phê chuẩn việc bán đạn pháo M107 155mm và các thiết bị liên quan cho Israel với giá 147,5 triệu USD.

Theo Lầu Năm Góc, ông Blinken xác định đây là trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải bán ngay cho Israel, do đó bỏ qua khâu xem xét của Quốc hội.

Nụ cười giữa chiến tranh

Vợ chồng anh Anmar và chị Iman al-Masri, những người Palestine phải rời bỏ nhà cửa để tránh bom đạn của Israel, đang ôm 3 trong 4 đứa con sinh tư tại một nơi trú ẩn trong trường học ở miền trung Dải Gaza hôm 28-12. Đứa trẻ còn lại đang được điều trị ở bệnh viện - Ảnh: AFP

Vợ chồng anh Anmar và chị Iman al-Masri, những người Palestine phải rời bỏ nhà cửa để tránh bom đạn của Israel, đang ôm 3 trong 4 đứa con sinh tư tại một nơi trú ẩn trong trường học ở miền trung Dải Gaza hôm 28-12. Đứa trẻ còn lại đang được điều trị ở bệnh viện - Ảnh: AFP


************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn