Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 23-12 -2023:

Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Hai 20237:34 SA(Xem: 1843)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất 23-12 -2023:
Hoaluc 4
**************
rfi.fr

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết về Gaza

Minh Phương

Sau nhiều tuần lễ đàm phán gay go và đã bốn lần bị hoãn liên tiếp, cuối cùng hôm 22/12/2023, nghị quyết về Gaza đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua với 13 phiếu thuận. Nga và Mỹ vắng mặt. Trong văn bản cuối cùng, các bên đã tránh sử dụng cụm từ « ngừng bắn » như Các Tiểu  Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đề xuất, mà chỉ đòi « cho phép và tạo điều kiện để lập tức đưa viện trợ nhân đạo » vào Gaza một « cách an toàn và không bị cản trở ».

Đăng ngày:

4 phút

Thông tín viên RFI, Carrie Nooten từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York tường trình:

« Như vậy là không có lệnh ngừng bắn, mà chỉ đòi hỏi những "biện pháp khẩn cấp" để tạo điều kiện đưa viện trợ nhân đạo nhiều chừng nào tốt chừng nấy vào Gaza. Bước kết tiếp là "tạo những điều kiện dẫn đến một thỏa thuận đình chiến lâu bền".

Các nhà ngoại giao tại đây nhắc nhở là từ 10 ngày qua, hàng trăm xe vận tải chở hàng viện trợ nhân đạo đang túc trực sẵn ở cửa khẩu Rafah. Tất cả đã tập trung về đây để có thể đưa được tối đa các khoản viện trợ qua ngả này. Liên Hiệp Quốc sẽ đóng một vai trò rất tích cực trong công tác chuyển hàng viện trợ đến dân cư ở Gaza. Các bên sẽ phải quy định những thể thức vận hành và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc sẽ nhanh chóng chỉ định một điều phối viên để quán xuyến mọi việc.

Tất cả tạo cho Liên Hiệp Quốc có vai trò lớn hơn trọng hơn để giải quyết nút thắt này cho dù Ai Cập và Israel vẫn có tiếng nói quyết định ở khu vực cửa khẩu Rafah. Trọng lượng của Liên Hiệp Quốc sẽ lớn hơn so với hồi trước loạt tấn công hôm mồng 7 tháng 10 vừa rồi, khi đó dải Gaza đã bị Israel phong tỏa.

Các nhà ngoại giao ở đây kỳ vọng là với tất cả những nhượng bộ chiều theo ý của Hoa Kỳ, giờ đây một khi đã đồng ý với văn bản này, Washington sẽ duy trì áp lực tối đa với Israel để thường dân Palestine ở Gaza không còn phải trả giá cho các cuộc đàm phán thương lượng giữa các bên nữa.

Lãnh đạo Liên Hiệp Quốc đã lập tức tỏ thái độ bất bình. Antonio Guterres đánh giá chiến dịch quân sự của Israel ngăn cản công tác phân phối viện trợ cho dân cư ở Gaza. Một lần nữa ông kêu gọi "ngừng bắn nhân đạo" ». 

Hoa Kỳ giữ lập trường ủng hộ Israel

Nghị quyết được thông qua sau nhiều cuộc đàm phán gay gắt, đặc biệt là từ phía Hoa Kỳ. Washington quyết định vắng mặt không bỏ phiếu đồng thời từ chối bất kỳ lời kêu gọi ngừng bắn nào.

Thông tín viên RFI Loubna Analki giải thích vì sao Hoa Kỳ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu:  

Với việc vắng mặt ở Hội Đồng Bảo An ngày hôm qua, Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường quan điểm dù thế nào vẫn ủng hộ Israel  và từ chối mọi kêu gọi ngừng bắn.

Nhiều lần được chất vấn về vấn đề này, Hoa Kỳ đều đưa ra lời biện minh giống như của Israel rằng ngừng bắn sẽ cho phép Hamas có cơ hội "trang bị vũ khívà chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới".

Nhưng sự ủng hộ kiên định của Washington đang bắt đầu khiến Hoa Kỳ bị cô lậptrên trường quốc tế và ngay trong chính nước vì phần lớn người dân Mỹ đều ủng hộ lệnh ngừng bắn.

Trong những tuần gần đây, với số người thiệt mạng gia tăng và tình hình nhân đạo trở nên nguy kịch ở Gaza, chính quyền Biden đang rơi vào hoàn cảnh tế nhị. Đặc biệt là khi một số yêu cầu của Washington đã bị Israel từ chối, chẳng hạn như yêu cầu chuyển từ một chiến dịch quân sự quy mô lớn thành chiến dịch nhằm vào những mục tiêu cụ thể để bảo vệ dân thường.

Cho dù có những bất đồng về chính trị và quân sự, Washington vẫn duy trì sự ủng hộ, tiếp tục cung cấp vũ khí cho Israel và trong hậu trường vẫn tham gia vào các cuộc thương lượng để trả tự do cho các con tin.

Về phần mình, Đại sứ Palestine tại Liên Hiệp Quốc, ông Riyad Mansour đã hoan nghênh nghị quyết này là « một bước đi đúng hướng », nhưng đồng thời nhấn mạnh cần phải thiết lập một « lệnh ngừng bắn ngay lập tức ». Còn với Hamas, nghị quyết trên là « không đủ » và  không « đáp ứng được với tình hình thảm khốc mà Israel đã gây ra ».

Ngay sau khi văn kiện được thông qua, Ngoại trưởng Israel, Eli Cohen đã khẳng định tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng vẫn sẽ tiếp tục kiểm soát tất cả các chuyến hàng viện trợ nhân đạo gửi tới Gaza « vì lý do an ninh ».


**************
voatiengviet.com

TT Biden 'đau lòng' trước tin công dân Mỹ được cho là bị Hamas bắt cóc đã chết

Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Sáu nói ông “đau lòng” trước tin một người Mỹ tên Gadi Haggai được cho là đã bị nhóm chủ chiến người Palestine Hamas giết chết vào ngày 7 tháng 10 khi họ tấn công Israel.

Ông Haggai, người Mỹ gốc Israel 73 tuổi, trước đó được cho là đã bị bắt làm con tin trong vụ tấn công cùng với vợ ông. Một nhóm đại diện cho gia đình các con tin trước đó hôm thứ Sáu nói rằng ông Haggai đã chết trong khi bị cầm giữ.

"Jill (Biden) và tôi đau lòng trước tin công dân Mỹ Gadi Haggai hiện được cho là đã bị Hamas giết chết vào ngày 7 tháng 10. Chúng tôi tiếp tục cầu nguyện để vợ ông ấy, Judy, được mạnh khỏe và trở về an toàn," tổng thống nói trong một phát biểu do Nhà Trắng công bố.

Judith Weinstein, vợ của ông Haggai, vẫn đang bị giữ làm con tin ở Gaza, theo cơ quan truyền thông Haaretz của Israel.

Phát biểu của ông Biden không cung cấp thêm chi tiết về chuyện gì đã xảy ra với ông Haggai.

Hamas tấn công các khu kibbutz, các thành thị gần biên giới và một lễ hội âm nhạc ở Israel vào ngày 7 tháng 10 trong một trận cuồng sát khiến 1.200 người thiệt mạng, trong đó 240 người bị bắt đưa về Gaza làm con tin, theo thống kê của Israel. Israel phát động cuộc tấn công trả đũa nhắm vào Gaza và đến nay đã làm thiệt mạng hơn 20.000 người, theo bộ y tế do Hamas điều hành, với nhiều người khác mất tích và được cho là bị chôn vùi dưới đống đổ nát.

Dựa trên nhiều nguồn thông tin khác nhau, một ủy ban do chính phủ Israel bổ nhiệm đã tuyên bố một số con tin đã chết vắng mặt. Hamas nhìn chung chưa xác nhận thông tin này nhưng cảnh báo rằng "thời gian không còn nhiều" đối với các con tin khi cuộc chiến của những phần tử chủ chiến người Palestine với Israel sắp bước sang tuần thứ 12.

Theo một thống kê chính thức của Israel, 129 người vẫn đang bị cầm giữ ở Gaza sau khi những người còn lại được hồi hương trong lúc ngừng bắn vào tháng 11 hoặc được giải cứu trong một cuộc tiến công quân sự. Trong số những người vẫn còn ở Gaza, 22 người đã chết, chính phủ Israel cho biết.

Diễn đàn Con tin và Gia đình Mất tích cho biết khoảng 5 đến 10 con tin có quốc tịch Mỹ.


*********
rfi.fr

Tân ngoại trưởng Ba Lan đến Kiev sưởi ấm lại quan hệ với Ukraina

RFI

NGOẠI GIAO - UKRAINA - BA LAN

Ngày 22/12/2023, ngoại trưởng mới của Ba Lan, Radoslaw Sikorski đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Kiev, ngay sau khi chính phủ liên minh của tân thủ tướng Donald Tusk được thành lập. Chuyến công du rất được dư luận chú ý này diễn ra trong bối cảnh quan hệ đồng minh Ukraina và Ba Lan dưới chính phủ bảo thủ những tháng qua đang có những trục trặc. Lãnh đạo Ngoại Giao Ba Lan đã có cuộc tiếp xúc nhiều các bộ trưởng Ukraina và gặp tổng thống Volodymyr Zelensky.

Đăng ngày:

2 phút

Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (T)  và đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kubela trong cuộc họp báo tại Kiev, ngày 22/12/2023.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski (T) và đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kubela trong cuộc họp báo tại Kiev, ngày 22/12/2023. via REUTERS - UKRAINIAN FOREIGN MINISTRY

Thông tín viên RFI tại Kiev, Stéphane Siohan tường trình :

Trục quan hệ Kiev- Vacxava ở Đông Âu có phần hơi giống như cặp Pháp-Đức ở Tây Âu. Quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ giữa hai nước đã từng trải qua một lịch sử láng giềng nặng nề và phức tạp, nhưng đã khép lại trong hòa giải.

Ông Radoslaw Sikorski, lãnh đạo mới của Bộ Ngoại Giao Ba Lan có rất nhiều việc phải làm khi đến Kiev, vì quan hệ giữa Kiev và Vacxava, đồng minh tốt nhất của Ukraina, đã bị xấu đi trong nhiều tháng qua do chính phủ bảo thủ cũ lợi dụng vấn đề viện trợ cho Ukraina để làm hài lòng một bộ phận dư luận vốn vẫn cho rằng Ukraina là đối thủ cạnh tranh kinh tế với Ba Lan.  

Cuộc khủng hoảng giữa hai nước lên đến cao điểm vào mùa thu năm nay với việc các lái xe tải Ba Lan phong tỏa tuyến đường bộ qua biên giới hai nước gây tắc nghẽn hàng nghìn chuyến xe chở hàng hóa sang Ukraina.

Ông Sikorski và đồng nhiệm Ukraina Dmytro Kuleba đã đồng ý về việc chính phủ hai nước phải ngồi cùng nhau thảo luận để chấm dứt việc phong tỏa này và tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu ngũ cốc Ukraina qua ngả Ba Lan.

Ông Radoslaw Sikorski, một nhà ngoại giao tài giỏi có tiếng, vẫn được biết đến như là một người bạn của Ukraina, trong buổi gặp tổng thống Volodymyr Zelensky, đã nhắc lại rằng mục tiêu của chính phủ mới của Donald Tusk là kết nạp Ukraina vào Liên Hiệp Châu Âu, và nhất là sẽ làm tất cả để Ukraina giành chiến thắng trên chiến trường trong  cuộc chiến chống Nga.


*************
voatiengviet.com

TT Biden kí luật chính sách quốc phòng với mức giá cao kỉ lục 886 tỉ đôla

Reuters

Tổng thống Joe Biden ngày thứ Sáu kí thành luật dự luật chính sách quốc phòng của Mỹ với khoản tiền cao kỉ lục 886 tỉ đôla, cho phép chi tiêu quân sự hàng năm và các chính sách như viện trợ cho Ukraine và đối kháng Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, hay NDAA, đã được Quốc hội thông qua vào tuần trước. Thượng viện Hoa Kỳ do phe Dân chủ kiểm soát thông qua dự luật với sự đồng thuận lưỡng đảng cao 87-13 trong khi Hạ viện biểu quyết ủng hộ với tỉ lệ 310-118.

Dự luật này, một trong số ít những đạo luật lớn được Quốc hội thông qua hàng năm, chi phối mọi thứ, từ việc tăng lương cho quân nhân, mua tàu và máy bay cho đến các chính sách như hỗ trợ cho các đối tác nước ngoài như Đài Loan.

Đạo luật, dài gần 3.100 trang, kêu gọi tăng lương 5,2% cho quân nhân và tăng tổng ngân sách an ninh quốc gia của quốc gia thêm khoảng 3% lên 886 tỉ đôla. Nó cũng liệt kê một số công ty pin Trung Quốc mà bộ quốc phòng không được phép mua sắm thiết bị.

Đao luật NDAA cho năm tài chính 2024 cũng bao gồm điều khoản gia hạn thêm bốn tháng cho thẩm quyền do thám trong nước vốn gây nhiều tranh cãi. Sự gia hạn này giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để cải tổ hoặc duy trì chương trình, được gọi là Mục 702 của Đạo luật Do thám Tình báo Nước ngoài.

Điều khoản đó vấp phải sự phản đối ở cả Thượng viện và Hạ viện, nhưng không đủ để làm chệch hướng dự luật.

Dự luật mở rộng một biện pháp để giúp Ukraine, Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, đến cuối năm 2026, cấp 300 triệu USD cho chương trình trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2024 và năm tiếp theo.

Tuy nhiên, con số đó là nhỏ so với con số 61 tỉ đôla mà ông Biden đã xin Quốc hội phê duyệt để giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào tháng 2 năm 2022. Phe Cộng hòa đã từ chối chấp thuận viện trợ cho Ukraine nếu phe Dân chủ không đồng ý thắt chặt đáng kể luật nhập cư.


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày:

5 phút

(Reuters/SCMP) - Trung Quốc và Nga cam kết đẩy mạnh « hợp tác chiến lược ». Trong cuộc họp hôm Thứ Tư 20/12/2023 tại thủ đô Bắc Kinh, giới chức quân sự hai nước đã « trao đổi quan điểm một cách thấu đáo về tình hinh an ninh quốc tế, và tại khu vực, cũng như là về quan hệ song phương trong lĩnh vực quân sự ». Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm 21/12 ghi nhận như trên. Quân đội hai nước sẽ tiếp tục « nâng cấp mức độ hợp tác về mặt chiến lược » vì mục tiêu hòa bình và ổn định chung. Văn bản nói trên không đi sâu vào chi tiết và không nói rõ về các thành phần tham gia cuộc họp vừa qua. Sự kiện diễn ra vào lúc thủ tướng Nga Mikhail Mishustin công du Trung Quốc trong hai ngày 19 và 20/12/2023.

(Reuters) - Trong 22 tháng xâm lược, Nga đã phóng 7.400 tên lửa và 3.700 drone Shahed vào Ukraina. Trong số này, phòng không Ukraina đã bắn hạ 1.600 tên lửa và 2.900 drone, theo phát biểu trên truyền hình hôm 21/12/2023 của Yuriy Ihnat, người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraina. Tối 21/12, một chung cư ở thủ đô Kiev đã bị trúng một drone mang chất nổ của Nga, khiến một người bị thương. Nga tiếp tục các vụ tấn công ban đêm bằng drone nhắm vào nhiều vùng của Ukraina.

(Reuters) - Ukraina hy vọng Ba Lan dỡ bỏ phong tỏa biên giới cuối tuần này. Ngày 21/12/2023, phó thủ tướng Ukraina Oleksandr Kubrakov cho biết Kiev « hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với chính phủ mới của Ba Lan trong tuần này để chấm dứt tình trạng phong tỏa xe tải tại các cửa khẩu biên giới giữa hai nước ». Trước đó, ngày 18/12, các tài xế xe tải Ba Lan tiếp tục phong tỏa một trong những cửa khẩu chính ở biên giới Ukraina, yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu tái lập hệ thống buộc các công ty Ukraina cần có giấy phép để hoạt động trong khối.

(AFP) - Hồng Kông : Tư pháp bác yêu cầu xóa bỏ « tội danh xúi giục nổi loạn » đối với tỷ phú Lê Trí Anh. Tòa án Hồng Kông hôm nay, 22/12/2023, đã bác yêu cầu của luật sư bào chữa cho trùm truyền thông ủng hộ dân chủ, Lê Trí Anh (Jimmy Lai), xóa bỏ tội danh đăng những bài viết kích động nổi loạn. Ông Lê Trí Anh, 76 tuổi, bị cáo buộc « thông đồng » với thế lực nước ngoài và có thể lãnh án tù chung thân, theo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông từ năm 2020.

(Reuters) - Trung Quốc gia tăng nỗ lực chống lật đổ, ly khai, khủng bố và gián điệp trong năm 2024. Thông tin được bộ trưởng bộ An Ninh Quốc Gia Trần Nhất Tân (Chen Yixin) đưa ra ngày 22/12/2023. Đây cũng là một phần kế hoạch công tác năm 2024 của bộ An Ninh Quốc Gia Trung Quốc.

(AFP) - Trung Quốc thắt chặt quản lý trò chơi điện tử trực tuyến. Trong thông báo ngày 22/12/2023, chính phủ muốn chống hiện tượng nghiện chơi game và hạn chế mua « công cụ » tích hợp trong các ứng dụng này thông qua các giao dịch nhỏ. Quyết định của Bắc Kinh đã khiến giá cổ phiếu của nhiều tập đoàn công nghệ sụt giảm trên thị trường chứng khoán : Cổ phiếu của Tencent mất giá hơn 10% ở Hồng Kông, Netease mất hơn 20%. Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tấn công lĩnh vực trò chơi điện tử từ năm 2021.

(AFP) - Boeing giao máy bay cho Trung Quốc. Chiếc Boeing 787-9 Dreamliner được giao cho hãng hàng không Trung Quốc Juneyao Airlines đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Thượng Hải ngày 22/12/2023. Đây là máy bay đầu tiên được Boeing giao cho thị trường quan trọng Trung Quốc kể từ năm 2019 sau hai thảm kịch với kiểu máy bay 737 MAX vào năm 2018 và 2019.

(NHK) - Nhật Bản nới lỏng kiểm tra nhập cảnh ở sân bay. Du khách có thể đăng ký trên mạng trước khi đến Nhật Bản bằng cách scan hộ chiếu và thị thực. Tại sân bay, họ sẽ đi qua hệ thống nhận dạng khuôn mặt và sẽ được nhập cảnh nếu không có nghi ngờ. Biện pháp này nhằm cải thiện việc tiếp đón người nước ngoài trong bối cảnh ngành du lịch Nhật Bản khởi sắc. Hơn 20 triệu người đã đến du lịch tại Nhật Bản trong năm 2023, mức kỷ lục kể từ năm 2019.

(AFP) - Mỹ : Cựu luật sư của Donald Trump bị phá sản. Rudy Giuliani, cựu thị trưởng New York và là luật sư cũ của Donald Trump hôm qua, 21/12/2023, tuyên bố phá sản và nợ từ 100 đến 500 triệu đô la, một tuần sau khi bồi thẩm đoàn liên bang ở thủ đô Washington ra phán quyết buộc ông Giuliani bồi thường mẹ con bà Ruby Freeman và cô Wandrea Shaye Moss 148 triệu đô la vì cáo buộc sai trái rằng hai nhân viên bầu cử này gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. 

(AFP) - Pháp đóng cửa đại sứ quán ở Niger. Theo một nguồn tin ngoại giao, Pháp hôm qua, 21/12/2023, quyết định đóng cửa đại sứ quán ở Niger, do « không còn có thể hoạt động bình thường hoặc thực hiện nhiệm vụ của mình », đánh dấu sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai nước. Cách đây hơn một tuần, Niamey đã thông báo toàn bộ binh sĩ Pháp được triển khai ở Niger trong khuôn khổ cuộc chiến chống phong trào thánh chiến Hồi Giáo triệt thoái trước 22/12. 

(AFP) - Angola « không có lợi ích gì khi ở lại OPEC/OPEP ». Bộ trưởng Dầu Khí và Tài Nguyên Angola Diamantino de Azevedo hôm qua 21/12/2023 chính thức thông báo rút lui khỏi khối các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC, do bất đồng vì bị khống chế về lượng sản xuất dầu. Đây là điều hoàn toàn « đi ngược lại với chính sách và lợi ích » của nước này. Angola và Nigeria là hai nhà sản xuất và xuất khẩu dầu hỏa quan trọng tại châu Phi. Từ cuối tháng 11/2023, cả hai cùng bất đồng vì bị áp đặt quota về sản xuất. Angola muốn cung cấp đến 1,18 triệu thùng dầu một ngày, trong lúc OPEC chỉ cho phép nước này xuất khẩu tối đa là 1,1 triệu thùng.


***********
rfa.org

Kênh đào Funan, một phần của đại dự án “Cực kinh tế thứ tư” của Tập Cận Bình và Hunsen

RFA

Dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia gần đây khiến chính phủ Hà Nội và nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước lo ngại về tác động xấu của nó tới hệ thống sông Mekong và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong thư Thông báo gửi Ủy hội Sông Mekong (MRC), Chính phủ Campuchia chỉ nói dự án này phục vụ giao thông thủy nội địa. Nhưng gần đây, ông Jean-François Tain, Bộ trưởng Chuyên trách Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Campuchia nói trên tờ Khmer Times rằng dự án kênh đào Funan sẽ không chỉ là một dự án giao thông thủy. 

Theo ông Jean-François Tain, dự án kênh đào Funan một mặt “dự kiến ​​sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Campuchia như giảm thời gian, chiều dài và chi phí vận chuyển,” (giao thông thủy), nhưng mặt khác, nó “tạo ra các khu thương mại và trung tâm hậu cần, phát triển các nhà ga mới, mở rộng các khu phát triển nông nghiệp, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi và hỗ trợ sự phát triển của cực kinh tế thứ tư.”

“Cực kinh tế thứ tư” của Campuchia là gì?

Theo tờ Phnompenh Post đưa tin hôm 14/3/2023, cựu thủ tướng Campuchia khi đó là ông Hunsen đã thông báo chính phủ nước này chỉ định 4 tỉnh – Pursat, Battambang, Banteay Meanchey và Pailin – là “cực kinh tế thứ tư của Campuchia,” nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và đánh bắt cá.

Ông Hun Sen tiết lộ điều này khi đến thăm địa điểm dự án đập thủy điện Stung Pursat I ở tỉnh Pursat vào ngày 14/3. Tờ Phnomphenh Post dẫn lời ông nói: 

“Cực kinh tế thứ tư là sáng kiến ​​giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tôi. Dự án tập trung vào Hành lang Lúa gạo vì bốn tỉnh có nguồn lúa và cá dồi dào”.

Như vậy, dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia không chỉ phục vụ giao thông thủy mà là một phần của một sáng kiến kinh tế rộng lớn tại Campuchia, được thực hiện với sự phối hợp của nước này và Trung Quốc. 

Mặc dù Thủ tướng Hun Manet nói với người đồng cấp Việt Nam rằng kênh đào Funan không lấy nước từ sông Mekong, nhưng ông Jean-François Tain, Bộ trưởng Chuyên trách Ngoại giao và Hợp tác quốc tế của Campuchia, lại tiết lộ trên Khmer Times rằng mục đích của dự án này là “nhằm tối đa hóa tiềm năng vận tải đường thủy của Campuchia bằng cách kết nối hệ thống sông Mekong với biển”, sau khi tiến hành một nghiên cứu kéo dài 26 tháng. Đặc biệt, theo ông Jean-François Tain, dự án cũng được kỳ vọng sẽ tạo thêm việc làm tại Cảng Sihanoukville, Cảng Phnom Penh và các cảng khác, đồng thời đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, quy hoạch đô thị và thị trường bất động sản. Như vậy phát biểu của ông Bộ trưởng đã cung cấp thêm một số thông tin về vai trò của dự án kênh đào Funan Techno trong sáng kiến “Cực kinh tế thứ tư” của hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - Hunsen. 

Campuchia báo cáo không chính xác với Ủy hội Sông Mekong?

Trao đổi với RFA về chức năng của kênh đào Funan trong thư Thông báo của Campuchia cho Ủy hội sông Mekong (MRC), TS. Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center, một think tank ở Wasington DC, 

“Trong những tháng qua, thông tin mới về thiết kế và mục đích sử dụng của Kênh Funan Techo đã được đưa ra ánh sáng. Tôi tự hỏi những thông tin mới nào sẽ đến trong những tháng tới, để nâng cao hiểu biết của chúng ta về dự án này. 

Thủ tướng Hun Manet đã giúp ích cho Việt Nam bằng cách thảo luận dự án này một cách cởi mở và ngoại giao. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là Ủy hội sông Mekong (MRC) là định chế then chốt cho các vấn đề ngoại giao nguồn nước trong khu vực. 

Thế nhưng, hiện tại, vai trò của MRC với tư cách là người triệu tập các tiến trình ngoại giao hữu ích liên quan đến dự án này đã bị gạt ra ngoài lề, vì Campuchia đã không mô tả chính xác dự án này là một dự án có tác động đến dòng chính sông Mekong.” 

Theo phân tích của TS. Brian Eyler, các tài liệu dự án được đệ trình lên MRC vào tháng 8 đã mô tả một cách không chính xác khi tuyên bố dự án này là một dự án “phụ lưu” (a tributary project). Tuy nhiên, tờ Khmer Times đã hai lần mô tả dự án này là dự án “tạo ra một tuyến đường thủy mới dài 180 km từ Prek Takeo của sông Mê Kông ra biển ở tỉnh Kep, sau khi đi qua Prek Ta Ek và Prek Ta Hing của sông Bassac ở huyện Koh Thom của tỉnh Kandal." Ông trao đổi với RFA qua email:

“Vì kênh Funan nối với sông Mekong tại Prek Takeo nên dự án được coi là dự án tác động đến dòng chính Mekong. Khi lỗi này được khắc phục và dự án được mô tả chính xác trong thông báo chính thức rằng nó tác động đến dòng chính sông Mekong thì quy trình Thông báo trước và Tham vấn trước (PNPCA) của MRC sẽ bắt đầu. 

Quá trình này sẽ làm sáng tỏ tất cả các chi tiết xung quanh dự án và cung cấp nền tảng chính thức cho các bên liên quan thuộc chính phủ và phi chính phủ trong toàn khu vực, để kiểm tra và nhận xét về các tài liệu dự án, đánh giá tác động và kế hoạch giảm nhẹ các tác động tiêu cực đó. 

Quá trình này cũng sẽ tạo điều kiện cho Ủy hội Sông Mekong đánh giá kỹ thuật. Điều này chắc chắn sẽ giảm thiểu một số tác động môi trường và xã hội liên quan của dự án. Ủy ban sông Mekong quốc gia ở cả 4 nước thành viên, đặc biệt là Việt Nam, nên kêu gọi tiến trình PNPCA.

Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia thành viên MRC thông báo sai về một dự án và chỉ thay đổi thông báo sau khi các chi tiết khác được đưa ra ánh sáng.” 

Trao đổi với RFA, TS. Brian Eyler chỉ ra rằng trước đây, Chính phủ CHDCND Lào ban đầu mô tả đập Don Sahong là một đập phụ, trong thông báo chính thức gửi MRC nhiều năm trước. Tuy nhiên, những lời kêu gọi của công chúng, truyền thông và các quốc gia thành viên MRC đã khiến Chính phủ Lào sau đó phải mô tả chính xác con đập này là con đập được xây dựng trên dòng chính của sông Mekong. Điều đó đã khởi động quá trình PNPCA và cuối cùng dẫn đến một thiết kế mới cho con đập, giúp cải thiện việc tác động xấu đến nghề cá tại khu vực đập.

Theo TS. Brian Eyler, quá trình Thông báo trước và Tham vấn trước của MRC bắt đầu càng sớm thì kết quả của dự án này sẽ càng tốt hơn vì lợi ích của toàn bộ khu vực, trong đó có Campuchia và Việt Nam.


************
rfa.org

Việt Nam là một trong số các nước xuất hàng trang trí Giáng sinh nhiều nhất vào Mỹ

2023.12.22

Việt Nam là một trong các nước xuất sang Hoa Kỳ những mặt hàng trang trí Giáng sinh nhiều nhất, sau Trung Quốc, cùng với Mexico, Cambodia.

Vào mùa lễ Giáng sinh năm ngoái số đèn cầy mà Việt Nam bán sang Mỹ trị giá hơn 1 tỷ USD.

Mạng báo FreightWaves ở Mỹ loan tin ngày 20/12 cho biết những mặt hàng trang trí giáng sinh mà mấy nước vừa nêu xuất vào thị trường Hoa Kỳ hằng năm gồm cây thông giáng sinh, đèn điện cùng những vật dụng khác để trang trí cho mùa lễ.

Trung Quốc được cho thống lĩnh thị trường thế giới về những mặt hàng trang trí giáng sinh. Năm 2022, Trung Quốc bán ra số hàng thuộc lĩnh vực này trị giá lên đến 10 tỷ USD; trong số này thị trường Hoa Kỳ chiếm 3,17 tỷ USD.

Mexico cũng bán sang Hoa Kỳ các vật dụng trang trí cây giáng sinh. Chỉ riêng hai thị trấn có tên Tlalpujahua và Chignahuapan ở miền trung Mexico hằng năm làm ra hơn 150 triệu sản phẩm trái châu thủy tinh trang trí cây giáng sinh và phần lớn được bán sang Hoa Kỳ.

Cambodia cũng nằm trong số những nước bán dây đèn điện trang trí cây giáng sinh vào thị trường Mỹ với tổng trị giá chừng 375 triệu USD mỗi mùa lễ cuối năm này.


************
voatiengviet.com

Ứng cử viên phó tổng thống hàng đầu Đài Loan nói sẽ không để chiến tranh xảy ra với TQ

Reuters

Đảng cầm quyền của Đài Loan sẽ không để chiến tranh nổ ra với Trung Quốc, nhưng chính Trung Quốc mới là bên khuấy động căng thẳng, nhà ngoại giao tiền nhiệm hàng đầu của Đài Bắc tại Mỹ và hiện là ứng cử viên hàng đầu để trở thành phó tổng thống tiếp theo của Đài Loan, nói vào ngày thứ Sáu.

Các cuộc bầu cử tổng thống và viện lập pháp vào ngày 13 tháng 1 sẽ định hình mối quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc, vốn tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo được cai trị dân chủ này, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh các hoạt động quân sự để khẳng định yêu sách chủ quyền.

Trung Quốc lên án Phó Tổng thống đương nhiệm Lại Thanh Đức, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền và đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, là một người chủ trương ly khai nguy hiểm, mô tả cuộc bầu cử là sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, điều mà đảng đối lập chính của Đài Loan là Đảng Quốc Dân (KMT) cũng nêu ra.

Trong bài phát biểu về chính sách trước bầu cử của ba ứng cử viên phó tổng thống được truyền hình trực tiếp, người đứng chung liên danh với ông Lại, Tiêu Mỹ Cầm, cựu đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Mỹ, nói các đối thủ của bà đã liên tục đổ lỗi cho DPP về căng thẳng ở Eo biển Đài Loan.

“Nhưng cả thế giới đều biết rằng nguyên nhân thực sự là do Trung Quốc đã bành trướng ra ngoài theo lối chuyên quyền trong những năm gần đây, tìm cách thay đổi trật tự và hiện trạng quốc tế. Ngay cả trong khi Quốc Dân Đảng cai trị, việc Trung Quốc tăng cường binh lực chưa bao giờ dừng lại," bà Tiêu nói.

“Chúng ta đang tăng cường phòng thủ để tránh chiến tranh. Tôi muốn tuyên bố với đồng bào rằng Lại Thanh Đức và Tiêu Mỹ Cầm chủ trương bảo vệ hiện trạng hòa bình ở Eo biển Đài Loan, chúng tôi sẽ không để chiến tranh nổ ra ở Eo biển Đài Loan."

Đứng cạnh bà trên sân khấu, ứng cử viên phó tổng thống của Đảng Quốc Dân, Triệu Thiếu Khang, nói đảng của ông "hoàn toàn không thân Trung Quốc."

“DPP đang dùng mối đe dọa từ Trung Quốc như một con bài để giành được phiếu bầu và đánh lừa cử tri.”

Đài Loan và Trung Quốc phải hội đàm, ông Triệu nói, đồng thời chỉ trích DPP đã không làm như vậy và cam kết Đảng Quốc Dân sẽ bắt đầu lại đối thoại đồng thời đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Loan.

Tổng thống Thái Anh Văn và chính phủ của bà, bao gồm cả ông Lại và bà Tiêu trong chiến dịch vận động tranh cử, đã nhiều lần đề nghị hội đàm với Trung Quốc nhưng đều bị khước từ.

Trung Quốc lên án ông Lại và bà Tiêu là những kẻ ly khai nguy hiểm và mô tả cuộc bầu cử là “chuyện nội bộ của Trung Quốc.”


*************
voatiengviet.com

Nga bác tin của WSJ rằng Prigozhin bị giết do bom gài trên máy bay

Reuters

Điện Kremlin cáo buộc The Wall Street Journal đăng chuyện "giật gân tào lao" sau khi tờ báo này, vào hôm Thứ Sáu, đưa tin rằng cái chết của thủ lĩnh tập đoàn lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin trong một vụ tai nạn máy bay trước đây là do sự dàn dựng bởi quan chức an ninh Nga Nikolai Patrushev.

WSJ đưa tin máy bay riêng của ông Prigozhin bị rơi do một quả bom nhỏ cài bên dưới cánh phát nổ. Bản tin dẫn lời các quan chức tình báo phương Tây và một cựu viên chức tình báo Nga không nêu tên.

Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov, nói ông đã xem bài báo này nhưng không bình luận, trước khi nói thêm: "Thật không may, gần đây Wall Street Journal lại rất thích đăng chuyện giật gân tào lao."

Ông Prigozhin, người đứng đầu tập đoàn lính đánh thuê Wagner chiến đấu cho Nga ở Ukraine, lâu nay đã có xích mích với giới lãnh đạo quốc phòng Nga mà đỉnh điểm là cuộc binh biến vào cuối tháng 6. Nó kết thúc nhanh chóng nhưng được nhiều người coi là một thách thức nghiêm trọng đối với quyền lực mà Tổng thống Vladimir Putin nắm giữ gần một phần tư thế kỉ.

Ông Prigozhin tử vong trong một vụ tai nạn máy bay đúng hai tháng sau đó. Điện Kremlin trước đây bác bỏ cáo buộc nói ông bị hạ sát theo lệnh của ông Putin, xem đó là điều "hoàn toàn dối trá." Ông Putin hồi tháng 10 nói vụ tai nạn là do lựu đạn phát nổ bên trong máy bay.

Chín người khác cũng thiệt mạng: hai nhân vật hàng đầu khác của Wagner, bốn vệ sĩ của ông Prigozhin và tổ bay gồm ba người.

Ông Patrushev, 72 tuổi, là cựu giám đốc cơ quan an ninh FSB, hiện giữ chức thư ký Hội đồng An ninh Nga và được coi là một trong những người có đường lối cứng rắn có ảnh hưởng nhất trong số các cố vấn thân cận của ông Putin.

Hai người quen nhau kể từ khi cùng làm việc trong cơ quan tình báo KGB của Soviet ở Leningrad - nay là St Petersburg - từ những năm 1970.


*************
voatiengviet.com

Mỹ nhắm trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga lách chế tài

Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Sáu kí một sắc lệnh hành pháp đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga lách các chế tài, Nhà Trắng cho biết trong một phát biểu, trong khi Washington tìm cách tăng áp lực lên Moscow.

Nhà Trắng nói sắc lệnh này cũng cho Washington khả năng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa của Nga, như hải sản và kim cương.

“Chúng tôi đang gửi một thông điệp không thể nhầm lẫn: Bất cứ ai ủng hộ nỗ lực chiến tranh phi pháp của Nga đều có nguy cơ mất quyền tiếp cận hệ thống tài chính của Hoa Kỳ.”

Bước đi này diễn ra trong bối cảnh ngân quỹ của Mỹ dành cho viện trợ quân sự cấp cho Ukraine sắp cạn kiệt và Mỹ cùng các đồng minh đang tìm kiếm những cách mới để làm chậm nỗ lực chiến tranh của Nga.

Mỹ đã nhiều lần cảnh báo các công ty chớ lách các chế tài của Mỹ áp đặt lên Nga, đồng thời nhắm vào các công ty ở Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả-rập (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc mà Mỹ cáo buộc đã giúp Moscow tránh các biện pháp này.

Các quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và các nước khác để cảnh báo rằng các doanh nghiệp có thể mất quyền tiếp cận thị trường G7 nếu họ làm ăn với các thực thể bị Mỹ chế tài.

Một trong những quan chức cao cấp cho biết lệnh mới cho Washington và các đồng minh các công cụ để nhắm vào các mạng lưới mà Moscow đang cố gắng thiết lập nhằm lách các chế tài này thông qua việc sử dụng các công ty bình phong và "các trung gian tài chính vô tình và cố tình."

Sắc lệnh hành pháp cũng sẽ cho Washington khả năng cấm các sản phẩm có nguồn gốc từ Nga nhưng được chế biến bên ngoài nước này, bao gồm cả kim cương và hải sản, Nhà Trắng cho biết.

Hành động này được đưa ra sau khi Nhóm G7 hồi đầu tháng này loan báo lệnh cấm trực tiếp đối với kim cương của Nga bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, sau đó là các hạn chế theo từng giai đoạn đối với việc nhập khẩu gián tiếp đá quý của Nga từ khoảng ngày 1 tháng 3.


************

Tin tức thế giới 23-12: Mỹ trừng phạt tổ chức tài chính Nga; LHQ thông qua nghị quyết về Gaza

NHẬT ĐĂNG

* Nga bắt người đứng đầu hãng sản xuất thiết bị vũ trụ
* Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết tăng cường viện trợ cho Gaza

* Pháp buộc máy bay chở người Ấn Độ phải hạ cánh vì nghi ngờ buôn người

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Mỹ trừng phạt các tổ chức tài chính Nga

Trong một tuyên bố ngày 22-12, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính giúp Nga lách các lệnh trừng phạt, trong bối cảnh Washington đang tìm cách tăng áp lực lên Matxcơva.

Nhà Trắng cho biết lệnh này cũng mang lại cho Washington khả năng mở rộng lệnh cấm nhập khẩu một số hàng hóa của Nga, như hải sản và kim cương.

Theo Hãng tin Reuters, lệnh trừng phạt mới làm rõ rằng Mỹ có thể nhắm đến các tổ chức tài chính thay mặt những cá nhân, tổ chức bị Mỹ trừng phạt, hay những bên liên quan đến cơ sở công nghiệp quân sự của Nga, giao dịch. Những giao dịch đó bao gồm cả việc bán một số mặt hàng quan trọng.

Ukraine và Ba Lan phối hợp giải quyết bất đồng

Hôm 22-12, Ukraine và Ba Lan cho biết họ sẵn sàng ngồi lại cùng giải quyết những vấn đề trong quan hệ song phương. Mục tiêu trọng tâm trong các nỗ lực này là việc tài xế Ba Lan biểu tình, phong tỏa các khu vực cửa khẩu biên giới hai nước.

Cam kết này được đưa ra trong cuộc gặp ở Kiev giữa Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski, người đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Trong cuộc xung đột kéo dài gần 2 năm với Nga tính tới nay, Ukraine đã xem Ba Lan như một trong những đồng minh thân cận nhất trong EU. Tuy vậy quan hệ Ukraine - Ba Lan cũng gặp không ít sóng gió liên quan tới vấn đề xuất khẩu ngũ cốc.

Hiện tình hình có hy vọng sáng sủa hơn sau khi Thủ tướng Donald Tusk nhậm chức tại Ba Lan. Ông Tusk là người ủng hộ EU.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ngày 22-12 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) và Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ngày 22-12 - Ảnh: REUTERS

Nga bắt người đứng đầu hãng sản xuất thiết bị vũ trụ

Người đứng đầu một công ty sản xuất hệ thống định vị cho chương trình không gian của Nga đã bị bắt ở Matxcơva và bị buộc tội gian lận.

Ngày 22-12, Hãng tin TASS dẫn lời một quan chức thực thi pháp luật giấu tên cho biết ông Yevgeny Fomichev, người đứng đầu Công ty NPP Geophysics-Cosmos, đã bị thẩm vấn và bị buộc tội lừa đảo quy mô lớn.

Tội danh của ông Fomichev có mức án tù lên tới 10 năm và phạt tiền 1 triệu rúp (10.972 USD).

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tăng cường viện trợ cho Gaza

Ngày 22-12, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua việc tăng cường viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi các bước khẩn cấp "để tạo điều kiện cho việc chấm dứt thù địch một cách bền vững", sau một tuần trì hoãn bỏ phiếu và đàm phán căng thẳng để tránh Mỹ phủ quyết.

Mỹ đã bỏ phiếu trắng để cho phép hội đồng gồm 15 thành viên thông qua một nghị quyết do Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất soạn thảo. Nga cũng bỏ phiếu trắng.

Trong phát biểu đưa ra sau đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres bày tỏ hy vọng nghị quyết 2720 sẽ góp phần cải thiện hoạt động cung cấp hàng cứu trợ và nhu yếu phẩm tới Gaza. Ông cũng nhấn mạnh một lệnh ngừng bắn nhân đạo là con đường duy nhất để chấm dứt cơn ác mộng mà người dân tại vùng lãnh thổ này đang phải gánh chịu.

Đại sứ Israel nói Liên Hiệp Quốc không chú ý đến khủng hoảng con tin

Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan đã chỉ trích Hội đồng Bảo an về phản ứng của họ trước vụ tấn công của Hamas ngày 7-10, sau cuộc bỏ phiếu ngày 22-12 nhằm tăng cường viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.

"Việc Liên Hiệp Quốc chỉ tập trung vào các cơ chế viện trợ cho Dải Gaza là không cần thiết và không phù hợp với thực tế. Israel đã cho phép chuyển hàng viện trợ ở quy mô cần thiết... Lẽ ra Liên Hiệp Quốc nên tập trung vào cuộc khủng hoảng nhân đạo đối với các con tin", Đại sứ Erdan cho biết.

Mỹ chấp thuận bán tên lửa Stinger cho NATO với giá 780 triệu USD

Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã phê duyệt việc bán tên lửa phòng không vác vai Stinger cho cơ quan hỗ trợ và mua sắm của liên minh quân sự NATO với chi phí ước tính là 780 triệu USD.

Trong một tuyên bố về vấn đề trên, Lầu Năm Góc cho hay các nhà thầu chính sẽ là Raytheon và Lockheed Martin.

Ukraine phát hiện tham nhũng trong mua sắm vũ khí

Hôm 22-12, Bộ Quốc phòng và cơ quan an ninh Ukraine cho biết đã phát hiện một kế hoạch gian lận trong việc mua đạn pháo, liên quan tới số tiền biển thủ gần 40 triệu USD.

Tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất của Ukraine khi nước này thực hiện cải cách nhằm gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, nhiều trường hợp bê bối nổi bật liên quan tới tham nhũng trong quân đội, và cụ thể hơn là các hợp đồng mua sắm vũ khí.

Tổng thống Biden đau lòng trước tin con tin người Mỹ ở Dải Gaza đã chết

Ngày 22-12, Tổng thống Joe Biden cho biết ông "đau lòng" trước tin một người Mỹ tên Gad Haggai được cho là đã bị tổ chức Hồi giáo Hamas tại Gaza giết chết vào ngày 7-10, khi nhóm này tấn công Israel.

Ông Gad Haggai và vợ, bà Judi Weinstein - Ảnh tư liệu: Times of Israel

Ông Gad Haggai và vợ, bà Judi Weinstein - Ảnh tư liệu: Times of Israel

Một số phương tiện truyền thông của Mỹ và Israel trước đó đưa tin người đàn ông Mỹ gốc Israel này được cho là bị bắt làm con tin trong vụ tấn công ngày 7-10, nhưng nay được tuyên bố là đã chết.

Pháp buộc hạ cánh một máy bay tới Nicaragua với khoảng 300 người Ấn Độ

Các quan chức địa phương ở khu vực phía đông Marne cho biết hôm 22-12, Pháp đã yêu cầu một chuyến bay thuê bao tới Nicaragua chở 303 hành khách Ấn Độ hạ cánh.

Văn phòng công tố Paris cho biết một đơn vị chuyên về tội phạm có tổ chức đang điều tra các nghi ngờ buôn người và bắt giữ hai người để thẩm vấn, đồng thời cho biết thêm rằng chính quyền đã được một người cung cấp thông tin ẩn danh báo tin.


************
voatiengviet.com

Liên Hợp Quốc hối thúc đưa thêm viện trợ vào Gaza

Reuters

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết với lời lẽ giảm nhẹ để tăng cường viện trợ nhân đạo cho Gaza vào ngày thứ Sáu mà không kêu gọi ngừng bắn.

Mỹ, đồng minh chính của Israel, đã đe dọa phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an trong những ngày các bên tranh cãi, đã chọn chọn bỏ phiếu trắng sau khi lời văn được thay đổi liên quan đến chiến sự và giám sát viện trợ. Bước đi này giúp cuộc biểu quyết được thông qua.

Washington thường xuyên ủng hộ quyền tự vệ của Israel, nhưng lên tiếng ngày càng nhiều hơn về tình cảnh của 2,3 triệu người dân Gaza trong khi số người chết tăng vọt và tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở dải đất này.

Trong cập nhật mới nhất về thương vong, bộ y tế của Gaza cho biết 20.057 người Palestine đã thiệt mạng và 53.320 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel kể từ khi xung đột bắt đầu.

Nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua "kêu gọi các bước khẩn cấp để ngay lập tức cho phép tiếp cận nhân đạo an toàn, không bị cản trở, và mở rộng, đồng thời tạo điều kiện cho việc chấm dứt chiến sự một cách bền vững." Dự thảo ban đầu kêu gọi "chấm dứt chiến sự khẩn cấp và bền vững" để cho phép tiếp cận viện trợ.

Mỹ và Israel phản đối ngừng bắn vì tin rằng việc này sẽ chỉ có lợi cho Hamas. Thay vào đó, Washington ủng hộ những đợt tạm dừng giao tranh để bảo vệ thường dân và giải thoát các con tin bị Hamas bắt giữ.

Nghị quyết cũng không còn kêu gọi hạ giảm quyền kiểm soát của Israel đối với tất cả các chuyến hàng viện trợ tới Gaza. Israel giám sát việc cung cấp viện trợ hạn chế thông qua cửa khẩu Rafah từ Ai Cập và cửa khẩu Kerem Shalom do Israel kiểm soát.

Chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas, nhóm Hồi giáo bảo thủ điều hành Gaza, sau khi các chiến binh của nhóm này thực hiện một cuộc đột kích xuyên biên giới nhắm vào miền nam Israel vào ngày 7 tháng 10, giết chết 1.200 người và bắt 240 con tin.

Sau cuộc biểu quyết ngày thứ Sáu, đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc nói rằng Hội đồng Bảo an lẽ ra nên tập trung nhiều hơn vào các con tin. “Việc Liên Hợp Quốc chỉ tập trung vào các cơ chế viện trợ cho Gaza là không cần thiết và xa rời thực tế - Israel vẫn đang cho phép chuyển hàng viện trợ ở quy mô cần thiết,” Gilad Erdan nói.

Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nói nước ông sẽ "tiếp tục chiến tranh cho đến khi tất cả con tin được thả và Hamas ở Dải Gaza bị tiêu diệt."

Trong một phát biểu, Hamas nói họ coi nghị quyết của LHQ về viện trợ nhân đạo là không đủ để đáp ứng nhu cầu của Gaza.

Israel đang đối mặt với chỉ trích ngày càng tăng khắp toàn cầu về tình cảnh của người dân Gaza khi nước này theo đuổi cuộc chiến. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày thứ Sáu nói cách Israel tiến hành hoạt động quân sự đang "tạo ra những trở ngại hết sức to lớn cho việc phân phối viện trợ nhân đạo" bên trong vùng đất này.

Trước đó, Israel cho biết 5.405 xe tải viện trợ - chở thực phẩm, nước uống và vật tư y tế - đã vào Gaza kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Các nhóm viện trợ cho biết chỉ một phần nhỏ những gì cần thiết sẽ được đưa đến. Một báo cáo của một cơ quan được LHQ hậu thuẫn hôm thứ Năm cho biết nguy cơ nạn đói đang gia tăng mỗi ngày.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn