Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 25 -11 -2023

Thứ Bảy, 25 Tháng Mười Một 20233:30 SA(Xem: 1013)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 25 -11 -2023
HoaLuc 7
**************

Ukraine có bế tắc không?

Trong khi không ít chuyên gia cho rằng Ukraine đang bế tắc trên chiến trường, một số nhà quan sát lại nhận định Kiev vẫn đang giành được thành công trên biển.

Tàu chiến của Nga ở khu vực cảng Sevastopol, bán đảo Crimea - Ảnh: REUTERS

Tàu chiến của Nga ở khu vực cảng Sevastopol, bán đảo Crimea - Ảnh: REUTERS

Những tuần gần đây, nhiều chuyên gia tin rằng Ukraine đang rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, theo trang tin Asia Times, “bế tắc” không chỉ mang ý nghĩa tiêu cực.

Về mặt quân sự, “bế tắc” có thể cũng là dịp để Ukraine có thêm thời gian bổ sung kho đạn dược, hoặc mua thêm các hệ thống vũ khí quan trọng mới nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến.

Trong khi đó, về mặt ngoại giao, “bế tắc” cho phép cả hai bên kết nối và tăng cường quan hệ với các đồng minh.

Không bế tắc trên biển

Có ý kiến cho rằng giới quan sát đã “vô tình” bỏ sót mặt trận trên biển - khía cạnh vốn đã phát triển tương đối mạnh mẽ của Ukraine.

Theo những tuyên bố từ phía Kiev, Ukraine đã làm hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn 27 tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga, trong đó có cả soái hạm của hạm đội này là tàu tuần dương Moskva, nặng 11.000 tấn.

Ngoài ra phía Nga cũng vô tình để lộ điểm yếu khi di dời phần lớn các tàu của Hạm đội Biển Đen từ Sevastopol đến cảng Novorossiysk, khu vực đất liền thuộc Nga, do cảm thấy Sevastopol không còn an toàn sau hàng loạt đòn tấn công của Ukraine.

Những thành công mà Ukraine giành được ở Biển Đen dường như đang mang lại cho Kiev những lợi thế đáng kể về mặt chiến lược và cả chính trị, Asia Times nhận định.

Lấy Biển Đen làm bàn đạp

Mùa đông đến gần cũng là lúc các chuyên gia quân sự tin rằng Nga sẽ tấn công vào hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, tương tự chiến thuật Matxcơva đã sử dụng trong mùa đông năm ngoái.

Tuy nhiên, việc Nga di dời Hạm đội Biển Đen nằm xa Ukraine sẽ tạo ra các tác động tiêu cực đến việc lựa chọn chiến thuật lẫn công tác hậu cần của chính Matxcơva trong mùa đông này.

Trong khi đó các đòn đáp trả của Ukraine nhằm vào các tài sản của Nga ở Biển Đen như các tàu chiến, nhà máy đóng tàu, trung tâm chỉ huy và các điểm phòng không, lại thành công ngoài mong đợi.

Ukraine đã liên tục tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea - nơi có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng.

Giới phân tích cho rằng dù Ukraine khó mở ra cơ hội trực tiếp mới để sớm giành lại quyền kiểm soát Crimea, song việc Kiev liên tục tấn công vào đây buộc Matxcơva phải dành sự quan tâm và chia sẻ nguồn lực để bảo vệ khu vực này. 

Nói cách khác, các cuộc tấn công của Ukraine vào Crimea sẽ ảnh hưởng tới chiến lược tổng thể của Matxcơva.

Ukraine vẫn thu hút các nhà xuất khẩu nhờ Biển Đen

Các tàu chở hàng ở cảng Odessa, Ukraine - Ảnh: ASIA TIMES

Các tàu chở hàng ở cảng Odessa, Ukraine - Ảnh: ASIA TIMES

Kiev đã hoàn tất thỏa thuận với 14 công ty bảo hiểm của Anh, cho phép chiết khấu phí bảo hiểm nhờ vào cơ chế hỗ trợ tài chính của nhà nước.

Theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, thỏa thuận trên sẽ giúp các nhà xuất khẩu sản phẩm của Ukraine có thể giảm chi phí bảo hiểm rủi ro quân sự. Điều này giúp “hành lang thương mại” Biển Đen càng dễ tiếp cận với các nhà xuất khẩu hơn.

Các đồng minh chủ chốt của Kiev, trong đó có Anh, dường như đã nhận ra lợi thế Ukraine hiện nắm giữ ở Biển Đen.

Bất chấp sự bế tắc trên đất liền, những thành công của Ukraine trên biển sẽ góp phần đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế của nước này về lâu dài.


************
rfi.fr

Chiến tranh Ukraina : Kiev hứng chịu đợt tấn công bằng drone « quy mô » nhất từ đầu cuộc chiến

Thanh Hà

Cho đến sáng sớm ngày hôm nay 25/11/2023, thủ đô Ukraina tiếp tục đối mặt với các đợt tấn công bằng drone mang theo thuốc nổ. Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Nga sử dụng hơn 70 drone tự sát do Iran chế tạo nhắm vào lãnh thổ Ukraina. Kiev là mục tiêu chính.

Đăng ngày:

2 phút

Theo thông cáo của quân đội Ukraina, Nga đã huy động 75 drone trong đợt tấn công nhắm vào Kiev, Soumy, Dnipropetrovsk, Zaporijia, Mykolaïv và Kirovohrad vào đêm qua, 71 trong số đó đã bị bắt hạ. Đây là một số lượng « cao chưa từng thấy » kể từ đầu cuộc chiến hồi tháng 2/2022.

Theo đô trưởng Kiev Vitali Klitschko, đợt tấn công dồn dập đêm qua làm ít nhất 5 người bị thương, nhiều cơ sở hạ tầng tại thủ đô Ukraina bị hư hại. Một nhà trẻ bị cháy. Gần 200 tòa nhà, trong đó có 77 chung cư, bị mất điện sau đợt tấn công đêm qua.

Đây là đợt tấn công bằng drone « quy mô nhất » kể từ khi Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina và sự kiện diễn ra vào lúc Ukraina tưởng niệm nạn nhân thảm họa Holodomor năm 1932-1933 gây ra nạn đói kinh hoàng, khiến hàng triệu người thiệt mạng. Kiev và khoảng 30 quốc gia trên thế giới xem đó là một đợt diệt chủng do chính quyền Stalin tiến hành. Chính quyền Liên Xô khi đó muốn « bóp chết mọi ý đồ độc lập của Ukraina ».

Canada-Liên Âu : Điểm tựa vững chắc của Ukraina 

Tiếp các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu Charles Michel và Ursula von der Leyen, hôm 24/11/2023 tại Saint John’s, miền đông Canada, thủ tướng Justin Trudeau thông báo cung cấp thêm hơn 11.000 khẩu súng trường và hơn 9 triệu đầu đạn cho Kiev. Bruxelles và Ottawa khẳng định « luôn sát cánh với Ukraina khi nào còn cần ».

Viện trợ quân sự của Canada cho Ukraina lên tới 1,8 tỷ đô la. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thì nhắc lại đến nay Liên Âu đã đào tạo cho hơn 30.000 lính Ukraina và mục tiêu sắp tới là bảo đảm chương trình huấn luyện cho 40.000 người.

Trong khi đó, báo Mỹ Washington Post số ra ngày 24/11/2023 đưa tin Nga đàm phán với Trung Quốc về một dự án xây dựng một đường hầm dưới lòng Biển Đen, nối liền lãnh thổ của Nga với bán đảo Crimée. Dự án này nảy sinh từ mối lo tăng cường an ninh cho cây cầu bắc qua eo biển Kertch, con đường « huyết mạch » để Nga tiếp viện cho quân đội đang chiến đấu tại Ukraina. Cầu Kertch đã nhiều lần bị quân đội Ukraina tấn công và bị hư hại.


**********
rfi.fr

Israel-Hamas: Sẽ có thêm con tin và tù nhân được trả tự do trong ngày thứ hai hưu chiến

Thanh Phương

Hôm nay, 25/11/2023, ngày thứ hai hưu chiến tại dải Gaza theo thỏa thuận giữa Israel và Hamas, trên nguyên tắc sẽ có thêm 14 con tin ở Gaza được phong trào Hồi Giáo Palestine trả tự do và 42 tù nhân Palestine được phóng thích từ các nhà tù Israel, theo thông báo của chính quyền Tel-Aviv. 

Đăng ngày:

2 phút

Theo thỏa thuận hưu chiến 4 ngày, tổng cộng 50 con tin và 150 tù nhân Palestine sẽ được thả. Trước mắt, hôm qua, 13 con tin Israel cùng với 10 người Thái Lan và 1 người Philippines đã được phía Hamas giao cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế để đưa sang Israel qua ngỏ Ai Cập. Từ Jerusalem, thông tín viên Michel Paul gởi vềz bài tường trình chiều qua: 

“Tuy mất nhiều thời gian hơn dự kiến, nhưng giai đoạn đầu tiên của chiến dịch mà Israel gọi là “Những cổng Trời” đã thành công. Hiện giờ, toàn bộ các con tin được trả tự do đã được đưa sang lãnh thổ Israel và đang trên đường đến các bệnh viện, nơi họ sẽ được gặp gia đình. Toàn bộ 24 người có vẻ vẫn mạnh khỏe. Họ sẽ được khám sức khỏe. Riêng những người lớn sẽ được thẩm vấn về an ninh.

Mười ba con tin Israel đều là phụ nữ và trẻ em, đa số bị bắt tại công xã Do Thái (kibbutz) Nir Oz ngày 07/10. Ngoài ra, 10 người Thái Lan và một người Philippines là công nhân nông nghiệp tại các kibbutz ở biên giới cũng đã được phóng thích. Việc trả tự do cho những người này đã được Iran và Ai Cập thương lượng riêng mà không cần trao đổi gì. 

Về phía Israel, cuộc trao đổi đã được hoàn tất, với việc phóng thích 24 phụ nữ và 15 thiếu niên bị giam ở Israel.”

Sau khi đợt con tin đầu tiên được thả, hôm qua tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh đây chỉ là bước khởi đầu, nhưng hiện giờ mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Trong bài phát biểu ngắn, tổng thống Hoa Kỳ cũng cho rằng “có nhiều cơ may” kéo dài thời gian hưu chiến. 

Theo lời phát ngôn viên quân đội Israel, hiện còn khoảng 215 con tin đang bị cầm giữ ở Gaza. Trong số này, theo bộ Ngoại Giao Thái Lan hôm nay, vẫn còn 20 công dân Thái Lan.


**********
rfi.fr

Philippines và Úc tuần tra chung trên biển và trên không

Thanh Phương

Úc và Philippines hôm nay, 25/11/2023, thông báo đã bắt đầu các cuộc tuần tra trên biển và trên không ngoài khơi Philippines trong bối cảnh hai nước đang tăng cường hợp tác quốc phòng trước thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương. 

Đăng ngày:

2 phút

(Ảnh minh họa chụp tại cảng Sài Gòn, Việt Nam, ngày 19/04/2018) - Chiến hạm HMAS Toowoomba của Úc, được điều đến tham gia một cuộc tập trận chung với Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila ở Biển Đông.
(Ảnh minh họa chụp tại cảng Sài Gòn, Việt Nam, ngày 19/04/2018) - Chiến hạm HMAS Toowoomba của Úc, được điều đến tham gia một cuộc tập trận chung với Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila ở Biển Đông. AP - Van Khoa

Theo hãng tin AFP, trong một bản tuyên bố chung, lãnh đạo bộ Quốc Phòng của Úc và Philippines khẳng định đợt tuần tra chung kéo dài 3 ngày nhằm chứng tỏ “cam kết bảo đảm tự do hàng hải và hàng không theo đúng luật pháp quốc tế”. Riêng tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. thì cho rằng đợt tuần tra chung “biểu hiện cụ thể cho mối quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng ngày càng chặt chẽ giữa hai nước”.

Tham gia cuộc tập trận chung này, Philippines huy động 2 tàu hải quân và 5 phi cơ giám sát, còn phía Úc điều chiến hạm HMAS Toowoomba và phi cơ giám sát biển P-8A đến vùng biển Philippines. 

Theo lời phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Philippines, đợt tuần tra chung trên biển được tiến hành bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

AFP nhắc lại là vào tháng 9 vừa qua, thủ tướng Úc Anthony Albanese và tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ký hiệp định thiết lập đối tác chiến lược để mở rộng hợp tác song phương ra nhiều lĩnh vực từ an ninh quốc phòng đến giáo dục và chống biến đổi khí hậu.

Đợt tuần tra chung Philippines - Úc diễn ra sau một đợt tuần tra tương tự giữa Philippines và Hoa Kỳ cách đây vài ngày tại vùng Biển Đông mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ. 

Các cuộc tuần tra này được tiến hành sau những căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh tại khu vực mà hai nước tranh chấp ở Biển Đông.


*******

Nga dọa đáp trả nếu châu Âu lập 'khối Schengen quân sự'

Điện Kremlin cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu châu Âu lập "khối Schengen quân sự" sau khi chỉ huy hậu cần của NATO đề cập tới ý tưởng này.

Trung tướng Alexander Sollfrank, lãnh đạo bộ chỉ huy phụ trách hậu cần của NATO, ngày 23/11 cho biết mong muốn "khối Schengen quân sự" được thiết lập, đề cập khu vực cho phép các lực lượng vũ trang di chuyển tự do tương tự khối Schengen tại châu Âu.

Tướng Sollfrank cho rằng các thủ tục hành chính đang cản trở NATO điều chuyển lực lượng tại châu Âu và có thể gây chậm trễ lớn nếu nổ ra xung đột giữa liên minh và Nga.

auto-user-sync?_fw_gdpr=0&_fw_gdpr_consent=user-matching?id=2545&_fw_gdpr=0&_fw_gdpr_consent=

Trong cuộc họp báo ngày 24/11, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Nga sẽ đáp trả nếu đề xuất thiết lập "khối Schengen quân sự" trở thành hiện thực. "Châu Âu không muốn chú ý đến những lo ngại của chúng tôi", ông Peskov cho biết. "Họ nói về an ninh của mình để gây bất lợi cho chúng tôi".

Xe tăng M1A1 của Mỹ chuyển tới Đức để huấn luyện binh sĩ Ukraine ngày 13/5. Ảnh: US Army

Xe tăng M1A1 của Mỹ chuyển tới Đức để huấn luyện binh sĩ Ukraine ngày 13/5. Ảnh: US Army

"Tôi muốn nhấn mạnh rằng NATO liên tục chuyển cơ sở tới gần biên giới của chúng tôi. Nga không tiến sát cơ sở của NATO, chính liên minh này đang tiến về chúng tôi. Điều này gây ra mối lo ngại cho chúng tôi và dẫn đến các biện pháp đối phó để đảm bảo an ninh của Nga", ông Peskov cho biết.

Theo ông Peskov, NATO từng coi Nga là "kẻ thù trên danh nghĩa". "Bây giờ họ coi chúng tôi là kẻ thù rõ ràng. Hành động này không khác gì xúi giục căng thẳng tại châu Âu và sẽ dẫn tới hệ lụy", phát ngôn viên Điện Kremlin cảnh báo.

Khối Schengen được thành lập tháng 3/1995, là khu vực đi lại tự do lớn nhất thế giới gồm 27 quốc gia, trong đó có 23 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Khu vực này bãi bỏ nhiều hình thức kiểm soát biên giới.

Sáng kiến về "khối Schengen quân sự" được một số chính trị gia từ các nước vùng Baltic nêu ra vào năm 2017, nhằm cho phép các đoàn xe quân sự di chuyển khắp châu Âu với một giấy phép duy nhất.

Nỗ lực xây dựng "khối Schengen quân sự" trở thành nhiệm vụ chính của chương trình Hợp tác Cơ cấu Lâu dài (PESCO) của EU được bắt đầu cùng năm để tăng cường hợp tác quốc phòng.

Các quốc gia thuộc khối Schengen. Đồ họa: AXA

Các quốc gia thuộc khối Schengen. Đồ họa: AXA

PESCO đưa ra các dự án mở rộng và củng cố hạ tầng giao thông ở châu Âu, trong đó có đường bộ, đường sắt, đường hầm, cảng và sân bay. Các dự án này nhằm mục đích cho phép dùng nhiều tuyến giao thông để vận chuyển thiết bị quân sự hạng nặng và cỡ lớn. Các nước châu Âu cũng thảo luận phương án thống nhất quy định về vận chuyển vật tư quân sự và các loại hàng hóa nguy hiểm, đặc biệt là chất nổ.

Sáng kiến được NATO hỗ trợ tích cực, tương tác giữa liên minh quân sự và EU tăng đáng kể từ khi chương trình PESCO được triển khai. Tuy nhiên, tiến bộ của chương trình tới nay được đánh giá là không đáng kể. Bộ chỉ huy hậu cần do tướng Sollfrank đứng đầu, được thành lập tháng 9/2021, chưa thể đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề.

"Chúng ta sắp hết thời gian. Những gì chúng ta không thể làm trong thời bình sẽ không thể sẵn sàng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh", tướng Sollfrank ngày 23/11 cho biết.

Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ NATO, cảnh báo "chúng ta có rất nhiều quy định, nhưng thứ chúng ta không có là thời gian". "Chiến sự Nga - Ukraine được chứng minh là cuộc xung đột tiêu hao và đó là cuộc đối đầu về năng lực hậu cần", ông Bauer nói.

Nguyễn Tiến (Theo TASS, Reuters)


************
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) - Matxcơva khẳng định đã bắn hạ 16 drone của Ukraina ở miền nam nước Nga  và bán đảo Crimée. Bộ Quốc Phòng Nga hôm 24/11/2023 cho biết trong đêm qua rạng sáng nay đã phá vỡ âm mưu của Kiev dùng drone tấn công khủng bố nhắm vào nhiều địa điểm trên lãnh thổ Liên bang Nga. 13 drone của Ukraina bị bắn hạ trên bầu trời bán đảo Crimée và 3 drone khác tại khu vực Volgograd miền nam nước Nga. Phía Ukraina thông báo đã bắn hạ được 3 drone của Nga.  

(AFP) - Thị trưởng New York Eric Adams bị kiện về vụ tấn công tình dục một phụ nữ cách nay 30 năm. Vụ kiện được báo chí Mỹ tiết lộ vào hôm 23/11/2023, nhưng thị trưởng New York Eric Adams, 63 tuổi, đã bác bỏ. Theo The Messenger và New York Post, khi việc xảy ra năm 1993, Eric Adams là cảnh sát. Cả ông và người được cho là nạn nhân khi đó đều làm việc cho thành phố.Người phụ nữ đệ đơn kiện thị trưởng New York đòi bồi thường 5 triệu đô la.

(AFP) - Sách văn học quý hiếm tiếng Nga bị đánh cắp từ các thư viện Đông Âu trị giá đến 2 triệu euro. Tổng thống Litva hôm 23/11/2023 hy vọng những kẻ trộm những cuốn sách hiếm tiếng Nga từ các thư viện lớn, chủ yếu là các tác phẩm văn học cổ điển Nga thế kỷ XIX, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. 17 cuốn sách tiếng Nga bị lấy đi hồi tháng 05/2023 từ thư viện Đại học Vilnius của Litva trị giá lên đến 440.000 euro, trong đó có cả những tác phẩm văn học của Pouchkine. Sau Litva, Estonia, gần đây tủ sách thư viện đại học Vacxava, Ba Lan, bị mất 79 cuốn sách, trị giá lên tới 1 triệu euro. Theo các chuyên gia, những cuốn sách bị đánh cắp đã được trông thấy ở Nga, thậm chí còn được bán đấu giá ở Matxcơva.

(Reuters) - Tranh cử tổng thống Đài Loan: Các đảng phái đối lập - ủng hộ cải thiện quan hệ với Bắc Kinh - không chọn được ứng viên chung. Hôm 23/11/2023, nỗ lực cuối cùng cử ứng viên chung của hai đảng đối lập chính, Quốc Dân Đảng và đảng Nhân Dân Đài Loan (TPP)  đã thất bại, cho dù hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục hợp tác chống đảng Dân Tiến cầm quyền. Nỗ lực diễn ra ít giờ trước khi hạn đăng ký tranh cử kết thúc. Ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) sẽ là ứng viên tranh cử Quốc Dân Đảng, và ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je) là ứng viên của đảng Nhân Dân Đài Loan. Tỉ phủ Terry Gou (nhà sáng lập tập đoàn Foxconn) – người trung gian đàm phán giữa hai đảng đối lập – tuyên bố không tranh cử tổng thống như dự kiến.

(AFP) - Bạo động tại Ireland sau vụ tấn công bằng dao khiến 5 người bị thương, trong đó có ba trẻ em. Bạo động diễn ra tối hôm qua, 23/11/2023, tại thủ đô Dublin. Nhiều xe hơi bị đốt, cửa hàng bị cướp phá. Cảnh sát bắt giữ hơn 30 người. Cảnh sát quy cho cực hữu đứng sau bạo động. Nhiều người biểu tình với khẩu hiệu ‘‘"Irish Lives Matter’’ (Mạng người Ireland là quý giá). Thủ tướng Leo Varadkar gọi vụ bạo động này là một ‘‘nỗi ô nhục với Ireland’’. Thủ phạm vụ tấn công đã bị bắt giữ, các nhà điều tra loại trừ nguyên nhân khủng bố.

(AFP) - Đại diện đặc biệt Liên Âu về nhân quyền đến Cuba: Vụ đàn áp năm 2021 là một trọng tâm. Đại diện Liên Âu (EU) về nhân quyền, Eamon Gilmore, công du La Habana hai ngày, kể từ 23-24/11/2023. Nhà ngoại giao người Ireland đồng chủ trì đối thoại Liên Âu – Cuba về nhân quyền. Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác Cuba – EU, có hiệu lực từ 2017. Đại diện của châu Âu có kế hoạch nêu với Cuba về ‘‘tình hình trước, trong và các cuộc biểu tình hồi tháng 7/2021’’. Ngày 11/07/2021, hàng nghìn người Cuba xuống đường yêu cầu cải thiện điều kiện sống và nhiều quyền tự do.  Ít nhất 500 người bị bắt, trong đó có người bị kết án đến 25 năm tù.


************

Hàn Quốc chỉ ra điểm bất thường trong vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên


Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng đây có thể là hành động phá hủy có chủ đích để ngăn cản việc phục hồi. Các chuyên gia cho biết, việc thu hồi các bộ phận của tên lửa có thể cung cấp thông tin tình báo có giá trị về khả năng và thành phần của nó. 

Triều Tiên phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào quỹ đạo ngày 21/11, sau 2 lần thất bại trước đó.  

Đoạn video do một máy quay chuyên dùng để quan sát sao băng của Đại học Yonsei, Hàn Quốc ghi lại. Các nhà phân tích cho biết, video cho thấy tên lửa Chollima-1 bay qua bầu trời và có một giai đoạn tách ra. Giai đoạn thấp hơn của tên lửa mất vài giây để tách rồi sau đó nổ tung, tạo ra một đám mây các mảnh vỡ. 

Byun Yong-Ik, giáo sư thiên văn học tại Đại học Yonsein nhận định: "Lần này có vẻ như Triều Tiên đã kích nổ giai đoạn đẩy đầu tiên giữa không trung. Cách này chưa từng diễn ra trong các lần phóng trước đó và nó có thể là nỗ lực ngăn nhà chức trách Hàn Quốc và Mỹ khôi phục bộ phận này vì nó được trang bị động cơ mới". 

Marco Langbroek, chuyên gia vệ tinh tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan cho biết, đoạn video cho thấy giai đoạn thứ nhất và thứ hai của tên lửa. Giai đoạn đầu tiên nổ tung sau khi tách giai đoạn thứ hai. "Điều này chắc chắn là bất thường”, ông Marco nói đồng thời lưu ý rằng hầu hết các giai đoạn tên lửa đều rơi xuống biển.

Chuyên gia này cũng cho biết, không thể biết chắc chắn đó là cố ý hay vô tình, nhưng Triều Tiên nói đã sử dụng cơ chế tự hủy trong lần phóng vệ tinh vào tháng 8 như một biện pháp an toàn sau khi tên lửa thất bại.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc báo cáo trước quốc hội nước này rằng quân đội đang tìm cách tìm kiếm và trục vớt các mảnh vỡ từ tên lửa.
***********
voatiengviet.com

Nhiều con tin, gồm cả 12 người Thái Lan, được trả tự do ở Gaza

Reuters

Các con tin phụ nữ và trẻ em Israel đầu tiên - thuộc diện được thả theo thỏa thuận ngừng bắn đầu tiên trong cuộc chiến với Hamas - đã được trả tự do vào thứ Sáu 24/11, các kênh truyền hình Israel đưa tin. Thái Lan cũng cho biết 12 người lao động Thái Lan cũng đã được thả.

Truyền thông Israel tường thuật rằng các con tin Israel đã được giao cho Hội Chữ thập Đỏ và một đội an ninh Ai Cập. Reuters chưa thể kiểm chứng ngay thông tin này.

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng 12 người lao động Thái Lan đã được thả ở Gaza. Một nguồn tin được nghe báo cáo về các cuộc đàm phán nói rằng việc thả những người Thái Lan, tất cả đều là nam giới, không liên quan đến các cuộc đàm phán về ngừng bắn và diễn ra sau một cuộc đàm phán riêng rẽ với Hamas do Ai Cập và Qatar làm trung gian.

Theo các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 4 ngày giữa Israel và Hamas, 13 phụ nữ và trẻ em là nhóm người đầu tiên được thả, họ nằm trong số khoảng 240 con tin bị các chiến binh Hamas bắt giữ trong một cuộc tàn sát ở miền nam Israel vào ngày 7/10.

Theo thỏa thuận, họ được trả tự do với sự trợ giúp của Hội Chữ thập Đỏ và một đội an ninh Ai Cập lúc 4 giờ chiều, giờ địa phương. (tức 14h00, giờ chuẩn quốc tế GMT), sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực được 9 tiếng, và họ được đưa bằng máy bay về nước dưới sự bảo vệ của quân đội.

Đổi lại, Israel sẽ thả 39 người Palestine đầu tiên ra khỏi nhà tù vào ngày 24/11, trong đó có 24 phụ nữ và 15 thanh thiếu niên.

Tổng cộng 50 con tin và 150 tù nhân Palestine sẽ được trả tự do theo thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 4 ngày, mặc dù vậy, Israel cho hay lệnh ngừng bắn có thể được gia hạn nếu Hamas tiếp tục thả con tin với tốc độ ít nhất 10 người mỗi ngày. Một nguồn tin Palestine nói rằng có thể có tới 100 con tin sẽ được trả tự do.

Trước đó trong cùng ngày 24/11, giao tranh giữa quân đội Israel và các chiến binh Hamas đã dừng lại lần đầu tiên sau 7 tuần khi hai bên thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tạm thời trước khi thả con tin.

Cả hai đều nói rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục ở mức tối đa ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực.


************
voatiengviet.com

Đoàn xe Myanmar cháy ở biên giới với Trung Quốc khi đại sứ nước này họp với phía Myanmar

Reuters

Một đoàn xe tải chở hàng hóa từ Trung Quốc vào Myanmar đã bốc cháy, truyền thông nhà nước vào ngày thứ Sáu 24/11 cho rằng đây là một cuộc tấn công của phe nổi dậy. Vụ này càng làm gia tăng tình trạng bất ổn khiến nước láng giềng Trung Quốc lo ngại.

Vụ cháy xảy ra ở thị trấn Muse cùng lúc đại sứ Trung Quốc tại Myanmar gặp các quan chức hàng đầu ở thủ đô Myanmar để hội đàm về tình hình biên giới sau khi có những dấu hiệu gần đây cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang rơi vào tình trạng căng thẳng hiếm thấy.

Tờ Global New Light của nhà nước Myanmar đưa tin: “Do hành động khủng bố này … khoảng 120 trong số 258 xe chở hàng gia dụng, hàng tiêu dùng, quần áo và vật liệu xây dựng đã bị lửa thiêu rụi”. Báo này đề cập đến một liên minh đối lập, là khối đã phát động một cuộc tấn công chống lại chính quyền cách đây một tháng.

Li Kyar Win, phát ngôn viên của một trong số các lực lượng nổi dậy, phủ nhận việc đốt đoàn xe và nói rằng họ không tiến hành các cuộc tấn công "hủy hoại lợi ích của người dân".

Quân đội Myanmar đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn và tiền đồn quân sự ở miền đông bắc và các nơi khác trên khắp đất nước, giữa lúc nước này phải vật lộn với cuộc tấn công phối hợp lớn nhất mà họ phải đối mặt kể từ khi nắm quyền bằng đảo chính hồi năm 2021.

Liên Hiệp Quốc cho hay hơn 2 triệu người đã mất nhà cửa ở các vùng khác nhau trên đất nước do giao tranh gia tăng.

Trung Quốc lâu nay kêu gọi hòa bình và ổn định ở Myanmar. Tình trạng bất ổn mới đây nhất đã xảy ra khi đại sứ nước này, Chen Hai, đang gặp Than Swe, ngoại trưởng do quân đội Myanmar bổ nhiệm, và các quan chức quân sự ở thủ đô Naypyitaw.

Truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin họ đã thảo luận về "quan hệ song phương, tiếp tục thực hiện các dự án song phương cùng có lợi" và "hợp tác trong hòa bình, ổn định và pháp quyền dọc biên giới".

Trung Quốc đã ủng hộ giới quân đội Myanmar kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 2021 nhưng chính quyền Trung Quốc trong nhiều năm đã có mối quan hệ xuyên biên giới phức tạp với các phe phái ở miền đông bắc Myanmar vốn thường nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương.

Chính quyền Myanmar từ lâu đã nghi ngờ Trung Quốc có can thiệp theo hướng hỗ trợ cho một số phe phái nổi dậy.

Vào cuối tuần qua, trong một cuộc biểu tình hiếm hoi ở Myanmar kể từ cuộc đàn áp sâu rộng những người bất đồng chính kiến, hàng chục người biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố chính Yangon với các biểu ngữ và áp phích chỉ trích Bắc Kinh.

“Chúng tôi yêu cầu chính phủ Trung Quốc không hỗ trợ các nhóm khủng bố ở miền bắc”, một trong những tấm áp phích của họ viết bằng tiếng Anh.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 28 Tháng Mười Hai 20234:26 SA
Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 202310:31 SA
Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai 20237:04 SA
Chủ Nhật, 24 Tháng Mười Hai 20235:42 SA
Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Hai 20237:34 SA
Thứ Sáu, 22 Tháng Mười Hai 20237:57 SA
Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 202312:38 SA
Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai 20233:43 SA