Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

  • Tác giả, Paul Kirby & Anna Holligan
  • Vai trò, BBC News, The Hague

Geert Wilders, nhà lãnh đạo kỳ cựu theo chủ nghĩa dân túy, bài Hồi giáo vừa giành chiến thắng kịch tính trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan, với gần như toàn bộ số phiếu đã được kiểm.

Sau 25 năm có mặt trong Quốc hội, đảng Tự do (PVV) của ông dự kiến sẽ ​​giành được 37 ghế, bỏ xa đối thủ gần nhất là liên minh cánh tả.

“PVV nay không thể bị phớt lờ nữa," ông nói. “Chúng tôi sẽ nắm quyền.”

Chiến thắng của ông đã làm rung chuyển nền chính trị Hà Lan, và kết quả này cũng sẽ gây chấn động toàn châu Âu.

Nhưng để thực hiện cam kết trở thành "thủ tướng của mọi người", ông sẽ phải thuyết phục các đảng khác tham gia liên minh với mình. Mục tiêu của ông là giành được 76 trong tổng số 150 ghế ở Quốc hội.

Tại một cuộc họp của đảng hôm thứ Năm, ông Wilders, 60 tuổi, đã được các đảng viên cổ vũ và nâng cốc chúc mừng trong một căn phòng chật kín máy quay TV.

Ông nói với BBC rằng "tất nhiên" ông sẵn sàng đàm phán và nhượng bộ với các đảng khác để trở thành thủ tướng.

Lãnh đạo PVV đã giành chiến thắng sau khi khai thác sự thất vọng lan rộng về vấn đề di cư, hứa hẹn "đóng cửa biên giới" và giữ lời hứa cấm kinh Koran.

Ông say sưa tâm trạng chiến đấu trong bài phát biểu chiến thắng: "Chúng tôi muốn cầm quyền và... chúng tôi sẽ cầm quyền. [Số ghế] là một lời khen ngợi to lớn nhưng cũng là một trách nhiệm to lớn."

Trước kỳ bỏ phiếu, ba đảng lớn khác đã từ chối tham gia vào chính phủ do Wilders lãnh đạo vì các chính sách cực hữu của ông. Nhưng nay, điều đó có thể thay đổi bởi mức thắng lớn mà ông đã giành được.

Liên minh cánh tả dưới sự lãnh đạo của cựu ủy viên EU Frans Timmermans về vị trí thứ hai với khoảng cách bị bỏ xa, chỉ giành được 25 ghế, theo kết quả dự đoán dựa trên 94% phiếu bầu đã được kiểm.

Ông nói rõ rằng ông sẽ không dính dáng gì đến chính phủ do ông Wilders lãnh đạo, hứa sẽ bảo vệ nền dân chủ và pháp quyền của Hà Lan. “Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai ở Hà Lan phải ra đi. Ở Hà Lan mọi người đều bình đẳng,” ông nói với những người ủng hộ.

Điều này mở cơ hội cho đảng VVD theo đường lối tự do trung hữu đứng thứ ba do tân lãnh đạo Dilan Yesilgöz dẫn dắt, và một đảng hoàn toàn mới do nghị sĩ Pieter Omtzigt thành lập về vị trí thứ tư - cả hai đều chúc mừng ông về kết quả bầu cử.

Mặc dù bà Yesilgöz nghi ngờ về việc ông Wilders có thể tìm kiếm được đủ số ghế mà ông cần, nhưng bà nói rằng việc đảng của bà sẽ có thái độ thế này nay tùy thuộc vào các đồng nghiệp trong đảng. Trước cuộc bầu cử, bà khẳng định sẽ không phục vụ trong nội các do Wilders lãnh đạo, nhưng không loại trừ việc hợp tác với ông nếu bà thắng.

Ông Omtzigt cho biết ban đầu đảng Tân Khế ước Xã hội của ông sẽ không hợp tác với ông Wilders, nhưng bây giờ nói rằng họ "sẵn sàng biến niềm tin này [của cử tri] thành hành động".

Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Dilan Yesilgöz từng được cho là có khả năng trở thành thủ tướng, nhưng các kết quả thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy bà không giành được đủ tỷ lệ ủng hộ

Chiến thắng của Wilders sẽ gây chấn động khắp châu Âu, vì Hà Lan là một trong những thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu.

Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc và cực hữu trên khắp châu Âu đã ca ngợi thành tích của ông. Tại Pháp, ông Marine Le Pen cho biết điều đó "khẳng định sự gắn bó ngày càng tăng với việc bảo vệ bản sắc dân tộc".

Ông Wilders muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý "Nexit" để rời khỏi EU, mặc dù ông thừa nhận rằng cả nước không có tâm lý thực hiện điều đó. Ông sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục bất kỳ đối tác liên minh tiềm năng lớn nào ủng hộ ý tưởng đó.

Ông đã giảm bớt luận điệu chống Hồi giáo của mình trước cuộc bỏ phiếu, nói rằng hiện tại có nhiều vấn đề cấp bách hơn và ông đã sẵn sàng "cấp đông" các chính sách cấm nhà thờ Hồi giáo và trường học Hồi giáo.

Chiến lược này đã thành công, làm tăng gấp đôi số ghế mà đảng PVV của ông giành được trong Quốc hội.

BBC
Chụp lại hình ảnh,

Dự đoán của ANP về kết quả bầu cử Hà Lan tại thời điểm có 93% phiếu bầu đã được kiểm

Di dân đã trở thành một trong những chủ đề chính và ông Wilders hôm thứ Tư đã nói rõ rằng ông dự định giải quyết “cơn sóng thần tị nạn và nhập cư”.

Năm ngoái, số lượng người di cư ròng vào Hà Lan đã tăng hơn gấp đôi, lên tới 220.000 người, một phần là do những người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Nhưng vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do Hà Lan rơi vào tình trạng thiếu khoảng 390.000 căn nhà ở.

Tại trụ sở ở Hague của đảng VVD, những người ủng hộ bà Yesilgöz đã chuẩn bị nâng ly trước viễn cảnh bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Hà Lan.

Reuters

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Những người ủng hộ VVD đã tràn trề hy vọng, nhưng kết quả cho thấy đảng Tự do mới là đảng giành chiến thắng

Nhưng mọi người đã đều thấy ngạc nhiên khi kết quả các cuộc thăm dò ý kiến ngoài phòng phiếu ​​xuất hiện trên màn hình và họ cúi đầu xem điện thoại để cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra.

Bà Yesilgöz đảm nhận vị trí lãnh đạo trung hữu khi thủ tướng tại vị lâu nhất đất nước, Mark Rutte, rút ​​lui khỏi chính trường vào tháng 7. Là người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hà Lan từ năm bảy tuổi nhưng bà có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư.

Một số chính trị gia và các gương mặt Hồi giáo có tiếng cáo buộc nữ chính trị gia 46 tuổi này, người giữ chức bộ trưởng tư pháp trong chính phủ Rutte, đã mở cửa cho phe cực hữu khi không chịu loại trừ việc hợp tác với ông Geert Wilders.