Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 27 -10 -2023:

Thứ Sáu, 27 Tháng Mười 20235:06 SA(Xem: 1097)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 27 -10 -2023:
HoaLuc 6
*************
rfi.fr

Cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường qua đời vì đột quỵ

Anh Vũ

Truyền thông chính thức Trung Quốc hôm nay 27/10/2023, đưa tin cựu thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời vì đột quỵ ở tuổi 68. Làm thủ tướng hai nhiệm kỳ từ 2013 đến 2023, thời điểm kinh tế Trung Quốc đạt được nhiều thành công, nhưng ông Lý Khắc Cường vẫn được coi là người bị che lấp hoàn toàn bởi cái bóng quá lớn của chủ tịch Tập Cận Bình.

Đăng ngày:

2 phút

Cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/10/2022.
Cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 22/10/2022. © Ng Han Guan / AP

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin : 

Người dân Trung Quốc được tin cựu thủ tướng qua đời sáng sớm hôm nay qua đài Truyền hình Ttrung ương Trung Quốc (CCTV). Trong bộ đồ đen, nét mặt nghiêm trang, người dẫn chương trình truyền hình đọc bản tin của Tân Hoa Xã cho biết : Ông Lý Khắc Cường, 68 tuổi, đang sống tại Thượng Hải đã qua đời lúc 00 giờ 10 ngày 27/10 vì đột quỵ Một giờ sau, các tin ông qua đời đã được truy cập hơn 700 triệu lượt trên mạng xã hội Vi Bác (Weibo) cùng với hình biểu tượng bông hoa.

Ông Lý Khắc Cường đã rời khỏi chức vụ thủ tướng hồi tháng 3 năm nay, sau hai nhiệm kỳ. Đó là khoảng thời gian mà hiếm có một vị lãnh đạo chính phủ nào lại bị lấp dưới bóng của chủ tịch Trung Quốc nhiều như ông. Ông tự giới hạn mình, theo đúng quy định của Hiến Pháp, trong hoạt động quản lý kinh tế và các diễn đàn kinh doanh.

Dưới sự lãnh đạo của ông, kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản. Cũng giống như ông Tập Cận Bình, ông Lý Khắc Cường đã tham gia phong trào « thanh niên trí thức » được đưa về nông thôn trong Cách mạng Văn hóa. Có xuất thân khiêm tốn, ông là hiện thân của người cộng sản lý tưởng, tận tâm phục vụ nhân dân và tiến thân thành công là nhờ cần cù làm việc. Ông đã lọt vào trường đại học tốt nhất ở thủ đô. Con đường sự nghiệp của ông khác hẳn với hành trình của các « Hoàng tử đỏ », con ông cháu cha của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Chính sách mở cửa của Trung Quốc sẽ không thay đổi, người đứng đầu chính phủ mãn nhiệm đã tin tưởng nhắc lại trong cuộc họp báo cuối cùng vào tháng 3 năm ngoái, sau 3 năm đại dịch Covid và các hạn chế về y tế đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Như ông đã nói, người ta không thể thay đổi dòng chảy của sông Dương Tử.


***********
rfi.fr

Nga tiến gần Avdiivka, Ukraina sơ tán trẻ em ở 10 địa phương gần Kupiansk

Thu Hằng

CHIẾN TRANH UKRAINA

Miền đông Ukraina vẫn bị quân Nga gây sức ép. Chính quyền quân sự vùng Kharkiv (đông bắc Ukraina) « dự kiến sơ tán bắt buộc 275 trẻ em của 10 địa phương trong khu vực Kupiansk » nơi quân Nga phản công từ tháng 8. Còn ở vùng Donetsk (đông nam Ukraina), quân Nga tiếp tục tiến ở Krasnohorivka, chỉ cách Avdiivka 5 km về phía tây bắc.

Đăng ngày:

2 phút

Ảnh tư liệu : Một binh sĩ Ukraina tại Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 18/08/2023.
Ảnh tư liệu : Một binh sĩ Ukraina tại Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraina, ngày 18/08/2023. AP - LIBKOS

Ngày 26/10/2023, lãnh đạo quân sự Avdiivka thừa nhận « tình hình không dễ dàng » do Nga tấn công « 24 trên 24 giờ » vào các tiền đồn của Ukraina và thành phố. Tuy nhiên, theo bộ Tổng tham mưu Ukraina, quân Nga cũng thất bại ở gần bốn địa phương gần Avdiivka là Stepove, Tonenke, Sieverne và Nevelske.

Trong bản tin ngày 26/10, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh (ISW) tại Washington đánh giá những thiệt hại nặng nề về thiết bị quân sự có thể tác động về lâu dài đến khả năng phản công của quân Nga. Theo thống kê ngày 25/10 của đại tá Oleksandr Shtupun, người phát ngôn của Nhóm Lực lượng Tavriisk Ukraina (Ukrainian Tavriisk Group of Forces), từ ngày 10/10, phía Nga đã mất 5.000 quân và 400 xe bọc thép bị phá hủy trong các khu vực Avdiivka và Marinka. Dựa vào hình ảnh chụp từ vệ tinh, Viện ISW xác nhận được 109 xe quân sự Nga bị phá hủy gần Avdiivka từ ngày 10 đến 20/10.

Ngày 27/10, phía Matxcơva cáo buộc Ukraina dùng drone tấn công một nhà máy điện hạt nhân của Nga ở vùng biên giới Kursk, nhưng không gây thiệt hại. Trên mạng Telegram, cơ quan quản lý nhà máy điện cho biết « sự kiện (hôm 16/10) không gây ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy ».

Để tiếp tục cuộc chiến ở Ukraina, Hạ Viện Nga đã thông qua dự thảo ngân sách 2024-2026 trong lần xem xét đầu tiên. Theo dự kiến, ngân sách quốc phòng sẽ tăng 70% ngay trong năm 2024, chiếm đến 6% GDP, nhằm « hướng đến mục tiêu chính : bảo đảm chiến thắng của chúng ta », theo phát biểu của bộ trưởng Tài Chính Nga trước Hạ Viện.

Cùng ngày, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng thông báo viện trợ thêm 150 triệu đô la cho Ukraina, tập trung chủ yếu vào hệ thống phòng không, đạn dược và vũ khí chống tăng. Trong tuần này, « một nhóm nhỏ » phi công Ukraina đã bắt đầu khóa huấn luyện lái chiến đấu cơ F-16 tại căn cứ Không Quân Vệ binh Quốc gia Morris ở Tucson, bang Arizona. Theo AFP, Đan Mạch cũng thông báo viện trợ vũ khí thêm gần 500 triệu euro cho chính quyền Kiev nhằm khẳng định « sự ủng hộ không lay chuyển » của chính quyền Copenhagen.


**********
rfi.fr

Nga tiếp phái đoàn của Hamas và Iran thảo luận về tình hình Gaza

Thu Hằng

Nga thông báo đã thảo luận với đại diện của Hamas và Iran tại Matxcơva ngày 26/10/2023. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova khẳng định « các đại diện của phong trào Hồi Giáo Palestine (Hamas) đã có mặt ở Matxcơva », do Mussa Abu Marzuk dẫn đầu. Còn thứ trưởng Ngoại Giao Iran Ali Bagheri Kan đã hội đàm với đồng nhiệm Nga Mikhail Bogdanov về « tình trạng leo thang căng thẳng chưa từng có trong cuộc xung đột Israel-Palestine ».

Đăng ngày:

2 phút

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Mikhail Bogdanov tại Matxcơva, Nga, ngày 10/07/2023.
Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Mikhail Bogdanov tại Matxcơva, Nga, ngày 10/07/2023. AP - Natalia Kolesnikova

Thông tín viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Matxcơva :

« Truyền thông chính thức Nga rất kín tiếng, không nói một từ nào về những chủ đề được đề cập với nhà ngoại giao Iran. Không một thông tin chính thức nào trên lịch làm việc, cũng như nội dung, được công bố. Thông báo này chỉ được các hãng thông tấn Nga đưa ra. Một nguồn tin chính thức cho biết là cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề các con tin đang bị tổ chức Hồi Giáo Palestine bắt giữ.

Thứ trưởng Ngoại Giao kiêm đặc sứ của điện Kremlin về vấn đề Cận Đông từng thông báo cách đây hai tuần rằng « vấn đề này cần hoạt động ngoại giao kín đáo hơn là những tuyên bố rầm rộ ».

Từ vài ngày nay, báo chí tại Nga nhắc đến việc chính quyền nghiêm khắc đối với Hamas, phong trào mà Kremlin không coi là khủng bố. Thứ Ba vừa qua (24/10), khi được hỏi về vấn đề con tin hiện nằm trong tay Hamas, người phát ngôn của điện Kremlin đã kêu gọi trả tự do cho họ ngay lập tức mà không phân biệt quốc tịch ». Ông Dmitri Peskov nhấn mạnh : « Đó là lập trường kiên quyết của chúng tôi » ».

Israel cáo buộc Nga tiếp tay cho Hamas

Một nguồn tin ngoại giao Nga, được AFP trích dẫn, cho biết « Matxcơva và Teheran duy trì phối hợp chặt chẽ nhằm bình ổn tình hình ở Cận Đông » và nhắc lại « cần chấm dứt hoạt động thù nghịch bên trong và xung quanh dải Gaza, khẩn trương cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine bị tác động ».

Phía Israel đã kịch liệt lên án Matxcơva tiếp phái đoàn Hamas, coi đó là « một hành động thô bỉ, ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và hợp pháp hóa Hamas ». Lực lượng Hồi Giáo Palestine vẫn bị Israel cáo buộc là « tổ chức khủng bố kinh khủng hơn cả Daesh ». Trong thông điệp ngày 27/10 gửi đến điện Kremlin, được thông tín viên RFI tại Jerusalem trích dẫn, bộ Ngoại Giao Israel nhắc lại rằng những nhà lãnh đạo Hamas đó « nhúng tay » bắt cóc 220 con tin, trong đó có nhiều trẻ em và người cao tuổi.


**********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI
Tin tổng hợp.
Tin tổng hợp. © RFI

(Reuters) - Hội Đồng Bảo An không thông qua được các dự thảo nghị quyết về xung đột Israel - Gaza. Nga và Trung Quốc hôm qua, 25/10/2023, đã phủ quyết dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất. Dự thảo do Nga đệ trình cũng không thu đủ số phiếu để được thông qua. Đó đó, các nước Ả Rập đã triệu tập cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Phiên họp quy tụ 193 nước thành viên mở ra sáng hôm nay 26/10 và theo dự kiến ngày mai 27/10 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ biểu quyết dự thảo nghị quyết về xung đột Israel - Gaza.

(AFP) – Tân thủ tướng Slovakia thông báo ngưng chuyển vũ khí cho Ukraina. Tuyên bố được đưa ra vào hôm 26/10/2023, một ngày sau khi Robert Fico, một chính khách thân Nga, chính thức được chỉ định đứng đầu nội các liên minh. Phát biểu sáng nay, ông giải thích « duy trì viện trợ nhân đạo và trợ giúp thường dân Ukraina ». Đây là một tin xấu đối với Kiev, bởi Slovakia mà một trong những điểm tựa của Ukraina trong cuộc chiến chống Nga. Slovakia cung cấp chiến đấu cơ và hệ thống phòng không cho quân đội Ukraina. 

(AFP) - Mỹ - Nhật - Hàn ra thông cáo chung lên án Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Nga. Trong thông cáo chung hôm nay 26/10/2023, Seoul, Tokyo và Washington khẳng định Bình Nhưỡng đã nhiều lần chuyển vũ khí cho Matxcơva để quân Nga sử dụng trên chiến trường Ukraina. Theo các nước này, hệ quả là các cuộc tấn công của Nga gây nhiều thiệt hại nhân mạng hơn. Mỹ - Nhật - Hàn cũng tố cáo Bình Nhưỡng tìm kiếm sự hỗ trợ về quân sự để nâng cao năng lực của quân đội Bắc Triều Tiên.

(AFP) – Đài Loan: Trung Quốc đưa tàu sân bay Sơn Đông ra tây Thái Bình Dương. Hôm 26/10/2023, hàng không mẫu hạm Trung Quốc và các tàu hộ tống đã đi qua eo biển Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philippines. Còn tại Bắc Kinh, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cáo buộc đảng Dân Tiến cầm quyền « đẩy Đài Loan đến gần một cuộc chiến nguy hiểm ». Cáo buộc này được đưa ra sau khi có tin Đài Bắc chuẩn bị mua hàng ngàn drone quân sự để tự vệ. 

(RFI) - Tình trạng kỳ thị người da đen gia tăng trong Liên Hiệp Châu Âu. Theo báo cáo được Cơ quan châu Âu về các quyền cơ bản công bố hôm 25/10/2023, các hành vi kỳ thị người da đen ở 13 nước trong khối Liên Âu đã gia tăng trong giai đoạn 2016-2023. Tại 13 nước mà Cơ quan châu Âu về các quyền cơ bản tiến hành điều tra, tình trạng phân biệt đối xử người da đen xảy ra trong nhiều lĩnh vực, từ việc làm, đến chỗ ở …

(AFP) - Bão Otis tàn phá thành phố nghỉ mát nổi tiếng Acapulco ở miền tây nam Mêhicô. Sau khi bão Otis cấp 5 tràn qua hôm qua, 25/10/2023, Acapulco hiện vẫn bị cô lập với thế giới bên ngoài. Với sức gió lên tới 315km/giờ, cơn bão đã khiến nhiều khách sạn hạng sang và trung tâm thương mại chỉ còn trơ lại khung. Các chuyến bay bị hủy, không còn xe bus từ thủ đô Mexico City đến Acapulco. Hôm qua, một phần lớn thành phố Acapulco với 780.000 dân sinh sống đã bị cắt điện để đề phòng sự cố.

AFP) – Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-17 lên không gian. Trung Quốc, hôm nay 26/10/2023, đã đưa các phi hành gia mới lên trạm không gian Thiên Cung, trong khuôn khổ chương trình thám hiểm không gian, hướng tới việc đưa con người lên Mặt Trăng từ nay đến năm 2030. Tàu vũ trụ Thần Châu-17 được phóng từ bãi phóng Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc lúc 11 giờ, giờ địa phương.

(AFP) – Mỹ : Ford đạt thỏa thuận với nghiệp đoàn ô tô Hoa Kỳ sau 41 ngày đình công. Hôm qua, 25/10/2023, nghiệp đoàn ô tô Hoa Kỳ (UAW) và Ford đã đạt được một “thỏa thuận trên nguyên tắc”, được tổng thống Joe Biden ca ngợi là “lịch sử”. UAW cho biết thỏa thuận này bao gồm việc tăng 25% mức lương cơ bản và các khoản phụ cấp chi phí sinh hoạt. Thỏa thuận này còn phải được các nhân viên thông qua trong một cuộc bỏ phiếu diễn ra trong những tuần tới.

(RFI) - Paris và đại lộ Champs Elysée sẽ không là điểm đến của Tour de France 2024. Trong thông báo về lộ trình cuộc đua vào năm 2024, ngày 25/10/2023, ban tổ chức dự trù điểm xuất phát sẽ là thành phố Florence, Ý và điểm đến sẽ là thành phố biển Nice ở miền nam nước Pháp. Lý do là tránh để thủ đô Paris bị quá tải nhân mùa Olympic 2024. Cũng vì Thế Vận Hội Paris 2024 mà Tour de France sẽ được tổ chức sớm hơn mọi năm. Cuộc đua sẽ bắt đầu vào ngày 29/06/2024 và kết thúc ngày 21/07/2024. 

(AFP) – Hy Lạp khánh thành bảo tàng vinh danh ca sĩ Maria Callas. Thủ đô Athens của Hy Lạp, hôm nay 26/10/2023, đã khai trương một bảo tàng tôn vinh nữ danh ca huyền thoại Maria Callas, đánh dấu 100 năm ngày sinh của bà. Bảo tàng trưng bày hơn 1.300 hiện vật bao gồm những quyển vở thời học sinh của bà, trang phục khi hát opera và nhiều ảnh tư liệu. Tại buổi lễ khánh thành, thị trưởng Athens, Kostas Bakoyannis, tự hào phát biểu : “Diva vĩ đại, Maria Callas, đã trở về nhà.”


*************
rfi.fr

Xung đột Israel-Hamas: Pháp điều tàu bệnh viện đến hỗ trợ Gaza

Thanh Hà

Tại Cairo, Ai Cập, chặng cuối của chuyến công du Cận Đông, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua, 25/10/2023, thông báo điều một tàu bệnh viện và gửi trang thiết bị y tế đến hỗ trợ các bệnh viện ở Gaza. Trong 48 giờ qua, nguyên thủ Pháp đã hội kiến thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, tổng thống Palestine Mahmmoud Abbas, quốc vương Jordanie Abdallah và tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi. 

Đăng ngày:

2 phút

Tổng thống Pháp  Emmanuel Macron (T) họp báo chung với người đồng cấp Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi (P), Cairo, ngày 25/10/2023.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) họp báo chung với người đồng cấp Ai Cập, Abdel Fattah el-Sisi (P), Cairo, ngày 25/10/2023. © REUTERS

Ngay sau thông báo của ông Macron hôm qua, tàu bệnh viện Tonnerre đã rời cảng Toulon, miền nam nước Pháp, trực chỉ Gaza, với nhiệm vụ giải tỏa bớt áp lực cho các bệnh viện ở Gaza, đã bị quá tải sau các đợt oanh kích dồn dập của Israel để trả đũa loạt tấn công Hamas hôm 07/10/2023. Giải Gaza từ gần 20 ngày qua bị « phong tỏa hoàn toàn ».

Trong cuộc họp báo chung với tổng thống Ai Cập, ông Macron cho biết trong ngày hôm nay một chiếc máy bay đầu tiên của Pháp chở trang thiết bị y tế sẽ đáp xuống phi trường Cairo để chuyển giao cho Gaza. Theo lời giám đốc bệnh viện Shifah, lớn nhất ở Gaza, hiện tại 10 bệnh viện đã phải ngừng hoạt động, kho dự trữ thuốc men đã cạn đến 90 %.

Hội kiến tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm qua, Emmanuel Macron nhấn mạnh phong trào Hamas « không đại diện cho nhân dân Palestine », Paris ủng hộ « xã hội dân sự Palestine và Cơ Quan Quyền Lực Palestine ».

Tại mỗi chặng trong chuyến công du, từ Israel, Cisjordanie cho đến Jordanie và Ai Cập, tổng thống Pháp đều kêu gọi tìm kiếm một giải pháp chính trị để giải quyết xung đột ở Cận Đông, khởi động lại tiến trình hòa bình với mục đích thành lập một Nhà nước Palestine và bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập. Israel và Palestine « phải được quyền chung sống trong hòa bình và an ninh ». Ông Macron cũng đã nhấn mạnh: Mở một chiến dịch tấn công trên bộ « quy mô » vào Dải Gaza sẽ là một « sai lầm ». 

Kết thúc cuộc chạy đua với thời gian để tránh một thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza, tổng thống Emmanuel Macron trở về Bruxelles chiều nay để cùng với các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh trong hai ngày. Tình hình Cận Đông và viện trợ cho Ukraina là hai hồ sơ chính. Thượng đỉnh Liên Âu diễn ra vào lúc tân thủ tướng Slovaki Robert Foco vừa thông báo « ngừng chuyển giao vũ khí cho Ukraina ».


**************

Tiết lộ lý do khiến Israel trì hoãn tấn công tổng lực Dải Gaza

Tờ Wall Street Journal ngày 25-10 đưa tin các quan chức Mỹ đã thuyết phục Israel trì hoãn tấn công cho đến khi hệ thống phòng không của Mỹ có thể được triển khai trong khu vực, sớm nhất là vào cuối tuần này.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: AFP

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: AFP

Nhưng yêu cầu của Mỹ không phải là yếu tố duy nhất khiến Israel có thể trì hoãn tấn công vào Dải Gaza.

Tổn thất quân sự

Một quan chức cấp cao của Israel nói với kênh NBC rằng Thủ tướng Netanyahu vẫn chưa thống nhất được kế hoạch rút lui và cách thức mà lực lượng mặt đất Israel sẽ rời khỏi Dải Gaza. Cho đến nay, các cuộc họp vẫn chủ yếu tập trung vào các hoạt động quân sự hằng ngày.

Ông Robert Satloff - chuyên gia chính trị Ả Rập và Hồi giáo của Viện Washington - nói rằng các lãnh đạo chính trị, quân sự, an ninh của Israel đều biết họ "sẽ phải chịu một số trách nhiệm về sự kiện ngày 7-10" (khi Hamas tiến hành tấn công Israel). Các quyết định tiếp theo "là cơ hội cuối cùng để họ viết nên chương cuối" trong sự nghiệp chính trị của mình.

Ngoài ra, các quan chức và lãnh đạo Israel sẽ bị xem xét kỹ lưỡng khi nước này tiến hành điều tra những thất bại chính sách và tình báo đã dẫn đến cuộc tấn công hôm 7-10 của lực lượng Hamas.

Một yếu tố khác mà ông Netanyahu phải tính đến là thiệt hại cho chính lực lượng Israel khi đem quân tới Gaza. Nước này đã triệu tập 360.000 quân dự bị của lực lượng phòng vệ Israel và đã dàn hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép dọc theo biên giới Gaza.

Một quan chức an ninh cấp cao của Israel nói rằng họ "có nguy cơ rơi vào một cái bẫy rất nguy hiểm".

Cuộc chiến trên hai mặt trận

Israel đang nằm trong thế gọng kìm khi vừa phải tập trung lực lượng đối phó với Hamas ở phía nam, đồng thời phải thận trọng trước các cuộc tấn công từ Lebanon ở phía bắc, do lực lượng Hezbollah được Iran hậu thuẫn tiến hành.

Vị quan chức của Israel bình luận tiếp: "Không ai hứng thú với hai mặt trận vào thời điểm này".

Phương tiện chiến đấu của Israel được triển khai tại biên giới phía bắc với Lebanon - nơi lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn hoạt động - Ảnh: REUTERS

Phương tiện chiến đấu của Israel được triển khai tại biên giới phía bắc với Lebanon - nơi lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn hoạt động - Ảnh: REUTERS

Tại Trung Đông còn rất nhiều lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn ở Syria, Iraq và Yemen. Hôm 24-10, Mỹ thông báo có tới 20 quân nhân của nước này bị thương trong các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Iraq và Syria.

Áp lực giải cứu con tin và nhân đạo

Hamas đang bắt giữ hơn 200 con tin là công dân Israel và nhiều quốc gia trên thế giới bên trong đường hầm dưới lòng đất ở Gaza, trong đó họ đã trả tự do cho 4 con tin.

Các quan chức Mỹ công khai ủng hộ Israel tiêu diệt Hamas, nhưng cũng gây áp lực buộc các nhà lãnh đạo Israel phải tiến hành trả đũa thận trọng, giảm thiểu thương vong cho dân thường và nỗ lực giải thoát con tin.

Ông Jonathan Lord - giám đốc chương trình An ninh Trung Đông - nhận định việc Hamas trả tự do "nhỏ giọt" cho các con tin có thể trì hoãn vĩnh viễn cuộc tấn công của Israel vào Gaza. Nhưng nếu phương án để Israel tiến vào Gaza, tiêu diệt Hamas, ép lực lượng này thả nhiều con tin hơn là khả quan "thì Mỹ sẽ thử".

Áp lực của quốc tế cũng giúp các xe tải viện trợ nhân đạo đến Gaza trong những ngày qua. "Xe tải (chở hàng viện trợ) đang tới. Rõ ràng là không đủ cần thiết nhưng cũng không phải không có gì", ông Lord nói.

Điều gì sẽ xảy ra ở Gaza nếu Hamas bị tiêu diệt?

Theo Đài NBC, các quan chức Mỹ đã thúc ép Israel suy nghĩ về những điều xảy ra ở Gaza nếu nước này thành công tiêu diệt được lực lượng Hamas. Một số người Israel hy vọng sẽ có một chính quyền đa phương ở Gaza với nguồn tái thiết từ các quốc gia Ả Rập, một số khác thì mong chính quyền Palestine có thể quản lý khu vực này.

Nhưng sự thực là không ai biết thực thể nào sẽ có tính hợp pháp trong mắt người dân ở Gaza nếu Hamas bị tiêu diệt, đồng thời cũng không rõ những thực thể này sẽ cảm thấy thoải mái với vai trò nào tại Dải Gaza. Chính phủ của ông Netanyahu đến nay vẫn chưa đưa ra các kế hoạch dài hạn cho vùng đất này.


**********
voatiengviet.com

Nga tuyên bố sẽ xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên ‘trên mọi lĩnh vực’

Reuters

Nga hôm 26/10 cho biết họ có kế hoạch xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên trên mọi lĩnh vực, một ngày sau khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ lên án Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Moscow.

Khi được hỏi về cáo buộc của ba nước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Có rất nhiều báo cáo như vậy, tất cả đều vô căn cứ, không có chi tiết cụ thể. Những báo cáo như vậy đã có từ lâu. Chúng tôi thấy chẳng có nghĩa lý gì để bình luận về điều này”.

Ông nói thêm: “Triều Tiên là nước láng giềng của chúng tôi và chúng tôi tiếp tục và sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ chặt chẽ trong mọi lĩnh vực”.

Khi được hỏi liệu việc giao vũ khí có diễn ra hay không, ông Peskov nói: “Chúng tôi không bình luận về điều này dưới bất kỳ hình thức nào”.

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã họp thượng đỉnh ở Nga vào tháng 9, tại đó hai bên thảo luận về các vấn đề quân sự, cuộc chiến ở Ukraine và khả năng Nga giúp đỡ chương trình vệ tinh của quốc gia nhiều bí ẩn này.

Hoa Kỳ và các đồng minh lên tiếng lo ngại rằng ông Kim có thể cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, nước đã tiêu tốn một lượng lớn vũ khí và đạn dược trong cuộc chiến kéo dài 20 tháng ở Ukraine.


************
voatiengviet.com

Các mối đe dọa cho binh sĩ gia tăng, quân đội Mỹ tăng cường giám sát Trung Đông

Reuters

Quân đội Hoa Kỳ đang thực hiện các bước mới để bảo vệ binh sĩ của mình ở Trung Đông giữa các quan ngại gia tăng về các cuộc tấn công của các nhóm được Iran hậu thuẫn, và họ sẽ để ngỏ khả năng sơ tán các gia đình quân nhân nếu cần, các quan chức nói với Reuters.

Các biện pháp này bao gồm tăng cường tuần tra quân sự của Hoa Kỳ, hạn chế quyền tiếp cận các cơ sở căn cứ và thu thập thông tin tình báo, bao gồm cả thông qua máy bay không người lái và các hoạt động giám sát khác, các quan chức cho biết với điều kiện giấu tên.

Các quan chức nói, quân đội Hoa Kỳ cũng đang tăng cường giám sát từ các tháp canh tại các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ, tăng cường an ninh tại các điểm tiếp cận căn cứ và tăng cường các hoạt động để chống lại các máy bay không người lái, rốc-két và phi đạn có thể bay tới.

Đại tướng Michael “Erik” Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, nói trong một tuyên bố với Reuters: “Với sự gia tăng số lượng các cuộc tấn công và nỗ lực tấn công vào các địa điểm quân sự của Hoa Kỳ, việc liên tục xem xét các biện pháp bảo vệ lực lượng của chúng ta là rất quan trọng”.

Tướng Kurilla, người giám sát các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, cho biết các bước đã được thực hiện nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ lực lượng, cũng như việc triển khai thêm tài sản quân sự của Mỹ tới khu vực trong những ngày gần đây, “đã ngăn ngừa thương vong nghiêm trọng hơn cho lực lượng của chúng ta trên chiến trường”.

Lực lượng Hoa Kỳ ở Iraq và Syria đã nhiều lần trở thành mục tiêu kể từ khi xung đột Israel-Gaza bắt đầu vào ngày 7/10. Cho đến nay, các cuộc tấn công đã gây thương tích nhẹ cho 4 quân nhân Hoa Kỳ và 5 nhân viên hợp đồng quân sự Hoa Kỳ, tất cả đều đã quay trở lại làm nhiệm vụ, một trong các quan chức cho biết.

Tuần trước ngoài khơi Yemen, một tàu chiến của Mỹ đã bắn hạ hơn chục máy bay không người lái và 4 phi đạn hành trình do lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn bắn.

Căng thẳng gia tăng đã khiến quân nhân Mỹ phải thường xuyên cảnh giác. Trong lần báo động sai tại căn cứ không quân Al-Asad ở Iraq ngày 26/10, một nhân viên hợp đồng dân sự đã chết vì đứng tim.

Một quan chức quân sự Hoa Kỳ, phát biểu với điều kiện giấu tên, không nói cụ thể điều gì có thể dẫn đến việc sơ tán các gia đình quân nhân Hoa Kỳ, những người được triển khai tới các địa điểm ở Trung Đông bao gồm Bahrain, nơi có Hạm đội thứ Năm của Hải quân Hoa Kỳ.

Quan chức này nói với Reuters: “Chúng tôi liên tục xem xét và nếu chúng tôi nghĩ rằng mối đe dọa đang tăng lên đến mức đe dọa đến những người thân của binh sĩ chúng tôi trong (khu vực), chúng tôi sẽ thận trọng”.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Biden bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã cảnh báo về nguy cơ leo thang lớn trong các cuộc tấn công nhắm vào quân đội Mỹ ở Trung Đông và rằng Iran có thể tìm cách mở rộng cuộc chiến Israel-Hamas.

Một quan chức quốc phòng cấp cao nói với các phóng viên Ngũ Giác Đài hôm 23/10: “Chúng tôi nhìn thấy khả năng leo thang đáng kể hơn nhiều chống lại các lực lượng và quân nhân Mỹ trong thời gian tới và nói thẳng, con đường dẫn trở lại Iran”.

Ông Austin đã ra lệnh các hệ thống phòng không mới tới Trung Đông để bảo vệ quân đội, bao gồm cả hệ thống Phòng thủ Phi đạn Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD).

Hoa Kỳ cũng đã cử tàu chiến và máy bay chiến đấu tới khu vực để cố gắng ngăn chặn Iran và các nhóm được Iran hậu thuẫn, bao gồm cả hai tàu sân bay.

Ngũ Giác Đài cho biết họ chưa thấy có lệnh trực tiếp từ cấp cao nhất ở Iran để thực hiện các cuộc tấn công. Tuy nhiên, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết rõ ràng Iran đang tạo điều kiện cho những cuộc tấn công này.

Ông Kirby ngày 23/10 nói: “Chúng tôi biết rằng Iran đang theo dõi chặt chẽ những sự kiện này, và trong một số trường hợp, tích cực tạo điều kiện cho các cuộc tấn công và thúc đẩy những người khác có thể muốn lợi dụng cuộc xung đột vì lợi ích của họ vì Iran”.

Các quan chức an ninh Iran nói với Reuters rằng chiến lược của Iran là để các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông như Hezbollah theo đuổi các cuộc tấn công hạn chế vào các mục tiêu của Israel và Mỹ nhưng tránh một cuộc leo thang lớn lôi kéo Tehran vào cuộc.


***********
voatiengviet.com

Thiếu thuốc và vật tư y tế, bệnh nhân đành ‘chịu chết’

Nguyễn Lại

Sau đại dịch Covid, cùng với sự ra đi của một loạt lãnh đạo cấp cao kể cả Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngành y tế Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu thuốc men và vật tư y tế trầm trọng.

Nhiều gia đình bệnh nhân và các y bác sĩ tuyệt vọng vì không thể tìm đâu ra thuốc, kiếm đâu ra các vật tư y tế cần thiết để tiến hành các ca phẫu thuật cấp thiết. Đã hơn một năm trôi qua mà tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, trong khi số bệnh nhân xếp hàng chờ được điều trị hay phẫu thuật ngày một nhiều hơn tại hầu khắp các bệnh viện tuyến cuối.

Bà Nguyễn Kim Dung, một bệnh nhân tim ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết bây giờ bà ‘đành phó mặc cho số trời’ bởi cứ tới bệnh viện là bệnh tình của bà thậm chí lại càng trầm trọng hơn.

“Đi từ 5 giờ sáng vào để xếp sổ mà đã thấy mình ở thứ mấy chục rồi. Mà đi từ 5 giờ sáng như vậy mà phải đến 1 đến 2 giờ chiều mới về được đến nhà. Ngồi chờ đợi sợ lắm,” bà Dung nói với VOA.

Bác sĩ nói trường hợp của bà phải phẫu thuật mớiđiều trị dứt điểm nhưng hiện giờ đang trong giai đoạn khó khăn, thuốc và vật tư y tế phải ưu tiên cho những ca nghiêm trọng cần phẫu thuật ngay, mà bà chưa đến mức như vậy nên ‘hãy về nghỉ ngơi’ và ‘theo dõi thêm.’ Lo lắng cho tình trạng bệnh tật của mình, bà Dung đã nhờ cậy nhiều chỗ quen biết tại các bệnh viện khác nhau, nhưng câu trả lời đều như vậy.

“Sợ lắm. Bệnh viện nào cũng đông mà đông kinh hoàng luôn,” bà Dung than thở.

Bà nói đối với những giáo viên nghỉ hưu, thu nhập thấp như bà, để được chăm sóc y tế và điều trị tại các bệnh viện công hiện nay dường như là không thể, nên ‘sống được ngày nào hay ngày đó thôi’.

Về tình hình thiếu thuốc điều trị và vật tư y tế hiện nay ở hầu hết các bệnh viện tại Hà Nội, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật tim và lồng ngực không muốn nêu danh tính cho VOA biết: “Bây giờ may ra thì được khoảng 20% nhu cầu thôi, mà 20% đấy thực tế toàn đồ đểu, đồ Tàu vớ vẩn thôi.”

Vẫn theo lời chuyên gia này, ngành phẫu thuật tại Việt Nam đang thiếu trầm trọng thiết bị y tế chất lượng cao để phục vụ bệnh nhân, những gì đang được cung cấp không đảm bảo được yêu cầu và để có lại nguồn vật tư y tế chất lượng cao là không hề dễ dàng.

“Những công ty làm việc nghiêm chỉnh thì người ta bùng hết rồi. Họ vẫn có lãi nhưng không muốn làm việc tại Việt Nam nữa. Những công ty phân phối vì thế họ cũng thôi luôn. Bởi vì bây giờ mới bán được một tí thì thanh tra…họ mệt mỏi thế là họ thôi. Mà nhiều hãng của Mỹ, của Châu Âu, họ làm ăn nghiêm chỉnh thì cái hiệu suất nó không cao mà hàng năm các ông thanh tra nhiều quá nên họ không muốn làm nữa. Thế cho nên (bệnh nhân) chết là chuyện bình thường.”

Báo nhà nước cho biết đầu tháng 6 năm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương loan báo Bộ đã gia hạn 12.500 giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế đến hết tháng 12 năm sau. Bộ cũng công bố tổng số hơn 10.000 loại thuốc, bao gồm trên 2.000 thuốc nhập khẩu được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết năm sau. Tuy vậy, gần nửa năm trôi qua mà tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt.

Lý giải cho thực trạng này, anh N.V.N, người có thâm niên trong việc nhập khẩu và cung cấp thiết bị y tế kỹ thuật cao tại Việt Nam, cho VOA biết:

“Họ vẫn cho gia hạn và cho nhập, nhưng thực tế thì nói về nguồn hàng, ví dụ như bọn mình nhập hàng từ Mỹ thì nguồn cũng hạn chế và tăng giá kinh lắm. Nhiều thứ tăng tới 30%. Số tăng giá tới 30% đấy mà mình muốn tăng giá thì mình phải đấu thầu lại,không thì nếu cứ để giá cũ mà bán thì mình lỗ. Mà đấu thầu lại thì bệnh viện bây giờ họ làm thủ tục cũng lâu lắm và mãi cũng chưa có đợt.”

Anh N cho biết thêm trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế nhập khẩu đã ngừng cung cấp hàng chất lượng cao từ Hoa Kỳ, Israel và Châu Âu. Một số chuyển sang nguồn hàng từ Trung Quốc để khỏi phải đấu thầu lại vì đây là nguồn hàng giá rẻ hơn rất nhiều và cũng rất dồi dào. Tuy vậy, anh N nói, công ty của anh nhất quyết không chuyển hướng mà vẫn tin tưởng vào nguồn hàng cũ.

“Làm hàng Trung Quốc rủi ro lắm, nhất là làm trong lĩnh vực y tế, nhỡ cái nó xảy ra chuyện gì mình phải đi hầu thì mình cũng chết.”

Anh giải thích nếu xảy ra rủi ro cho tính mạng bệnh nhân thì rất dễ bị thanh tra, và trong trường hợp phát hiện vật tư cung cấp không đúng thương hiệu và xuất xứ thì ‘anh có thể đi tù như chơi’.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn