Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 13 -10 -2023

Thứ Sáu, 13 Tháng Mười 20234:49 SA(Xem: 1410)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 13 -10 -2023
HoaLuc 6
**********
rfi.fr

Mỹ và Qatar sẵn sàng phong tỏa 6 tỷ đô la của Iran

Minh Anh

Giới chức Mỹ và Qatar dường như đồng tình ngăn cản Iran tiếp cận khoản tiền 6 tỷ đô la của Iran dành cho hỗ trợ nhân đạo. Đây là những nguồn quỹ của Iran bị Washington phong tỏa nhưng gần đây đã được trao lại và chuyển giao vào tài khoản của Qatar. 

Đăng ngày:

2 phút

AFP trích dẫn nguồn tin từ Washington Post nêu rõ chính trợ lý bộ trưởng Tài Chính, Wally Adeyemo, là người đã thông báo với các dân biểu đảng Dân Chủ ở Hạ Viện Mỹ về thỏa thuận này giữa Mỹ và Qatar. Tuy nhiên, bị AFP chất vấn, bộ Tài Chính Mỹ đã không đưa ra bình luận gì. 

Có mặt tại Tel Aviv hôm thứ Năm 12/10/2023, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken trả lời giới báo chí, nhắc lại Hoa Kỳ vẫn « kiểm soát chặt chẽ nguồn quỹ này » và Hoa Kỳ « vẫn bảo lưu quyền phong tỏa chúng ».  

Tại Mỹ, trong cuộc họp báo, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, John Kirby, khẳng định « mỗi một xu của số tiền này vẫn nằm yên trong một ngân hàng ở Qatar. Chưa có một xu nào bị tiêu xài ». 

Trước thông tin này, chính quyền Teheran đã có phản ứng mạnh, cho rằng Hoa Kỳ « không thể lật ngược » thỏa thuận chuyển giao thông qua Qatar 6 tỷ đô la của Iran bị phong tỏa.

AFP nhắc lại, đầu tháng 09/2023, trong khuôn khổ thỏa thuận được đúc kết với Iran về trao đổi tù nhân hồi tháng 8, Washington đã giải ngân 6 tỷ đô la nguồn quỹ của Iran bị phong tỏa tại Hàn Quốc. 

Teheran, nguồn hậu thuẫn tài chính và quân sự chính yếu cho phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, đặc biệt thu hút sự chú ý từ khi các chiến binh của lực lượng này mở cuộc tấn công đẫm máu vào lại Israel hôm 07/10, giết chết ít nhất 1.200 người, phần đông là thường dân. 


*********
rfi.fr

Israel ra lệnh thường dân di tản về phía nam Gaza trong vòng 24 giờ

Anh Vũ

Thêm dấu hiệu cho thấy quân đội Israel chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas tại Gaza. Hôm nay, 13/10/2023, Israel ra lệnh là trong vòng 24 giờ mọi thường dân Palestine phải di tản về phía nam dải đất này. Lệnh di tản, giống như một tối hậu thư, đã bị Liên Hiệp Quốc phản đối, nhưng Tel Aviv không lùi bước.

Đăng ngày:

4 phút

Người dân Palestine tại dải Gaza di tản ngày 13/10/2023.
Người dân Palestine tại dải Gaza di tản ngày 13/10/2023. AFP - MOHAMMED ABED

Theo AFP, trong một thông cáo phát đi sáng sớm hôm nay 13/10, quân đội Israel “ra lệnh tất cả thường dân tại thành phố Gaza phải rời khỏi nhà, di tản xuống phía nam, vì sự an toàn và bảo vệ cho chính họ”. Thông cáo chỉ rõ thêm các thường dân phải tới khu vực phía nam của thành phố Gaza và chỉ được trở lại thành phố khi có lệnh mới của quân đội Israel.

Tại New York, phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujaric, xác nhận lệnh di tản của quân đội Israel liên quan đến khoảng 1,1 triệu người đang sống tại phía bắc dải Gaza. Ông Dujaric cảnh báo lệnh di tản với quy mô lớn như vậy là không thể thực hiện được, chưa kể sẽ gây ra những thảm kịch nhân đạo. Trong hoàn cảnh đó, Liên Hiệp Quốc khẩn thiết kêu gọi Israel hủy lệnh này.

Ngay lập tức, đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc, Gilad Erdan, đã phản ứng, tố cáo Liên Hiệp Quốc đã “nhắm mắt làm ngơ trước Hamas”.

Hôm qua, sau cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thề sẽ hủy diệt Hamas, tổ chức bị Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu gọi là “khủng bố”.

Những tuyên bố như vậy càng cho thấy Israel quyết tâm mở cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, sau nhiều ngày dội bom vào thành phố này. Israel cũng đã triển khai hàng chục nghìn quân áp sát biên giới với Gaza và phát lệnh động viên hơn 300 nghìn quân dự bị.

Người dân tại thành phố Gaza đang trong tuyệt vọng, đón nhận lệnh di tản trong vòng 24 giờ với tâm trạng hoang mang lo sợ không biết đi về đâu. Thông tín viên RFI, Sami Boukhelifa, ghi nhận qua phóng sự tại chỗ:

« Rami là một người cha trong gia đình. Lúc 6 giờ 30 sáng nay, tôi gọi cho ông. Rami đã thức dậy. Đêm với ông quá ngắn. Bom đạn, cháy nổ, làm sao mà chợp mắt được. Giờ lại là tin về lệnh tản cư. Ông Rami bị sốc. Ông nói: “Ông khẳng định với tôi tin này. Nhưng chúng tôi phải đi đâu đây? Mọi người ở đây vẫn nghĩ rằng đó chỉ là tin đồn. Một số người thì nói Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông báo. Số khác thì lại bảo rằng không nên tin vào những tin như thế này.

Nhưng quân đội Israel đã phát thông cáo tức là đã xong hết chuyện rồi. Tôi sẽ đi. Có một người bà con của tôi đã cao tuổi cũng rất phẫn nộ nói rằng: “ Bỏ chạy ư? Không bao giờ, nếu chúng muốn đất đai của tôi thì chúng cứ giết tôi và lấy đi”. Đủ rồi, Chúa nguyền rủa cái văn minh nhân loại này, cái thế giới giả dối này. Đúng là điên rồ ».

Câu hỏi của Sami là làm sao trong 24 giờ di chuyển được đông người như vậy? Người ta nói rằng có đến hơn một triệu dân. Ở khu vực phía bắc Gaza, có các địa phương Beit Lahia, Beit Hanoun và đặc biệt là trại tị nạn Jabaliya, trong phạm vi 5 km2, có 300 nghìn người dân. Đây là khu vực có mật độ dân số đông nhất thế giới. Liên hiệp Quốc đề nghị Israel hủy lệnh di tản này, nhưng nhà nước Do Thái không chấp nhận ».

Từ hôm thứ Bảy tuần trước, sau khi lực lượng mở cuộc tấn công tàn sát vào lãnh thổ Israel, ít nhất đã có 1200 người thiệt mạng tại Israel, đa số là thường dân. Hamas bắt đi 150 người làm con tin. Đáp trả, Israel liên tục oanh kích vào dải Gaza làm hơn 1500 người thiệt mạng, trong đó có nhiều thường dân, theo thống kê của chính quyền tại Gaza được công bố hôm nay. Trong 7 ngày qua, hơn 4000 tấn thuốc nổ đã đổ xuống dải đất Gaza có 2,4 triệu dân. Hơn 423.000 người Palestine đã rời bỏ nhà cửa để tránh các trận bom đạn. Trong khi đó, toàn bộ dải Gaza bị Israel phong tỏa, điện nước bị cắt hoàn toàn.


************
rfi.fr

Chiến tranh Israel - Hamas : Hoa Kỳ trấn an đồng minh Israel

Thanh Hà

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du Trung Cận Đông từ hôm 12/10/2023 với Tel Aviv là chặng dừng đầu tiên. Tại đây ông Blinken khẳng định Mỹ « luôn luôn » sát cánh với Irael chống lại lực lượng « khủng bố » Hamas. Để thể hiện tình liên đới chặt chẽ giữa hai nước đồng minh, hôm nay 13/10/2023 đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng Lloyd Austin, đến Israel, xem xét về những phương tiện giúp nhà nước Do Thái « tự vệ ».

Đăng ngày:

3 phút

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu với báo giới tại bộ Quốc Phòng Israel ngày 12/10/2023.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (T) và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu với báo giới tại bộ Quốc Phòng Israel ngày 12/10/2023. via REUTERS - POOL

Hãng tin AFP cho biết theo dự kiến, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ sẽ hội kiến thủ tướng Benjamin Netanyahu và bộ trưởng Quốc Phòng Yoav Galland. Thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết chuyến đi này nhằm « nhấn mạnh Mỹ kiên trì ủng hộ nhân dân Israel và khẳng định những cam kết bảo đảm cho Israel có phương tiện tự vệ ». Hoa Kỳ đã gửi thêm viện trợ quân sự cho Israel.

Về mặt ngoại giao, hôm qua tại thủ đô Israel, ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Washington công nhận « quyền trả đũa » của quốc gia này. Lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ nhìn nhận « nguyện vọng chính đáng của người Palestine », nhưng theo ông, Hamas không đại diện cho người Palestine và « tất cả những ai yêu chuộng hòa bình, công lý đều phải lên án Hamas gieo rắc kinh hoàng ».

Sau cuộc hội đàm với thủ tướng Israel, ngoại trưởng Mỹ đến Jordanie. Trong cuộc họp với quốc vương Abdallah đệ nhị sáng nay, đôi bên đã tập trung vào hồ sơ người Palestine di tản. Jordanie cảnh báo « cần tránh để khủng hoảng lan rộng sang các nước láng giềng của Israel khiến vấn đề người tị nạn càng thêm nghiêm trọng ». Cũng trong ngày hôm nay, ngoại trưởng Blinken sẽ đến Ramallah hội kiến chủ tịch Palestine Mahmoud Abbas. Mãi 6 ngày sau chiến dịch tấn công bất ngờ của lực lượng Hồi Giáo Hamas, hôm qua trong một thông cáo, lãnh đạo Palestine mới đòi « chấm dứt ngay lập tức các vụ tấn công nhắm vào người Palestine » đồng thời lên án « mọi vụ sát hại nhắm vào thường dân của cả hai phía ».

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, tiếp tục công du Trung Cận Đông, Antony Blinken sẽ đến Qatar, một điểm tựa của phong trào Hamas và cũng là một đồng minh của phương Tây. Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng nằm trong chương trình viếng thăm của lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ. 

Châu Âu thể hiện đoàn kết với Israel

Về phía Liên Hiệp Châu Âu, hôm nay 13/10, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Nghị Viện Châu Âu sẽ đến Tel Aviv thể hiện « tình liên đới » với Israel, gặp gỡ các nạn nhân vụ tấn công đẫm máu hôm thứ Bảy vừa qua. Tình hình nhân đạo tại Dải Gaza và việc đàm phán giải cứu các con tin bị Hamas bắt giữ là những điểm chính sẽ được bà Ursula Von der Leyen và bà Roberta Metsola đặc biệt quan tâm. Chủ Nhật 15/10, ngoại trưởng Pháp, Catherine Colonna trên nguyên tắc cũng sẽ công du Israel.


*********
voatiengviet.com

Nga tấn công ác liệt thị trấn Avdiivka miền đông Ukraine

Reuters

Các lực lượng Nga ồ ạt tấn công thị trấn Avdiivka ở miền đông Ukraine cả trên bộ lẫn bằng đường không hôm thứ Sáu 13/10, ngày giao tranh dữ dội thứ tư trong cuộc tấn công lớn nhất của phía Nga sau nhiều tháng.

Ukraine cho biết các lực lượng của họ đang giữ vững trận địa nhưng Vitaliy Barabash, người đứng đầu chính quyền quân quản của Avdiivka, cho hay thị trấn đang bị tấn công liên tục từ trên không, bị pháo kích và phải chống lại lượng quân địch rất lớn.

Barabash nói trên truyền hình: “Các trận chiến đã diễn ra được 4 ngày rồi, rất khốc liệt và thực sự không ngừng … Các binh sĩ bắn từ bất cứ thứ gì có trong tay”.

"Thật là một đêm nóng bỏng ở Avdiivka. Đã có một số cuộc không kích vào chính thành phố ... các cuộc tấn công không ngừng cả ngày lẫn đêm".

Cuộc tấn công vào Avdiivka là một trong số ít các cuộc tấn công lớn mà Nga tiến hành kể từ khi lực lượng Ukraine bắt đầu phản công vào đầu tháng 6 nhằm cố đánh đuổi quân Nga đang chiếm giữ các vùng lãnh thổ rộng lớn ở miền đông và nam.

Trong vài tháng qua, Nga tập trung ngăn chặn các lực lượng Ukraina, họ phải tiến chậm chạm qua các bãi mìn và chiến hào kiên cố của Nga, đồng thời Nga không kích vào cơ sở hạ tầng cảng và ngũ cốc.

Nhưng Kyiv nói rằng Moscow đã tập trung quân xung quanh Avdiivka và điều đến các vũ khí, khí tài hạng nặng, tạo điều kiện cho phía Nga đánh lại mạnh mẽ.

Họ nói rằng Moscow nhắm mục tiêu vây hãm và đánh chiếm thị trấn, nằm ở phía tây bắc ngay gần thành phố Donetsk đã bị Nga chiếm đóng, đồng thời Nga cũng muốn thu hút quân đội Ukraine từ các mặt trận khác tới.

Reuters không thể kiểm chứng các tin chiến trường.

Avdiivka là nơi có nhà máy luyện cốc lớn và đã trở thành biểu tượng về kháng cự vì thị trấn này ngăn cản Nga nắm quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Donetsk mà Nga tuyên bố họ đã sáp nhập.

Thị trấn này không những trụ lại được trước lực lượng Nga kể từ cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022 mà còn kháng cự để không bị chiếm giữ kể từ năm 2014, khi các chiến binh được Nga hậu thuẫn chiếm giữ vùng lãnh thổ ở miền đông Ukraine sau khi lực lượng Nga chiếm Crimea.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 12/10 rằng lực lượng của họ đã gây thiệt hại cho quân đội Ukraine ở một số khu vực bao gồm cả Avdiivka nhưng không đưa ra nhiều chi tiết.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho hay quân đội của họ trong 24 giờ qua đã đẩy lùi hơn 20 cuộc tấn công của Nga ở khu vực xung quanh Avdiivka và các làng lân cận.

Có ước tính rằng các lực lượng Nga đã chiếm được 4,52 km2 lãnh thổ xung quanh Avdiivka kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công hôm 10/10.

(Reuters)


**********
rfi.fr

Tấn công khủng bố tại Pháp: Một giáo viên bị đâm chết

RFI

Một vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra vào sáng nay, 13/10/2023, tại một trường trung học ở thành phố Arras ( vùng Pas-de-Calais ). Kẻ khủng bố, một người Tchetchenia, đã cầm dao xông vào trường vào lúc khoảng 11 giờ, đâm chết một giáo viên và đâm bị thương nhiều người khác, trong đó có 2 người bị thương nặng, theo tin của bộ Nội Vụ. Trước khi ra tay, hung thủ đã hô "Allah Akbar" ( Thượng đế vĩ đại ). Kẻ khủng bố đã bị cảnh sát bắt giữ.

Đăng ngày:

Cảnh sát tại trường trung học Gambetta-Carnot ở Arras, Pháp, sau vụ khủng bố ngày 13/10/2023.
Cảnh sát tại trường trung học Gambetta-Carnot ở Arras, Pháp, sau vụ khủng bố ngày 13/10/2023. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL

**********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(Reuters/AFP) - NATO sẽ đáp trả nếu đường ống dẫn khí biển Baltic bị chủ ý phá hoại. Bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên NATO họp trong ngày 12/10/2023 để thảo luận về thiệt hại của đường ống dẫn khí nối Phần Lan và Estonia, phải ngừng hoạt động từ Chủ Nhật 08/10. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh NATO sẽ « kiên quyết » đáp trả nếu vụ tấn công là chủ ý. Theo Văn phòng Điều tra Quốc gia Phần Lan (NBI), thiệt hại dường như là do một « lực cơ học » chứ không phải do nổ. Trước đó, tổng thống Phần Lan nêu khả năng rò rỉ trong đường ống dẫn khí có thể là « do một hành động từ bên ngoài ».

(TF1) - Tổng thống Pháp họp các chính đảng để thảo luận về chiến tranh Israel-Hamas. Cuộc họp được tổ chức kín vào trưa 12/10/2023, sau đó ông Macron sẽ phát biểu trên truyền hình vào lúc 20 giờ. Nguyên thủ Pháp muốn thảo luận với các chính đảng, cũng như chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện « sau hàng loạt hành động khủng bố ở Israel ». Trước đó, bà Mathilde Panot, chủ tịch đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) tại Hạ Viện, từ chối coi phong trào Hamas là « khủng bố » và khiến chính trường Pháp sôi sục. Đảng cực tả này hiện bị cô lập.

(Reuters) - Kim Jong Un trao đổi thư với Putin ca ngợi chiến thắng « đế quốc ». Theo cơ quan thông tấn KCNA ngày 12/10/2023, trong thư, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương và chúc tổng thống Nga giành chiến thắng trước « bá quyền và áp lực từ các nước đế quốc ». Việc trao đổi thư đánh dấu kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ Nga-Bắc Triều Tiên và diễn ra khoảng một tháng sau chuyến công du hiếm hoi của ông Kim tới Vladivostok, viễn đông Nga, thảo luận với ông Putin về hợp tác quân sự và cuộc chiến ở Ukraina.

(AFP) - Niger trục xuất điều phối viên của Liên Hiệp Quốc. Bà Louise Aubin nhận được lệnh dời khỏi Niger trong vòng ba ngày kể từ ngày 10/10/2023 sau khi tập đoàn quân sự đảo chính cáo buộc Liên Hiệp Quốc cản trở thế giới công nhận chính quyền mới. Ngày 11/10, người phát ngôn của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cho biết ông Antonio Guterres « vô cùng lấy làm tiếc » về lệnh trục xuất bà Louise Aubin. Quyết định này gây cản trở cho công việc của tổ chức ở quốc gia có đến 4,3 triệu người « cần viện trợ nhân đạo ».

(AFP) - Ấn Độ : Vùng đất mới của các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ. Theo một nghiên cứu được viện Deloitte công bố ngày 12/10/2023, Ấn Độ nằm trong số 10 thị trường lớn nhất cho các nhà chế tạo đồng hồ từ nay đến 10 năm tới, nhờ vào tầng lớp trung lưu và số nhà tỉ phú ngày càng gia tăng. Năm 2022, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu đồng hồ lớn thứ 23 của Thụy Sĩ với tổng trị giá khoảng 188 triệu franc Thụy Sĩ, đứng xa sau hai thị trường chính là Mỹ (gần 3,9 tỉ franc) và Trung Quốc (2,6 tỉ franc Thụy Sĩ).

(Le Monde) - Chính phủ Áo biến ngôi nhà nơi Hitler sinh ra thành trụ sở cảnh sát. Theo báo Pháp Le Monde ngày 12/10/2023, ngôi nhà này nổi tiếng vì là nơi Adolf Hitler ra đời năm 1889. Braunau am Inn là thành phố nhỏ, chỉ có 17.000 dân, nằm sát với Đức. Để tránh biến ngôi nhà thành điểm hành hương của những người hoài tưởng chế độ phát xít, ngôi nhà hiện bị ẩm mốc sẽ được tu sửa để trở thành trụ sở cảnh sát. Công việc sửa chữa đã được bắt đầu, nhưng các cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc. 

(AFP) - Phần Lan cho biết kể từ khi gia nhập NATO, các mối đe dọa từ Nga gia tăng. Trong cuộc họp báo hôm nay, 12/10/2023, cơ quan tình báo Phần Lan cho biết « mối đe dọa về các hoạt động gián điệp hoặc gây ảnh hưởng, chống lại cơ sở hạ tầng quan trọng của Phần Lan đã gia tăng » trong thời gian gần đây. Trong báo cáo hàng năm, tổ chức này cho biết mối quan hệ với láng giềng Nga ngày càng đi xuống kể từ khi Phần Lan gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO hồi tháng 04/2023, hơn nữa, Nga cũng đã có sự chuẩn bị, có biện pháp để chống lại Phần Lan. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Helsinki đang điều tra về vụ phá hoại ống dẫn dầu giữa Phần Lan và Estonia, nghi rằng là do can thiệp từ bên ngoài. 

(Reuters) - Cộng Hòa Séc và Đan Mạch phối hợp cung cấp vũ khí cho Ukraina. Trong một thông cáo đăng hôm nay 12/10/2023, bộ Quốc Phòng CH Séc cho biết sẽ cùng với Đan Mạch hỗ trợ vũ khí cho quân đội Ukraina trong những tháng sắp tới. Các loại vũ khí gồm 50 xe bọc thép, và xe tăng, 2500 súng ngắn, 7000 súng trường và các loại khác. Những vũ khí này sẽ do một công ty tư nhân của CH Séc sản xuất và chi phí sản xuất sẽ do chính phủ Đan Mạch chi trả.  

(Reuters) - Mỹ nhận lời mời tham dự một diễn đàn an ninh tổ chức tại Trung Quốc. Theo giới quan sát đây là dấu hiệu « hạ nhiệt căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ». Reuters trích dẫn nhiều nguồn tin chính thức cho biết, hôm 11/10/2023 Trung Quốc đã gửi lời mời bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tướng Lloyd Austin đến dự diễn đàn Hương Sơn. Sự kiện được dự trù diễn ra từ ngày 29-31/10/2023. Song vẫn theo các nguồn tin nói trên, gần như chắc chắn là Lầu Năm Góc sẽ cử một quan chức dưới cấp bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến dự diễn đàn này.

(AFP) - Bắc Kinh chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ. Một ngày sau khi phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ trích Lào cho dẫn độ luật sư Lư Tứ Vị (Lu Siwei) về nguyên quán, hôm 12/10/2023 bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản công. Bản thông cáo nhắc nhở Mỹ « tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý ». Luật sư họ Lư bảo vệ những nhà dân chủ Hồng Kông bị bắt giữ hồi 2020 trong lúc họ tìm đường sang Đài Loan tị nạn. Ông hiện đang bị giam ở Tứ Xuyên.  


***********
voatiengviet.com

Anh đưa tàu, máy bay do thám tới hỗ trợ Israel

Reuters

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đang triển khai hai tàu Hải quân Hoàng gia và máy bay do thám tới phía đông Địa Trung Hải để hỗ trợ Israel và củng cố sự ổn định trong khu vực, văn phòng Thủ tướng cho biết ngày 12/10.

Máy bay do thám P8, các thiết bị theo dõi khác, hai tàu hỗ trợ, ba máy bay trực thăng Merlin và một đại đội Thủy quân lục chiến Hoàng gia sẽ có mặt trong khu vực để cung cấp “hỗ trợ thiết thực cho Israel...”, văn phòng Thủ tướng Anh cho biết.

Ông Sunak nói trong một tuyên bố: “Chúng ta phải dứt khoát đảm bảo những cảnh tượng kinh hoàng mà chúng ta chứng kiến trong tuần này sẽ không lặp lại”.

“Cùng với các đồng minh của chúng ta, việc triển khai quân đội đẳng cấp thế giới của chúng ta sẽ hỗ trợ các nỗ lực đảm bảo ổn định khu vực và ngăn chặn sự leo thang hơn nữa.”

Ông Sunak cho hay các toán quân sự và ngoại giao của Vương quốc Anh cũng sẽ hỗ trợ các đối tác quốc tế để lập lại an ninh và đảm bảo viện trợ nhân đạo đến được khu vực.

Các toán quân sự của Anh ở Israel, Síp và khắp khu vực cũng sẽ được tăng cường để hỗ trợ lập kế hoạch dự phòng.

Ông Sunak cũng đã nói chuyện với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi “để hiểu bức tranh khu vực rộng lớn hơn và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ dân thường rời khỏi Gaza”, văn phòng Thủ tướng Anh cho biết.

Ông cũng dự kiến sẽ nói chuyện với các nhà lãnh đạo Bắc Âu về Israel tại cuộc họp quốc phòng của Lực lượng viễn chinh chung ở Thụy Điển vào ngày 13/10.

Văn phòng Thủ tướng cho biết, các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về sự cần thiết của sự ổn định ở Trung Đông, đồng thời vẫn tập trung vào việc hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine chống Nga.

***********
rfi.fr

Tổng thống Nga Putin đến Kyrgyzstan : Chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi có lệnh bắt giữ của CPI

Chi Phương

Hôm 12/10/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin đến Kyrgyzstan – một trong những đồng minh thân cận của Nga, từng thuộc Liên Xô cũ. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nguyên thủ Nga kể từ khi ông bị Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ra lệnh bắt giữ « vì cưỡng bức trẻ em Ukraina sang Nga ».  

Đăng ngày:

2 phút

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Kyrgyzstan Sadyr Japarov ở Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 12/10/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và đồng nhiệm Kyrgyzstan Sadyr Japarov ở Bishkek, Kyrgyzstan, ngày 12/10/2023. AP - Sergei Karpukhin

Theo AFP, tổng thống Vladimir Putin gặp đồng cấp Kyrgyzstan Sadyr Japarov hôm nay. 2023 cũng là năm kỷ niệm 20 năm hai nước mở căn cứ quân sự Kant của Nga ở Kyrgyzstan. Ngày mai, 13/10, ông Putin tham dự hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo của Cộng đồng các Nước độc lập, gồm nhiều nước thuộc Liên Xô cũ, vốn là các đối tác thân cận của điện Kremlin, nhưng mối quan hệ đã trở nên căng thẳng từ đầu cuộc chiến với Ukraina.   

Kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế CPI ra lệnh bắt giữ tổng thống Nga vì tội ác đối với trẻ em Ukraina trong cuộc xâm lược Kiev, ông Putin nhiều lần không tham dự các hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Tuy nhiên, khi đên thăm Kyrgyzistan hôm 12/10, ông Putin không hề hấn gì vì quốc gia Trung Á này không phải là thành viên của CPI, không tuân theo Quy chế Roma, nên không có nghĩa vụ bắt giữ tổng thống Nga khi ông đặt chân lên lãnh thổ Kyrgyzstan. 

Tháng 08/2023, ông Putin cử ngoại trưởng Sergei Lavrov đến dự thượng đỉnh của khối BRICS tại Nam Phi – quốc gia thành viên của CPI. Lúc đó, ông Putin đã giải thích sự vắng mặt là không muốn để « người bạn của mình phải khó xử ».  

Tổng thống Nga cũng sẽ đến Trung Quốc vào tuần sau, để tham gia diễn đàn kinh tế quốc tế, theo lời mời của Tập Cận Bình.
***********
voatiengviet.com

Phúc trình: Mỹ phải chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh có thể xảy ra cùng lúc với Nga, Trung

Reuters

Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh có thể xảy ra cùng lúc với Nga và Trung Quốc bằng cách mở rộng lực lượng truyền thống, tăng cường liên minh và tăng cường chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, một ủy ban lưỡng đảng do quốc hội Mỹ bổ nhiệm kêu gọi ngày 12/10.

Phúc trình của Ủy ban Tư thế Chiến lược được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và các vấn đề khác cũng như xung đột ngày càng tồi tệ với Nga về việc nước này xâm chiếm Ukraine.

Một quan chức cấp cao liên quan đến phúc trình từ chối cho biết liệu các cuộc thuyết trình tình báo của ủy ban này có nhắc tới bất kỳ sự hợp tác vũ khí hạt nhân nào giữa Trung Quốc với Nga hay không.

Một quan chức giấu tên nói: “Chúng tôi lo lắng… có thể có sự phối hợp tối hậu giữa họ theo một cách nào đó, khiến chúng tôi đưa ra cấu trúc hai cuộc chiến vừa kể”.

Những phát hiện này sẽ đảo ngược chiến lược an ninh quốc gia hiện tại của Hoa Kỳ kêu gọi chiến thắng một cuộc xung đột trong khi ngăn chặn một cuộc xung đột khác và yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng khổng lồ với sự hỗ trợ không chắc chắn của quốc hội.

Phúc trình này trái ngược với quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng kho vũ khí hạt nhân hiện tại của Mỹ đủ để ngăn chặn lực lượng tổng hợp của Nga và Trung Quốc.

Ủy ban Tư thế Chiến lược nói: “Mỹ và các đồng minh phải sẵn sàng ngăn chặn và đánh bại cả hai đối thủ cùng một lúc”. “Trật tự quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo và các giá trị được đề cao đang gặp nguy hiểm từ các chế độ độc tài của Trung Quốc và Nga.”

Quốc hội đã lập ra ủy ban này gồm sáu đảng viên Dân chủ và sáu đảng viên Cộng hòa vào năm 2022 để đánh giá các mối đe dọa đối với Hoa Kỳ và khuyến nghị những thay đổi trong lực lượng hạt nhân và lực lượng truyền thống của Hoa Kỳ.

Phúc trình dài 145 trang cho biết, các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga sẽ trở nên nghiêm trọng trong khung thời gian 2027-2035 vì vậy “các quyết định cần được đưa ra ngay bây giờ để quốc gia có sự chuẩn bị”.

Phúc trình cho biết chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân kéo dài 30 năm của Mỹ, bắt đầu từ năm 2010 và ước tính tiêu tốn 400 tỷ đô la vào năm 2046, phải được tài trợ đầy đủ để nâng cấp tất cả đầu đạn, hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng.

Hoa Kỳ cũng nên kéo dài thời gian hoạt động của các tàu ngầm mang phi đạn đạn đạo và triển khai nhiều vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn ở châu Á và châu Âu.


**********
voatiengviet.com

Israel-Hamas đụng độ, chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng khắp thế giới

VOA News

Trong lúc xung đột giữa Israel và Hamas tiếp tục diễn ra ác liệt, nhiều người Do Thái trên khắp thế giới phải đối mặt với mối đe dọa quen thuộc: chủ nghĩa bài Do Thái gia tăng.

Từ New York đến London, St. Louis đến Sydney, các cộng đồng Do Thái đang chống chọi với sự căm ghét và cố chấp thường bùng lên mỗi khi Trung Đông dậy sóng.

Bà Heidi Beirich, đồng sáng lập Dự án Toàn cầu Chống Thù hận và Chủ nghĩa Cực đoan, nói: “Có một thực tế đáng buồn là bất cứ khi nào xung đột nảy sinh giữa Israel và người Palestine, người Do Thái ở mọi nơi trên thế giới sẽ phải hứng chịu bạo lực thù hận ở một mức độ nào đó”.

Israel đã rơi vào cơn ác mộng đẫm máu hôm 7/10 khi các chiến binh Hamas bất ngờ tấn công dữ dội, giết chết ít nhất 1.000 người Israel, làm bị thương hơn 2.000 người và bắt khoảng 150 người làm con tin.

Ông Brian Levin, một nhà nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan nổi tiếng và là giáo sư danh dự tại Đại học San Bernardino tiểu bang California, cho biết cuộc tàn sát này là “vụ thảm sát người Do Thái trong một ngày thảm khốc nhất kể từ thời Holocaust.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên án vụ tấn công là “một hành động cực kỳ xấu xa”.

Theo Bộ Y tế Gaza, các cuộc không kích trả đũa của Israel nhắm vào các mục tiêu ở Gaza cũng gây chết người không kém, khiến ít nhất 1.100 người Palestine thiệt mạng và hơn 5.000 người khác bị thương.

Mối đe dọa gia tăng

Trong khi cuộc tấn công tàn bạo của Hamas đã khơi dậy sự đồng cảm với Israel, nó cũng làm dấy lên làn sóng đe dọa trực tuyến chống lại người Do Thái, đe dọa các định chế của người Do Thái và phô bày trắng trợn các biểu tượng chống Do Thái.

Các mối đe dọa chống Do Thái trên Telegram, một nền tảng phổ biến với các chiến binh Nhà nước Hồi giáo và những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, đã tăng lên ở mức đáng báo động 488% trong 18 giờ đầu tiên của ngày 7/10, theo Liên đoàn Chống Phỉ báng ADL, tổ chức dân quyền Do Thái lâu đời nhất ở Hoa Kỳ.

Ngoài đời thực, đã có những báo cáo lẻ tẻ về các vụ chống Do Thái. Tại thành phố Salt Lake, Utah, một giáo đường Do Thái buộc phải sơ tán sau khi có lời đe dọa đánh bom. Cảnh sát đang điều tra các mối đe dọa nhắm vào một số giáo đường Do Thái trong tiểu bang.

Ở St. Louis, Missouri, một hình chữ Vạn được phun sơn lên thành xe tải. Cảnh sát cho biết họ đang điều tra vụ việc như một hành động phá hoại bài Do Thái.

Và ở London, một nhà hàng kosher đã bị bôi bẩn ở khu Golders Green của thành phố. Thị trưởng Sadiq Khan nói: “Sẽ không có sự khoan dung đối với thù hận.”

Theo tổ chức Community Security Trust, bốn ngày đầu tiên của cuộc xung đột đã chứng kiến sự gia tăng hơn 300% các vụ bài Do Thái ở Vương quốc Anh.

Theo các chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan, các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp thế giới đôi khi mang hơi hướng bài Do Thái.

Tại thành phố New York, người ta nhìn thấy một người biểu tình tham dự cuộc tuần hành ủng hộ Hamas hôm 8/10 tung hê chữ Vạn, khiến Thị trưởng Eric Adams lên án.

Tại Sydney, đoạn phim chưa được xác minh do Hiệp hội Do Thái Úc phân phối dường như cho thấy một nhóm người biểu tình bên ngoài Nhà hát Opera Sydney hét lên, “Hãy cho người Do Thái hít hơi ngạt.” Cảnh sát đang điều tra vụ việc.

Biểu tình ủng hộ Hamas ở Mỹ

Ủy ban Do Thái Mỹ AJC cho biết họ đã ghi nhận khoảng chục cuộc biểu tình ủng hộ Hamas ở một số thành phố của Mỹ, bao gồm New York, Washington, Philadelphia, San Francisco và Chicago.

Bà Holly Huffnagle, giám đốc phụ trách chống chủ nghĩa bài Do Thái của AJC tại Mỹ, cho biết nhóm AJC ủng hộ quyền của người Palestine nhưng cảnh báo rằng các cuộc biểu tình đang mở rộng từ chỉ trích Israel đến chủ nghĩa bài Do Thái và âm mưu chống lại người Do Thái.

Bà nói: “Đây là sự ủng hộ cho Hamas với tư cách là một tổ chức khủng bố.”

Phát biểu trước một nhóm lãnh đạo người Mỹ gốc Do Thái vào chiều 11/10, Tổng thống Biden thừa nhận cuộc chiến ở Israel đã dẫn đến sự gia tăng lòng căm thù và chủ nghĩa bài Do Thái.

Có sự tham gia của ông Doug Emhoff, phu quân của Phó Tổng thống Kamala Harris, một người Do Thái và là người đứng đầu Tòa Bạch Ốc trong việc chống chủ nghĩa bài Do Thái, ông Biden cho biết chính quyền của ông đang thực hiện “những hành động có ý nghĩa… để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và sự căm thù”.

Với việc Israel đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công lớn trên bộ vào Gaza và chưa có hồi kết, các chuyên gia dự đoán sẽ có sự gia tăng các vụ việc chống Do Thái trong những ngày tới khi xung đột ngày càng gia tăng.

Ông Arie Perliger, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Tội phạm và Tư pháp thuộc Đại học Massachusetts, nói: “Xét rằng sự leo thang hiện tại sẽ kéo dài và dữ dội nhất, chúng ta nên dự kiến sự gia tăng đáng kể của chủ nghĩa bài Do Thái so với những lần leo thang xung đột trước đây”.

Các cuộc tấn công gia tăng

Ông Levin nói, sự gia tăng gần đây của các cuộc tấn công chống Do Thái không phải là hiện tượng cá biệt mà là một phần của mô hình lâu đời.

Theo nghiên cứu của ông Levin, vào tháng 10 năm 2000, các cuộc biểu tình bạo lực ở Israel đã gây ra sự gia tăng đột biến 152% về tội phạm căm thù người Do Thái ở Hoa Kỳ.

Vào tháng 5 năm 2021, các cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas đã dẫn đến tỷ lệ tội phạm căm thù chống người Do Thái ở Thành phố New York tăng 187% và tỷ lệ căm thù bài Do Thái ở Los Angeles tăng gần gấp 4 lần.

Ông Levin nói: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đột biến ở London và thực sự, gần như mọi quốc gia lớn ở châu Âu báo cáo tội ác căm thù bài Do Thái trong năm 2021 đều cho thấy sự gia tăng”.

Liên đoàn Chống Phỉ báng ADL đã báo cáo vào đầu năm nay rằng các vụ tấn công, phá hoại và quấy rối nhắm vào người Do Thái ở Hoa Kỳ đã tăng lên “mức độ lịch sử” mới vào năm 2022.

Ông Tom Copeland, giám đốc nghiên cứu tại Viện Centennial thuộc Đại học Cơ đốc Colorado, cho biết năm 2023 là một năm kỷ lục nữa về hoạt động chống Do Thái.

Ông Copeland nói trong một cuộc phỏng vấn: “Đó là một xu hướng lâu dài ở Mỹ cũng như ở Anh. Vì vậy, có vẻ như từ cuối tuần này, chắc chắn trên mạng xã hội, đặc biệt là trên Telegram [và] ở một mức độ nhất định trên TikTok, tất cả những tiếng nói chống Do Thái lại nổi lên một lần nữa.”

Nhưng người Do Thái không phải là mục tiêu duy nhất bị căm ghét khi bạo lực bùng phát ở Trung Đông.

Năm 1985, nhà hoạt động người Palestine Alex Odeh bị giết ở California bởi một quả bom ống được cho là do những người Do Thái cực đoan ở Mỹ gây ra. Vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Năm 1994, kẻ cực đoan người Mỹ gốc Do Thái Baruch Goldstein đã giết chết 29 tín đồ Hồi giáo và làm bị thương 125 người khác trong một nhà thờ Hồi giáo ở Hebron ở Bờ Tây.

Cuộc xung đột gần đây cũng đã tạo ra những hành động bài trừ Hồi giáo riêng lẻ. Hôm 10/10, một tấm biển tại một học viện tôn giáo Hồi giáo ở Boston đã bị bôi bẩn với dòng chữ “Đức Quốc xã”, làm dấy lên lời kêu gọi điều tra tội phạm căm thù.

Hội đồng Quan hệ Hồi giáo Mỹ hôm 11/10 cho biết họ đã nhận được rất nhiều báo cáo về việc các sinh viên Palestine và Hồi giáo phải đối mặt với sự quấy rối vì vận động thay mặt cho các vùng lãnh thổ của Palestine.

Ông Levin lưu ý rằng bạo lực ở Trung Đông thường gây ra ít tội ác chống người Hồi giáo hơn so với các vụ việc chống người Do Thái. Nhưng lần này, ông cảnh báo về một phản ứng dữ dội chống lại người Hồi giáo và người Ả Rập khi người Mỹ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công và bắt cóc.

Bà Maha Elgenaidi, người sáng lập và giám đốc điều hành của Nhóm Mạng lưới Hồi giáo có trụ sở tại California, đã lên án những hành động bài Do Thái gần đây là “khủng khiếp”.

Bà Elgenaidi, một người Mỹ gốc Ai Cập, cho biết: “Tôi chỉ nghĩ rằng nó đang thúc đẩy chủ nghĩa bài Do Thái luôn tồn tại ở Hoa Kỳ và khắp châu Âu”.

Bà nói rằng mặc dù đối thoại là chìa khóa để hàn gắn rạn nứt giữa người Do Thái và người Hồi giáo, nhưng nỗi đau gây ra cho cả hai bên là quá mới mẻ để có thể thực hiện một cuộc trò chuyện liên tôn giáo.

Bà nói: “Rất nhiều người mà tôi biết có gia đình ở Gaza và họ đã bị tổn thương trực tiếp và điều tương tự xảy ra với những người bạn Do Thái mà tôi đã nói chuyện cùng”.


**********

Tin tức thế giới 13-10: Ông Trump bình luận về Israel - Hamas; Thái Lan đưa công dân về từ Israel


* Thái Lan đón nhóm công dân đầu tiên về từ Israel
* Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Israel nhưng cũng bênh vực người Palestine
* Bình luận của ông Trump về xung đột Israel - Hamas bị Nhà Trắng đánh giá là "nguy hiểm"

Khói đen bốc lên khi quân đội Israel tiếp tục không kích trả đũa nhằm vào Dải Gaza vào ngày 12-10 - Ảnh: AFP

Khói đen bốc lên khi quân đội Israel tiếp tục không kích trả đũa nhằm vào Dải Gaza vào ngày 12-10 - Ảnh: AFP

Tin tức thế giới nổi bật: Xung đột Israel - Hamas

* Nhà Trắng và Israel phản ứng sau bình luận của ông Trump về xung đột Israel - Hamas. Ngày 12-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ trích cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vì mô tả nhóm vũ trang Hezbollah của Lebanon là "rất thông minh", ngay cả khi nhóm chiến binh này đọ súng với Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel, theo Hãng tin AFP.

Trước đó, trong bài phát biểu trước người ủng hộ ở bang Florida hôm 11-10, ông Trump cũng cáo buộc chính quyền ông Biden đã tài trợ cho cuộc tấn công của Hamas vì có thỏa thuận trao đổi tù nhân với Iran - quốc gia hỗ trợ tài chính cho Hamas và Hezbollah.

Đáp trả, ông Biden khẳng định: "Sự ủng hộ của quốc gia chúng ta (Mỹ) dành cho Israel là kiên quyết và không lay chuyển".

Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Andrew Bates cho rằng những bình luận của ông Trump là "nguy hiểm". Israel cũng phản ứng giận dữ, khi Bộ trưởng Truyền thông Israel Shlomo Karhi nói rằng những bình luận của ông Trump cho thấy "rõ ràng" không thể tin cậy vào ông được.

* Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ Israel, nhưng nói người Palestine có "khát vọng chính đáng". Ngày 12-10, trong chuyến thăm Israel, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington dành sự ủng hộ vững chắc cho Israel trong cuộc xung đột Israel - Hamas, nhưng cho biết người Palestine cũng có "khát vọng chính đáng", theo Hãng tin AFP.

Ông Blinken nói rằng phong trào Hồi giáo Hamas "không đại diện cho người Palestine hay khát vọng chính đáng của người Palestine là được sống, với an ninh, tự do, công lý, phẩm giá và cơ hội bình đẳng".

Đến nay Mỹ ủng hộ thành lập một nhà nước Palestine trong tương lai, nhưng họ không thể thuyết phục Israel.

Trong diễn biến liên quan, ông Blinken cho biết ông sẽ tới thăm Saudi Aravia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Qatar và Jordan, với nỗ lực gây sức ép lên Hamas.

* Mỹ sắp xếp các chuyến bay đưa công dân rời khỏi Israel. Ngày 12-10, Nhà Trắng cho biết họ đang nỗ lực tổ chức các chuyến bay thuê bao để giúp công dân Mỹ rời khỏi Israel khi số người Mỹ được xác nhận thiệt mạng trong xung đột Israel - Hamas đã tăng lên 27.

"Bắt đầu từ ngày 13-10, chính phủ Mỹ sẽ sắp xếp các chuyến bay thuê bao để cung cấp dịch vụ vận chuyển từ Israel đến các địa điểm ở châu Âu" - người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói.

* Thái Lan đón nhóm công nhân đầu tiên trở về từ Israel. Ngày 12-10, nhóm 41 công nhân Thái Lan đầu tiên trong số hàng chục ngàn lao động nước này tại Israel đã trở về nước sau cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào Israel 5 ngày trước đó.

15 công nhân, trong đó có 2 người bị thương, đã được hồi hương với sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao Thái Lan, trong khi những người còn lại tự thu xếp. 

Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết tổng cộng 16 công nhân Thái Lan đã bị các chiến binh Hamas bắt làm con tin kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Ngoài ra, có thêm một người Thái Lan được xác nhận thiệt mạng, nâng số người thiệt mạng trong cuộc tấn công tại Israel lên 21.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Kanchana Patarachoke, đến thời điểm hiện tại có 5.174 trong số 30.000 công nhân Thái Lan ở Israel đã đăng ký hồi hương tự nguyện.

* Các quan chức hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) tới Israel. Theo Hãng tin Reuters, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von Der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola dự kiến đến thăm Israel vào ngày 13-10 để gặp lãnh đạo Israel và bày tỏ sự đoàn kết với các nạn nhân trong các cuộc tấn công của Hamas.

Các tin tức thế giới khác

* Mỹ trưng ra mảnh vỡ drone Iran trên chiến trường Ukraine. Ngày 12-10, các quan chức quân sự Mỹ đã trưng ra "các mảnh vỡ máy bay không người lái (drone) của Iran được tìm thấy ở Ukraine" cho các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc xem, để cho thấy mối quan hệ ngày càng tăng giữa Iran và Nga, theo Hãng tin AFP.

Một chiếc drone bay qua bầu trời Kiev, Ukraine trong cuộc tấn công vào ngày 17-10-2022 - Ảnh: AFP

Một chiếc drone bay qua bầu trời Kiev, Ukraine trong cuộc tấn công vào ngày 17-10-2022 - Ảnh: AFP

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết đại diện của hơn 40 quốc gia đã tham dự sự kiện này. Tại đây, các quan chức Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cho biết các mảnh vỡ của drone Shahed 101, Shahed 131 và Shahed 136 do Iran sản xuất đã được tìm thấy ở Ukraine.

* Mỹ viện trợ 12 triệu USD cho Afghanistan sau động đất. Ngày 12-10, Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ cho biết Washington sẽ cung cấp khoản viện trợ nhân đạo ngay lập tức 12 triệu USD cho Afghanistan để phản ứng với các trận động đất khiến hàng ngàn người chết ở nước này hôm 7-10 và 11-10.

* Bất đồng trong đảng Cộng hòa cản trở ứng viên chủ tịch Hạ viện Mỹ. Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã tham gia cuộc đàm phán kín kéo dài nhiều giờ vào ngày 12-10, nhưng dường như chưa thể tiến gần hơn đến việc giải quyết những bất đồng nội bộ trong việc bầu dân biểu Cộng hòa Steve Scalise làm chủ tịch Hạ viện Mỹ, theo Hãng tin Reuteres.

Trước đó, hôm 11-10, lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Mỹ Steve Scalise giành số phiếu ùng hộ cao hơn Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan, trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa cho ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ. 

Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ ông Jordan tuyên bố sẽ không ủng hộ ông Scalise trong cuộc bỏ phiếu chung tại Hạ viện, khiến ông Scalise có thể không giành đủ 217 phiếu trên tổng số 433 ghế.

Hiền như hươu!

Một con chim đang đậu tìm côn trùng ngay trên đầu một con hươu cái ở Công viên Richmond tại Richmond, Anh. Trông nét mặt con hươu, có lẽ không ai nghĩ nó đang thấy mình bị làm phiền - Ảnh: AFP

Con chim đậu tìm côn trùng ngay trên đầu con hươu cái ở Công viên Richmond tại Richmond, Anh. Trông nét mặt con hươu, có lẽ không ai nghĩ nó đang thấy mình bị làm phiền - Ảnh: AFP


**********
Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 13 Tháng Mười 20233:44 CH
Khách
Israel va Ukraine can tan cong Manh me hon nua neu muon on Dinh tinh Hinh tro lai binh thuong.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn