Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 12 -10 -2023

Thứ Năm, 12 Tháng Mười 20235:20 SA(Xem: 1528)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 12 -10 -2023


Hoaluc 4
*****
rfi.fr

Cận Đông : Thủ tướng Israel thề “khai tử” Hamas

Thanh Hà

ISRAEL - HAMAS

Khi thông báo thành lập “chính phủ đoàn kết” khẩn cấp và một “hội đồng chiến tranh” vào tối qua 11/10/2023, thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu, cam kết sẽ “khai tử” phong trào Hồi Giáo Hamas, “số phận của mỗi chiến binh Hamas đã được an bài”.

Đăng ngày:

2 phút

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu họp chính phủ tại văn phòng thủ tướng ở Jerusalem, Israel, ngày 27/09/2023.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu họp chính phủ tại văn phòng thủ tướng ở Jerusalem, Israel, ngày 27/09/2023. via REUTERS - POOL

Trong phát biểu đầu tiên, thủ tướng Israel tuyên bố phong trào Hamas sẽ bị “tiêu diệt”, Israel sẽ “khai tử mỗi chiến binh” Hamas. Trên nguyên tắc tối nay, chính phủ đoàn kết quốc gia Israel mới chính thức tuyên thệ trước Quốc Hội, nhưng tất cả đã bắt tay ngay vào làm việc từ hôm qua.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và lãnh đạo đối lập, đảng Đoàn Kết thuộc cánh trung Benny Gantz đồng ý thành lập một “nội các liên minh” vì lợi ích quốc gia, trong “thời chiến”. Hai ông Netanyahu, Gantz và đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Yoav Gallant, cùng tham gia “hội đồng chiến tranh”. Bản thân ông Benny Gantz nguyên là một chỉ huy quân đội Israel và cũng từng là bộ trưởng Quốc Phòng trong giai đoạn từ 2020 đến 2022.

Thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem cho biết thêm về thành phần nội các mới tại Israel :

« Chỉ sau có 5 ngày, các bên đã đạt được thỏa thuận để thành lập một chính phủ khẩn cấp. Nội các mới đã lập tức cùng nhau bắt tay vào việc với phiên họp đầu tiên. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: Chúng ta cùng nhau làm việc để nghiền nát  Hamas. Dân tộc Israel đoàn kết, và giờ đây các nhà lãnh đạo Israel cũng đoàn kết. Chúng ta gạt qua một bên tất cả những bất đồng vì vận mệnh chung của dân tộc. Chúng ta cùng nhau sát cánh vì nhân dân Israel, vì đất nước của chúng ta, Israel’. 

Nội các này chỉ tồn tại trong thời chiến. Mọi dự luật mới, nhất là dự luận liên quan đến việc cải tổ hệ thống tư pháp, đều bị đóng băng. Lãnh đạo đảng Đoàn Kết, ông Benny Gantz giải thích : ‘Mối quan hệ đối tác của chúng ta không mang tính chính trị, mà đây là quan hệ đối tác vì vận mệnh chung. Chúng ta sẽ thắng và thay đổi thực trạng về an ninh, về chiến lược trong khu vực’.

Một nội các thời chiến đã được hình thành, với trách nhiệm điều phối các chiến dịch quân sự. Về mặt chính thức và thể theo một tiến trình khá phức tạp, tất cả những quyết định đều sẽ phải được trình lên và có sự đồng ý của Ủy ban đặc trách về an ninh. Trong số những thành viên của tổ chức này có hai bộ trưởng thuộc cánh cực hữu là các ông Itamar Ben Gvir và Betsalel Smotrich. Liên minh mới tại Quốc Hội được mở rộng đang từ 64 lên thành 76 dân biểu. Đây là đa số cần thiết để thông qua mọi quyết định về một chiến dịch trên bộ đánh vào Dải Gaza. »


*******

Israel chuẩn bị đưa quân vào Gaza tìm diệt Hamas ?

Ngay sau khi ông Benjamin Netanyahu, với tư cách là thủ tướng của tân chính phủ dân tộc, tuyên bố “nghiền nát ” phong trào Hamas, Israel liên tiếp oanh kích dải Gaza trong ngày 12/10/2023. Thủ tướng Netanyahu coi “Hamas là Daesh” - tổ chức thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo - và lên án cuộc tấn công của Hamas là sự kiện “tàn bạo chưa từng thấy kể từ nạn diệt chủng Shoah”.

Binh lính Israel đóng tại miền bắc đất nước, ngày 10/10/2023.
Binh lính Israel đóng tại miền bắc đất nước, ngày 10/10/2023. REUTERS - LISI NIESNER
Quảng cáo

Ông nhắc lại lời thề “sẽ nghiền nát và phá hủy Hamas như thế giới đã phá hủy Daesh”. Quân đội Israel đã dồn về dọc biên giới với dải Gaza, trong đó có hơn 300.000 lính dự bị. Ngày 12/10, một phát ngôn viên của quân đội Israel, được AFP trích dẫn, khẳng định, “chúng tôi chuẩn bị cho những bước tiếp theo của chiến tranh”, “có thể bằng đường không, có thể kết hợp cả đường biển và đường không” nhưng hiện giờ “chưa có gì được quyết định”.

Trả lời RFI, tướng Jérôme Pellistrandi, tổng biên tập tạp chí Quốc Phòng Pháp, nhận định về mục tiêu và rủi ro cho quân đội Israel khi đưa quân vào Gaza :

“Mục tiêu sẽ là gây tối đa thiệt hại cho các công trình quân sự của Hamas. Có nghĩa là tiếp tục phần nào công việc đã được tiến hành từ tối thứ Bẩy (07/10) với các cuộc không kích. Nhưng giờ là tấn công trên bộ, nhắm vào các tòa nhà công, mọi cơ sở có thể là nơi trú ẩn của lực lượng Hamas.

Điều này cũng có nghĩa là phải thâm nhập vào lãnh thổ Gaza. Nhưng việc đưa quân có thể sẽ tùy tình hình và cục bộ. Quân đội Israel sẽ phải chịu tổn thất. Đây là nguy cơ mà chính phủ hiểu rõ và chính phủ đang tranh thủ phần nào tinh thần đoàn kết dân tộc sau những hình ảnh khủng khiếp mà chúng ta đã thấy trong những ngày qua”.

Vào ngày thứ 6 của cuộc giao tranh Israel-Hamas, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Israel để khẳng định tình đoàn kết của Washington. Ông tuyên bố Hoa Kỳ “kiên quyết bảo đảm với Israel rằng họ nhận được những gì họ cần để tự vệ”.


*********
rfi.fr

Hơn 3000 người chết sau 5 ngày xung đột giữa Israel và Hamas trên dải Gaza và vùng lân cận

Minh Anh

Cuộc đụng độ giữa Israel và Hamas trên dải Gaza hôm nay, 11/10/2023 bước sang ngày thứ năm. Theo thống kê sơ bộ, hơn 3.000 người chết từ cả hai phía bao gồm cả thường dân, quân nhân Israel hay chiến binh Hamas.  

Đăng ngày:

3 phút

Dân Palestine cứu một bé gái khỏi một tòa nhà bị phá hủy trong một vụ oanh kích của Israel vào Gaza ngày 10/10/2023.
Dân Palestine cứu một bé gái khỏi một tòa nhà bị phá hủy trong một vụ oanh kích của Israel vào Gaza ngày 10/10/2023. AP - Fatima Shbair

Reuters dẫn số liệu từ phía Israel khẳng định cuộc tấn công của phe Hamas cách nay năm ngày tính đến hôm nay đã làm cho hơn 1.200 người chết và 2.700 người khác bị thương. Chiến sự bùng nổ đã làm cho hơn 263 ngàn người sinh sống trên dải Gaza buộc phải di tản. 

Nhật báo Kinh tế Pháp Les Echos cho biết nhiều nước bắt đầu tổ chức hồi hương các công dân vào lúc quân đội Israel mở nhiều cuộc oanh kích mới vào dải Gaza trong đêm thứ Ba rạng sáng thứ Tư, nhắm vào hơn 200 mục tiêu tại một khu phố mà theo chính quyền Israel, dường như đã được phe Hamas dùng để tiến hành đợt tấn công chưa từng có.  

Tổng cộng, quân đội Israel từ hôm thứ Bảy đã « tiêu diệt » ít nhất 1.000 người Palestine có vũ trang xâm nhập vào Israel từ dải Gaza.

Theo thông tín viên Michel Paul từ Jerusalem, ngoài việc oanh kích vào dải Gaza và phía nam Liban, quân đội Israel cũng đã đáp trả các vụ nã pháo từ Syria :

« Sau những vụ đụng độ ở biên giới Israel – Liban, nhất là sau loạt bắn rốc-kết và hành động đáp trả từ Israel, diễn biến mới ở đây là thêm một mặt trận được mở trong đêm qua, do có các quả đạn cối được bắn đi từ Syria. Ở đây một lần nữa, Israel đã oanh kích đáp trả. Ở phía nam, các vụ oanh kích của không quân và hải quân Israel vào dải Gaza, chủ yếu nhắm vào khu phố Al Furqan, phía bắc Gaza, ốc đảo của người Palestine, cũng như là khu phố Khan Younès ở phía nam. 

Có tin nói rằng nhà của gia đình Mohamed Deif, lãnh đạo chiến dịch quân sự của Hamas, là mục tiêu tấn công. Nhưng không chỉ có thế, quân đội Israel cho biết nhiều sự cố xảy ra tại Israel, ít nhất có bốn người Palestine vũ trang, trong đó có một "người nhái biệt động" đã bị bắn hạ tại vùng ngoại vi của dải Gaza trong đêm qua. Rồi trong một vụ đụng độ ở vùng Đông Jerusalem, cảnh sát đã giết chết hai người ở khu phố Al Silwan. » 

Mỹ thảo luận với Israel và Ai Cập mở lối an toàn cho dân 

Cũng theo thông tín viên Michel Paul, Israel huy động ồ ạt một con số kỷ lục 360 ngàn quân dự bị. Các đội quân đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ ở dải Gaza.  

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, hôm qua, 10/10/2023 cho biết Hoa Kỳ đang thảo luận với Israel và Ai Cập về việc mở một lối thoát an toàn cho thường dân ở dải Gaza.

Ý định này của Mỹ được đưa ra vào lúc Ai Cập, ngày 10/10 thông báo đóng cửa biên giới Rafah, nối Ai Cập với phía nam dải Gaza trước các đợt oanh kích từ Israel nhắm vào vùng lãnh thổ này. 


******
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) – Nga – Kirghizstan ký thỏa thuận về hệ thống phòng thủ chung. Nghị Viện Kirghizstan hôm nay, 11/10/2023, đã phê chuẩn một thỏa thuận với Nga về việc thành lập một hệ thống phòng không chung. Thỏa thuận được ký một ngày trước khi tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm nước Trung Á đồng minh của Matxcơva. 

(AFP) – Tổng thống Mông Cổ công du Pháp. Ngày 10/10/2023, tổng thống Ukhnaa Khurelsukh đã đến Pháp, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới thứ Bảy 14/10/2023. Chuyến thăm này diễn ra sau chuyến công du Ulan – Bator của tổng thống Pháp hồi tháng Năm năm nay. Ngày mai, nguyên thủ hai nước sẽ thảo luận về các quặng uranium tại Mông Cổ mà tập đoàn hạt nhân của Pháp Orano muốn khai thác. 

(AFP) – Ngoại trưởng Nga đến Trung Quốc. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga hôm qua, 10/10/2023, cho biết, ngoại trưởng Serguei Lavrov sẽ có mặt ở Bắc Kinh từ ngày 16-18/10/2023 trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế « Một Vành đai, Một Con đường » lần thứ 3 (17-18/10/2023). Theo thông báo, lãnh đạo ngoại giao Nga sẽ gặp đồng nhiệm Vương Nghị. 

(Reuters) – Trung Quốc trả tự do cho nhà báo Úc. Thủ tướng Úc Anthony Albanese hôm nay, 11/10/2023, cho biết nữ phóng viên gốc Hoa Cheng Lei đã về đến Úc sau khi được chính quyền Bắc Kinh trả tự do. Nhà báo này đã bị Trung Quốc kết án ba năm tù giam với cáo buộc « gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia ». 

(AFP) – Đa số dân Mỹ ủng hộ can thiệp quân sự ở Đài Loan. Kết quả thăm dò do Eurasia Group Foundation tiến hành được công bố hôm nay, 11/10/2023, cho biết 18% số người Mỹ được hỏi khẳng định ủng hộ « mạnh mẽ » và có 42% « khá ủng hộ » việc can thiệp quân sự vào Đài Loan. Thăm dò được thực hiện với gần 1.000 người từ ngày 28/8 đến ngày 06/09/2023. 

(AFP) – Một lính thủy quân lục chiến Mỹ thừa nhận làm gián điệp cho Trung Quốc. Bộ Tư Pháp Mỹ ngày 10/10/2023 cho biết Wenheng Zhao, 26 tuổi, làm việc tại căn cứ hải quân quân Ventura, phía bắc Los Angeles, bị bắt tại California hồi tháng Tám, đã nhận tội cung cấp các thông tin nhạy cảm cho một nhân viên tình báo Trung Quốc đổi lấy số tiền 15 ngàn đô la. Jinchao Wei một nhân viên cơ khí 22 tuổi, làm việc tại căn cứ hải quân San Diego, thì bị nghi ngờ đã bắt tay với một nhân viên tình báo Trung Quốc từ tháng 2/2022, cung cấp các thông tin về cách thức hoạt động, an ninh và vũ khí trên tầu đổ bộ USS Essex. Một cựu hạ sĩ quan tình báo quân sự Mỹ khác, bị bắt hôm thứ Sáu 06/10 khi vừa từ Trung Quốc trở về, đã bị truy tố về tội âm mưu cung cấp cho Trung Quốc nhiều thông tin về quốc phòng.  

(AFP) - Afghanistan lại bị dư chấn của động đất. Sáng 11/10/2023, cư dân ở tỉnh Herat, miền tây Afghanistan, lại hoảng sợ vì trận động đất mới với cường độ 6,3° Ritchter, sau khi vừa bị một trận động đất mạnh cách đây 4 ngày. Hàng nghìn người vẫn phải ngủ ngoài trời do nhà cửa bị phá hủy. Chính quyền Afghanistan cũng đã giảm một nửa số người thiệt mạng trong trận động đất tuần trước, xuống còn hơn 1.000 nạn nhân. Theo bộ trưởng Y Tế, nguyên nhân là do nhầm lẫn số liệu ở các khu vực bị nạn nằm ở những vùng sâu vùng xa và do các đơn vị cứu hộ thống kê chồng chéo nhiều số liệu.

(AFP) - Vua Charles III công du Kenya. Trong thông cáo ngày 11/10/2023, điện Burkingham cho biết chuyến công du của quốc vương Anh và hoàng hậu Camilla kéo dài bốn ngày, từ 31/10 đến 03/11, theo lời mời của tổng thống Kenya trong bối cảnh quốc gia châu Phi kỷ niệm 60 năm giành độc lập từ tay thực dân Anh. Chuyến công du nhằm « tăng cường sự thịnh vượng, bầu không khí trao đổi, thúc đẩy cơ hội và việc làm cho thanh niên, phát triển bền vững và hình thành một khu vực ổn định và an toàn hơn ».

(AFP) - Qatar và TotalEnergies ký hợp đồng cung ứng khí hóa lỏng trong vòng 27 năm. Theo tập đoàn Pháp, hợp đồng được ký ngày 11/10/2023 « để cung cấp đến 3,5 triệu tấn khí hóa lỏng GNL hàng năm từ Qatar sang Pháp ». Các đợt giao đầu tiên sẽ bắt đầu vào năm 2026, khí được chuyển từ các dự án North Field East và North Fiel South, nơi tập đoàn Pháp có cổ phần lần lượt là 6,25% và 9,37%. Theo thông cáo của bộ Năng Lượng Qatar, đây là « cam kết liên tục » của vương quốc « đối với các thị trường châu Âu, đặc biệt là thị trường Pháp ».


*********
voatiengviet.com

TT Putin: Mỹ đưa tàu ​​sân bay đến là đang gây căng thẳng ở Trung Đông

Reuters

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11/10 cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng ở Trung Đông bằng cách phái một nhóm tàu sân bay tác chiến tới khu vực, nói rằng “các giải pháp thỏa hiệp” là cần thiết và ông hy vọng lẽ thường sẽ thắng thế, theo Reuters.

Người đứng đầu Điện Kremlin gọi vụ bùng nổ bạo lực giữa Israel và người Palestine là một ví dụ sinh động về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông, mà ông cho rằng đã không tính đến nhu cầu của người Palestine.

Sau cuộc tấn công bất ngờ của nhóm Hamas vào Israel hôm 7/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết Mỹ đang điều một nhóm tàu tấn công, trong đó có tàu sân bay USS Gerald R. Ford, đến gần Israel hơn.

Ông Putin, phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moscow, nói rằng động thái của Mỹ, vốn cũng bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chỉ trích dữ dội hôm 10/10, là một sai lầm.

“Tôi không hiểu tại sao Mỹ lại kéo các nhóm tàu sân bay vào Địa Trung Hải. Tôi thực sự không hiểu ý nghĩa của vấn đề. Họ định ném bom Lebanon hay sao?” ông Putin nói.

“Hay họ định dọa ai đó? Có những người ở đó không còn sợ hãi bất cứ điều gì. Đây không phải là cách giải quyết vấn đề. Cần phải tìm kiếm các giải pháp thỏa hiệp. Tất nhiên, những hành động như vậy đang khiến tình hình thêm căng thẳng”.


*******

Ngoại trưởng Anh đến thăm Israel giữa xung đột để thể hiện tình đoàn kết


Ngày 11-10, Bộ Ngoại giao Anh xác nhận Ngoại trưởng James Cleverly đã thăm Israel ngay khi cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn tại khu vực này.

Khói trắng được trông thấy tại khu vực cảng biển thành phố Gaza ngày 11-10 - Ảnh: AFP

Khói trắng được trông thấy tại khu vực cảng biển thành phố Gaza ngày 11-10 - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Anh James Cleverly thăm Israel vào ngày 11-10 để thể hiện tình đoàn kết với người dân Israel, sau khi Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas tấn công nước này hôm 7-10 và tạo ra cuộc xung đột lớn.

“Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đến Israel hôm nay để thể hiện tình đoàn kết vững chắc giữa Anh với người dân nước này ngay sau khi Hamas tấn công”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh nói.

“Ông ấy (bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh) sẽ gặp những người sống sót sau cuộc tấn công của Hamas cũng như gặp mặt các nhà lãnh đạo cấp cao của Israel để thể hiện rõ sự ủng hộ của Anh đối với quyền tự vệ của Israel”, phát ngôn viên này nói thêm.

Từ khi chiến sự bùng nổ đến nay, Anh và các đồng minh phương Tây đã vẫn luôn bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel, lên án cuộc tấn công của Hamas. Theo đài BBC, có 17 công dân Anh, trong đó có cả trẻ em, đã chết hoặc mất tích ở Israel.

Tính đến ngày 11-10, chính phủ một số nước như Úc, Áo, Cộng hòa Cyprus, Đan Mạch, Hàn Quốc… đã sắp xếp các chuyến bay hồi hương cho công dân từ thành phố Tel Aviv và thành phố Gaza trở về khi cuộc xung đột bước sang ngày thứ tư.

Cùng ngày, quân đội Israel tuyên bố đã tiêu diệt ít nhất 1.000 tay súng trong nhóm Hamas kể từ khi Hamas bất ngờ tấn công vào Dải Gaza hôm 7-10.

Đồng thời, phía Israel cho biết đã tăng cường củng cố các cộng đồng người Israel khi tình trạng thù địch đang lan sang những mặt trận khác.

Trả lời báo địa phương Israel Hayom ngày 11-10, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, phát ngôn viên quân sự của Israel, tiết lộ trong số các mục tiêu của Hamas bị phá hủy, có một hệ thống theo dõi máy bay tiên tiến.

Ngoài ra, cơ quan điện lực tại khu vực do Palestine kiểm soát thông báo nhà máy điện duy nhất ở Dải Gaza đã ngừng hoạt động vào lúc 14h ngày 11-10.

Đến nay, quân đội Israel ước tính khoảng 1.200 người chết và hơn 2.700 người bị thương trong cuộc xung đột. Phía Israel cũng điều động nhiều xe tăng và xe bọc thép đến khu vực phía bắc Dải Gaza.

Trong khi đó, phía Palestine ước tính có khoảng 1.055 người thiệt mạng và 5.184 người bị thương trong các cuộc trả đũa của nước này nhằm vào khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát của Israel.


********
voatiengviet.com

TT Zelenskiy kêu gọi NATO cấp thêm vũ khí để đối phó với ‘khủng bố’ trong mùa đông

Reuters

Hôm 11/10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy yêu cầu các đồng minh NATO cung cấp thêm vũ khí và phòng không để giúp đất nước của ông vượt qua thêm một mùa đông chiến tranh nữa khi Ukraine chuẩn bị đối phó với hàng loạt các cuộc tấn công của Nga nhắm vào các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng khác, theo Reuters.

Ông Zelenskiy vừa có chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở NATO kể từ cuộc xâm lược của Nga vào năm ngoái, vào thời điểm bất ổn tại Quốc hội Mỹ có nguy cơ làm gián đoạn viện trợ cho Kyiv và thế giới đang chú ý đến một cuộc khủng hoảng khác đang diễn ra ở Israel.

Ông Zelenskiy đưa ra nhận định so sánh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhóm Hồi giáo Hamas của Palestine, đồng thời cho biết viện trợ quân sự của phương Tây là rất quan trọng để đẩy Moscow rơi vào thế khó trong cuộc chiến.

Ông nói: “Phòng không mùa đông là một phần quan trọng trong câu trả lời cho câu hỏi khi nào cuộc chiến này sẽ kết thúc và liệu nó có kết thúc một cách công bằng cho Ukraine hay không”.

“Chúng ta phải giành chiến thắng trong trận chiến mùa đông chống khủng bố và chúng ta có thể giành chiến thắng”, ông nói thêm tại cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO và khoảng 20 quốc gia khác cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine trong một diễn đàn do Mỹ dẫn đầu được gọi là Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine.

Nhắc lại cam kết của phương Tây sẽ hỗ trợ Ukraine cho tới cùng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố gói viện trợ quốc phòng mới trị giá 200 triệu đôla cho Ukraine, bao gồm đạn dược phòng không và vũ khí chống máy bay không người lái.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông Putin đang “chuẩn bị một lần nữa sử dụng mùa đông làm vũ khí chiến tranh” bằng cách tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine.

Ông Stoltenberg nói: “Chúng ta cần ngăn chặn điều đó, với khả năng phòng không ngày càng tiên tiến và nâng cao, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn”.

Washington đã tài trợ cho Kyiv 44 tỷ đôla vũ khí với hàng chục xe tăng, hàng nghìn tên lửa và hàng triệu đạn dược kể từ cuộc xâm lược của Nga nhưng sự ủng hộ của người Mỹ thuộc cả hai đảng chính trị chính đang giảm dần.

Ông Austin và Tướng Không quân Charles Q. Brown, tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, muốn trấn an các đồng minh NATO và Ukraine rằng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Kyiv bất chấp viện trợ đang bị cản trở do đấu đá nội bộ trong Quốc hội Mỹ.

Ông Zelenskiy tìm cách miêu tả cuộc xâm lược của Nga và các cuộc tấn công của Hamas là hai mặt của cùng một đồng tiền.

Ông nói: “Những kẻ khủng bố như Putin hay Hamas tìm cách bắt các quốc gia tự do và dân chủ làm con tin và chúng muốn quyền lực”.

“(Nga) vẫn có đủ nguồn lực để kích động xung đột và biến chúng thành những thảm kịch toàn diện và điều này đang xảy ra ở Sahel. Và nó có thể còn xảy ra đau đớn hơn ở Israel và Trung Đông”, ông Zelenskiy nói thêm.

Hamas, tổ chức kêu gọi tiêu diệt Israel, nói rằng cuộc tấn công của họ được biện minh dựa trên hoàn cảnh khó khăn của Gaza dưới sự phong tỏa kéo dài 16 năm và cuộc đàn áp đẫm máu nhất của Israel trong nhiều năm ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant sẽ tham gia hội nghị với các bộ trưởng NATO vào ngày 12/10 qua video để thảo luận về cuộc tấn công của Hamas và hậu quả của nó.


**********
voatiengviet.com

NATO sẽ phản ứng nếu đường ống ở Biển Baltic bị cố ý phá hoại

Reuters

NATO sẽ xem xét thiệt hại đối với đường ống dẫn khí đốt và cáp dữ liệu nối giữa các quốc gia thành viên Phần Lan và Estonia, đồng thời có phản ứng “cứng rắn” nếu nguyên nhân được xác định là một cuộc tấn công có chủ ý, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói hôm 11/10.

Thiệt hại trên đường ống Balticconnector và cáp viễn thông được xác nhận hôm 10/10 sau khi một trong hai nhà khai thác đường ống, Gasgrid của Phần Lan, ghi nhận áp suất giảm và có thể bị rò rỉ vào tối Chủ nhật (8/10) trong một cơn bão.

Hôm 10/10, Helsinki cho biết thiệt hại có thể do “hoạt động bên ngoài” gây ra và nguyên nhân đang được điều tra, làm dấy lên lo ngại về an ninh năng lượng khu vực và đẩy giá khí đốt lên cao.

“Bây giờ điều quan trọng là xác định điều gì đã xảy ra và nó xảy ra như thế nào”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở Brussels trước cuộc họp của liên minh quân sự.

“Nếu nó được chứng minh là một cuộc tấn công có chủ ý vào cơ sở hạ tầng quan trọng của NATO thì điều này tất nhiên sẽ nghiêm trọng, nhưng nó cũng sẽ phải nhận được phản ứng thống nhất và quyết tâm từ NATO”.

Đường ống nối giữa Inkoo ở Phần Lan và Paldiski ở Estonia, đi qua Vịnh Phần Lan, một phần của Biển Baltic kéo dài về phía đông vào vùng biển của Nga và kết thúc tại cảng St Petersburg.

Hai nhà điều hành hệ thống điện và khí đốt Elering của Estonia và nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt Phần Lan Gasgrid, vận hành đường ống Balticconnector, mỗi bên sở hữu một nửa đường ống.

Các nhà điều hành cho biết trong một tuyên bố rằng việc lập kế hoạch và tiến hành sửa chữa đường ống sẽ mất ít nhất 5 tháng, với việc vận chuyển khí đốt có thể sẽ tiếp tục trở lại sớm nhất vào tháng 4 năm sau.

Điện Kremlin mô tả vụ việc này là “đáng lo ngại” và cho biết họ đang chờ thêm thông tin.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 11/10 rằng các đường ống dẫn Nord Stream của Nga bị hư hại do một cuộc tấn công ở Biển Baltic, đề cập đến một sự cố xảy ra vào tháng 9/2022.

Sự cố hôm 8/10 xảy ra khoảng một năm sau khi các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream lớn hơn, đi qua Biển Baltic giữa Nga và Đức, bị hư hại do vụ nổ mà chính quyền cho là do phá hoại.

Ông Henri Vanhanen, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Phần Lan, cho biết vấn đề trọng tâm sẽ là NATO sẽ phản ứng thế nào nếu có bằng chứng về một tác nhân nhà nước đứng đằng sau vụ thiệt hại đường ống ở Biển Baltic.

“Tôi nghĩ câu hỏi lớn về lâu dài là liệu chúng ta có các biện pháp rõ ràng nào để đối với các hoạt động (phá hoại) như vậy không? Biện pháp ngăn chặn là gì?” ông Vanhanen nói.


*********
voatiengviet.com

Xung đột Israel-Hamas: Trung Quốc lên án các cuộc tấn công sau khi bị gây áp lực

VOA News

Sau khi bị lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện Mỹ Chuck Schumer gây áp lực, Bắc Kinh đã lên án các cuộc tấn công do Hamas phát động ở Israel nhưng không nêu đích danh Hamas.

Trong tuyên bố mới nhất từ Bộ Ngoại giao, Trung Quốc lên án “tất cả bạo lực và tấn công vào dân thường” và nói “nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay là đạt được lệnh ngừng bắn và khôi phục hòa bình”.

Tuyên bố hôm 9/10 được đưa ra sau khi ông Schumer, một đảng viên Dân chủ, bày tỏ sự thất vọng với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về tuyên bố trước đó của Trung Quốc chỉ kêu gọi kiềm chế.

Ông Schumer nói trong một tuyên bố hôm 9/10: “Tôi đã nêu lên với Chủ tịch Tập về những hành động tàn bạo đang diễn ra chống lại Israel và sự cần thiết của cộng đồng thế giới để cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố và sát cánh với người dân Israel, đồng thời yêu cầu rõ ràng Chủ tịch Tập rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cần củng cố tuyên bố của họ; họ đã làm như vậy.”

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 9/10, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc không nêu tên Hamas và từ chối mô tả các cuộc tấn công do các phần tử chủ chiến tiến hành là một hành động khủng bố.

Theo hãng tin AP, chỉ có Tòa đại sứ Trung Quốc tại Israel mới nêu tên Hamas và gọi các chiến binh này là “những kẻ khủng bố” khi nói rằng một phụ nữ trẻ mang hai dòng máu Israel và Trung Quốc nằm trong số những con tin bị các chiến binh Hamas bắt giữ.

Một tuyên bố của tòa đại sứ nói: “Noa bị những kẻ khủng bố Hamas bắt cóc khi đang tham dự một lễ hội âm nhạc hòa bình ở miền nam Israel. Cô ấy bị đưa từ Israel đến Gaza”. “Cô ấy là một người con, một người chị, và là một người bạn.”

Duy trì ảnh hưởng

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc tránh trực tiếp lên án Hamas để duy trì ảnh hưởng ở các nước đang phát triển.

Ông Jonathan Schanzer, phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, nói với VOA: “Trung Quốc luôn nghiêng về thế giới Ả Rập và thậm chí cả các chủ thể phi nhà nước được các quốc gia bất hảo hậu thuẫn”.

Ông Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách của Defense Priorities, nói với VOA: “Trung Quốc đang cố gắng giữ một vị thế trung lập hơn Hoa Kỳ và để được thế giới coi là một nhà môi giới trung lập hoặc trung thực hơn, và không nhất thiết phải liên kết với Israel như là Hoa Kỳ. Và tôi nghĩ điều đó phù hợp với mong muốn giành được ảnh hưởng ở nhiều nước đang phát triển.”

Trung Quốc tăng cường quan hệ với Israel từ năm 2013, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ quân sự.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã xâm nhập vào hoạt động hòa giải hòa bình ở Trung Đông, thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng thái độ mơ hồ của Bắc Kinh đối với các cuộc tấn công gần đây được tính toán để duy trì mối quan hệ với các cường quốc trong khu vực như Ả Rập Xê-Út và để đối lập với bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm hòa giải xung đột.

Ả Rập Xê-Út và Iran đã nối lại quan hệ ngoại giao vào tháng 3 trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian, được coi là làm tăng sức mạnh địa chính trị của Bắc Kinh trong khu vực.

Ông Adam Gallagher, biên tập viên quản lý về các vấn đề công cộng và truyền thông tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, đã viết vào tháng 3 rằng đối với Trung Quốc, “làm trung gian cho việc nối lại quan hệ giữa hai đối thủ lâu năm ở Trung Đông này có những khía cạnh mang tính biểu tượng và chiến lược quan trọng”.

“Về mặt chiến lược, Bắc Kinh cần duy trì dòng dầu tự do chảy ra khỏi khu vực. Nhưng những gì thỏa thuận này báo hiệu về vai trò của Bắc Kinh trong các vấn đề toàn cầu có thể chỉ quan trọng đối với Trung Quốc… quốc gia đang thực hiện một cuộc tấn công ngoại giao nhằm xây dựng một giải pháp thay thế cho sự thống trị của Hoa Kỳ trong các vấn đề toàn cầu”.

Trong khi đó, Hoa Kỳ đang cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Ả Rập Xê-Út và Israel. Đó sẽ được coi là một bước thụt lùi về mặt ngoại giao đối với Iran, quốc gia từ lâu đã được xác định là nước ủng hộ quan trọng của Hamas.

Carice Witte, người sáng lập và giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Sino-Israel Global Network and Academic Leadership có trụ sở tại Israel, nói với đài VOA rằng mặc dù Trung Quốc không muốn chứng kiến các cuộc tấn công vào Israel như những cuộc tấn công vào cuối tuần qua, nhưng “họ muốn thấy Ả Rập Xê-Út đứng về phía Trung Quốc. Việc bình thường hóa sẽ xảy ra, đặc biệt là bây giờ sau những gì chúng ta đang chứng kiến, sẽ kéo thêm nhiều quốc gia Ả Rập vào bình thường hóa và hợp tác với Israel.”

Israel đã mô tả các cuộc tấn công cuối tuần của Hamas là biến cố “11/9” của họ, đề cập đến tác động của các cuộc tấn công đối với người Israel về tính mạng, tài sản và tinh thần.

Sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ, Trung Quốc đã thẳng thắn lên án chủ nghĩa khủng bố và có những cử chỉ ủng hộ chính phủ Mỹ, một động thái giúp Bắc Kinh cải thiện quan hệ với Washington sau nhiều năm căng thẳng giữa hai cường quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia không cho rằng Trung Quốc sẵn sàng và có khả năng lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện tại để tăng cường quan hệ Trung-Israel.

Ông Friedman nói: “Tôi không nghĩ họ đang nắm bắt cơ hội để nâng cao quan hệ đối tác. Họ có vẻ quan tâm hơn đến việc được coi là trung lập”.


*********

Tin tức thế giới 12-10: Hamas thông báo thả 3 con tin, Israel chưa xác nhận


* Hamas cung cấp hình ảnh thả 3 con tin Israel
* Nga, Trung Quốc kêu gọi Israel và Palestine hòa đàm
* Mỹ sẵn sàng điều tàu sân bay thứ hai đến khu vực xung đột

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường đến Israel từ căn cứ không quân Andrew hôm 11-10 - Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên đường đến Israel từ căn cứ không quân Andrew hôm 11-10 - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters ngày 11-10 dẫn cập nhật của quân đội Israel cho biết đã có 1.200 người Israel thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương. Trong khi đó, chính quyền Hamas ở Dải Gaza thông báo các cuộc tấn công trả đũa của Tel Aviv đã khiến 1.055 người thiệt mạng và hơn 5.100 người khác bị thương.

Tình hình xung đột Hamas - Israel

* Hamas tuyên bố trả tự do cho 3 con tin, Israel chưa xác nhận

Theo Hãng tin AFP, cánh vũ trang Ezzedine al-Qassem của lực lượng Hamas hôm 11-10 cho biết họ đã trả tự do cho một nữ công dân Israel và hai trẻ em.

Một đoạn video được mạng lưới truyền hình Al-Aqsa của Hamas tung ra cho thấy một người phụ nữ mặc áo sơ mi xanh cùng hai đứa trẻ đang ở trong khu vực có dây thép gai, dường như nằm giữa Israel và Dải Gaza, đồng thời có ba chiến binh Hamas đang rời đi.

Đoạn clip dường như được quay vào ban ngày và không cho thấy bất kỳ quân nhân Israel nào đón ba người này.

Đoạn video cho thấy người phụ nữ Israel và hai đứa trẻ được trả tự do - Ảnh: Al-Jazeera

Đoạn video cho thấy người phụ nữ Israel và hai đứa trẻ được trả tự do - Ảnh: Al-Jazeera

Song truyền hình Israel lên tiếng bác bỏ thông tin trên, cho rằng người phụ nữ và hai đứa trẻ chưa bao giờ được các chiến binh Hamas đưa đến Dải Gaza sau khi họ tiến hành các cuộc tấn công mới nhất.

Tuy nhiên, họ xác định danh tính của người phụ nữ là Avital Aladjem - một cư dân của khu định cư Holit. Cô này đã trả lời một số cuộc phỏng vấn trong tuần qua, kể rằng cô cùng hai đứa trẻ là con của hàng xóm đã bị Hamas dùng vũ lực đưa đến khu vực biên giới giữa Israel và Dải Gaza, sau đó được trả tự do.

Quân đội Israel cho biết họ đang kiểm tra tính xác thực của thông tin trên. Cho đến nay, các quan chức Israel cho biết có khoảng 150 con tin bị Hamas bắt giữ kể khi xung đột nổ ra vào hôm 7-10.

Chưa có bất cứ hành động trả tự do chính thức cho con tin nào được ghi nhận, theo AFP.

* 22 công dân Mỹ thiệt mạng, Ngoại trưởng Blinken lên đường đến Israel

Theo Hãng tin AFP, ông Antony Blinken đến Israel vào ngày 12-10 và có thể sẽ gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin đã có 22 công dân nước này thiệt mạng khi xung đột leo thang giữa lực lượng Hamas và Israel.

Trong ngày 11-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã một lần nữa điện đàm với ông Netanyahu để nhấn mạnh "sự ủng hộ không lay chuyển" của Washington với Tel Aviv. Theo Hãng tin AFP, khác với những lời kêu gọi kiềm chế mà Mỹ thường đưa ra khi bạo lực và xung đột xảy ra trên thế giới, ông Biden nêu rõ họ ủng hộ "quyền đáp trả áp đảo" của Israel.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhấn mạnh họ coi đây là cuộc chiến chống lại lực lượng Hamas chứ không phải người dân Palestine.

Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo lực lượng Hải quân Mỹ sẵn sàng điều động tàu sân bay thứ hai tới khu vực. Trước đó vào hôm 8-10, Lầu Năm Góc đã đưa tàu sân bay USS Gerald R.Ford và các tàu chiến hộ tống đến phía đông Địa Trung Hải, cũng như tăng cường các đội máy bay chiến đấu trong khu vực - một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ với nhà nước Do Thái của Israel.

* Nga, Trung Quốc kêu gọi Israel và Palestine hòa đàm

Ngày 11-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Israel và các lực lượng của Palestine tiến hành đàm phán đồng thời bày tỏ hy vọng cuộc xung đột, vốn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng trong những ngày vừa qua, không lan rộng.

Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng cần phải tránh không để cuộc xung đột này lan rộng bằng bất cứ giá nào, vì nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến tình hình quốc tế. Theo ông Putin, các bên liên quan cần quay trở lại tiến trình đàm phán.

Cùng ngày, Trung Quốc cũng kêu gọi Israel và Palestine nối lại hòa đàm và thực thi giải pháp hai nhà nước. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tái khẳng định lập trường của nước này về xung đột Israel-Palestine, trong đó kêu gọi các bên liên quan nối lại hòa đàm và thực thi giải pháp hai nhà nước.

* Saudi Arabia nói phải ngăn Israel tấn công vào Dải Gaza

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan, Thái tử Saudira Arabia Mohammed bin Salman nhấn mạnh họ đang nỗ lực không ngừng trong khu vực và quốc tế nhằm ngăn chặn căng thẳng leo thang trong xung đột Hamas - Isarel.

Ông Mohammed bin Salman nhấn mạnh "sự cần thiết" phải ngăn chặn các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh lập trường vững chắc trong việc hỗ trợ chính nghĩa của người Palestine.

* British Airways hoãn chuyến bay đi và đến Israel

Hãng hàng không của Anh hôm 11-10 tuyên bố sẽ tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv của Israel trước những lo ngại về tình hình an ninh tại khu vực. Hành khách bị ảnh hưởng sẽ được lựa chọn hoàn tiền hay đặt lại vé với hãng này vào thời điểm khác hoặc với hãng hàng không khác.

Một hãng hàng không khác của Anh là Virgin Atlantic thì vẫn tiếp tục các chuyến bay giữa Heathrow và Tel Aviv.

Các hãng hàng không Air France-KLM (Pháp), Lufthansa (Đức) cũng nhiều hãng hàng không Mỹ trước đó đã tạm dừng các chuyến bay với đến Tel Aviv với lý do tương tự.

Trung Đông nóng, Mỹ và NATO vẫn đảm bảo hỗ trợ cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 11-10 đã có chuyến thăm bất ngờ tới trụ sở NATO ở thành phố Brussels (Bỉ) và kêu gọi liên minh quân sự này tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.

Đáp lại lời kêu gọi, NATO tuyên bố sẽ đảm bảo viện trợ quân sự cần thiết cho Ukraine khi mùa đông đang đến gần.

"Chúng tôi có khả năng và sức mạnh để giải quyết nhiều thách thức khác nhau cùng một lúc. Chúng ta không có cơ hội lựa chọn chỉ một mối đe dọa và thách thức", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đưa ra tuyên bố tương tự, cho biết việc Washington hỗ trợ Israel "sẽ không ảnh hưởng viện trợ cho Ukraine". Ông khẳng định Mỹ vẫn có thể triển khai sức mạnh và chỉ đạo các nguồn lực để giải quyết khủng hoảng ở nhiều mặt trận.

"Vì vậy, chúng tôi sẽ sát cánh Israel trong khi tiếp tục hỗ trợ Ukraine", bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.

Nga mở đợt tấn công lớn vào miền đông Ukraine

Theo Hãng tin Reuters, các quan chức Nga cho biết đã triển khai lượng lớn người và thiết bị tới thị trấn Avdiivka ở miền đông Ukraine. Các cuộc tấn công đã bắt đầu từ hôm 10-10 và là đợt tấn công lớn nhất vào thị trấn này kể từ đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt đến nay".

Khói bốc lên ở khu vực Avdiivka trong ngày 11-10, ảnh chụp từ vùng Donetsk của Ukraine mà Nga đã sáp nhập vào năm 2022 - Ảnh: REUTERS

Khói bốc lên ở khu vực Avdiivka trong ngày 11-10, ảnh chụp từ vùng Donetsk của Ukraine mà Nga đã sáp nhập vào năm 2022 - Ảnh: REUTERS

Các tài khoản Nga chỉ ra rằng lực lượng Matxcơva đã "cải thiện vị trí" ở các khu vực xung quanh Avdiivka và giao tranh đã gia tăng trong khu vực.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thì nói rằng họ đã đẩy lùi 10 cuộc tấn công của lực lượng Nga.

Lạm phát của Nga tăng trong tháng 9

Số liệu được Cơ quan thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố ngày 11-10 cho thấy lạm phát của nước này trong tháng 9 là 6%, tăng so với mức 5,5% của tháng 8.

Đồng rúp của Nga đã ở mức yếu trong nhiều tháng qua. Sở giao dịch chứng khoán Matxcơva cho biết tỷ giá hôm 11-10 ở mức 100 rúp đổi 1 USD và 106,5 rúp đổi 1 euro. Chính phủ Nga hồi tháng 9 cũng tuyên bố tạm thời hạn chế xuất khẩu xăng và nguyên liệu diesel để "ổn định thị trường nội địa".

Nền kinh tế Nga đã đối mặt với loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây khi nước này triển khai "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, song Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định nền kinh tế nước này vẫn đang trong trạng thái ổn định.

Vòng xoáy cầu thang

Góc ảnh ghi lại những vòng xoáy cầu thang ở một tòa nhà cao tầng tại Nhật Bản này vừa đoạt giải trong cuộc thi ảnh quốc tế Epson International Pano Awards lần thứ 14 vừa công bố - Ảnh: Teo Chin Leong/Atlantic

Góc ảnh ghi lại những vòng xoáy cầu thang ở một tòa nhà cao tầng tại Nhật Bản này vừa đoạt giải trong cuộc thi ảnh quốc tế Epson International Pano Awards lần thứ 14 vừa công bố - Ảnh: Teo Chin Leong/Atlantic


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn