Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 27 -9 -2023

Thứ Tư, 27 Tháng Chín 20239:47 SA(Xem: 1206)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 27 -9 -2023
Hoaluc 3
************
rfi.fr

Philippines kêu gọi ngư dân tiếp tục hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough

Thanh Phương

Theo hãng tin Reuters, lực lượng tuần duyên Philippines hôm nay, 27/09/2023, kêu gọi các ngư dân của nước này tiếp tục hoạt động tại khu vực bãi cạn Scarborough cũng như tại các khu vực khác ở Biển Đông, đồng thời cam kết sẽ gia tăng các cuộc tuần tra, bất chấp sự hiện diện đông đảo của phía Trung Quốc.

Đăng ngày:

2 phút

Ảnh tư liệu : Một tàu hải cảnh Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, ngày 06/04/2017.
Ảnh tư liệu : Một tàu hải cảnh Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, ngày 06/04/2017. REUTERS - Erik de Castro

Trả lời đài phát thanh DZRH, phát ngôn viên của lực lượng tuần duyên Philippines, Commodore Jay Tarriela cho biết các tàu của Philippines không thể hiện diện thường trực, nhưng lực lượng này cam kết sẽ bảo vệ quyền của ngư dân trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

Hôm thứ Hai 25/09, lực lượng tuần duyên Philippines thông báo đã dỡ bỏ phao nổi mà Trung Quốc lắp đặt gần bãi cạn Scarborough, nhằm ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận khu vực này.  

Hôm qua, Bắc Kinh đã có phản ứng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc yêu cầu Manila tránh những hành động “khiêu khích”“gây bất ổn”. Đáp lại tuyên bố đó, trong một cuộc điều trần trước Thượng viện Philippines hôm nay, bộ trưởng Quốc Phòng Gilbert Teodoro khẳng định việc tháo dỡ phao nổi của Trung Quốc “không phải là một hành động khiêu khích”

Từ năm 2012, Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough, mà Philippines gọi là Bajo de Masinloc, và thường xuyên ngăn cản ngư dân Philippines tới gần bãi cạn này.

Hiện chưa rõ là Bắc Kinh sử dụng hàng rào phao nổi tại khu vực bãi cạn là nhằm thay đổi nguyên trạng đã có từ năm 2017 hay không. Kể từ năm đó, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc vẫn cho phép ngư dân Philippines hoạt động tại khu vực này, tuy với quy mô nhỏ hơn so với ngư dân Trung Quốc. 

Vụ việc xảy ra vào lúc quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đang xấu đi do Philippines phản ứng ngày càng mạnh trước các vụ lực lượng hải cảnh Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Manila đồng thời đã tăng cường quan hệ quân sự với đồng minh Hoa Kỳ, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận ngày càng nhiều căn cứ của Philippines. 

Trong khi đó, tranh chấp Biển Đông cũng tiếp tục khuấy động quan hệ Việt-Trung. Hôm thứ Hai 25/09, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Phạm Thu Hằng, Việt Nam đã phản đối Trung Quốc lắp đặt và sử dụng trạm nhận dạng tàu thuyền tại quần đảo Hoàng Sa, xem đây là hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này.


************
rfi.fr

Đức kêu gọi Azerbaijan cho quan sát viên quốc tế tới Thượng Karabakh thẩm định tình hình

Thanh Hà

Một tuần lễ sau khi Azerbaijan dễ dàng chiếm được ốc đảo Thượng Karabakh, nơi đa số dân cư là người Armenia, hàng chục ngàn người tiếp tục tìm cách sang Armenia tị nạn. Hôm nay 27/09/2023, ngoại trưởng Đức kêu gọi chính quyền Baku cho phép quan sát viên quốc tế đến thẩm định tại chỗ.

Đăng ngày:

3 phút

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 21/06/2023.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 21/06/2023. via REUTERS - POOL

Trong thông cáo, ngoại trưởng Annalena Baerbock nhấn mạnh, « cho phép quan sát viên quốc tế đến giám sát tình hình chứng tỏ Azerbaijan thi hành nghiêm túc cam kết bảo đảm an toàn cho dân cư trong vùng Thượng Karabakh ». Chính quyền Berlin đòi Azerbaijan bảo đảm cho tất cả những người Armenia ở Thượng Karabakh phải được « bình yên và không bị truy đuổi khỏi nơi họ đang sinh sống ». Viện trợ nhân đạo của Đức cho dân cư trong vùng được nâng từ 2 lên thành 5 triệu euro.

Theo hãng tin Pháp AFP cho biết, tính đến tối qua, đã có hơn 28.000 người di tản đến được Armenia, nhưng trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn như tường thuật trực tiếp vào lúc 8 giờ sáng nay của đặc phái viên đài truyền hình France 24 Taline Oundjian từ Goris. Đây là một thành phố trên lãnh thổ Armenia giáp ranh với Thượng Karabakh và là cửa ngõ đón nhận người di tản :

« Hàng ngàn người vẫn tiếp tục chạy sang Armenia. Họ phải đi mất 30 giờ đồng hồ để ra khỏi ốc đảo Thượng Karabakh bởi không có xăng. Những tình nguyện viên đem thùng xăng ra đến tận sát biên giới để những ai có xe có thể đi tiếp đến Goris. Trước nhà hát của thành phố này, hàng trăm người đã tập hợp về đây, nhiều người phải ngủ qua đêm trong xe cho dù là trời đã bắt đầu lạnh. Nhân viên cứu hộ đã bị quá tải, không còn xăng hay bánh mì để phát cho những người vừa mới đến. Chính quyền Armenia, các hội đoàn, giới quan sát viên trong khu vực kêu gọi Azerbaijan để cho các toán thanh tra và kể cả phóng viên đến thẩm định tình hình tại vùng Thượng Karabakh và nhất là để cung cấp nhu yếu phẩm cho những người bị cưỡng bức di dời chỗ ở kể từ vụ tấn công của Azerbaijan hôm 19/09/2023.

Hôm qua, trực thăng liên tục hoạt động trong khu vực này. Azerbaijan mở không phận cho Nga sơ tán hàng trăm người bị trọng thương sau vụ nổ ở một trạm xăng. Hàng chục người đã thiệt mạng. Dân cư tiếp tục di tản khỏi vùng Thượng Karabakh. Dự kiến sẽ có hơn 100.000 người Armenia ở đây phải rời ốc đảo này và rất nhiều người biết chắc là sẽ không bao giờ có thể quay trở lại ».

Baku trong thông cáo sáng nay cho biết đã có 192 quân nhân và 1 thường dân thiệt mạng trong đợt oanh kích hôm 19/09/2023. Hơn 500 lính bị thương. Lực lượng ly khai Armenia ở Thượng Karabakh thì đưa ra con số 213 người chết.

Ốc đảo Thượng Karabakh nằm trên lãnh thổ của Azerbaijan, nhưng đa số dân cư là người Armenia theo đạo Thiên Chúa.


************
rfi.fr

Israel và Ả Rập Xê Út tiến gần đến bình thường hóa quan hệ

Anh Vũ

Ngày càng có thêm những tín hiệu Israel và Ả Rập Xê Út xích lại gần nhau : Israel gửi điện chúc mừng quốc khánh Ả Rập Xê Út, cử các quan chức đến họp tại Riyad. Gần đây, lãnh đạo hai nước liên tiếp có những phát biểu lạc quan về một thỏa thuận bình thường hóa giữa Nhà nước Do Thái và vương quốc vùng Vịnh, trong sự hy vọng của Hoa Kỳ, nhưng lại gây không ít lo lắng cho người Palestine và một số nước Ả Rập.

Đăng ngày:

1 phút

Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmane, trả lời kênh FOX News, ngày 21/09/2023.
Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmane, trả lời kênh FOX News, ngày 21/09/2023. VIA REUTERS - SAUDI PRESS AGENCY

Thông tín viên RFI Nicolas Keraudren tại Dubaï tóm lược : 

Giữa Ả Rập Xê Út và Israel, những dấu hiệu xích lại gần nhau ngày càng thường xuyên hơn.

Đầu tháng này, một phái đoàn gồm 5 nhà ngoại giao Israel đã tới vương quốc Ả Rập, lần đó là để tham dự một cuộc họp do UNESCO tổ chức.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bình thường hóa quan hệ Ả Rập Xê Út - Israel dường như chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhất là khi hoàng thái tử Ả Rập Xê Út, Mohammed ben Salmane, tuần trước đã tuyên bố trên kênh truyền hình Mỹ Fox New rằng vương quốc này « từng ngày đang tiến gần »  tới một thỏa thuận với Israel.

Điều đó không có nghĩa là việc bình thường hóa quan hệ đang gần kề. Trong cuộc trả lời phỏng vấn đó, Mohammed ben Salmane vẫn được gọi tắt là MBS, cũng đã nhấn mạnh sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Palestine vẫn « rất quan trọng » với Riyad. Những tuần qua, Ả Rập Xê Út liên tục lên án « các hành vi khiêu khích liên tục diễn ra tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa nằm dưới sự bảo vệ của lực lượng chiếm đóng Israel.


**********

Duyệt binh quy mô lớn, Hàn Quốc tăng cường răn đe Triều Tiên

Vi Trân

Theo Hãng tin Yonhap, nhiều hệ thống vũ khí đã hiện diện trong cuộc duyệt binh tại căn cứ và sau đó tham gia diễu hành qua trung tâm thủ đô Seoul. Quân đội Hàn Quốc đã giới thiệu các tên lửa uy lực và các hệ thống vũ khí chủ chốt. Tổng cộng 9 xe phóng tên lửa đất đối đất Hyunmoo đã xuất hiện. Được xem là át chủ bài của kế hoạch tấn công vào Triều Tiên trong trường hợp xảy ra xung đột lớn, dòng tên lửa này có các phiên bản tên lửa đạn đạo và hành trình.

Duyệt binh quy mô lớn, Hàn Quốc tăng cường  răn đe Triều Tiên - Ảnh 1.

Nhiều loại khí tài hiện đại xuất hiện trong cuộc duyệt binh

Xuất hiện trong buổi lễ còn có tên lửa đất đối không tầm xa (L-SAM) đang được phát triển và lần đầu được ra mắt. Tên lửa này được thiết kế nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo ở độ cao 50 - 60 km.

Khoảng 6.000 binh sĩ và hơn 200 khí tài quân sự, gồm xe tăng K2, pháo tự hành K9, giàn phóng rốc két Chunmoo, đã tham gia màn phô diễn sức mạnh tại căn cứ. Đây là lần đầu tiên một sự kiện như vậy được Hàn Quốc tổ chức từ năm 2013 và sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí trên được xem như một thông điệp răn đe nhằm vào CHDCND Triều Tiên. Gần đây, Seoul cùng các đồng minh với Bình Nhưỡng liên tục có nhiều động thái cứng rắn nhằm vào nhau.

Tham dự và có bài phát biểu tại căn cứ, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh với Mỹ và đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với Triều Tiên. Ông Yoon cho rằng vũ khí hạt nhân sẽ không bao giờ có thể đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, đồng thời chỉ trích Bình Nhưỡng vì nâng cấp năng lực hạt nhân và tên lửa bất chấp cảnh báo của quốc tế. Ông cảnh báo liên minh Hàn - Mỹ sẽ có "phản ứng chế áp" nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 26.9 cho biết các quan chức ngoại giao cấp cao của nước này cùng Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí hướng đến mục tiêu tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào "thời điểm thuận tiện sớm nhất". Seoul nói thời gian cụ thể vẫn đang được thảo luận nhưng ngoại trưởng của ba nước sẽ gặp nhau "trong vòng vài tháng tới", theo Reuters.

Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Chung Byung-won, Thứ trưởng cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi và Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Nông Dung tại Seoul hôm 26.9.


***********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) - Pháp : Tổng thống Macron công bố dự thảo « Kế hoạch sinh thái » để đối phó với « thách thức thế kỷ » về tình trạng biến đổi khí hậu. Sau nhiều lần trì hoãn, hôm qua 25/09/2023, sau cuộc họp của Hội đồng kế hoạch sinh thái tại điện Elysée, tổng thống Macron đã trình bày các đường hướng chính trong kế hoạch sinh thái, bảo đảm « quyền tự chủ » nhưng không cản trở « cạnh tranh » và bảo đảm « công bằng ». Ông Macron đặt ra mục tiêu đến năm ngày 01/01/2027, Pháp sẽ phải ngừng sử dụng than đá. Tổng thống cũng nhắc lại mục tiêu từ nay đến năm 2027 Pháp chế tạo ít nhất 1 triệu ô tô điện.

(AFP) - Điện Kremlin : Xe tăng Abrams của Mỹ giao cho Ukraina sẽ « bốc cháy ». Hôm nay 26/09/2023, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga, Dmitri Peskov, đe dọa như trên và cho rằng việc đưa xe tăng Mỹ Abrams ra chiến trường sẽ không làm thay đổi cán cân « lực lượng » giữa Ukraina và Nga. Theo ông, giao Abrams cho Ukraina, tức là Mỹ đã gia tăng sự can dự trực tiếp vào cuộc xung đột này. Khi Mỹ lần đầu tiên giao những chiếc xe tăng Leopard cho Kiev, tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng dọa là sẽ thiêu cháy chúng.

(AFP) - Thụy Sĩ có thể bán lại 25 xe tăng chiến đấu Leopard 2 cho Đức, nhưng Berlin không được chuyển cho Ukraina. Quân đội Thụy Sĩ hiện đang sử dụng 134 xe tăng Leopard 2 đã được hiện đại hóa, nhưng vẫn còn 96 xe tăng Leopard 2 thường xuyên được kiểm tra nhưng không được nâng cấp. Chính phủ Thụy Sĩ cho biết chỉ cần giữ lại 71 trong số 96 xe tăng nói trên. Nhưng trên danh nghĩa quốc gia trung lập, Thụy Sĩ không đồng ý để vũ khí của họ được giao cho một nước đang có chiến tranh. Berlin cũng hứa sẽ giữ những xe tăng Leopard 2 mua của Thụy Sĩ hoặc giao cho một đối tác khác trong khối NATO hoặc châu Âu, chứ không trang bị cho Ukraina.

(AFP) - Liên Âu lo ngại về tỉ lệ tin giả rất cao trên mạng X (trước đây là Twitter). Hôm nay 26/09/2023, Bruxelles kêu gọi các mạng xã hội lớn chống việc Nga cố ý làm lan truyền tin tức thất thiệt, vì lo sợ tình trạng này gia tăng trước khi diễn ra bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Vera Jourova, đặc biệt lưu ý trường hợp mạng X, có tỉ lệ tin giả và tin thất thiệt cao nhất so với các mạng xã hội khác. Đây là kết quả trắc nghiệm được châu Âu tiến hành tại ba nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Slovakia. 

(AFP) - Các nước giàu phải đưa ra mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2045, Trung Quốc đến năm 2050. Đây là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm nay 26/09/2023. Đây là tiến độ cần thiết để đẩy nhanh các mục tiêu đã được đề ra ở hầu hết các nước phát triển, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Nhật Bản và Trung Quốc, với hy vọng kiềm chế sự nóng lên toàn cầu đến +1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

(AFP) -  ​Diện tích bề mặt tối đa hàng năm của tảng băng Nam Cực chưa bao giờ bị thu hẹp như hiện nay. Đó là số liệu khảo sát của Đài Thiên Văn Mỹ, công bố hôm qua 25/09/2023, trong khi đó băng biển Nam Cực đạt mức tối đa hàng năm là 16,96 triệu km2. 

(AFP) - Trung Quốc kết án tù chung thân một học giả người Duy Ngô Nhĩ. Đó là bà Rahile Dawut, một chuyên gia về văn hóa của thiểu số Hồi giáo ở phía tây đất nước. Bà bị cáo buộc gây nguy hiểm cho an ninh nhà nước. Rahile Dawut không phải là trí thức Duy Ngô Nhĩ đầu tiên bị kết án tù chung thân. Vào tháng 9 năm 2014, kinh tế gia Ilham Tohti, giáo sư tại Đại học Dân tộc Trung ương ở Bắc Kinh, cũng phải chịu bản án tương tự. 

(AFP) Bắc Kinh hôm nay 26/09/2023 phản đối lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các thực thế và cá nhân Trung Quốc. Theo bộ Tài Chính Mỹ, những đối tượng bị trừng phạt có liên quan đến việc phát triển drone và máy bay quân sự ở Iran. Hoa Kỳ cáo buộc Iran cung cấp cho Nga các drone được Mátxcơva sử dụng ở Ukraina và cũng thường xuyên được sử dụng ở Syria. Iran phủ nhận việc gửi drone tới Nga để sử dụng ở Ukraina.
*********
voatiengviet.com

Nguy cơ xung đột ở bãi cạn Scarborough: Những điều cần biết

Reuters

Philippines ngày 26/9 tuyên bố sẽ không lùi bước trước động thái của Trung Quốc muốn ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận khu vực tranh chấp gay gắt ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh cảnh cáo chớ có hành động khiêu khích sau khi Manila cắt đứt hàng rào phao của Bắc Kinh.

Chuyện gì đang xảy ra ở bãi cạn Scarborough?

Philippines cuối tuần qua bày tỏ phẫn nộ sau khi lực lượng tuần duyên của họ phát hiện một hàng rào phao dài 300 mét do lực lượng tuần duyên Trung Quốc canh giữ gần Bãi cạn Scarborough. Bãi cạn này đang tranh chấp nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Hôm 25/9, Philippines tiến hành ‘chiến dịch đặc biệt’, ra lệnh cho lực lượng tuần duyên tiến vào bãi cạn trên một chiếc thuyền máy nhỏ đóng giả ngư dân, rồi đeo ống thở và mặt nạ lặn xuống để cắt hàng rào phao và nhổ cọc neo của nó.

Lực lượng tuần duyên Philippines cho biết nhiệm vụ này đã được Tổng thống Ferdinand Marcos Jr phê duyệt, chứng tỏ quyết tâm duy trì sự hiện diện tại bãi cạn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khuyên Philippines chớ nên khiêu khích.

Tầm quan trọng của bãi cạn

Được đặt theo tên một con tàu của Anh đã neo đậu trên đảo san hô gần ba thế kỷ trước, Bãi cạn Scarborough là một trong những thực thể biển bị tranh chấp nhiều nhất ở châu Á và là điểm bùng phát các xung đột ngoại giao về chủ quyền và quyền đánh bắt cá.

Nằm cách Philippines 200 km và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này, bãi cạn này được biết đến với lượng cá dồi dào và đầm phá màu ngọc lam tuyệt đẹp cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khi có bão.

Nằm ở giữa Biển Đông và gần các tuyến đường vận chuyển thương mại hàng năm ước tính trị giá 3,4 ngàn tỷ đô la, vị trí của nó mang tính chiến lược đối với Bắc Kinh.

Có những lo ngại rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể xây dựng một hòn đảo nhân tạo ở đó, giống như cách họ đã làm trên các rạn san hô chìm ở quần đảo Trường Sa, một số được trang bị radar, đường băng và hệ thống phi đạn.

Một quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các đảo này vào năm 2017 cho biết Bãi cạn Scarborough sẽ nằm trong số nhiều địa điểm sẽ được xây dựng các trạm giám sát môi trường, mặc dù Bộ Ngoại giao nước này sau đó đã bác bỏ thông tin này.

Bãi cạn thuộc về ai?

Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn này nhưng chủ quyền chưa bao giờ được xác lập và trên thực tế bãi cạn này vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Phán quyết mang tính bước ngoặt năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực phần lớn có lợi cho Philippines, không có nhiệm vụ thiết lập chủ quyền. Tòa án phán quyết việc Trung Quốc phong tỏa bãi cạn này đã vi phạm luật pháp quốc tế và cho biết khu vực này là ngư trường truyền thống của một số quốc gia.

Trung Quốc chiếm giữ bãi cạn này vào năm 2012 sau xung đột với Philippines và từ đó liên tục triển khai lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá, một số bị Manila cáo buộc là lực lượng dân quân biển. Trung Quốc chưa thừa nhận sự hiện diện của lực lượng dân quân ở Biển Đông.

Cho đến nay và trong chính quyền thân Trung Quốc năm 2016-2022 của cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã cho phép các tàu đánh cá Philippines hoạt động gần bãi cạn này, chủ yếu là các tàu nhỏ có quy mô nhỏ hơn tàu Trung Quốc.

Nguy cơ xung đột là gì?

Rủi ro sẽ rất cao đối với cả hai nước và khu vực nếu căng thẳng gia tăng. Đã có những xung đột nhỏ ở những nơi khác trên Biển Đông trong năm nay, bao gồm cả ở Bãi Cỏ Mây, nơi Manila cáo buộc Bắc Kinh có hành vi nguy hiểm và hung hăng, bao gồm cả việc sử dụng tia laser cấp quân sự.

Đối đầu với Bắc Kinh có thể ghi điểm cho Tổng thống Marcos trong lòng người dân Philippines, nhưng lực lượng tuần duyên của ông không được trang bị đầy đủ và không thể sánh được với lực lượng tuần duyên của Trung Quốc. Bất kỳ việc triển khai tàu hải quân nào cũng sẽ là ranh giới đỏ mà cả hai bên rất có thể sẽ tránh xa.

Một biện pháp ngăn chặn có thể là Hoa Kỳ và việc tăng cường quan hệ quốc phòng gần đây giữa Manila và Washington sẽ làm tăng nguy cơ nếu Trung Quốc đáp trả bằng quân sự.

Sau nhiều năm vận động hành lang, hồi tháng 5 năm nay, ông Marcos đã nhận được chỉ dẫn từ Mỹ về thời điểm giải cứu Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951. Ngũ Giác Đài tuyên bố các cam kết phòng thủ chung sẽ được áp dụng khi xảy ra một cuộc tấn công “ở bất cứ đâu trên Biển Đông” và các tàu tuần duyên nằm trong số những tàu được bảo vệ.


**********
rfi.fr

Trung Quốc : Từ vỡ bóng địa ốc đến nguy cơ vỡ nợ - Tạp chí kinh tế

Thanh Hà

15 năm sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brother’s phá sản gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đến lượt Trung Quốc bị lôi vào vòng xoáy của một cuộc khoảng địa ốc âm ỉ từ 2021. Tại một quốc gia mà hơn 1/4 tín dụng ngân hàng « rót » vào các công trình xây dựng và các tập đoàn trong ngành chiếm 20 % trị giá trên sàn chứng khoán thì mối lo có lẽ lại càng lớn.

Trong bài tham luận đăng trên nhật báo Le Monde hôm 22/09/2023 kinh tế gia Victor Lequillerier thuộc cơ quan tư vấn BSI Paris báo động, tại Trung Quốc, « chỉ từ nay đến 2025, 13 tỉnh thành với trọng lượng kinh tế 20 % GDP toàn quốc bị đe dọa mất khả năng thanh toán ». 

Đâu là liên hệ giữa khủng hoảng bất động sản với nguy cơ « vỡ nợ » ở cấp chính quyền địa phương Trung Quốc ? Nợ bất động sản tại Trung Quốc là bao nhiêu và liệu Ngân Hàng Trung Ương, dưới sự chỉ thị của đảng Cộng Sản Trung Quốc, có còn khả năng can thiệp nữa hay không, tránh một « thảm họa » về kinh tế và xã hội ?

Trên kênh truyền hình Pháp Public Sénat, hôm 13/09/2023 nhà kinh tế học Sylvie Matelly, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp đã giải thích về liên hệ giữa một cuộc khủng hoảng bất động sản và ngân hàng : 

« Các cuộc khủng hoảng tài chính thường do khủng hoảng địa ốc mà ra. Tại sao vậy ? Đơn giản là khi đi mua nhà, thường người ta phải đi vay ngân hàng. Rủi ro ở đây đối với ngân hàng là nhà đất mất giá. Điều đó có nghĩa là thị trường bất động sản mà sụp đổ thì tiếp theo đó là giới tài chính, ngân hàng bị rơi vào bẫy nợ. Hệ quả sau cùng là khủng hoảng kinh tế ».

« Cá nằm trên thớt »

Nợ của công ty môi giới địa ốc Trung Quốc Evergrande lớn hơn GDP của Hy Lạp. Country Garden, một cái tên lớn trong ngành trong thế « cá nằm trên thớt », vừa tạm thời thoát hiểm tránh phải tuyên bố phá sản nhưng không biết sẽ cầm cự bao lâu với số nợ gần 200 tỷ đô la. Chi nhánh ngân hàng của Zhongrong, một trong ba ông khổng lồ trong ngành tháng 8/2023 đã không thể thanh toán cho khách hàng đúng thời hạn do « thiếu tiền mặt ».

Vào lúc bất động sản bị đóng băng, thì các chính quyền địa phương không biết phải làm gì với gần 650 triệu mét vuông nhà ở đã xây dựng hoàn tất nhưng bị bỏ trống vì không có người mua. Với diện tích đó, nếu tình trung bình một căn hộ 90 thước vuông, thì trên cả nước Trung Quốc có đến hơn 7 triệu căn hộ đợi chủ nhân vào ở. Theo thống kê chính thức hồi tháng 7/2023 « khoảng 20 % nhà mới xây tại các khu chung cư đang bị bỏ trống ». 

Hình ảnh những chung cư, thậm chí là những khu phố còn mới nguyên nhưng không có bóng người qua lại đó đang để lộ một thực tế đó là Trung Quốc đang bị vỡ bong bóng địa ốc. Bà Sylvie Matelly của viện IRS nhắc lại ba nét đặc thù lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc :

« Đầu tiên hết, đây là một lĩnh vực được Nhà nước tài trợ một cách rất hào phóng. Điểm thứ nhì là hầu hết các nhà thầu và cơ quan môi giới địa ốc đều tham nhũng, đều phải biết chi tiền đúng chỗ và phải có những mối quan hệ tốt với các giới chức địa phương. Điểm thứ ba là Trung Quốc không có những chỉ số đáng tin cậy về những chuyển biến trên các thị trường. Thị trường địa ốc cũng vậy. Điều đó có nghĩa là dân chúng vẫn tiếp tục đi vay để mua nhà và phải mua với giá đắt trong lúc mà thị trường đã bão hòa. Các công ty xây dựng gặp khó khăn và không thể trao hàng đúng thời hạn… nhưng những điều đó thì người đi mua không được biết. Cho nên là quả bóng địa ốc vẫn được thổi lên ».  

Trên đài phát thanh France Culture (ngày 02/09/2023) Agatha Kratz tổng biên tập tạp chí China Analysis giải thích thêm về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng « vỡ bong bóng địa ốc » tại Trung Quốc : 

« Có hai yếu tố then chốt : ngành địa ốc dư thừa tiền, đã có rất nhiều tín dụng đổ vào các tập đoàn địa ốc, vào các nhà thầu ,vào các công ty môi giới … Các công ty liên quan đã lợi dụng tiền rẻ để phát triển và cứ mở hết công trường này đến công trường khác. Cho đến khi nhu cầu không còn tăng mạnh như trước nữa thì những công ty như Evergrande hay Country Garden … vẫn tiếp tục huy động thêm vốn và mở thêm các chương trình bán nhà cho tư nhân. Quý 3 năm 2021 khi mà khủng hoảng địa ốc tại Trung Quốc bắt đầu nhen nhúm, giới trong ngành đã thẩm định là tốc độ xây dựng cao gấp đôi so với nhu cầu thực sự. Kế tới là ở Trung Quốc trung bình 80 % tài sản của một hộ gia đình là bất động sản. Họ dồn hết cả tiền tiết kiệm vào đấy. Thị trường tài chính của Trung Quốc còn rất hạn chế cho nên những người có tiền họ chỉ biết mua nhà. Họ cũng không thể giao dịch để đầu tư ở ngoại quốc như dân ở Mỹ hay châu Âu ».

Kinh tế Trung Quốc là nạn nhân của chính mình

Một số nhà bình luận của phương Tây lo ngại khủng hoảng địa ốc Trung Quốc ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, bởi nếu như lĩnh vực bất động sản đẩy kinh tế Trung Quốc vào suy thoái, đương nhiên các nước xuất khẩu hàng hóa và nhất nguyên liệu, năng lượng cho Trung Quốc bị vạ lây. Trái lại, tổng biên tập tạp chí chuyên phân tích về tình hình Trung Quốc, Agatha Kratz nhấn mạnh tác động tai hại trước hết là đối với Trung Quốc ở nhiều cấp, bởi nợ của Trung Quốc là do các ngân hàng, do người dân Trung Quốc và các chính quyền địa phương nước này nắm giữ.

« Bất động sản chiếm 1/4 GDP của Trung Quốc. Các chính quyền địa phương chiếm khoảng 15 % tổng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, từ các khu chung cư hay các trung tâm thương mại … Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc dựa trên đầu tư như vậy đã phát triển mạnh và nhất là kể từ những năm 2008-2009, sau vụ Lehman Brother's sụp đổ. Đó là thời điểm xuất khẩu bị chựng lại dưới tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và Trung Quốc phải đi tìm một lực đẩy mới để bảo đảm tăng trưởng, để bảo đảm công việc làm cho người dân. Các chính quyền địa phương đã huy động vốn và ồ ạt đầu tư vào các công trình xây dựng. Điều đó giải thích vì sao hiện tại tổng nợ của Nhà nước Trung Quốc ở cấp trung ương và của các chính quyền địa phương lên tới hơn 200 % so với GDP nước này. Hơn nữa chúng ta biết đầu tư tại Trung Quốc không có hiệu quả. Cụ thể là chính quyền địa phương đi vay với lãi suất ngân hàng là 5 % để tài trợ cho những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng lãi thu về được từ những chương trình đó sau nhiều năm chỉ là 1 % mà thôi. Hiện tại nhiều thành phố, tỉnh thành mất khả năng thanh toán cho các chủ nợ hay ít ra là họ không thể tiếp tục mô hình kinh tế đó ».

45 % nguồn thu vào của các chính quyền địa phương là nhờ các giấy phép chuyển nhượng đất đai cho các công trình xây dựng. Theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hồi tháng 2/2023 nợ « không được thống kê chính thức » của các chính quyền địa phương tăng 30 % trong vòng 2 năm.

Nếu tính cả nợ « Chính thức và không được thống kê chính thức » tức là của tư nhân, của cấp trung ương và các chính quyền địa phương Trung Quốc thì tính đến cuối 2022, con số này đã vượt ngưỡng 9.200 tỷ đô la, tương đương với « một nửa GDP » của nền kinh tế thứ hai toàn cầu.

500 tỷ đô la để trả nợ ngân hàng

Một công ty Trung Quốc chuyên nghiên cứu các dữ liệu tài chính Wind được báo Le Monde hồi tháng 3/2023 trích dẫn báo động, chỉ riêng trong năm nay các chính quyền địa phương ở Hoa Lục sẽ phải huy động 500 tỷ đô la chỉ để « thanh toán nợ ngân hàng ». 

Trong ba năm dịch Covid hoành hành, các hoạt động kinh tế bị đình trệ dưới tác động các đợt phong tỏa kéo dài, cùng lúc các phí tổn về y tế thì đã tăng vọt với các chương trình xét nghiệm mỗi ngày đẩy nợ ở cấp chính quyền địa phương Trung Quốc lên cao.

Đầu 2023, Bắc Kinh « mở cửa » trở lại sau ba năm áp dụng chủ trương « zero Covid » Trung Quốc cũng như là cộng đồng quốc tế đã tưởng chừng tăng trưởng và thiêu thụ nhanh chóng phục hồi nhưng các chỉ số trong quý 2/2023 gây thất vọng.

Bức tranh kinh tế của Trung Quốc lại càng ảm đạm hơn vào lúc mà nợ đáo hạn của các chính quyền địa phương, của các tập đoàn địa ốc càng lúc càng cận kề, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn tiếp tục đổ dốc. Cơ quan tư vấn BSI nghi ngờ đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể huy động « từ 10 đến 22 điểm trong GDP để thanh toán nợ » hay không ?

Có một điều chắc chắn là 15 năm sau Lehman Brother’s, những chuyển biến trong lĩnh vực bất động sản đang đặt giới tài chính và ngân hàng Trung Quốc trong thế « ngồi trên lửa ». Ngày 17/08/2023 họp báo tại Bắc Kinh các giới chức liên quan khẳng định « làm tất cả, nhất quyết chống lại rủi ro khủng hoảng lan rộng ». Sáng lập viên quỹ đầu cơ Bridgewater tương đối lạc quan tin vào cam kết đó bởi Nhà nước Trung Quốc bắt buộc sẽ « mua lại » nợ khó đòi của ngành địa ốc.

Khác hẳn với trường hợp của Hoa Kỳ 15 năm trước đây trong vụ Lehman Brother’s, các chủ nợ của Trung Quốc là chính « các định chế và công dân nước này », hơn thế nữa Đảng và « trung ương » kiểm soát tất cả nên lại càng dễ dàng can thiệp bất kỳ lúc nào, tránh để xảy ra kịch bản « tệ hại nhất ». Điều đó không cấm cản « khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc sẽ kéo dài » như giáo sư George Magnus đại học Anh Oxford tiên đoán trên báo Hồng Kong South China Morning Post. 


************
voatiengviet.com

Trung Quốc kêu gọi Mỹ tổ chức APEC ‘hợp tác’, ‘không đối đầu’

AP

Ngoại trưởng Trung Quốc ngày 26/9 kêu gọi Hoa Kỳ làm những gì có thể để tổ chức một cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 11 tới đây mang tính hợp tác.

Ông Vương Nghị nói hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương tại San Francisco vào tháng 11 nên thúc đẩy hợp tác thay vì kích động đối đầu và yêu cầu Mỹ nên thể hiện sự công bằng và toàn diện để tạo điều kiện tốt hơn cho một cuộc họp suôn sẻ.

“Chúng ta nên… phản đối việc ủng hộ ‘dân chủ đối chọi chủ nghĩa độc tài’ và áp đặt các giá trị và mô hình của riêng mình lên người khác,” ông nói khi ra mắt phúc trình của chính phủ về các đề nghị cho cái mà họ gọi là “một cộng đồng toàn cầu vì tương lai chung”.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tìm cách thành lập ra các liên minh và quan hệ đối tác với các quốc gia dân chủ khác để xây dựng một đáp ứng thống nhất hơn trước ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia độc đảng do Cộng sản cai trị trong hơn 70 năm.

Trung Quốc đang cố gắng khẳng định mình là nhà lãnh đạo của các quốc gia kém phát triển hơn, nói rằng họ đưa ra một giải pháp thay thế cho cái mà từ lâu họ gọi là “bá quyền của phương Tây”.

Cuộc họp APEC được nhiều người coi là cơ hội để Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau khi Mỹ và Trung Quốc cố gắng giải quyết mối quan hệ rạn nứt - nếu nhà lãnh đạo Trung Quốc tham dự.

Ông Tập đã bỏ qua cuộc họp gần đây của các nhà lãnh đạo Khối 20 ở Ấn Độ. Ông Vương đáp câu hỏi liệu ông Tập có đi dự APEC hay không: “Chúng tôi đang liên lạc với tất cả các bên và sẽ đưa ra thông báo chính thức vào thời điểm thích hợp”.

Tại Hong Kong, lãnh thổ của Trung Quốc, nhà lãnh đạo Lý Gia Siêu cho biết ông chưa nhận được lời mời tham dự APEC. Hong Kong là thành viên của nhóm APEC, nhưng Hoa Kỳ đã cấm ông nhập cảnh kể từ năm 2020 vì vai trò của ông trong việc thực thi luật an ninh quốc gia nhắm vào các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.

“Theo hướng dẫn và nghi thức của APEC, ban tổ chức nên gửi lời mời tới lãnh đạo của các nền kinh tế tương ứng”, ông Lee nói trong cuộc họp báo hàng tuần. “Tôi vẫn đang đợi thư mời được gửi tới cho tôi.”

Ông Vương từ chức Bộ trưởng Ngoại giao vào cuối năm ngoái và trở thành người đứng đầu chính sách đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông trở lại làm ngoại trưởng vào tháng 7 năm nay, trong khi vẫn giữ chức vụ cấp cao hơn trong đảng sau khi người kế nhiệm ông, Tần Cương, bị cách chức. Chính phủ vẫn chưa giải thích nguyên nhân dẫn đến sự ra di của ông Tần.


***********
voatiengviet.com

Mỹ, Việt Nam tăng cường hợp tác tuần duyên sau chuyến thăm của TT Biden


Một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ mở rộng mối quan hệ hợp tác trên biển sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden hồi giữa tháng này.

Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia khu vực Đông Á và châu Đại dương của Mỹ, bà Mira Rapp-Hooper, đưa ra thông tin trên trong một buổi họp báo trực tuyến cùng với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper hai ngày sau khi Tổng thống Biden rời Việt Nam.

“Hoa Kỳ và Việt Nam có một mối quan hệ đối tác an ninh lâu dài trên nhiều lĩnh vực”, bà Rapp-Hooper, cũng là trợ lý đặc biệt của tổng thống Mỹ, nói với các phóng viên tại buổi họp báo được Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải chi tiết trên trang web chính thức hôm 13/9.

Bà Rapp-Hooper cho biết Mỹ và Việt Nam “đã cùng nhau thực hiện nhiều công việc quan trọng để xây dựng năng lực trong các lĩnh vực như lực lượng bảo vệ bờ biển và lĩnh vực hàng hải” cũng như “mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ trong các lĩnh vực đó”.

Theo thông tin được Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đưa ra, Hoa Kỳ đã chuyển giao 3 tàu tuần tra lớp Hamilton đã qua sử dụng cho Việt Nam kể từ năm 2017, được xem là một phần của sự hỗ trợ an ninh và bán quân sự trị giá hàng chục triệu đô la của Washington dành cho Hà Nội trong những năm gần đây.

Bà Rapp-Hooper nói rằng chính quyền Biden đã xây dựng một loạt các liên minh và quan hệ đối tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó “mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam đang chiếm vị trí xứng đáng” trong điều mà bà gọi là “thánh đường của những mối quan hệ đáng kinh ngạc.”

“Mỹ và Việt Nam ngày càng thống nhất về các mục tiêu của nhau trong khu vực, bao gồm luật pháp trên các tuyến đường thủy quốc tế như Biển Đông, chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt cho các công nghệ mới nổi cũng như trật tự kinh tế sôi động, rộng mở và dựa trên luật lệ”, bà Rapp-Hooper nói tại cuộc họp báo.

Theo người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Kirah Wurst, được tờ báo tin tức quân sự Mỹ Stars and Stripes trích lời cho biết hôm 19/9, lực lượng tuần duyên của Mỹ và Việt Nam đang hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực.

“Chúng tôi đã cung cấp tàu tuần tra, cơ sở bảo trì và đào tạo cho Cảnh sát biển Việt Nam”, bà Wurst nói. “Công việc của chúng tôi với Cảnh sát biển Việt Nam tập trung vào việc chống buôn lậu bất hợp pháp và chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)”.

Mặc dù Việt Nam, giống như Philippines và Nhật Bản, phải đối mặt với sự gây hấn thường xuyên của lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển, nhưng theo các quan chức Mỹ, mối quan hệ thân thiết hơn giữa Washington và Hà Nội không nhằm thách thức Trung Quốc.

Đại sứ Knapper cho biết tại buổi họp báo rằng “mối quan hệ này không liên quan đến ai khác cả.”

“Đó là về hai nước (Mỹ và Việt Nam) và giá trị nội tại mà mối quan hệ này mang lại xét về mặt thịnh vượng chung, an ninh chung, lợi ích chung của chúng tôi ở một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như một Biển Đông tự do và rộng mở.”

Tổng thống Biden hôm 10/9, khi phát biểu tại Hà Nội, nói rằng mối quan hệ được thắt chặt hơn giữa Mỹ và Việt Nam không nhằm khơi mào một “cuộc chiến tranh lạnh” với Trung Quốc và rằng ông muốn thấy Trung Quốc “thành công” nhưng “theo luật lệ.”


***********
voatiengviet.com

Triều Tiên nói với LHQ: Không còn cách nào khác hơn là tăng tốc khả năng tự vệ

Reuters

Đại sứ Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ngày 26/9 cáo buộc Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã đẩy bán đảo Triều Tiên đến gần bờ vực chiến tranh hạt nhân, đồng thời nói với Đại hội đồng Liên hiệp quốc rằng kết quả là đất nước của ông không có lựa chọn nào khác hơn là đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng khả năng tự vệ.

“Năm 2023 được ghi nhận là một năm cực kỳ nguy hiểm”, Đại sứ Kim Song phát biểu vào ngày cuối cùng trong cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hiệp quốc. “Bán đảo Triều Tiên đang trong tình trạng căng thẳng với nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân.”

Phát biểu trước Đại hội đồng gồm 193 thành viên, ông Kim nói: “Trong hoàn cảnh hiện tại, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phải khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng khả năng tự vệ để không bị đánh bại”.

Triều Tiên đã thử hàng chục phi đạn đạn đạo trong 18 tháng qua. Hoa Kỳ từ lâu đã cảnh báo rằng Bình Nhưỡng đã sẵn sàng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ bảy.

Bình Nhưỡng nói họ đang thực hiện quyền tự vệ bằng các vụ thử phi đạn đạn đạo để bảo vệ chủ quyền và lợi ích an ninh trước các mối đe dọa quân sự.

“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn kiên định và không thay đổi quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và hạnh phúc của người dân trước các mối đe dọa thù địch từ bên ngoài”, ông Kim nói.

Triều Tiên - chính thức được gọi là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên - đã phải chịu các chế tài của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vì các chương trình phi đạn và hạt nhân của nước này kể từ năm 2006. Các biện pháp này đã được tăng cường đều đặn trong những năm qua.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên đã bị chia rẽ về cách đối phó với Bình Nhưỡng.

Nga và Trung Quốc (hai cường quốc có quyền phủ quyết cùng với Hoa Kỳ, Anh và Pháp) cho rằng các chế tài sẽ không giúp ích gì và muốn các biện pháp đó được nới lỏng.

Trung Quốc và Nga cho rằng các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc đã khiêu khích Bình Nhưỡng, trong khi Washington cáo buộc Bắc Kinh và Moscow khuyến khích Triều Tiên bằng cách bảo vệ nước này khỏi bị thêm chế tài.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn