Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 15 -9 -2023

Thứ Sáu, 15 Tháng Chín 20238:22 SA(Xem: 1540)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 15 -9 -2023


HoaLuc 6

****************
rfi.fr

Kinh tế : Khi tư tưởng Tập Cận Bình vấp phải thực tế

Thanh Hà

Trang nhất ba tờ báo lớn của Paris ngày 15/09/2023 tập trung vào những vấn đề thiết thực với đời sống hàng ngày của dân Pháp.

«Mùa tựu trường ảm đạm vì lạm phát», tít lớn trên báo Le Figaro. Báo cáo mới về tình trạng các dịch vụ công, đặc biệt là trong hai lĩnh vực y tế và giáo dục tại Pháp được công bố, tờ Le Monde nhìn nhận chính phủ có đầu tư thêm nhưng «Nhu cầu lớn hơn nhiều so với những phương tiện đang có». Libération dành hồ sơ chính tổng kết chính sách «bình đẳng nam - nữ» từ khi tổng thống Emmanuel Macron lên cầm quyền năm 2017 : một sự «chắp vá để che mắt thiên hạ».

Trong trang quốc tế, cây bút Alain Frachon trên Le Monde nêu lên những mâu thuẫn trong kinh tế giữa «tư tưởng Tập Cận Bình với thực tế».

Mở đầu bài viết, tác giả nhắc lại năm 1978, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 1 % so với của Hoa Kỳ. Hiện tại tỷ lệ đó là từ 75 đến 80 %. Nhưng sau ba năm đại dịch Covid, các đầu máy tăng trưởng tại Hoa Lục đang bị hỏng, từ xuất khẩu đến tiêu thụ nội địa hay đầu tư, công nghiệp …

Khác với 15 năm trước đây, hồi 2008 - khi khủng hoảng tài chính dấy lên từ Wall Street, các gói kích cầu của Trung Quốc đã tránh cho thế giới một tai họa. Lần này, Bắc Kinh thông báo một vài biện pháp lẻ tẻ khuyến khích tiêu thụ và đầu tư nhưng chẳng vì thế mà tình hình ở Trung Quốc «sáng sủa hơn», bởi công luận hoài nghi về đà bật dậy của đất nước trong tay Tập Cận Bình.

Từ khi «mở cửa» ra thế giới đến nay, kinh tế Trung Quốc đã trải qua nhiều thử thách nhưng lần này ông Tập chủ trương tất cả phải đặt dưới sự kiểm soát của Đảng. Ông sẵn sàng «kềm tỏa lĩnh vực kinh tế tư nhân để thiên về khu vực Nhà nước» cho dù các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động «kém hiệu quả». Hơn nữa, chỉ cần nhìn vào cách Trung Quốc đối xử với các công ty cũng đủ để giới đầu tư nước ngoài hoang mang.

Tạp chí Anh, The Economist từng ghi nhận lãnh đạo Bắc Kinh xem «an ninh toàn diện» của đất nước mới là tham vọng hàng đầu. Có nghĩa là «tăng trưởng trong ngắn hạn không phải là ưu tiên của đảng Cộng Sản Trung Quốc». Ông Tập Cận Bình «chuẩn bị cho Trung Quốc để đối phó với một cuộc xung đột dài hơi về kinh tế và có thể cả về mặt quân sự với Mỹ ». Nói một cách đơn giản,Trung Quốc đang có một tầm nhìn «xa», muốn đầu tư vào những công nghệ trong tương lai để tự chủ về phương diện này.

Nhìn từ Bắc Kinh, đương nhiên mục tiêu «an ninh toàn diện đó» chỉ có thể đạt được nếu như tất cả mọi việc –cả về đối ngoại lẫn đối nội, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo cây bút bình luận của báo Le Monde, mâu thuẫn ở đây là Tập Cận Bình lại không trông cậy vào lĩnh vực tư nhân để đưa đất nước trở thành một nền kinh tế với những công nghệ tiên tiến nhất. Không có các doanh nghiệp tư nhân «năng động»«vững chắc», tham vọng thống lĩnh thế giới nhờ công nghệ mới của ông Tập «chỉ là một giấc mơ».

«May mà Lehman Brothers phá sản»

15/09/2008-15/09/2023 : đúng 15 năm trước, ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản, kéo theo một cuộc «khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất » từ cuộc đại suy thoái 1929. Nhân dịp này Les Echos chạy hàng tựa khiêu khích : «May mà Lehman Brothers phá sản». Tạo sao lại là « may» ? Nhật báo kinh tế Pháp đưa ra ba yếu tố để trả lời câu hỏi này.

Thứ nhất, chính nhờ «tấm gương» của Lehman Brothers mà các ngân hàng đã «cẩn trọng sắm áo phao an toàn», không cấp tín dụng «bừa bãi và đề phòng sẵn một khối tiền mặt lớn hơn». Nhờ thế mà các ngân hàng lớn đều đã «dễ dàng» vượt qua những giai đoạn khó khăn như trong thời kỳ đầu 2020 khi mà một phần các hoạt động kinh tế của thế giới bị phong tỏa để chống dịch Covid.

Bài học thứ nhì từ vụ Lehman Brothers vỡ nợ là chính quyền Mỹ qua nhiều đời tổng thống liên tục củng cố các cơ chế giám sát tình hình hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Nhờ vậy tránh được «hiệu ứng đô mi nô» xuất phát từ vụ Silicon Valley Bank -SVB phá sản. Ít được công chúng biết đến nhưng SVB là ngân hàng của các công ty khởi nghiệp (start up) cấp hơn 200 tỷ tín dụng cho các thân chủ.

Cái may mắn thứ ba là từ 2008 đến nay, phần lớn các khoản tín dụng địa ốc được cấp theo chế độ lãi suất cố định. Có nghĩa là bên đi vay để mua nhà không bị động trong trường hợp lãi suất ngân hàng tăng lên. Từ một năm qua để chống lạm phát, Ngân Hàng Trung Ương FED của Mỹ và của châu Âu BCE liên tục tăng lãi suất chỉ đạo. Nhờ chế độ lãi suất cố định mà các hộ gia đình không phải trả tiền lãi cho ngân hàng nhiều hơn. Âu Mỹ tránh được một vòng xoáy như kịch bản 2007-2008 xuất phát từ Hoa Kỳ.

Chiến tranh Ukraina đã tràn sang lãnh thổ Rumani

Liên quan đến chiến tranh Ukraina, « Kiev vẫn loay hoay đi tìm những ngõ thoát để xuất khẩu ngũ cốc », tựa trên báo Le Monde. Bài phóng sự trên Libération cho thấy Litva đang củng cố đường biên giới phía đông, giáp ranh với Belarus, cánh tay nối dài của Nga để phá rối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Báo Le Figaro chú ý đến hiện tượng ngày càng có nhiều mãnh vỡ drone Nga rơi xuống lãnh thổ Rumani, một thành viên NATO.

Đầu tháng 8/2023 tại thị trấn Ceatalchioi, nằm ở cực bắc đồng bằng sông Danube, sát biên giới với Ukraina dân cư hồi hộp lo âu trước những đợt oanh kích của Nga. Không khí ở đây cũng trĩu nặng như trên lãnh thổ Ukraina sát cạnh. Ở bên kia sông, cách xa chưa đến 300 mét là cảng Izmail, một cửa ngõ mang tính sống còn để đưa nông phẩm Ukraina ra khỏi vùng có chiến tranh. Cảng này đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của quân Nga.

Drone tự sát của Nga liên tục lai vãng khu vực này và không hề phân biệt đâu là ranh giới giữa Ukraina với Rumani. Kiev xác định «có bằng chứng » Nga vi phạm không phận của Rumani. Tổng thống Rumani ban đầu cương quyết chối bỏ thực tế ấy trước đổi ý. Bộ trưởng Quốc Phòng nước này kêu gọi công luận tỉnh táo « phân biệt giữa một sự cố với những hành vi gây hấn» nhắm vào một thành viên NATO.

Phóng sự trên báo Le Figaro trích dẫn một dân cư địa phương, Daniel Tanase, ông này phẫn nộ cho biết phải trải qua ba đợt Nga oanh kích sát bên kia sông, thì họ mới được chính quyền báo động về «một mối nguy hiểm đang rình rập».

Tại Kiev, cố vấn của tổng thống Zelensky lên án Bucarest «im lặng » như thể ngầm «cho phép Nga sử dụng không phận của các nước láng giềng sát cạnh Ukraina, để từ đó dùng tên lửa tấn công Ukraina».

Ý bị quá tại vì người nhập cư

Thất bại của nữ thủ tướng Ý Giorgia Meloni trên vấn đề nhập cư. Cách nay đúng một năm bà Meloni đảng cựu hữu lên cầm quyền với hứa hẹn thiết lập một «vành đai bảo vệ nước Ý tước các làn sóng di dân ».

Nhưng báo Les Echos và Le Figaro cùng ghi nhận trong vỏn vẹn hai ngày 12 và 13/09/2023 đã có 8.000 người nhập cư cập bến cảng đảo Lampedusa, « con số này như vậy đông hơn cả so với toàn bộ dân cư » trên hòn đảo. Từ đầu năm tới nay tổng cộng đã có 126.000 người nước ngoài đổ bộ lên Lampedusa, miền nam nước Ý. Con số này cao gấp đôi so với cả năm 2022.

Khi lên cầm quyền lãnh đạo đảng cựu hữu này từng quả quyết bà sẽ thuyết phục các đối tác trong Liên Âu chia sẻ với Roma gánh nặng đón nhận người nhập cư. Nhưng rồi Meloni đã thất bại. Les Echos nói đến « một thất bại ê chề về mặt ngoại giao » của thủ tướng Ý, cả với những đối tác ngoài Liên Âu như Tunisia, hay những đồng minh thân thiết nhất trong Liên Hiệp. Berlin vừa thông báo ngưng đón nhận người nhập cư từ Ý sang. Còn Paris tăng cường các lực lượng biên phòng ở đường biên giới với Ý.

Lòng can đảm của phụ nữ Iran

Trước kỷ niệm 1 năm phụ nữ Iran vùng lên đòi tự do phơi trần mái tóc, sau cái chết thảm của một cô gái 22 tuổi Mahsa Amini. Ngày 16/09/2022 Amini bị cảnh sát đạo đức Iran hành hung đến chết chỉ vì đeo khăng choàng đầu của người Hồi Giáo không đúng cách, để lộ mái tóc ra ngoài. Từ đó đến nay phong trào bất phục tùng dân sự tại nước Cộng Hòa Hồi Giáo Iran với khẩu hiệu : Phụ nữ, Sự sống và Tự Do vẫn bền bỉ. Hàng chục người đã chết, hàng ngàn người bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì đòi quyền tự do từ bỏ khăn choàng đầu, họ xem quyền tự định đoạt để tóc dài, hay ngắn, nhuộm tóc hay không và ra đường không phải che kín mái tóc ... là một thứ quyền cơ bản. Báo La Croix dành 3 trang báo để nói về lòng can đảm của phụ nữ Iran trong lúc chế độ độc tài và bảo thủ ở Teheran « nhất quyết không nhượng bộ một ly ».

Caroline Guiela Nguyễn, cô là ai ?

Trong khi đó tại một đất nước tự do như ở Pháp, Caroline Guiela Nguyễn, 42 tuổi, một kịch tác gia, một nhà đạo diễn sân khấu kịch nghệ là phụ nữ duy nhất điều hành 1 trong 5 nhà hát quốc gia.

Cũng La Croix phác họa chân dung của người nghệ sĩ mà tờ báo đánh giá là « một trong những tài năng có sức lôi cuốn nhất trong thế hệ của cô ». Caroline Guiela Nguyễn chính thức điều hành Nhà Hát Quốc Gia Strasbourg từ đầu tháng 9 và để đánh dấu điểm khởi đầu này, cô mời dân cư thành phố đến dự những buổi hòa nhạc, văn nghệ, tham gia các chương trình nấu ăn … Bởi đấy là nhịp cầu giao lưu giữa các nền văn hóa. Caroline mang hai dòng máu Algérie và Việt Nam. Trước khi được mời điều hành Nhà Hát Quốc Gia Strasbourg, cô đã là một nghệ sĩ thành danh, là người sáng lập ra đoàn kịch Les Hommes Approximatifs, tên gọi được mượn từ tập thơ của thi sĩ người Rumani Tristan Tzara. Caroline Guiela Nguyễn đã dựng nhiều vở kịch, trong đó có tác phẩm như là Saigon hay Fraternité, conte fantastique. Những vở kịch này đã gây tiếng vang lớn tại liên hoan kịch nghệ Avignon năm 2017 và 2021. Cô đang ấp ủ một dự án mới và chuẩn bị cho ra mắt công chúng vào tháng 5/2024. Vở kịch mới của Caroline lấy nguồn cảm hứng từ những người thợ thêu Ấn Độ và những nghệ nhân làm đăng-ten của thành phố Alençon, vùng Normandie miền tây bắc nước Pháp.


************
rfi.fr

Báo chí Anh: Trung Quốc đang điều tra về bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc

Thanh Phương

Theo tiết lộ của nhật báo Anh Financial Times hôm nay, 15/09/2023, trích dẫn 3 quan chức Mỹ, Washington tin rằng bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) hiện đang bị chính quyền Bắc Kinh điều tra và đã bị cách chức. 

Đăng ngày:

2 phút

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, tướng Lý Thượng Phúc họp với các đồng cấp trong khuôn khổ Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, New Delhi, Ấn Độ, ngày 28/04/2023.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, tướng Lý Thượng Phúc họp với các đồng cấp trong khuôn khổ Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải, New Delhi, Ấn Độ, ngày 28/04/2023. AP - Manish Swarup

Thông tin nói trên được đưa ra vài giờ sau khi đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel tuyên bố trên các mạng xã hội là từ ba tuần qua không còn nghe hay nhìn thấy bộ trưởng Trung Quốc. Ông Lý Thượng Phúc đã đi thăm Nga vào giữa tháng 8 và rồi đi Belarus. Sau đó, người ta thấy ông phát biểu tại một diễn đàn an ninh với các nước châu Phi ngày 29/08. Nhưng từ đó đến nay, bộ trưởng Trung Quốc hoàn toàn vắng mặt.

Hãng tin AFP cho biết, từ hai tháng qua, các giới chức Mỹ vẫn nghĩ là bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã bị cách chức sau khi Bắc Kinh bất ngờ thay thế tư lệnh Lực lượng Tên lửa của quân đội Trung Quốc vào tháng 7 mà không nêu lý do. Báo chí Trung Quốc thì có nói đến một cuộc điều tra về tham nhũng nhắm vào cựu tư lệnh của lực lượng này.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, trích dẫn 3 quan chức Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc đã không dự một cuộc họp với các lãnh đạo Quốc Phòng Việt Nam vào tuần trước. Theo dự kiến, ông Lý Thượng Phúc dự cuộc họp thường niên về hợp tác quốc phòng Trung Quốc - Việt Nam, do Việt Nam tổ chức tại vùng biên giới giữa hai nước trong hai ngày 7 và 8/9. Nhưng cuộc họp đã bị hoãn lại vì trước đó vài ngày Bắc Kinh thông báo với Hà Nội là bộ trưởng Quốc Phòng “có vấn đề về sức khỏe”.

Ông Lý Thượng Phúc chỉ mới được bổ nhiệm làm bộ trưởng Quốc Phòng vào tháng 3 và là một trong 5 ủy viên Quốc vụ, tức là hàm cao hơn một bộ trưởng bình thường. 

Một ủy viên Quốc vụ khác là ngoại trưởng Tần Cương đã bị cách chức vào tháng 7 vừa qua sau một thời gian không còn xuất hiện trước công chúng. Nhà ngoại giao kỳ cựu Vương Nghị, người tiền nhiệm của ông Tần Cương, được bổ nhiệm trở lại chức vụ này. Cho tới nay chính phủ Bắc Kinh vẫn không nêu lý do của việc thay thế người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc. 


***********
rfi.fr

Ukraina tuyên bố chiếm lại được làng Andriïvka gần Bakhmut

Trọng Nghĩa

Một hôm sau khi buộc phải cải chính vì loan tin không đúng sự thực, quân đội Ukraina vào sáng nay 15/09/2023 đã thông báo tái chiếm được làng Andriïvka, cách thị trấn Bakhmut bị tàn phá khoảng 10 km về phía nam.

Đăng ngày:

3 phút

Quân đội Ukraina  tại một vị trí gần Bakhmut, vùng Donetsk nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt với quân Nga từ nhiều tháng qua. Ảnh chụp ngày 04/09/2023,
Quân đội Ukraina tại một vị trí gần Bakhmut, vùng Donetsk nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt với quân Nga từ nhiều tháng qua. Ảnh chụp ngày 04/09/2023, AP - LIBKOS

Trong bản báo cáo hàng ngày công bố trên mạng Facebook, Bộ Tổng Tham Mưu các lực lượng vũ trang Ukraina cho biết họ đã “thành công một phần ở khu vực Klichchiivka trong các hoạt động tấn công…, đã giải phóng Andriïvka ở khu vực Donetsk” và “gây cho kẻ thù tổn thất đáng kể về nhân lực và trang thiết bị”.

Tuyên bố thắng lợi của quân đội Ukraina tại Andriïvka được chú ý vì hôm qua (14/09), sau khi thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina Ganna Maliar loan báo trên mạng Telegram việc tái chiếm được Andriïvka, một đơn vị trực tiếp tham gia chiến dịch phản công lập tức phản bác, khẳng định rằng “tuyên bố liên quan đến việc giành lại được Andriïvka là sai sự thật và hấp tấp” và chiến sự vẫn dữ dội và căng thẳng ở các khu vực Klichtchiïvka và Andriïvka. Phản ứng của đơn vị trên chiến trường đã buộc thứ trưởng Quốc Phòng Ukraina phải cải chính thông tin mà bà đã loan ra trước đó.

Theo hãng tin Pháp AFP, làng Andriïvka cách Bakhmut hơn một chục cây số về phía nam. Trận chiến giành Bakhmut ở vùng Donetsk đã kéo dài từ hơn một năm, và vào tháng 5 vừa qua, Nga tuyên bố chiếm được thị trấn được cho là có vị trí chiến lược ở vùng Donetsk, miền đông Ukraina.

Kể từ đầu tháng 6, lực lượng Ukraina đã bắt đầu một cuộc phản công nhằm đẩy lùi lực lượng Nga ở phía đông và phía nam, nhưng đã phải đối mặt với các tuyến phòng thủ vững chắc bao gồm chiến hào, bãi mìn và bẫy chống tăng. Cho đến gần đây, lực lượng Kiev chỉ chiếm được một số ngôi làng, nhưng trong những tuần lễ gần đây, cuộc phản công đã có được một số đột phá, đặc biệt là ở mặt trận phía nam.

TT Ukraina lại công du nước Mỹ

Theo hãng tin Mỹ AP ngày 14/09/2023, một số quan chức Mỹ cao cấp xin ẩn danh tiết lộ rằng tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky sẽ đến Mỹ vào tuần tới trong khuôn khổ khóa họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Nhân dịp này, tổng thống Ukraina sẽ ghé Nhà Trắng và Điện Capitol.

Một quan chức chính quyền cho biết ông Zelensky sẽ gặp tổng thống Biden tại Nhà Trắng vào thứ Năm 21/09, trong lúc hai trợ lý Quốc Hội cũng xác nhận việc tổng thống Ukraina ghé trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.

Đây sẽ là lần thứ hai mà tổng thống Ukraina đến Mỹ từ sau ngày Nga xâm lược Ukraina. Vào tháng 12 năm 2022, ông đã đi thăm Mỹ trong chuyến công du ngoại quốc đầu tiên được biết đến từ khi nổ ra chiến tranh.

Thông tin chi tiết về chuyến thăm Mỹ vào tuần tới của ông Zelensky vẫn chưa được loan báo công khai. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng từ chối bình luận về kế hoạch của ông Zelensky, kể cả việc liệu ông có gặp tổng thống Biden tại Nhà Trắng hay không.


***********

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc « mất tích » : Tập Cận Bình nghi ngờ lòng trung thành của quân đội?

Thanh Hà

Báo chí Nhật và Ấn Độ từ hai ngày qua đặt nhiều nghi vấn về việc bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc không xuất hiện trước công chúng từ cuối tháng 8/2023. Sau ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang), rồi tư lệnh Lực Lượng Tên Lửa Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao) và cấp phó Lưu Quang Bân (Liu Guangbin), đến lượt viên tướng họ Lý bặt vô âm tín. Ông là một nhân vật hàng đầu trong guồng máy lãnh đạo tại Bắc Kinh và từng được cho là thân tín với ông Tập Cận Bình.

Đăng ngày:

5 phút

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh chụp ngày 12/03/2023.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Lý Thượng Phúc tuyên thệ nhậm chức. Ảnh chụp ngày 12/03/2023. AP - Andy Wong

Báo tài chính Nhật Nikkei Asia hôm 12/09/2023 trích lời cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Bản ví von những vụ mất tích trong hàng ngũ lãnh đạo ở Bắc Kinh tương tự như truyện trinh thám của nhà văn nữ người Anh Agatha Christie « And Then There Were None /Ten Little Nigger – Và Rồi Chẳng Còn Ai ». Từ tháng 3/2023, sau khi ông Tập Cận Bình chính thức bước vào một nhiệm kỳ thứ ba trong cương vị chủ tịch nước, chủ tịch Quân Ủy Trung Ương và tổng bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ghế ngoại trưởng đang từ tay Tần Cương đã được trao lại cho cựu ngoại trưởng Vương Nghị. Lần chót ông Tần Cương xuất hiện là hôm 25/06/2023 sau khi tiếp các quan chức ngoại giao cao cấp của Nga, Việt Nam và Sri Lanka. Giờ đây đến lượt thượng tướng Lý Thượng Phúc, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, « vắng mặt » không một lời giải thích.

Bắc Kinh chưa chính thức lên tiếng về thông tin mà báo Nhật và Ấn Độ loan tải. Lần cuối cùng ông Lý Thượng Phúc xuất hiện trước công chúng là hôm 29/08/2023 nhân diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi lần thứ ba tại Bắc Kinh. Ngày 31/07/2023 chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm tướng Vương Hậu Bân (Wang Houbin) nguyên phó tư lệnh Hải Quân đứng đầu Lực Lượng Tên Lửa, thay thế ông Lý Ngọc Siêu. Tân Hoa Xã khi đó đã không giải thích hay bình luận việc thay đổi nhân sự trong Lực Lượng Tên Lửa trực thuộc Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ hai quan chức này bị điều tra vì tham nhũng. Còn hãng tin Mỹ Bloomberg hồi tháng 7/2023 gắn liền việc thay đổi nhân sự trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc với một vụ « điều tra tham nhũng liên quan đến việc mua trang thiết bị điện tử ». Theo một số nhà quan sát, việc ông Tập Cận Bình can thiệp vào vấn đề nhân sự kiểu này là điều « bất thường ». Do vậy đặt ra câu hỏi : Phải chăng ông Tập Cận Bình bắt đầu hoài nghi về sự trung thành của quân đội ? Ông nghi ngờ luôn cả những nhân vật mà chính ông đã cất nhắc sau Đại Hội Đảng hồi tháng 10/2022 ?

Trong thông cáo hôm 09/09/2023, ông Tập Cận Bình đã khẳng định mục tiêu « duy trì ở mức độ cao tính trong sạch và sự đoàn kết trong hàng ngũ quân đội để bảo đảm ổn định và an ninh » cho lực lượng này.

Báo Ấn Độ India Express nhắc lại, ngay từ khi chính thức ngồi vào ghế lãnh đạo năm 2013, ông Tập Cận Bình đã viện cớ bài trừ tham nhũng để triệt hạ các đối thủ chính trị và liên tục củng cố quyền lực « nhưng đó là một tiến trình dài hơi ». Từ sau Mao Trạch Đông đến nay, kể cả dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, cũng chưa bao giờ nhân vật số một tại Bắc Kinh lại nắm trong tay nhiều quyền lực như ông Tập Cận Bình, nhưng đương kim lãnh đạo Trung Quốc cũng gây nhiều thù oán.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã bước vào nhiệm kỳ ba vào lúc nhiều thách thức đang đặt ra cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc : Về đối nội thì phép lạ kinh tế đã « hết thiêng », sự phục hồi sau giai đoạn đóng cửa kinh tế để chống dịch Covid mang lại nhiều thất vọng, đến nỗi mà từ tháng trước Bắc Kinh chính thức ngừng công bố chỉ số thất nghiệp và đề xuất những công cụ mới để thâu thập thông tin về tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Về đối ngoại, chưa bao giờ Trung Quốc lại chịu nhiều áp lực của phương Tây như hiện nay. Mỹ và châu Âu đã xem cường quốc châu Á này là một mối « đe dọa có hệ thống ». Quan hệ giữa Trung Quốc với hai nước Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản bị đặt trước nhiều thử thách cả về chiến lược lẫn kinh tế. Riêng với nước láng giềng phương nam là Ấn Độ, bang giao với New Delhi « đã xấu đi trong những năm gần đây ». Chủ trương quá hung hăng của Bắc Kinh về chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải gây hoang mang trong khu vực. 

Vậy câu hỏi còn lại trong lúc khó khăn này, ai là những người thực sự trung thành với ông Tập ? Hay là như cựu đại sứ Mỹ tại Nhật Rahm Emanuel đã mượn tựa đề cuốn sách « Và Rồi Chẳng Còn Ai » (And Then There Were None) chung quanh chủ tịch Trung Quốc ?

Song có một chi tiết quan trọng khác không thể bỏ qua : Đương kim bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc có tên trong danh sách những cá nhân bị Hoa Kỳ trừng phạt do liên quan đến những vụ mua bán vũ khí tăng cường khả năng quốc phòng cho Bắc Kinh. Nửa năm từ khi tướng Lý Thượng Phúc được bổ nhiệm vào chức vụ bộ trưởng Quốc Phòng, đối thoại quân sự Mỹ-Trung vẫn tê liệt, ông và tướng Lloyd Austin chưa từng trực tiếp đối thoại, dù là qua video hay qua điện đàm. Vậy phải chăng đây là một tín hiệu mới Bắc Kinh muốn gửi tới Lầu Năm Góc?


************

Libya hoang tàn vì trận lũ kinh hoàng

Khánh Như

Theo Reuters, Derna gần như bị xóa sổ khi đường phố ngập trong bùn sâu, cây cối bật gốc nằm ngổn ngang và hàng trăm ô tô bị hư hỏng, nhiều chiếc bị lật nghiêng trên đường cùng nhiều tòa nhà cao tầng đổ sập khi các gia đình đang ngủ bên trong.

Cư dân ở Derna vẫn đang tuyệt vọng tìm kiếm người thân mất tích. Nhiều xác người được tìm thấy trên các bãi biển, trong khi nhiều người cho biết một số thi thể của người lạ đã bị nước cuốn vào nhà họ. Việc tìm kiếm và xác định danh tính những người gặp nạn trở nên cực kỳ phức tạp do rạn nứt chính trị sâu sắc ở đất nước 7 triệu dân và chiến tranh liên miên kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011.

Libya hoang tàn vì trận lũ kinh hoàng - Ảnh 1.

Con đường ven biển bị nhấn chìm trong trận lũ ở Derna ngày 13.9

MAXAR/REUTERS

Các số liệu về số người thiệt mạng vẫn chưa rõ ràng, bởi các phe phái chính trị đưa ra các thông tin hoàn toàn khác nhau, song điểm chung là tất cả đều lên tới hàng nghìn người.

Trong khi các quan chức chính phủ được công nhận ở thủ đô Tripoli ghi nhận 3.840 người chết ở Derna, phe đối lập ở miền đông ước tính cho đến nay hơn 5.300 người đã mất mạng và dự báo con số này có thể sẽ tăng đáng kể, thậm chí có thể tăng gấp đôi.

Derna dưới quyền kiểm soát của phe quân sự miền đông. Theo ông Abdulmenam al-Ghaithi - người đứng đầu Derna do chính quyền miền đông bổ nhiệm, ngoài thương vong cao, số người mất tích được cho là có thể lên tới 20.000 người. Trả lời phỏng vấn Hãng tin Al Jazeera, quan chức này kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài, bao gồm những túi đựng thi thể để đảm bảo vệ sinh, trong bối cảnh các lực lượng cứu hộ lo ngại một lượng lớn xác chết chìm trong nước có thể làm bùng phát một đợt dịch bệnh mới.

Tờ The New York Times dẫn thông tin từ Tổ chức Di cư quốc tế cho biết ít nhất 30.000 người ở Derna đã phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Ông Basheer Omar, phát ngôn viên của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế ở Libya, cho hay các nhân viên y tế cấp cứu rất khó tiếp cận những khu vực bị ảnh hưởng bởi giao thông gián đoạn và các đường dây liên lạc đã bị cắt đứt do bão lũ.

Thủ tướng Libya Abdulhamid al-Dbeibah gọi lũ lụt lần này là một thảm họa chưa từng có. Trước tình cảnh trên, viện trợ từ Ai Cập, Tunisia, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang được gấp rút chuyển đến quốc gia Bắc Phi. 


*************

Tin tức thế giới 15-9: Ông Zelensky sắp tới Mỹ



Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trên bãi cỏ phía nam tại Nhà Trắng ở Mỹ vào ngày 21-12-2022. Truyền thông Mỹ đưa tin ông Zelensky sắp đến Mỹ lần nữa - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trên bãi cỏ phía nam tại Nhà Trắng ở Mỹ vào ngày 21-12-2022. Truyền thông Mỹ đưa tin ông Zelensky sắp đến Mỹ lần nữa - Ảnh: REUTERS

Tin tức thế giới nổi bật xoay quanh Ukraine

* Ông Zelensky có kế hoạch tới Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và gặp ông Biden. Ngày 15-9, kênh truyền hình NBC News (Mỹ) dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao Ukraine cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên kế hoạch tới dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) vào tuần tới và gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hiện chưa rõ cuộc gặp giữa ông Biden - Zelensky sẽ diễn ra ở thành phố New York hay tại Nhà Trắng. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này.

Trong lần gần đây nhất, ông Biden đã gặp ông Zelensky tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Lithuania hồi tháng 7.

* Phi công Ukraine tới Mỹ học tiếng Anh trước khi lái tiêm kích F-16. Theo Hãng tin Ukrinform, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh xác nhận các phi công Ukraine cũng như các nhân viên kỹ thuật - những người sẽ học cách bảo dưỡng tiêm kích F-16 - sẽ bắt đầu được đào tạo ngôn ngữ (tiếng Anh) tại căn cứ không quân ở bang Texas của Mỹ trong tháng này.

* Tân bộ trưởng quốc phòng Ukraine lần đầu trao đổi với ông Stoltenberg và ông Borrell. Ông Rustem Umierov - người được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng Ukraine vào tuần trước, vừa có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg và nhà ngoại giao hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell vào ngày 14-9, theo báo Ukrainska Pravda.

Ông Rustem Umierov cho biết đã tổ chức "các cuộc đàm phán hiệu quả" với ông Stoltenberg. Ông thông tin: "Tôi đã thông báo cho đồng nghiệp của mình về tình hình trên chiến trường và kết quả hoạt động tấn công của chúng tôi".

Các tin tức thế giới khác

Ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

Ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS

* Con trai của Tổng thống Biden bị truy tố. Ngày 14-9, các công tố viên liên bang Mỹ đã truy tố ông Hunter Biden - con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden - về 3 tội danh liên quan tới việc sở hữu súng trái phép trong thời gian sử dụng ma túy, theo Hãng tin AFP.

Nếu bị kết án về cả 3 tội danh này, về lý thuyết ông Hunter Biden có thể phải đối mặt với 25 năm tù. Việc ông Hunter bị truy tố có thể "phủ bóng đen" lên chiến dịch tái tranh cử tổng thống của cha ông vào năm tới.

* Hội nghị thượng đỉnh G77 + Trung Quốc ở Cuba, tìm kiếm "trật tự kinh tế thế giới mới". Theo Hãng tin AFP, các đại diện G77+Trung Quốc, nhóm các nước đang phát triển và mới nổi chiếm 80% dân số toàn cầu, sẽ đổ về Cuba vào ngày 15-9 để tìm cách thúc đẩy "trật tự kinh tế thế giới mới" giữa nỗi lo phân cực ngày càng tăng.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đến hòn đảo này vào ngày 14-9. Ông sẽ cùng khoảng 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ từ các nước châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latin dự hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày ở Havana.

* Cuộc gặp cấp cao hiếm hoi của Cuba và Mỹ ở Washington D.C. Theo Hãng tin AFP, ngày 14-9, các nhà ngoại giao cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Carlos Fernandez de Cossio đã có cuộc gặp hiếm hoi với các quan chức Mỹ tại Washington trong tuần này.

Tuy nhiên, hai bên không đạt được tiến triển rõ ràng nào trong việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố. Hồi tháng 7, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel nói rằng việc Mỹ đưa Cuba vào danh sách đen này là nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế Cuba.

Ngày của Cha ở Kathmandu

ngay-cua-cha-16947301292131774645515

Các tín đồ tắm và thực hiện nghi lễ trong Kuse Aunsi (Ngày của Cha) tại Đền Gokarna trên bờ sông Bagmati ở thủ đô Kathmandu, Nepal, ngày 14-9 - Ảnh: TÂN HOA XÃ


************

Chiến sự ngày 568: Giao tranh ác liệt gần Bakhmut; Ukraine phá hệ thống phòng không Nga

Vi Trân

Ukraine rút lại tuyên bố về Andriivka

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar ngày 14.9 thông báo Ukraine đã giành lại ngôi làng Andriivka gần thành phố Bakhmut (tỉnh Donetsk).

Tuy nhiên, các binh sĩ Ukraine trên chiến trường sau đó bác bỏ tuyên bố này. Lữ đoàn tấn công độc lập số 3 của Ukraine tại Donetsk nói rằng thông báo giành được Andriivka được đưa ra một cách hấp tấp. Lữ đoàn này cho hay giao tranh dữ dội vẫn đang diễn ra tại ngôi làng trên và Klishchivka.Trong bài viết cập nhật sau đó, bà Maliar làm rõ lại tình hình và cho rằng đã có sự cố liên lạc trong thông báo trước đó. "Có một vài thành công tại Andriivka và giao tranh dữ dội đang diễn ra", bà cho biết.

Bakhmut do Nga kiểm soát hồi tháng 5 sau nhiều tháng chiến sự ác liệt. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine đã tiến lên ở hai sườn phía bắc và nam của thành phố và dần dần giành lại các vị trí. Andriivka cách Bakhmut 14 km về phía nam với chưa đầy 100 cư dân lúc chưa xảy ra chiến sự.

Chiến sự ngày 568: Giao tranh ác liệt gần Bakhmut; Ukraine phá hệ thống phòng không Nga - Ảnh 1.

Quân nhân Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành 2S22 Bohdana tại Donetsk ngày 13.9

REUTERS

Trong một đánh giá vắn tắt về tình trạng chiến sự Ukraine ngày 14.9, Tham mưu trưởng Tony Radakin của các lực lượng vũ trang Anh nói rằng Ukraine "tiếp tục giữ thế chủ động và đang đẩy lùi Nga". Phát biểu được đưa ra tại hội chợ vũ khí DSEI ở London, theo tờ The Guardian.

Bác bỏ những tuyên bố rằng cuộc phản công của Ukraine đang gặp khó khăn, ông Radakin nói "ở phía bắc họ đang cầm chân và cố định lực lượng Nga và ở phía nam họ đang tiến lên trong khoảng từ 10 đến 20 km, tùy thuộc vào cách bạn đánh giá".

Ông Radakin, người có liên quan mật thiết đến việc cố vấn cho chỉ huy cấp cao nhất của Ukraine - tướng Valerii Zaluzhnyi, nói rằng tiến trình phản công chậm chạp của Ukraine không thể đo lường được bằng một thời gian biểu có thể dự đoán được. "Ý tưởng cho rằng chiến sự diễn ra gọn gàng và ngăn nắp, và bạn có thể lập kế hoạch và dự đoán nó ở cấp độ thứ n, là điều vô nghĩa". 

Nga chưa bình luận.

Crimea tiếp tục bị tấn công

Reuters dẫn nguồn tin tình báo Ukraine cho biết lực lượng an ninh và hải quân nước này đã phá hủy một hệ thống phòng không của Nga gần thị trấn Yevpatoriya tại bán đảo Crimea trong cuộc tấn công rạng sáng 14.9. Cuộc tấn công được thực hiện bởi máy bay không người lái (UAV) và tên lửa.

Chiến sự ngày 568: Giao tranh ác liệt gần Bakhmut; Ukraine phá hệ thống phòng không Nga - Ảnh 2.

Tàu của Nga bị hư hại tại Sevastopol ngày 13.9

REUTERS

Trong khi đó, Nga nói các hệ thống phòng không đã bắn hạ 11 UAV tấn công trong đêm trên bầu trời Crimea. Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết đã phát hiện và phá hủy một xuồng không người lái của Ukraine tại biển Đen.

Trước đó một ngày, Ukraine thực hiện cuộc tấn công tên lửa vào xưởng tàu Sevastopol tại Crimea. Reuters dẫn hình ảnh vệ tinh cho thấy cuộc tấn công gây thiệt hại nặng cho một tàu đổ bộ lớn và một tàu ngầm.

Phía Nga nói Ukraine đã phóng 10 tên lửa hành trình vào xưởng sửa chữa tàu, 7 quả bị ngăn chặn. Ngoài ra, Ukraine đã tấn công các tàu thuộc Hạm đội biển Đen Nga bằng 3 xuồng không người lái nhưng bị tàu tuần tra Nga phá hủy. Các tên lửa Ukraine đánh trúng 2 tàu đang sửa chữa. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ phục hồi hoàn toàn 2 tàu này. Sau đó, Nga tuyên bố máy bay chiến đấu đã bắn chìm thêm 3 xuồng không người lái của Ukraine.

EU gỡ trừng phạt 3 doanh nhân Nga, Mỹ bổ sung cấm vận

Liên minh châu ÂU (EU) đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với 3 doanh nhân Nga liên quan chiến sự tại Ukraine. Ba người này gồm Grigory Berezkin, tỉ phú Farkhad Akhmedov và ông Alexander Shulgin, cựu lãnh đạo công ty thương mại điện tử Ozon. Đại tá Georgy Shuvaev, người qua đời vào mùa thu năm 2022, cũng được EU xóa tên khỏi danh sách cấm vận, theo đài RT.

Ông Shulgin bị cấm vận vì làm tổng giám đốc công ty liên quan lĩnh vực kinh tế cung cấp nguồn thu lớn cho chính quyền Nga. Tuy nhiên, ông từ chức 3 ngày sau khi lệnh cấm vận được ban hành và kháng nghị lệnh trừng phạt. Tòa án Công lý của EU tuần trước đưa ra phán quyết dỡ bỏ lệnh trừng phạt với ông, đánh dấu lần đầu tiên một tòa án dỡ bỏ lệnh cấm vận của EU đối với một doanh nhân Nga và có thể đặt ra tiền lệ cho các vụ tương tự.

Mặt khác, chính quyền Mỹ ngày 14.9 thông báo đã trừng phạt nhiều công ty của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ vì ủng hộ chiến sự tại Ukraine và giúp Moscow né tránh lệnh cấm vận. Trong số này có hãng sản xuất xe hơi lớn nhất của Nga Avtovaz, hãng xe Gaz Group và nhà sản xuất đồng Russian Cooper Company.

Nga trục xuất nhà ngoại giao Mỹ, tuyên bố sẽ đáp trả Slovakia

Bộ Ngoại giao Nga ngày 14.9 thông báo đã triệu tập đại sứ Mỹ Lynne Tracy để thông báo trục xuất Bí thư thứ nhất Jeffrey Sillin và Bí thư thứ hai David Bernstein vì làm việc với một người Nga bị cáo buộc hợp tác với nước ngoài. Hai người này phải rời khỏi Nga trong vòng 7 ngày. Theo Reuters, đại sứ quán Mỹ đã xác nhận thông tin.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng với việc Slovakia trục xuất một nhà ngoại giao của Moscow. Slovakia trước đó trục xuất một nhân viên đại sứ quán Nga tại Bratislava vì có những hoạt động không tuân thủ Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao. Nhân viên này phải rời khỏi Slovakia trong vòng 48 giờ.


************
voatiengviet.com

Virus Nipah gây chết người ở Ấn Độ là gì? Trị được không?

Reuters

Bang Kerala phía nam Ấn Độ đóng cửa một số trường học và văn phòng trong tuần này khi các quan chức chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của loại virus Nipah chết người, sau khi nó cướp đi sinh mạng của hai người trong đợt bùng phát thứ tư kể từ năm 2018.

Virus đến từ đâu?

Virus Nipah lần đầu tiên được xác định vào năm 1998 trong đợt bùng phát dịch bệnh ở những người chăn nuôi lợn ở Malaysia và Singapore.

Nó có thể lây nhiễm trực tiếp sang người thông qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể của dơi và lợn bị nhiễm bệnh, với một số trường hợp lây truyền được ghi nhận ở người.

Các nhà khoa học nghi ngờ Nipah đã tồn tại giữa loài cáo bay trong nhiều thiên niên kỷ và lo ngại một chủng đột biến, có khả năng lây truyền cao, sẽ xuất hiện từ loài dơi.

Điều trị thế nào?

Không có vắc-xin để ngăn ngừa hoặc chữa khỏi. Bệnh có tỷ lệ tử vong khoảng 70%. Phương pháp điều trị thông thường là cung cấp dịch vụ chăm sóc hỗ trợ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết những người nhiễm bệnh ban đầu xuất hiện các triệu chứng bao gồm sốt, suy hô hấp, đau đầu và nôn mửa. Viêm não và co giật cũng có thể xảy ra trong trường hợp nặng, dẫn đến hôn mê.

Loại virus này nằm trong danh sách của WHO nghiên cứu và phát triển các mầm bệnh có khả năng gây dịch bệnh.

Các vụ bùng phát trước đây

Đợt dịch năm 1998 ở Malaysia và Singapore đã giết chết hơn 100 người và làm gần 300 người nhiễm bệnh. Kể từ đó, nó đã lan rộng hàng ngàn dặm, giết chết từ 72% đến 86% số người mắc bệnh.

Dữ liệu của WHO cho thấy hơn 600 trường hợp nhiễm virus Nipah ở người đã được báo cáo từ năm 1998 đến năm 2015.

Một đợt bùng phát năm 2001 ở Ấn Độ và hai vụ khác ở Bangladesh đã giết chết 62 trong số 91 người nhiễm bệnh.

Năm 2018, một đợt bùng phát ở Kerala đã cướp đi sinh mạng của 21 người. Các đợt bùng phát khác xuất hiện vào năm 2019 và 2021.

Trong đợt bùng phát hiện nay, các chuyên gia đã đến bang Kerala miền nam Ấn Độ để thu thập các mẫu dịch thủy từ dơi và cây ăn quả ở khu vực nơi virus Nipah đã giết chết hai người và ba người khác có kết quả xét nghiệm dương tính.

Bà Veena George, Bộ trưởng Y tế bang, nói với Reuters: “Chúng tôi đang xét nghiệm trên người… đồng thời các chuyên gia đang thu thập các mẫu dịch thủy từ các khu vực rừng có thể là điểm nóng lây lan”.

Các mẫu nước tiểu dơi, phân động vật và trái cây ăn dở được thu thập từ Maruthonkara, ngôi làng nơi nạn nhân đầu tiên sinh sống, nằm cạnh khu rừng rộng 121 ha là nơi sinh sống của một số loài dơi.

Dơi ăn quả trong khu vực đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah trong đợt bùng phát năm 2018, đợt bùng phát đầu tiên ở bang này.

Bà George nói: “Chúng tôi đang trong giai đoạn tăng cường cảnh giác và phát hiện”, đồng thời cho biết thêm rằng 77 người đã được xác định là có nguy cơ lây nhiễm cao.

Gần 800 người đã được xét nghiệm trong 48 giờ qua tại quận Kozhikode của bang, trong đó hai người lớn và một trẻ em được đưa vào bệnh viện để theo dõi sau khi có kết quả dương tính.

Các bang lân cận Karnataka và Tamil Nadu đã ra lệnh xét nghiệm du khách đến từ Kerala, với kế hoạch cách ly bất kỳ ai có triệu chứng cúm.

Loại virus này có thể lây nhiễm sang nhiều loại động vật, tạo cơ hội lây lan. Virus có thể nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc do tiêu thụ thực phẩm bị nhiễm virus.

Các đợt bùng phát xảy ra lẻ tẻ và các ca nhiễm bệnh trước đây ở Nam Á bắt nguồn từ việc tiêu thụ các mặt hàng bị nhiễm phân dơi.

Vào tháng 5, một cuộc điều tra của Reuters cho thấy các khu vực của Kerala nằm trong số những nơi có nguy cơ bùng phát virus dơi cao nhất trên toàn cầu, vì việc phá rừng để phát triển khiến con người và động vật hoang dã tiếp xúc gần gũi hơn.


***********
voatiengviet.com

Nga trục xuất hai nhân viên Sứ quán Mỹ vì ‘có hoạt động bất hợp pháp’

Reuters

Nga hôm 14/9 nói rằng họ đã trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ mà họ cáo buộc làm việc với một công dân Nga bị buộc tội cộng tác với nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho biết họ đã triệu tập đại sứ Mỹ Lynne Tracy và nói với bà rằng Bí thư thứ nhất Jeffrey Sillin và Bí thư thứ hai David Bernstein ở Đại sứ quán Mỹ phải rời Nga trong vòng bảy ngày.

Đại sứ quán Mỹ xác nhận việc trục xuất. Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington không bình luận ngay lập tức.

“Những người được nêu tên này đã có hoạt động bất hợp pháp, duy trì liên lạc với công dân Nga R. Shonov, vốn bị buộc tội ‘hợp tác bí mật’ với một quốc gia nước ngoài,” tuyên bố của phía Nga cho biết.

Robert Shonov đã làm việc cho Tổng lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Vladivostok, miền đông nước Nga trong hơn 25 năm cho đến khi Nga ra lệnh sa thải các nhân viên người Nga làm việc cho phái đoàn ngoại giao Mỹ vào năm 2021.

Cơ quan an ninh FSB của Nga hồi tháng 8 đã công bố một video cho thấy ông Shonov thú tội rằng Sillin và Bernstein đã nhờ ông thu thập thông tin về nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine, việc sáp nhập ‘các lãnh thổ mới’, huy động quân sự và cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.

Trong đoạn băng này, ông Shonov cho biết ông được yêu cầu thu thập thông tin ‘tiêu cực’ về các chủ đề này, tìm kiếm các dấu hiệu phản đối của người dân và phản ánh những điều này trong báo cáo của ông.

Mỹ cáo buộc Moscow tìm cách đe dọa và quấy rối các nhân viên Mỹ sau khi truyền thông nhà nước Nga đưa tin về các cáo trạng nhằm vào ông Shonov và cho biết FSB có kế hoạch thẩm vấn các nhân viên đại sứ quán có liên hệ với ông.

Khi ông bị bắt hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết việc này cho thấy ‘Nga sử dụng luật pháp mang tính đàn áp một cách trắng trợn’ đối với chính công dân của họ. Họ nói rằng các cáo trạng nhằm vào ông Shonov là ‘hoàn toàn không có giá trị’.

Trong tuyên bố của mình, Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Shonov đã được trả tiền để thực thi các nhiệm vụ nhằm gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Nga.

“Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh (với Tracy) rằng các hoạt động bất hợp pháp của phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ, bao gồm can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại, là không thể chấp nhận và sẽ bị trấn áp kiên quyết,” tuyên bố nói.

“Nga mong Washington sẽ đưa ra kết luận đúng đắn và kiềm chế không thực hiện các bước đối đầu”.


***********
voatiengviet.com

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc biến mất trong hơn 2 tuần

Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã đột ngột rút khỏi cuộc họp với các lãnh đạo quốc phòng Việt Nam vào tuần trước, ba quan chức nắm trực tiếp về vấn đề này cho biết, trong bối cảnh có những câu hỏi về sự biến mất của ông Lý trước công chúng suốt hơn hai tuần.

Ông Lý, 65 tuổi, theo lịch trình sẽ dự cuộc họp thường niên về hợp tác quốc phòng do Việt Nam tổ chức tại biên giới với Trung Quốc vào ngày 7-8/9 nhưng cuộc họp đã bị hoãn lại sau khi Bắc Kinh nói với Hà Nội vài ngày trước cuộc gặp rằng bộ trưởng Lý có ‘vấn đề sức khỏe’, hai quan chức Việt Nam cho biết.

Việc hủy bỏ họp đột ngột của ông Lý diễn ra sau khi Trung Quốc thay thế Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương hồi tháng Bảy sau một thời gian dài vắng mặt trước công chúng và việc cải tổ ban lãnh đạo Lực lượng Tên lửa tinh nhuệ của Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc trong những tháng gần đây, những động thái đã đặt ra câu hỏi về việc ra quyết định của giới lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Lý được bổ nhiệm hồi tháng Ba. Ông được các nhà ngoại giao và các nhà quan sát theo dõi chặt chẽ bởi vì, cũng như ông Tần, ông là một trong năm Ủy viên Quốc vụ viện của Trung Quốc, vốn có cấp bậc cao hơn bộ trưởng thông thường trong nội các.

Một quan chức Mỹ nói với điều kiện giấu tên rằng Washington đã biết về các cuộc họp bị hủy bỏ của ông Lý ở Việt Nam.

Sự vắng mặt kéo dài của ông Lý trước công chúng đã thu hút một số lời bình luận. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel viết trên X hôm 8/9: “Đầu tiên, Ngoại trưởng Tần Cương mất tích, sau đó đến lượt các tư lệnh Lực lượng Tên lửa mất tích, và bây giờ Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã không xuất hiện trước công chúng trong hai tuần. Ai sẽ thắng trong cuộc đua mất việc này? Thanh niên Trung Quốc hay nội các của ông Tập Cận Bình?”

Khi được hỏi về bình luận này của ông Emanuel, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với các phóng viên rằng bà ‘không biết có chuyện gì’.

Ông Lý được nhìn thấy lần cuối ở Bắc Kinh hôm 29/8 khi có bài phát biểu chủ đề tại một diễn đàn an ninh với các nước châu Phi. Trước đó, ông đã có các cuộc gặp cấp cao trong chuyến công du tới Nga và Belarus.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chịu trách nhiệm chính về ngoại giao quốc phòng và không chỉ huy các lực lượng chiến đấu. Ông ít nổi bật trước công chúng hơn so với bộ trưởng ngoại giao, người thường xuyên xuất hiện trên truyền thông nhà nước.

“Sự biến mất của ông Lý, ngay sau ông Tần, cho thấy nền chính trị tinh hoa của Trung Quốc bí ẩn như thế nào với thế giới bên ngoài,” Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói.

“Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đơn giản là không cảm thấy cần phải giải thích với thế giới.”

Ông Lý đã bị Mỹ trừng phạt hồi năm 2018 vì đã mua vũ khí từ nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, Rosoboronexport.

Vào năm 2016, ông Lý được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược mới của quân đội – lực lượng tinh hoa có nhiệm vụ đẩy nhanh việc xây dựng năng lực chiến tranh không gian và không gian mạng. Sau đó, ông đứng đầu bộ phận mua sắm của quân đội từ năm 2017 cho đến khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.


***********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn