OLIVIER MATTHYS/EPA-EFE/REX/SHUTTERSTOCK

Nguồn hình ảnh, OLIVIER MATTHYS/EPA-EFE/REX/SHUTTERSTOCK

  • Tác giả, Paul Kirby
  • Vai trò, BBC News

Cờ Phần Lan sẽ được kéo lên tại trụ sở của NATO ở Brussels, đánh dấu việc quốc gia láng giềng phía tây của Nga trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự Phương Tây.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ cùng các bộ trưởng NATO có mặt trong lễ gia nhập.

Việc Phần Lan vào Nato là một bước lùi đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã nhiều lần phàn nàn về sự mở rộng của Nato trước khi tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Chiều dài biên giới của Nga với các quốc gia thành viên Nato hiện đã được nhân đôi.

Phần Lan có chung đường biên giới phía đông dài 1.340 km với Nga và đã chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh an ninh phương Tây cùng với Thụy Điển vào tháng Năm năm ngoái, do cuộc chiến của Nga.

Cả hai nước này trước đây theo đuổi chính sách không liên kết. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với một quân đội Nga ngày càng hiếu chiến, họ muốn có bảo đảm là sẽ được bảo vệ theo Điều 5 Nato, theo đó nói một cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của khối cũng đều bị coi là cuộc tấn công vào toàn bộ Nato.

Cuộc xâm lược của Nga đã khiến dư luận Phần Lan nghiêng mạnh về việc gia nhập Nato, với tỷ lệ ủng hộ là 80%.

Đơn của Thụy Điển hiện đang bị kẹt với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Stockholm ủng hộ các chiến binh người Kurd và cho phép họ biểu tình trên đường phố. Hungary cũng chưa chấp thuận cho Thụy Điển tham gia.

Con đường gia nhập của Helsinki kéo dài chưa đầy một năm và buổi lễ hôm thứ Ba trùng với lễ kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Nato vào năm 1949.

Phần Lan sẽ chính thức gia nhập khi Ngoại trưởng Pekka Haavisto trao giấy tờ gia nhập cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.

"Đây thực sự là một ngày lịch sử. Đó là một ngày tuyệt vời đối với liên minh," Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trước buổi lễ.

"Phần Lan là một đồng minh tuyệt vời, rất có năng lực, chia sẻ các giá trị của chúng tôi, và chúng tôi trông đợi một sự chuyển tiếp liền mạch để nước này có một vị trí thích hợp trong liên minh," Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith nói với BBC. Bà cho biết bà hy vọng Thụy Điển cũng sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo tại Lithuania vào tháng Bảy.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo rằng nếu các đồng minh NATO mới của Phần Lan triển khai lực lượng hoặc tài nguyên ở nước này, Moscow "sẽ thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo an ninh quân sự của Nga một cách đáng tin cậy".

Hôm Chủ nhật, Đại sứ Nga tại Belarus, ông Boris Gryzlov, cho biết Moscow sẽ di chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật đến gần biên giới phía tây của Belarus để "tăng khả năng đảm bảo an ninh". Tuy nhiên, tổng thư ký NATO cho biết họ chưa thấy bất kỳ thay đổi nào về hạt nhân của Nga.

Nato giờ đây sẽ có bảy thành viên ở Biển Baltic, tiếp tục cô lập đường tiếp cận ven biển của Nga tới St Petersburg và vùng Kaliningrad.