Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 25 -4 -2024:

Thứ Năm, 25 Tháng Tư 20244:34 SA(Xem: 397)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhát 25 -4 -2024:


HoaLuc 5*********

Ba Lan có thể giúp Ukraina buộc hồi hương những người "trong độ tuổi chiến đấu"

Trọng Thành

Hôm qua, 24/04/2024, chính quyền Kiev thông báo không cấp hộ chiếu tại nước ngoài cho các công dân nam "trong độ tuổi chiến đấu", tức từ 18 đến 60 tuổi. Ngay sau đó, Ba Lan tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Kiev buộc hồi hương công dân. Hàng trăm người Ukraina biểu tình trước sứ quán Ukraina tại Vacxava để phản đối Kiev do văn phòng cấp hộ chiếu ngừng hoạt động. 

Đăng ngày:

2 phút

Theo AFP, tối hôm qua, trên kênh truyền hình Polsat, bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz bày tỏ thông cảm với quyết định của Kiev: "Việc chính quyền Ukraina nỗ lực làm mọi thứ để có đủ binh sĩ gửi ra mặt trận không làm tôi ngạc nhiên chút nào". Lãnh đạo bộ Quốc Phòng Ba Lan  cho biết thêm là từ lâu Vacxava "đã nêu khả năng sẵn sàng hỗ trợ Kiev bảo đảm là những người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự phải trở về Ukraina".

Kể từ đầu chiến tranh, ngoài một số trường hợp ngoại lệ, đa số nam giới không được ra khỏi lãnh thổ Ukraina. Trên thực tế, theo truyền thông Ukraina, hàng trăm nghìn đàn ông Ukraina trong độ tuổi lao động hiện đang được phép cư trú tại nhiều quốc gia Liên Âu. Về nguyên tắc, việc Kiev quyết định ngừng cấp hay triển hạn hộ chiếu có thể sẽ buộc nhiều người Ukraina phải trở về nước. Tuy nhiên, nhiều người đã chỉ trích quyết định nói trên của Kiev, khi cho rằng biện pháp này không hiệu quả, thậm chí là bất hợp pháp.

Trên Facebook, một cựu thứ trưởng tư pháp Ukraina, ông Serguï Petoukhov, khẳng định: "Biện pháp này sẽ không buộc được bất cứ ai đã ở nước ngoài trở về Ukraina và ra mặt trận". Người đứng đầu tổ chức phi chính phủ Union de Helskinki, ông Oleksandr Pavlitchenko, cho rằng quyết định này gây phương hại cho uy tín của Ukraina với thế giới và đây là một hành động "lạm quyền".

Hôm qua, đại sứ Ukraina tại Ba Lan Vassyl Zvarytch khẳng định với AFP là việc ngưng cấp hộ chiếu chỉ liên quan đến các yêu cầu sau ngày 23/04/2024. Theo bộ Ngoại Giao Ukraina, việc ngừng hoạt động của các văn phòng cấp hộ chiếu ở nước ngoài, trong đó có Ba Lan, chỉ là biện pháp tạm thời, với lý do "để giải quyết các vấn đề kỹ thuật" liên quan đến việc thực thi luật mới. Theo AFP, quy định không cấp hộ chiếu cho công dân "trong độ tuổi chiến đấu’’ hiện còn nhiều điều ‘‘chưa rõ ràng".


**********

Trung Quốc bị tố cáo giúp Bắc Triều Tiên chuyển giao vũ khí cho Nga

Thanh Hà

Căn cứ vào ảnh vệ tinh, hãng tin Anh Reuters ngày 25/04/2024 tiết lộ tàu Angara của Nga trong danh sách trừng phạt của Mỹ đang hiện diện tại hải cảng Chiết Giang, Trung Quốc. Từ tháng 8/2023, chính con tàu này đã 11 lần lui tới cảng Rajin của Bắc Triều Tiên và đã chở nhiều container đạn dược của Bắc Triều Tiên đến các hải cảng của Nga. Tin này được đưa ra vào lúc Hoa Kỳ quan ngại Bắc Kinh hỗ trợ Matxcơva về quân sự trong cuộc chiến Ukraina.

Đăng ngày:

2 phút

Trích dẫn tin từ cơ quan tư vấn của Anh RUSI (Royal United Services Institute), Reuters xác nhận từ tháng 2/2024, tàu chở hàng Angara của Nga neo đậu tại xưởng đóng tàu ở Chiết Giang, nơi được cho là « trung tâm sửa chữa tàu thủy lớn nhất do tư nhân quản lý ». Tàu Angara đã cập bến cảng Trung Quốc từ ngày 09/02, dường như là để được « sửa chữa ». Trước đó, trong tháng 01/2024, tàu này đã dừng lại ở nhiều hải cảng của Bắc Triều Tiên. Trong thời gian từ tháng 08/2023 đến đầu năm nay, tàu chở hàng Nga đã 11 lần đi và về giữa hải cảng Rajin của Bắc Triều Tiên với nhiều bến cảng của Nga.

Joseph Byrne, giám đốc cơ quan tư vấn của Anh RUSI, lưu ý rằng Bắc Kinh « chắc chắn biết là một chiếc tàu của Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt đang neo đậu tại một hải cảng của Trung Quốc ». Nếu như các giới chức Trung Quốc cho phép tàu Nga tự do rời khỏi bến cảng Chiết Giang, đây là dấu hiệu Bắc Kinh làm ngơ trước lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga về việc xâm chiếm Ukraina.

Theo đánh giá của Reuters, sự hiện diện của tàu Nga tại một hải cảng của Trung Quốc là một thách thức mới đối với Hoa Kỳ và các đồng minh vào lúc các nước này đang tìm cách ngăn chặn các nguồn tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Matxcơva. Vai trò của Bắc Kinh hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraina là một trong những trọng tâm trong chuyến đi Trung Quốc lần này của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tháng trước, nhân vật số hai của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã nhấn mạnh Washington sẽ không « khoanh tay ngồi nhìn nếu như Trung Quốc trợ giúp Nga nhiều hơn » trong cuộc chiến tại Ukraina.

Trước mắt, sứ quán Trung Quốc tại Washington giải thích « không có thông tin chi tiết » về con tàu của Nga được cho là đang hiện diện trong vùng biển của Trung Quốc. Bộ Ngoại Giao Nga và hãng đóng tàu Trung Quốc liên quan (Zhoushan Xinya) từ chối bình luận về tin trên. Matxcơva và Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ mọi cáo buộc về viện trợ vũ khí, đạn dược của Bắc Triều Tiên cho Nga trong chiến tranh Ukraina.


********
rfi.fr

Quân đội Israel và Hezbollah Liban gia tăng oanh kích đối phương

Thùy Dương

Tình hình chiến sự ở biên giới giữa Israel và Liban hôm qua, 24/04/2024 đặc biệt dữ dội. Quân đội Israel thông báo không quân và pháo binh đã oanh kích vào 40 mục tiêu của lực lượng Hezbollah Liban và tiêu diệt một nửa số chỉ huy của lực lượng này. Tuy nhiên, phát ngôn viên Lực lượng Lâm thời Liên Hiệp Quốc tại Liban (UNIFIL) nói với AFP rằng họ « không phát hiện bất kỳ hoạt động vượt biên giới nào » hôm qua.

Đăng ngày:

2 phút

Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết thêm :

« Không quân Israel chưa bao giờ hoạt động mạnh như vậy kể từ khi nổ ra các vụ đụng độ với lực lượng Hezbollah hôm 08/10/2023. Không quân Israel hôm qua đã tiến hành khoảng 30 vụ tấn công, trong đó có 15 vụ nhắm vào các khu vực biên giới Aïta Chaab và Ramiyé. Những nơi này đã bị tàn phá nặng nề. Lực lượng pháo binh Israel cũng hoạt động tích cực, bắn phá khoảng 20 mục tiêu dọc theo mặt trận trải dài 120 km.

Mặc dù hỏa lực mạnh đã được triển khai và quân đội Israel thông báo có « các hành động tấn công » vào miền nam Liban, nhưng không có chiến dịch tấn công trên bộ nào được ghi nhận. Một nguồn tin của Hezbollah khi trả lời  RFI cũng phủ nhận các thông tin theo đó Israel đã giết chết « một nửa số chỉ huy » của Hezbollah.

Lực lượng Hezbollah cũng hoạt động rất tích cực trong ngày hôm qua, bắn đi hàng chục rốc-kết và tên lửa dẫn đường trong 6 vụ tấn công nhắm vào các vị trí quân sự và thị trấn của Israel nằm gần biên giới.

Chiến sự trên mặt trận Liban - Israel hôm qua diễn ra với cường độ mạnh bất thường, nhưng không có thay đổi trong phương thức hoạt động của hai bên tham chiến. Quân đội Israel và lực lượng Hezbollah vẫn tránh đối đầu trực diện trên bộ và vẫn bắn qua bắn lại từ xa ».

Gaza : Israel khẳng định đẩy mạnh việc chuẩn bị tấn công Rafah

Liên quan đến dải Gaza, chính phủ Israel hôm qua thông báo đẩy mạnh chuẩn bị chiến dịch tấn công quân sự nhắm vào thành phố Rafah, miền nam Gaza, nơi tập trung đông đảo chiến binh Hamas. Theo AFP, một phát ngôn viên chính phủ Israel, David Mencer, tuyên bố hai đội quân dự bị đã được triển khai cho các « nhiệm vụ phòng thủ và chiến thuật tại dải Gaza ».

Trong khi đó, hôm 23/04, một lãnh đạo của Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế cảnh báo việc sơ tán hơn 1 triệu thường dân khỏi Rafah là điều « không thể » trong điều kiện hiện nay.


***********
rfi.fr

Mỹ thông báo đã chuyển cho Ukraina tên lửa ATACMS tầm xa

Trọng Thành

Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua, 24/04/2024, thông báo Washington đã chuyển cho Ukraina nhiều tên lửa ATACMS tầm xa, trước khi Quốc Hội Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỉ đô la cho Kiev. Nhiều tên lửa loại này đã được quân đội Ukraina sử dụng để tấn công cơ sở quân sự Nga cách xa chiến tuyến. Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định nói trên sau khi không thuyết phục được Nga ngừng tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina.

Đăng ngày:

3 phút

AFP dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết việc chuyển giao cho Ukraina các tên lửa ATACMS tầm bắn 300 km đã được thực hiện theo ‘‘yêu cầu trực tiếp của tổng thống’’ Joe Biden. Các hỏa tiễn này nằm trong đợt viện trợ ngày 12/03 với tổng trị giá 300 triệu đô la. Theo bộ Ngoại Giao Mỹ, Hoa Kỳ đã giữ bí mật việc chuyển giao này ‘‘theo đề nghị của Ukraina vì lý do an toàn’’. Theo một giới chức Mỹ xin ẩn danh, quân đội Ukraina đã sử dụng nhiều hỏa tiễn loại này vào sáng sớm ngày 17/04 để tấn công một sân bay Nga tại bán đảo Crimée, cách chiến tuyến khoảng 165 km, và một lần nữa trong đêm thứ Ba 23/04 qua ngày thứ Tư 24/04, tại miền đông nam Ukraina. 

Trong một thời gian dài, Hoa Kỳ đã lưỡng lự trong việc chuyển giao tên lửa ATACMS tầm xa. Cho đến nay, Mỹ mới chỉ cấp cho Kiev tên lửa ATACMS tầm trung (165 km). Cũng giới chức nói trên cho biết, hai lý do chính đã khiến Washington thay đổi quan điểm. Thứ nhất là việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa do Bắc Triều Tiên cung cấp để tấn công Ukraina bất chấp nhiều cảnh báo của Mỹ với phía Nga. Thứ hai là Matxcơva không từ bỏ kế hoạch oanh kích các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina.

Hôm qua, trả lời báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền Kiev đã cam kết không dùng loại vũ khí này để tấn công vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, mà chỉ tấn công trong phạm vi các vùng lãnh thổ Ukraina được quốc tế công nhận. 

Tổng thống Mỹ phê chuẩn gói viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraina

Về gói viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraina, hôm qua, tổng thống Mỹ đã ngay lập tức phê chuẩn sau khi Quốc Hội lưỡng viện Mỹ bật đèn xanh. Ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của gói viện trợ, được chờ đợi từ lâu nay, đối với an ninh của chính nước Mỹ, của các đồng minh châu Âu, cũng như nền công nghiệp Mỹ:

‘‘Tôi sẽ bảo đảm cho viện trợ bắt đầu được chuyển giao ngay lập tức. Chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển các thiết bị đến Ukraina, gồm đạn được cho hệ thống phòng không, cho pháo binh, cho các hệ thống tên lửa và cho các xe thiết giáp.

Gói viện trợ này thực sự là đầu tư không chỉ cho an ninh của Ukraina, mà cả cho an ninh của châu Âu và an ninh của chúng ta. Chúng tôi chuyển cho Ukraina các phương tiện có trong kho dự trữ của chúng ta. Tiếp theo, chúng ta sẽ thay thế các vũ khí dự trữ đó bằng những sản phẩm mới do chính các doanh nghiệp Mỹ sản xuất ngay tại Mỹ. Tên lửa Patriot được chế tạo tại Arizona, tên lửa chống tăng tại Alabama, đạn pháo tại Ohio, Pennsylvania và Texas.

Nói cách khác, chúng ta hỗ trợ Ukraina nhưng đồng thời cũng đầu tư cho năng lực sản xuất của nền công nghiệp chúng ta, tăng cường an ninh quốc gia của chúng ta, hỗ trợ việc làm tại gần 40 bang của nước Mỹ.’’


************

Du học sinh Trung Quốc bị Mỹ phạt tù vì đe dọa nhà hoạt động dân chủ

Reuters

Một du học sinh người Trung Quốc ngày 24/4 bị kết án 9 tháng tù giam ở Hoa Kỳ vì quấy rối một nhà hoạt động và đe dọa báo cáo các hoạt động của nhà hoạt động này cho công an Trung Quốc. Nhà hoạt động này là người tới Đại học Âm nhạc Berklee ở Boston, nơi du học sinh này đang theo học, dán tờ rơi để kêu gọi dân chủ ở Trung Quốc.

Các công tố viên đã yêu cầu Thẩm phán liên bang Hoa Kỳ ở Boston tuyên án Xiaolei Wu, 26 tuổi, gần ba năm tù để gửi một thông điệp rằng Hoa Kỳ sẽ không tha thứ cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bịt miệng những người gốc Hoa bày tỏ quan điểm trái ngược với chính phủ Trung Quốc.

Thẩm phán Denise Casper, khi đưa ra mức án ngắn hơn đề nghị, lưu ý rằng chiến dịch quấy rối “nghiêm trọng” của Wu diễn ra trong thời gian ngắn - chỉ hai ngày - và Wu, người không có tiền án tiền sự, sẽ bị trục xuất sau khi mãn hạn tù.

Theo lời thẩm phán, bản án tù nhằm răn đe những công dân Trung Quốc khác đến Hoa Kỳ học tập và đảm bảo họ biết rằng “không ai có thể tham gia vào hành vi phạm tội, đặc biệt là hành vi đàn áp quyền tự do ngôn luận”.

Chính quyền Hoa Kỳ và phương Tây đang nỗ lực chống lại những âm mưu của chính phủ Trung Quốc nhằm bịt miệng những người chỉ trích họ ở nước ngoài. Các nhóm nhân quyền đã phàn nàn về các mối đe dọa đối với quyền tự do học thuật và việc giám sát sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học quốc tế.

Ông Wu, người đang ở Hoa Kỳ theo visa du học, đã bị bồi thẩm đoàn kết án vào tháng 1 về tội rình rập và đe dọa qua mạng đối với những gì các công tố viên nói là một chiến dịch mà ông ta đã phát động để quấy rối một sinh viên mới tốt nghiệp trường Berklee.

Ông ta đã làm như vậy sau khi nhìn thấy một bức ảnh trên Instagram mà nhà hoạt động này đã đăng vào tháng 10 năm 2022 về một tờ rơi mà cô ấy đặt trong khuôn viên trường đại học âm nhạc tư nhân có nội dung “Chúng tôi muốn tự do”, “Chúng tôi muốn dân chủ” và “Đứng về phía người dân Trung Quốc”.

Đáp lại, ông Wu đã đăng lên WeChat yêu cầu cô gỡ các tờ rơi “phản động” của mình xuống và đe dọa sẽ chặt tay nếu cô đăng thêm.

Các công tố viên cho biết ông ta đã đưa ra những lời đe dọa bổ sung và tuyên bố đã báo tin cho cơ quan công an Trung Quốc về cô, lời đe dọa mà ông ta tiếp tục bằng cách báo cáo với mẹ ông ta, một quan chức chính phủ Trung Quốc.

Ông Wu, một nghệ sĩ guitar đang học nhạc jazz, trước tòa ngày 24/4 đã xin lỗi vì “hành vi liều lĩnh” của mình, nói rằng ông cần “chịu trách nhiệm và chấp nhận những gì đã làm”.


***********

Tòa Lâm Đồng tuyên phạt YouTuber Dương Tuấn Ngọc 7 năm tù

VOA Tiếng Việt

Hôm 24/4, một tòa án ở Lâm Đồng tuyên phạt ông Dương Tuấn Ngọc 7 năm tù và 3 năm quản chế về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, do ông bị nhà chức trách quy là đã “nói xấu” chế độ và “xúc phạm” lãnh tụ.

Các trang báo mạng nhà nước dẫn cáo trạng tường thuật rằng từ năm 2012 đến tháng 7/2023, ông Dương Tuấn Ngọc đã tạo ra 106 bài viết, 37 video clip “có nội dung sai sự thật, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nói xấu chế độ Xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn cho rằng ông Ngọc “đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; xuyên tạc lịch sử; nói xấu, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh hoặc bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng”.

Nhà chức trách cho rằng những việc làm này của ông “có tính chất, mức độ rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến an ninh quốc gia, gây ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.

Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an cho hay ông Ngọc, người bị bắt vào tháng 7/2023, đã “thừa nhận” trước tòa về mọi hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời “bày tỏ sự ăn năn, hối cải”.

“Đây lại là một trường hợp nữa về việc chính phủ Việt Nam trừng phạt một người chỉ trích chính phủ mà ông ấy không hề làm gì hơn ngoài việc thực thi quyền tự do ngôn luận cơ bản của mình”, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc và Biên tập viên cao cấp, Ban Á châu của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định với VOA về bản án của ông Ngọc.

“Chính phủ Việt Nam nên trả tự do cho ông Dương Tuấn Ngọc và ngừng sử dụng Điều 117 Bộ luật hình sự để bắt bớ những người kêu gọi cải cách”, bà Gossman kêu gọi.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ bình luận về phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được trả lời.

Chính quyền Việt Nam vào các dịp khác nhau thường lên tiếng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền của công dân luôn được đảm bảo, và chỉ bắt giam, xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.


*************

TIN TỔNG HỢP

RFI

Đăng ngày: Sửa đổi ngày:

6 phút

(VietnamPlus) - Phim Chuyện nhà Pao tham dự LHP ASEAN 2024 tại Luân Đôn, Anh. Sự kiện diễn ra từ ngày 22 đến 27/04/2024 do Ủy ban ASEAN Luân Đôn (ASEAN London Committee, ALC) tổ chức tại Trường Nghiên cứu Mỹ và phương Đông (SOAS), Đại học Luân Đôn. Phim Chuyện nhà Pao (Story of Pao) của đạo diễn Ngô Quang Hải, nói về cuộc sống của người dân miền tây bắc Việt Nam và vẻ đẹp của vùng cao, được chiếu ngày 26/04.

(Reuters) - Việt Nam : FPT đầu tư 200 triệu đô la xây nhà máy AI sử dụng chip của tập đoàn Mỹ Nvidia. Thông báo của FPT và Nvidia được đưa ra hôm 23/04/2024. FPT cho biết muốn tranh thủ sự hỗ trợ của Nvidia để thúc đẩy nghiên cứu AI tại Việt Nam, nhằm phát triển các ứng dụng và giải pháp AI tại nhà máy trung tâm dữ liệu, bao gồm cả AI tạo sinh và xe tự hành. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói với báo giới là theo kế hoạch, FPT sẽ thành lập nhà máy tại Việt Nam và các thị trường tiềm năng khác, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc. FPT và Nvidia cũng đã ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện. FPT có tham vọng đưa Việt Nam thành trung tâm phát triển AI của thế giới.

(Save the Children) - Việt Nam : Khoảng 77.000 trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước ngọt vì hạn hán do El Nino. Theo thẩm định được tổ chức Save the Children công bố ngày 24/04/2024, khoảng 73.900 hộ gia đình bị tác động vì hiện tượng này. Ba tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp. Nhiều gia đình không có nước ngọt đã phải tranh nhau mua nước với giá cao hơn bình thường. Hạn hán do đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần đã khiến muối thấm vào nguồn nước ngọt ở vựa lúa của Việt Nam. Hiện tại, mức độ xâm nhập mặn chưa nghiêm trọng như năm 2016 khi Việt Nam trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong gần 100 năm.

(AFP) - Trung Quốc lại chuẩn bị hứng chịu những cơn mưa như trút nước. Theo dự báo thời tiết, mưa to kéo dài từ tối nay 24 đến thứ Sáu 26/04/2024. Tính từ thứ Năm tuần trước, tại tỉnh Quảng Đông đã có 4 người chết và hơn 100.000 người phải sơ tán vì mưa lũ bất thường tại thời điểm này trong năm. Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV hôm nay thông báo chính quyền trung ương đã chi 110 triệu quan (14,2 triệu euro) để cứu trợ khẩn cấp người dân các khu vực bị ảnh hưởng tại tỉnh Quảng Đông. 

(Reuters) - Liên Hiệp Châu Âu điều tra về thị trường thiết bị y tế của Trung Quốc. Trong Công Báo ngày 24/04/2024, Ủy Ban Châu Âu cho biết mục đích là nhằm xác định xem các doanh nghiệp châu Âu có được tiếp cận công bằng vào thị trường Trung Quốc không. Đây là cuộc điều tra đầu tiên dựa trên Quy định về Đấu thầu công quốc tế IMPI. Có hiệu lực từ tháng 06/2022, quy định này cho phép Ủy Ban Châu Âu điều tra về những nghi ngờ cản trở thâm nhập thị trường các nước thứ ba. Sau cuộc điều tra khoảng 9 tháng, Bruxelles có thể quyết định hạn chế các nhà chế tạo thiết bị y tế Trung Quốc đấu thầu tại Liên Hiệp Châu Âu.

(AFP) - Kiev chuẩn bị biện pháp buộc nam giới Ukraina trong độ tuổi làm nghĩa vụ quân sự hồi hương. Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kouliba hôm 23/04/2024 khẳng định các công dân Ukraina sinh sống ở nước ngoài cũng phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc và bộ Ngoại Giao Ukraina sắp sửa làm rõ những quy định mới về dịch vụ lãnh sự. Thông báo này bị chỉ trích là không hiệu quả và bất hợp pháp. Theo truyền thông Ukraina, hàng chục ngàn người đàn ông trong độ tuổi đi nghĩa vụ quân sự đã chạy trốn ra nước ngoài để không phải ra mặt trận. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngàn người đã ra nước ngoài từ trước khi nổ ra chiến tranh.

(AFP) - Nga bắt một thứ trưởng Quốc Phòng bị nghi ngờ tham nhũng. Tư Pháp Nga hôm nay 24/04/2024 thông báo Timour Ivanov, thứ trưởng Quốc Phòng Nga, bị tạm giam 2 tháng, cho đến ngày 23/06 trong khi chờ xét xử. Đây là vụ bắt giữ hiếm hoi quan chức quốc phòng Nga kể từ khi Putin điều quân xâm lược Nga. Timour Ivanov, thứ trưởng Quốc Phòng Nga, cũng là quan chức cấp cao nhất bị bắt tính từ tháng 02/2022. Timour Ivanov bị nghi nhận hối lộ quy mô lớn, một tội danh có thể bị kết án tới 15 năm.

(CNews) - Pháp : Nhân viên không lưu đình công, nhiều chuyến bay bị hủy. Ngày 24/04/2024, Tổng cục Hàng không Dân dụng Pháp (DGAC) cho biết hoạt động hàng không gần như tê liệt ngày 25/04, cụ thể tại Paris, 75% chuyến bay ở sân bay Orly, 65% ở sân bay Roissy-Charles de Gaulle bị hủy, tương tự 65% ở Marseille, 70% ở Nice, 60% ở Toulouse. Nghiệp đoàn Không lưu Quốc gia (SNCTA) và nhiều nghiệp đoàn khác kêu gọi đình công vì các cuộc đàm phán về tái tổ chức hoạt động kiểm soát không lưu đã bị thất bại. Hoạt động hàng không cũng có thể bị xáo trộn trong ba ngày 9, 10 và 11/05 tới.

(AFP) - Pháp : Những thực phẩm không sử dụng hết trong kỳ Thế Vận Hội và Thế Vận Hội cho người khuyết tật sẽ được chuyển cho các hiệp hội thiện nguyện. Kế hoạch chống lãng phí thực phẩm được ban tổ chức Olympic Paris 2024 thông báo hôm nay 24/04/2024. Ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 đã ký thỏa thuận với 3 hiệp hội cứu trợ thực phẩm lớn. Theo dự kiến, sẽ có gần 13 triệu bữa ăn và suất ăn nhẹ được phục vụ tại các địa điểm thi đấu và làng Olympic.

(AFP) - Môi trường : Các nhà đàm phán lại tập trung về Ottawa, Canada, để bàn thảo về hiệp ước chống ô nhiễm nhựa. Đây sẽ là hiệp ước thế giới đầu tiên về chống rác thải nhựa. Vòng đàm phán lần này mở ra hôm qua 23/04/2024. Mục tiêu được đề ra hồi năm 2022 là từ nay đến cuối năm 2024 sẽ đúc kết được văn bản hiệp ước với các biện pháp cụ thể. Chủ tịch Ủy ban đàm phán quốc tế của Cơ quan Môi trường LHQ, Luis Valdivieso, hôm 23/04 trong phát biểu khai mạc phiên thảo luận mở nhấn mạnh hiệp ước sẽ dẫn dắt các hành động và sự hợp tác quốc tế quan trọng vì một thế giới không bị ô nhiễm nhựa.

(AFP) - Mỹ : 133 sinh viên bị bắt ở New York sau các cuộc biểu tình phản chiến ở Gaza. Tuy nhiên, ngày 23/04/2024, cảnh sát New York cho biết số sinh viên bị bắt trước cửa Đại học New York nổi tiếng (NYU) trong đêm trước đó đã được trả tự do. Những ngày gần đây, phong trào biểu tình và tọa kháng để đòi chấm dứt của chiến của Israel ở Gaza đã bùng lên trở lại ở nhiều trường đại học Mỹ. Khoảng một trăm sinh viên ủng hộ Palestine đã bị bắt vào tuần trước tại Đại học Columbia, cũng ở New York và chính chủ tịch của trường đã yêu cầu cảnh sát can thiệp. 


************
rfi.fr

Ba Lan sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân : Nguy cơ leo thang với Nga

Thanh Phương

Trong bài trả lời phỏng vấn được đăng tải hôm 22/04/2024, tổng thống Ba Lan tuyên bố Vacxava sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình nếu khối NATO, mà Ba Lan là một thành viên, quyết định tăng cường bảo vệ sườn phía đông trước việc Nga triển khai vũ khí mới ở Kaliningrad và Belarus.

Đăng ngày:

5 phút

Tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius năm 2023, các đồng minh đã tái khẳng định NATO sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết để bảo đảm độ tin cậy, hiệu quả, an toàn và an ninh của sứ mệnh răn đe hạt nhân, bao gồm việc tiếp tục hiện đại hóa năng lực hạt nhân và cập nhật quy trình lập kế hoạch.”

Trả lời nhật báo Fakt khi đang viếng thăm Canada, tổng thống Andrzej Duda nói: “Nếu các đồng minh của chúng tôi quyết định triển khai vũ khí hạt nhân trong khuôn khổ chia sẻ hạt nhân trên lãnh thổ của chúng tôi nhằm tăng cường an ninh ở sườn phía đông của NATO, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận”. 

Tuy nhiên, tổng thống Duda nhấn mạnh hiện chưa có quyết định nào về vấn đề này, mà ông chỉ khẳng định chia sẻ hạt nhân “chắc chắn sẽ củng cố vị thế và an ninh” của Ba Lan. Nguyên thủ quốc gia Ba Lan nói thêm rằng khả năng triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan đã là chủ đề thảo luận giữa Ba Lan và Hoa Kỳ.

Theo ông, "Nga đang ngày càng quân sự hóa Kaliningrad (vùng lãnh thổ nằm giữa Ba lan và Litva) và đang chuyển các vũ khí hạt nhân sang Belarus", cũng là quốc gia giáp biên giới Ba Lan. Chính tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2023 tuyên bố đã chuyển giao những vũ khí hạt nhân đầu tiên cho Belarus. 

Nguy cơ leo thang với Nga

Phía Nga dĩ nhiên là đã có phản ứng về tuyên bố của tổng thống Duda. Khi được hỏi về khả năng vũ khí hạt nhân được triển khai ở Ba Lan, hôm 22/04, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov tuyên bố Nga sẽ bảo đảm “an ninh” của mình nếu điều này xảy ra. Ông nói: “Quân đội tất nhiên sẽ phân tích tình hình và trong mọi trường hợp sẽ thực hiện mọi biện pháp trả đũa cần thiết để đảm bảo an ninh của nước Nga.” 

Trả lời trang mạng “7 sur 7” của Bỉ ngày 23/04, một cựu đại tá quân đội Bỉ Roger Housen nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận cho triển khai vũ khí hạt nhân, kể cả vũ khí hạt nhân chiến thuật, ở Ba Lan, vì đây sẽ là một bước leo thang rất lớn dẫn đến xung đột giữa khối NATO và Nga. Hơn nữa, từ nhiều thập niên qua, Mỹ đã vẫn đặt rất nhiều vũ khí nguyên tử tại 5 nước châu Âu thành viên của NATO: Bỉ, Hà Lan, Ý, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, chưa kể các vũ khí hạt nhân của Anh và Pháp.

Theo cựu đại tá Housen, tổng thống Duda dường như tin rằng Nga sẽ không dám tấn công Ba Lan nếu nước này có vũ khí hạt nhân. Nhưng lập luận đó là vô nghĩa: Cũng là một thành viên của NATO, Ba Lan đã nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô hạt nhân của khối này. Triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan chỉ khiêu khích Nga và khiến cho an ninh của Ba Lan càng khó được bảo đảm.

Bất đồng nội bộ Ba Lan

Tuyên bố của ông Duda được đưa ra trong bối cảnh chính trường Ba Lan đang trải qua thời kỳ chung sống khó khăn giữa một tổng thống vốn là đồng minh thân cận của chính quyền cũ theo chủ nghĩa dân túy với thủ tướng Donald Tusk, một nhân vận thân Âu, sau khi liên minh của ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 10 năm 2023.  Tổng thống Duda và thủ tướng Tusk thường xuyên đối chọi với nhau về chính sách đối nội, nhưng quan điểm của họ về việc hỗ trợ Ukraina và mối đe dọa từ Nga phần lớn vẫn giống nhau. 

Tuy vậy, có vẻ như thủ tướng Donald Tusk không tán đồng phát biểu của tổng thống Duda về vũ khí hạt nhân. Trả lời báo chí hôm qua, thủ tướng Ba Lan nói ông muốn "biết tất cả các tình huống khiến tổng thống đưa ra tuyên bố này." Ông Tusk khẳng định: “Tôi rất mong muốn Ba Lan được sống trong an ninh, được trang bị vũ khí tốt nhất có thể, nhưng tôi cũng muốn mọi sáng kiến ​​trước hết phải được những người có trách nhiệm chuẩn bị thật kỹ càng”. 

Vậy thì vì sao tổng thống Duda lại nói đến khả năng triển khai vũ khí nguyên tử ở Ba Lan? Theo suy đoán của cựu đại tá Housen, ông Duda là một nhân vật theo đường lối cứng rắn và những tuyên bố kiểu như vậy rất được những người ủng hộ ông tán thưởng. Trước đó vài ngày, tổng thống Ba Lan đã gặp cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại New York. Cựu đại tá Housen nói ông sẽ không ngạc nhiên rằng chính ông Trump đã khuyến khích ông Duda đi theo hướng này để gây khó khăn cho chính quyền Joe Biden, vốn không muốn căng thẳng gia tăng với Nga.


***********
rfi.fr

Quan hệ Trung Quốc – Châu Phi và nỗi lo sợ choáng váng của phương Tây

Minh Anh

Theo thông lệ có từ năm 1991, ngoại trưởng Trung Quốc thực hiện một vòng công du hồi tháng 01/2024 đến châu Phi, quân cờ quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Bắc Kinh. Hoạt động ngoại giao của Trung Quốc tại châu Phi, tăng mạnh từ hơn 30 năm qua, đã gây nhiều lo ngại cho phương Tây bị choáng váng trước những khoản đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh. Kẻ thống trị năm xưa tin rằng Trung Quốc đang tái tạo mô hình thuộc địa để kiểm soát châu lục.

Mọi sự bắt đầu vào tháng 12/1963. Lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai đã đến thăm mười nước châu Phi trong vòng hai tháng, đề cao vai trò những nước không thần phục trước phương Tây. Trong số này có Ai Cập, đang có những căng thẳng với phương Tây vì đã quốc hữu hóa kênh đào Suez. Rồi Guinea và Mali, cả hai nước đều khước từ đề xuất của tướng De Gaulle về một Cộng đồng Các Quốc gia châu Phi.

Mục đích của vòng công du này là nhằm tìm kiếm chất cobalt, cần thiết cho chương trình hạt nhân của Trung Quốc cũng như là một sự hậu thuẫn chính trị. Khi đặt cược vào một tầng lớp nông dân châu Phi đông đảo để thu hút sự ủng hộ của châu lục đối với những phát biểu của Trung Quốc, Chu Ân Lai đã mang đến một giải pháp thay thế cho mô hình phổ quát phương Tây vốn gây phản cảm.

Bắc Kinh và sự phát triển của châu Phi

Sau chuyến đi đặt nền tảng này, Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào đã hướng đến một chiến lược phát triển riêng khi dựa vào khoảng 100 các tổ chức phi chính phủ như Quỹ giảm nghèo Trung Quốc (APFC), Hồng Thập Tự, cùng với nhiều hoạt động do chính phủ Trung Quốc tài trợ trực tiếp, theo như ông Lưu Hồng Vũ (Liu Hongwu), giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi trường đại học Sư phạm Chiết Giang, được trang mạng Conflit, chuyên về địa chính trị dẫn lại.

Hàng năm, Bắc Kinh dự trù cấp kinh phí cho những quỹ dành cho châu lục trong khuôn khổ chương trình viện trợ châu Phi, nhưng thường được cấp dưới dạng tín dụng. Chẳng hạn, vào năm 2018, Tập Cận Bình thông báo viện trợ 60 tỷ đô la, được thực hiện thông qua các khoản vay không trả lãi, tài trợ nhập khẩu hàng hóa châu Phi và hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – Châu Phi (FOCAC), tổ chức ở Johannesburg, Nam Phi, năm 2015, Bắc Kinh đã vạch ra kế hoạch hành động, tập trung chủ yếu vào « phát triển cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, nông nghiệp, biến đổi khí hậu và vì mục tiêu nhân đạo, nhằm hỗ trợ các nước châu Phi chống đói nghèo, cải thiện điều kiện sống cũng như xây dựng một sự phát triển độc lập. » 

Không những chính sách này vẫn không thay đổi, mà tại FOCAC năm 2023, ông Tập Cận Bình còn trình bày ba trục viện trợ chính cho châu Phi : Công nghiệp hóa châu lục bằng cách phát triển lĩnh vực sản xuất, Hiện đại hóa mô hình nông nghiệp và Đào tạo hàng trăm viên chức cùng kỹ thuật viên châu Phi tại Trung Quốc.

Nỗi khiếp hãi của phương Tây

Nếu như Bắc Kinh tỏ ra rất tích cực trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở, ngăn chặn dịch bệnh, giảm đói nghèo, và phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi, thì nỗi lo sợ lớn nhất của phương Tây là Trung Quốc sẽ nhốt lục địa đen trong chiếc bẫy nợ. 

Một chiến thuật mà chính phương Tây năm xưa đã từng sử dụng để xây dựng đế chế thuộc địa cho chính mình. Đây chính là cách mà Pháp đã làm để chiếm giữ Tunisia năm 1881 sau khi nước này không hoàn trả được trái phiếu do Emile Erlanger, chủ ngân hàng Paris, phát hành.

Nhà báo Guy-Alexandre Le Roux, tác giả bài viết, nhắc lại, cho đến tận những năm 2000, các nước châu Âu là những nhà tài trợ chính cho khu vực châu Phi cận Sahara. Năm 1996, châu Phi lâm cảnh nợ nần nguy hiểm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cùng với Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) muốn giảm nợ cho các nước nghèo mắc nợ nhiều nhất (Heavily Indebted Poor Countries – HIPC), trong số này có đến 33 nước châu Phi cận Sahara.

Kết quả hạn chế tuy dẫn đến một sự phục hồi nhưng cuối cùng đã đi đến sự sụp đổ trong giai đoạn 2005-2006. Trung Quốc và các bên cho vay bằng trái phiếu (tư nhân) đã nhanh chóng lấp vào khoảng trống do nỗ lực giảm nợ tạo ra. Nếu tính thêm cả Ngân hàng Thế giới, thì ba tác nhân chính yếu này hiện nắm giữ đến 2/3 các khoản nợ của châu Phi.

Nhưng tỷ lệ nợ của châu Phi do Trung Quốc nắm giữ là mối lo ngại lớn. Trong trường hợp mất khả năng hoàn trả của một nước, Bắc Kinh có sẵn một lập luận tuyệt vời để chiếm giữ lấy những đòn bẩy sống còn của nước này để tự thu hồi nợ. Đang gặp khó khăn lớn ở châu Phi do hành động của Nga, phương Tây, và nhất là Pháp lo sợ sẽ bị trục xuất khỏi châu lục vĩnh viễn.  

Tính đến năm 2022, có ba nước châu Phi mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất là Angola (36 tỷ đô la), Ethiopia (7,9 tỷ) và Kenya (7,4 tỷ). Vào năm 2021, tổng cộng có đến 21 nước châu Phi, mỗi nước mắc nợ Trung Quốc hơn một tỷ đô la, còn tại 17 nước khác, hơn 60% nợ song phương hiện tại là do Trung Quốc nắm giữ.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu từ các nhà nghiên cứu Viện Kiel của Đức, chính sách « ngoại giao sổ séc » của Trung Quốc không hề đơn giản. Một mặt, phần lớn các khoản vay là do ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) và cơ quan tín dụng xuất khẩu Eximbank cung cấp. Mặt khác, những hợp đồng vay này thường rất mập mờ và mang lại nhiều rủi ro cho quyền tự quyết một quốc gia.

Các nghiên cứu của Viện Kiel đối với khoảng 100 hợp đồng vay tiền bí mật giữa Trung Quốc và 24 nước châu Phi với tổng số tiền 36,6 tỷ đô la, được công bố năm 2019, đã cho thấy tất cả các hợp đồng được đúc kết với CDB đều có một điều khoản rất cụ thể : Việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc được xem như là mất khả năng thanh toán và vi phạm hợp đồng.

Tương tự, Bắc Kinh có quyền đơn phương chấm dứt một số hợp đồng nhất định trong trường hợp có những thay đổi chính trị nội bộ. Điều khoản này cho phép Trung Quốc có quyền yêu cầu hoàn trả ngay lập tức số tiền còn nợ, một thảm họa tài chính cho nước bị nhắm đến. Các nhà nghiên cứu còn tìm thấy điều khoản « Không có câu lạc bộ Paris » trong số ¾ các hợp đồng.

Câu lạc bộ Paris là một nhóm các chủ nợ công họp lại nhau khi một nước gặp khó khăn trong việc trả nợ. Tổ chức này giúp chính phủ xóa bớt một phần nợ và tái cấu trúc phần nợ còn lại. Trong các hợp đồng, Trung Quốc yêu cầu rõ ràng phải loại trừ khoản vay ra khỏi những cải tổ này. Tương tự, Bắc Kinh có thể yêu cầu được ưu tiên hơn các chủ nợ khác trong trường hợp gặp khó khăn trả nợ.

Những điều khoản bí mật này bảo vệ Trung Quốc trước nguy cơ bị vỡ nợ, và bảo đảm lòng trung thành chính trị của những con nợ châu Phi. Một số nhà nghiên cứu chỉ trích Trung Quốc đề xuất những hiệp ước bất bình đẳng với châu Phi, những hiệp ước mà xưa kia cũng đã từng làm châu Phi bị kiệt quệ. Liệu phương Tây có thể thật sự đổ lỗi cho Trung Quốc khi đã cố gắng bảo đảm an toàn cho dòng vốn của mình ?

Theo nhà báo Guy-Alexandre Le Roux, Zambia là một ví dụ điển hình cho nỗi lo sợ của phương Tây. Quốc gia Tây Phi rộng đến 750 ngàn km vuông, dân số khoảng 20 triệu người mắc nợ nặng nề trong đó Trung Quốc chiếm đến 21% tổng nợ. Năm 2020, vì không thể hoàn nợ, Zambia đã phải thuyết phục Trung Quốc cho tái cấu trúc nợ, điều mà nước này đã có được khi đánh đổi sự hội nhập đông đảo người Trung Quốc trong nền kinh tế đất nước.

Kết quả là hiện nay, người Trung Quốc kiểm soát chủ yếu các hoạt động khai thác mỏ như đồng chẳng hạn, rất quý giá cho công nghệ mới. Nếu như tổng thống Zambia luôn ngợi ca vai trò xứng đáng các doanh nghiệp Trung Quốc, thì cố vấn tổng thống trong phóng sự của France 24 đã thừa nhận chính phủ nước này « không có được con số chính xác về xuất khẩu đồng của Trung Quốc », trước khi kết luận rằng « các thỏa thuận về sự minh bạch chỉ là những lời dối trá ». Người dân ngày càng tỏ ra mất thiện cảm trước sự hiện diện các doanh nghiệp Trung Quốc  và nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra. Bắc Kinh hiện lo lắng theo dõi tình hình.

Châu Phi không là ưu tiên của Trung Quốc

Liệu Trung Quốc có tham vọng chiếm lấy châu Phi? Nỗi lo này của phương Tây dường như đã bị phóng đại. Nợ châu Phi quả thật là một công cụ tuyệt vời để Bắc Kinh mở doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung nguyên nhiên liệu, đồng thời khẳng định thế gần như độc quyền trong hoạt động khai thác khoáng sản có liên quan đến công nghệ.

Bắc Kinh hiểu rõ những hạn chế của châu Phi và chắc chắn không tìm cách lặp lại sai lầm của phương Tây. Điều này thể hiện rõ trong các khoản đầu tư trực tiếp (IDE) của Trung Quốc tại châu Phi, chiếm chỉ có 2,7% trong toàn bộ các khoản đầu tư Trung Quốc trên toàn thế giới. Và 2/3 trên tổng số gần năm tỷ đô la đầu tư, chỉ tập trung tại bảy quốc gia. Kết luận có thể rút ra là Trung Quốc không tin vào sự phát triển của châu Phi và họ thích áp dụng mô hình « kinh tế hải ngoại – kinh tế thuộc địa » tại châu lục này.

Trung Quốc đặt châp Phi vào thế nợ nần để thâm nhập nền kinh tế và cướp bóc tài nguyên nhưng chắc chắn không phải để mở rộng lãnh thổ sang châu Phi. Đây là một tầm nhìn rất phương Tây đối với đế chế Trung Hoa.

Chỉ dấu thứ hai là các hoạt động cho vay của Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại từ những năm 2000. Khả năng thanh khoản kém do những khó khăn kinh tế trong nước, khi nhận thấy rằng châu Phi là bên vay nợ kém và những yêu cầu vay nợ thường không tương xứng với các dự án, Trung Quốc tỏ ra khó khăn hơn.

Châu Phi : Nguồn cung nguyên liệu, trạm gác cho BRI

Trên thực tế, châu Phi không phải là mối bận tâm chính của Bắc Kinh, mà tầm nhìn luôn hướng sang châu Âu. Những dự án Con đường Tơ lụa mới do ông Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2013 hoàn toàn hướng sang Lục Địa Già. Trung Quốc phải bảo đảm các điểm thông quan và châu Phi mang đầy đủ tất cả các đặc tính để đóng vai trò điểm trung chuyển. Đó là chìa khóa của con đường truyền thống đến Ấn Độ.

Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện tại những cảng biển lớn, đặc biệt ở Tây Phi và Đông Phi. Khu căn cứ quân sự mới ở Djibouti cung cấp cho đế chế Trung Hoa một năng lực triển khai quân đội nhất định trên châu lục và nhất là khả năng giám sát.

Ở quy mô phân tích rộng lớn hơn, vị trí của châu Phi trong chiến lược quốc tế của Trung Quốc nằm trong học thuyết : « Các cường quốc lớn là điều then chốt, các nước láng giềng là điểm ưu tiên, các nước đang phát triển là nền tảng, và đấu trường đa phương là sân đấu quan trọng ».

Tuy có những hạn chế trong chính sách « ngoại giao sổ séc », nhưng Bắc Kinh rõ ràng đã có được một sự hậu thuẫn quốc tế quý giá mà vấn đề Đài Loan là một ví dụ điển hình. Năm 2020, tất cả các thành viên châu Phi trong Hội Đồng Nhân Quyền, ngoại trừ một nước, đều thông qua nghị quyết do Trung Quốc đề xướng : « Thúc đẩy hợp tác lẫn nhau có lợi cho lĩnh vực nhân quyền ».

Lần đầu tiên, nhiều yếu tố trong « tư tưởng Tập Cận Bình » đã được đưa vào trong văn bản về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh đang nỗ lực thúc đẩy tư tưởng này ở khắp nơi, một tư tưởng tập hợp các ý tưởng chính trị cho Trung Quốc hiện đại.

Cuối cùng, Trung Quốc sử dụng các nước châu Phi để kiến tạo lại cơ cấu chủ nghĩa đa phương và cạnh tranh với phương Tây. Điều mà phương Tây vụng về gọi là « phương Nam toàn cầu », vốn dĩ không có một nền tảng văn minh như tại « phương Tây », trên thực tế chỉ là một liên minh các nước muốn tạo sức ép trên trường quốc tế.

Bắc Kinh xem « những nước anh em châu Phi » này như là một cầu nối tuyệt vời cho ý tưởng « cộng đồng vận mệnh chung cho nhân loại », một yếu tố trung tâm cho chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với các nước phương Nam. Nhưng tại Hoa Lục, phát biểu chính thức ngự trị công khai là các nước châu Phi chỉ « đang trả ơn ».


************

Gần 74.000 hộ gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước do nạn khô hạn

VOA Tiếng Việt

Khoảng 73.900 hộ gia đình, đồng nghĩa là khoảng 77.000 trẻ em, bị thiếu nước sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, tổ chức từ thiện Save the Children (Cứu trợ Trẻ em) đưa ra ước tính trong một thông cáo báo chí hôm 24/4, căn cứ vào hoạt động của tổ chức này ở các địa phương cũng như dựa trên thông tin do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra hồi đầu tháng này.

Người dân bị thiếu nước sau khi xảy ra đợt nắng nóng kéo dài nhiều tuần với hệ quả là tình trạng xâm nhập mặn vào các nguồn nước ngọt ở vựa lúa gạo lớn nhất của Việt Nam, thông cáo của Save the Children viết.

Thông cáo được đưa ra ít ngày sau khi VOA đưa tin 3 tỉnh Long An, Cà Mau và Tiền Giang đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán, nhiễm mặn làm hàng chục nghìn người thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Nhiều gia đình đã phải mua nước sinh hoạt với giá cao hơn bình thường. Chính phủ Việt Nam cảnh báo rằng nạn khô hạn sẽ kéo dài tới tận tháng 5.

Save the Children nhận xét rằng mức nhiễm mặn năm nay cao hơn mức trung bình của nhiều năm nhưng chưa trầm trọng bằng mức của năm 2016, khi Việt Nam bị hạn hán nặng nhất trong gần 100 năm.

Vẫn thông cáo viết rằng Save the Children là một thành viên trong Nhóm công tác về quản lý thảm họa của Việt Nam và hiện đang giúp đỡ bằng cách cấp các khoản tiền mặt cho khoảng 700 hộ gia đình bao gồm khoảng 1.400 trẻ em bị hạn hán ảnh hưởng ở tỉnh Cà Mau.

Tổ chức này có trụ sở chính ở Mỹ và hoạt động trên khắp thế giới hơn 100 năm nay. Ở Việt Nam, Save the Children làm việc tại 22 tỉnh, phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các cơ sở giáo dục để thực hiện các chương trình về giáo dục, sức khỏe, dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em, trẻ em bị đói nghèo, giảm nguy cơ thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo đánh giá của Save the Children, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là một trong những nơi có tỷ lệ trẻ em bị nghèo đói cao nhất cả nước và các cộng đồng ở nơi này, vốn phụ thuộc vào nuôi trồng lúa gạo và thủy sản, thường là những người đầu tiên cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu tới an ninh lương thực và sinh kế của họ.


*********
voatiengviet.com

Israel bắn phá miền bắc Gaza, dân thường tháo chạy

Reuters

Một số thường dân Palestine đã tháo chạy khỏi nhà của họ ở bắc Gaza hôm 24/4 vì Israel bắn phá mà họ mô tả là cũng khốc liệt như lúc chiến sự bắt đầu chỉ vài tuần sau khi trở về.

Pháo kích chủ yếu dồn vào Beit Lahiya ở rìa phía bắc Gaza trong ngày thứ hai, nơi quân đội Israel đã ra lệnh sơ tán đến bốn khu vực hôm 23/4 và cảnh báo rằng họ đang ở trong ‘khu vực chiến sự nguy hiểm’.

Sau nhiều tuần tương đối yên tĩnh, Israel hôm 22/4 đã tăng cường tấn công trong đêm, tập trung vào các nơi mà họ đã rút quân trước đó – nhất là phía bắc. Họ nói rằng nhóm phiến quân Hamas không còn nắm quyền kiểm soát nữa.

Quân đội Israel hôm 24/4 cho biết họ đã sẵn sàng mở cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở miền nam mà họ coi là thành trì cuối cùng của Hamas và là nơi duy nhất ở Gaza chưa bị tấn công trên bộ.

Chiến dịch chỉ sẽ được tiến hành khi quân đội được chính phủ phê chuẩn, một quan chức quốc phòng cấp cao của Israel nói với Reuters.

Kế hoạch tấn công vào Rafah, nơi hơn 1 triệu người đã di tản đến, đã gây lo ngại rộng rãi trong cộng đồng quốc tế. Các cơ quan cứu trợ đã cảnh báo về thảm họa nhân đạo khả dĩ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu không tấn công Rafah.

Đưa dân thường ra khỏi vùng nguy hiểm là một phần quan trọng trong chiến lược của Israel, một phát ngôn nhân chính phủ cho biết.

Trong vòng 24 giờ qua, các cuộc không kích của Israel đã giết chết ít nhất 79 người Palestine và làm 86 người bị thương, Bộ Y tế Gaza cho biết.

Hai người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một ngôi nhà ở Rafah, bốn người thiệt mạng khi một tên lửa bắn vào đám đông đang đứng bên ngoài một siêu thị trong trại tị nạn Al-Nuseirat và một người thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một ngôi nhà ở Deir Al-Balah, trung tâm Gaza, các quan chức y tế Palestine cho biết.

Cư dân ở phía bắc Gaza và ngoại ô thành phố Gaza cho biết đã xảy ra pháo kích dữ dội.

Israel cho biết các chiến dịch của họ ở Beit Lahiya là nhắm vào các khu vực nơi cánh vũ trang Islamic Jihad liên kết với Hamas đã bắn hỏa tiễn vào hai khu định cư của Israel biên giới của Israel hôm 23/4.

Các mục tiêu khác, bao gồm các trục địa đạo quân sự, các cấu trúc quân sự và một bệ phóng có tên lửa sẵn sàng bắn vào Israel cũng đã bị tấn công, quân đội Israel cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 23/4.

Hôm 24/4, người dân cũng cho biết đã có pháo kích ở trung tâm Gaza xung quanh Al-Nuseirat và Khan Younis, một thành phố ở phía nam nơi quân đội Israel rút lui hồi đầu tháng.

Trong bệnh viện Nasser, cơ sở y tế chính ở miền nam Gaza, giới chức cho biết họ đã tìm thấy thêm các thi thể từ một ngôi mộ tập thể được phát hiện ở đó, nâng tổng số thi thể lên 334.

Người Palestine nói rằng quân Israel đã chôn xác người ở đó bằng máy ủi để che đậy tội ác. Quân đội Israel cho biết quân đội của họ đã đào lên một số thi thể tại địa điểm này và đã chôn cất lại sau khi xét nghiệm để đảm bảo không có con tin trong số đó.

Khi được hỏi về phát biểu của quân đội, Ismail Al-Thawabta, giám đốc văn phòng truyền thông của chính phủ Hamas, nói với Reuters rằng nhiều thi thể này đã được xác định là những người vẫn còn sống khi quân Israel đột kích Bệnh viện Nasser.

“Gia đình của một số tử sỹ cũng xác nhận họ đã liên lạc với người thân trước khi bệnh viện bị bắn phá. Họ đã bàng hoàng khi thấy con của họ đã tử vì đạo và được chôn cất,” Thawabta nói.


***********
rfa.org

UBKTTƯ Đảng CSVN kỷ luật hàng loạt cán bộ lãnh đạo ba tỉnh Vĩnh Phúc, An Giang, Sóc Trăng

2024.04.24

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) Đảng Cộng sản Việt Nam tại kỳ họp thứ 40 diễn ra trong hai ngày 23 và 24 tháng tư quyết định kỷ luật một loạt lãnh đạo, cán bộ ba tỉnh Vĩnh Phúc, An Giang và Sóc Trăng. Song song đó UBKTTƯ cũng ban hành biện pháp kỷ luật đối với cơ sở đảng và chính quyền tại những tỉnh đó.

Cụ thể, UBKTTƯ quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với đảng đoàn Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021-2026; Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc hai nhiệm kỳ 2016-2021 và 2021-2026. Hình thức cảnh cáo cũng được áp dụng đối với 19 cán bộ chủ chốt tại Vĩnh Phúc.

UBKTTƯ quyết định khiển trách đối với đảng đoàn HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2016-2021; Ban Thường vụ đảng ủy Công an tỉnh Vĩnh Phúc hai nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; cùng bốn cán bộ lãnh đạo khác.

UBKTTƯ đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc hai nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025.

Sai phạm của các cơ quan đảng, chính phủ và lãnh đạo tại tỉnh Vĩnh Phúc được nêu ra là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; vi phạm nguyên tắc tự phê bình, phê bình, đoàn kết thống nhất trong đảng, trong công tác cán bộ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định của đảng, pháp luật Nhà nước trong thực hiện một số dự án đầu tư, trong đó có các dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện”.

UBKTTƯ cảnh cáo ông Vương Bình Thạnh-nguyên Phó Bí thư, Bí Thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; và khiển trách ông Trần Văn Chuyện-nguyên Phó Bí thư, Bí thư ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.

Những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải chịu kỷ luật theo kết luận của UBKTTƯ là đã “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, nhận hối lộ, kê khai tài sản cá nhân không trung thực, vi phạm Luật Phòng/Chống Tham nhũng, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.


**********
voatiengviet.com

Mỹ âm thầm vận chuyển phi đạn ATACMS tầm xa tới Ukraine

Reuters

Hoa Kỳ trong những tuần gần đây đã bí mật chuyển phi đạn tầm xa tới Ukraine để sử dụng trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Nga, và Ukraine hiện đã sử dụng chúng hai lần, một quan chức Mỹ cho biết ngày 24/4.

Quan chức Mỹ giấu tên cho hay các phi đạn này nằm trong gói viện trợ quân sự trị giá 300 triệu đô la cho Ukraine mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê duyệt vào ngày 12/3. Quan chức này không cho biết có bao nhiêu phi đạn đã được gửi đi.

Các phi đạn này được sử dụng lần đầu tiên vào rạng sáng ngày 17 tháng 4, nhắm vào một sân bay Nga ở Crimea, cách chiến tuyến Ukraine khoảng 165 km, quan chức này cho biết.

Vẫn theo nguồn tin vừa kể, Ukraine đã sử dụng vũ khí này lần thứ hai đêm qua để chống lại lực lượng Nga ở đông nam Ukraine.

Có nên gửi Hệ thống Phi đạn Chiến thuật Quân đội (ATACMS) với tầm bắn lên tới 300 km sang Ukraine hay không là chủ đề tranh luận trong chính quyền Biden trong nhiều tháng. ATACMS tầm trung được cung cấp vào tháng 9 năm ngoái.

Ngũ Giác Đài ban đầu phản đối việc triển khai phi đạn tầm xa vì lo ngại việc mất phi đạn khỏi kho dự trữ của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Cũng có lo ngại rằng Ukraine sẽ sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga.

Quan chức Mỹ cho biết, việc Nga sử dụng phi đạn đạn đạo tầm xa do Triều Tiên cung cấp để chống lại Ukraine vào tháng 12 và tháng 1, bất chấp những cảnh báo công khai và riêng tư của Mỹ về việc không làm như vậy, đã dẫn đến sự thay đổi này.

Quan chức này nói, một yếu tố nữa trong quyết định của Mỹ là việc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

“Chúng tôi đã cảnh cáo Nga về những điều đó”, quan chức này nói. “Họ đã đổi mới mục tiêu của họ.”

Vào cuối tháng 1, quân đội Hoa Kỳ đã tìm ra cách để giải quyết mối lo ngại của họ về mức độ sẵn sàng của quân đội, điều này giúp chính quyền có thể tiến lên phía trước. Họ bắt đầu mua các phi đạn mới từ dây chuyền sản xuất của công ty Lockheed-Martin.

Ông Biden đã gặp nhóm an ninh quốc gia của mình vào giữa tháng 2 và đồng ý chấp nhận khuyến nghị của các cố vấn về việc gửi phi đạn tới Ukraine. Tham gia cuộc thảo luận có cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Ngoại trưởng Antony Blinken và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân C.Q. Brown.

Thách thức vào thời điểm đó là tìm ra cách trả tiền cho phi đạn. Hoa Kỳ đã cạn kiệt tất cả các lựa chọn tài trợ và sự bế tắc của Quốc hội đã cản trở việc tiếp tục viện trợ.

Một cơ hội xuất hiện vào tháng 3, khi một số hợp đồng của Ngũ Giác Đài được đưa ra đấu thầu. Ông Biden đã có thể sử dụng số tiền chênh lệch để gửi 300 triệu đô la hỗ trợ cho Ukraine.

Quan chức này cho biết, ông Biden đã yêu cầu nhóm của mình đưa ATACMS tầm xa vào gói tài trợ này, nhưng thực hiện một cách bí mật để duy trì an ninh cho hoạt động và tạo bất ngờ cho Ukraine.


***********

Ân xá Quốc tế công bố cáo nhân quyền Việt Nam 2023

VOA Tiếng Việt

Hôm 23/4, tổ chức Ân xá Quốc tế công bố báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam năm 2023, nhận định rằng “giới bất đồng chính kiến tiếp tục bị đàn áp, các nhà báo và người bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, quyền tự do biểu đạt của họ bị xâm phạm”.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở tại London, Anh, cũng ghi nhận việc chính quyền Việt Nam ngày càng mở rộng mạng lưới giám sát của mình, với việc sử dụng phần mềm gián điệp để nhắm mục tiêu vào những người chỉ trích chính quyền, hoặc bất cứ ai thảo luận các vấn đề được coi là nhạy cảm với lợi ích của chính phủ.

Báo cáo viết rằng kể từ khi Việt Nam tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng 2/2021 và sau đó đắc cử cho đến nay, hàng chục nhà báo độc lập, lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ, người bảo vệ nhân quyền và nhiều người khác “đã bị bắt giam một cách tùy tiện”.

Thậm chí việc ông Võ Văn Thưởng lên thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước vào tháng 3/2023 cũng không khiến tình hình nhân quyền của Việt Nam được cải thiện, báo cáo nhận định.

Báo cáo điểm lại các vụ bắt giữ và truy tố trong thời gian qua gồm nhà báo Nguyễn Lân Thắng, nhà hoạt động nhân quyền Trương Văn Dũng, nhà hoạt động Bùi Tuấn Lâm, YouTuber Đường Văn Thái... như là các vụ vi phạm điển hình về quyền tự do biểu đạt.

Liên quan đến án tử hình tại Việt Nam, Ân xá Quốc tế nhận định rằng số liệu về các vụ tử hình và án tử hình vẫn được coi là bí mật quốc gia nhằm ngăn cản sự giám sát độc lập. Tuy nhiên, có ít nhất hai trường hợp gia đình nhận được thông báo về việc người thân bị tử hình hoặc sắp bị tử hình như vụ ông Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh.

Một nghiên cứu của Ân xá Quốc tế phát hiện rằng từ tháng 2 đến tháng 6/2023, một chiến dịch gắn với phần mềm gián điệp Predator của hãng Intellexa đã nhắm mục tiêu vào ít nhất 50 tài khoản mạng xã hội của 27 cá nhân và 23 tổ chức, một vài trong số đó là người Việt Nam. Predator là một thành phần trong một cơ cấu tấn công trên mạng.

Ngoài ra, Ân xá Quốc tế cũng phát hiện các công cụ của Intellexa đã được bán cho những công ty Việt Nam có liên kết kinh doanh với Bộ Công an. Nghiên cứu của tổ chức này cho thấy các đặc vụ của chính phủ Việt Nam có thể đứng đằng sau chiến dịch sử dụng phần mềm gián điệp này.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo mới này của Ân xá Quốc tế, nhưng chưa được phản hồi.

Trước đây, các trang báo của nhà nước Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các báo cáo của Ân xá Quốc tế, cho rằng tổ chức này “xuyên tạc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Trong một bài xã luận gần đây, trang Công an Nhân dân của Bộ Công an viết: “Việt Nam đã và đang thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia, trong đó có nghĩa vụ nội luật hóa, xây dựng cơ chế pháp luật quốc gia phù hợp với các quy định của công ước; thực thi các biện pháp lập pháp, hành pháp và tư pháp để bảo đảm quyền con người”.


************
voatiengviet.com

TikTok: ‘Chúng tôi sẽ không đi đâu cả’

Reuters

Giám đốc điều hành của TikTok ngày 24/4 tuyên bố công ty kỳ vọng sẽ thắng vụ kiện nhằm ngăn chặn dự luật vừa được Tổng thống Joe Biden ký thành luật mà ông nói sẽ cấm ứng dụng TikTok vốn đang được 170 triệu người Mỹ sử dụng.

“Hãy yên tâm – chúng tôi sẽ không đi đâu cả,” CEO Shou Zi Chew của TikTok nói trong một video được đăng ngay sau khi ông Biden ký luật cho công ty ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc 270 ngày để thoái vốn tài sản của TikTok tại Hoa Kỳ nếu không sẽ phải đối mặt với lệnh cấm. “Sự thật và Hiến pháp đứng về phía chúng tôi và chúng tôi hy vọng sẽ thắng thế một lần nữa.”

Thời hạn đặt ra để công ty thoái vốn là ngày 19/1/2025 - một ngày trước khi nhiệm kỳ của ông Biden hết hạn - nhưng ông có thể gia hạn thêm ba tháng nếu xác định ByteDance đang đạt được tiến bộ. Ông Biden đang tái tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ hai trước đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.

Vào năm 2020, ông Trump đã bị tòa án ngăn chặn trong nỗ lực cấm TikTok và WeChat thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

CEO của TikTok nhấn mạnh rằng TikTok sẽ tiếp tục hoạt động trong lúc kiện tụng.

Do các nhà lập pháp Hoa Kỳ lo ngại rằng Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người Mỹ hoặc giám sát họ qua ứng dụng TikTok, dự luật đã được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua với tỷ lệ áp đảo vào cuối ngày 23/4. Hạ viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn vào ngày 20/4.

Cuộc chiến kéo dài 4 năm về TikTok là một mặt trận quan trọng trong cuộc chiến về internet và công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh. Tuần trước, công ty Apple cho biết Trung Quốc đã ra lệnh cho họ xóa hai ứng dụng là WhatsApp và Threads của Meta ra khỏi cửa hàng ứng dụng App Store tại Trung Quốc vì lo ngại về an ninh quốc gia Trung Quốc.

TikTok kiện luật ông Biden vừa ký trên cơ sở Tu chính án thứ nhất và người dùng TikTok cũng dự kiến sẽ có hành động pháp lý một lần nữa. Một thẩm phán Hoa Kỳ ở Montana vào tháng 11 đã chặn lệnh cấm của tiểu bang đối với TikTok, viện dẫn quyền tự do ngôn luận.

Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ cho biết việc cấm hoặc yêu cầu thoái vốn TikTok sẽ “đặt ra tiền lệ toàn cầu đáng báo động về việc chính phủ kiểm soát quá mức đối với các nền tảng truyền thông xã hội”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, luật mới có thể sẽ mang lại cho chính quyền Biden cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để cấm TikTok nếu ByteDance không thoái vốn ứng dụng này.

Nếu ByteDance không thoái vốn khỏi TikTok, các cửa hàng ứng dụng do Apple, Google và các công ty khác điều hành sẽ không thể cung cấp TikTok hoặc cung cấp dịch vụ lưu trữ web một cách hợp pháp cho các ứng dụng do ByteDance kiểm soát hoặc trang web của TikTok.

Luật cũng sẽ cung cấp cho Tòa Bạch Ốc những công cụ mới để cấm hoặc buộc phải sang nhượng bán lại các ứng dụng khác thuộc sở hữu nước ngoài mà họ cho là mối đe dọa an ninh.

Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ron Wyden cho biết ông lo ngại dự luật sẽ “cung cấp thẩm quyền rộng rãi có thể bị chính quyền tương lai lạm dụng để vi phạm các quyền trong Tu chính án thứ nhất của người Mỹ.”

Ứng cử viên tổng thống bên Đảng Cộng hòa, Donald Trump, hômy 22/4 nói Tổng thống Joe Biden đang “thúc đẩy” lệnh cấm TikTok và sẽ là người chịu trách nhiệm nếu lệnh cấm được áp dụng, đồng thời kêu gọi cử tri chú ý.

Chiến dịch tái tranh cử của ông Biden có kế hoạch tiếp tục sử dụng TikTok, một quan chức trong chiến dịch cho biết hôm 24/4. Chiến dịch tranh cử của ông Trump chưa tham gia TikTok.

Ông Biden đã ký luật vào cuối năm 2022 cấm nhân viên chính phủ Hoa Kỳ sử dụng TikTok trên điện thoại của chính phủ.


***********

Tin tức thế giới 25-4: TikTok tự tin thắng kiện chính phủ Mỹ; Ukraine nhận tên lửa tầm xa của Mỹ

NGỌC ĐỨC

CEO TikTok Shou Zi Chew - Ảnh: GETTY IMAGES

CEO TikTok Shou Zi Chew - Ảnh: GETTY IMAGES

TikTok tự tin trước lệnh cấm ở Mỹ

Theo Hãng tin Reuters, ngày 24-4 (giờ địa phương), Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew tự tin tuyên bố mạng xã hội này sẽ chiến thắng nếu khởi kiện đạo luật an ninh vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua cùng ngày.

Đạo luật này có nội dung yêu cầu công ty mẹ của TikTok là ByteDance thoái vốn khỏi hoạt động tại Mỹ của mạng xã hội này trước ngày 19-1-2025. Nếu không, TikTok sẽ bị cấm hoạt động tại xứ sở cờ hoa.

Đạo luật này trước đó được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 20-4 và "vượt ải" Thượng viện Mỹ tối 23-4. Ngay sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên, TikTok đã tuyên bố sẽ khởi kiện văn bản này nếu nó thành luật. 

Mạng xã hội này cho rằng việc ép ByteDance bán TikTok là hành vi vi phạm nghiêm trọng Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Ông Shou khẳng định trong đoạn video được đăng tải tối 24-4: "Hãy yên tâm, chúng tôi không đi đâu cả. Thực tế và Hiến pháp Mỹ đứng về phía chúng tôi và chúng tôi sẽ chiến thắng lần nữa".

Ukraine cảm ơn Mỹ thông qua ngân sách viện trợ

Ngày 24-4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gửi lời cảm ơn đến người đồng cấp phía Mỹ Joe Biden và những người Mỹ ủng hộ việc thông qua gói ngân sách viện trợ trị giá 61 tỉ USD cho Kiev.

Ông Zelensky khẳng định đất nước ông sẽ tận dụng tối đa số tiền nhận được từ Mỹ để bù đắp khoảng thời gian dài không có nhiều chuyển biến tích cực trên chiến trường do viện trợ từ Washington cạn kiệt.

Tổng thống Ukraine nói trong thông điệp thường nhật đêm 24-4: "Chúng ta đã hoàn thành chặng đường nửa năm này. Dù ai có nói gì, chúng ta cũng đang thu về sự hỗ trợ chúng ta cần để tiếp tục bảo vệ mạng sống người dân khỏi những cuộc tấn công của Nga. 

Giờ đây, chúng ta sẽ làm mọi điều có thể để bù đắp cho sáu tháng chờ đợi các bên tranh luận [về việc thông qua ngân sách viện trợ]".

Cùng lúc, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel xác nhận Washington đã chuyển giao cho Kiev các Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) tầm xa để sử dụng trong lãnh thổ Ukraine. Tên lửa đã được đưa tới quốc gia Đông Âu trong tháng này.

Phát biểu trước báo giới, ông Patel khẳng định “Mỹ đã cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS tầm xa theo chỉ thị trực tiếp của Tổng thống (Joe Biden)”. 

Thủ tướng Tây Ban Nha đột ngột nghỉ phép

Ngày 24-4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez bất ngờ tuyên bố sẽ tạm ngừng làm việc trong một tuần để suy nghĩ về việc có tiếp tục dẫn dắt chính phủ hay không.

Động thái này xảy ra ít giờ sau khi tòa án Tây Ban Nha tiến hành điều tra đệ nhất phu nhân Begona Gomez về cáo buộc gian lận kinh doanh.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez - Ảnh: REUTERS

Ông Sanchez cho biết ông sẽ công khai quyết định cuối cùng của mình với truyền thông vào ngày 29-4.

Thủ tướng Tây Ban Nha chia sẻ trên mạng xã hội X: "Tôi cần ngừng lại và suy nghĩ. Vào lúc nào, tôi phải tự hỏi mình: những điều này có đáng không? Thú thật tôi cũng không biết rằng mình nên tiếp tục lãnh đạo chính phủ hay nhường vinh hạnh này cho người khác".

Hiện phía tòa án chưa cung cấp thông tin cụ thể về cáo buộc chống lại bà Gomez do vụ án vẫn ở bước đầu và tài liệu còn bị niêm phong. Ông Sanchez khẳng định tính nghiêm trọng của những động thái công kích hướng vào ông và vợ cần nhận sự phản ứng tương xứng.

Ông cũng khẳng định cả hai sẽ phối hợp với bên điều tra và bảo vệ sự trong sạch của bà Gomez.

Nga bác nghị quyết ngăn chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ của Hội đồng bảo an

Ngày 24-4, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi các nước không chạy đua vũ trang ngoài vũ trụ. Tài liệu này do Mỹ soạn và đã bị Nga dùng quyền phủ quyết để bác bỏ.

Việc biểu quyết trên diễn ra không lâu sau khi Washington cáo buộc Matxcơva phát triển vũ khí hạt nhân chống vệ tinh nhân tạo để đặt ngoài không gian.

Phía Nga đã nhanh chóng phủ nhận cáo buộc này và đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin công khai khẳng định Matxcơva phản đối việc đưa vũ khí ra ngoài vũ trụ.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trong một phiên họp Hội đồng bảo an hôm 17-4 - Ảnh: AFP

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trong một phiên họp Hội đồng bảo an hôm 17-4 - Ảnh: AFP

Sau khi dự thảo nghị quyết không được thông qua, đại diện hai nước đã có màn đấu khẩu kịch liệt tại phòng họp Hội đồng bảo an.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield chất vấn: "Việc Nga phủ quyết hôm nay dẫn đến câu hỏi: Tại sao? Nếu quý vị đang làm đúng luật thì tại sao quý vị lại không ủng hộ nghị quyết củng cố luật đó? Quý vị đang giấu điều gì? Thật khó hiểu và đáng xấu hổ".

Đáp lời, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia chỉ trích Washington cố gắng làm xấu hình ảnh của Matxcơva, đồng thời tuyên bố Nga sẽ sớm bắt đầu việc thương lượng với các nước thành viên hội đồng bảo an để thông qua dự thảo nghị quyết của riêng mình.

"Chúng tôi muốn một lệnh cấm bất kỳ dạng vũ khí nào được đưa ra vũ trụ, chứ không chỉ là vũ khí hủy diệt hàng loạt [như Mỹ yêu cầu]. Nếu quý vị không muốn điều đó thì tôi xin hỏi ngược lại câu hỏi tương tự: Vì sao?", ông Nebenzia hỏi ngược lại bà Thomas-Greenfield.

Houthi tuyên bố tấn công hai tàu Mỹ

Rạng sáng 25-4, Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) tuyên bố tàu chiến nước này đã đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) được nhóm vũ trang Houthi khai hỏa từ Yemen.

"Chiếc ASBM nhiều khả năng nhắm vào tàu hàng Maersk Yorktown mang cờ Mỹ, đăng ký tại Mỹ và chở 18 thuyền viên người Mỹ và 4 thuyền viên người Hy Lạp", CENTCOM cho biết.

Cơ quan này cũng khẳng định không ghi nhận trường hợp hư hại về người và của nào. Đây là cuộc tấn công đầu tiên của Houthi vào tàu bè đi qua khu vực Biển Đỏ trong hơn hai tuần qua.

Thông báo trên được đưa ra ít giờ sau khi Houthi tuyên bố đã tấn công hai tàu Mỹ và một tàu Israel.

Khẳng định trên sóng truyền hình, người phát ngôn của lực lượng này Yahya Sarea xác nhận các mục tiêu bao gồm tàu Maersk Yorktown, một tàu khu trục của Mỹ ở Vịnh Aden và tàu MSC Veracruz của Israel đang ở Ấn Độ Dương.

Ra mắt Liên minh Thuốc thiết yếu của EU

Cơ quan Phản ứng và Chuẩn bị cho tình trạng khẩn cấp về sức khỏe của Ủy ban châu Âu (HERA), phối hợp cùng với Bỉ, nước hiện đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), ngày 24-4 đã chính thức ra mắt Liên minh Thuốc thiết yếu. 

Sự kiện này diễn ra bên lề cuộc họp không chính thức của Hội đồng Bộ trưởng Y tế EU ở thủ đô Brussels. Đây là một phần trong các hành động nhằm xây dựng một Liên minh Y tế châu Âu vững mạnh.

Liên minh Thuốc thiết yếu tập hợp các bên liên quan chủ chốt, bao gồm chính quyền quốc gia, ngành công nghiệp dược phẩm, tổ chức chăm sóc sức khỏe, đại diện xã hội dân sự, Ủy ban châu Âu (EC) và các cơ quan của EU, cùng nhau xác định các biện pháp tốt nhất để giải quyết và ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt thuốc quan trọng.


*************
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn