Khi các Ủy viên Trung ương bị bắt sống

Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng 202411:00 SA(Xem: 715)
Khi các Ủy viên Trung ương bị bắt sống

Mai Hoa Kiếm 

25-1-2024

“Bắt sống” là tiếng lóng, dùng để ám chỉ việc cơ quan điều tra bắt nóng cán bộ đương chức, những người đang trên đỉnh cao quyền lực. Quan chức cấp càng cao, càng rất sợ bị “bắt sống”, bởi vì “quan phụ mẫu” cai quản một lĩnh vực, có đủ đệ tử, kẻ hầu người hạ, nay đùng một cái bị bắt sống, thật xấu hổ, cay đắng và nhục nhã ê chề…

Các vụ bắt sống Uỷ viên Trung ương nổi tiếng trong chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng, có thể liệt kê một số nhân vật như sau:

1. Đinh La Thăng 

Đinh La Thăng, sinh năm 1960, quê Nam Định, là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12, nhiệm kỳ 2016-2021, được xem là nhân vật bị bắt sống đầu tiên.

Thăng bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh. Khi Thanh trốn sang Đức, viết thư gởi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, hạ uy tín nhân vật quyền lực số 1 của đảng. Nguyễn Phú Trọng giận tím mặt, thề sẽ bắt Thanh bằng được và những kẻ đứng sau lưng Thanh sẽ phải trả giá.

Trịnh Xuân Thanh bị đặc nhiệm Bộ Công an bắt cóc ở Đức, đưa về Việt Nam. Đinh La Thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị, mất chức bí thư thành Hồ. Hồi đó không ai nghĩ rằng Thăng sẽ bị “ném vào lò”.

Ngày 7-5-2017, sau khi Đinh La Thăng bị đuổi ra khỏi Bộ Chính trị, vài ngày sau ông ta bị “cưa ghế” Bí thư Thành ủy thành Hồ. Đúng bảy tháng sau, ngày 8-12-2017, Thăng lúc đó chỉ còn là Ủy viên Trung ương, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chính thức bị “bắt sống”.

Sáng 8-12-2017, Thăng vẫn còn dự một cuộc họp, nhưng buổi chiều thì ông ta bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị dừng tư cách đại biểu quốc hội, tra tay vào còng. Các “đồng chí” của Thăng đã truy cùng giết tận nhân vật mà trước đó không lâu, được cho là cán bộ năng động, ngôi sao đang lên. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, từ La Thăng biến thành La Giáng!

Đinh La Thăng bị còng tay dẫn giải ra tòa ở Hà Nội ngày 8/1/2018, nơi ông nói ‘muốn làm ma tự do’. Nguồn ảnh: AFP

Ngày 9-5-2018, tức nửa năm sau ngày Thăng bị bắt, Hội nghị Trung ương 7 khoá 12 mới xem xét và quyết định kỷ luật Đinh La Thăng bằng hình thức khai trừ khỏi đảng. Khôi hài ở chỗ, Thăng bị “bắt sống”, tống giam, rồi mới mời Ban Chấp hành Trung ương “xem xét và quyết định”!

2. Nguyễn Đức Chung 

Nguyễn Đức Chung, tức Chung “con”, sinh năm 1967, quê Hải Dương, là chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021. Chung “con” là con nuôi ông Lê Hồng Anh.

Khi còn là giám đốc Công an Hà Nội, Chung “con” gây thù chuốc oán với nhiều người, trong đó có cấp phó của mình là Nguyễn Duy Ngọc, tức Ngọc “công tử”.

Ngọc được anh em trong ngành gọi là Ngọc “công tử”, vì vẻ ngoài bảnh bao, trắng trẻo. Ngọc là đồng hương của Tô Lâm. Khi về Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, Ngọc đeo lon thiếu tướng.

Thoắt cái, Ngọc được lên thứ trưởng, phụ trách khối cảnh sát. Đòn thù trút xuống, Ngọc “công tử” khiến Chung “con” từ một thiếu tướng công an, chủ tịch Hà Nội, Uỷ viên Trung ương khoá 12, biến thành tội phạm; chẳng những mất hết tất cả công danh sự nghiệp, mà còn phải ăn cơm tù hàng ngày.

Nguyễn Đức Chung tại một phiên tòa ở Hà Nội ngày 13-7-2022. Nguồn: Báo Tiền Phong

Trong khi đó, ở tuổi 56, Nguyễn Duy Ngọc được chọn làm “nhân sự đặc biệt” để vào Uỷ viên Trung ương khoá 13, rồi nắm thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an. Mới đây, ngày 12-12-2023, Ngọc được phong thượng tướng ở tuổi 59.

Trở lại vụ Chung “con”, ông ta bị bắt sống có quy trình, nhưng nói trắng ra là bị “bắt sống” đúng bài bản. Bộ Công an đã sử dụng cách câu lưu lấy lời khai, quản thúc tại gia, cấm ra khỏi nhà.

Ngày 11-8-2020, Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ mọi chức vụ trong đảng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đình chỉ chức chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Ngày 28-8-2020, Cơ quan An ninh điều tra mới công bố quyết định khởi tố, bắt giam Nguyễn Đức Chung.

Ngày 17-12-2020, tại Hội nghị Trung ương 14, Nguyễn Đức Chung bị khai trừ khỏi đảng. Bắt sống Uỷ viên Trung ương trước, rồi thông báo sau, thì ra Ban Chấp hành Trung ương chẳng có vai trò gì, họ bị sai khiến không khác gì các ông “nghị gật” ở quốc hội.

3. Nguyễn Văn Hùng 

Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1964, quê Quảng Nam, Uỷ viên Trung ương khoá 13, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026. Ở Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Hùng phân công theo dõi Vụ Địa bàn V, gồm 12 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên và Quân khu 5.

Hùng từng nắm chức bí thư Tỉnh uỷ Kon Tum và là đệ tử ruột của ông Nguyễn Xuân Phúc. Giai đoạn làm bí thư Kon Tum, Nguyễn Văn Hùng có “dấu răng” trong việc đề nghị giao 800 hecta đất rừng cho Trịnh Văn Quyết, FLC, làm sân golf và Dự án Khu đô thị FLC Legacy Kon Tum. Nhận 18 hecta “đất vàng” trung tâm thành phố Kon Tum, Quyết FLC không xây dựng tổ hợp thương mại, mà đem “phân lô bán nền”.

Tháng 3-2022, Trịnh Văn Quyết bị khởi tố bắt giam, Hùng đứng ngồi không yên.

Sáng ngày 21-11-2022, Hùng đáp máy bay ra Hà Nội theo triệu tập của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Đến đây, Hùng mới được các “đồng chí” tiết lộ, có khả năng ông ta sẽ bị bắt khẩn cấp trong ngày.

Biết rằng khi bị bắt sống sẽ mất tất cả, nên Hùng chọn cái kết khác. Cũng có thể Hùng hưởng ứng lời bác Cả, “danh dự là điều thiêng liêng”, hoặc có thể muốn bảo toàn tài sản để lại cho vợ con, nên Hùng nhảy qua hành lang tầng 5, toà nhà số 7 Nguyễn Cảnh Chân, để đi gặp Các Mác và Lenin. Hùng tự kết liễu cuộc đời ở tuổi 59. Tối hôm đó, báo chí “lề đảng” đồng loạt đưa tin, Nguyễn Văn Hùng từ trần do tai nạn.

Ảnh: Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Nguyễn Văn Hùng. Nguồn: kontum.gov.vn

4. Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh

Nguyễn Thanh Long sinh năm 1966, quê Nam Định, Uỷ viên Trung ương khoá 13, bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khoẻ Cán bộ Trung ương. Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, quê Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 5-6-2022, cả Long và Anh lần lượt bị Cơ quan điều tra triệu tập, câu lưu để phục vụ điều tra. Đây là chiêu trò bắt sống hữu hiệu, bị can không kịp trở tay.

Chiều ngày 6-6-2022, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường. Tại đây, Ban Chấp hành Trung ương “gật” rất nhanh, quyết định khai trừ Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long ra khỏi đảng.

Sáng ngày 7-6-2022, tại kỳ họp thứ 3, quốc hội khoá 15, các nghị “gật” đã nhanh chóng bãi miễn tư cách đại biểu của Nguyễn Thanh Long. Thủ tướng ký quyết định trong ngày, cách chức bộ trưởng Bộ Y tế của Long. Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội cũng họp bất thường, bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với Chu Ngọc Anh.

Chiều ngày 7-6-2022, cả Nguyễn Thanh Long và Chu Ngọc Anh chính thức bị Cơ quan điều tra “bắt sống”.

Ảnh: Nguyễn Thanh Long (trái) và Chu Ngọc Anh. Nguồn: BBC

5. Phạm Xuân Thăng 

Phạm Xuân Thăng sinh năm 1966, quê Hải Dương, là Uỷ viên Trung ương khoá 13, bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương. Thăng dính vụ Việt Á.

Ngày 16-9-2022, công an mời Thăng đến làm việc. Ngay trong ngày, Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ các chức vụ trong đảng của Thăng. Sáng hôm sau, Cơ quan điều ra công bố, Thăng bị bắt.

Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Nguồn: haiduong.gov.vn

Ngày 3-10-2022, Hội nghị Trung ương 6 khoá 13, mới giải quyết hệ quả việc đã xong, làm thủ tục khai trừ Phạm Xuân Thăng.

6. Trần Đức Quận 

Trần Đức Quận sinh năm 1967, quê Đà Nẵng, Uỷ viên Trung ương khoá 13, chủ tịch Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng, bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, đã bị bắt sống gần đây nhất. Quận là đệ tử thân tín của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ngày 4-1-2024, bí thư Quận đi công tác ở Hà Nội theo triệu tập của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Sau khi làm việc với Uỷ ban Kiểm tra, Quận bị giữ lại Hà Nội để trả lời chất vấn của Cơ quan điều tra. “Trao đổi công việc” xong, Quận bị bắt giam ngay sau đó, nhưng không công bố.

Mọi hoạt động của Quận tại Hà Nội bị phong tỏa, thông tin không thể lọt ra ngoài. Gia đình, vợ con Quận cũng không biết chuyện gì đang xảy ra với chồng, cha mình.

Hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng cũng không có bất kỳ thông tin nào. Không liên lạc được với bí thư Quận, tỉnh đành huỷ cuộc họp của Thường trực HĐND tỉnh, dự kiến diễn ra sáng 9-1-2024.

Việc bí thư Tỉnh uỷ, chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng bỗng dưng “mất tích” quả thật gây chấn động trong hàng ngũ cán bộ.

Chiều 24-1-2024, Bộ Công an công bố, Trần Đức Quận bị bắt, do liên can đến dự án Đại Ninh của Vạn Thịnh Phát tại Lâm Đồng. Thì ra, thêm một cán bộ cao cấp bị bắt sống, 20 ngày sau mới được công bố.

Ảnh: Trần Đức Quận, bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, trở thành “củi”. Nguồn: VNE

***

Từ sau đại hội 12, Ban Chấp hành Trung ương đảng chỉ còn là cái bóng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những gì ông Trọng nói, các Ủy viên Trung ương xem như là nghị quyết. Vấn đề gì ông Trọng viết, thì họ tuyên truyền, thổi phồng thành “kim chỉ nam”.

Hai trăm kẻ từng được ca tụng là “tinh hoa” của đảng, nhiều kẻ trong số đó tay đã bị “nhúng chàm”, nhúng rất sâu. Vì vậy, bây giờ họ đang run sợ, sống phập phồng, lo lắng, bởi không biết khi nào sẽ tới phiên mình bị “bắt sống” như các nhân vật kể trên. Khi nghe tin “bác Cả” nhập viện và biến mất khỏi radar gần ba tuần lễ vừa qua, hơn ai hết, có lẽ các nhân vật này mong cho đất nước sớm có quốc tang.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 26 Tháng Giêng 20249:34 CH
Khách
Toi ,tho do 1955,mong chung no cu tiep tuc thuc hien dao duc cuaNGUYEn SINH CUNG de cho ba cat tuong Long &nhung dia chu bi tu hinh&cuop SANG con mat ra vi da ung
ho bon mat nguoi da thu;hai chu CHINH DANH.......
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn