Hang đá

Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai 20236:00 SA(Xem: 559)
Hang đá

Hôm nay đúng ngày 24.12, tối nay có lễ trọng của người theo đạo Thiên chúa – lễ Noel.

Cứ theo lịch sử Thiên Chúa giáo (còn gọi là đạo Gia Tô) thì Đức Chúa Jesus (Giê Su) sinh ngày 25.12, cách nay 2023 năm. Ngày sinh của ngài đã được cả nhân loại thừa nhận là khởi thủy, mở đầu cho công lịch, dù rằng thế giới cũng tồn tại song song Phật lịch (Phật đản) hoặc lịch Hồi giáo (ngày của thánh Muhammad)…

Dẫu trong đám chúng ta theo hay không theo đạo Gia Tô, không thờ Đức chúa Jesus thì đạo của ngài vẫn gắn bó với mỗi người, ít nhất là ngày tháng năm sinh được ghi trong giấy khai sinh, chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu, lý lịch, v.v… đều căn cứ theo lịch tính ngày tháng năm liên quan tới ngày sinh của ngài.

Hôm nay lễ Giáng sinh, mừng ngày ngài ra đời. Sinh có nghĩa là sinh đẻ, sinh ra; giáng nghĩa là từ trên hạ xuống, bay xuống. Tiên giáng trần là tiên từ trên trời hạ xuống trần gian, xuống cõi trần tục của người đời. Vua (bệ hạ) giáng lâm để nói về con người có uy như thần thánh xuống chốn nhân gian vậy. “Giáng thế” nghĩa là thánh thần tiên phật bụt xuất hiện trên thế gian cứu giúp chúng sinh. Chúa Jesus sinh ra ở trên đời bởi được Đức Chúa Trời cử xuống che chở cho con người, nên gọi cuộc sinh nở vĩ đại này gọi là Giáng sinh.

Ngày ngài Giáng sinh, 25.12, là lễ trọng, lớn nhất, đặc biệt nhất của người theo đạo Gia Tô. Ngày này, người ta còn gọi bằng những cách gọi khác như “lễ Thiên chúa giáng sinh”, “lễ Noel”, “Christmas”… Có lẽ do quan niệm và phong tục, nhưng cũng có thể do sốt ruột chờ đón lễ trọng, nên ngay từ tối 24.12 bên đạo đã làm lễ vọng, Noel diễn ra vào tối 24 chứ không phải 25 chính vì vậy.

Tương truyền, sau khi Đức mẹ Maria sinh ra ngài, ngài được nuôi nấng trong hang đá, nằm trong máng cỏ, có những con dê, cừu tới dâng sữa nuôi ngài. Hang đá đã trở thành thứ biểu tượng linh thiêng phổ biến nhất trên toàn thế giới. Hầu như mọi nhà thờ trên quả địa cầu này, dù thánh địa to hay nhỏ, đều có hang đá. Tháp chuông uy nghi để cứu rỗi linh hồn con người, còn hang đá là nơi để người ta tới chiêm bái, biết ơn, tưởng nhớ một vĩ nhân đã ra đời.

Tôi sống ở Sài Gòn đã gần nửa thế kỷ, mấy chục năm ở gần khu vực đặc biệt của đạo Gia Tô, đường Phạm Thế Hiển, nơi cộng đồng Thiên chúa giáo dày đặc, chứng kiến nhiều lễ Giáng sinh thật vui tươi, sống động.

Cũng cần nói thêm, năm 1954, sau khi cộng sản chiến thắng ở miền Bắc, hiệp định Geneve được ký kết, hơn 1 triệu người, hầu hết là tín đồ Công giáo đã bỏ quê hương bản quán để vào miền Nam. Đó là cuộc di cư vĩ đại chưa từng có kể từ thời Lạc Long Quân đem con xuống biển sinh sống. Nó chỉ sau cuộc di cư vĩ đại hơn với gần 3 triệu người bỏ nước ra đi những năm sau 1975.

Lý do duy nhất của cả hai cuộc là chạy trốn cộng sản. Tất nhiên, theo người cộng sản tuyên truyền, việc người miền Bắc, nhất là giáo dân Thiên chúa chạy vào Nam là bởi sự xúi giục của các thế lực phản động, âm mưu của CIA… nhưng về sau này thì cả người đi lẫn người ở lại hiểu rằng, đi là thượng sách. Cách đối xử của người cộng sản vô thần đối với đạo Thiên chúa, với giáo dân, với nhà thờ, cơ sở thừa tự, v.v… sau năm 1954 cũng như sau 1975 đã cho người ta thấy, nếu ở lại cũng không khác gì bỏ đạo, không khác gì bị chính quyền rút phép thông công.

Dân di cư 1954 vào Nam tập trung chủ yếu ở 2 khu vực: Miền Đông Nam Bộ, nhiều nhất là vùng Xuân Lộc, Biên Hòa, Gia Kiệm (đều thuộc tỉnh Đồng Nai) và Sài Gòn. Tại thành phố này, người di cư hầu như dồn về vùng ven kênh Đôi, phía tây nam thành phố, sống dọc theo đường Phạm Thế Hiển, và khu vực quận Gò Vấp, chỗ đường Thống Nhất, Phạm Văn Chiêu bây giờ, cứ vài trăm mét lại có một nhà thờ bề thế, hoành tráng.

Phạm Thế Hiển là một trong số ít con đường dài nhất thành phố, bắt đầu từ cầu chữ Y kéo qua quận 4, quận 8 nối xuống tít huyện Bình Chánh. Tôi có lần đã sửng sốt khi chạy xe máy dọc con đường để khám phá nó, giời ạ, dài tới mức nhà đánh số tới hơn 3.000. Chưa có đường phố nào mà số nhà tới 4 con số, như Phạm Thế Hiển.

Cộng đồng giáo dân ở Phạm Thế Hiển quận 8 sống rất yên bình, ít tệ nạn xã hội, khác hẳn so với bên quận 4 lừng tiếng dữ dằn, chém người như ngóe. Cứ đi vài trăm mét lại có nhà thờ, lớn nhỏ khác nhau nhưng đều tạo cảm giác cuộc sống an yên, tâm hồn được giải thoát khỏi những vướng víu trần tục, đau khổ. Cứ mỗi mùa Giáng sinh, vùng đạo Phạm Thế Hiển sinh sắc hẳn lên, trở thành nơi cuốn hút người từ mọi nơi đổ về, nhất là đám trẻ. Suốt cả tuần trước ngày Giáng sinh, cứ nườm nượp nườm nượp, ngựa xe như nước áo quần như nêm, vui trong hồng ân của Thiên chúa. Hồi cầu Nhị Thiên Đường chỉ mỗn cây cầu cũ, có đêm tôi đi làm về không tài nào lách nổi qua cầu, đành phải quay lại ngủ bàn cơ quan, muỗi đốt một phen nhớ đời.

Nét đặc biệt nhất của khu đạo Phạm Thế Hiển là hang đá. Dẫu biết trong tâm hồn mỗi con chiên của Chúa đã có hang đá linh thiêng rồi nhưng mùa lễ trọng, người ta thi nhau trổ tài xây hang, làm hang. Không phải để ganh đua, hơn thua, con gà hơn nhau tiếng gáy (người theo đạo không mang thói tục tầm thường ấy như thường thấy ở người vô đạo) mà để cùng nhau tô điểm nước Chúa đẹp đẽ rộn ràng hơn. Nhà thờ có hang đá, tất nhiên rồi, nhưng hầu như mỗi nhà, gia đình mặt tiền phố, hoặc vài nhà liền nhau, đều làm hang đá, cùng nhớ ngày Chúa chào đời, tạo nên phố hang đá thật ấn tượng.

Trên những hang đá hoặc vòm cao mặt tiền nhà thờ thường có dòng chữ latin “Emmanuel”, tôi người ngoại đạo nên không hiểu nghĩa, có lần mạo muội hỏi vị linh mục nhà thờ Bình Thái, đường Phạm Thế Hiển, quận 8, Sài Gòn nghĩa là gì. Ông đang bận chuyện trò với mấy giáo dân khi lễ đã tan, giải nghĩa rằng đó là “Chúa ở cùng chúng ta”. Chúa luôn hiện hữu trong mọi con người, trong cuộc sống hằng ngày.

Bài này chỉ nói tới hang đá nhà thờ, chứ nước ta cũng còn thứ hang đá nữa, đang dần dần phai nhạt, chả mấy người quan tâm. Mộ đá lại càng không bàn, nhất là khi lòng ta đang kính cẩn hướng về Chúa, nhà thờ, hang đá, Noel, Giáng sinh.

Nguyễn Thông (vô thần chứ không vô đạo) xin tặng bài này cho những người có đạo.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn