Cột điện… tâm sự

Thứ Hai, 25 Tháng Chín 202310:00 SA(Xem: 1094)
Cột điện… tâm sự

Hiệu Minh

21-9-2023

9
Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Xin giới thiệu, tôi là chiếc cột điện vô tri vô giác. Người đời vẫn đi qua hàng ngày, không ai để ý. Trừ lúc thả bộ trên hè phố, mải nhìn các em mặc váy ngắn đi xe máy ngược chiều, va bươu trán mới phát hiện trên đời này có… cột điện.

Về nhà, bật công tắc, đèn sáng lên, điều hòa mát lạnh, tivi xem khắp thế giới, chat rồi email với bạn năm châu, ít ai nhớ ra, một phần công lao đó thuộc về tôi.

Thảnh thơi thời bao cấp

Giá như được một đại gia tư nhân dựng nên từ tiền túi thì không tranh cãi. Tuy nhiên, sinh ra từ thời bao cấp, sắt thép, xi măng đều do tiền đóng thuế và người công nhân cần mẫn xây lắp thành những cột điện ngày nay.

Chủ tôi có nhiều, tôi thuộc loại con hoang không ai chăm. Văn hóa thủ đô chỉ cần nhìn qua thân hình tiều tụy của tôi là đủ.

Thời gian đầu chỉ có mấy dây cáp điện treo trên đầu, dưới chân tôi dùng làm nhà vệ sinh lưu động. Thôi thì đủ các loại người từ sang trọng đến hành khất, sau khi các ông bia bọt trong quán, giải buồn ngay dưới chân tôi. Mùi khai, hôi thối bốc lên nồng nặc.

Mấy cái hốc hình thang được các bà các chị tranh nhau để đồ bán hàng rong, rồi căng dây, làm lều, mắc võng để ngủ vô tư giữa phố.

Thời mở cửa, quảng cáo đủ loại mặt hàng, từ trĩ nội, trĩ ngoại, đến sửa tivi, vá lốp xe, thông tắc vệ sinh, chả khác gì trên tivi vào giờ vàng, đúng lúc cả nhà đang ăn chiều.

Rồi họ treo cả loa phường để kêu gọi sinh đẻ có kế hoạch, ra lấy tem phiếu, báo họp xóm, phê bình ai vi phạm kỷ luật mà oang oang cả xóm, làm mất mặt người mắc lỗi. Hết việc, các anh chị phát thanh viên lôi cả xã luận trên báo ra đọc.

0
Ảnh trên mạng

Cột điện nghĩ rằng, người đọc, người nghe, người viết và kể cả cột bê tông không tin lắm vào những điều nói trên loa như thế. Đôi lúc tôi trở thành tội đồ làm ô nhiễm âm thanh phố phường. Chưa kể khẩu hiệu, cờ phướn, lúc nào cũng tung bay, nhưng chả hiểu ai đọc.

Tôi cũng lãng mạn không ngờ. Tối tối, dưới ánh đèn đường dìu dịu của cột đèn là tôi, từng đôi trai gái dặt dìu dạo bước. Họ vô tư trao nhau lời yêu thương ngọt ngào, thêu dệt những mộng ước mai sau, khiến cột đèn nín thở… Cũng có khi, tôi phải chứng kiến những điều dối trá và có đôi làm điều trái với thuần phong mỹ tục, tay chân họ động đậy, rên rỉ hổn hển, làm trái tim bê tông và sắt thép phải rỉ máu.

Oằn lưng thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nhưng rồi đất nước hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Cột điện cũng không nằm ngoài cơn bão thời cuộc, tôi mang thêm “nhiệm vụ” mới của thời đại. Từ ông viễn thông VNPT đến ông Viettel rồi ông truyền hình, thi nhau trải cáp, lưng tôi oằn xuống, cõng những “tổ cò” dây thông tin.

Thay vì xây dựng hạ tầng thật tốt, nghiên cứu công nghệ không dây, đi cáp ngầm, họ sai quân đi khắp nơi rải cáp trên trời. Nơi dùng cột điện, nơi leo qua mái nhà, nơi dùng ngọn cây, bất kể thứ gì có thể treo cáp là vắt dây.

Tầm nhìn chiến lược hạn hẹp đã để lại hậu quả lên đôi vai của người nghèo như cái cột điện tôi. Đôi lúc, tôi muốn nói, nặng lắm rồi, xin các bác tha cho. Nhưng kẻ vô danh làm sao mở miệng.

Khi công bố lượng máy điện thoại của cả nước như một thành công của ngành viễn thông thì người ta quên không nói số lượng “tổ cò” trong thành phố. Cáp viễn thông góp phần làm cho lưng kẻ nghèo như tôi còng thêm, văn hóa đi xuống và kiến trúc đô thị thảm hại. Biết tất cả nhưng cột điện tôi thấp cổ bé họng, chỉ biết im lặng.

Từ khi EVN được “chuyển quyền sử dụng cột điện” thì tôi có ông chủ thật sự. Thú thật, ông chủ này cũng thuộc hàng “Nhà nước”, mà ở ta, Nhà nước thuộc về nhân dân. Ông ấy được quyền khai thác cột điện. Lời ông ấy hưởng và lỗ thì nhân dân chịu, qui luật muôn đời.

Rồi ông EVN đòi bán cột điện cho bên VNPT, Viettel với giá trên trời. Tôi quá hiểu anh Viễn thông thời “độc quyền”, do mấy công nhân đường dây thì thầm vào tai. Giá cước gần như cao nhất thế giới trong một thời gian dài. Lợi nhuận cao vì có ai đó như tôi cõng cho một phần giá xây dựng hạ tầng. Bây giờ phải ở riêng mới thấy khó làm sao.

Cãi nhau chán rồi thì họ cũng đi tới thỏa thuận, rồi dọn tổ cò, đi ngầm kha khá, cột điện tôi cũng ít dần trên phố. Thời Covid cũng có vài cột điện từ Mỹ về VN nhưng ít ai chú ý.

Và thời 4.0

Ngỡ rằng dân phố thị đã quên tôi. Nhưng mới có một sáng kiến vĩ đại mới là để chống quảng cáo dán lên thân tôi, họ đã quấn cỏ nhựa quanh để không thể dán gì lên đó. Nhưng quan thì tham dân thì gian, kiểu gì cũng có cách lách cỏ nhựa. Thế là cột điện đang sống lại trong lòng dân dù nước mình đã CN4.0.

Cảm ơn ai đã làm cho tôi – cái cột điện sống lại với những miếng cỏ nhựa quấn quanh người.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn