Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 06 -06 -2023: Ukraine: Vỡ đập cung cấp nước cho nhà máy hạt nhân và Crimea

Thứ Ba, 06 Tháng Sáu 20239:43 SA(Xem: 1527)
Tin Tức Khắp Nơi Mới Nhất Ngày 06 -06 -2023: Ukraine: Vỡ đập cung cấp nước cho nhà máy hạt nhân và Crimea
Hoaluc 3
*************
voatiengviet.com

Các lãnh đạo phương Tây lên án vụ nổ phá đập ở Ukraine là ‘tội ác chiến tranh’

Reuters

Các lãnh đạo châu Âu hôm 6/6 lên tiếng sau khi xảy vụ nổ tại một đập thủy điện lớn ở miền nam Ukraine.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly nói nói việc cố ý tấn công cơ sở hạ tầng dân sự là một “tội ác chiến tranh”.

“Việc phá hủy đập [Nova] Kakhovka là một hành động ghê tởm. Cố ý tấn công cơ sở hạ tầng dân sự là một tội ác chiến tranh”, ông Cleverly viết trên Twitter.

Tổng thống Litva Gitanas Nausea cũng nêu lên quan điểm tương tự, cho rằng việc phá hủy đập Nova Kakhovka ở miền nam Ukraine là một tội ác chiến tranh mà Nga phải chịu trách nhiệm, mặc dù ông không đưa ra bằng chứng cho thấy Nga gây ra vụ phá đập.

“Hôm nay chúng ta chứng kiến một cuộc tấn công chưa từng có của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine”, ông Nauseda viết trên Twitter.

“Việc phá hủy một con đập lớn là tội ác chiến tranh đe dọa trực tiếp đến hàng nghìn người dân. Nga phải chịu trách nhiệm về việc này”, ông nói. “Và Ukraine phải thắng trong cuộc chiến này để giữ an toàn!”

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 6/6 nói việc phá hủy đập Nova Kakhovka “ăn nhập với mức độ bạo lực leo thang của Nga ở Ukraine và chiến lược tấn công các mục tiêu dân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Ông Scholz nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình WDR rằng: “Vì lý do này, đây là một động thái có chiều kích mới nhưng phù hợp với cách thức mà ông Putin tiến hành cuộc chiến này”.

Ông nói thêm rằng vì vậy, việc Đức tiếp tục hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết là điều rất quan trọng.

Ông Scholz cũng cho biết Đức đang theo dõi tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với sự lo ngại sau vụ phá hủy con đập cung cấp nước cho nhà máy này.

“Tất cả những gì chúng tôi có thể nói về Zaporizhzhia là chúng tôi luôn theo dõi việc này”, ông Scholz nói.

Các lực lượng Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau về vụ vỡ đập, làm tràn ra hàng triệu lít nước, đe dọa nhiều ngôi làng và cắt đứt nguồn cung cấp nước.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cho biết trên Twitter rằng họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình nhưng "không có rủi ro an toàn hạt nhân ngay lập tức tại (nhà máy)" cũng ở miền nam Ukraine.

Ukraine cáo buộc Nga cho gây tung phá vỡ con đập từ bên trong và nói đây là một tội ác chiến tranh có chủ ý. Các quan chức do Nga bổ nhiệm đã đưa ra những lời giải thích mâu thuẫn. Một số đổ lỗi cho cuộc pháo kích của Ukraine, những người khác nói rằng con đập tự vỡ do bị hư hại trước đó.


**********
voatiengviet.com

Ukraine: Vỡ đập cung cấp nước cho nhà máy hạt nhân và Crimea, gây ngập lụt

Reuters

Nước lũ tràn qua một mảng vỡ lớn của một con đập trên sông Dnipro ở miền nam Ukraine hôm thứ Ba (6/6), làm ngập một khu vực chiến sự và buộc dân làng phải sơ tán. Sông Dnipro ngăn cách lực lượng Nga và Ukraine trong nhiều tháng nay.

Ukraine cáo buộc Nga cho nổ tung con đập từ bên trong và đây là một tội ác chiến tranh có chủ ý. Các quan chức do Nga dựng lên đưa ra những lời giải thích trái ngược nhau. Một số đổ lỗi cho việc Ukraine pháo kích, những người khác nói rằng con đập tự vỡ.

Đập Nova Kakhovka cung cấp nước cho bán đảo Crimea của Ukraine và nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, cả hai đều nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Hồ chứa rộng lớn đằng sau đập là một trong những đặc điểm địa lý chính của miền nam Ukraine, dài 240 km (150 dặm) và rộng tới 23 km (14 dặm). Một vùng nông thôn rộng lớn nằm trong vùng xả lũ xuôi dòng từ con đập.

Việc phá hủy đập này tạo ra một thảm họa nhân đạo mới ở trung tâm khu vực chiến sự và làm thay đổi chiến tuyến ngay khi Ukraine sắp mở cuộc phản công đã được chờ đợi từ lâu nhằm đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi lãnh thổ của mình.

Nga đã kiểm soát con đập từ đầu cuộc chiến, mặc dù các lực lượng Ukraine đã chiếm lại phía bắc của dòng sông vào năm ngoái. Cả hai bên lâu nay vẫn cáo buộc bên kia có mưu đồ phá hủy đập.

“Chính bọn khủng bố Nga. Việc phá hủy đập thủy điện Kakhovka càng khẳng định với toàn thế giới rằng chúng phải bị trục xuất khỏi mọi ngóc ngách trên đất Ukraine”, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Phía Nga đã “thực hiện một vụ nổ bên trong cấu trúc” của con đập. “Khoảng 80 khu định cư nằm trong vùng lũ lụt”, ông nói trên Telegram.

Thống đốc do Nga bổ nhiện ở vùng Kherson của Ukraine cáo buộc Kyiv tấn công con đập bằng tên lửa để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi thất bại trong cuộc phản công của Ukraine ở miền đông. Tuy nhiên, các quan chức khác do Nga bổ nhiệm nói con đập đã tự vỡ do bị hư hại trước đó.

Không bên nào đưa ra bằng chứng ngay lập tức chứng minh ai là người phải chịu trách nhiệm.

Hồ chứa rộng lớn phía trên con đập cung cấp nước ngọt cho những vùng đất nông nghiệp rộng lớn, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập vào năm 2014. Hồ chứa này cũng cung cấp nước làm mát cho nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, nằm trên lãnh thổ bị Nga kiểm soát ở bờ nam.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc nói trên Twitter rằng họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình, nhưng “không có nguy cơ an toàn hạt nhân ngay lập tức tại nhà máy”.

Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước của Nga Rosatom cũng cho biết vụ vỡ đập hiện không gây ra mối đe dọa nào đối với nhà máy và cho hay vẫn đang theo dõi tình hình.

Mực nước tại thị trấn ngay cạnh con đập bị vỡ có thể tăng tới 12 mét, thị trưởng Vladimir Leontyev, người do Nga bổ nhiệm, cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

Video cho thấy nước tràn qua phần còn lại của con đập - cao 30 mét và dài 3,2 km (2 dặm).

Khoảng 22.000 người sống tại 14 khu định cư ở khu vực Kherson miền nam Ukraine có nguy cơ bị ngập lụt, hãng thông tấn RIA của Nga dẫn lời người đứng đầu khu vực này cho biết.

Kherson là một trong năm khu vực, bao gồm cả Crimea, mà Moscow tuyên bố sáp nhập.

Một quan chức do Nga chỉ định tại thị trấn Nova Kakhovka cho biết cư dân của khoảng 300 ngôi nhà đã được sơ tán, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin. Ông nói rằng nhiều khả năng sẽ không thể sửa chữa được con đập.

Vụ vỡ đập xảy ra khi Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công đã được chờ đợi từ lâu nhằm đánh bật lực lượng Nga khỏi lãnh thổ mà họ đã chiếm giữ trong hơn 15 tháng giao tranh.

Nga cho biết họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công nữa của Ukraine ở Donetsk thuộc miền đông và gây ra tổn thất nặng nề. Kyiv vẫn giữ im lặng về cuộc phản công nhưng bác bỏ tuyên bố của Nga về việc đã chặn đứng các cuộc tấn công của Ukraine.

Nga cũng tiến hành một đợt không kích mới vào Kyiv trong đêm. Ukraine cho biết các hệ thống phòng không của họ đã bắn hạ hơn 20 tên lửa hành trình khi chúng tiếp cận thủ đô.

Cơ quan tình báo quân đội Ukraine nói trên Telegram rằng các lực lượng Nga đã cho nổ tung con đập “trong cơn hoảng loạn”, điều mà cơ quan này gọi là “một hành động khủng bố rõ ràng và là tội ác chiến tranh, là bằng chứng trước tòa án quốc tế”.

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết ông Zelenskyy sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về vụ vỡ đập.


************
voatiengviet.com

Tàu Trung Quốc rời vùng biển Việt Nam sau hội đàm Mỹ-Trung

Reuters

Một tàu nghiên cứu của Trung Quốc và các tàu hộ tống, hoạt động gần một tháng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông, vừa rời vùng biển này vào tối thứ Hai (5/6), Reuters dẫn thông tin từ các chuyên gia theo dõi tàu cho biết, ngay sau cuộc hội đàm cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) của Trung Quốc bắt đầu đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 7/5, đôi khi có hàng chục tàu hộ tống và thường xuyên đi qua các mỏ dầu khí do các công ty Nga điều hành, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền.

Hôm 5/6, sau khi các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ và Trung Quốc tổ chức hội đàm ở Bắc Kinh mà cả hai bên đều gọi là mang tính xây dựng, tàu Trung Quốc và hơn nửa tá tàu hộ tống bắt đầu hành trình quay trở lại đảo Hải Nam của Trung Quốc, rời vùng EEZ của Việt Nam vào khoảng nửa đêm.

Khi được hỏi về hoạt động của các con tàu này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không bình luận về việc chúng quay trở lại Hải Nam.

“Tàu nghiên cứu khoa học Trung Quốc thực hiện các hoạt động nghiên cứu bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc là hợp pháp và đúng đắn. Không có chuyện đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước khác”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố.

Theo luật quốc tế, các tàu được phép đi qua các vùng đặc quyền kinh tế của nước ngoài, nhưng không được thực hiện các hoạt động khảo sát không có giấy phép. Các hoạt động này của Trung Quốc ở Biển Đông từ lâu đã trở thành vấn đề đối với các nước trong khu vực, vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết vùng biển giàu năng lượng, bao gồm cả các vùng đặc quyền kinh tế.

Trong một cuộc phản đối công khai hiếm hoi, chính phủ Việt Nam vào ngày 25/5 yêu cầu tàu nghiên cứu Trung Quốc và các tàu hộ tống rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau chuyến thăm Hà Nội của quan chức cấp cao Nga Dmitry Medvedev.

Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu về Biển Đông của Đại học Stanford, Mỹ, cho biết rằng vào lúc 3h00, giờ chuẩn quốc tế GMT ngày thứ Ba (6/6), tàu nghiên cứu của Trung Quốc được nhìn thấy đang tiến đến đảo Hải Nam.

Ông Powell cho biết thêm rằng các tàu kiểm ngư của Việt Nam đã quay về sau khi tàu Trung Quốc và các tàu hộ tống rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào khoảng nửa đêm theo giờ Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Việt Nam Van Pham, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận độc lập Đại sự ký Biển Đông (SCSCI), xác nhận các tàu đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng cảnh báo rằng Hải Nam không phải là cảng nhà của tàu nghiên cứu này và sau khi tạm nghỉ ở đó, nó có thể tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời khi Reuters đề nghị đưa ra bình luận.


************
rfi.fr

Các nước OPEC+ thỏa thuận tiếp tục giảm sản lượng dầu trong năm tới

Anh Vũ

Theo Reuters, 13 thành viên của tổ chức xuất khẩu dầu OPEC và 10 đối tác do Nga dẫn đầu đã đạt được thỏa thuận sau 7 giờ thương lượng tại Vienna, Áo. Cụ thể, từ năm 2024, OPEC mở rộng sẽ giảm sản xuất mỗi ngày 1,4 triệu thùng dầu thô. Trong khi đó Ả Rập Xê Út cam kết giảm sản lượng hàng ngày một triệu thùng dầu trong tháng Bảy tới. Nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới này còn tự nguyện từ nay đến 2024, mỗi ngày sẽ giảm sản lượng 500 nghìn thùng dầu thô. 

OPEC đã xem xét lại việc giảm sản xuất dầu của của Nga, Nigeria và Angola. Trái lại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất được phép tăng sản lượng dầu. Nga quyết định kéo dài đến hết năm 2024 chương trình cắt giảm giản lượng dầu 500 nghìn thùng mỗi ngày, phó thủ tướng Nga Alexandre Novak, hôm qua tuyên bố. 

23 nước thành viên tổ chức xuất khẩu dầu lửa mở rộng OPEC+ sản xuất 40% lượng dầu thô của thế giới. Năm ngoái, tổ chức này đã giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày, tức tương đương với 2% nhu cầu của thế giới. Hồi tháng Tư năm nay, OPEC tiếp tục giảm thêm 1,6 triệu thùng mỗi ngày cho đến hết năm 2023.

Theo ông Alexandre Novak, việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ là nhằm bảo đảm bình ổn thị trường dầu lửa thế giới. Các nước phương Tây tổ cáo tổ chức này thao túng giá dầu thô làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự tính nhu cầu dầu lửa thế giới sẽ còn tăng trong nửa cuối năm nay. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng giờ đây thế giới có quá nhiều nguồn cung như dầu đá phiến của Mỹ hay việc xuất khẩu dầu của Nga cao hơn nhiều so với dự kiến


************
rfi.fr

Vỡ đập thủy điện Kakhovka : Ukraina và Nga đổ trách nhiệm cho nhau

Minh Anh

Đập thủy điện Nova Kakhovka ở miền nam Ukraina sáng nay 06/06/2023 đã bị phá hỏng một phần sau nhiều vụ nổ chưa xác định được nguồn gốc, gây ngập lụt lớn dọc theo bờ sông Dniepr. Matxcơva và Kiev đều đổ trách nhiệm cho nhau về thảm họa môi trường này. 

Đăng ngày:

Theo các hình ảnh video đăng trên các mạng xã hội mà Reuters chưa thể thẩm định tính xác thực, nhiều tiếng nổ lớn xảy ra xung quanh đập và một nửa cấu trúc đập đã bị hàng triệu lít nước cuốn trôi, theo như thông tin được hãng thông tấn Nga Tass dẫn lại từ các cơ quan khẩn cấp địa phương. 

Nga và Ukraina cáo buộc nhau về vụ phá hủy đập thủy điện được xây dựng từ thời Xô Viết và hiện do quân Nga chiếm đóng kiểm soát. Trên mạng Telegram, thị trưởng thành phố Nova Kakhovka, ông Vladimir Leontiev, tố cáo quân đội Ukraina tiến hành « nhiều cuộc tấn công » nhắm vào đập thủy điện trong đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba, phá hỏng nhiều van khóa đập và gây ra tình trạng « xả nước không thể kiểm soát. » 

Ngược lại, quân đội Ukraina trong thông cáo lên án Nga đã tổ chức đánh sập đập thủy điện nhằm cản trở cuộc phản công sắp tới của Kiev. Ông Andriy Yermak, cố vấn tổng thống Ukraina trên mạng Telegram còn cho rằng việc phá hoại đập thủy điện của Nga còn nhằm « kích hoạt nỗi sợ thảm họa hạt nhân », buộc Ukraina phải tiến hành đàm phán và từ bỏ kế hoạch thu hồi những thành phố bị Nga chiếm đóng. Cũng theo ông Andriy Yermak, tổng thống Zelensky sẽ cho triệu tập một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia trong ngày. 

Hôm nay, bộ Nội Vụ Ukraina kêu gọi khoảng 16 ngàn người dân sinh sống tại 10 ngôi làng thuộc tả ngạn sông Dniepr và một số khu phố thành phố Kherson thu gom những giấy tờ thiết yếu, gia súc, tắt các thiết bị điện tử và đi sơ tán.  

Tuy nhiên, một trong những nỗi lo chính là nhà máy điện hạt nhân Zaporijia, cho đến lúc này được làm mát một phần nhờ vào bể chứa nước Kakhovka. Hiện tại, theo đánh giá từ các chuyên gia Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA, « chưa có mối nguy hạt nhân nào trong tức thì ». Tình hình tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu sẽ được giám sát chặt chẽ. 


***********
rfi.fr

Ukraina xác nhận thực hiện các cuộc phản công chống Nga

Phan Minh

UKRAINA - NGA - QUÂN SỰ

Ukraina hôm qua 05/06/2023 xác nhận đã tiến hành "các cuộc tấn công" chống lại quân đội Nga ở một số khu vực trong nước, giành lại được nhiều địa điểm gần thành phố Bakhmout ở phía đông Ukraina. Đồng thời Kiev cũng tuyên bố đó chỉ là những cuộc tấn công, phòng thủ quy mô vừa phải mà Matxcơva tuyên bố đã đẩy lùi.

Theo AFP, những hoạt động quân sự này diễn ra vào thời điểm mà chính quyền Ukraina cho biết đã chuẩn bị trong nhiều tháng cho một cuộc phản công quy mô lớn nhằm buộc quân đội Nga phải rút khỏi các khu vực mà họ chiếm đóng.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cảm ơn quân đội Ukraina đã giành lại được những khu vực nói trên, đồng thời mỉa mai những phản ứng "cuồng loạn" của Matxcơva.

Trong một video, ông nói  : "Nga phản ứng một cách điên loạn trước tất cả những tiến bộ mà chúng ta đạt được, những khu vực mà chúng tôi giành lại được. Kẻ thù biết rằng Ukraina sẽ giành chiến thắng."

Cố vấn tổng thống Ukraina Mykhailo Podoliak trước đó đã châm biếm trên Twitter rằng Nga đang "bận rộn đẩy lùi một cuộc tổng tấn công chưa hề tồn tại".

Vẫn liên quan đến chiến tranh Ukraina, thủ tướng Bỉ Alexander De Croo hôm qua đã yêu cầu Ukraina giải trình, sau khi nhật báo Mỹ Washington Post đăng những bức ảnh cho thấy dường như các binh lính Nga thân Ukraina sử dụng vũ khí của Bỉ tại khu vực Belgorod ở Nga. Bruxelles tái khẳng định rằng những vũ khí châu Âu cung cấp cho Ukraina không phải để sử dụng trên lãnh thổ Nga, mà chỉ để phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ Ukraina.


**********
rfi.fr

TIN TỔNG HỢP

RFI

(AFP) - Trung Quốc và Mỹ tham gia diễn tập Hải quân tại Indonesia. Mặc dù vẫn còn vô số bất đồng, Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn gửi tàu chiến đến tham dự các cuộc diễn tập hải quân quốc tế lớn mang tên “Komodo” (MNEK), do Indonesia tổ chức trong vùng biển phía đông của nước này, bắt đầu hôm nay, 05/06/2023. Tổng cộng sẽ có 17 tàu chiến của nước ngoài và khoảng hai chục tàu của Indonesia tham gia cuộc diễn tập. Ngoài Trung Quốc và Mỹ, Nga cũng đưa tầu chiến tham dự cuộc diễn tập về cứu hộ, ứng phó với thiên tai.

(Reuters) - Đức thông báo điều 2 tàu chiến đến Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2024. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Boris Pistorius, Chủ Nhật 04/06/2023 khẳng định các nước cần ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và bảo vệ các tuyến hàng hải quan trọng. Bộ trưởng Pistorius nhắc lại hồi năm 2021 Berlin đã điều một tàu khu trục nhỏ đến Ấn Độ - Thái Bình Dương và nhấn mạnh đến năm 2024 sẽ triển khai một tàu khu trục nhỏ và một tàu tiếp tế đến khu vực này. Tuy nhiên, bộ trưởng Quốc Phòng Đức nói thêm rằng việc triển khai tàu chiến không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.

(Le Monde) - Nga : Nhà đối lập Navalny khẳng định vẫn giữ vững tinh thần sau 3 năm bị cầm tù trong điều kiện khắc nghiệt. Trong khi đó, hôm qua 04/06/2023, tại Nga, ít nhất 109 người đã bị cảnh sát thẩm vấn vì ủng hộ nhà đối lập Navalny, trong đó 49 người bị giam giữ ở Matxcơva. Theo tổ chức phi chính phủ OVD-Info, chuyên theo dõi các cuộc biểu tình, trong số những người bị câu lưu có 5 người vị thành niên và 2 nhà báo.

(AFP) - Ba Lan: Nửa triệu người biểu tình ở thủ đô Vacxava để chống chính phủ. Các cuộc biểu tình diễn ra hôm qua 04/06/2023, chỉ vài tháng trước khi Ba Lan tổ chức bầu cử lập pháp. Trong số những người kêu gọi biểu tình có ông Donald Tusk, cựu chủ tịch Hội Đồng Châu Âu. Người biểu tình phản đối cuộc sống đắt đỏ, các chiêu trò lừa đảo, gian dối và bày tỏ sự ủng hộ đối với dân chủ, các kỳ bầu cử tự do và Liên Âu.

(AFP) - Đặc sứ hòa bình của Giáo Hoàng Phanxicô đến Kiev. Trong thông cáo, tòa thánh Vatican hôm nay 05/06/2023 cho biết Hồng y người Ý, Matteo Zuppi, đến Kiev trong hai ngày 05 và 06/06/2023 để trao đổi với chính quyền Ukraina về cuộc chiến Nga - Ukraina. Cách đây 15 ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ủy thác sứ mệnh hòa bình ở Ukraina cho Hồng Y Zuppi, có tiếng về ngoại giao. Hồi tháng Tư 2023, Hồng Y Zuppi đã gặp thủ tướng Ukraina Denys Chmygal và đã được mời đến Ukraina. Thủ tướng Ukraina đã nhờ Hồng y giúp đỡ để hồi hương các em nhỏ người Ukraina đã bị cưỡng bức đưa sang Nga.

(AFP) - Vũ khí của Bỉ xuất hiện trong các vụ tấn công ở Nga : Bruxelles yêu cầu Kiev giải thích. Bỉ đề nghị Ukraina giải thích sau khi có thông tin rằng các chiến binh Nga thân Kiev đã sử dụng vũ khí do Bỉ sản xuất để thực hiện các cuộc tấn công tại Nga. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo hôm nay 05/06/2023 thông báo trên đài phát thanh Bỉ là đã giao cho bộ Quốc Phòng và các cơ quan tình báo điều tra về vụ việc. Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh vũ khí mà Bruxelles tài trợ cho Ukraina chỉ là để Kiev phòng thủ, bảo vệ lãnh thổ.

(AFP) - Lãnh đạo NATO lại kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng phủ quyết Thụy Điển gia nhập Liên minh. Tổng thư ký khối NATO, Jens Stoltenberg, hôm 04/05/2023 một lần nữa lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt phản đối để Thụy Điển hoàn tất thủ tục gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương “sớm nhất có thể”. Hôm qua, ông Stoltenberg đã có cuộc trao đổi kéo dài 2 tiếng đồng hồ với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại tư dinh của ông ở Istanbul. Từ 13 tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ quyết, ngăn cản Thụy Điển với lý do Stockholm ủng hộ những nhóm người Kurdistan chống Ankara.

(Reuters) – Karim Benzema chia tay Real Madrid. Hôm qua 04/06/2023, câu lạc bộ Real Madrid chính thức thông báo, tiền đạo cây làm bàn, quả bóng vàng Karim Benzema, sẽ rời câu lạc bộ khi hết mùa bóng này, sau 14 năm phục vụ với đầy ắp các danh hiệu vô địch cùng câu lạc bộ hàng đầu bóng đá Tây Ban Nha. Danh thủ Pháp, nay đã 35 tuổi, đang chuẩn bị tương lai ở câu lạc bộ Al Ittihad của làng bóng đá Ả Rập Xê Út giàu có. Dự kiến sẽ có một bản hợp đồng với số tiền kỷ lục được ký trong thời gian tới giữa Karim Benzema và câu lạc bộ ở vùng Vịnh.

(AFP) – Hoa Kỳ : Chiến đấu cơ Mỹ F16 xuất kích truy đuổi máy bay lạ xâm phạm không phận cấm. Người dân ở thủ đô Washington, D.C của Mỹ và vùng ngoại ô hôm 04/05/2023 đã bất ngờ nghe thấy tiếng nổ siêu thanh do chiến đấu cơ tạo ra, khi 2 chiếc F-16 được lệnh xuất kích hướng về phía một máy bay tư nhân, được xác định xâm phạm không phận bị cấm. Chiếc máy bay dân sự loại Cessna 560 Citation V bay vào không phận hạn chế, không trả lời tín hiệu liên lạc, sau đó đã tự lao xuống khu vực bang Virginia. Tiếng nổ lớn gây ra do máy bay vượt tường âm thanh đã khiến người dân ở Washington không khỏi hoang mang.


************

Mỹ, Ấn Độ thống nhất lộ trình hợp tác về công nghiệp quốc phòng

Lam Vũ

Mỹ, Ấn Độ thống nhất lộ trình hợp tác về công nghiệp quốc phòng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh tại New Delhi ngày 5.6

REUTERS

Reuters cho hay lộ trình hợp tác về công nghiệp quốc phòng đã được thống nhất trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Ấn Độ Rajnath Singh tại New Delhi ngày 5.6.

Thỏa thuận ra đời trước khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Washington DC vào ngày 22.6 để thăm chính thức cấp nhà nước và hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Lộ trình này được coi là quan trọng trong bối cảnh Washington duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với việc những công nghệ quân sự nội địa nào có thể được chia sẻ hoặc bán cho các quốc gia khác.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết các cuộc thảo luận giữa ông Singh và ông Austin "đặc biệt tập trung vào việc xác định các cách thức tăng cường hợp tác công nghiệp".

"Cả hai bên sẽ xác định các cơ hội để hợp tác phát triển công nghệ mới cũng như hợp tác sản xuất các hệ thống hiện có và mới, đồng thời tạo điều kiện tăng cường hợp tác giữa các hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng của hai nước", tuyên bố nêu.

"Hướng tới những mục tiêu này, hai bên đã thống nhất lộ trình Hợp tác Công nghiệp Quốc phòng Mỹ - Ấn giúp định hướng chính sách trong vài năm tới", Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói.

Mỹ đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Ấn Độ, coi việc liên kết chặt chẽ hơn về công nghệ và quân sự với quốc gia đông dân nhất thế giới là đối trọng chính với sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực, theo Reuters.

Ấn Độ, nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, phụ thuộc vào Nga cho khoảng 50% nguồn cung trang thiết bị quân sự, nhưng cũng ngày càng đa dạng hóa nguồn cung thông qua việc mua từ Mỹ, Pháp, Israel và một số nước khác.

New Delhi cũng muốn các nhà sản xuất quốc phòng toàn cầu hợp tác với các công ty của Ấn Độ, sản xuất vũ khí cũng như trang thiết bị quân sự ở Ấn Độ để phục vụ tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.

Chính quyền Biden chuẩn bị ký kết một thỏa thuận cho phép tập đoàn General Electric sản xuất động cơ máy bay tại Ấn Độ để cung cấp cho các máy bay quân sự của nước này.

Bộ trưởng Austin cho biết ông và Bộ trưởng Singh đã thảo luận về các cách thức tăng cường chia sẻ thông tin cũng như các sáng kiến mới để cải thiện hợp tác hàng hải, bao gồm lĩnh vực dưới đáy biển.

Lãnh đạo Lầu Năm Góc nói với các phóng viên rằng quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ - Ấn có ý nghĩa quan trọng bởi vì "chúng ta phải đối mặt với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng", viện dẫn các hành động của Trung Quốc và Nga.

"Vì vậy, các nền dân chủ giờ đây phải tập hợp lại với nhau không chỉ vì lợi ích chung mà còn vì các giá trị chung của chúng ta", ông Austin nói.


***********

Cầu treo đang xây ở Ấn Độ bị sập lần hai

Lam Vũ

Cầu treo đang xây ở Ấn Độ bị sập lần hai - Ảnh 1.

Cây cầu treo bị sập trong quá trình xây dựng tại bang Bihar của Ấn Độ hôm 4.6

AFP

Đưa tin về vụ việc xảy ra hôm 4.6, Hãng tin ANI cho biết cây cầu treo đang được xây dựng bắc qua sông Hằng ở quận Bhagalpur thuộc bang Bihar ở miền đông Ấn Độ.

Theo kế hoạch ban đầu, quá trình xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2019. Song công trình đã chậm tiến độ và bị lùi thời hạn hoàn thành nhiều lần, bao gồm lần đầu tiên cầu sập vào ngày 30.4 năm ngoái vì mưa to gió lớn.

"Tôi nhận thấy rung lắc rất mạnh ở đây, cảm giác như có một vụ nổ. Sau đó chúng tôi phát hiện cây cầu đã sập", Rakesh Kumar, một cư dân địa phương, nói với ANI về vụ sập cầu lần thứ hai.

ANI cho biết có 8 người đàn ông đang ở trên cầu vào thời điểm cầu sập, và một người bảo vệ được báo cáo là mất tích.

Video của ANI cho thấy một đoạn của cây cầu chìm một phần dưới nước, chỉ có một số trụ cột và dây cáp nhô lên thể hiện vị trí trước đó của đoạn cầu bị sập.

"Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra và tôi đã báo cáo kết quả với người đứng đầu chính quyền quận", ông Amit Raj, một quan chức chính quyền, nói với ANI.

Trả lời phóng viên ngày 5.6, Thủ hiến bang Bihar Nitish Kumar cam kết sẽ có "hành động nghiêm khắc". "Cây cầu không được xây dựng đúng cách, đó là lý do tại sao nó bị sập. Lẽ ra nó phải được làm chắc chắn hơn", ông cho hay.

Vào tháng 10 năm ngoái, một cây cầu treo từ thời thuộc địa ở thị trấn Morbi thuộc bang Gujarat phía tây Ấn Độ đã bị sập, khiến hàng trăm người rơi xuống sông Machchhu bên dưới. 135 người thiệt mạng trong thảm kịch.

Cây cầu này đã được đưa vào sử dụng trở lại chỉ vài ngày trước đó sau nhiều tháng sửa chữa.


**********

Tin tức thế giới 6-6: Nga, Ukraine đều thông báo 'chặn được' các cuộc tấn công hai bên


Khói bốc lên sau cuộc pháo kích gần biên giới Ukraine-Nga ở thị trấn Vovchansk, vùng Kharkiv, Ukraine ngày 5-6 - Ảnh: REUTERS

Khói bốc lên sau cuộc pháo kích gần biên giới Ukraine-Nga ở thị trấn Vovchansk, vùng Kharkiv, Ukraine ngày 5-6 - Ảnh: REUTERS

Nga tuyên bố các trận đánh của Ukraine thất bại 

Đầu ngày 6-6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã chặn thêm một cuộc tấn công lớn khác của lực lượng Ukraine ở Donetsk, gây tổn thất lớn về nhân sự và phá hủy 8 xe tăng chiến đấu Leopard của đối phương.

Bộ Quốc phòng Nga thông báo trên trên Telegram rằng "Ukraine bị tổn thất nặng nề một ngày trước đó, chính quyền Kiev đã tổ chức lại tàn dư của các lữ đoàn cơ giới số 23 và 31 thành các đơn vị hợp nhất mới, tiếp tục các hoạt động tấn công".

Bộ này cho biết lực lượng Nga đã phá hủy 28 xe tăng, trong đó có 8 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard. "Thất bại của Ukraine do lực lượng quân đội, lực lượng tấn công và tác chiến - chiến thuật, lực lượng tên lửa và pháo binh, cũng như các hệ thống súng hạng nặng hiệp đồng gây ra", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Trong khi đó, chính quyền quân sự của thủ đô Ukraine thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram ngày 6-6 rằng các hệ thống phòng không của họ đã ngăn chặn các cuộc không kích ở khu vực Kiev của Nga.

Các tin tức về hoạt động tại mặt trận của cả hai bên đều khó xác nhận độc lập với báo chí. 

Bộ Ngoại giao Mỹ: nỗ lực không ngừng để duy trì các kênh liên lạc ngoại giao với Trung Quốc

Ngày 5-6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương (ông Kritenbrink là cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam - PV) đã có các cuộc đàm phán thẳng thắn và hiệu quả với các quan chức Trung Quốc ngày 5-6 tại Bắc Kinh.

Ông Kritenbrink cùng Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns và quan chức Hội đồng An ninh quốc gia bà Sarah Beran đã gặp các quan chức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

"Hai bên đã có những cuộc thảo luận thẳng thắn và hiệu quả. Đây là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh liên lạc cởi mở và xây dựng dựa trên ngoại giao cấp cao gần đây giữa hai nước", tuyên bố cho biết.

Ngoài ra, họ đã trao đổi quan điểm về mối quan hệ song phương, vấn đề vượt qua eo biển và các vấn đề khác.

Apple bán kính thực tế ảo gấp ba giá của Meta 

Kính thực tế ảo Vision Pro của Apple sẽ ra mắt năm 2024 - Ảnh: APPLE

Kính thực tế ảo Vision Pro của Apple sẽ ra mắt năm 2024 - Ảnh: APPLE

Theo Hãng tin Reuters, ngày 5-6, công ty Apple tiết lộ bộ kính thực tế tăng cường có tên Vision Pro - một sản phẩm được xem là đánh cược với rủi ro nhiều nhất và lớn nhất kể từ khi iPhone ra mắt hơn một thập kỷ trước.

Kính Vision Pro sẽ có giá khởi điểm là 3.499 USD (hơn 82 triệu đồng), gấp hơn 3 lần bộ kính của Meta vốn là dòng thiết bị thực tế ảo và hỗn hợp hiện đang thống trị thị trường công nghệ thực tế ảo tăng cường non trẻ.

Công ty cho biết bộ kính này của Apple sẽ có mặt vào đầu năm tới tại Mỹ. Tại nhiều quốc gia khác, bộ kính thực tế ảo sẽ ra mắt vào cuối năm 2024.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra về nước tháng 7 tới 

Con gái ông Thaksin, bà "Ung Ing" Paetongtarn Shinawatra, ứng cử viên thủ tướng của đảng Pheu Thai cho biết cha mình, cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin đang lên kế hoạch về nước vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, bà cho biết ông chưa xác định ngày về chính thức.

Thông tin được website của báo Bangkok Post đăng ngày 5-6, dẫn phát biểu của bà Paetongtarn trả lời phóng viên.

Ông Thaksin hiện sống lưu vong ở Dubai. Trước đó, ông từng tiết lộ rằng mình sẽ về nước vào tháng 7 tới, lấy lý do rằng ông đã cao tuổi và muốn ở gần con cháu.

Ông bị lật đổ năm 2006 và từ đó sống lưu vong ở nước ngoài. Ông có một lần về Thái Lan chóng vánh năm 2008. Tòa hình sự tối cao ở Thái Lan đã kết án vắng mặt ông với bản án 12 năm tù trong bốn vụ án.

Trung Quốc khánh thành đại sứ quán tại Honduras

Ngoại trưởng Honduras Eduardo Enrique Reina (phải) và ông Yu Bo, bắt tay trong lễ khánh thành đại sứ quán Trung Quốc tại Tegucigalpa vào ngày 5-6 - Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Honduras Eduardo Enrique Reina (phải) và ông Yu Bo, bắt tay trong lễ khánh thành đại sứ quán Trung Quốc tại Tegucigalpa vào ngày 5-6 - Ảnh: AFP

Ngày 5-6, vài tuần sau khi Honduras từ bỏ Đài Loan, thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh, Trung Quốc đã khánh thành đại sứ quán tại Honduras.

Buổi lễ được tổ chức tại một khách sạn ở thủ đô Tegucigalpa, do Bắc Kinh chưa xác định vị trí tòa nhà sẽ đặt cơ quan ngoại giao của họ.

Các quan chức cho biết một phái viên lâm thời là ông Yu Bo, sẽ lãnh đạo đại sứ quán ở Honduras và chịu trách nhiệm về việc tìm kiếm tòa nhà để đại sứ quán hoạt động lâu dài.

Ông Yu nói tại lễ khánh thành: "Đại sứ quán Trung Quốc tại Honduras sẽ làm mọi thứ trong khả năng để hoàn thành trách nhiệm là cửa sổ, là nền tảng cho mối quan hệ giữa hai nước".

Ngoại trưởng Honduras Enrique Reina cho biết Tổng thống Xiomara Castro sẽ tới Trung Quốc tuần tới trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của bà, dự kiến từ ngày 9 đến 13-6.

Ông cho biết bà Castro sẽ gặp người đồng cấp Tập Cận Bình. Một loạt bản ghi nhớ, tài liệu, thỏa thuận khung sẽ được ký kết.

Để hoan nghênh Honduras, Trung Quốc đã mở cửa cho nhập khẩu dưa, tôm, chuối và các sản phẩm khác của quốc gia Trung Mỹ ngay cả trước khi bắt đầu đàm phán về hiệp định thương mại tự do.

Hồi tháng 3-2023, Honduras cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và công nhận Trung Quốc.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và không từ bỏ khả năng chiếm lại bằng vũ lực.

Mỹ điều tra vụ máy bay rơi sau khi bị tiêm kích truy đuổi

Mỹ đang điều tra về tai nạn. Theo thông tin ban đầu, các nhà điều tra cho biết việc kiểm soát không lưu mất liên lạc với chiếc máy bay nhỏ Cessna nhiều phút ngày 4-6 gây quan ngại về an ninh.

Trước đó, Mỹ đã điều động các máy bay chiến đấu F-16 tham gia rượt đuổi chiếc máy bay hạng nhẹ Cessna do phi công lái chiếc máy bay không phản ứng với liên lạc và xâm phạm không phận xung quanh thủ đô Washington D.C.

Quân đội Mỹ cố gắng thiết lập liên lạc với phi công trên máy bay, nhưng không có phản hồi.

Chiếc máy bay này sau đó đâm xuống vùng núi ở Virginia.

Cảnh sát bang Virginia cho biết không có người nào trên máy bay sống sót trong vụ tai nạn. Một nguồn tin cho biết có bốn người có mặt trên chiếc Cessna.

Một quan chức Mỹ khẳng định những chiếc chiến đấu cơ truy đuổi không gây ra vụ rơi máy bay Cessna.


**********
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn