Nơi làm việc tồi tệ nhất với phụ nữ Australia

Thứ Sáu, 16 Tháng Tư 20213:00 SA(Xem: 3669)
Nơi làm việc tồi tệ nhất với phụ nữ Australia

Nhiều người mô tả tòa nhà Quốc hội như một cái hầm chứa đầy testosterone khi liên tục có những cáo buộc về việc hiếp dâm, phân biệt, hạ thấp vai trò của phụ nữ diễn ra tại đây.

Năm năm trước, sau khi kết thúc sự nghiệp thành công trong lĩnh vực luật và kinh doanh, Julia Banks chuyển đến Quốc hội. Không như tưởng tượng, bà thấy như thể mình đang quay trở lại những năm 1980. Rượu ở khắp nơi. Thỉnh thoảng bà ngửi thấy mùi rượu trên hơi thở của các nhà lập pháp nam khi họ bỏ phiếu, bài viết của New York Times mở đầu.

Nhiều người đàn ông trong chính trường Australia coi chuyện hạ thấp phụ nữ, hoặc tung tin đồn tình dục, là chuyện nhỏ. Nhiều nhân viên cấp dưới bị đối xử như đồ chơi. Bà Banks kể lại, một lần, một nhà lập pháp giới thiệu một thực tập sinh mới trong khi từ từ xoa tay lưng của cô gái trẻ.

Bà Banks thấy cô gái này tỏ ra hết sức nao núng: "Tôi và cô ấy nhìn chằm chằm vào nhau, và tôi chắc chắn rằng cô ấy phát tín hiệu với tôi là "Đừng nói gì cả, làm ơn đừng nói gì cả, kẻo tôi sẽ mất việc".

"Và đây là nơi làm việc nguy hiểm nhất cả nước,” bà bổ sung.

"Một khi câu chuyện được kể ra, thật khó để dừng lại”

New York Times nhận định thời điểm của phong trào #MeToo ở Australia đã tới, tuy muộn nhưng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, như một cơn sóng thần nhắm thẳng vào nền chính trị của đất nước.

Sáu tuần sau khi một cựu nhân viên trong cơ quan lập pháp tên là Brittany Higgins cáo buộc một đồng nghiệp cấp cao cưỡng hiếp cô trong văn phòng bộ trưởng Quốc phòng, hàng nghìn phụ nữ đang đứng lên chia sẻ câu chuyện của họ, biểu tình vì công lý và yêu cầu thay đổi tình trạng này.

chinh tri Uc,  phan biet gioi tinh,  binh dang gioi anh 1

Nhiều phụ nữ đã cùng nhau biểu tình vào hôm 15/3 tại các thành phố trên khắp nước Australia, bao gồm cả Sydney, vì các cáo buộc hiếp dâm liên quan đến các chính trị gia. Ảnh: Getty Image.

Liên minh bảo thủ do Thủ tướng Scott Morrison lãnh đạo đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội, khiến sự ủng hộ dành cho ông suy giảm.

Chính trường là lĩnh vực nhiều phụ nữ miêu tả là nơi phân biệt giới tính nhất ở Australia, và nhiều người đàn ông từ lâu tự cho rằng mình được hành động như vua chúa. Phụ nữ trong các đảng nói rằng trong nhiều năm qua họ đã bị hạ thấp khi cố gắng làm việc của mình. Họ đã bị theo dõi và xúc phạm, bị phớt lờ và bị ngắt lời. Và bất cứ khi nào họ đặt câu hỏi về hành vi như vậy, họ phải đối mặt với hàng loạt cuộc tấn công.

Tanya Plibersek, một nhà lãnh đạo đảng Lao động đối lập, cho biết: “Có quá nhiều sự tức giận và tổn thương bị tích tụ lại. Một khi câu chuyện được kể ra, thật khó để dừng lại”.

Theo nhiều cách, chính giới Australia đang cố bắt kịp xu hướng này. Các tập đoàn và các tổ chức khác của nước này đã nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng quyền lực của nam giới vẫn tiếp tục được ưu tiên. Một phần là người ta không chịu từ bỏ quyền lực, phần khác nhận ra rằng mức độ kỳ thị giới tính đã ăn sâu vào nền văn hóa.

Louise Chappell, nhà khoa học chính trị tại Đại học New South Wales và người đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa giới tính và chính trị Australia từ những năm 1990 cho biết: “Họ sẽ không nhận ra vấn đề. Và họ sẽ không nhìn thấy điều đó một cách hệ thống".

Nhiều phụ nữ đã phải đối mặt điều nay từ khi bước vào chính trường.

Ngay sau khi đảng Lao động đề nghị Kate Ellis trở thành ứng cử viên liên bang cho cuộc bầu cử năm 2004, cô nghe một nhóm vận động tranh cử của mình bàn tán về hình ảnh của cô trên poster: “Không, hình này trông cô ấy thật lẳng lơ", cô kể lại.

“Bạn sẽ gặp những chuyện như vậy mỗi ngày,” cô nói.

chinh tri Uc,  phan biet gioi tinh,  binh dang gioi anh 2

Julia Banks (ở giữa), một cựu thành viên của Quốc hội, cũng là nạn nhân của sự phân biệt giới tính trong chính trị Australia. Ảnh: Getty.

Bà Banks, đã rời Quốc hội vào năm 2019 và đang viết một cuốn sách về sự phân biệt đối xử ở đây, cho biết mình đã gặp phải sự thiếu tôn trọng từ một trong những sự kiện gây quỹ đầu tiên của mình, lúc bà phát hiện ra mình không có tên trong danh sách diễn giả. Những người sẽ nói đều là nam giới.

Bà nói với một quan chức đảng Tự do rằng chắc là có sự hiểu lầm.

“Em đừng lo lắng về điều đó, cưng à (darling). Chúng tôi sẽ đưa em một tờ xổ số", ông ta đã trả lời bà như vậy.

Bị buộc từ chức và không thể tái tranh cử

Mọi thứ còn tệ hơn ở Nghị viện.

“Nói tục, bàn tán về phụ nữ, đùa cợt không phù hợp, đụng chạm không phù hợp - tất cả là vậy", bà Banks kể.

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều nhà lập pháp đã mô tả Tòa nhà Quốc hội như một "hầm chứa đầy testosterone". Hành lang rộng, tường văn phòng khá dày, mọi phòng làm việc của bộ trưởng đều có nhà bếp đầy đủ tiện nghi và một chiếc ghế dài đủ lớn để ngủ. Hầu hết tủ lạnh đều chứa bia và rượu.

Hầu hết thành viên của Quốc hội và các nhân viên là nam giới. Trong 20 năm qua, Australia đã tụt từ vị trí thứ 15 xuống thứ 50 trên thế giới về sự đa dạng giới trong nghị viện. Các đoàn đại biểu quốc hội của các đảng Tự do và Quốc gia, những đảng cầm quyền với đa số mỏng, có hơn 80% là nam giới.

Canberra được coi là một thủ đô bán thời gian. Các cuộc bỏ phiếu diễn ra sau 18h và họ buộc phải bỏ bê gia đình, vì cơ quan lập pháp chỉ hoạt động trong 20 tuần một năm. Khi bận rộn, Nghị viện thường được so sánh với câu lạc bộ của quý ông, mặc dù đối với một số người, nó giống Peter Pan ở quán rượu hơn. Peter Pan là cậu bé không bao giờ lớn lên.

Sarah Hanson-Young, Thượng nghị sĩ từ đảng Xanh, cho biết các đối thủ nam giới của cô thường hét lên khắp khán phòng tên của những người mà họ cho rằng cô đã qua lại cùng.

Hanson-Young đã kiện một đồng nghiệp tại Thượng viện, David Leyonhjelm, vì tội phỉ báng sau khi anh ta hét lên với cô “đừng ngủ với đàn ông nữa” năm 2018. Cô ấy đã giành được khoản bồi thường 120.000 USD trong vụ kiện đó, nhưng phải chịu những lời dọa giết sau này.

chinh tri Uc,  phan biet gioi tinh,  binh dang gioi anh 3

Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Young đã thắng kiện đồng nghiệp nam về việc buông lời nói tục tĩu với cô. Ảnh: Getty.

Nhiều người cho rằng hành vi sai trái như vậy diễn ra từ trên xuống dưới một cách âm thầm.

Emma Husar, cựu thành viên Quốc hội từ Sydney, cho biết: “Đó là môi trường cho phép đàn ông cư xử tồi tệ, còn các nhân viên trẻ sẽ im lặng và bỏ qua". Bà nói thêm mặc dù rượu trong Nghị viện không phải là nguyên nhân chính, đó là yếu tố góp phần.

“Có rất nhiều ranh giới không rõ ràng, từ khoảng 17h trở đi, rượu sẽ bắt đầu được rót”, bà nói.

Bà cho biết trong một sự kiện không có rượu vào năm 2017, một thành viên của đảng Tự do đã bám theo bà. Khi đến gặp các cấp trên trong đảng Lao động của mình, họ yêu cầu bà không được kể ra ngoài. Sự nghiệp chính trị của bà kết thúc sau khi một bài báo trên Buzzfeed viết rằng bà đã bắt nạt đồng nghiệp và khoanh chân để chứng tỏ mình không mặc đồ lót trước mặt một đồng nghiệp nam.

Bà và người đàn ông trong câu chuyện phủ nhận điều này. Khi bà Husar khởi kiện vì tội phỉ báng, Buzzfeed đã xin lỗi và gỡ bài báo xuống. Nhưng câu chuyện đã đi quá xa, bà Husar đã bị đảng của mình buộc phải từ chức và không tái tranh cử vào năm 2019.

Ellis gọi câu chuyện của Husar là “chuyện phiếm biến thành vũ khí”. Bà từng gặp một phóng viên viết nhiều lời dối trá về bà và chánh văn phòng của bà đã qua lại với cùng một người đàn ông.

Thông điệp từ cấp trên của những người phụ nữ luôn rõ ràng: Bí mật thì dành cho người trong cuộc và đừng bận tâm tìm ra sự thật.

Giáo sư Chappell tại Đại học New South Wales nói: “Luật bất thành văn là 'biết thì đừng nói'. Tất cả những người ở trong đó đều giữ bí mật".

Sự lên tiếng của những người phụ nữ

Ban đầu, Higgins, người phụ nữ cáo buộc bị hiếp dâm và gây rúng động cả nước, đồng ý giữ im lặng.

Vào đêm ngày 22/3/2019, sau khi Higgins uống rượu với bạn bè ở Canberra và đi nhờ xe với một đồng nghiệp nam (chức lớn hơn), thay vì đưa cô về nhà, anh ta đã đã hướng taxi đến tòa nhà Quốc hội. Ở đó, cô dường như tỉnh dậy "giữa vụ cưỡng hiếp" và bảo anh ta dừng lại.

chinh tri Uc,  phan biet gioi tinh,  binh dang gioi anh 4

Brittany Higgins, một cựu trợ lý quốc hội, tại một cuộc biểu tình chống bạo lực tình dục vào ngày 15/3. Cô Higgins đã cáo buộc một đồng nghiệp cấp cao về tội hiếp dâm. Ảnh: Getty.

Cô ấy đã nhanh chóng trình báo về vụ tấn công, thông báo cho Linda Reynolds, bộ trưởng Quốc phòng, và nhiều người khác. Cô Higgins, khi đó 24 tuổi, theo đuổi các cáo buộc này, nhưng phải từ bỏ vì áp lực từ các nhà lãnh đạo đảng Tự do. Cô ấy phải lựa chọn: công việc hay công lý.

Sau khi chứng kiến ​​thủ tướng nước này đứng trên bục cùng Grace Tame, một người sống sót sau vụ tấn công tình dục, khi Tame được trao danh hiệu Australian of the Year, thì cô quyết định lên tiếng.

“Chính phủ của ông ấy đã đồng lõa trong việc bịt miệng tôi", cô nói.

Cô Higgins đã quay lại làm việc với cảnh sát để mở cuộc điều tra. Một số người phụ nữ khác đã cáo buộc trên tiện truyền thông báo chí và chống lại cùng một người đàn ông. (Người này đã bị sa thải sau khi bị cáo buộc nhằm vào cô Higgins nhưng chưa bị công khai danh tính).

chinh tri Uc,  phan biet gioi tinh,  binh dang gioi anh 5

Người biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Canberra ngày 15/3. Ảnh: Getty.

Những tiếng nói chung của phụ nữ đã phá vỡ thế bế tắc. Phụ nữ trong Nghị viện và nhiều người khác đã bỏ việc để kêu gọi trách nhiệm giải trình. Hàng chục nghìn phụ nữ đã tuần hành trên khắp Australia vào ngày 4/3 để đòi công lý. Họ lấy cảm hứng từ Higgins và hết sức tức giận trước những thông tin về Christian Porter, người khi đó là tổng chưởng lý.

Chỉ một ngày trước đó, khi báo chí đưa tin một bộ trưởng giấu tên bị cáo buộc tấn công tình dục, ông Porter là cái tên đầu tiên trở thành nghi phạm. Ông công khai phủ nhận cáo buộc cưỡng bức một phụ nữ, khi còn ở tuổi vị thành niên, và từ chối từ chức.

Thủ tướng Morrison, một chính trị gia, hiểu được tình trạng bất minh trong Quốc hội. Gần ba tuần sau cuộc biểu tình, ông thừa nhận rằng: “nhiều người Australia, đặc biệt là phụ nữ, tin rằng tôi đã không lắng nghe họ, và điều đó khiến tôi vô cùng đau khổ”.

“Chúng ta phải sắp xếp lại toàn bộ vị trí,” ông nói.

Trong khi đó, những hành vi xấu trong quá khứ tiếp tục được phơi bày. Tháng trước, các kênh tin tức khuya đã phát các video - được che bớt - cho thấy các nam nhân viên đảng Tự do thủ dâm trên bàn làm việc của các nữ bộ trưởng. Một trong số họ đã bị sa thải.

Một nghị sĩ đảng Tự do bị buộc tội quấy rối hai cử tri nữ. Người này đồng ý không tái tranh cử và xin lỗi.

Và ngày càng có nhiều phụ nữ chống lại việc mọi thứ "trở về như cũ". Tuần trước, Anne Webster, một thành viên mới của Quốc hội thuộc đảng Quốc gia bảo thủ, cho biết một nhà lập pháp nam đã quấy rối tình dục cô. Cô ấy đã đệ đơn khiếu nại chính thức lên ban lãnh đạo đảng, khiến ông ta phải xin lỗi.

“Chúng ta sẽ thay đổi văn hóa từng chút một", cô nói thêm. “Tất cả chúng ta sẽ phải học hỏi và điều chỉnh để phù hợp với môi trường mới".

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn