"Nghệ thuật ngủ trưa" của quân đội Mỹ

Thứ Sáu, 30 Tháng Mười 20209:00 CH(Xem: 5655)
"Nghệ thuật ngủ trưa" của quân đội Mỹ

Nhằm giúp binh lính có tinh thần sảng khoái, tập trung cao độ và làm việc hiệu quả, mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hành một số hướng dẫn mới về hiệu suất tối ưu của binh lính... Đáng chú ý, trong những hướng dẫn mới này có phần "sẵn sàng cho giấc ngủ".

Trung tướng David Barno, nguyên Tư lệnh Lực lượng liên quân tại Afghanistan từ năm 2003 đến 2005, cho biết, những hướng dẫn mới trên nằm trong nội dung sửa đổi "Sổ tay huấn luyện thể lực quân đội" vừa được Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua đầu tháng 10-2020 với tên gọi "FM 7-22 Holistic Health and Fitness". Đây là bản cập nhật đầu tiên của "Sổ tay huấn luyện thể lực quân đội" trong vòng 8 năm qua, trong đó đưa ra những bằng chứng khoa học chứng minh người lính có sức khỏe tốt nhất không đơn thuần nhờ rèn luyện thể chất mà bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có giấc ngủ. Tướng Barno nhấn mạnh: "Chiến đấu là công việc cần đến sự suy nghĩ của con người và bộ não không hoạt động nếu con người không ngủ". Tướng Barno cũng cho biết, ông làm việc chăm chỉ để "bảo vệ giấc ngủ 8 giờ mỗi đêm" và nhận thấy rằng điều này mang lại một lợi thế rõ rệt giúp ông hoàn thành nhiệm vụ.

quan-doi-my

Theo lý giải của sổ tay huấn luyện, SLEEP là từ viết tắt, đại diện cho phương pháp lãnh đạo giấc ngủ cơ bản sau: Set conditions (đặt điều kiện); lead by example (dẫn dắt bằng ví dụ); educate and encourage (giáo dục và khuyến khích); prioritize and plan (ưu tiên và lập kế hoạch).

Sổ tay huấn luyện nêu rõ, hầu hết các binh sĩ cần ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi ngày để tối đa hóa sức khỏe và duy trì hiệu suất làm việc. Nếu họ ngủ ít hơn (ví dụ 6 giờ mỗi đêm trong tuần làm việc) thì "nợ ngủ" sẽ tích lũy. Trong những trường hợp như vậy, tốt hơn là binh lính nên ngủ vào những ngày không làm việc và "trả nợ" giấc ngủ, thay vì hy sinh giấc ngủ để cố gắng duy trì lịch trình ngủ-thức phù hợp. "Khi không thể ngủ thường xuyên vào ban đêm do yêu cầu nhiệm vụ, binh sĩ có thể sử dụng các giấc ngủ ngắn, không thường xuyên để phục hồi khả năng tỉnh táo và thúc đẩy hiệu suất làm việc. Nếu giấc ngủ bị hạn chế (ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm), ngủ trưa kết hợp với liều lượng caffeine thích hợp có thể giúp binh lính duy trì sự tỉnh táo", hướng dẫn nêu rõ.

Để có giấc ngủ ngon, sổ tay hướng dẫn cảnh báo binh sĩ tránh chơi điện tử, nhắn tin, lướt mạng trên điện thoại hay uống rượu trước khi đi ngủ. Thay vào đó, binh lính nên thư giãn bằng cách "nghe nhạc, đọc sách hoặc tắm nước nóng". Ngoài giấc ngủ ngắn, khi thực hiện nhiệm vụ mất nhiều thời gian, các binh sĩ cũng sẽ cần nghỉ ngơi lâu hơn.

Sổ tay huấn luyện cũng đưa ra chiến thuật hỗ trợ giấc ngủ của binh lính trong quá trình di chuyển trên máy bay, như: Ngừng uống cà phê 6 giờ trước khi máy bay cất cánh hoặc không uống cà phê trước khi máy bay hạ cánh 30 phút; ăn một bữa trước khi lên máy bay hoặc ngay sau khi máy bay cất cánh; không uống rượu trước hoặc trong chuyến bay bởi rượu sẽ khiến buồn ngủ nhưng lại làm giảm giấc ngủ.

Hướng dẫn cũng yêu cầu chỉ huy đơn vị luôn đặt mục tiêu tối ưu hóa giấc ngủ của binh lính nhiều nhất có thể dựa trên các quy tắc hiện có. Để đạt được mục tiêu này, các chỉ huy cân nhắc hai nguyên tắc sau: Một là, tạo sự nhất quán cho từng binh sĩ bằng cách đổi ca luân phiên không quá hai lần/tháng. Hai là, đổi ca theo hướng về sớm hơn. Chỉ huy nên để binh sĩ ngủ trưa khi điều kiện cho phép và khuyến khích ngủ trưa, đặc biệt là khi họ phải hoạt động liên tục. Người chỉ huy không chỉ là lãnh đạo tốt mà còn phải tạo ra "văn hóa ngủ" ở đơn vị, thúc đẩy nhận thức về giấc ngủ và tạo điều kiện để cấp dưới có được giấc ngủ ngon, từ đó tăng cường sức khỏe (giảm tỷ lệ ốm đau và tai nạn) và cải thiện bầu không khí trong đơn vị.

Mối quan tâm của quân đội Mỹ đối với sức khỏe toàn diện của binh lính được triển khai từ nhiều năm trước trong các đơn vị tinh nhuệ. Ngày nay, quân đội Mỹ nhận thức rằng, thiếu ngủ triền miên có thể làm tê liệt việc đưa ra quyết định và dẫn đến thảm họa. Tờ Military Times số ra tháng 9 vừa qua đã đăng tải kết quả nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Rochester ở TP New York, trong đó đưa ra những phát hiện khoa học mới có thể giúp binh lính giải quyết tốt hơn vấn đề thiếu ngủ. Vậy là để giành chiến thắng trong cuộc chiến... binh lính hãy ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn