Chấn động: Hồ sơ bổ nhiệm của hàng loạt quan chức cao cấp Việt Cong bị làm giả

Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 20244:00 SA(Xem: 724)
Chấn động: Hồ sơ bổ nhiệm của hàng loạt quan chức cao cấp Việt Cong bị làm giả
rfa.org

Chấn động: Hồ sơ bổ nhiệm của hàng loạt quan chức cao cấp Việt Nam bị làm giả

Châm biếm của blogger Nguyễn Nhơn (không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do)

Nguồn tin giấu tên tại Việt Nam tiết lộ một chuyên án cực lớn, đóng dấu Tối mật vừa được khẩn cấp thành lập sau nhiều phiên xét xử nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp vừa qua.

Nguồn tin cho biết, do có nhiều dấu hiệu chạy chức, chuyên án này sẽ lật lại tất cả hồ sơ bổ nhiệm các cán bộ lãnh đạo cao cấp thời gian qua.

Đứng đầu trong danh sách các quan chức cao cấp bị điều tra là cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ông Dũng bị kết án 14 năm tù về tội nhận hối lộ trong đại án Chuyến bay giải cứu. Tổng cộng ông Dũng nhận 37 lần; 21,5 tỷ đồng.

Đứng thứ hai là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Ông Long đang hầu tòa tại phiên xét xử sơ thẩm đại án Việt Á làm kit xét nghiệm COVID.

Thứ ba là cựu Cục trưởng Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Thị Hương Lan. Bà Lan nhận 25 tỷ đồng của các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong cao điểm dịch COVID trên thế giới vào năm 2020.

Thứ tư-cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh. Ông Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD của Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Việt Á, thủ phạm hối lộ các quan chức lên đến hàng ngàn tỷ đồng, đang bị xét xử trong đại án Việt Á.

Danh sách nói trên chia làm hai phần, thứ nhất là những quan chức cao cấp đã khẳng định tội trạng, phần 2 là những kẻ chưa bị lộ sáng nhưng đang được đưa vào tầm ngắm. Phần 2 này rất dài.

Từ một lời khai

Tại phiên tòa xét xử hôm tháng 6/2023, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khai tuy có nhận “quà cảm ơn” của các doanh nghiệp nhưng tại thời điểm ấy ông không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Mãi đến khi ra tòa ông mới biết.

Như giọt nước tràn ly, lời khai của ông cựu Thứ trưởng khiến người quan sát nhớ đến rất nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp từng bị xét xử về tội nhận hối lộ. Như cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, ông Chu Ngọc Anh, bà Nguyễn Thị Hương Lan, ông Trần Văn Tân cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam… Tất cả họ đều khai giống như ông Tô Anh Dũng. Đó là vào thời điểm nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, họ đều không biết đó là vi phạm pháp luật, do nhận thức không đúng đắn v.v.

Sự trùng hợp khó tin này nhanh chóng lọt vào tầm mắt các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm.

Hàng trăm điều tra viên được mệnh danh “Cú vọ” được tung vào chiến dịch. Họ chỉ có mỗi một việc là tra xét lại toàn bộ hồ sơ bổ nhiệm vị trí lãnh đạo cũng như toàn bộ quá trình làm việc trên cương vị lãnh đạo của các cựu quan chức phạm tội nói trên. Đã có gian dối trong những khâu nào, bước tuyển chọn nào khiến những người này đều trót lọt gia nhập đội ngũ đảng viên và bình ổn thăng tiến cao đến như vậy?

Quá trình điều tra chắc chắn sẽ phát hiện nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, khi bắt đầu thẩm vấn những cựu quan chức cấp cao phạm tội, biết được lý do khiến án bị phá, tất cả bọn họ đều sửng sốt choáng váng, sau đó là hối hận điên cuồng. Nhưng trên đời làm gì có thuốc hối hận? Tất cả họ chỉ có thể tự trách bản thân trong một phút quá lo sợ cho tính mạng và gia sản nên không phanh kịp cái miệng.

Chỉ một câu buột miệng giống nhau, đã khiến quân triều đình nắm được điểm yếu của tất cả bọn họ, từ đó một đầu dây phăng ra cả mạng lưới.

Như trên đã nói qua, đó là lời khai trước tòa của các cán bộ lãnh đạo cao cấp.

-Vào thời điểm nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, tôi/chúng tôi đều không biết đó là vi phạm pháp luật.

Nhưng:

Muốn được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, bắt buộc phải là đảng viên.

Thậm chí những người mới chỉ đi học Cảm tình đảng cũng đã thuộc lòng nguyên tắc sống chết của đảng viên, ghi rõ trong Điều lệ đảng:

“Đảng viên chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Mà pháp luật thì không cho phép việc nhận hối lộ. Hay nhũng nhiễu, hạch sách, làm khó doanh nghiệp để buộc họ xì tiền bôi trơn. Như đếm tiền hoa hồng trên đầu người mỗi chuyến bay giải cứu về Việt Nam, hay cấp phép cho doanh nghiệp vào đúng chỉ một ngày trước khi cất cánh vậy.

Làm lãnh đạo đến cấp thứ trưởng, lãnh sự, chủ tịch thành phố… ít nhất cũng phải có vài chục năm tuổi đảng, thế mà không biết đến nguyên tắc cao nhất của đảng viên. Chứng tỏ họ không phải là đảng viên thật sự. Không phải đảng viên thật sự (có thể là đảng viên giả) nhưng ngang nhiên được bổ nhiệm, nắm giữ vị trí lãnh đạo cao cấp nhiều năm, để hoành hành quậy nát tất cả những cơ quan quan trọng của một đất nước như thế.

Đến nước này thì sau khi điều tra ra, tội của những cựu quan chức kể trên nhẹ nhất cũng là chạy chức chạy quyền. Quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cao cấp đã có lỗ thủng toang ngoác.

Chạy giỏi đến nỗi lên được đến chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Y tế, tổng lãnh sự,… thì kinh thật. Những tay to nào đứng sau kế hoạch này khẳng định to gan và mưu lược không kém gì Lã Bất Vi.

Mà nguy hiểm nhất thì chính là âm mưu thâm độc của bọn phản động cài người vào phá hoại nền cán bộ trong sạch của ta.

Thật đáng sợ!

a8e30c97-55f5-48c1-9fc8-dc3643da8a49.jpeg
Ba cựu quan chức lãnh đạo trở thành bị cáo trong Đại án Việt Á: Phạm Thanh Long- Bộ trưởng Y tế (trái), Chu Ngọc Anh- Bộ trưởng Khoa học- Công nghệ (giữa), Phạm Công Tạc- Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ (phải). RFA edit

Lớp hàm thụ đi tù

Tuy nhiên, trong cái rủi lại có cái may. Nhờ vào lời khai của các cựu quan chức nói trên, Ban Tổ chức Trung ương đã lóe sáng một phương pháp sáng tạo thần tình. Một khi việc bị bắt tạm giam lại có thể giúp các cán bộ lãnh đạo cao cấp của đất nước mau chóng hiểu rõ và thượng tôn pháp luật đến vậy, tại sao không thuận nước đẩy thuyền, sử dụng ngay chế định này làm biện pháp giáo dục pháp luật cho các quan chức? Như thế vừa nhanh gọn vừa trực tiếp, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.

Chưa thấy quan chức nào ra trước tòa mà không một lòng thượng tôn pháp luật cả. Tất cả các nhũng lạm trước đó của họ, hóa ra đều không phải do khinh thường pháp luật, mà là do ngây thơ không hiểu chuyện, hoặc do không làm ở lĩnh vực kinh tế nên mới không biết phải tránh xa quà biếu của doanh nghiệp, hoặc do mải mê chống dịch quá đến nỗi định đi trả lại tiền biếu của doanh nghiệp nhưng cũng không đào đâu ra thời gian. Nghĩ lại quả thật xót xa!

Tóm lại, cuối cùng Ban Tổ chức Trung ương quyết định ban hành một nghị quyết mới. Ghi rõ từ nay tất cả các ứng viên cho các vị trí lãnh đạo bộ ngành, địa phương, cũng như vị trí thư ký của các phó thủ tướng, các bộ trưởng… đều phải trải qua một lớp hàm thụ đi tù. Có chứng chỉ tốt nghiệp mới tính đến việc bổ nhiệm.

Lớp hàm thụ đi tù chính là hàm thụ đi tù. Các ứng viên sẽ được trải nghiệm tất cả các quy trình bắt giữ, điều tra, kết tội, xét xử… Một ngày đẹp trời, bất ngờ xe hú còi, Công an ùa vào nhà và nơi làm việc, công khai lục soát và thu giữ đồ đạc và các phương tiện làm việc, sau đó đọc lệnh bắt, còng tay đưa nghi phạm vào trại tạm giam. Đừng hòng đem thức ăn ngon hay sách báo vào những nơi này.

Hàng ngày các ứng viên sẽ phải chịu thẩm vấn, lập biên bản lấy lời khai báo. Sau đó, chịu kết tội, rồi sẽ mở các phiên tòa xét xử công khai. Nếu họ có vi phạm thì kịp thời xử lý và thanh lọc đội ngũ ở bước này luôn.

Đứng trước tòa nghe buộc tội, chắc khó có người vẫn cố công ngây thơ đến nỗi cãi rằng không biết nhận tiền của doanh nghiệp/người khác được gọi là ăn hối lộ. Tất cả các cán bộ lãnh đạo cao cấp từ nay đều hiểu rõ luật pháp. Người nào ăn hối lộ sẽ đường hoàng nói trước tòa đây là tôi thích ăn, chứ không phải không biết.

Đất nước trọn niềm vui.

Nhưng mà chuông reo, 7h sáng rồi, quý vị ơi, mau tỉnh giấc thức dậy đi làm!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn