Trời ơi sao chẳng ai chịu vào Đảng hết vậy!

Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Hai 202311:58 SA(Xem: 665)
Trời ơi sao chẳng ai chịu vào Đảng hết vậy!
rfa.org

Trời ơi sao chẳng ai chịu vào Đảng hết vậy!

Bình luận của blogger Nguyễn Nhơn

Câu trên là tôi diễn nôm bầu tâm sự của những bí thư chi bộ đảng trên địa bàn dân cư/trường học/doanh nghiệp..v.v. Còn chuẩn chỉnh ngôn ngữ Nhà nước chính thống thì nó là “phát triển Đảng cho người trẻ/đảng viên nữ ở cơ sở/trí thức trẻ/trong thành phần doanh nghiệp ngoài Nhà nước/tại nước ngoài… đang gặp khó”.

Không có con số thống kê chung cho cả Đảng, nhưng đấy là tình hình chung từ độ chục năm nay. Có chi bộ cả năm không kết nạp được đảng viên nào, nhiều chi bộ chỉ kết nạp được tỷ lệ rất thấp so với chỉ tiêu.

Lạ nhỉ? Vào Đảng là vinh dự, “trong bó đũa chọn cột cờ”, đảng viên là tinh hoa của quần chúng. Muốn lên chức, làm lãnh đạo, điều kiện tiên quyết phải là đảng viên. Thế sao người ta lại… đổ đốn ra thế?

“Vào đảng cho trong sạch quần chúng”

Từ trước đến nay, các cơ quan tổ chức Nhà nước luôn có số lượng Đảng viên cao nhất. Lý do rất đơn giản: trong các tổ chức Nhà nước luôn có Đảng bộ, chi bộ, cấp ủy… việc kết nạp đảng viên mới được xem là một nhiệm vụ quan trọng của họ. Vì vậy quy trình phát triển/tiến thân thông thường của công chức tại các cơ quan Nhà nước là:
-Ra trường, vào Nhà nước làm việc.

-Được cấp trên đánh giá tốt về đạo đức (cộng sản), tinh thần làm việc, phẩm chất, giác ngộ cách mạng (ví dụ hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước), không phát ngôn linh tinh “phản động”, không tham gia các nhóm xã hội dân sự hay phản biện giễu cợt chính quyền v.v. Nếu làm tốt chuyên môn thì thêm điểm cộng để có thể được quy hoạch làm cán bộ lãnh đạo.

-Được chi bộ để ý, đề cập vào Đảng. Có đảng viên cũ chịu trách nhiệm giới thiệu, bồi dưỡng trong quá trình phấn đấu vào Đảng.

-Phấn đấu: thể hiện tốt tất cả các mặt nói trên trong một thời gian trọng điểm để có bản đánh giá tốt của người hướng dẫn và chi bộ. Đi học lớp cảm tình Đảng (thực chất là lớp chính trị sơ cấp trong đó nhắc lại và nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng, cộng thêm các tiêu chuẩn làm gương của người đảng viên). Viết đơn xin vào Đảng.

-Kết nạp Đảng. Qua một thời gian là đảng viên dự bị, nếu không có sai sót gì sẽ được công nhận đảng viên chính thức.

Dân tình hay nói đùa (mà thật) “ Vào Đảng cho quần chúng được trong sạch”, nhưng không phải đảng viên nào cũng đều ôm một chí hướng tham nhũng mạnh mẽ. Không ít người giỏi chuyên môn, giỏi quản lý, có chí hướng lý tưởng cống hiến cho dân cho nước … thực sự tự nguyện vào Đảng. Vì chỉ khi là đảng viên họ mới có thể được bổ nhiệm làm các chức vụ lãnh đạo, mới nắm được thực quyền, mới có cơ hội để thực hiện ý chí của mình.

Sau khi thành đảng viên, lăn lộn trong quan trường, chứng kiến cảnh các quan trên nghiêm trang lên tivi giảng dạy về lý tưởng cách mạng và phẩm chất đảng viên xong thì hai tay ôm hai em xinh đẹp lả lơi trong tiệc rượu do doanh nghiệp bỏ tiền chúc mừng, cảnh thản nhiên ngã giá để có hợp đồng, để chạy bản án, chạy chức, cảnh những người trung thực bị đì đến uất ức  … Lúc đó họ còn nhớ mục đích ban đầu của mình khi giơ nắm tay thề trong lễ kết nạp đảng viên hay không thì còn phải xem vào chất liệu cấu tạo nên con người họ, cũng như việc họ xác định giá trị của cuộc sống và thực hành trau dồi phẩm chất cá nhân.

Ở địa bàn dân cư (không phải trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), cũng có người muốn vào Đảng, thậm chí tha thiết vào Đảng. Hầu hết họ là phụ nữ, làm nghề nghiệp tự do hoặc tiểu thương, trước đó đã có ham thích tham gia sinh hoạt xã hội. Vào Đảng, với họ là được nâng hẳn một giá trị lớn cho bản thân: được tham gia sinh hoạt Đảng định kỳ tháng một lần, ngồi cùng bàn với chủ tịch phường, trưởng công an phường, toàn các chức sắc quan trọng ở địa phương, được nghe cán bộ cấp trên về giảng nghị quyết, thông báo những bí mật (nhiều người biết) của Đảng, được mặc áo dài đi dự đại hội Đảng, được tham gia bàn cãi bỏ phiếu này kia, danh giá lắm chứ bộ. Dân thường lấy đâu ra những trang sức ấy?

Về lợi ích trước mắt thì thoải mái ra vô ủy ban phường thường xuyên, được biết trước nhiều thông tin, có nhiều cơ hội thiết lập quan hệ gần gũi với cán bộ các ngành, các cấp. Ít nhất, có chuyện gì dính tới chính quyền cũng được giải quyết dễ dàng hơn dân thường. Tổng lợi ích lâu dài trong đó khó mà nói hết.

Ai có tham vọng, có chút khả năng và biết nhìn sắc mặt còn có cơ phấn đấu lên nhiều vị trí như đại biểu hội đồng nhân dân hay các chức vụ trong phường, mở hẳn ra một con đường làm cán bộ lãnh đạo xán lạn.

Thế nhưng nếu không có mục đích phấn đấu làm lãnh đạo thì vào Đảng mệt mỏi lắm đa.

000_8ZB8AP.jpg
Người bán hàng đi qua lá cờ của Đảng Cộng sản Việt Nam trên phố ở Hà Nội năm 2021. AFP

Đi họp cho mất thời giờ

Đầu tiên là… tiền đâu. Đảng viên đều đều phải đóng đảng phí. Tùy theo bản thân thuộc đối tượng nào (học sinh, sinh viên, làm việc trong doanh nghiệp, trong cơ quan tổ chức nhà nước, chủ doanh nghiệp/cửa hàng, nông dân, ngư dân, tiểu thương, lao động tự do .v.v, hưu trí, người sống bằng bảo hiểm xã hội, đảng viên đi xuất khẩu lao động, đi du học… cũng như sống tại khu vực nào (thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa…v.v), mức đảng phí hàng tháng thấp nhất từ 3.000 đ đến 1% tổng thu nhập hàng tháng. Ở nước ngoài thì từ 1 USD-4 USD.

Vài chục ngàn đồng/tháng, với người thành thị hoặc có thu nhập ổn định có thể không đáng kể, nhưng với người dân sống ở nông thôn hoặc vùng núi khó khăn miền Bắc, miền Trung, hay người lao động tự do… thì khoản tiền đều đều mất đi đó cũng phải cân nhắc kỹ.

Thứ hai, đều đều mỗi tháng phải tham gia họp chi bộ định kỳ, chưa kể các buổi họp bất thường. Mà họp chi bộ toàn nói những chuyện chính trị cao siêu. Như thế giới đang chia làm mấy phe, cộng sản hay tư bản đang thắng thế, Việt Nam trung lập hay chọn phe nào. Người dân phải hết sức cảnh giác với các âm mưu diễn biến hòa bình của địch, các thế lực phản động chống phá đảng nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc. Báo chí phương Tây tung tin nhà nước Việt Nam thiếu dân chủ, tham nhũng nghiêm trọng, pháp luật không nghiêm và không công bằng, đây là sai sự thật, đề nghị các đồng chí quán triệt nghị quyết Đảng để tuyên truyền cho nhân dân đúng đường lối chính sách của Đảng… v.v

Dân thường chỉ quan tâm mưu sinh, kiếm việc làm chính đáng mà có tiền. Rảnh thì tưới cây, chăm gà, xem phim, chả ai hơi đâu quan tâm đến tình hình thế giới, ngồi họp thế vô bổ và mất thời giờ.

“Công nhân làm việc trong khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận có mức lương từ 8 - 10 triệu/tháng. Gia đình có hai vợ chồng đi làm công nhân thì thu nhập sẽ ổn định và cao hơn trồng lúa rất nhiều. Hiện nay, trung bình một sào ruộng chỉ thu được 1 - 2 tạ/thóc. Với một tháng lương, người công nhân mua được cả tấn thóc đảm bảo lương thực cho cả nhà ăn trong một năm. Thế nên thanh niên “ly hương” ngày càng nhiều gây khó khăn trong việc tạo nguồn kết nạp đảng viên mới”-mạng báo Đảng cộng sản Việt Nam viết.

Là vì ly hương thì không có khả năng về địa phương tham gia họp chi bộ tháng một lần theo như điều lệ Đảng. Còn tại doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp thì quan trọng nhất là chuyên môn và thu nhập. Vào Đảng cũng chẳng tăng được đồng nào nên công nhân chả thiết tha.

Đã vậy, đảng viên còn có nhiệm vụ tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chính sách và chủ trương của đảng. Tóm tắt, ở phường và địa bàn dân cư có các việc gì cần (mà không trả tiền) thì đảng viên được yêu cầu làm. Như tham gia hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, mặt trận tổ quốc… đi tuyên truyền vận động chính sách. Vì là nhiệm vụ nên không được trả công, nhưng không được thoái thác. Nếu không, sẽ bị phê bình trong các cuộc họp chi bộ, bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ đảng viên, đảng viên yếu/kém trong cuộc họp kiểm điểm định kỳ hàng năm.

Chị hàng xóm nhà tôi là giảng viên đại học, trước làm phó khoa nên cũng là đảng viên đâu đến cả hai chục năm chứ không ít. Nhưng về hưu xong, tôi thấy chị cứ đi chơi, rảnh thì nấu ăn cho con cháu, về thăm hai bên nội ngoại, rồi viết tài liệu giáo dục cùng mấy nhóm chuyên gia quen biết… Hai nhà sang chơi nhau suốt nhưng chả thấy chị đảng viên tuyên truyền đường lối chính sách gì cho dân thường cả.

Hôm nọ tò mò, tôi hỏi chị có tham gia sinh hoạt đảng ở chi bộ khu phố không. Chị giãy nảy:

-Thôi, mệt! Hồi trước phường cũng đến gợi ý mình mãi. Họ bảo mình nhà giáo nên có thuận lợi làm công tác khuyến học (ở phường). Nhưng mình kiếu. Mình nói khéo bảo sắp tới nhà em vào sống với vợ chồng thằng con cả trong Sài Gòn, không ở đây nữa nên thôi các bác cho phép.

Chị tủm tỉm nói tiếp:

-Làm công tác khuyến học ở phường là gì em biết không? Chủ yếu đi xin tài trợ học bổng đấy. Mình không quen doanh nghiệp, không giỏi ngoại giao, chả làm được đâu. Tránh hẳn cho lành. Với lại mình cũng chả muốn sinh hoạt (đảng) nữa.

Không ít người quen khác của tôi thì chọn giải pháp … “diễn biến hòa bình”. Điều lệ Đảng quy định đảng viên không họp chi bộ/không nộp đảng phí ba tháng trở lên không có lý do chính đáng thì chi bộ xem xét xóa tên. Những đảng viên sống ở thành thị thường chọn cách này.

Lại có những người xin cơ quan y tế chứng nhận sức khỏe yếu để miễn sinh hoạt Đảng.

Kết quả cũng y như làm đơn xin ra khỏi Đảng nhưng êm ái, không ầm ĩ, lại không phải vắt óc nghĩ ra lý do nghe lọt tai (chứ nếu nói thật là tôi chả muốn sinh hoạt đảng nữa vì nó vô bổ hình thức bỏ mẹ đi, thì khéo lại được… nổi tiếng, khó sống!).

-Đảng viên lâu năm được tặng quà, đi khám bệnh ở trung tâm khám sức khỏe cho cán bộ oai phết, khỏi xếp hàng bệnh viện chờ. Chị chả đóng thêm ít lâu nữa để hưởng à, tiếc thế?-Tôi hỏi.

-Khồng! Muốn được mấy cái đấy ít nhất phải đủ 40 năm tuổi Đảng. Mình mới có hai mấy năm, chờ được đến đấy để hưởng vài triệu khéo ngỏm (bà) nó rồi. Mà cũng chả phải Đảng cho mình tiền. Toàn trích từ đảng phí mấy chục năm ròng rã của mình bớt lại tí, chứ họ dại à? –Chị hàng xóm giảng giải.

Ấy, hóa ra là thế!

So với đảng viên sống ở thành thị, đảng viên ở nông thôn khó bỏ sinh hoạt đảng hơn vì địa bàn nhỏ hẹp, chính quyền và công an nắm rõ tình hình từng người. Bỏ sinh hoạt đảng bị xem gần như “chống phá”, “phản động”, họ không dám. Còn bao việc của bản thân và gia đình liên quan đến ký cá, đóng dấu, cấp phép… của chính quyền, nếu bị để ý và xếp loại tư tưởng có vấn đề thì khó sống lắm.

Nhưng nếu thống kê và phân tích xem đã có bao nhiêu đảng viên âm thầm bỏ đảng hoặc sinh hoạt đảng qua quít chiếu lệ, sẽ có bức tranh thật sự đáng quan tâm.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn