Bà Trương Mỹ Lan và hậu quả “bên trọng, bên khinh”

Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Một 20238:00 SA(Xem: 1004)
Bà Trương Mỹ Lan và hậu quả “bên trọng, bên khinh”
rfa.org

Bà Trương Mỹ Lan và hậu quả “bên trọng, bên khinh”

Bình luận của blogger Đồng Phụng Việt

Kết luận điều tra (KLĐT) vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Grroup) liên quan đến bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị VTP Group (1) đang khuấy động dư luận.

Hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam đang khai thác tận tình KLĐT mà công an Việt Nam cung cấp để biểu dương chiến công mới của ngành này: Tìm ra 86 cá nhân đã phạm một hoặc nhiều tội như  “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”, “tham ô tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và đề nghị truy tố họ.

Tuy nhiên nếu chỉ dùng công luận hướng sự chú ý của công chúng vào các viên chức đảm nhận công việc thanh tra – giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì rõ ràng chưa thỏa đáng...

***

Theo KLĐT, sở dĩ bà Trương Mỹ Lan có thể gây thiệt hại vài trăm ngàn tỷ vì có thể lũng đoạn hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Các sai phạm xảy ra tại SCB, dẫn tới thiệt hại đến 500.000 tỷ vì không được ngăn chặn kịp thời.

Trách nhiệm phát hiện – ngăn chặn các sai phạm tại SCB được đổ lên đầu một đoàn thanh tra được thành lập vào tháng 8/2017. Đoàn thanh tra này có 18 thành viên, trong đó chín người là cán bộ của cơ quan Thanh tra – Giám sát thuộc NHNN, bốn người là cán bộ của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ba người của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UB GSTC QG), hai người của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Đoàn này có trách nhiệm “kiểm tra hoạt động cấp tín dụng kể từ 30/6/2014 và thực trạng nợ xấu, kế hoạch tái cơ cấu, các khoản lãi và phí phải thu, đánh giá hoạt động quản trị tại hội sở chính và 12 chi nhánh của SCB”. Việc kiểm tra SCB được chia thành hai đợt.

Cả ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh Thanh tra phụ trách cơ quan Thanh tra – Giám sát của NHNN) lẫn bà Đỗ Thị Nhàn (Cục trưởng Thanh tra – Giám sát, người giữ vai trò Trưởng Đoàn Thanh tra SCB) cùng nhận tiền của bà Lan, nhất trí kiến nghị cho SCB “tái cơ cấu” và đưa SCB ra khỏi diện “kiểm soát đặc biệt”. Nhờ vậy, ông Hưng được bà Lan “biếu” 390.000 Mỹ kim, bà Nhàn được bà Lan “biếu” 5,2 triệu Mỹ kim. Tất cả những thành viên còn lại của Đoàn thanh tra SCB đều được “biếu” tiền. Người nhận ít nhất là 100 triệu, người nhận nhiều nhất là 40.000 Mỹ kim. Tuy 100% thành viên Đoàn thanh tra SCB nhận tiền nhưng chỉ có bà Nhàn bị đề nghị truy tố “nhận hối lộ”, những người còn lại chỉ bị đề nghị truy tố “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (2). 

Đáng lưu ý có bảy người tuy rõ ràng đã “nhận hối lộ” nhưng công an bỏ qua, không truy cứu trách nhiệm hình sự vì “chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, chủ động khai báo về sai phạm, nộp lại tiền đã nhận và tích cực hợp tác điều tra”!

***

Cứ như những gì báo giới Việt Nam đã lược thuật về KLĐT của công an Việt Nam thì rõ ràng việc áp dụng pháp luật đối với các cá nhân từng tham gia Đoàn thanh tra SCB không nhất quán và không thể hiểu vì sao lại thế! Tại sao cùng nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan, cùng tham gia chỉ đạo đổi tình trạng của SCB từ đen thành trắng nhưng hành vi của bà Đỗ Thị Nhàn là “nhận hối lộ” còn hành vi của ông Nguyễn Văn Hưng chỉ là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”? Tại sao cùng nhận tiền và góp phần vào việc đổi tình trạng của SCB từ đen thành trắng dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng lại có bảy cá nhân là cán bộ của TTCP, cán bộ của KTNN, cán bộ của UB GSTC QG được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự?

Chẳng lẽ ông Hưng “cao quý” hơn bà Nhàn nên 390.000 Mỹ kim trở thành quá... nhỏ, không đáng để xem là tiền hối lộ ông Hưng? Chẳng lẽ một số cán bộ của Thanh tra chính phủ, của KTNN, của UB GSTC QG cũng vậy nên không cần truy cứu trách nhiệm hình sự như những thành viên khác trong Đoàn thanh tra SCB? Tương tự, tại sao chỉ đổ trách nhiệm về hậu quả do bà Lan gây ra và thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng của SCB lên đầu một số thành viên Đoàn thanh tra SCB?        

Năm 2012 – thời điểm công an Việt Nam khởi tố vụ án “tham ô tài sản” xảy ra ở Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines (mua ụ nổi đã hết hạn sử dụng với giá 2,3 triệu Mỹ kim rồi nâng lên thành… 19 triệu Mỹ kim, chưa kể còn áp dụng phương thức này trong nhiều dự án đầu tư khác để nâng khống giá trị, chiếm đoạt số tiền tính bằng ngàn tỷ), ông Dương Chí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines) đột nhiên biến mất ngay trước ngày công an thực hiện lệnh bắt. Sau khi bị dẫn độ về Việt Nam, phải ra tòa, trước tòa, ông Dũng khai chính ông Phạm Quý Ngọ – Thượng tướng, Thứ trưởng Công an, Trưởng Ban chuyên án Vinalines gọi điện thoại để khuyên ông bỏ trốn… Ông Dũng còn khai thêm nhiều chuyện động trời khác…

000_Del6274542.jpg
Ông Dương Chí Dũng (giữa) ra tòa ở Hà Nội hôm 16/12/2013. AFP

Chẳng hạn một người tên Tiệp từng giúp bà Trương Mỹ Lan giao cho ông Dũng 20 tỷ để ông Dũng chuyển cho ông Ngọ. Trước toà, ông Dũng khai rất rõ ràng rằng lúc đó, nhân vật tên Tiệp bảo ông Dũng: Anh yên tâm đi, tôi đã gặp và báo cáo với anh Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an - để anh Quang có ý kiến với anh Ngọ và anh Quang sẽ điện cho anh, để anh Ngọ không can thiệp hay gây khó cho doanh nghiệp nữa…

Cũng theo lời ông Dũng: Sau đó ít ngày, tôi có đến thăm gia đình anh Quang. Ngồi ở phòng khách có hai anh em, anh Quang tự nói ra những chuyện đó. Chính anh Quang Bộ trưởng nói ra và tôi cũng báo cáo lại với anh Quang là anh Ngọ có giới thiệu công ty như thế… Anh Quang bảo chú cứ làm đúng nguyên tắc, đúng luật. Chọn đơn vị nào có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín tham gia. Không phải ngại ai can thiệp cả. Ông Dũng còn khai thêm ông từng đưa 30.000 Mỹ kim cho hai sĩ quan của C48 (3)…

Không rõ có phải vì thành khẩn như đã tường thuật hay không mà kết quả chung thẩm vẫn là ông Dương Chí Dũng bị phạt tử hình. Tháng sau (2/2014), ông Phạm Quý Ngọ đột tử (4). Cả đơn tố cáo mà ông Dương Chí Dũng gửi nhiều lãnh đạo đảng, nhà nước sau phiên xử sơ thẩm lẫn lời khai của ông tại phiên xử phúc thẩm chỉ khuấy động dư luận được một thời gian ngắn rồi rơi tõm vào quên lãng. Toàn bộ hệ thống tư pháp, từ Tòa án, Viện Kiểm sát tới Bộ Công an không làm gì cả ngoài chuyện Bộ Công an công bố quyết định khởi tố phóng viên Nguyễn Hùng của BBC (5) vì trong tường thuật về phiên phúc thẩm ông Dũng đã… ám chỉ Thiếu tướng Trần Quang Tiệp – Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trong khi Dũng khai tên người đưa tiền là ‘Tiệc’ (6)…

Tháng 4/2016, ông Trần Đại Quang thôi làm Bộ trưởng Công an để đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tháng 8/2017 giới hữu trách ở Việt Nam quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra hoạt động của SCB từ 30/6/2014. Xin lưu ý bà Trương Mỹ Lan và VTP Group đã nổi tiếng về khả năng “chọc Trời, khuấy nước” từ lâu và từ lâu, công chúng đã thắc mắc tại sao bà Trương Mỹ Lan cũng như VTP Group có thể làm được những chuyện khó tưởng như đã biết.

SCB hình thành từ ba ngân hàng là Sài Gòn, Tín Nghĩa, Đệ Nhất. Bà Lan chỉ có thể sử dụng SCB như công cụ kể từ 2012. Vì sao đề cao “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật” nhưng hệ thống tư pháp lại bỏ qua những lời khai của ông Dương Chí Dũng, không “mở rộng điều tra” như vẫn làm thế? Nếu công an Việt Nam thật sự “chí công vô tư”, thật sự có trách nhiệm trong việc bảo vệ, thực thi pháp luật thì bà Lan có thể lũng đoạn hoạt động của SCB trong mười năm và gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như công an vừa công bố hay không? Chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của các thành viên Đoàn thanh tra SCB có thỏa đáng hay không? Ngành Kiểm sát có trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra – xác định lại trách nhiệm của giới lãnh đạo ngành công an, ít nhất là vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, vì để “sót người, lọt tội” hay vui vẻ truy tố như công an muốn?    

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn