Vì sao các danh họa vẽ thêm ruồi vào những bức tranh hoàn hảo?

Thứ Bảy, 18 Tháng Mười Một 20235:00 SA(Xem: 650)
Vì sao các danh họa vẽ thêm ruồi vào những bức tranh hoàn hảo?

Những con ruồi xuất hiện trong tranh ám chỉ sự tàn lụi, cái chết nhưng đôi khi chỉ là trò đùa của các danh họa.

Từ thời Trung Cổ, ruồi xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật ám chỉ cái chết hoặc sự thối rữa của thể xác và linh hồn. Trong những bức chân dung thời Phục hưng, sự hiện diện của con ruồi tượng trưng cho sự tồn tại ngắn ngủi của con người. Các danh họa muốn gửi gắm ẩn ý rằng trong vũ trụ, cuộc sống của chúng ta không dài hơn loài côn trùng.

Bức "Chân dung người phụ nữ trong gia đình Hofer" với con ruồi đậu trên khăn của nhân vật.
Bức "Chân dung người phụ nữ trong gia đình Hofer" với con ruồi đậu trên khăn của nhân vật.

Một trong những bức tranh có ruồi nổi tiếng là Chân dung người phụ nữ trong gia đình Hofer được vẽ khoảng năm 1470 đang hiện diện ở Phòng trưng bày Quốc gia Anh. Con ruồi đậu trên khăn trùm màu trắng tinh của nhân vật hàm ý rằng cuộc sống của chúng ta, giống như cô gái trong tranh, là vô thường. Bởi vậy, chúng ta phải làm tốt nhất có thể với thời gian mình có.

Khi nói đến thời gian và vĩnh cửu, họa sĩ - nhà thơ William Blake viết:

Không phải tôi là

Một con ruồi giống bạn sao?

Hay không phải bạn là

Một người đàn ông như tôi?

Đôi khi, các họa sĩ vẽ một con ruồi để thu hút sự chú ý, thể hiện bằng thủ thuật “trompe-l'oeil” (đánh lừa thị giác). Họ vẽ con ruồi thật đến mức người xem bức chân dung muốn đuổi nó đi. Họa sĩ người Italy Giorgio Vasari là người viết tiểu sử các nghệ sĩ thời Phục hưng. Vasari kể, họa sĩ Giotto đã trêu giáo viên Cimabue của mình bằng cách thêm một con ruồi trông giống như thật vào bức tranh.

Salvador Dalí được gọi là "chúa ruồi" khi vẽ loài côn trùng này rất nhiều. Trên bức tranh nổi tiếng Ký ức dai dẳng, ông vẽ con ruồi đậu ở mặt đồng hồ. Bức tranh hiện lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York (Mỹ). Họa sĩ người Tây Ban Nha cũng dùng một đàn kiến để biểu thị sự tàn lụi của thời gian và vô thường của cuộc sống.

Nhà côn trùng học Ron Cherry từng đưa ra nhận định về mối liên hệ giữa ruồi với cái chết. Theo đó, tư tưởng thời Phục hưng có xu hướng pha trộn những câu chuyện ngụ ngôn. Ruồi được coi là đại diện cho sức mạnh siêu nhiên, chủ yếu gắn liền với cái ác và sự thối nát, bởi chúng sống nhờ trái cây hỏng và chất hữu cơ mục rữa. Ruồi bị coi là điềm báo của những điều tồi tệ như dịch bệnh và cái chết.

Dưới đây là một số bức tranh có con ruồi xuất hiện:

Họa sĩ Petrus Christus vẽ con ruồi đậu trên gờ trước mặt nhân vật.
Họa sĩ Petrus Christus vẽ con ruồi đậu trên gờ trước mặt nhân vật. Bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Metropolitan ở New York (Mỹ).

Trong bức tranh của Carlo Crivelli, con ruồi đậu trên gờ tường thu hút sự chú ý của nhân vật.
Trong bức tranh của Carlo Crivelli, con ruồi đậu trên gờ tường thu hút sự chú ý của nhân vật.

Tác phẩm của Verena Vickers (trái) và Carlo Crivelli (phải) với con ruồi đậu trên mũ và tường.
Tác phẩm của Verena Vickers (trái) và Carlo Crivelli (phải) với con ruồi đậu trên mũ và tường.

Con ruồi đậu trên chiếc đồng hồ trong bức "Ký ức dai dẳng" của Salvador Dalí.
Con ruồi đậu trên chiếc đồng hồ trong bức "Ký ức dai dẳng" của Salvador Dalí.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn