Vài suy nghĩ trước phiên tòa kỷ lục hôm nay

Thứ Năm, 13 Tháng Bảy 20232:00 CH(Xem: 1802)
Vài suy nghĩ trước phiên tòa kỷ lục hôm nay

rfa.org

Vài suy nghĩ trước phiên tòa kỷ lục hôm nay

Bài bình luận của JB Nguyễn Hữu Vinh

Ngày hôm nay (12/7), tiếp tục phiên tòa xử 54 cán bộ, đảng viên là quan chức quyền lực ở các cơ quan trung ương và các địa phương ở nhiều Bộ, nhiều tỉnh, nhiều Ủy Ban, nhiều Thành phố trong cả nước. Đi cùng với các giám đốc các doanh nghiệp tham gia những chuyến bay mang tên “giải cứu” khi cả đất nước đang khủng hoảng cùng cực trong đại dịch COVID-19.

Thêm chỉ có… 7 lần. Mỗi giờ làm việc nhận hối lộ 16,6 triệu đồng.

Báo chí tha hồ khai thác những điều “được phép khai thác” đã vẽ nên một bức tranh gớm guốc mà nhìn vào đó, người ta có nhiều cảm xúc khác nhau. Những lời khai trước tòa, những chi tiết vụ án, những nét mặt bị cáo, những lời lẽ của quan chức rất hào sảng, rất đạo đức được nhắc lại trên mặt báo. Điển hình có lẽ chỉ cần nêu ví dụ như việc Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Tô Anh Dũng khi nhận tiền doanh nghiệp hối lộ đã nói rằng: “Lần sau đừng đưa tiền nữa”, nhưng, nói chỉ để mà nói, sau đó, Tô Anh Dũng đã nhận tiền thêm chỉ có… 7 lần.

Với 54 bị can được đưa ra trước vành móng ngựa hôm nay, dư luận đồn rầm rĩ rằng: đây chỉ là mấy con tốt thí, con số không thể và không chỉ là chừng đó. Ở đây chỉ là những thanh củi nhỏ thôi, còn những khúc củi lớn khác, hẳn là đã bằng “nhiều biện pháp nghiệp vụ” để tránh bị lộ đợt này. Chẳng hạn, người ta thắc mắc rằng Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, chỉ từ tháng 9/2020 đến tháng 01/2022 tương đương với khoảng 320 ngày làm việc, anh ta đã nhận hối lộ 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng.

Như vậy, tính ra mỗi lần, anh ta nhận hối lộ trung bình 168,4 triệu đồng. Và tính đều cho 320 ngày làm việc, mỗi ngày anh ta nhận hối lộ 133,125 triệu đồng. Và tính trung bình cho mỗi giờ làm việc, anh ta nhận 16,6 triệu đồng.

Thế nhưng, người dân chưa rõ bằng “biện pháp nghiệp vụ” nào, mà Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lại lọt lưới trong vụ này? Vậy ông ta trong sạch, ông ta không biết, hay ông ta không phải chịu trách nhiệm ít nhất là của người đứng đầu? Hay tay Thư ký này nhận được hối lộ thì ăn “Cả giày lẫn tất”?

Vậy cho nên, dư luận nhân dân khẳng định rằng con số, ẩn số chưa phải chỉ có ở đây.

Bằng chứng là chính Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an, tuyên bố với báo chí rằng là con số tiền của thu lợi bất chính qua các vụ “Giải cứu” là hơn 4.000 tỷ với hơn 2.000 chuyến bay. Thế mà ở đây, con số nhận hối lộ chỉ mới có hơn 200 tỷ thì số còn lại đang nằm ở đâu? Ai đang giữ nó?

Với những tình tiết được phép đưa lên mặt báo, người ta đã có thể hình dung được nhiều điều của vụ án và qua đó, người ta có thể hình dung được hệ thống chính trị thể hiện qua các quan chức của chế độ đã thối nát và mục ruống như thế nào.

giải cứu 2.jpeg
Công dân Việt Nam trên một chuyến bay giải cứu từ Vũ Hán, Trung Quốc vè sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh ôm 10/2/2020. AFP

Kỷ lục?

Đây có thể là một phiên tòa chứa nhiều “kỷ lục” trong lịch sử ngành Tòa án Việt Nam. Kỷ lục ở đây không phải là số bị can đứng trước vành móng ngựa hoặc một con số nào đó định tính rõ ràng hay được xét xử nghiêm minh.

Mà ở đây rất có thể đạt kỷ lục ở những mặt khác.

Trong khi cả thế giới đang bằng mọi cách đổ tiền của, tập trung mọi nguồn lực để cứu trợ người dân sinh sống, vượt qua những khó khăn trong đại dịch. Nhiều cuộc cứu trợ, nhiều khoản tiền rất lớn từ các chính phủ trên thế giới đã đổ ra cho mọi người dân giúp họ vượt qua đại dịch. Nhiều tình người, nhiều sự hy sinh của nhiều cá nhân, tập thể, quốc gia trên thế giới được hệ thống truyền thông nâng cao, nêu gương cho cả thế giới thấy rằng dù trong cơn khó khăn, quẫn bách bởi đại dịch lan tràn và nguy hiểm, thì tình người vẫn còn đó, trách nhiệm của những chính phủ, của những quan chức thật sự của dân, do dân và vì dân mặc dù ở đó, họ không cần một khẩu hiệu, một lời tự ca ngợi hoặc một hành động vinh danh hay “tự sướng” nào.

Đó là kỷ lục của sự tàn nhẫn, bất lương của những kẻ lợi dụng dịch bệnh để cướp nốt những đồng tiền cuối cùng trong cơn quẫn bách trước vấn đề sinh tử của người dân.

Đó là những đồng tiền của những người đã bỏ quê hương đất nước, bỏ con dại cái thơ, bỏ chồng con ở lại với cha mẹ già ốm đau để ra nước ngoài bán thân, bán sức lao động, bán mồ hôi máu xương và thậm chí cả nhân phẩm để kiếm mấy đồng bạc gửi về nước, giờ đảng và nhà nước với danh nghĩa “giải cứu” đã đến móc tận đáy túi họ những đồng cắc cuối cùng bằng được.

Đó là những đồng tiền của những học sinh ở xa đất nước vừa đi học vừa đi làm thêm để lo học phí, lo ăn lo ở, tích lũy kiến thức để về xây dựng đất nước. Thế rồi tin lời đảng, lời lãnh đạo rằng “Chẳng có đâu an toàn bằng Việt Nam”, rằng “Nếu cột điện ở Mỹ có chân, nó cũng về Việt Nam” nên đám con cháu, học sinh đã bị lừa đôn đáo kiếm đường về quê hương.

Và đảng đã không tha, vẫn moi của mỗi đứa đủ 500 đola mới được đặt chân lên máy bay.

Đó cũng là những tù nhân ở Malaysia, vì sinh kế, vì biển nhà đã cạn kiệt nguồn sinh vật, bị cấm bởi "bạn vàng" kiếm không ra ăn phải đi biển xa và lạc vào biển của những đất nước lạ như Malaysia để bị bắt giam không ai biết. Đến khi dịch bệnh thân tàn ma dại bị chủ nhà đuổi ra khỏi tù, thì cán bộ của đảng đã kịp thời nặn đủ số tiền hàng ngàn đola của người nhà mới được về đất nước.

Có thể kể đến rất nhiều những trường hợp, những hoàn cảnh thảm thương của người dân Việt khi đảng và nhà nước gia ân “Giải cứu” trong dịch bệnh. Ở đó, hệ thống cán bộ đảng và nhà nước đã nhanh chóng, kịp thời tổ chức ngay lập tức những đường dây hết sức tinh vi, nhằng nhịt từ trung ương đến địa phương để bóp nặn người dân đến tận cùng.

Người ta nói rằng: Giá như những vấn đề quốc kế, dân sinh có lợi cho đời sống người dân, mà đảng và hệ thống cán bộ đảng, cán bộ nhà nước phát huy kịp thời như vậy, thì đâu có tình cảnh đất nước như hiện tại.

Phiên tòa này cũng có thể lập nên kỷ lục mới, đó là sự chứng minh nhanh nhất, rõ nét nhất bản chất của những cán bộ cộng sản, giữa lời nói và việc làm của họ.

Đến đây, hẳn phải nhắc lại một lần nữa của Cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa: “Đừng nghe lời Cộng sản nói, hãy xem việc Cộng sản làm”.

Phiên tòa này cũng là một chứng minh điển hình của sự cạn ráo lương tâm con người không thể biện minh ở những quan chức cộng sản. Những lời khai của các bị can trước tòa khi đi xin giấy phép đã nói lên cái “lề lối làm việc” mà Hồ Chí Minh kêu gọi sửa đổi từ cách đây cả 2/3 thế kỷ. Để đến hôm nay, cách làm việc của cán bộ là quát tháo thẳng thừng rằng “mỗi chuyến bay phải có đủ 10.000 đola nộp vào đây mới nói chuyện”.  

giải cứu 3.jpeg
Ảnh minh họa

Kết quả là gì?

Một “Đại án” được khua chiêng gõ mõ khi khởi tố, công an, lãnh đạo đất nước tưng bừng quảng cáo việc khởi tố này rầm rộ, cứ như là họ bắt được kẻ thù là Đế quốc Mỹ hoặc Thực dân Pháp hay Phát xít Nhật nào đó, (trừ Bạn vàng của đảng) đã gây ra vụ “Giải cứu” này, chứ không phải do hệ thống cán bộ, đảng viên của Đảng đã nhanh chóng lập nên “chiến công” này vậy.

Nhưng kết quả đưa ra được những ai trước tòa hôm nay? Với những kẻ đó, có đủ khả năng vận hành được bộ máy khắp cả nước với hơn 2.000 chuyến bay từ khắp thế giới về Việt Nam?

Và phải chăng, vụ giải cứu này, chỉ xảy ra hối lộ, tiêu cực, chặt chém chỉ có mấy quốc gia loanh quanh Việt Nam thôi, còn từ Châu Âu, châu Mỹ và nhiều nơi khác, người dân bỏ ra hàng chục lần tiền vé mới có một chiếc vé về quê hương thì sao? Ai đã tổ chức những vụ đó?

Và những lời lẽ rằng “kiên quyết, quyết liệt…” được nhắc đi nhắc lại đến mòn cả lưỡi, thì đến nay, mọi sự đã dần rõ ràng. Đó sẽ là kỷ lục của sự dối trá trước mắt của người dân rằng thì là “Không có vùng cấm, không chừa một ai” chỉ là sự lừa bịp hết sức trắng trợn như đã từng trắng trợn xưa nay.

Ở đây, những nạn nhân của hệ thống cán bộ, đảng viên của đảng, là những người dân thấp cổ bé họng, là giai cấp vô sản của đảng. Vậy nên, đây cũng là kỷ lục của việc minh chứng cách rõ ràng những lời tuyên truyền về “đội quân tiên phong của giai cấp công nhân” – một định nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam – chỉ là những sự bịp bợm với những người thiếu hiểu biết để bị lợi dụng mà thôi.

Vấn đề đặt ra, là Tòa cho rằng, số tiền 226 tỷ đồng đưa hối lộ là của doanh nghiệp nên sẽ tịch thu cùng với số tiền quan chức nhận hối lộ đã nôn ra, giờ sẽ đưa vào đâu? Hẳn nhiên là không thể đưa vào Nhà nước. Bởi Nhà nước lấy số tiền đó, khác chi Nhà nước lại đi trấn lột lại của đám trấn lột kia.

Câu hỏi cuối cùng là để bảo đảm công minh, công bằng, thì những nạn nhân đã bị đám cán bộ đảng viên này gây thiệt hại, con số hơn 200.000 người, họ có được đền bù, trả lại tiền đã bị cướp đoạt nhân danh đảng “Giải cứu” mình hay không?

Cứ chờ xem. Nhưng đừng hy vọng.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Sáu, 14 Tháng Bảy 202310:45 SA
Khách
Đãng bây giờ có nhiều giòi , nhiều đến nổi nhốt vô tù không hết, tại sao không đem tẩt cả giòi bọ này nhốt tại Côn Sơn, nơi này đã có sẳng tiện nghi cho chúng.
Thứ Năm, 13 Tháng Bảy 20239:30 CH
Khách
Vì sao họ Tô đua nhau nở rộ trong tất cả chức vịêc cao cấp trong bộ máy nhà nước CS?
Từ từ lộ ra Tô này Bát nọ từ Đảng ra đến chức vịêc :Toàn là Chỗ ngồi ngon xơi ...tiền đều đặn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn