Nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo bị cưỡng hiếp: Ý kiến ‘bất bình, thận trọng’ từ nhiều bên

Bản photocopy tường trình vụ việc ngày 14/4/2000

Nguồn hình ảnh, Facebook nhân vật

Chụp lại hình ảnh,

Bản photocopy tường trình vụ việc ngày 14/4/2000

Nhà thơ Dạ Thảo Phương, đang sống ở Cyprus và là cựu phóng viên của báo Văn Nghệ (trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam), vừa đăng thư ngỏ tối 06/04 tố cáo trực diện Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ Lương Ngọc An về hành vi "cưỡng hiếp" từ năm 2000.

Thư ngỏ trên Facebook được gửi đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ban biên tập báo Văn Nghệ.

Sự kiện chính trong thư tố cáo diễn ra vào ngày 14/4/2000. Theo nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo, khi đó bà bị ông Lương Ngọc An cưỡng hiếp không thành và được nhiều người chứng kiến.

Nói về lý do lại tố cáo vụ việc một lần nữa vào năm 2022 này, mặc dù đã có đơn năm 2000, bà Dạ Thảo Phương viết trong đơn ngày 3/4/2022:

"Gần đây, tôi có theo dõi một số vụ nạn nhân bị xâm hại tình dục đứng ra tố cáo. Đọc những bình luận tiêu cực như làn mưa dao trút xuống họ và người thân, tôi bàng hoàng. Con quỷ là tệ nạn xâm hại tình dục đã cán vụn vỡ cuộc đời của cô gái trẻ là tôi 23 năm trước đến giờ vẫn không ngừng săn đuổi các nạn nhân tiếp theo của nó. Xu hướng tấn công, đổ lỗi cho nạn nhân của một bộ phận thiếu hiểu biết trong xã hội vẫn vô tình dung dưỡng cho con quỷ này, làm nó ngày càng trở nên hung hiểm."

"Thực trạng này cần phải thay đổi. Tôi không muốn có thêm bất cứ nạn nhân nào phải trải qua những nỗi thống khổ tôi từng trải."

Bản tường trình năm 2000, có chữ ký của họa sĩ Nguyễn Lê Tâm, họa sĩ Nguyễn Thành Chương, phóng viên Phong Điệp, phóng viên Nhật Hà...Nguồn hình ảnh, Facebook nhân vật

Chụp lại hình ảnh,

Bản tường trình năm 2000, có chữ ký của họa sĩ Nguyễn Lê Tâm, họa sĩ Nguyễn Thành Chương, phóng viên Phong Điệp, phóng viên Nhật Hà...Bản tường trình năm 2000, có chữ ký của họa sĩ Nguyễn Lê Tâm, họa sĩ Nguyễn Thành Chương, phóng viên Phong Điệp, phóng viên Nhật Hà...

Trong vòng chưa tới 24 giờ, bài đăng trên Facebook cá nhân của Dạ Thảo Phương đã nhận được hơn 35.000 lượt tương tác, hàng ngàn lượt chia sẻ và bình luận.

Cộng đồng mạng đang chia sẻ mạnh mẽ với các hashtag: "#đứngbênPhương" và "#ngưngđổlỗinạnnhân".

Nói với báo Dân Việt, bà Dạ Thảo Phương cho hay: ""Trước mắt, tôi đã gửi qua đường email đến Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay sau đó, anh Nguyễn Quang Thiều cũng đã gọi điện cho tôi chia sẻ với tư cách cá nhân."

Tại Hà Nội, trang Infonet liên hệ ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông Thiều nhắn lại "Hội sẽ sớm có ý kiến".

Cũng trả lời Infonet, ông Lương Ngọc An cho biết "tôi không có ý kiến gì, vì cũng chưa biết việc này sẽ đi đến đâu và làm như thế nào".

"Do đó, cho nên tôi không có ý kiến gì cả," ông Lương Ngọc An nói.

Ông An nói thêm: "Theo quan điểm cá nhân thì những lời viết này không phải đúng hoàn toàn đâu" nhưng "như thế nào thì chưa nói vội", theo Infonet.

Ý kiến một luật sư

Ngày 07/04, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với luật sư Lê Anh Tuấn, về góc nhìn pháp l‎ý của vụ việc.

"Hiếp dâm được quy định là tội đặc biệt nghiêm trọng, theo điều 27 Luật Hình sự thì thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm từ khi xảy ra hành vi phạm tội, nếu xác định được đó là hành vi phạm tội và người đó không bị truy nã."

"Sự việc này mang tính giáo dục và truyền thông nhiều hơn, còn khởi tố trách nhiệm hình sự thì khó như lên trời và gần như không thể làm được."

"Ngay cả khi có kết luận rằng những lời tố cáo đó là có thật, và người bị tố cáo có hành vi phạm tội thì cũng không thể xử lý hình sự họ được mà chỉ bằng các biện pháp khác thôi vì luật là luật mà."

Trả lời câu hỏi về bản tường trình với nhân chứng k‎ý tên có đủ sức nặng hay không, luật sư Lê Anh Tuấn nói những lời khai chỉ là căn cứ một chiều. Những căn cứ vật chất sẽ là cơ sở để cơ quan thẩm quyền xác định xem có hành vi xâm hại tình dục hay không. Nếu những căn cứ vật chất không có hoặc đã mất đi thì chỉ lời khai là không đủ để buộc tội người bị tố cáo.

"Cá nhân tôi chưa gặp một trường hợp nào tương tự. Đối với các vụ việc hiếp dâm, cưỡng dâm đã diễn ra lâu năm thì các nạn nhân cần chuẩn bị những chứng cứ vật chất. Việt Nam có quy định không thể lấy duy nhất lời khai của bị can hoặc bị cáo."

"Việc tố cáo hiếp dâm có nhiều trường hợp khác nhau, bao gồm đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Trường hợp chưa hoàn thành thì khó chứng minh hơn, vì nạn nhân không kịp quay clip chẳng hạn, và đa số là không có nhân chứng vì chỉ một số ít người quấy rối tình dục nơi công cộng, còn đa số các hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm diễn ra chỉ có hai người. Trường hợp đã hoàn thành và để lại dấu vết DNA trên người như vết cào xước trên cơ thể, vết tinh dịch…, thì dễ xử l‎ý hơn."

"Ở Việt Nam vấn đề này còn rất nhạy cảm và nạn nhân rất sợ, e ngại việc tố cáo. Tôi nghĩ sự việc này chắc có uẩn khúc gì đó."

"Tôi ghi nhận và rất đánh giá cao sự dũng cảm của người tố cáo (nhà thơ Dạ Thảo Phương), nhưng thời điểm tố cáo và chứng cứ vật chất rất quan trọng."

Mạng xã hội xôn xao

Mặc dù sau 24 tiếng, chỉ một vài tờ báo chính thống đưa tin về tố cáo, nhưng vụ việc dường như đang gây "chấn động" trong nhiều người, nhất là giới nhà báo và văn nghệ sĩ ở Việt Nam.

Bác sỹ Lê Phương, người nói rằng mình là bác sĩ từng chữa trị tâm lý cho Dạ Thảo Phương, viết: "Tôi tin cô ấy. Vì không ai nói dối thầy thuốc của mình cả. Tôi đã điều trị trầm cảm cho cô ấy trong một thời gian. Và chứng kiến những dằn vặt, đau khổ của cô ấy. Như một thầy thuốc, tôi giữ kín câu chuyện này đến hôm nay. Vì đó là bí mật bất khả tiết lộ của mọi bệnh nhân. Khi cô ấy quyết định đưa vụ việc ra ánh sáng, tôi sẵn sàng ra toà làm chứng về những tổn thương tinh thần mà cô ấy đã chịu đựng - như một bác sĩ."

Ông Hoàng Nguyên Vũ viết: "Nỗi sỉ nhục lớn nhất của làng văn nghệ: Nữ nhà văn tố cáo kẻ cưỡng hiếp cô 23 năm trước tại trụ sở báo Văn nghệ và muôn vàn kẻ còn đi tấn công nạn nhân! Trước nay tôi vẫn nghĩ, giới văn chương với không ít kẻ quen thói bỡn cợt với phụ nữ, với những kiểu đùa vô duyên và không ít sự bẩn bựa, nhưng việc tấn công tình d.c một nữ nhà văn, ngay tại trụ sở làm việc của một tờ báo tập trung các "tinh hoa văn học", là chuyện không thể tưởng tượng nổi."

Nhà báo Đinh Thu Hiền bày tỏ: "Dạ Thảo Phương đã phải trải qua quãng đời trầm cảm, phẫn uất với nhiều lần tự tử bất thành. Nhưng dù nói mọi việc ra muộn vẫn còn hơn không bao giờ. Mình đứng về phía Dạ Thảo Phương trong vụ việc này. Mong Phương đón những tháng ngày bình an phía trước."

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Tố cáo của bà Dạ Thảo Phương đang được chia sẻ nhiều qua Facebook

Nhà báo Hà Quang Minh viết trên Facebook: "Nếu 23 năm trước DTP lên tiếng, chắc chắn rồi kiểu gì chị cũng tìm được công lý. Tôi tin là vậy. Chị có bè bạn đứng bên cạnh mình, không chỉ những người làm chứng như anh Lê Tâm, anh Thành Chương mà còn cả những bạn bè báo chí sẵn sàng cất lên tiếng nói đồng vọng đòi công lý, đủ tạo áp lực để không nén bạc nào đâm toạc được tờ giấy. Tiếc cho 23 năm chấp nhận tủi hờn của DTP nhưng cũng phải cảm ơn chị đã cất lên tiếng nói muộn màng, vì nó sẽ là một tham chiếu hành động cho rất nhiều nạn nhân nữ khác của ngày hôm nay, ngày mai."

Nhà báo, bình luận viên bóng đá Trương Anh Ngọc bày tỏ sự quan tâm: "Mình đọc một số comment ở nhà nhiều người lên tiếng ủng hộ Phương, thấy có bạn nói rằng làm sao có thể đòi công lý được nữa, sau ngần ấy năm. Lại có bạn đặt ra câu hỏi về việc tại sao lâu thế mới lên tiếng. Và có cả những bình luận vô cảm và khả ố theo hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Đọc câu chuyện đời Phương, thấy thương cho chị. Đọc comment nhiều người cũng thấy thương và giận họ khi thiếu đi một trái tim, một sự thấu cảm. Liệu họ có hiểu rằng, chính vì còn những kẻ như họ, với một tư duy như vậy, mà nhiều nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo thủ phạm?... Chúng ta không thể im lặng. Chuyện của Phương không chỉ của riêng Phương, mà cũng là câu chuyện của rất nhiều người phụ nữ khác đã từng bị xâm hại."

Nhà báo Đinh Đức Hoàng nêu quan điểm: "Làm ơn đi, nghĩ kỹ một chút và nhận ra rằng trong đầu mình - ngay cả khi bạn là nữ giới - vẫn còn định kiến giới, vẫn còn cái tư tưởng nhìn phụ nữ từ trên xuống và nghĩ 'cũng phải như nào thì thằng kia mới thế'. Bạn có quyền khách quan, và nói thẳng ra rằng lời tố cáo này với tôi không đáng tin - nó chỉ là cáo buộc - và ủng hộ nguyên tắc suy đoán vô tội cho anh kia. Nhưng khách quan không đồng nghĩa với bình phẩm. Không đồng nghĩa với tấn công nạn nhân."

Tuy nhiên, cũng có những người tỏ ý thận trọng.

Quyên Trần, một Facebooker có nhiều người theo dõi, nói rằng: "Chắc chắn án này mình cũng quan tâm và đứng về phe phụ nữ, nhưng chỉ thắc mắc một điều tại sao một phụ nữ đã trưởng thành mà để cho một thằng cưỡng bức trong suốt nhiều năm được? ... Án này đã hơn 20 năm, thiết nghĩ phải điều tra rõ để không bên nào thiệt hại, vì hiện ai cũng đã có gia đình đàng hoàng, không muốn ai bị oan."

Đến cuối ngày 7/4, báo Văn Nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam chưa cung cấp thông tin hay quan điểm về tố cáo của bà Dạ Thảo Phương.