Robot trẻ em có 6 vẻ mặt giống người thật

Thứ Tư, 02 Tháng Ba 20225:00 CH(Xem: 1637)
Robot trẻ em có 6 vẻ mặt giống người thật

Nhật BảnRobot Nikola có thể thể hiện 6 cảm xúc gồm hạnh phúc, buồn bã, lo sợ, tức giận, ngạc nhiên và chán ghét.

Robot Nikola sử dụng tổng cộng 35 bộ truyền động. Ảnh: RIKEN

Robot Nikola sử dụng tổng cộng 35 bộ truyền động. Ảnh: RIKEN

Mang tên Nikola, chiếc đầu robot trẻ em được tạo bởi một nhóm nhà nghiên cứu trong Dự án robot RIKEN Guardian ở Nhật Bản. Cùng với lớp da bằng silicon linh hoạt giống như da thật, Nikola tích hợp 29 bộ truyền động bằng khí nén điều khiển chuyển động của các cơ nhân tạo bên trong gương mặt. Ngoài ra, robot còn sử dụng 6 bộ truyền động khác để di chuyển đầu và nhãn cầu.

Khi tiến hành nghiên cứu cách con người phản ứng với những biểu cảm khác nhau, gương mặt của chúng ta không thể hiện cảm xúc giống hệt nhau mỗi lần. Đó là lý do các nhà khoa học phát triển đầu robot để thực hiện công việc đó.

Vị trí của bộ truyền động được xác định bằng cách sử dụng Hệ thống giải mã hành động gương mặt (FACS) mô phỏng nhóm cơ được sử dụng để thể hiện cảm xúc cụ thể. Do bộ truyền động hoạt động bằng khí nén, chúng vận hành rất trơn tru và lặng lẽ. Điều này khiến Nikola dường như giống một đứa trẻ thực sự hơn là robot.

Trong thí nghiệm, tình nguyện viên có thể nhận biết chính xác cảm xúc mà Nikola thể hiện dù một số biểu cảm khó đoán hơn các biểu cảm khác. Ví dụ, do da của robot không nhăn như da người thật, biểu cảm chán ghét (trong đó vùng da quanh mũi nhăn lại) của nó khó nhận biết hơn. Nhóm nghiên cứu đang giải quyết những hạn chế đó trong quá trình phát triển thiết bị.

"Trong ngắn hạn, robot hình người như Nikola có thể là công cụ nghiên cứu quan trọng về tâm lý xã hội hoặc thậm chí khoa học thần kinh", trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Wataru Sato, cho biết. "So với con người, robot hình người rất giỏi kiểm soát hành vi và có thể thúc đẩy nghiên cứu tương tác xã hội". Công nghệ cũng có thể được tích hợp vào robot chăm sóc sức khỏe. Sato và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu hôm 4/2 trên tạp chí Frontiers in Psychology.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn