Mưa sao băng Perseid trút xuống Trái Đất

Thứ Tư, 18 Tháng Tám 20217:00 SA(Xem: 1811)
Mưa sao băng Perseid trút xuống Trái Đất

Video quay vào đêm ngày 3 - 4/8 ghi lại khoảnh khắc sao băng, những thiên thạch cực nhỏ bốc cháy trong khí quyển lướt qua camera trong mạng lưới của NASA.

Mưa sao băng Perseid trút xuống Trái Đất

Mưa sao băng Perseid hôm 3 - 4/8. Video: NASA.

Mạng lưới cầu lửa toàn bầu trời bao gồm 17 camera trên khắp nước Mỹ chuyên quét thiên thạch trên bầu trời. Mục tiêu của hệ thống là hỗ trợ bảo vệ tàu vũ trụ dễ bị ảnh hưởng bởi va chạm với các thiên thạch bay ở tốc độ cao qua khí quyển Trái Đất.

Mưa sao băng Perseid đạt đỉnh vào tháng 8 hàng năm từng phá hủy vệ tinh Olympus-1 của châu Âu năm 1993. Đại học Western ở Canada tại London, Ontario là một trong những trường đại học đang tìm cách lập mô hình mưa sao băng này để bảo đảm an toàn cho tàu vũ trụ.

"Thông qua theo dõi và lập mô hình, chúng tôi có thể cung cấp cảnh báo cho các nhà vận hành vệ tinh khi sắp xuất hiện mưa sao băng để họ đổi hướng tàu vũ trụ nhằm giảm tối đa khu vực tiếp xúc theo hướng sao băng di chuyển", giáo sư Peter Brown ở Đại học Western, người thực hiện nghiên cứu về mưa sao băng bằng mạng lưới camera và radar của trường, chia sẻ.

Mưa sao băng Perseid xảy ra khi Trái Đất đi qua vệt đuôi của sao chổi Swift-Tuttle cứ 133 năm lại tiến đến vành trong hệ Mặt Trời (lần gần đây nhất là năm 1992 và lần tiếp theo là năm 2125). Năm nay, mưa sao băng Perseid đạt đỉnh vào đêm 12/8, khi Mặt Trăng giống như lưỡi liềm mỏng trên bầu trời. Dù số lượng sao băng Perseid ở mức trung bình, bầu trời đêm là điều kiện lý tưởng để quan sát hiện tượng nổi tiếng với nhiều cầu lửa như NASA ghi lại hồi đầu tháng. Chuyên gia về thiên thạch Bill Cooke của NASA cho biết người xem có thể trông thấy 100 sao băng Perseid mỗi giờ.

Các sao băng dường như đến từ chòm sao Perseus, ở gần chòm sao Bắc Đẩu trên bầu trời. Chúng tương đối dễ quan sát ở gần như mọi nơi và đôi khi xuất hiện thường xuyên tới mức rơi chỉ cách nhau vài phút.

Khi sao băng Perseid tiến vào khí quyển ở tốc độ 60 km/giây, nhanh gấp khoảng 30 lần máy bay tiêm kích F-35, những sao băng lớn cỡ vài milimet phát sáng khi va chạm với phân tử trong khí quyển. Đó là do các hạt tích điện electron bị tách khỏi nguyên tử trong khí quyển Trái Đất trong quá trình va chạm, theo Denis Vida, trưởng nhóm dự án Mạng lưới sao băng toàn cầu. Mạng lưới này bao gồm hơn 450 camera do những chuyên gia và nhà thiên văn học nghiệp dư ở 23 nước vận hành.

An Khang (Theo Space)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn