Vụ « lừa đảo » táo bạo nhất trong lịch sử văn học Pháp

Thứ Ba, 02 Tháng Giêng 20241:29 CH(Xem: 838)
Vụ « lừa đảo » táo bạo nhất trong lịch sử văn học Pháp

Trong lịch sử 120 năm Giải thưởng văn học Goncourt, Romain Gary là cây bút duy nhất 2 lần được xướng tên trên bảng vàng dưới tên 2 tác giả khác nhau. Đối với tác giả Lời hứa lúc bình minh-La Promesse de l’Aube, đánh lừa được ban giám khảo, qua mặt được những ngòi bút phê bình sắc bén nhất và đặc biệt là trước các cuộc săn lùng của báo giới, giữ được bí mật trong nhiều năm về nhân vật nhà văn Emile Ajar là một trò giải trí thú vị.

« Giải Goncourt năm 1975, sau 8 vòng bỏ phiếu, được trao tặng cho nhà văn Emile Ajar với tác phẩm La Vie Devant Soi -Cuộc đời ở trước mặt ».  

Emile Ajar là ai ? Ông đã viết bao nhiêu cuốn tiểu thuyết và tại sao ít thấy hình ảnh của nhà văn này trên các mặt báo ? Emile Ajar không xuất hiện và cũng không mấy khi phát biểu trước công chúng. Nhân vật bí ẩn này lại càng gây nên cơn sốt khi ông từ chối giải thưởng và lại càng tạo nên sự tò mò trong công luận.

Một giải thưởng « thật » một nhà văn « ảo »  

Đương nhiên có nhiều tiếng nói bênh vực cho Ajar như một nhà bình luận thời đó, vì quá hào hứng với tác phẩm Cuộc đời ở trước mặt, mà đã không ngần ngại tuyên bố « ngay cả trong trường hợp Emile Ajar không phải là con người bằng xương bằng thịt thì điều đó cũng chẳng hề hấn gì ».

Nhưng hơn 50 năm về trước, khi chưa có thư điện tử và các cuộc trao đổi « ảo » qua trực tuyến truyền hình, nhà xuất bản và tác giả luôn phải trực tiếp là việc với nhau trước khi cho in sách. Vậy không lẽ nhà xuất bản Gallimard không hay biết gì hơn về nhân vật Emile Ajar ? Tài liệu lưu trữ của viện INA cho thấy, bà Simone Gallimard đã rất hào hứng chia sẻ cảm nghĩ khi hay tin một trong những tác giả cộng tác với nhà in nổi tiếng này đoạt giải thưởng Goncourt :

 « Đây là một vinh dự lớn. Một trong những ngày đẹp nhất trong đời đối với mỗi nhà xuất bản. Khó diễn tả được tâm trạng của mọi người ».

Chủ nhà xuất bản sách Gallimard, bà Simone Gallimard đã được Emile Ajar tiếp ở nước ngoài. Bà rất hào hứng khi hay tin Emile Ajar đoạt giải văn học Goncourt năm 1975, và đây là tác phẩm thứ nhì của một người cầm bút  « vô danh tiểu tốt » trên văn đàn Pháp.

Hơn một năm trước đó, Ajar ra mắt độc giả cuốn tiểu thuyết đầu tay Gros Câlin- xin được tạm dịch là Ôm nhau thật chặt, nhưng một nhà xuất bản lớn thời đó như Gallimard đã từ chối đánh cược vào một nhà văn còn chưa thành danh.

Và những bí mật chung quanh huyền thoại Ajar

Công luận bằng lòng với một số lời đồn đoán rằng Emile Ajar « được phỏng đoán sống mãi tận châu Mỹ Latinh », ông bận rộn và nhút nhát và « hình như » có chút liên hệ họ hàng với một nhà văn nổi tiếng của Pháp là Romain Gary… Ajar là bút danh của Paul Pavlowitch, một người cháu họ, gọi Romain Gary là cậu.

1001 câu hỏi không có lời giải đáp chung quanh nhân vật Emile Ajar đã đẩy hàng trăm nhà báo và phóng viên ảnh vào một cuộc săn lùng thông tin. Họ túc trực dưới chung cư nơi Romain Gary cư ngụ, hay hỏi thẳng giải Goncourt năm 1956 ông nghĩ gì về trò chơi ú tim của nhà văn Emile Ajar với công chúng.

Với kinh nghiệm của người đi trước, (năm 1956 Romain Gary từng đi vào lịch sử Goncourt với tắc phẩm Les Racines du Ciel -Cội Rễ của Trời) tác giả cuốn Lời hứa lúc bình minh cho biết ông thông cảm với Ajar và hiểu vì sao người cháu của mình muốn ẩn dật trong bóng tối :

« Nổi tiếng đến một mức độ nào đó, người ta bị giam hãm trong hình ảnh của chính mình như một tù nhân ». 

Khi đượchỏi ông đánh giá thế nào về cậu cháu đi theo sự nghiệp của mình Romain Gary đã rất bình thản dành cho Emile Ajar những lời lẽ đầy thân ái :

« Cậu ta rất dễ mến, rất nhẹ nhàng và dễ mến hơn chúng ta thường nghĩ. Tất cả những gì tôi cầu mong là anh ấy sẽ tiếp tục sáng tác, viết văn ».

Phải đợi đến ngày Romain Gary qua đời, ông tự sát ngày 02/12/1980 tại Paris, sự thật về Emile Ajar mới được phơi bày ra ánh sáng.

Tháng 7/1981 Gallimard cho ra mắt độc giả cuốn Vie et Mort d’Emile Ajar -Cuộc đời và cái chết của Emile Ajar, từ ban giám khảo Concourt đến các nhà phê bình văn học Pháp và độc giả mới biết là họ đã bị « lừa gạt ».

Tàn cuộc chơi

Trong một chương trình truyền hình năm 1981 Paul Pavlowitch tự thú ông đã được người cậu là Romain Gary tuyển để nhập vai Emile Ajar :

« Theo tôi ông ấy muốn phá một kỷ lục, muốn tung một đòn thật mạnh. Tôi không thể biết rằng ý tưởng đã hình thành như thế nào trong đầu của Romain Gary. Ông là người rất thầm kín. Tôi thấy ý tưởng này rất buồn cười và do từng là độc giả của Gary, tôi thú vị vào vai mà ông giao phó » … (TOM)

Ngoài sự nghiệp viết văn, Romain Gary còn một phi công lái máy bay, một vị anh hùng tham gia kháng chiến trong Thế Chiến Thứ Hai, một nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp (từng làm việc tại Thụy Sĩ, Bulgari, Los Angeles, New York hay Luân Đôn, La Paz… ).

Vậy Romain Gary đã dựng nên nhân vật Emile Ajar như thế nào ?

Tháng 2/2023 Paul Pavlowitch, nay đã ngoài 80 tuổi, tiết lộ thêm nhiều chi tiết về vụ « lừa đảo » lớn nhất trong lịch sử văn học Pháp này trong cuốn Tous Immortels -  Tất cả đều bất tử  -Nhà xuất bản Buchet-Chastel.

Pavlowitch trở lại với « trò giải trí » hay đúng hơn là cái « bẫy » mà Romain Gary đã giăng ra để « đánh lừa » thiên hạ, để lột mặt nạ những nhà phê bình tự vỗ ngực là « không gì qua nổi những cặp mắt cú vọ và tinh đời của họ ». Paul Pavlowitch hoàn toàn ý thức được ông là công cụ để Romain Gary tạo ra nhân vật Emile Ajar.

Các nhà phê bình văn học không biết đọc, không biết nhận ra văn phong của Gary 

Romain Gary mượn bút danh Emile Ajar để chứng minh là các nhà phê bình lỗi lạc nhất Paris thời bấy giờ, « không biết đọc, không biết nhận ra văn phong của Gary ».

Trong trò chơi « đùa với lửa » thiếu chút nữa thì Romain Gary đã bị « lật tẩy » vì một sơ sót rất nhỏ. Trong bản thảo, ông đặt tên cho cuốn tiểu thuyết thứ nhì ký tên Emile Ajar là La tendresse des pierres-Sự dịu dàng của đá. Nhưng khi đưa cho Paul Pavlowitch đọc lại, thì vợ của Paul là Annie đã phát hiện ra rằng, trong một sáng tác trước đây (Adieu Gary Cooper -Vĩnh biệt Gary Cooper) Romain Gary từng nói đến « sự dịu dàng của đá ». Thế là cặp bài trùng Gary-Pavlowitch đã phải đổi tên cuốn sách, thay thế Sự dịu dàng của đá bằng Cuộc đời ở trước mặt.

Một kịch bản và một vai diễn hoàn hảo 

Về phần Paul, ông được cậu mình giao cho một vai diễn. Thư từ của Paul với nhà xuất bản, mỗi phát biểu của ông với báo chí hay với ban giám khảo giải thưởng văn học Gonccourt đều là những lời thoại đã được Romain Gary biên soạn sẵn. Paul Pavlovitch trong vai nhà văn Emile Ajar trong những lần xuất hiện hiếm hoi và « bất đắc dĩ » được « đạo diễn Romain Gary » hướng dẫn cho từ cách ăn mặc đến lời ăn tiếng nói cho phù hợp với phong cách của một Emile Ajar « như trong óc tưởng tượng của Romain Gary ».

Họ lén lút hẹn nhau vào ban đêm, họ sử dụng giấy tờ giả, và Paul thường phải học « thuộc bài » nhỡ khi ông bị phỏng vấn bất ngờ ….

Giải văn học Goncourt năm 1975 đặt cậu cháu nhà Gary/Pavlowitch trong thế « tiến thoái lưỡng nan ». Emile Ajar « bị đem ra trước ánh sáng đèn màu của sân khấu » còn Romain Gary vẫn nấp sau hậu trường để điều khiển tất cả với một mục đích  duy nhất : làm thế nào để giữ kín « bí mật » bởi nếu bị « lật tẩy » thì coi như Romain Gary mất hết chữ « tín » mà ông cả đời đã gầy dựng để xứng đáng với những hy sinh tột cùng của người mẹ quá cố.

Những năm tháng còn lại, Romain Gary sống trong sự hồi hộp và lo sợ như một nhà gián điệp hai mang, sợ bị « lộ ».

Romain Gary tên thật là Roman Kacew một người Do Thái sinh ra tại Vilnius, Litva năm 1914. Bố bỏ nhà đi sớm. Hai mẹ con lưu lạc sang Ba Lan, nhưng với Mina mẹ của Roman thì Pháp mới là miền đất hứa. Bà cam chịu tất cả nuôi con ăn học. 15 tuổi, Roman và mẹ định cư hẳn ở Nice, miền nam nước Pháp.

Năm 1935 ông vào quốc tịch Pháp và gia nhập trường Không Quân ở Salon de Provence, rồi trường đào tạo sĩ quan Không Quân. Là một phi công trong Thế Chiến Thứ Hai, Roman Kacew hoạt động tại Bắc Phi và Trung Đông. Ông sớm tham gia phong trào kháng chiến của tướng de Gaulle giải phóng nước Pháp khỏi ách Đức Quốc Xã và bắt đầu viết văn từ cuối thập niên 1930, lấy bút hiệu là Romain Gary. 

Rất ngưỡng mộ tướng de Gaulle và cũng từng được chính lãnh đạo phong trào Nước Pháp Tự Do nâng đỡ, Romain Gary đã soạn tác phẩm Cội Rễ của Trời khi ông được đề cử đại diện cho Pháp tại Liên Hiệp Quốc. Tháng 11/1956 đang công tác tại thủ đô Bolivia, từ La Paz, Romain Gary nhận được tin ông đoạt giải văn học Goncourt năm đó với tác phẩm này.

Trong thập niên 1960 công tác tại Los Angeles, ông có dịp làm quen và chinh phục trái tim của nữ diễn viên người Mỹ Jean Seberg. Cuộc hôn nhân tuy ngắn ngủi nhưng Romain Gary không thể quên đi hình ảnh của cô tiên tóc vàng. Họ chính thức chia tay nhau năm 1963. Dù vẫn ở trên đỉnh cao danh vọng Romain cần lấp chỗ trống mà Jean để lại. Đó có thể là một trong những chìa khóa giải mã vì sao Gary đã sáng tác rất nhiều dưới nhiều bút hiệu khác nhau để đánh lạc hướng công luận … nhưng rồi ông vẫn bị « lộ », ngoại trừ khi cùng với người cháu là Paul Pavlowitch soạn kịch bản quá hoàn hảo cho nhân vật của nhà văn Emile Ajar.

Cần phải có được một nhà đạo diễn giỏi, một nhà viết kịch bản độc đáo và một diễn viên tài hoa để có được một bộ phim, một vở kịch hay. Có thể xem « vụ lừa đảo » mang tên cậu cháu nhà Romain Gary/Paul Pavlowitch là một tác phẩm xuất chúng.

Ý kiến bạn đọc
Thứ Ba, 02 Tháng Giêng 202410:41 CH
Khách
Cho đáng đời những thằng hơm hĩnh luôn tự xem mình là đỉnh cao của nhân loại ... Hahaaaa, ... Những tên phê bình văn học của Pháp cũng tựa những thằng viết báo của Mỹ ngày nay,chúng là một lũ NGỢM.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn