Huỳnh Chí Viễn - Sài Gòn trong ký ức của một 8x đời đầu

Thứ Sáu, 17 Tháng Mười Một 20234:00 SA(Xem: 727)
Huỳnh Chí Viễn - Sài Gòn trong ký ức của một 8x đời đầu

08

Tôi sinh ra ở Sài Gòn năm 1981 và lớn lên ở Sài Gòn cho tới ngày tôi đi du học ở Mỹ năm 2001. Từ năm 2007 tôi về lại Việt Nam và tiếp tục sống và làm việc ở Sài Gòn cho tới ngày nay.

Ngoại trừ 6 năm đi học ở Mỹ, toàn bộ thời gian của tôi đều ở Sài Gòn nên tôi có thể tự hào rằng mình một “người Sài Gòn” chính hiệu. Tôi có may mắn được chứng kiến và trải nghiệm những giai đoạn khác nhau - Sài Gòn từ thời bao cấp của những năm 1980, cho tới sự thay da đổi thịt của Sài Gòn thời mở cửa trong thập niên 1990, và Sài Gòn ngày nay.

Đối với tôi Sài Gòn ở giai đoạn nào cũng đẹp với những ký ức và kỷ niệm khác nhau. Nhưng có lẽ giai đoạn có nhiều kỷ niệm khó phai nhất đối với tôi là 20 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì đó là những năm tháng của tuổi ấu thơ và tuổi thiếu niên, khoảng thời gian con người vẫn còn vô tư, chưa phải suy nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền và những lo toan bề bộn khác trong cuộc sống. 

Ngày còn nhỏ, tôi khoái nhất là được người lớn “dẫn đi Sài Gòn” chơi vì “Sài Gòn” có vô số thứ hấp dẫn. “Sài Gòn” thời đó là cách gọi khu vực trung tâm thành phố như quận 1 và quận 3, để phân biệt với Chợ Lớn là khu vực người Hoa sinh sống bao gồm quận 5, quận 11 và quận 6. Còn những quận như Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh hay Phú Nhuận là những quận vùng ven.

Đối với tôi hồi đó, quận 4, quận 6, quận 7 và quận 8 nghe xa lạ như những tỉnh xa chứ không thuộc cùng một thành phố quận, vì tôi chỉ nghe người lớn nhắc tới chứ chưa bao giờ đặt chân đến. Còn quận Bình Tân, Tân Phú, quận 2 và quận 9 vẫn còn chưa có mặt trên bản đồ thành phố. Tới tận ngày nay, tôi vẫn quen với cách nói “đi Sài Gòn” mỗi lần có việc vào vào trung tâm thành phố mà quên rằng mình đang ở Sài Gòn chứ đâu có ở tỉnh lên.

Tôi lúc nhỏ sống ở nhà bà ngoại trên đường Phan Đình Phùng quận Phú Nhuận nối với đường Hai Bà Trưng của quận 1 bằng cầu Kiệu, bên dưới là con kênh Nhiêu Lộc nước đen ngòm hôi thối. Đối với một đứa trẻ như tôi, cầu Kiệu là ranh giới giữa một Phú Nhuận buồn tẻ hay cúp điện vào buổi tối, và một Sài Gòn lộng lẫy luôn lung linh ánh đèn màu.

Hồi đó, tôi luôn có một suy nghĩ mặc định rằng những ai sống ở Tân Định trở ra trung tâm Sài Gòn đều là những người giàu có, còn từ Phú Nhuận đi ngược về Gò Vấp, Bà Chiểu hay Tân Bình là những người nghèo. Cũng đúng thôi vì từ Tân Định trở ra trung tâm đường xá rộng rãi, trải nhựa láng o và xe cộ tấp nập chứ không nhỏ và đầy ổ gà ổ voi như từ Phú Nhuận trở về Tân Bình hay Gò Vấp.

Nhà cửa ở “Sài Gòn” hầu hết đều khang trang, đẹp đẽ và có rất nhiều nhà lầu chứ không cũ kỹ, nhỏ xíu, thấp lè tè như khu tôi ở. Ở “Sài Gòn” còn có nhiều cửa hàng bách hóa, rạp xi nê, nhà hàng sang trọng với bảng hiệu gắn đèn đủ màu chớp tắt huyền ảo và dường như không bao giờ cúp điện, khác hẳn với khu Phú Nhuận buồn tẻ một tuần cúp điện hết 3-4 buổi tối. Vì vậy lúc đó, tôi đã “hạ quyết tâm” sau này lớn làm có tiền sẽ mua nhà ở “Sài Gòn” để sống chứ không sống ở bất cứ khu vực nào khác.

“Sài Gòn” trong mắt một đứa trẻ chưa vào lớp một gần như là một xứ sở thần tiên trong các câu chuyện cổ tích. Cũng đúng thôi vì “Sài Gòn” trong tôi có Hồ Con Rùa với những quán kem ngon tuyệt quanh bờ hồ, là Nhà Thờ Đức Bà thật hoành tráng như một tòa lâu đài với những người bán thiệp Giáng Sinh hai bên đường, và Dinh Độc Lập nguy nga tráng lệ như cung điện của vua ở. Đi Sài Gòn là được vô Bưu Điện Thành Phố có chiếc đồng hồ rất to treo phía trước, là được đi Sở Thú để coi thú, và được ghé vô nhà sách Xuân Thu hay nhà sách Lê Lợi sang trọng, có bán sách ngoại văn giấy láng thơm phức và in hình màu rất đẹp, khác hẳn với những nhà sách nhỏ xíu ở Phú Nhuận bán toàn sách giấy đen thui và chữ mờ câm.

Đi Sài Gòn là được ngắm những ông Tây bà đầm Liên Xô cao lớn, tóc vàng đi mua đồ lưu niệm ở các kiosque trên đại lộ Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Hồi đó dì tôi là giáo viên dạy tiếng Nga ở trường cấp 2, nên mỗi lần thấy mấy ông bà “tây” Liên Xô ở Sài Gòn, tôi đều đòi dì tôi dạy tiếng Nga để tôi sau này có thể nói chuyện với họ. Ai ngờ là tới khi tôi vào cấp 2 thì không còn người Liên Xô ở Việt Nam, và môn tiếng Nga cũng bị loại ra khỏi chương trình ngoại ngữ của trường trung học.

Đi “Sài Gòn” nhất định phải ghé cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp (tên cũ của thương xá Tax thập niên 1980), nơi được xem là trung tâm thương mại lớn nhất của cả thành phố và thậm chí là cả nước lúc bấy giờ, mặc dù các mặt hàng đều được cất trong tủ kính có khóa chứ không trưng bày trên kệ để khách hàng thoải mái lựa chọn như bây giờ.

Những năm 1980, hàng hóa bán ở cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp chủ yếu là sản phẩm của các công ty quốc doanh hoặc nhập khẩu từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa như vải, quần áo may sẵn, đồ nhựa gia dụng… hoặc đồ kim khí điện máy gia dụng như bàn ủi, phích nước, đài radio, xe đạp… chứ không có gì đặc biệt. Một trong những ấn tượng của tôi về thương xá Tax là có một bà già bán bánh chuối nướng ngồi dưới cầu thang con gà nổi tiếng. Món bánh chuối gồm những miếng chuối sấy khô và cán mỏng như tờ giấy bây giờ hình như cũng đã tuyệt chủng ở Sài Gòn lâu lắm rồi.

Ký ức của tôi khu trung tâm thương mại này trong thập niên 1980 tuy không rõ ràng lắm vì đã ba mươi mấy năm trôi qua. Nhưng đối với một đứa trẻ, gian hàng hấp dẫn nhất vẫn là những quầy bán đồ chơi trẻ em ở tầng trệt treo đầy những con búp bê bằng nhựa quốc doanh và những khẩu súng AK bằng nhựa, một trong những món đồ chơi phổ biến của các bé trai thời bấy giờ. Nhưng sang đến thập niên 1990, thương xá Tax lại có nhiều kỷ niệm với tôi vì mẹ tôi từng có một sạp bán vải và quần áo ở tầng 3 của thương xá nên tôi thường xuyên ra đó chơi. Đó là thời thương xá Tax lấy lại cái tên cũ thay cho cái tên “cửa hàng Bách Hóa Tổng Hợp” và cho tiểu thương tư nhân thuê để tự do buôn bán đủ loại mặt hàng từ điện máy gia dụng cao cấp, đồng hồ, băng đĩa nhạc, vải vóc cho tới đồ mỹ nghệ dành cho du khách nước ngoài …

Hồi học cấp 3 và đại học, mỗi khi có dư ít tiền tiêu vặt, tôi lại đạp xe ra thương xá Tax để tìm mua những đĩa CD mình yêu thích. Tiếc là từ năm 2016 trở đi, thương xá Tax đã bị đập bỏ trong dự án xây hệ thống metro của thành phố, để lại bao tiếc nuối cho người dân Sài Gòn. Bây giờ mỗi lần đi ngang qua mảnh đất trống được rào lại nơi thương xá Tax lừng danh một thời từng tồn tại, tôi lại cảm thấy buồn vô cùng. Cho dù sau này người ta có xây dựng một khu trung tâm thương mại lớn hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn thì một phần ký ức tươi đẹp của tuổi thơ cũng như của nhiều người Sài Gòn đã vĩnh viễn mất đi, không thể bù đắp được.

Nhắc tới Sài Gòn mà không nhắc tới bến Bạch Đằng nơi có tượng Đức Thánh Trần uy dũng chỉ tay ra bờ sông thì quả là một thiếu sót lớn. Ngày còn nhỏ, tôi cứ đinh ninh rằng đây là bến Bạch Đằng trong lịch sử, nơi Ngô Quyền và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng đóng cọc để giết giặc phương Bắc. Bến Bạch Đằng những năm 1980 có rất nhiều người câu cá. Hồi đó, thỉnh thoảng ba tôi lại chở tôi ra Bến Bạch Đằng trên chiếc xe Mobylette “vừa đi vừa lết” để xem người ta câu cá và ngắm tàu chạy trên sông.

Nhờ những lần đi như vậy, tôi mới biết được sự khác biệt của cần câu máy và cần câu tre như thế nào, biết được cách móc mồi vào lưỡi câu, cách nhìn phao để biết bên dưới có cá cắn câu hay không và cách gỡ cá ra khỏi lưỡi câu.  Ba tôi cũng giải thích cho tôi nghe về nguyên lý hoạt động của chân vịt của tàu cũng như tại sao những chiếc ghe trên sông lại vẽ hai con mắt ở mũi tàu. Thỉnh thoảng, ba tôi mua vé phà Thủ Thiêm để dẫn tôi lên phà đi từ bên này sông Sài Gòn sang bên kia rồi quay về để đón gió sông lồng lộng và nhìn những dãy lục bình trôi trên sông nước.

Sang đến thập niên 1990, Bến Bạch Đằng còn là nơi ngắm khách sạn nổi khổng lồ trên sông Sài Gòn, một trong những khách sạn nổi hiện đại và sang trọng nhất thế giới thời bấy giờ. Hồi đó tôi ước gì mình được lên đó tham quan cho biết một lần nhưng ước mơ này không bao giờ trở thành hiện thực vì tới năm 1997, khách sạn nổi này đã nhổ neo rời khỏi Bến Bạch Đằng để trở về Singapore nơi nó bắt đầu một cuộc hành trình mới.   

Sài Gòn từ năm 2007 trở về sau đối với tôi có nhiều thay đổi, vì tôi có một khoảng thời gian đến 6 năm không sống ở Sài Gòn. Nhiều lúc đi trên những con đường thân quen, muốn tìm lại một chút kỷ niệm xưa ở một góc phố hay bóng cây nào đó, tôi lại cảm thấy vừa quen vừa lạ. Có những sự thay đổi là cần thiết, nhưng cũng có nhiều sự thay đổi là vô ích và thậm chí là hủy hoại nét đẹp vốn có của Sài Gòn. Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao người ta lại muốn thay đổi những thứ vốn dĩ đã trở thành biểu tượng của Sài Gòn bằng những cái mới không cần thiết. Những thành phố lớn hiện đại bậc nhất trên thế giới đâu nhất thiết phải dẹp bỏ cho bằng hết những kiến trúc hoặc biểu tượng cũ để làm mới hoàn toàn.    

Sài Gòn ngày tôi còn nhỏ không khí trong lành hơn bây giờ rất nhiều vì xe cộ không quá đông đúc, và quan trọng nhất là những con đường thời đó vẫn còn rợp bóng những hàng cây cổ thụ xanh mát có tuổi đời hàng trăm năm. Mỗi lần đi trên đường Tôn Đức Thắng ngày nay, tôi như chết lặng khi những hàng cổ thụ thân thương chạy dài từ bến Bạch Đằng tới ngã tư Lê Duẩn-Đinh Tiên Hoàng bị đốn trụi, khiến con đường không còn một bóng râm. Mất đi những hàng cây cổ thụ, con đường Tôn Đức Thắng trơ trọi và xa lạ như một hoang mạc, với những tòa nhà bê tông khô khốc và lạc lõng khiến nhiều lúc tôi phải dừng xe lại nhìn xung quanh để chắc chắn rằng mình không đi sai đường.

Mà đâu chỉ có những hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng mới bị đốn bỏ? Công viên Chi Lăng với những ngọn đồi xanh um rợp bóng cây trên đường Đồng Khởi giờ đây đã bị thay thế bằng tòa nhà thương mại Vincom tuy hiện đại nhưng vô hồn. Hai khu du lịch xanh Hồ Kỳ Hòa 1 và 2 gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 8x-9x Sài Gòn ngày nay đã biến thành khu phức hợp nhà hàng tiệc cưới và khu ẩm thực không còn một bóng cây. Chưa hết, nguyên một mảng xanh của Thảo Cầm Viên Sài Gòn xưa đã bị giải tỏa để xây chung cư cao cấp khi làm đường Nguyễn Hữu Cảnh. Cũng may là công viên Tao Đàn và Thảo Cầm Viên vẫn còn chưa bị xóa sổ khỏi bản đồ thành phố.

Nhiều lần tôi tự hỏi, những nhà quy hoạch đô thị mới đã nghĩ gì và nhân danh điều gì khi nhẫn tâm chặt bỏ những hàng cây xanh vô giá, lá phổi tự nhiên và cũng là những di sản văn hóa vô giá của thành phố, để bê tông hóa Sài Gòn. Còn đối với tôi đó là một tội ác mà người chịu hậu quả chính là những người dân Sài Gòn. Thời tôi còn nhỏ, những buổi trưa Sài Gòn tuy nóng vẫn dễ chịu hơn bây giờ rất nhiều, nhờ những hàng cây xanh che bóng mát hai bên đường. Còn bây giờ đi trong những cánh rừng bê tông cốt thép” vào những buổi trưa, cái nắng cháy da phỏng trán hắt từ những cửa kính của các cao ốc hai bên đường xuống mặt đường nhựa như chỉ muốn đốt cháy mọi người và mọi vật bên dưới.

Ngày trước Sài Gòn những buổi sáng sớm hoặc sau những cơn mưa trời, khí trời rất mát mẻ, trong lành và đầy mùi cỏ tươi đẫm nước. Ngày nay, sau những cơn mưa, khí trời nóng hầm hập như trùm mền và mặt đất xông lên một thứ mùi hăng hăng rất khó chịu, chỉ cần ngửi thôi đã thấy choáng váng.

Ngay cả những đô thị hiện đại bậc nhất như Singapore vẫn chủ trương “xanh hóa” thành phố bằng cách trồng rừng trong thành phố thì ở Sài Gòn và Hà Nội, những hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm bị đốn bỏ không thương tiếc nhường chỗ cho “những cánh rừng bê tông cốt thép”. Nếu bảo làm điều này để đổi lấy sự hiện đại hóa thì sự đánh đổi này có đáng không?

Cho dù hỏi tôi một trăm lần, một ngàn lần thì câu trả lời của tôi vẫn là: “Không, không đáng một chút nào!’’ Chúng ta đã phạm phải một sai lầm lớn, cái giá mà con cháu đời sau chúng ta phải trả là vô cùng đắt.

HUỲNH CHÍ VIỄN 12.11.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn