Đất nước triệu hoa hồng…

Thứ Ba, 17 Tháng Mười 202312:06 CH(Xem: 1220)
Đất nước triệu hoa hồng…

Chu Mộng Long

17-10-2023

Nhiều bạn nhắn tin rằng, họ đang chờ tôi lên tiếng về cái bộ phim Đất rừng phương Nam đang gây tranh cãi ầm ĩ. Thú thật, tôi thích xem phim, và chỉ có bình luận mồm: Thích hay không thích. Những gì không biết thì không viết.

Mà phim này dựa vào tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, tôi xem từ bé. Muốn xem phim thì trước đó tiểu thuyết này cũng đã có dựng phim. Không rảnh để mua vé xem phiên bản. Tôi càng chúa ghét loại trí thức gì cũng tỏ ra biết tuốt, có sự là khoe cái biết tuốt của mình.

Trong vụ này, thấy hai bên chửi nhau, tôi có xem họ chửi nhau thế nào. Vui nhưng tởm. Tởm nhất là đấu tố và chụp mũ chính trị. Kể cả sự ngụy biện để bào chữa.

Phe đấu tố không phải bần cố nông mà khởi động từ đám trí thức. Buồn cười và tởm nhất là sau gần cả thế kỉ cách mạng, dân trí thì có tiến bộ mà trí thức vẫn ấu trĩ như trẻ con. Họ vẫn mãi cái tư duy mang tính lập trường ta tốt/địch xấu, ta thiện/địch ác, ta thắng/địch thua. Một bộ phim thiếu lập trường là sự nhột của nhà cầm quyền và phe đấu tố gồm toàn những người đứng tuổi nhưng trở thành Hồng vệ binh – đội quân trẻ con của Mao từng giết người như ngóe.

Phe bào chữa nói nghệ thuật phi chính trị thì theo tôi cũng không ổn. Chính họ khi bàn chuyện chính trị thì to mồm nói, rằng ngay cả chuyện ăn uống, ỉa đái cũng có tính chính trị, vì chính trị chi phối mọi hoạt động của công dân. Vậy thì làm gì có chuyện nghệ thuật phi chính trị?

Họ nói hư cấu thì phi lịch sử. Càng sai. Bởi một sự kiện, dẫu ăn uống, ỉa đái cũng có tính lịch sử. Ngay các từ chỉ hoạt động ăn uống: Từ đớp, táp, nhai, nhá đến ăn; các từ chỉ hoạt động vệ sinh: từ liếm, quẹt, trịn, lau, đến rửa… đã mang tính lịch sử. Trang phục hay các tổ chức xã hội, kể cả xã hội đen càng có tính lịch sử. Tất nhiên, phe chỉ điểm, đấu tố dựa vào đó mà kết tội phản lịch sử, phản quốc gia, phản động thì đúng là kinh hãi.

Xét trên bình diện ấy, tôi có xót xa cho những người làm phim và nhìn ra luôn cái hậu họa của bất cứ tác phẩm nào bị mang ra đấu tố, trừ những tác phẩm phân tuyến rõ ràng địch/ta. Như thể loại cổ tích để bịp trẻ em chẳng hạn!

Nhưng đến hôm nay thì tôi lại quay ra ghét những nhà làm phim, đúng ra ghét nhà sản xuất phim. Không thể chấp nhận được khi họ cấu kết với trường học bắt sinh viên, học sinh phải mua vé xem phim. Cái trò nhân danh vì tình yêu đất nước, quê hương, vì trải nghiệm học tập nghe mà phát ói. Tôi ói vào mặt những nhà quản lý giáo dục khi đặt vé trước cho sinh viên, học sinh rồi sau đó thu tiền. Có nhân danh gì đi nữa cũng không giấu được cái món hoa hồng nhà sản xuất chi lại cho người quản lý.

Đất nước này gì cũng hoa hồng. Triệu đóa hoa hồng. Thôi thì trong kinh doanh, đấu thầu còn tạm chấp nhận. Trong giáo dục mà cũng thi nhau hưởng hoa hồng: Hoa hồng thiết bị, hoa hồng sách giáo khoa, hoa hồng học tăng cường, hoa hồng bảo hiểm, hoa hồng khám sức khỏe, hoa hồng đồng phục,… cho đến hoa hồng vé số, và bây giờ là hoa hồng vé xem phim.

Người quản lý giáo dục kiêm luôn đại lý các loại. Nhưng đại lý trong kinh doanh còn chừa chỗ cho người bán lẻ. Đại lý trong nhà trường giết chết luôn người bán lẻ. Loại hoa hồng này moi đến đáy quần hàng triệu phụ huynh. Không thơm được mà thúi!

Nhớ cách đây đã lâu, công đoàn, đoàn thanh niên làm đại lý bán vé số. Đủ loại nhân danh: Vé số vì người nghèo, vé số vì trẻ em nhiễm chất độc da cam, vé số vì trẻ em khuyết tật… Cứ thế, mỗi công đoàn bộ phận, mỗi chi đoàn phát cho mỗi công đoàn viên, mỗi đoàn viên thanh niên chục vé và trừ lương hoặc thu tiền.

Đến lúc tôi phải lên cơn thịnh nộ: “Cả đời tôi không cờ bạc, không đánh số, sao lại bắt tôi phải cờ bạc, đánh số? Vì người nghèo, người khuyết tật cái gì khi việc đi bán vé số dạo của họ cũng bị các người cướp luôn?” Tôi phản đối quyết liệt và từ đó chấm dứt luôn cái loại hoa hồng thúi mà năm nào thầy trò cũng phải ngửi!

Phim ai thích thì mua vé vào xem. Không thích thì thôi. Người lớn vỏ não đã hình thành, phân biệt được hay dở, đúng sai. Tác hại phim ít. Nhưng sách giáo khoa thì bắt buộc trẻ em phải mua phải học, tác hại vô cùng lớn. Trừ rất ít người có tâm có trí lên tiếng, còn đại đa số giáo sư, tiến sĩ thì im bặt. Trong khi vụ phim ảnh này thì họ rất hung hăng như chó khoe nanh!

Ý kiến bạn đọc
Thứ Tư, 18 Tháng Mười 202312:32 CH
Khách
Quá đã, bài viết ít nhất cũng lột tả và lòi ra được, chân tướng của các con bọ hung, đang gieo rắc kinh hoàng, vào não của thế hệ tương lai, đất nước, bằng cách mỗi năm thi đua, tranh nhau soạn và buôn sách giáo khoa lấy tiền HOA HỒNG về nuôi hai cái miệng mẹ đĩ
Cám ơn tác giã, tác giã đã chứng minh, mình là người không xài bằng giả. Chúc sức khỏe.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn