Nguyễn Thông - Một quá khứ không dễ bị chôn vùi (2)

Thứ Tư, 09 Tháng Tám 202310:00 SA(Xem: 840)
Nguyễn Thông - Một quá khứ không dễ bị chôn vùi (2)

ccrd_01 

Gõ những dòng này sau khi đã mất mấy đêm để dừng ở chữ cuối cùng trong lời kể của nhân chứng Mai Văn Niệm, nhân vật cuối của cuốn sách “phi hư cấu”, tôi bàng hoàng. Tôi sẽ không lược lại nội dung sách, nhất là các anh Thái Kế Toại, Trương Huy San… vừa làm rồi.

Trong sách, 25 người tự kể về đời mình, là 25 mảnh ghép lịch sử về cải cách ruộng đất. Nhiều khi tự hỏi, sao một người thầy giỏi giang, đạo đức, tài năng như thầy Ngụy Cao Hiền mà người ta đang tâm vu cho quốc dân đảng và lôi ra xử bắn. Hiền tài như thầy Hiền (người đã dạy đám học trò nghèo thành người tài giỏi của đất nước, trong đó có nhà sử học lừng danh Hà Văn Tấn), liệu nước này có được mấy người?

Xin chép lại đôi dòng trong cuốn sách, lời kể của chứng nhân-nạn nhân Trần Văn Kinh:

“Lên cấp hai, chúng tôi là học trò cưng của thầy hiệu trưởng Ngụy Cao Hiền. Thầy Hiền dạy các môn văn, sử. Thầy thông thạo tiếng Pháp, Anh, Latinh, Hán, làm được thơ bằng mấy ngôn ngữ đó. Thầy nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã… Năm 1954, khi chúng tôi bước vào giảng đường đại học thì ở quê nhà thầy Ngụy Cao Hiền bị bắt giam. Vào dịp ấy, vợ thầy sinh con và mất. Thầy chỉ xin hoãn bắn một tháng để có thời gian xin sữa cho con, nhưng không được”.

ccrd_02

Cuộc cải cách ruộng đất, hay mở rộng ra là chế độ đang nắm quyền này, đã làm “biến mất” bao nhiêu nguyên khí quốc gia như thầy Ngụy Cao Hiền, tôi không rõ cụ thể, nhưng dám chắc là nhiều, rất nhiều. Người Pháp đã đào tạo cho xứ ta không ít Ngụy Cao Hiền, còn chính quyền mới chỉ cần một viên đạn là xóa sạch.

Tôi vẫn nhớ, thầy tôi, GS Nguyễn Tài Cẩn, một người Nghệ Tĩnh (Huyện Thanh Chương, Nghệ An), đầu thập niên 70 có lần nhắc tới cái tên Ngụy Cao Hiền. Thầy bảo so với những đấng bậc như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Phan Kế Bính, cụ Ngụy Cao Hiền còn nhỉnh hơn, có nhẽ tài ngang ngửa đấng bậc Trần Trọng Kim. Khi ấy, lần đầu tiên tôi nghe tới cái tên Ngụy Cao Hiền, rồi bặt luôn, giờ nhờ có cuốn sách ni nên mới biết. Buồn vô kể.

Cách đây vài năm, khi tôi biên một bài kể lại chuyện tìm mộ chú ruột tôi, liệt sĩ, mất và chôn ở đồn điền bà Năm ở Đồng Bẩm, Thái Nguyên, nhân đó nhắc chuyện bà Năm, chuyện cải cách ruộng đất. Đọc xong, một đàn anh của tôi, anh Lê Văn Sơn (đồng môn, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa, con địa chủ bị xử oan sai thời cải cách) nhắn bảo, chú muốn viết về cải cách ruộng đất thì phải hỏi anh, còn sống sờ sờ ra đây.

Nói đâu xa, ngay anh rể tôi, chồng chị cả tôi, cứ mỗi lần nhắc tới cải cách ruộng đất mắt lại ngầu lên, mặc dù con người anh bản tính rất hiền lành. Cụ thân sinh anh làm chánh tổng kháng chiến (do phe kháng chiến sắp đặt để làm chánh tổng), làm lợi cho cách mạng, nhưng năm 1956 họ vu là quốc dân đảng, bắt - xử - bắn chỉ trong một ngày, tịch thu hết tài sản, đuổi mấy mẹ con anh ra ở bờ ao.

Khi sửa sai, họ trả lại nhà nhưng tới nay vẫn không một lời xin lỗi, người chết không được trả lại danh dự, con cái dù học rất giỏi nhưng không được học đại học, chỉ có lối thoát làm công nhân hoặc lao động tự do, thậm chí không được đi bộ đội. Anh bảo “tôi không bao giờ tha thứ cho tội ác của họ”.

ccrd_03

Phan Thúy Hà mới khai thác mỏ tư liệu ở vùng Nghệ Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh). Đương nhiên hai vùng này cải cách ruộng đất khốc liệt nhất, nhưng cả miền Bắc còn hàng vạn người tốt, người lương thiện bị hàm oan, bị gục ngã bởi hòn đạn của “đội”. Còn hàng chục vạn con cái của nạn nhân, như Hà Văn Tấn, Trần Văn Kinh, Nguyễn Thị Nhuần, Nguyễn Sĩ Ba, anh Sơn, anh rể tôi… thấm đòn cải cách tới tận bây giờ. Một quá khứ không dễ bị chôn vùi.

Tôi có may mắn được nhà văn Phan Thúy Hà tin cậy, cứ có bản thảo (những cuốn gần đây) lại cho đọc trước. Có lẽ do hiểu nhau, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. “Đoạn đời niên thiếu” cũng vậy. Tôi cũng biết số phận nó (cuốn sách) rất lận đận, truân chuyên. Một nhà xuất bản từng ra nhiều tác phẩm của Hà, sau khi nâng lên đặt xuống “Đoạn đời niên thiếu” đã từ chối do… sợ, không dám in, trả lời rằng nhạy cảm.

Ngay nhà xuất bản cho ra cuốn này, nhờ có thủ lĩnh Thiều mà ra tấm ra món. Dù rất cảm ơn anh Thiều, nhưng phải nói thực, tôi rất tiếc khi bản thảo bị biên tập và cắt bỏ nhiều quá, mà lại tinh dững chi tiết hay, giá trị, bị cho là "nhạy cảm". Nhưng thôi, biết làm sao, khi còn quá lắm lưỡi dao oan nghiệt treo lơ lửng trên đầu họ.

Có những cuốn sách làm vinh dự cho nhà xuất bản, cả trước mắt và về sau. Từ chối in là dại.

Thời bây giờ, công nghệ số đã phổ biến, người ta ít đọc sách. Nhiều khi ai đó rủ nhau đi đường sách, phố sách, không phải vì sách mà vì… thứ khác. Cũng ít người khoe tủ sách nhà mình thế này thế nọ. Sự hãnh diện về sách không còn nữa. Chỉ xin nói với những người còn ham sách yêu sách: Nên có, cần đọc những cuốn sách “phi hư cấu” của Phan Thúy Hà, trong một nền văn học đang tàn tạ.

NGUYỄN THÔNG 08.08.2023

(Ghi thêm: Tôi giới thiệu cuốn sách này bởi ba điều: Nó là tư liệu hiếm hoi về cải cách ruộng đất; một cuốn sách hay rất nên đọc; sự khâm phục người viết-tác giả cuốn sách. Tôi không quảng cáo, PR cho bất cứ thứ gì).

Ảnh: Bìa sách về cải cách ruộng đất của nhà văn Phan Thúy Hà; hai trang sách trong sách giáo khoa của chính quyền cách mạng tại « vùng tự do » năm 1953.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn