Denny Laine & “Band On The Run”

Thứ Sáu, 10 Tháng Mười Một 20171:00 CH(Xem: 6176)
Denny Laine & “Band On The Run”
Ian Bùi

Denny Laine trong ban nhạc Wings
Denny Laine trong ban nhạc Wings

Tháng Tư năm 1970 Paul McCartney tuyên bố rời ban Beatles. Thế giới âm nhạc choáng váng. McCartney bị thiên hạ lên án là người giết chết The Beatles. Hai dĩa solo của McCartney ra ngay sau đó đều bán không chạy. Cuối cùng Paul phải mời người bạn là Denny Laine lập ban nhạc mới tên Wings, cùng với mình và vợ là Linda McCartney.

Ngay từ đầu Wings đã gặp đủ thứ vấn đề nhân sự, các nhạc sĩ khác được mời tham gia không ai ở được lâu. Duy chỉ có Denny Laine là cột trụ chính để đỡ đần cho Paul và Linda. Vợ của Paul là một nhiếp ảnh gia, không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp nên chỉ có thể đóng một vai phụ, thường là hát bè và chơi keyboard những phần tương đối dễ. Trong khi đó Denny Laine có thể chơi guitar, bass, keyboard và thổi khẩu cầm (harmonica). Bản thân Paul McCartney cũng có thể chơi bass, guitar, piano và trống.

Năm 1971 Wings cho ra dĩa “Wild Life”, không thành công mấy vì thiên hạ vẫn còn khá e dè với Paul. Sang năm 1973 dĩa “Red Rose Speedway” ra đời, bán khá hơn được một chút nhờ có bài “My Love” được vào Top 40. Tuy nhiên nói chung thương hiệu “Paul McCartney” vẫn chưa chinh phục được thính giả cũng như fan của Beatles. Trong khi đó thì John Lennon cùng với vợ là Yoko Ono vừa cho ra dĩa “Plastic Ono Band” được giới phê bình đánh giá cao và bán rất chạy. Thậm chí đến như dĩa “Ringo” của Ringo Starr cũng được nhiều người yêu thích. George Harrison thì khỏi nói, ngay sau khi Beatles tan rã George liền phát hành dĩa đôi “All Things Must Pass”, cho tới ngày hôm nay vẫn được xem là dĩa nhạc kinh điển thời hậu-Beatles.

Linda, Paul McCartney và Denny Laine
Linda, Paul McCartney và Denny Laine

Cuối năm 1972 McCartney bắt đầu cảm thấy cần phải làm cái gì đó để khôi phục uy tín của mình trong giới nghệ sĩ cũng như trong mắt người mộ điệu. Paul quyết định ra một dĩa mới, đặt tên là “Band On The Run”.  Và để thay đổi không khí, anh chọn địa điểm là phòng thâu của hãng dĩa EMI tại thành phố Lagos, Nigeria. Nhưng sau khi ban nhạc Wings tập dượt được một số bài tại London và sửa soạn lên đường đi Phi Châu thì xảy ra xích mích giữa Paul và tay trống Denny Seiwell khiến Seiwell nghỉ chơi. Sau đó tay đàn guitar Henry McCullough cũng nghỉ theo chỉ một ngày trước khi lên máy bay. Thế là rốt cuộc chỉ có bộ ba Paul, Linda và Denny Laine bay xuống Nigeria để làm dĩa “Band On The Run”.

Mới đầu McCartney chọn Lagos là vì anh nghĩ đây sẽ là địa điểm lý tưởng để trốn khỏi không khí ngột ngạt của London, anh và ban nhạc sẽ có thì giờ đi thăm viếng đây đó và tắm biển v.v. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác hẳn. Nigeria lúc ấy vừa có một cuộc đảo chánh và quân đội đang cầm quyền. Không những vậy, studio của EMI tại Lagos rất là xập xệ, thiếu thốn tiện nghi, và chỉ có máy thâu 8-track. Nhưng phóng lao đành phải theo lao, nên Paul và Denny cứ bắt tay vào việc, tới đâu hay tới đó.

Họ đã bỏ ra sáu tuần lễ để thu hầu hết những phần căn bản của các bài nhạc. Vì không còn tay trống nên Paul phải chơi trống từ đầu đến cuối. Khi được hỏi về kỹ thuật trống của Paul, Denny Laine trả lời: “Anh ta là một nhạc sĩ biết đánh trống, cũng giống như tôi vậy.” Ý nói trống không phải là sở trường của Paul, đánh cũng tạm được nhưng không thể so với các tay trống chuyên nghiệp. Cũng nên nhắc lại là thời Beatles chưa rã đám, cũng có lần Paul phải đánh trống một số bài trong dĩa “White Album” vì Ringo giận ban nhạc và bỏ đi một thời gian.

Moody Blues với Denny Laine (bìa phải)
Moody Blues với Denny Laine (bìa phải)

Trong sáu tuần lễ ở Lagos, bộ ba của Wings đã gặp vô số chuyện phiền toái. Nghiêm trọng nhất là chuyện Paul và Linda bị uy hiếp bằng dao và cướp sạch trên phố. Trong số những đồ vật bị cướp có cuốn sổ tay của Paul ghi những lời nhạc anh đang soạn và một số băng cassette có những bản nhạc trong dạng thô ráp dùng để làm vật liệu sáng tác.

Về phần Denny Laine thì coi như anh phải ôm một nửa phần kia của dĩa nhạc vì Linda chỉ có thể hát bè là chính. Thành thử có thể xem Denny Laine như đồng-sản-xuất dĩa “Band On The Run” tuy rằng đa số các bài nhạc là do Paul sáng tác. Cho nên về sau khi đi chơi nhạc riêng, Denny Laine vẫn hay hát những bản nhạc thời Wings của mình, nhất là các bài từ dĩa “Band On The Run”.

Sau khi được phát hành vào đầu năm 1973 thì album này vẫn không bán chạy cho lắm vì Paul không muốn cho ra dĩa đơn. Nhưng nhờ ban quản trị ép buộc nên cuối cùng Paul nhượng bộ. Bản “Jet” (tên chú chó cưng của Paul) được tung ra và ngay lập tức leo lên được Top 10. Nhờ đó album này bắt đầu được nhiều người mua hơn. Nhưng phải đợi sang năm 1974 bản nhạc “Band On The Run” mới được phát hành như một dĩa đơn, và sau đó thì album “Band On The Run” bắt đầu bán đắt như tôm tươi. Chỉ trong vòng vài năm đã bán được 3 triệu dĩa (triple Platinum) và cho tới nay số bán đã vượt ngưỡng 6 triệu!

Ảnh gia đình chụp chung với Denny Laine trước khi vào show
Ảnh gia đình chụp chung với Denny Laine trước khi vào show

Thấy ngon ăn, Paul và Denny bèn kết nạp một số nhạc sĩ mới cho Wings và bắt đầu một chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới. Năm 1976 họ cho ra một album nhạc sống, gồm ba dĩa, mang tên “Wings Over America”, được coi như một trong những album nhạc sống hay nhất mọi thời đại, bán chạy không thua gì “Frampton Comes Alive” của Peter Frampton. Cho tới nay “Wings Over America” đã bán được hơn 4 triệu dĩa.

Sau “Band On The Run”, Denny Laine tiếp tục chơi với Paul McCartney trong Wings thêm vài năm và cho ra thêm vài album, nhưng không có dĩa nào bán chạy như vậy. Đến năm 1977, sau khi album “London Town” ra đời, Paul và Denny mới thành công một lần nữa với bản “Mull of Kintyre”, do hai người đồng-sáng-tác, về một vùng đồng quê ở Scotland. Không lâu sau khi phát hành, bài này đã trở thành dĩa đơn bán chạy nhất trong lịch sử nước Anh, qua mặt luôn dĩa số 1 trước đó là bài “She Loves You” của… The Beatles!

Bìa trong dĩa  “Wings Over America”
Bìa trong dĩa
“Wings Over America”

Tuy được biết đến nhiều nhờ là thành viên chính của Wings, nhưng trước đó Denny Laine đã là một nhạc sĩ khá thành công với ban nhạc Moody Blues do anh sáng lập. Năm 1964 bản “Go Now” do anh hát đã lên được #1 trên Billboard. Ngoài ra anh còn hát một số bản nhạc blues khác và thổi khẩu cầm cho Moody Blues trước khi rời ban nhạc này để chơi nhạc riêng. Trong những chương trình nhạc sống của Wings bao giờ Denny Laine cũng được hát vài bài thời Moody Blues của mình.

Tuần vừa rồi, Denny Laine và ban nhạc The Cryers đã đến chơi tại Poor David’s Pub ở Dallas. Đây là một cái club nhỏ tại khu vực phía Nam của downtown Dallas, nơi quy tụ của nhiều nhạc sĩ địa phương. Trong không khí ấm cúng của một quán bar, Denny Laine đã trổ tài khẩu cầm của mình với những bản nhạc blues như “Lose Your Money (But Don’t Lose Your Mind)” cực kỳ hay. Ngoài những bản nhạc của mình, Denny Laine cũng chơi một số bài nhạc của Wings do anh đồng-sáng-tác. Trong số đó có nhạc phẩm “Boulevard de la Madeleine” do anh soạn nhân dịp đi tour bên Paris. Bài này có nhịp điệu Tango thật dễ thương, với tiếng đàn accordion do cô Belle Liao thể hiện bằng keyboard hết sức hấp dẫn. Tay trống của ban The Cryers cũng là người Pháp, cho nên anh ta chơi bài này rất hợp gu. Và vì là dân Tây nên anh ta ăn vận rất là “a la mode”, với chiếc cravate đỏ vô cùng bắt mắt.

The Cryers mở màn tại Poor David’s Pub
The Cryers mở màn tại Poor David’s Pub

Trước khi hát bản “Picasso’s Last Words” (trong album “Band On The Run”) Denny Laine thuật lại câu chuyện đằng sau tác phẩm ngộ nghĩnh này. Số là trong một dịp nghỉ hè trên đảo Jamaica, nhân dịp có đoàn phim đang quay “Papillon”, Paul McCartney đã lén vào phim trường và gặp hai tài tử chính là Steve McQueen và Dustin Hoffman. Trong một buổi ăn tối, Dustin Hoffman nói với Paul rằng anh ta không tin Paul có thể soạn nhạc bất cứ lúc nào về bất cứ đề tài gì. Hoffman bèn cầm một tờ báo gần đó lên và đưa cho McCartney xem, trang nhất có bản tin Picasso vừa qua đời. Bài báo ghi trước khi chết Picasso nói: “Drink to me. Drink to my health. You know I can’t drink anymore.” (Uống cho tôi, uống cho sức khoẻ tôi, vì tôi không thể uống thêm tị nào nữa.) Sẵn đàn guitar trên tay, Paul liền dùng câu nói cuối cùng của Picasso để soạn một ca khúc trước sự thích thú pha lẫn kinh ngạc của vợ chồng Dustin Hoffman.

Denny Laine còn kể một chuyện vui về Ginger Baker, tay trống xuất chúng của ban nhạc Cream mà anh và Paul gặp tại Nigeria khi đang làm dĩa “Band On The Run”. Baker rất muốn McCartney thu âm tại studio của mình ở Lagos nhưng Paul một mực từ chối. Cuối cùng Paul đồng ý và đến thu một bài duy nhất, chính là bài “Picasso’s Last Words”. Ginger Baker, tay trống lừng danh thiên hạ, chỉ được một phần nhỏ là lắc một cái lon nhôm chứa đầy sỏi!  Sau này, khi đã rời ban Wings năm 1981, Denny Laine đã nhận lời mời chơi với ban nhạc của Ginger Baker một thời gian.

Còn nói về nguồn gốc bản “Mull of Kintyre” thì Denny Laine kể về John Lennon và món rượu Scotch mà John rất không ưa nhưng vẫn phải uống vì chẳng còn gì khác để uống khi họ đang quây quần tại nông trại của Paul ở Kintyre, Scotland, nơi bài nhạc này ra đời. Nói tóm lại, là người cùng thời với Beatles, lại sống ở bên Anh trong thời điểm nhạc rock bùng nổ nên Denny Laine quen biết rộng và có nhiều chuyện để kể. Bởi vậy show của anh từ đầu đến cuối ngoài những bản nhạc hay còn được xen kẽ bởi các mẩu chuyện tai nghe mắt thấy rất thú vị.

DennyLaine-04

Denny Laine và The Cryers kết thúc chương trình với hai bài nhạc tủ của Wings là “Live And Let Die” và “Band On The Run”. Cả hai đều được thể hiện vô cùng xuất sắc, mặc dù không có pháo nổ và khói lửa rầm trời như trong live show của Paul. Thật ra, chính vì không có những màn phụ trợ đó mà ta có thể nghe được bản nhạc một cách vô tư và khách quan hơn. Tuy đêm đó không đông người đi nghe, nhưng Rob Adams Productions phải được cho điểm vì đã dám đứng ra mang Denny Laine tới Dallas. Dù gì chăng nữa, đây cũng là một nhạc sĩ gần nhất với The Beatles mà người thường như chúng ta có thể đến gần, thậm chí bắt tay và xin chữ ký!

Nhân tiện cũng xin nhắc nhở bà con: Ringo Starr và All-Starr Band sắp đến chơi tại Irving (Texas) vào ngày 3/11, và Winstar (Oklahoma) ngày 4/11. Ai thích nghe nhạc Beatles, Santana, Todd Rundgren thì nên chuẩn bị kiếm vé. Bỏ qua là uổng lắm đa!

IB
( Bao Tre )

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Bảy, 15 Tháng Chín 20186:06 SA
( HNPD ) hết Cuội đến Bờm bấy nhiêu năm 2 thằng này độc diễn o được tích sự gì ?
Thứ Sáu, 14 Tháng Chín 20186:06 SA
uổng công rùa đội đáphi công phí củachờ mong của bá tánh thiên hạ
Thứ Tư, 12 Tháng Chín 20186:07 SA
( HNPD )bây chừ đến 3 Đặc Khu Đít dân & quần chúng lũ lượt xuống đường
Thứ Ba, 11 Tháng Chín 20186:24 SA
( HNPD ) " đù má cách mạng mùa thu "1 bọn mãi quốc cầu vinh