KHI ẨN DỤ QUÁ KÍN - PHẠM ĐỨC NHÌ

Thứ Hai, 29 Tháng Giêng 20185:27 SA(Xem: 6143)
KHI ẨN DỤ QUÁ KÍN - PHẠM ĐỨC NHÌ

thiCa
( HNPD ) Thơ tôi viết có một phần khá lớn sử dụng phép ẩn dụ trong đó có gần hai chục bài được bạn bè xếp vào loại “Những Bài Thơ Về Thơ”. Trong số này có một số bài mà dù người đọc “bắt” được tứ thơ, biết rằng tác giả có gởi kèm một thông điệp kín nhưng vẫn không mở được cái thông điệp kín ấy. Có người đổ thừa tại áp dụng ẩn dụ không đúng cách.

 

Tôi xin tóm tắt phép ẩn dụ như sau:

 

Ẩn dụ là nói cái này mà ngụ ý cái kia. Ẩn dụ được coi là đúng cách khi cái này hợp tình hợp lý và cái kia cũng hợp lý hợp tình.

 

Xin mượn bài thơ Chè Đường để minh họa phép ẩn dụ và bàn cách giải quyết vấn đề khi ẩn dụ quá kín.

 

CHÈ ĐƯỜNG

 

Tôi thích chè

chè ngọt

bởi có đường

đường ít

chè không đủ ngọt

không ngon

đường nhiều

ngọt lợ

ăn gắt cổ.

 

Nấu chè ngon do đó,

cũng cần có tài

ngoài việc phải biết chọn các thứ đậu, dừa, bột, nếp,

các thứ khoai

(thứ nào nấu với thứ nào

liều lượng bao nhiêu thì hợp)

còn phải biết

bỏ đường cho vừa ngọt

 

Chè có món có thể bỏ đường kha khá

có món ít đường một chút cũng không sao

nhưng đã là chè thì phải có đường

nấu chè

nếu không bỏ đường

(hoặc tìm cách cho chè có vị ngọt)

thì chè sẽ không còn là chè nữa

mà thành món khác.

 

(Phạm Đức Nhì)

 

Người đọc có thể đến bến đỗ của tứ thơ khá dễ dàng: Nấu chè phải bỏ đường.

 

Trước khi viết bài này tôi có nghe loáng thoáng ở miền Trung có một món chè nghe tên rất lạ: Chè heo quay. Tôi tự nghĩ “heo quay là món mặn, không biết nấu chè heo quay họ có cho đường không? Nếu không thì bài thơ của mình ‘trớt quớt’”. Thế là tôi lại lò mò tìm hỏi và được một cô giáo Đà Nẵng cho câu trả lời:

 

“Nấu chè heo quay cũng có cho đường. Nhân bánh là thịt heo quay, bọc bột lọc ở ngoài. Nấu đường lên cho vào. Anh từng biết chè bột lọc hay bánh trôi nước rồi thì chè này giống y vậy.”

 

Như thế là tôi yên tâm; bài thơ không có chỗ hở. Nhưng nếu chỉ muốn nói “Nấu chè phải bỏ đường” thì bỏ công viết bài thơ làm gì cho mệt. Nói khác đi, bài thơ Chè Đường có ẩn dụ - nghĩa là tôi muốn gởi đến người đọc một thông điệp khác.

Nhưng trước khi giải mã ẩn dụ của Chè Đường, mời bạn đọc thăm ẩn dụ trong Sông Lấp.

 

                       SÔNG LẤP

               Sông xưa rày đã nên đồng

              Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

              Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

              Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

              (Trần Tế Xương)

 

 

Nếu bạn hiểu rằng qua bài thơ, tác giả bày tỏ “nỗi tiếc nhớ con sông Vị Hoàng (nay đã bị lấp) đã cùng với gia đình ông trải qua một quãng đời đầy kỷ niệm” thì bạn đã bắt được tứ thơ. Chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công. Bạn – cũng như một số người đọc khác – không đủ nhạy cảm để thả hồn đi tiếp cũng là chuyện thường tình. “Không phải tại anh cũng không phải tại em”. Tác giả và người đọc đều hoàn thành nhiệm vụ. Chả ai có lỗi cả.

 

Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng hiểu xa hơn, đưa hồn thơ của bạn đến chỗ ông Tú Vị Xuyên “nhớ thương, tiếc nuối cái thời tạm gọi là vàng son của mình, cái thời Nho học vẫn còn chỗ đứng khá trang trọng trong đời sống người dân Việt” thì bạn đã hiểu trọn vẹn cả tứ lẫn ý của bài thơ. Với tôi, độ nhạy cảm và trình độ thưởng thức thơ của bạn rất đáng nể.

 

Giải Mã Ẩn Dụ Của “Chè Đường”

 

Trong Chè Đường người đọc dù “yếu cơ” cách mấy cũng hiểu được tứ thơ: Nấu chè phải cho đường.  Nếu tôi đăng bài thơ với vóc dáng ấy thì vì người đọc đã “bắt” được tứ thơ, chức năng truyền thông của bài thơ đã thành công; đoạn đường sau đó mạnh ai nấy đi, tùy “nội lực” của mỗi người. Có điều tôi biết chắc là – vì ẩn dụ quá kín - rất ít người hiểu được ngụ ý của tác giả.

 

Muốn người đọc có thể hiểu và chia sẻ cách nhìn nhận vấn đề của mình tác giả phải giúp họ giải mã ẩn dụ của bài thơ (nhưng phải chừa chỗ để họ suy luận, tự tìm ra thông điệp kín chứ không giải thích huỵch toẹt ra). Trong trường hợp này tôi sẽ viết dưới cái tựa Chè Đường mấy chữ  trong ngoặc đơn (vị ngọt của thơ). Đây là gợi ý để những người có hiểu biết về thi pháp sẽ sử dụng óc liên tưởng để đến với thông điệp kín của bài thơ. Số bạn đọc vì lý do nào đó không đến được, xin đọc đoạn giải thích dưới đây.

 

Giải Thích Thông Điệp Kín Của Bài Thơ

 

Vần và (hoặc) nhịp điệu - giống như đường trong chè - tạo nên vị ngọt cho thơ ca. Nó là những cái “móc” để giúp nối những chuỗi hình ảnh, sự kiện tạo nên cảm xúc của tác giả và – qua bài thơ – trở thành một thứ “thuốc dẫn” giúp những chuỗi hình ảnh, sự kiện ấy đi vào tâm hồn người đọc một cách dễ dàng hơn. Trong những bài thơ thành công cái “thuốc dẫn” này giúp cảm xúc vận chuyển thành một dòng chảy, chảy trong tâm hồn người đọc.

 

Nhấm nháp được chút vị ngọt này người đọc sẽ bỏ bớt sự cẩn trọng thái quá (như khi đọc một hợp đồng, một án quyết), tạm thời gác lý trí qua một bên, để có thể tiếp cận bài thơ một cách nhẹ nhàng thoải mái, cho trái tim trần trụi của mình đối diện với hồn thơ của tác giả.

 

Tuy nhiên, cũng như đường trong chè, ít quá thì không đủ ngọt, nhiều quá thì ngọt lợ, ăn gắt cổ, ngoài ý tứ, ngôn từ, hình ảnh, việc xử dụng vần điệu đúng liều lượng để thơ ca có vị ngọt vừa phải – cũng là một tài năng của tác giả – có thể góp phần làm tăng giá trị của bài thơ.

 

Kết Luận

 

Sau khi đọc bài thơ, thấy được vai trò của đường trong chè, rồi lại đọc phần giải thích thông điệp kín của bài thơ, thấy được vai trò của vần trong thơ, độc giả chắc cũng có thể tự rút ra kết luận của mình về sự đúng cách (hay không đúng cách) của phép ẩn dụ.

 

Tạo được một ẩn dụ đúng cách sẽ làm bài thơ sang hơn, sáng giá hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nếu ẩn dụ quá kín (trường hợp Chè Đường) - người đọc “bắt” được tứ thơ mà vẫn không hiểu được ẩn ý của tác giả - tác giả có bổn phận phải gợi ý, để dẫn dắt người đọc đến với thông điệp kín của bài thơ. Nếu không làm điều ấy sẽ uổng phí công sức cùa mình vì bài thơ sẽ được đánh giá là thất bại khi không có sự giao cảm với người đọc.

 

Phạm Đức Nhì ( HNPD )

nhidpham@gmail.com
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 01 Tháng Hai 20186:00 SA
Liên hoan điện ảnh châu Á lần thứ 24 vừa khai mạc hôm qua, 30/01/2018, tại thành phố Vesoul, miền đông nước Pháp.
Thứ Tư, 31 Tháng Giêng 20187:00 CH
Trả lời phỏng vấn đài CBS, Dylan Farrow, con gái nuôi của Woody Allen một lần nữa tố cáo nhà đạo Mỹ lạm dụng tình dục
Thứ Tư, 31 Tháng Giêng 20186:00 CH
Khoảng 20 ngày đầu tháng 12 âm lịch người ta sẽ gọi là tháng chạp và khoảng 10 ngày cuối thì thường thêm chữ tết phía sau: 23 tết, 27 tết...
Thứ Tư, 31 Tháng Giêng 20181:00 CH
Năm 2017, điện ảnh Pháp bội thu, chinh phục được hơn 80 triệu khán giả ở hải ngoại, ngay cả tại những thành trì của nghệ thuật thứ bảy như Mỹ
Thứ Hai, 29 Tháng Giêng 20189:00 CH
Vùng ngoại ô Paris Ile-de-France nổi tiếng là xưởng vẽ ngoài trời, là dấu ấn ghi lại tinh thần sục sôi sáng tạo của thế hệ họa sĩ Trường phái Ấn tượng
Thứ Hai, 29 Tháng Giêng 20189:00 SA
Nhiệt độ lúc này là -2 độ C. Những ngọn cỏ đóng băng trải dài trên lối đi nằm uốn lượn xuyên qua khu rừng ở Ursvik thuộc ngoại ô Stockholm nằm ở ngoài rìa khu Kista
Thứ Hai, 29 Tháng Giêng 20183:00 SA
Quãng đời 37 năm ngắn ngủi của Vincent Willem Van Gogh (1853-1890) có thể được miêu tả trong ba từ : nghèo khó,
Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng 201811:00 SA
Trong truyện thơ Men đá vàng, Hoàng Cầm có dựng một nhân vật là Phù Du. Anh chàng kết duyên với Phong Kiều, cô gái đẹp nết đẹp người nhất miền Bát Tràng xưa
Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng 20186:02 SA
Biết bao năm trôi qua kể từ ngày ông qua đời, mà các tác phẩm từ di cảo của ông cứ lần lượt xuất hiện, gần đây là ba tập mới nhất
Chủ Nhật, 28 Tháng Giêng 20186:00 SA
Bộ phim “Vietnam War” gồm 10 tập dài 18 tiếng đồng hồ của hai nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick mất thời gian gần 10 năm với một phí tổn gần 30 triệu đô la