Maxime Le Forestier : Album mới nhân sinh nhật 70 tuổi

Thứ Bảy, 16 Tháng Ba 20191:00 SA(Xem: 3643)
Maxime Le Forestier : Album mới nhân sinh nhật 70 tuổi

9146
Sau sáu năm vắng bóng làng nhạc, Maxime Le Forestier xuất hiện trở lại dưới ánh đèn sân khấu với một tập nhạc mới. Album phòng thu thứ mười sáu được trình làng vào thời điểm tác giả kiêm ca sĩ người Pháp ăn mừng trên sâu khấu sinh nhật lần thứ 70.

Tập nhạc này gồm toàn những sáng tác mới, phần lớn các bài hát đã được viết trong những lúc ông không quá bận rộn với các đợt lưu diễn. Phần còn lại, ông hợp tác với người con trai lớn (tên là Arthur) hay là làm việc chung với các nghệ sĩ trẻ tuổi đàn em mà ông ngưỡng mộ như Zazie, Camille hay là Orelsan, đều từng đoạt giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique và họ được xem như là những tài năng xứng đáng nhất của làng nhạc Pháp hiện thời.

Trích đoạn đầu tiên từ album mới của Maxime Le Forestier là nhạc phẩm ‘‘Les filles amoureuses’’ (Những cô gái đang yêu). Bằng một giọng điệu khá khôi hài dí dỏm, tác giả kiêm ca sĩ người Pháp lấy cảm hứng từ gia đình, người thân cũng như thế giới xung quanh mình, dùng các chi tiết tình cờ bắt gặp trong cuộc sống hay được quan sát thường nhật để gợi lên quan hệ yêu đương thời nay.

Một bài hát mà thoạt nghe có vẻ như đang đả kích nữ quyền, nhưng thật ra trong đoạn cuối lại là một lời nhắn nhủ rất trìu mến đối với phái nữ nói chung, người bạn đời của ông nói riêng. Có thể nói là Maxime Le Forestier ít khi nào sáng tác như vậy, nhưng lần này ông kết hợp rất khéo cách phản ánh chi tiết thường thấy ở Michel Delpech và cách uốn nắn giai điệu, một trong những sở trường của Julien Clerc.

Có nhiều khả năng là khi cộng tác với nhiều tác giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau, Maxime Le Forestier càng lúc càng cảm thấy tự do hơn. Trong trường hợp của nhạc phẩm ‘‘Les filles amoureuses’’ (Những cô gái đang yêu), cách phối khí tận dụng triệt để bộ đàn dây khoác lên giai điệu một lớp áo rất lạ, âm hưởng của vùng Bretagne hay của dòng nhạc celtic ít phổ biến nơi tác giả này. Lối hoà âm trong những album sau này của ông rất tinh tế trau chuốt, phức điệu nhưng không phức tạp, luôn luôn giữ được một ý tưởng xuyên suốt chủ đạo, hoàn toàn khác hẳn với album gần đây nhất mang tựa đề Enfin, đánh dấu ngày trở lại của Michel Polnareff, nhưng lại không thành công như mong đợi.

Tác giả Maxime Le Forestier đã mất 6 năm để thực hiện album mới. Tập nhạc trước mang tựa đề Le Cadeau (Món Quà) từng được phát hành vào năm 2013. Thật ra, trong vòng 6 năm qua, ông đã khá bận rộn với các đợt biểu diễn. Ngoài các vòng lưu diễn tại các quốc gia thuộc khối Pháp ngữ, nơi ông vẫn giữ được một lượng khách hâm mộ trung thành, đông đảo, Maxime Le Forestier còn tham gia tích cực các buổi trình diễn gây quỹ tài trợ các Quán ăn Tình thương (Les Restos du Cœur của đoàn nghệ sĩ Les Enfoirés). Trong hai thập niên vừa qua (từ năm 1995 đến 2018), ông hầu như không bao giờ vắng mặt các chương trình (22 lần) biểu diễn gây quỹ từ thiện. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác khá nhiều ca khúc cho các bạn đồng nghiệp hay tham gia các dự án ghi âm tưởng niệm các nghệ sĩ đàn anh như Georges Brassens hay là Serge Reggiani.

Nhân dịp ăn mừng sinh nhật lần thứ 70, Maxime Le Forestier cho biết hơn bao giờ hết ông muốn tìm lại tình thương của công chúng cũng như hơi ấm dưới ánh đèn sân khấu, chừng nào sức khỏe vẫn còn tốt, ông vẫn tiếp tục biểu diễn, ca hát giờ đây không còn phải là một cái nghề để kiếm tiền nuôi gia đình, mà là một động lực, một niềm vui trong cuộc sống.

Thành danh cùng lúc với các tên tuổi lớn những năm 1970, trong đó có Véronique Sanson, Julien Clerc, Alain Souchon, William Sheller, Michel Delpech, Maxime Le Forestier là một trong những nghệ sĩ khởi xướng phong trào sáng tác nhạc Pháp rất mộc không hẳn là ‘‘nhạc folk’’ theo kiểu Mỹ, nhưng các khúc thụy du, các điệu ru đệm đàn ghi ta do ông sáng tác, lại chân phương thuần khiết như thể bắt nguồn từ dòng dân ca có từ muôn thuở nào.

Mỗi lần sáng tác, Maxime Le Forestier rất trau chuốt trong cách soạn giai điệu, tỉ mỉ trong cách chọn ca từ. Véronique Sanson hay Michel Berger thường chọn những ca từ, có thể dễ dàng hất câu đá chữ, đưa điệu swing vào trong tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ mà khi hát không dựa nhiều vào nhịp điệu như tiếng Anh. Còn Alain Souchon và Laurent Voulzy thì lại chuộng cách chọn danh từ riêng để đặt ca từ, làm giàu vần điệu. Claudia Schiffer hay Paul-Loup Sulitzer trong nhạc phẩm ‘‘Foule Sentimentale’’ là trường hợp điển hình.

Maxime Le Forestier hoàn toàn khai thác một hướng đi khác : Cho dù tiếng Pháp không hợp với điệu swing nhưng ông vẫn tạo được phách nhịp mà không hề bắt chước nhạc pop Anh Mỹ, lối sáng tác của ông rất trầm rất mộc nhưng vẫn giữ được một nét gì đó rất là Pháp, chẳng phải là nhạc blues hay dân ca Hoa Kỳ.

Tác giả này cũng không bao giờ dùng danh từ riêng vì theo ông, tên riêng hay thương hiệu thường gắn liền với một thời. Các bài hát của Serge Gainsbourg hay của Alain Souchon cực kỳ hay nhưng giới trẻ thời nay ít còn biết đến hiệu thuốc lá Gitanes (bài hát Dieu est un Fumeur de Havane), còn người mẫu Claudia Schiffer từ lâu đã bị thay thế (trong bài Foule Sentimentale). Có lẽ cũng vì ông rất khó tính trong cách đặt lời, chọn ca từ sao cho dễ hiểu với đa số người nghe thời nay cũng như thời sau, mà Maxime Le Forestier trong hơn bốn thập niên đã tặng cho làng nhạc Pháp những tình khúc để đời, kinh điển.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai 20171:00 SA
Dựa trên lời kể của một người đàn ông từng làm cảnh sát tại Trung Quốc, bộ phim Ravage (tạm dịch: Cướp bóc) của Canada
Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Hai 20177:00 SA
Các nhà khoa học Tây Ban Nha hôm qua khẳng định đã thấy nơi chôn cất đại thi hào Cervantes, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh điển "Don Quixote".
Thứ Bảy, 09 Tháng Mười Hai 20173:31 SA
Không còn nhớ ai là người đầu tiên dịch “Gone with the wind” thành “Cuốn theo chiều gió” nhưng vị nào dịch câu này hẳn nhiên là bậc thượng thừa về ngôn ngữ nói chung và rất giỏi tiếng Việt nói riêng.
Thứ Sáu, 08 Tháng Mười Hai 20176:57 CH
( HNPD ) Trong khi hai bà đưa nhau đi chợ để mua “đồ phụ tùng” cho món ăn đặc biệt, hai thằng chồng vào phòng Study (1) uống cà phê, nghe nhạc, tán chuyện văn chương. Thằng bạn vào đề ngay:
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 20179:00 CH
Những tháng cuối năm của Seattle rất nhiều mưa. Thỉnh thoảng mới có một ngày nắng ấm. Nhìn mưa nhớ ra những người bạn ở xa sắp
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 20172:00 CH
Cảnh sát tịch thu hầu hết các thứ giấy tờ của ông, nhưng những thứ khác vẫn được đưa lậu ra bên ngoài, hoặc giấu kín trong những chỗ khuất nẻo ít ai ngờ.
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 20171:00 CH
Tác phẩm Đường Cách mệnh của Hồ Chí Minh, ấn hành lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc), năm 1927, trong đó 'k' được dùng thay 'c'. Theo GS Lân Dũng, cố chủ tịch HCM
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 20178:17 SA
“Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó: một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau.
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 20175:00 SA
Thế nhưng sự thật là chữ viết lại không phải chỉ là để ghi lại lời nói, vậy nên một sự cải tiến gần như toàn bộ
Thứ Tư, 06 Tháng Mười Hai 20174:44 SA
Johnny Hallyday, ngôi sao nhạc rock nổi tiếng nhất nước Pháp qua đời ở tuổi 74 vì ung thư phổi, vợ ông cho hay.