ÔNG HAI ĐIỀN CHỦ ẤP BÀ BÀI _ ANH PHƯƠNG TRẦN VĂN NGÀ

Thứ Năm, 31 Tháng Tám 20237:51 SA(Xem: 2056)
ÔNG HAI ĐIỀN CHỦ ẤP BÀ BÀI _ ANH PHƯƠNG TRẦN VĂN NGÀ

TruyenNgan
ÔNG HAI ĐIỀN CHỦ ẤP BÀ BÀI _
ANH PHƯƠNG TRẦN VĂN NGÀ

 

Sau đám tang con trai đầu lòng, hai Đại, qua đời vì chứng bịnh ung thư, chửa trị suốt hai năm.

Qua bảy lần cúng thất, nhớ thương con, sáng nay ông hai thức sớm chưa đến bốn giờ, nấu nước pha trà, rót ra ly, cúng trên các bàn thờ, thấp hương khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình được bình an hạnh phúc. Riêng bàn thờ con trai, ông nói thầm với con, Ba dùng hết số tiền phúng điếu mua thêm bò xin khai khẩn đất hoang bên Miên vực dậy gia đình mình không cho người ta chê mình nghèo mà con từng tâm sự. Ba ghi khắc trong lòng sẽ thực hiện theo lời con dù con đã về đất Phật và vợ hụt của con, hai Thắm, nay cũng đã bỏ gia đình ra đi biệt xứ.

Con từng ao ước, con làm có tiền sẽ mua bò vì nuôi bò chỉ ăn cỏ còn các gia súc như heo gà vịt còn phải mua thức ăn mà bò còn giúp bày bừa làm ra của cải vật chất, bán cao giá hơn các gia súc khác, lại có thịt nhiều và bổ dưỡng nữa. Ba cho con biết, con Thắm đã mua cho ba một con bò đực giúp gia đình có đủ đôi bò lo cày bừa cho mùa lúa tới, trước khi nó bỏ nhà ra đi biệt xứ. Nay, không biết con Thắm trôi giạt phương trời nào. Hồn thiêng của con ráng theo phù hộ cho vợ của con luôn bình an, khoẻ mạnh, hạnh phúc... Ông hai vừa nghĩ đến nghĩa tình của con Thắm đối với con trai mình và đối với gia đình, ông hai rưng rưng nước mắt.

Ngồi uống nước trà một mình trong cảnh khuya vắng lặng, ông trầm ngâm ôn nhớ, vì gia đình nghèo còn là một tá điền, ba con Thắm, một đại điền chủ đã hai lần từ chối kết mối giao hảo thành thông gia. Ông ấy có tính bảo thủ cực đoan, phân chia gia cấp giàu nghèo quá khắc khe phũ phàng, không cần biết hạnh phúc của con gái duy nhứt của mình sẽ đi về đâu?. Con có buồn, tự tử hay bỏ nhà ra đi biệt xứ, dù con đã báo trước, mặc xác nó. Ông từng khẳng định:

- Nếu ông có kết tình thông gia là phải môn đăng hộ đối hay họ có quyền chức hay cao sang hơn ông cũng được, còn giai cấp nghèo, thấp hèn trong xã hội, đừng hòng kết tình sui gia với ông.

Ông hai tự an ủi, nhớ rõ, đã hết òng hết sức lo chửa trị cho con trai đầu lòng yêu quý, ngoài thuốc Nam thuốc Bắc nhiều tháng. Ông hai còn đưa con chửa trị ở bịnh viện tỉnh lỵ Châu Đốc cũng không thuyên giảm. Qua gần hai tuần nằm điều trị, bịnh viện Châu Đốc không thể chửa trị dứt căn bịnh ung thư quái ác này. Bác sĩ Giám đốc cấp giấy giới thiệu đi bịnh viện Chợ Rẫy, may ra có thuốc đặc trị, chữa hết bịnh hay kéo dài sự sống cho bịnh nhân.

Về lại Bà Bài, như thường lệ, chưa bốn giờ sáng, ông hai thức sớm nấu nước pha trà và châm đầy bịnh thuỷ giữ độ nóng để chốc nữa pha sữa cho con uống khi con thức giấc. Đến hơn năm giờ, cả nhà đều thức, mọi người quan tâm đến bịnh tình của hai Đại, nói theo kiểu bình dân ở nhà quê, thầy  chạy - bác sĩ chạy. Bà con chòm xóm, cô chú dì, cậu ruột của hai Đại cũng đến hỏi thăm sức khoẻ vì đã biết được tin, bịnh viện tỉnh cho về nhà. Ông hai bảo con cháu đưa bàn ghế ra trước sân, ngồi nói chuyện "cho mát". Ông hai dùng từ cho mát, rất tế nhị, nếu con trai mình đã thức, nói chuyện trong nhà, con nghe biết bịnh tình rất nguy kịch thêm tội nghiệp. Ông thuật lại hết những gì bác sĩ, y tá, nhân viên y tế cho ông biết, bịnh ung thư của con ông kể như bó tay, có người còn nhắc gia đình chuẩn bị lo hòm, tang lễ. Ông hai vừa kể vừa khóc làm cho cả nhà đều khóc theo, ông nói còn nước còn tát:

- Tôi sẽ bán một con bò đang cày rất tốt mới có giá và còn mấy chục giạ lúa cũng bán hết gom góp một số tiền để chuyển con lên bịnh viện Chợ Rẫy. Ngày hôm sau, bà con trong thân tộc cũng chung góp được thêm một số tiền nữa. Ông hai cũng đã bán được con bò có giá vì con bò đực này là một trong hai con bò cưng của ông, cày bừa rất tốt, năng xuất cao. Qua ba ngày gom góp có một số tiền khá lớn, trên một trăm, ông hai quyết định ngày hôm sau đưa con đi Sài Gòn và ông chọn thằng mười theo ông dù mới có bảy tuổi, nó lanh lợi, sai vặt rất tốt.

Ba giờ khuya, bắt đầu chèo ghe lườn có mui ra chợ Châu Đốc mua vé xe đi Sài gòn. Đến chợ Châu Đốc gần năm giờ sáng, ông hai đưa tiền bảo con đi nhanh đến bến xe mua ba vé đi Sài gòn, xin ngồi phía trước, sau lưng tài xế vì có người bịnh đau nặng đưa lên bịnh viện Chợ Rẫy. Người bán vé cũng thông cảm điều đình với người mua vé trước xin dời xuống hàng ghế sau mới có đủ ba ghế cho gia đình em bé này. Đúng năm giờ rưỡi, xe chạy tài nhứt đi Sài Gòn.

Lên xe, dành cho Đại hai ghế, đầu nghẽo trên vai ông. Còn thằng mười ngồi trong lòng ông, khi xe chạy dằn, sốc mạnh nó bị tuột xuống sàn xe vẫn tiếp tục ngủ. Con ông tỉnh dậy, ông pha sữa ép con uống, ăn chuối có kèm theo ruột bánh mì. Nhờ có uống sữa, ăn hết một trái chuối và ruột bánh mì mềm dễ ăn nên hai Đại cũng cảm thấy khoẻ, nói thều thào:

- Tội nghiệp Ba quá khổ cực với con, anh vừa nói vừa khóc, con đội ơn Ba. Ông hai vuốt tóc con an ủi, ba có cực gì đâu. Con sẽ được chửa hết bịnh ở Chợ Rẫy vì là bịnh viện tốt nhứt Việt Nam. Ông hai còn muốn động viên thêm tinh thần con còn ham sống, ông kể lại chuyện con Thắm:

- Ba rất cảm kích, con Thắm nó yêu thương con thật lòng. Ba dự định con hết bịnh sẽ cậy mai mối cầu hôn con Thắm cho con một lần nữa. Ba nghe tin, chú ruột con Thắm tiết lộ, ba nó muốn gã cho con một ông thông phán của toà hành chánh tỉnh Châu Đốc. Con Thắm quyết liệt từ chối, không bưng trà ra mời khách và má nó phải nhờ người giúp việc mang trà ra và cáo lỗi vì cháu bị cảm bất ngờ. Tới bữa cơm chiều, ba con Thắm hạch xách nó, mắng chữi nó là đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch. Con Thắm khóc và can đảm thưa với Ba:

- Nếu Ba gã con cho người khác không phải anh hai Đại con sẽ tự tử hoặc bỏ nhà ra đi biệt xứ. Một lần khác, có con ông Hội đồng quản hạt cũng là một đại điền chủ ở Cái Dầu, cách xa Nhà Neo trên dưới ba mươi cây số đường thuỷ. Ông Hội đồng cũng cậy mai mối đến xin "coi mắt" con Thắm. Nó biết trước ba bốn ngày, Thắm bỏ ăn các bữa cơm chiều và buồn lo sanh ra bịnh thiệt nên cái vụ cho con gái mang trà ra đãi khách để bên nhà trai coi mắt, coi cả vóc dáng,  tướng đi nữa, cũng trớt quớt. Ai cũng biết con gái rượu của ông đại điền chủ Nhà Neo xinh đẹp nhứt trong ấp và cũng là đứa con gái duy nhứt có học thức "tốt nghiệp" lớp ba trường làng Vĩnh Tế, Núi Sam. Ông hai vừa thuật lại cho con trai biết tin người yêu của con, ông còn nhấn mạnh:

- Con Thắm chỉ một lòng một dạ yêu thương con. Con trai ông có những giây phút vui vui nhớ Thắm cũng nguôi ngoai tạm quên cái bịnh quái ác hành hạ đau nhức cả ngày đêm. Hai Đại, nước mắt lưng tròng nhớ lại bao lần gặp Thắm đi chợ Núi Sam mua mảo hết cá, rau muống, bông súng, bông điên điển, còn trả tiền gần gấp đôi giá bán, giúp hai Đại cùng chú em về nhà sớm. Thằng mười cũng đã thức nghe hết những gì ba mình nói với anh hai, nó vọt miệng "khai báo":

- Mỗi lần chị hai Thắm gặp anh hai ngồi bán cá và rau. Chị đến mua mảo hết và chị nắm tay con dẫn vào quán nước cho con ăn bánh bao hay hủ tiếu và uống cà phê sữa. Chị hai Thắm còn mua bánh bao, giò chéo quẫy, bánh tiêu không phải mỗi thứ một cái mà có đến ba bốn cái, chị bảo con mang xuống xuồng mà không dám nói cho anh hai vì sợ mang tiếng con gái ông đại điền chủ mua quà bánh cho trai. Vì vậy, khi hai con đi chợ Núi Sam bán cá có mang về quà bánh cho các anh chị con, ai cũng tưởng anh hai con mua, nhưng là quà của chị hai Thắm. Con kính mến chị hai Thắm còn muốn hơn anh hai. Ông hai nói tiếp:

- Trên đời, từng tuổi này, Ba chưa hề biết có một người con gái nào yêu người tình hay vợ yêu thương chồng có sự chung tình cao cả như con hai Thắm, tội nghiệp con nhỏ sanh bất phùng thời. Gặp một người cha hủ lậu, câu nệ, có đầu óc kỳ thị giai cấp giàu nghèo cực kỳ bảo thủ không quan tâm đến nguyện ước, hạnh phúc của con mình.

Sau hơn hai tuần điều trị ở Chợ Rẫy, cũng gặp cảnh thầy chạy, ba cha con lủi thủi trở về quê nhà ấp Bà Bài, chừng bốn ngày sau, hai Đại qua đời ở tuổi hai mươi hai, còn quá trẻ.

Có đến trên năm trăm lượt người đến phúng viếng đám tang hai Đại trong ba ngày, ngần ấy người trông thấy một thanh nữ với khuôn mặt đầm đìa nước mắt, đầu chít khăn tang luôn túc trực trước quan tài ngày đêm. Bên cạnh hai Thắm có thằng mười, em cưng của hai Đại lúc đó cũng sáu bảy tuổi giúp đỡ chị dâu hụt về thức ăn, nước uống hay hướng dẫn chị đi ngoài hay tắm giặt. Đến khuya vắng khách phúng viếng, mẹ chồng mang mùng đến cho con dâu. Thằng mười tiếp giúp chị mang ghế đến cùng chị giăng mùng, nó cũng chui vào ngủ với chị.

Khi chị đi tiễn đưa quan tài đến phần mộ, đi bộ cũng khá xa hơn một cây số, thằng mười chọn một thanh tre chắc vừa tầm để chị Thắm làm gậy chống. Vì ăn ít, mất ngủ nhiều ngày làm cho Thắm gầy rạc yếu sức đi không vững. Một tay Thắm chống gậy, một tay vịn vào vai thằng mười đi đến mộ phần. Thắm mệt lả, ngồi bệt xuống đất, mẹ chồng đến ngồi cạnh con dâu an ủi cũng làm cho Thắm thêm vững tinh thần. Chôn cất xong, mẹ và em chồng luôn đi hai bên dìu Thắm trở về nhà. Mẹ bảo Thắm đi tắm, thay quần áo khác, đưa quần áo cho bà bảo các con gái giặt giúp chị hai. Dẫn Thắm vào buồng ngủ của hai ông bà, bà bảo con dâu nằm nghỉ và bà nói với thằng mười nhờ chị pha cho chị hai một ly sữa nóng. Sau khi uống hết ly sữa, Thắm buồn ngủ nằm xuống ngủ ngay, bà bỏ mùng xuống cùng với thằng mười ra ngoài.

Hai Thắm ngủ một giấc đến bốn giờ, thức dậy cũng gần bữa cơm chiều, thấy thằng mười đang đứng trước cửa buồng, chị hai gọi em mười đến nói chị ngủ một giấc quá ngon đầy giấc nên chị hai bây giờ khoẻ chị lại quá đói. Thằng mười dẫn chị ra khỏi buồng, Thắm đến chào ba mẹ và ngồi cạnh mẹ, ôm mẹ khóc và thưa với mẹ chồng:

- Con sẽ không về nhà con nữa, con ở đây thay anh hai con phụng dưỡng ba mẹ. Thằng mười bưng cơm lên mời chị hai ăn cho lại sức. Chị hai lại nói:

- Chú mười bưng mâm cơm đưa lên bàn thờ anh hai, chị qua thắp nhang cúng anh trước, chị ăn sau. Chỉ một cử chỉ nhỏ của Thắm cúng cơm chồng, đã đốn tim tất cả mọi người trong gia đình. Khi Thắm trở lại ngồi gần mẹ, bà vuốt tóc con mà hai hàng nước mắt đã chảy dài vì bà quá xúc động, cảm kích sự chung tình của con dâu bà. Hai Thắm cũng khóc, lấy khăn mẹ vắt vai lau nước mắt cho mẹ và lau nước mắt cho mình. Thắm lặng lẻ ăn cơm ngon lành vì cả bốn ngày gần như chẳng có cơm cháo trong bụng vì Thắm quá buồn khổ, không tha thiết ăn uống.

Sáng hôm sau, mới chín giờ sáng, má của con Thắm cùng với hai cô gái con của chú ba của Thắm bơi xuồng đến Bà Bài. Bà lên nhà chào ba má hai Đại, thấy có Thắm ngồi bên cạnh mẹ của Đại. Thắm vội vã đứng lên khoanh tay cúi đầu chào mẹ. Má Thắm nói với song thân hai Đại:

- Ba con Thắm ra lệnh như là tối hậu thư, bảo tôi bằng mọi giá phải đem con Thắm về nhà ngày hôm nay. Nếu không có con Thắm về thì tôi cũng phải cuốn gói ra khỏi nhà ngay lập tức. Ba mẹ hai Đại chỉ ngồi nghe mà chưa có lời nào góp ý. Thắm vừa mếu máo khóc vừa thưa với mẹ:

- Con chưa có làm dâu ngày nào phụng dưỡng ba mẹ chồng, nay con muốn thay chồng con trả hiếu nên con xin mẹ cho con ở lại đây phụng dưỡng ba mẹ chồng. Mẹ Thắm cũng khóc:

- Mẹ thông cảm với con, nhưng ba con là người cha độc đóan, khó tánh, ông chỉ biết có ông còn mẹ con mình có phải ra ngủ ở lề đường cũng mặc kệ. Mẹ Thắm xoay qua nhìn thẳng mẹ chồng Thắm, thành thật nói cũng là cách đắc nhân tâm với con gái mình:

- Ngay bây giờ, tôi là mẹ ruột Thắm nói cách nào con cũng không nghe, chỉ còn "mẹ chồng" nó nói, khuyên bảo thì nó sẽ nghe lời. Mẹ chồng Thắm vuốt tóc con, ôn tồn nói với con dâu:

- Mẹ con đã nói hết ý hết lời, con nên suy nghĩ lại. Ba mẹ mất con trai đã buồn khổ, con dâu của mẹ cũng đã buồn khổ. Nay con không về nhà, mẹ ruột lại thêm buồn khổ không ích gì. Tội nghiệp chị sui bị chồng đuổi ra khỏi nhà, con dâu của mẹ lại mang thêm tội bất hiếu với mẹ ruột  mình. Thắm nghe đến đây, oà lên khóc lớn trong tức tưởi nghẹn ngào và thưa với mẹ chồng:

- Ba mẹ cho phép con làm nhanh mâm cơm cúng chồng trước khi con trở về Nhà Neo. Con không còn có dịp trả hiếu cho cha mẹ chồng và cúng cơm cho chồng con tại đây nữa.

Những thức ăn chiều hôm qua, còn gà xé phay, gà xào sả ớt, còn cơm nguội. Thắm cùng với hai em chồng hăm nóng lại, mất chưa tới nửa giờ, Thắm và thằng mười bưng cơm lên cúng anh hai. Thắm đốt nhang cầu nguyện và qùi lạy bốn lạy, thằng mười cũng bắt chước chị dâu cũng đốt nhang quỳ lạy. Chị vuốt tóc em trai khen chú mười ngoan, dễ thương quá, chị hai vét hết trong túi còn mấy đồng cho hết chú mười và nói như báo trước hay lời trăn trối:

- Chị hai sẽ không còn dịp gặp lại em nữa, chúc em luôn ngoan, hiếu hạnh và học giỏi.

Thắm nắm tay em trai dẫn ra bàn và khoanh tay cúi đầu chào cha mẹ chồng và xin phép ba mẹ cho con theo mẹ con về Nhà Neo. Nói xong, hai Thắm vào nhà sau từ giả mấy em chồng và nhiều bà con đến nhà chứng kiến cảnh con dâu cúng cơm chồng xong, theo mẹ về nhà để nhận tội bất hiếu đòn roi mà ba Thắm đã dành sẵn.

Cúng thất đầu tiên tại chùa Bồng Lai, đầu ấp Bà Bài, Thắm và gia đình chú ba cùng vài bạn gái đi đến mộ hai Đại bày lễ vật cúng xong, mang hết thức ăn xuống xuồng đến chùa Bồng Lai.

Mọi người gặp lại tay bắt mặt mừng hỏi thăm sức khỏe nhau. Chú ba và Thắm xin phép song thân hai Đại vào chánh điện làm lễ Phật và đến bàn thờ của hai Đại gần chánh điện mọi người đến thắp hương chỉ có Thắm còn quỳ lạy. Khi ra phòng khách uống trà, Thắm có gởi cúng chùa một số hiện kim và Thắm khẩn khoản ân cần mời ba mẹ chồng xuống ghe lườn cùng về nhà cho đỡ mệt. Thắm báo cáo với ba mẹ chồng, gia đình chú ba, con và bạn có đến mộ cúng anh hai. Nay con mang hết thức ăn về nhà, gia đình chú ba và con kính mời ba mẹ và gia đình cùng ăn bữa cơm trưa nay như là bữa cơm chia tay, con sẽ không có cơ hội gặp lại ba mẹ và gia đình.

Gia đình chú ba và gia đình bên cha mẹ chồng Thắm cũng có nghĩ lời nói của Thắm có gì bất thường và không nghĩ là Thắm bỏ nhà ra đi thật, đúng vào ngày thất thứ hai của hai Đại.

Trên chuyến tàu đi Nam Vang, Thắm đang nằm võng cạnh một bà ăn mặc sang không phải thương lái cũng lên Thủ đô Cao Miên - Pnom Penh và chính bà này đã giới thiệu Thắm vào làm công cho một nhà hàng Việt Nam đông khách. Từ đó Thắm có cuộc đổi đời vĩ đại...

Quả thật con trai và con dâu hụt yêu quý của ông Hai Bà Bài hết lòng trả hiếu, Thắm mua biếu một con bò đực giống tốt cày bừa nhanh khoẻ và chất lượng. Tiền phúng điếu con trai còn dư lại, ông Hai mua hai con bò cái và hai con bò con. Sau hai tháng, thấy bụng cả hai con bò cái càng ngày càng lớn, chứng tỏ có thai. Hai con bò cái sanh hai con bò đực. Chỉ trong vòng sáu tháng sau, từ hai con, nay, ông hai có bày bỏ tám con.

Một may mắn khác, trong ấp có một gia đình nghèo đông con, chồng vừa qua đời, ông hai đến phúng điếu chia buồn. Bà goá phụ dẫn thằng con trai mười lăm tuổi đến và nói:

- Tôi cho cậu thằng con trai này giúp cậu vì cậu có đứa con trai vừa mới mất. Tôi còn hai đứa chị và hai em gái của thằng năm nó đương đệm rất giỏi, cậu mua bàng cho chúng nó đương đệm, bán có lời cậu cho chúng nó tiền công để phụ với tôi lo cái ăn cho chúng. Ông hai gật đầu, tôi rất thông cảm hoàn cảnh nghèo khó. Tôi biếu chị một giạ gạo, bầu bí, chuối, dừa mà bà con đến phúng điếu giúp tôi lo đám tang, nay còn nhiều, tôi san sẻ cho chị.

Còn thằng Năm khi nào muốn đến sống chung với gia đình tôi thì nó cứ đến, tôi rất cần một cháu cở tuổi nó lo chăn mấy con bò, có đến bốn con bò con. Ông hai xoay qua dặn thằng Năm, cháu đến nhà chú ở, cháu chỉ lo trông chừng bò phá ruộng lúa của bà con . Nếu lùa bò cho ăn xa một chút trên một cây số, đất hoang không phải trông chừng nhiều. Cháu có thì giờ nôm cá, chỉa lươn mang về cho gia đình rộng để dành ăn dần. Vùng đất hoang đó mênh mông, cá rùa rắn lươn nhiều vô số kể. Cháu có bạn bè cở tuổi cháu hay lớn hơn, chú cần chừng sáu đứa biết cày bừa càng tốt. Nếu chưa biết, chú chỉ cách tập bừa trước, sau vài tháng tập cày. Ông hai còn dẫn giải, mình cày bừa sau Tết chừng ba tháng, sạ lúa xong đến tháng năm âm lịch là nghỉ ngơi năm sáu tháng cho đến tháng chín tháng mười, ruộng lúa nào khô gặt trước. Người thợ cày bừa đã có tiền công tính bằng lúa có đủ gạo ăn cả năm, lúa còn dư bán lấy tiền tiêu xài trong gia đình. Đến mùa thu hoạch lúa có tiền công khác lại cao hơn tiền công cày bừa vì cực hơn phải làm nhanh lo thu gom lúa. Mùa nước lớn còn gọi là mùa nước nổi từ giữa tháng năm đến tháng chín âm lịch sẽ trở lại mùa khô ráo. Nông dân ấp Bà Bài từ chủ điền đến người làm công, tá điền đều hoan toàn ngơi nghỉ năm sáu tháng vào mùa nước nổi. Nếu ai có đầu óc tổ chức bắt cá vì nước sâu từ Biển Hồ, cá tràn xuống miền tây o62 cu3a xu71 chua2 tha1p tra2n xuo61ng, ca1 cu4ng theo do2ng nu7o1c ve62 ca1c d9o62ng ruo65ng sanh sa3n the6mtha hồ mà giăng câu giăng lưới, làm vó gạc vó càng đặt lờ, đặt lọp cá tôm ăn không hết, may mắn trúng mùa cá làm giàu còn nhanh hơn làm ruộng.

Ông hai và con trai trưởng hai Đại thường bàn bạc khi hai Đại học xong lớp ba trường làng Vĩnh Tế Núi Sam. Nếu muốn học tiếp phải ra học trường tỉnh lỵ Châu Đốc, xa nhà, rất tốn kém.

Qua tuổi mười sáu, hai Đại bắt buộc phải nghỉ học phụ giúp cha mẹ nuôi sáu đứa em nhỏ dại.

Trong ấp Bà Bài, hai Đại là thanh niên duy nhứt giỏi Việt ngữ và cả chữ nho lại đẹp trai, thông minh, giỏi mọi thứ kể cả bắt cá và có ngón đờn kìm hay tuyệt vời.

Một ngày đẹp trời, ông thông phán của Toà Án tỉnh lỵ Châu Đốc, thầy năm Kh. có thư mời ông hai ra nhà gặp ông bàn bạc chuyện làm ăn. Ông hai đã làm tá điền cho ông gần cả chục năm. Nay có con trai lớn biết Việt ngữ và cả chữ nho. Ông dẫn con trai theo khi thảo luận với ông thông phán Kh. muốn ông hai làm đại diện cho ông thu địa tô các tá điền cả ngàn mẫu ruộng vừa có tiền hoa hồng cao hơn nhiều ông làm tá điền. Sở dĩ ông thông phán Kh mời ông hai đảm nhận chức đại diện ông vì ông hai nổi tiếng là lương thiện đạo đức có lòng nhân ái gíup đời. Ông hai lại có võ nghệ cao cường nên Ban Hội Tề xã mời ông giữ chức Hương tuần lo diệt trừ trộm cướp cho cả làng. Thầy năm Kh còn biết ông hai giỏi tiếng Miên, rất thuận tiện tiếp xúc với chánh quyền vì tất cả ruộng lúa mấy ngàn mẫu của thầy năm thuộc tỉnh Tà Keo của Miên. Thầy năm thảo ngay một tờ hợp đồng ngắn gọn ghi công việc ông hai phải làm và quyền lợi của người đại diện hưởng. Nếu gặp khó khăn rắc rối với chánh quyền Miên hay tá điền, ông sẽ giải quyết.

Thằy năm đưa tờ hợp đồng cho ông hai, con trai ông nhận lại từ tay Ba, đọc lớn cho Ba và thầy năm nghe. Ông hai ngồi lắng nghe gục gặc đầu tỏ ý hài lòng. Thầy năm Kh nói:

- Tôi vào trong một chút, hai cha con thảo luận, chốc nữa tôi ra, nếu anh hai đồng ý thì ký ngay.

Thầy năm rất tế nhị thấy hai cha con đi chân đất, ông lấy ra cả chục đôi giày cũ, mới kể cả bốn năm đôi guốc vông đầy cả hai túi bàng. Thầy năm móc túi cho cháu trai hai mươi đồng và bảo cháu đưa ba cháu đi ăn trưa và mua sắm thêm đồ dùng hay thức ăn về cho gia đình. Đại rất thông minh, nhạy bén, đứng lên vòng tay cúi đầu chào và cám ơn thầy năm cho cha con tôi một số tiền lớn và hai túi bàng có hàng chục đôi giày kể cả sandal và guốc, ân đức của thầy năm cha con tôi không bao giờ quên. Thầy năm lấy ra hai đôi sandal cho con trai mang trước một đôi rất vừa và một đôi to rộng hơn dành cho ông hai. Thằng con trai lanh trí lấy mang cho Ba cũng vừa vặn, cài khoá cẩn thận vì lo sợ Ba chưa từng đi giày cũng sẽ lọng cọng có thể đi, chân tuột ra ngoài. Con trai nhanh miệng nói thêm lời cám ơn thầy năm:

- Cha con tôi có sự đổi đời từ bây do ân đức của thầy, cha con tôi ghi khắc trong lòng. Thầy năm thấy mát lòng, móc trong túi còn mười đồng bạc lẻ cho thêm cháu trai.

Ra khỏi nhà, ông hai chưa quen đi giày nên phải nắm vai con đi được vài chục bước mới quen dần. Đến đầu nhà lồng chợ Châu Đốc, hai cha con vào quán ăn, gọi canh chua bạc hà đầu cá lóc, cá rô kho tộ, cá he chiên và và bông điên điển xào tép bạc. Hai cha con ăn một bữa cho phỉ tình thật no nê, quá ngon. Đại còn bàn với ba, có dịp hai cha con đi lên quận Gòi Tà Lập hay tỉnh Tà Keo xin khai khẩn đất hoang, Ba sẽ thành điền chủ hay đại điền chủ chỉ vài năm thôi. Đại tiếp:

- Con có sáu đứa em, gia đình mình có chín người, con đi mua vải tốt may đủ chín bộ bà ba và cả chị phụ bếp, mua thêm năm sáu thước vải thô may quần xà lỏn cho cánh đàn ông kể luôn ba chú đang giúp việc. Con đã mua cho mỗi người một cái khăn bàn mà xài mới có mười đồng. Bữa cơm ăn quá ngon và rất sang đối với dân quê cũng chưa tới hai đồng. Hai Đại còn thưa với Ba, chốc nữa hai cha con mình về gặp nước xuôi sẽ đi nhanh, chỉ có con chèo, ba khỏi bơi tiếp. Con lại quán cơm nhờ họ bán cho mình một bình nước trà ngon kể cả bình và hai cái tách, con mua thêm một ký lô kẹo đậu phộng và một ký thèo lèo cứt chuột để còn ăn mừng, ba uống trà thoải mái. Cha con mình làm một cuộc đổi quá lớn, Ba không còn là tá điền nghèo khổ bị người ta chê không môn đăng hộ đối, không chịu làm sui. Nay gia đình mình thoát cảnh làm tá điền, biết đi ăn sang, có quần áo mới, biết đi giày giép đàng hoàng, đâu còn thua ai?.

Hai Đại đi chợ Núi Sam bán cá, rau muống, bông điên điển, bông súng như thường lệ nhằm mục đích gặp lại Thắm thông báo cho biết tin sốt dẽo. Ba mình, nay lên làm chức đại diện cho ông thông phán, có gần hai ngàn mẫu ruộng trên đất Miên, tiền hoa hồng cao gấp ba bốn lần làm tá điền. Hai Đại đưa cho thằng mười hai đồng dặn kỹ khi chị hai Thắm dẫn em vào ăn. Em mời chị hai ngồi cùng ăn với em và em xin phép chị cho em trả tiền, em mới kể cho chị nghe một tin vui lớn mà em biết, chị và anh hai của em sẽ thành chồng vợ chim liền cánh cây liền cành.

Hai anh em vừa bàn thảo, bổng thấy hai Thắm lại mua cá và dẫn thằng mười vào quán ăn. Thằng mười rất lanh, kéo ghế mời chị hai ngồi, nó nhanh nhẹn đến gặp ông chủ đưa trước một đồng nói bữa ăn sáng nay nó bao chị hai nó, chị trả tiền ông không nhận. Khi ăn xong, còn thiếu tiền hay dư sẽ tính sau. Nó gọi ba tô hủ tiếu, ba ly cà phê sữa. Một tô hủ tiếu và một ly cà phê sữa nhờ tiệm cho người bưng ra ngoài cho ông đang ngồi bán cá gần sát quán ăn. Ông chủ quán tươi cười và nói thằng nhỏ này chịu chơi, ngộ khen nị đó.

Chị dâu hai Thắm của thằng mười vô cùng ngạc nhiên và tò mò muốn biết tin gì mà quan trọng anh hai nó và Thắm sẽ thành vợ chồng. Thắm làm theo lời em, cũng ăn hủ tiếu uống cà phê sữa vừa nhìn thằng mười, chị hỏi:

- Em có tin vui gì kể cho chị nghe. Thằng mười lấy trong túi bàng ra một đôi guốc phụ nữ sơn rất đẹp, có kèm theo quai để riêng và một đôi giép da của phụ nữ, một cái khăn rằn, một khăn bàn để đi tắm, một lố xà bông thơm hiệu Cô Ba mười hai cục. Các món quà của anh hai tặng chị Thắm, thằng mười cho vô bao bàng kín đáo, chốc nữa chị mang về. Thằng mười thấy chị hai Thắm ăn thật tình hết tô hủ tiếu và ly cà phê sữa mới uống một phần ba. Thằng mười mời chị dâu nó uống thêm cà phê để nghe nó kể có cuộc đổi đời to lớn vừa mới bắt đầu với gia đình nó. Thằng mười kể lại tỉ mỉ khi Ba nói cho cả gia đình và bà con biết. Kể từ mùa lúa tới, Ba sẽ làm đại diện chánh thức cho ông thông phán Kh. coi sóc gần cả hai ngàn mẫu ruộng. Anh hai của em được ông thông phán khen đẹp trai, thông minh và nhanh nhẹn. Ban đầu ông cho anh hai, hai chục bằng hai tháng lương của công chức. Sau ông thông phán khen anh hai em đủ điều cho thêm mười đồng nữa. Anh hai sẽ giúp ba làm tốt chức trách đại diện cho ông tiếp xúc với chánh quyền Miên vì Ba nói tiếng Miên như người Miên. Ba và anh hai còn được ông tặng cả chục đôi giày da, ba ta để đi thăm ruộng và sáu bảy đôi sandal mới tinh cùng bốn năm đôi guốc...

Ba và anh hai vào quán ăn kêu bốn món ngon ăn mừng vì tự nhiên có được một số tiền lớn. Anh hai đề nghị với Ba mua vải may nguyên bộ bà ba cho tất cả chín người lớn nhỏ trong gia đình và mỗi người một khăn bàn đi tắm. Mỗi người nam còn may thêm một hay hai ba cái quần đùi kể cả ba người đang giúp việc trong gia đình và chị phụ bếp cũng có quà. Anh hai còn đi mua tặng cho chị mấy món đồ này. Anh hai rất vui kể cho em, anh có tiền mua quà cho chị, anh còn mừng hơn mua vải may chín bộ bà ba cho gia đình kể cả ba má.

Hai Thắm nghe em chồng kể lại tấm lòng của chồng yêu quý mình còn hơn cả gia đình, chị nghe nói mà nước mắt tự nhiên chảy. Thằng mười thọt tay vô túi quần móc ra một cái khăn mu xoa mới cáu cạnh đưa chị hai lau nước mắt và nói, anh hai mới mua cho em. Nay em biếu lại chị hai,  Thắm quá cảm động lại chảy nước mắt vì quá sung sướng có đứa em chồng rất dễ thương.

= Ông chủ quán nói, một đồng của nị đưa hồi nãy chỉ còn thiếu có một cắc, ngộ tặng cho nị luôn, vì nị còn có mua thêm bánh tiêu, giò chéo quẫy và hai cái bánh bao.

 Hai Thắm xách cái giỏ quà, đi lại gần hai Đại, ngồi xuống nói thì thầm:

- Em cám ơn anh hai của em nhiều lắm, em sẽ là người vợ tuyệt đối chung tình của anh. Hai Đại gật đầu và nói anh cám ơn em. Thắm cũng mua hết cá và rau thêm một túi xách nữa. Rất tế nhị, hai Đại bảo thằng mười mang hộ hai túi bàng giúp chị hai về tới nhà chú ba. Chị hai nhờ con chú ba mang giúp một túi bàng qua nhà, em quay lại anh đợi em tại quán này. Anh hai còn đi mua vài ký lô thịt heo và một ký lô thịt bò để gia đình mình cũng có bữa cơm ăn mừng. Hai Đại còn nói muốn cho Thắm nghe, mùa lúa tới gia đình mình sẽ tiến lên. Anh hai có bàn với Ba, khi liên lạc với chánh quyền Miên ở quận Gòi Tà Lập, Ba hỏi thủ tục xin khai khẩn đất hoang, gia đình mình sẽ đốt giai đoạn thành điền chủ và tương lai gần sẽ thành đại điền chủ, thiên hạ không còn xem thường chê gia đình mình nghèo lại đèo bồng muốn kết tình thông gia với giới đại điền chủ. Hai Đại muốn cho người yêu nghe thêm tin tưởng chỉ một hai năm nữa sẽ có đám cưới linh đình của hai người, chỉ riêng các ban đờn ca tài tử có cả chục ban tha hồ đờn ca xướng hát sẽ tạo ấn tựng tốt đẹp có một không hai ở hai xã Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế này.

Hai Thắm cúi đầu chào anh hai và nói em cám ơn anh hai của lòng em, em mãi mãi yêu anh.

Mới đón nhận tin vui hơn một tuần, hai Đại tình cờ thấy trong người khó chịu và hỉ mũi thấy có máu tươi chảy ra nhiều, anh vội lấy khăn tắm chặn máu lại và đi nhanh qua nhà ông chín gần bên. Ông chín là em ruột của bà nội hai Đại, ông không những là thầy thuốc bắc mát tay nổi tiếng nhứt ở hai xã Vĩnh Nguơn và Vĩnh Tế mà vang vọng đến nhiều xã của quận Tịnh Biên thường rước ông đến bắt mạch hốt thuốc.

Hai Đại đi nhanh đến nhà gặp ông chín cúi đầu chào ông, lấy khăn tắm ra khỏi hai lổ mũi thấy máu tươi còn chảy, ông bảo cháu Đại vào nhà gắp, ông lấy hai cái gối kê chồng lên cao trên bộ ván gõ để cháu nằm. Lúc này hai Đại chỉ còn thở bằng miệng vì hai mũi máu đông lại mà máu vẫn còn chảy. Ông chín bảo con cháu đem ra hai cái thau và hai khăn nhỏ ra để ông dùng nước nóng trong bình thuỷ rữa máu trên mũi miệng của cháu, ông còn hối nấu thêm một siêu nước nước sôi nữa để ông có đủ nước lau bên trong lổ mũi. Ông chín dùng bông gòn nhét kín vào hai lỗ mũi cầm máu. Ông lấy thuốc tán có sẵn loại trị chảy máu cam mà trước đây ông thường cho cháu Đại uống. Nay máu mũi ra nhiều quá, ông vội viết ba toa thuốc đưa ông hai, Ba của hai Đại bảo cho người cấp tốc ra chợ Núi Sam bổ ba thang thuốc uống ngày hôm nay cho đến ngày mai coi ra sao sẽ còn thay đổi, thêm hay bớt thuốc sẽ đi bổ sau. Ông hai vội về nhà ra lịnh cho hai người giúp việc chuẩn bị ghe lườn hai chèo chở ông đi chợ Núi Sam gắp bổ thuốc, ông còn mua thêm hai ba bịch bông gòn, thuốc tím sát trùng để lau vết thương. Trong lúc chờ đợi hốt thuốc, ông cho tiền bảo hai người giúp việc ra quán uống cà phê ăn bánh bao. Ông còn đi mua gắp thêm thịt heo về nhà làm thức ăn vì ăn cá hàng ngày, riết rồi cũng ngán, cần thay đổi món ăn.

Sau hơn hai tiếng, trở về đến nhà, ông hai bảo con gái sắc một thang thuốc lường ba chén nước, lửa cháy không lớn, liu riu cho thật tan thuốc, canh còn lại tám phân nghĩa là thấp xuống miệng chén một chút xíu cho anh hai uống liền. Sau đó còn nấu thêm hai lần cho uống tiếp từ chiều đến khuya. Hai Đại cảm thấy khoẻ ăn được một tô cháu trắng với khô cá lóc nướng và ngủ một giấc cho tới mặt trời mọc mới thức dậy. Ông chín qua nhà thăm cháu Đại, thấy cháu khoẻ lại, ông bảo cháu nằm , ông lấy hai miếng bông gòn cũ vứt bỏ và ông dùng nước chín pha thuốc tím, rữa rạch bên ngoài mũi. Ông bảo cháu ngồi dậy dựa lưng vào tường, dùng một cây que tre nhỏ như tăm xỉa rắng, ông quấn bông gòn nhúng vào nước tím lau nhè nhẹ bên trong cho hai lổ mũi thông, hết máu đông giúp thở được bằng mũi và coi xem còn chảy máu nữa không?. May quá, hai mũi lau sạch máu đông, không còn chảy máu nữa. Ông chín nói:

- Hôm nay còn thuốc tiếp tục cho cháu Đại uống và nằm nghỉ ngơi không làm việc gì nặng nhọc, cháu có thể nghỉ ngơi hay đờn giải khuây cho gia đình thưởng thức ngón đờn tuyệt vời của cháu. Đại nghe ông chín nói, dạ lớn và thưa:

- Cháu đội ơn ông chín, cháu cũng ngứa nghề sẽ đờn như giết thì giờ cũng là giải trí dưỡng bịnh.

Sau ba ngày uống thuốc, máu mũi không còn chảy nữa, dù còn yếu mà chú ba của Thắm nhắn tin mời thầy đờn hai Đại ra Nhà Neo hoà tấu cho một ca sĩ nữ từ tỉnh lỵ Châu Đốc vào ca hát với Ban Tài Tử Nhà Neo. Hai Đại chỉ nghe Ban đờn ca tài từ Nhà Neo mời ra đờn thì hai Đại quá vui, cảm thấy hết bịnh vì biết có người yêu đến nhà chú ba thưởng thức tiếng đờn của mình.

Quá phấn khích, hai Đại vội lấy cây đờn kìm đang máng trên vách, đem xuống so dây xong, hai Đại nổi hứng đờn luôn các bản ba nam sáu bắc và những bản vắn như thủ phong nguyệt, trăng thu dạ khúc, hoài tình, tân sái phỉ, sáu câu vọng cổ... làm cho chị bếp mãi thưởng thức tiếng đờn của cậu hai quên nồi cơm khô cháy khét nghẹt mới giựt mình vội tắt lửa. Chị nấu nồi cơm khác, còn nồi cơm khét cho gà và heo ăn mà chẳng bị rầy la gì cả nhà ai cũng mê nghe tiếng đờn của hai Đại. Anh thường đi biểu diễn ở ngoài làm gì có đờn tại nhà, nay, gia đình có dịp nghe quá đã.

Hai Đại nổi hứng như gặp lại người yêu, ngón đờn của anh lại càng thêm mượt mà sâu lắng như có hồn đi thẳng vào tâm thức của mọi người. Gia đình ông chín và cô chú dì ở gần cũng đi đến thưởng thức chật cả nhà. Hai Đại lại càng thêm nổi hứng đờn luôn gần hai tiếng, mệt lã, nghẻo đầu qua thằng mười ngồi kế bên, nhắm mắt lại nghỉ xả hơi. Mẹ bảo con gái pha cho anh hai một ly sữa uống lấy lại sức cho khoẻ còn ăn cơm chiều.

Buổi tối đờn ca tài tử tại nhà chú ba của Thắm ở Nhà Neo, còn ba ngày nữa mà thật sự lúc này sức khoẻ của hai Đại chưa hoàn toàn hồi phục. Nhưng, hai Đại quyết định nhờ một chú em con của cô tư, nhà cạnh bên, giúp chèo ghe lườn nhỏ có mui tránh sương lạnh, đưa hai Đại có thằng mười hộ tống anh ra Nhà Neo tham dự buổi đờn ca tài tử quan trọng có nữ nghệ sĩ ở tỉnh về tham dự. Hai Đại đâu có ngờ, anh tham dự buổi đờn ca lần này là lần cuối cùng của anh trên cõi đời ta bà nhiều khổ luỵ này.

Thắm thuyết phục mẹ cùng đi với Thắm qua nhà chú ba thưởng thức buổi đờn ca đặc biệt có nữ nghệ sĩ của tỉnh vào ca diễn, nhân ba của Thắm, ông nhậu nhiều ngủ sớm. Qua gần một tuần không gặp người yêu bán cá ở chợ Núi Sam, nay thấy anh quá xanh xao. Thắm gọi em chồng vào hỏi, biết anh hai Đại đau nhiều chảy máu mũi dầm dề suốt mấy tiếng, anh lại ăn ít, khó ngủ nên mau xuống sức. Theo lẽ anh hai từ chối đêm đờn ca này vì trong người không khoẻ. Nhưng, biết có chị hai đến thưởng thức, anh tập dượt luôn ba ngày sợ tay yếu đờn không hấp dẫn vì quyết đờn cho chị hai thưởng thức, anh quá vui thích rồi. Thắm nắm tay em gặc gặc hai ba lần và nói:

- Em chuyển lời chị cám ơn anh hai nhiều lắm. Tối nay còn có má chị đến nghe anh hai đờn, chị có kể cho bà biết, ba sẽ làm đại diện chủ điền lớn và còn có ý xin khai khẩn thêm đất hoang trên Miên, giàu không mấy hồi. Má chị nghe mừng quá, như thế anh hai Đại của con sẽ hỏi xin cưới con rất dễ dàng. Má còn nói, tối nay má đến chiêm ngưỡng ngón đờn của con rể bà mà ai cũng khen nức nở. Thằng mười đến gần anh hai nói nhỏ, anh hai vui tươi cười mĩm, hai Thắm từ bên trong nhìn trộm thấy anh hai tươi cười với em chồng làm cho Thắm lại càng thêm vui mừng.

Sau vài bản hoà tấu rất hào hứng, chú ba giới thiệu nữ nghệ sĩ tỉnh ca một bản vắn và bốn câu vọng cổ, vừa chấm dứt mọi người từ nhà trong đến ngoài sân vỗ tay tán thưởng vang dậy. Chú ba nói xin cho ban đờn ca nghỉ giải lao vài phút. Từ trong nhà bưng ra ba dĩa gà xé phay và mấy tô cháo gà, các nghệ sĩ hì hụp ăn để có sức đờn ca cho tới khuya. Riêng thầy đờn hai Đại chỉ húp vài muổng cháo rồi thôi, không có ăn miếng gõi gà nào cả. Hai Thắm biết người yêu mình còn đau còn mệt nên không ăn được nhiều. Thắm lật đật luộc sơ hai hột gà và pha một ly sữa lớn để  người yêu uống còn sức đờn tiếp. Thằng mười đang ngồi ăn cháo bên trong cùng với các con chú ba, chị hai bảo chú mười đem sữa và hột gà ra cho anh hai dùng. Anh hai biết rõ ai là người lo cho anh hai món này. Hai Đại đứng lên nói lớn:

- Tôi còn đau, chưa được khoẻ nên không ăn được gõi gà. Bây giờ có thức ăn bổ dưỡng, tôi xin phép ăn hai hột gà trước và uống vài hớp sữa. Quý nghệ sĩ còn tiếp tục ăn cháo, tôi xin phép đờn một bản nhạc tặng cho người lo giúp sức khoẻ tôi. Mọi người vỗ tay hoan nghênh. Tôi đờn bản Hoài Tình và tôi bạo gan còn ca nữa cũng là lần đầu tiên tôi múa rìu qua mắt thợ, xin người ân của tôi nghe tôi ca dở cũng xin vỗ tay động viên. Tôi chỉ cố gắng ở lại chơi chừng một tiếng nữa phải uống thuốc và xin trở về nhà Bà Bài.

Tiếng đờn của hai Đại cất lên như nghẹn ngào với tiếng ca nhỏ vì đang đau thiếu hơi cũng đủ  làm cho mọi xao xuyến với bản Hoài Tình đầy ý nghĩa muốn nhắn gởi người ân của hai Đại sẽ ghi nhớ mãi kỷ niệm tuyệt vời đêm nay. Mọi người vỗ tay hoan hô, hai Đại lại thêm hứng. đàn tiếp bản Trăng Thu Dạ Khúc dạt dào tính lãng mạn rất độc đáo mùi mẫn. Hai Đại đã đốn tim bà mẹ vợ tương lai và vợ chưa cưới như ngây ngất trong men tình.

Sau khoảng một tiếng, hai Đại xin một ly nước trà nóng và uống thuốc có trong bình thuỷ, thằng mười mang theo và kiếu từ ra về sớm. Thằng mười đỡ sau lưng, chú ba nắm tay hai Đại kéo đứng lên. Hai Đại quay mặt vô trong nói lớn, con xin cám thím ba và gia đình. Con cũng xin cám ơn bác gái, mẹ và cô Thắm cùng tất cả bà con Nhà Neo, nói xong hai Đại cúi đầu và có tiếng vỗ tay vang lớn từ nhà trong. Chú em chèo ghe và thằng mười dìu anh xuống ghe. Con gái chú ba chạy theo đưa đồ ăn đựng một túi bàng lớn cho thằng mười mang xuống ghe.

Từ ngày trình diễn đờn ca ở Nhà Neo có nữ nghệ sĩ tỉnh về dự, hai Đại cứ đau rề rề, không còn đi giăng câu giăng lưới nên không có đi chợ Núi Sam bán cá như trước. Thỉnh thoảng, hai Đại nhận được thơ của Thắm gởi hỏi thăm sức khoẻ và hai Đại cũng cho thằng mười quá giang ghe xuồng ra Nhà Neo mang thơ cho người yêu. Khi có sức khoẻ, hai Đại nhờ em bơi xuồng đưa anh và thằng mười ra Nhà Neo thăm và hoà đờn, ăn cơm cùng chú ba cũng là cách hai Đại gặp lại người yêu. Cả hai gặp nhau chẳng dám nói tỏ tình với nhau chỉ dùng mắt cũng đủ nói lên vạn lời yêu thương tha thiết. Có vài lần Thắm cùng ăn cơm chung với người yêu tại nhà chú ba, Thắm rất vui và vô cùng hạnh phúc có dịp gắp thức ăn cho người yêu.

Thắm thoát qua hơn một năm, Thắm nhận được tin, người yêu trở bịnh nặng, không còn trị thuốc bắc nữa, gia đình chuyển ra chửa trị ở bịnh viện lớn của tỉnh. Bác sĩ giám đốc cho bịnh nhân xuất viện. Khi ghe đi gần tới nhà chị Thắm, thằng mười xin ba cho nó lên báo tin cho con chú ba biết, anh hai bị bịnh nặng, thầy chạy, xin chuyển tin chị hai Thắm. Sáng sớm hôm sau, Thắm cùng với con chú ba và vài người bạn bơi xuồng vào thăm người yêu.

Mấy ngày sau, thằng mười ghé nhà báo tin, chuyển anh hai lên nhà thương Chợ Rẫy ở Sài Gòn. Hai tuần sau, Thắm nhận tin thầy cũng chạy, bịnh ung thư mũi đến thời kỳ cuối hết thuốc chửa.

Về lại quê Bà Bài được có bốn ngày, người yêu của Thắm ra đi và đến ngày cúng thất thứ hai cũng là ngày Thắm bỏ nhà ra đi lên Nam Vang tìm sự sống mới cho quên nỗi sầu khổ đời mình.

Chỉ năm sau sự ra đi về cát bụi của con trai cả và con dâu hụt cũng đã đi biệt xứ. Ông hai theo tâm nguyện của con, ông mua thêm hai con bò cái và hai con bò nghé cũng còn thừa vài chục. Ông tự hứa sẽ lên Tà Keo nộp đơn xin khai khẩn đất hoang gần rạch Cả Hàng sát biên giới với Việt Nam. Số tiền lại còn dư thừa, ông thuê ba đôi trâu, chỉ có bừa ruộng thấp một tháng có thêm đến hàng trăm mẫu ruộng cũng sạ lúa được khi mùa mưa sắp đến, ông sẽ là điền chủ.

Năm đó lại trúng mùa lúa và trúng luôn mùa bắt cá linh, ông phất lên mua thêm bốn sáu con bò đực cày bừa tốt và ba con bò cái, mua sắm thêm cày bừa, ghe xuồng, xe bò. Năm sau có cất một trại ruộng quy mô cạnh kinh Cả Hàng có cả chục căn nhà lá đơn sơ dành cho thợ cày có chỗ ở nghỉ ngơi và dự trù cất thêm nhà dã chiến cho thợ gặt nghỉ qua đêm.

Chỉ năm đầu sau khi con trai ông mất mấy tháng, ông hai có bầy bò tám con. Nhân có tích trữ nhiều lúa vì ông hai vừa làm đại diện cho ông đại điền chủ cỡ bự và tự canh tác riêng. Tới mùa nước nổi, lúa lên giá vùn vụt, ông bán gần hết mấy trăm giạ lúa, có một số tiền lớn, nước giựt xuống, ông mua thêm năm sáu con bò, hai con trâu đực và một con trâu cái.

Mùa lúa năm kế tiếp, ông hai cũng mướn thêm ba đôi trâu bừa một tháng như năm trước và đôi trâu nhà và hai đôi bò chuyên bừa liên tục cho đến sạ lúa xong, còn phải dùng loại bừa nhỏ hơn, bừa sơ lại cho hạt lúa bị chôn vùi trong đất. Còn sáu đôi bò chuyên cày, lúc này được nghỉ bồi dưỡng cho đến qua Tết Nguyên Đán, chờ vào mùa lúa mới.

Ông hai ấp Bà Bài, sau một năm, trở thành điền chủ canh tác ruộng lúa được gần hai trăm mẫu. Năm kế tiếp, ông trở thành đại điền chủ sở hữu đất canh tác cả ngàn mẫu và đến năm thứ ba, tăng lên trên hai ngàn mẫu. Lúc đó, chánh quyền Tà Keo mới cho nhân viên điền thổ đến đo đạc đất canh tác và tính thuế đất. Lúc bấy giờ, ông hai là đại điền chủ có một bầy bò gần sáu mươi con và một bầy trâu trên một chục con. Mỗi năm có thêm hàng chục bò con và vài con trâu con.

Đến năm 1947, cả nước nói chung và ấp Bà Bài nói riêng luôn nhiễu nhương bất ổn khi quân Pháp trở lại Đông Dương. Chẳng may cho ấp Bà Bài, ngoài chiến tranh, còn luôn xảy cảnh ngừời Việt giết người Việt vì tín ngưỡng tôn giáo và đảng phái. Ông hai đại điền chủ ấp Bà Bài và đại gia đình muốn sinh tồn, phải tản cư ra tỉnh lỵ Châu Đốc với cả chục ghe xuồng có cả ghe cà vom, ghe chài to nữa và cùng một đàn bò lên đến 111 con lớn nhỏ. Còn đàn trâu trên một chục con, ông bán đổ bán tháo trước ngày tản cư vì trâu khó nuôi phải có chuồng trại chắc chắn, gần chỗ có nước và chúng hay phá phách hung dữ hơn bò...

Đến năm 1947, mới có năm năm, cơ nghiệp ông xây dựng lên nhanh là có sự đóng góp nhiệt tình tích cực trả hiếu của đứa con trai đầu lòng qua đời và con dâu hụt hai Thắm, tạo tiền đề cho ông hai đại điền chủ ấp Bà Bài thoát cảnh nghèo nàn và ngẫng mặt lên với đời.

Anh Phương Trần Văn Ngà - Mùa vu lan báo hiếu 2023
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn