Cuộc di cư 'sóng gió' của một gia đình Việt ở Ba Lan-những điều chưa kể

Chủ Nhật, 31 Tháng Bảy 20228:00 SA(Xem: 2281)
Cuộc di cư 'sóng gió' của một gia đình Việt ở Ba Lan-những điều chưa kể
Đoan Trang

Trong chuyến đi Đông Âu hồi Tháng Năm 2022, tôi được nghe câu chuyện hơn 20 năm đầy sóng gió của gia đình anh Trọng Đoàn, người Việt di cư sang Ba Lan. Câu chuyện cho thấy thêm một góc nhìn khác: Không chỉ những người miền Nam mới trốn chạy khỏi cộng sản những ngày sau 1975…

Di cư…

Đó là năm 1998, Trọng được một người anh họ đã sang du học từ năm 1984 rồi ở lại, chỉ “đường đi nước bước” cho sang Ba Lan, với chi phí $5,000. Lúc ấy Trọng đã biết có một đường dây buôn người từ Việt Nam sang Đông Âu (Tiệp hoặc Nga), nhưng có phải chung chi cho đường dây ấy không, thì Trọng không đề cập, chỉ kể: “Từ Việt Nam, mình bay sang Tiệp. Từ đây, mình mất gần hai tháng lặn lội rừng sâu để qua được tới Ba Lan. Lúc gặp biên phòng, người ta kêu vứt hộ chiếu, vì không có hộ chiếu thì họ không biết ai là ai. Nhưng mình không vứt.”

Trong-Doan-6
Gia đình anh Trọng Đoàn, cư dân thành phố Krakow, Ba Lan. (ảnh: FB Trọng Đoàn)

Thời gian đầu Trọng cũng như bao người khác, đi bán hàng ở chợ. “Chợ khi đó tồi tàn lắm, như cái chợ cóc ấy, có được xây đẹp đẽ như bây giờ đâu! Mỗi quầy chỉ ngang 2m, dài 2m, và có một tủ sắt,” Trọng kể. Nhưng vì không có miếng giấy lận lưng, nên việc buôn bán của Trọng rất khó khăn. Nghe Trọng nói, hễ cứ nghe thấy ai hô lên “police” là lo “bỏ của chạy lấy người,” rất giống hình ảnh đường phố Sài Gòn lúc chính quyền có phong trào dọn dẹp lòng lề đường, cấm người buôn gánh bán bưng.

Để nhanh có giấy tờ hợp pháp, cũng có người Việt không bán hàng chợ, mà tìm cách cưới giả. Có người thấy một thằng say xỉn bá vơ, cho nó ít tiền đi uống rượu để ra làm giấy tờ kết hôn. Đến khi ly hôn không biết “chồng mình” ở đâu, vì nó là dân bụi, vô gia cư, nay ở chỗ này, mai chỗ khác.

Vào năm 2003, chính phủ Ba Lan có đợt cấp giấy tờ cho người di cư bất hợp pháp, nhưng với điều kiện họ phải sống ở Ba Lan trước năm 1996. “Vụ này cũng ‘thâm cung bí sử’ lắm. Không đủ điều kiện, nhưng mình may mắn được ông anh nhờ người giúp, ký cho cái giấy xác nhận. Và vì nhân đạo nên chính phủ Ba Lan cũng… phiến phiến, cấp cho thẻ định cư, chứ họ dư sức biết mình là ai,” vừa kể Trọng vừa lục ngăn tủ lôi ra một đống thẻ. “Mỗi năm phải làm lại một lần, nên mình còn giữ một xấp thẻ từ năm 2003 đến nay nè.”

Trong-Doan-8
Khu nhà hiện nay gia đình anh Trọng đang sinh sống ở Krakow. (ảnh: Đoan Trang)

Cũng trong năm 2003, Trọng gặp Trà Mi, lúc ấy mới 20 tuổi, sang Ba Lan được ba năm. Trà Mi xinh gái, lại “lửa gần rơm” vì bán hàng chợ chung, sợ đứa khác tán tỉnh mất, Trọng nhanh tay “ẵm” luôn. Lấy vợ xong, Trọng bay sang Thụy Sỹ phụ người bạn làm nhà hàng. Nhưng Thụy Sỹ khó khăn hơn về di trú, nên cứ làm vài tháng Trọng phải về Ba Lan. Hai, ba đợt như thế, cho đến một lần, Trọng bị phát hiện và được “ngồi chơi xơi nước” 48 tiếng do không có giấy phép làm việc. Không muốn cứ mãi sống trong phập phồng, nên Tháng Tám 2013, Trọng trở về Ba Lan luôn.

Trà Mi sanh cho anh đứa con đầu lòng năm 2004 – người mà 18 năm sau có thể làm thay đổi hẳn tình trạng cư trú của vợ chồng anh. Cả vợ lẫn chồng, vì Trà Mi cũng sang Ba Lan mà không có giấy tờ, mà Mi gọi là đi theo “diện bộ đội”. Do bộ đội đi lính, khi xuất ngũ trở về không có miếng giấy lận lưng, nên người đi không có giấy tờ, được gọi giống thế, Trà Mi giải thích.

Bố mẹ của Mi bỏ nhau, mẹ Mi đi Nga, Mi ở với ông bà nội, sau được mẹ lo cho sang Ba Lan. Mi cũng được “di cư” bằng phi cơ, bay thẳng từ Việt Nam sang Nga, rồi sang Ba Lan, nhưng tốn tiền nhiều hơn Trọng: $7,000. “Ấy là do có quen nên người ta bớt cho $1,000, chứ người khác là phải đóng $8,000,” Mi nói.

Trong-Doan-7
Vợ chồng Trọng Đoàn và con gái lớn Đài Trang cùng cậu út William. (ảnh: FB Trọng Đoàn)

Nghèo tiền nghèo bạc, nhưng lại giàu con

Vợ chồng Trọng hiện đang mở một quán ăn ngay cố đô Krakow lấy tên là Thái Hà, ghép từ hai nơi chôn nhau cắt rốn của chồng, quê Thái Bình, vợ người Hà Nội. Nhưng cuộc đời của họ không phải lúc nào cũng bình yên. Đây là quán thứ năm, sau những lần Trọng mở quán bằng phương thức “tay không bắt giặc”.

Trong giải thích “tay không bắt giặc” nghĩa là lấy lại quán “chết lâm sàng”, vực dậy, đến khi khá khá thì đem bán, mua quán khác đang xìu xỉu ển ển, rồi làm cho quán có khách. Cũng có lúc xui, như cái quán thứ tư mới ngoi ngoi một tí thì bị cháy, Trọng bóp bụng bỏ tiền sửa để sang lại cho người khác. Rồi đại dịch COVID-19 ập đến, Trọng phải đi làm thuê, cho đến khi lấy được quán đã “chết ngắc” vì đại dịch, gầy dựng lại và trụ được hơn năm rưỡi nay.

Trong-Doan-2
Nhà hàng Thái Hà ở Krakow của gia đình anh Trọng. (ảnh: Đoan Trang)

“Tôi máu liều, điếc không sợ súng. Vất vả lắm,” Trọng tâm sự. “Đâu có ai biết đi Tây mà cực đến thế. Lắm lúc cũng khổ, nhưng mình không buồn, vì có được một gia tài toàn kim cương, hột xoàn.” Trọng cười rất tươi, chỉ bốn đứa con, khoe ba cô con gái: Đài Trang, 18 tuổi; Bảo Thy,14 tuổi; Bảo Vy, 10 tuổi và cậu út William, hai tuổi. Năm nay Đài Trang đủ tuổi được quyền nộp đơn để lấy quốc tịch, vợ chồng anh khi ấy đương nhiên trở thành người Ba Lan.

Trọng nói người có thẻ định cư, cứ hết ba lần được gia hạn một năm thì ba năm mới phải gia hạn nữa, hết hai lần ba năm thì lên năm năm, sau hai lần năm năm thì xin thi quốc tịch. Tôi ngồi nhẩm tính, thắc mắc, như vậy là Trọng dư thời gian rồi, nhưng sao chưa có quốc tịch. Trọng trả lời ngay: “Chị xem, con cái lúc nhúc thế này, lo ‘cơm áo gạo tiền’ chưa xong, giờ nào học để thi? Mà tiếng Ba Lan thì chỉ nói được… tiếng bồi thôi, chứ có viết lách được gì đâu!”

Trong-Doan-4
Góc Tết trong quán ăn, một chút hương vị quê hương. (ảnh: Đoan Trang)

Chọn nơi này làm quê hương…

Tôi gặp gia đình Trọng, lúc cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn ác liệt. Nhớ lại những ngày đầu chiến tranh, vào hôm 3 Tháng Ba, khi đọc được lời nhắn của Thành trên group Uwaga Người Việt ở Ba Lan cần thiện nguyện viên đi đón 50 người tị nạn, trong đó có nhiều trẻ em, phụ nữ, Trọng xung phong. Đêm ấy, sau khi đóng cửa tiệm, và vội chén cơm, 10 giờ đêm, Trọng để vợ và con nhỏ ở nhà, lái xe ra tận biên giới. 3 giờ sáng anh chở một nhóm người Việt từ biên giới Ukraine về tiệm, dọn thức ăn và sắp xếp cho họ nghỉ ngơi. Qua hôm sau, lại đích thân anh đưa những người này ra bến xe để họ đi sang nước thứ ba.

Được vài chuyến, khi người tị nạn bớt dần, Trọng chuyển sang đi vận động, quyên góp để giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Anh làm độc lập, đến Tháng năm, 2022, thu được khoảng 15,000 zloty (đơn vị tiền tệ ở Ba Lan, người Việt thường quen gọi là “zua”) để giúp đồng bào Ukraine. Trọng làm giấy tờ, sổ sách rất rõ ràng, không sai một đồng nào.

Dù bận rộn với quán ăn, nhưng Trọng sẵn sàng làm cầu nối giữa Warsaw – Krakow, nhận hàng từ Warsaw chuyển xuống, đem đến các cô nhi viện ở Krakow – nơi nuôi dưỡng trẻ em Ukraine mồ côi cha, mẹ trong chiến tranh. Chưa hết, Trọng còn nhận chăm sóc một người con của gia đình Việt bên Ukraine đang học ở Ba Lan, khi bố mẹ cháu này phải chạy tị nạn sang Đức lúc cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra.

Trong-Doan
Trọng Đoàn hiện là chủ một nhà hàng ở Krakow. (ảnh: Đoan Trang)

“Hơn 140 đôi giày thể thao do bạn Hoang Huy Vu tài trợ đã đến được với trẻ em mồ côi tị nạn từ Ukraina sang. Các cháu vui hơn cả Tết. Cảm ơn chị Maja Tạ, anh Trọng Đoàn đã giúp đỡ vận chuyển siêu nhanh,” Hà Thị Huệ Chi, vợ Thành viết trên facebook.

“Đây là quê hương thứ hai của mình, rất thân thương. Nếu chiến tranh xảy ra trên đất nước Ba Lan này, mình sẽ ra chiến trường hoặc làm một việc hậu cần gì đó, khi được kêu gọi,” Trọng khẳng định.

Một khi đã chọn Ba Lan làm quê hương, Trọng không tiếc khi phải bỏ xứ ra đi. “Kể cả sau này có tiền, mình cũng không có ý định trở về, dù có được để lại gia tài, mình từ chối. Mấy chục năm trời, cực như trâu quen rồi. Mình quan niệm cuộc sống vô cùng, thấy ok, đủ sống, không phụ thuộc ai, là được. Mà cuộc đời mình từ trước đến nay toàn ‘tự lực cánh sinh’ thôi. Sống nghèo, cực khổ, nhưng tối về vui đùa với lũ con, cuộc đời thế là sung sướng lắm rồi!”

Tôi mới đọc được câu: “Sống ở trên đời… Đừng đếm số tuổi, hãy đếm niềm vui, đừng đếm nỗi đau, hãy đếm nụ cười!” Chợt thấy Trọng đang có cuộc sống của một người di cư, rất đáng sống.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Thứ Năm, 11 Tháng Giêng 201810:00 CH
Khi số báo đến tay, các bạn đang ở trong những ngày cuối cùng của năm 2017 để bước sang năm mới trong niềm hy vọng về một năm mới tốt lành hơn cho mỗi cá nhân, gia đình,
Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 20187:00 CH
Vốn là người miền Trung, lúc tuổi còn ấu thơ mãi vui đùa với bạn bè trong xóm nên khi bắt đầu vào bậc trung học đệ nhất cấp tôi mới lưu ý đến thành phố Sài Gòn,
Thứ Tư, 10 Tháng Giêng 201810:00 SA
Gõ một mạch, viết đến đâu nước mắt lăn dài đến đó. Xót ông bà ngoại, thương phận mẹ, và tủi cho kiếp mình. Tôi viết để tự nhắc nhở mình phải nhớ lấy lời mẹ dạy
Thứ Hai, 08 Tháng Giêng 20184:45 CH
(HNPD)Ai ngờ tờ báo Anh Ngữ có tên ASIA này là cơ quan truyền thông cuả Cộng Đồng dân Á Châu tại thành phố biển êm đẹp, hiền hoà San Diego cuả tôi.
Thứ Ba, 02 Tháng Giêng 201810:14 SA
(HNPD) Chúng tôi ba đứa đồng tuế ở lứa tuổi 28 năm 1963, độc thân vui tính, cùng phục vụ tại Trung Đoàn 33 Bộ Binh, thân quý nhau như ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (Les Trois Mousquetaires).
Thứ Tư, 27 Tháng Mười Hai 20179:13 SA
(HNPD) Sang định cư ở Mỹ, tại San Diego, Nam California theo diện H.O. 10, năm 1992, gia đình tôi khá đông người, đi được gần hết, chỉ trừ người con trai lớn có gia đình, phải ở lại Việt Nam, đợi gia đình bảo lãnh khi đủ điều kiện.
Thứ Hai, 25 Tháng Mười Hai 20179:00 CH
Charles Jenkins, binh sĩ Mỹ trốn sang Triều Tiên, đã qua đời tại quê vợ ở Nhật Bản vì bệnh tim hôm 11-12, ở tuổi 77.
Thứ Năm, 21 Tháng Mười Hai 201711:00 SA
Tháng Chín 1954, ngôi nhà rộng lớn của nội trở nên trống vắng. Chị vú về quê trên làng Lộc Đại, khách khứa không còn lai vãng, và vườn rau bỏ phế không ai chăm sóc. Cậu Há và thầy Trình đã đưa gia đình di cư vào Nam
Thứ Tư, 20 Tháng Mười Hai 201712:10 SA
(HNPD) Bây giờ hồi tưởng lại, 42 năm viễn xứ, của người Việt tha hương tỵ nạn cộng sản qua mốc thời gian xa xưa, từ năm 1975. Và cá nhân tôi lại xa Sài Gòn lần thứ 3 từ năm 1993 đến nay (2017),...
Thứ Sáu, 15 Tháng Mười Hai 20173:53 SA
Đoạn đường từ Pleiku lên Kon Tum khá giống con đường dẫn lên đỉnh trời, liên tục có những bầu trời bị bỏ rơi lại sau lưng và những bầu trời mới liên tục xuất hiện với những khoang trời rộng,